Thursday, October 27, 2016

Cuộc chiến giữ đất ở Từ Sơn - Bắc Ninh: sẵn sàng đổ máu!

Lê Anh Hùng | VOA| 27.10.2016



Từ Sơn là một thị xã của tỉnh Bắc Ninh, nằm ở cửa ngõ phía bắc thành phố Hà Nội và chỉ cách trung tâm thủ đô chừng 20km. Đây là một trong 2 trung tâm kinh tế - văn hoá - xã hội của tỉnh Bắc Ninh. Nhờ phù sa của hai con sông lớn là sông Đuống và sông Cầu bồi đắp nên hàng trăm năm nay đất đai ở đây màu mỡ, mùa màng tươi tốt.
Với lợi thế về địa lý, cùng sự năng động, tháo vát của người dân địa phương, từ xa xưa Từ Sơn đã là một vùng quê trù phú, phát triển cả về nông nghiệp lẫn thương mại và tiểu thủ công nghiệp. Đây là quê hương của những làng nghề đồ gỗ nổi tiếng cả nước, như Đồng Kỵ, Phù Khê, Hương Mạc, v.v.
Khoảng vài chục năm trở lại đây, nhờ chính sách cởi trói, mở cửa của nhà cầm quyền, Từ Sơn là một trong những địa phương phát triển nhanh về kinh tế trong cả nước. Đất chật, người đông, kinh tế phát triển nhộn nhịp, lại nằm sát nách thủ đô, nên đất đai ở Từ Sơn được ví như “tấc đất, tấc vàng”, đắt ngang ngửa với các thành phố lớn trong cả nước.
Mặc dù có nhiều làng nghề đang tồn tại, nhưng sản xuất kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ vẫn là hoạt động chủ yếu trong các làng nghề ở Từ Sơn, nơi được coi là trung tâm đồ gỗ của Việt Nam. Các loại gỗ quý từ khắp mọi miền đất nước, từ Lào và từ Campuchia cứ nườm nượp đổ về đây. Sau khi qua chế tác thành các sản phẩm mỹ nghệ, chúng lại nối đuôi nhau đi khắp trong và ngoài nước, đặc biệt là Trung Quốc, thị trường chiếm đến 70% đầu ra của đồ gỗ mỹ nghệ Từ Sơn.
Tuy nhiên, khoảng vài năm gần đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh đồ gỗ ở Từ Sơn đã chững lại. Thực tế này bắt nguồn từ một số nguyên nhân khác nhau. Thứ nhất, nguồn gỗ quý trong nước đã cạn kiệt và Thủ tướng Chính phủ đã ra lệnh đóng cửa rừng. Thứ hai, hai nguồn gỗ nguyên liệu chủ yếu cho Việt Nam trong nhiều năm qua là Lào và Campuchia vừa đang trên đà cạn kiệt vừa bị các đầu nậu Trung Quốc thao túng tại chỗ, vì thế lượng gỗ từ hai nguồn này về Việt Nam giảm hẳn và ngày một khan hiếm. Thứ ba, thương lái Trung Quốc vào Việt Nam mua gỗ nguyên liệu với giá cao khiến người Việt không thể chen chân, buộc phải đi đến chỗ ngừng sản xuất. Thứ tư, thương lái Trung Quốc liên kết với nhau để ép giá hàng thành phẩm đến mức thấp nhất có thể, đẩy các doanh nghiệp địa phương vào tình thế buộc phải bán giá rẻ và lâm vào cảnh khó khăn. Người Tàu cứ mặc sức tung hoành ở Từ Sơn như thế đó là quê hương bản quán của họ. Đến Từ Sơn người ta có cảm giác như lọt vào một thành phố Tàu, đâu đâu cũng thấy biển hiệu tiếng Tàu.
Bên trong một ổ gian thương Trung Quốc ở Từ Sơn.
Những năm trước kia, khi kinh tế phát triển, hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra nhộn nhịp, người dân Từ Sơn mải mê “làm hàng” xuất sang Trung Quốc, còn đám quan chức địa phương cùng các doanh nghiệp sân sau của họ thì thi nhau vẽ ra hàng loạt dự án rồi thu hồi đất đai ruộng vườn của dân, hay thậm chí là lấp đến 3/4 con sông Ngũ Huyện Khê, để xây chợ cho thuê, phân lô bán nền.
Tất cả các loại đất công, đất dành cho mục đích giãn dân (đất phần trăm) đều bị thu hồi để thực hiện những dự án dưới cái mác “khu dịch vụ thương mại làng nghề”, nhưng thực chất là xây chợ cho thuê hoặc phân lô bán nền. Những khu đất công thì giá tiền thu hồi, đền bù không đáng kể, trong khi giá đất nền hay tiền thuê ki-ốt lại cao ngất ngưỡng. Phần lớn chi phí doanh nghiệp bỏ ra được “chuyển hoá” thành những khoản “bôi trơn” chảy vào hầu bao của đám quan chức từ cấp xã cho đến cấp tỉnh.
Thực tế trên giải thích tại sao cán bộ ở Từ Sơn nói riêng và Bắc Ninh nói chung đều rất giàu. Cán bộ tầm chủ tịch xã, phường hay trưởng phòng đã thuộc hàng đại gia; cỡ chủ tịch huyện, giám đốc sở trở lên thì được xếp vào hàng ngũ quý tộc; còn lãnh đạo như Bí thư hay Chủ tịch tỉnh đều là bậc vua chúa. Lý do rất đơn giản: họ không sống trong những ngôi nhà bình thường, mà ngự những toà lâu đài nguy nga hay thậm chí cung điện. Người dân Từ Sơn còn kháo nhau chuyện ông cựu Chủ tịch huyện mỗi ngày hút 3 điều xì gà Cuba, trong khi giá mỗi điếu thuốc như thế là 80USD, nghĩa là mỗi tháng riêng tiền xì gà ông ta đốt hết hơn 150 triệu VNĐ.

Ai dám “thanh tra” những dự án do PTT gốc Tàu Hoàng Trung Hải “bảo kê”?
Các khu đất công đều do chính quyền quản lý nên họ thường không biết khi chúng bị “phù phép” để lên tiếng đấu tranh, mà nếu có biết thì tiếng nói phản đối cũng không đáng kể.
Tuy nhiên, khi đụng đến ruộng vườn của người dân thì câu chuyện lại khác. Theo tìm hiểu của chúng tôi, riêng phường Đồng Kỵ có khoảng hơn 600 mẫu đất ruộng thì đã bị thu hồi 400 mẫu. Với khoảng 200 mẫu còn lại, bình quân mỗi nhân khẩu chỉ còn hơn 40m2 đất để canh tác. Người dân ở đây nói với chúng tôi: “Hoạt động sản xuất kinh doanh đồ gỗ bết bát, ruộng vườn lại trở thành thứ gần như duy nhất đem lại sinh kế và hy vọng cho chúng tôi. Thế nhưng, chúng lại bị thu hồi và đền bù với mức giá rẻ mạt, bị chủ đầu tư phù phép chuyển đổi mục đích sử dụng và thu lợi nhuận kếch xù, trong khi người dân lại không được đào tạo chuyển đổi ngành nghề như pháp luật quy định. Mặc dù phần lớn người dân chưa đồng ý với các phương án đền bù nhưng chủ đầu tư là Công ty Nam Hồng và Công ty ITD, với sự hậu thuẫn của chính quyền, công an, vẫn ngang nhiên cho phương tiện cơ giới ồ ạt san lấp. Chúng tôi thực sự bị đẩy đến đường cùng.”

Một cánh đồng tươi tốt ở Đồng Kỵ đang bị san lấp một cách không thương tiếc.
Không chỉ thông qua các dự án kinh tế trá hình, đám tham quan nhũng lại ở Từ Sơn còn núp sau những dự án mang màu sắc công ích hay xã hội khác hòng dễ bề cướp đoạt và chia chác đất đai. Xin dẫn ra vài ví dụ, Trường Cao đẳng Công nghệ Bắc Hà ở xã Tam Sơn là một ngôi trường rộng tới 21ha nhưng lại hiu hắt như chùa Bà Đanh, hay Viện Nghiên cứu Da giày là một cơ quan đã có trụ sở ở Hà Nội nhưng vẫn ngang nhiên giành hơn 13ha đất đai “bờ xôi ruộng mật” của bà con nông dân ở phường Đồng Nguyên để rồi gần như bỏ hoang nhiều năm nay.

Cơ sở 2 của Viện Nghiên cứu Da giày gần như bỏ hoang từ nhiều năm nay.

Bàn chông để chống bọn cướp đất của người dân Từ Sơn.
Những người nông dân Từ Sơn xưa nay vốn hiền lành, chất phác. Trước kia, họ từng một lòng một dạ theo đảng, chấp hành mọi đường lối, chính sách của đảng và nhà nước. Song giờ thì mọi chuyện đã khác. Họ đã nhận ra bản chất bất lương, tham tàn, thối nát đến cùng cực của cả hệ thống chính quyền, từ cấp thôn xã cho đến cấp tỉnh và trung ương. Họ đã ngộ ra rằng van xin bọn cướp ngày hay chống lại chúng bằng những chồng đơn thư dù lên đến hàng tấn cũng vô ích. Họ đã vượt qua được sự sợ hãi và hiểu rằng đoàn kết mới tạo nên sức mạnh. Họ sẵn sàng làm tất cả để chống lại bọn cướp đất đội lốt “đầy tớ nhân dân” và “doanh nhân” kia –  cho dù phải đổ máu./.
*Ảnh trong bài: Lê Anh Hùng

* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
 


Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.





Nguồn: VOA

Friday, October 21, 2016

Giấc mộng Trung Hoa và tương lai Việt Nam

Lê Anh Hùng | VOA| 22.10.2016




Năm 1793, đặc sứ Lord Macartney của vua George III nước Anh đến Bắc Kinh để yết kiến hoàng đế Trung Hoa và đề đạt nguyện vọng thiết lập đại sứ quán ở đây. Viên đặc sứ mang theo một bộ sưu tập quà tặng từ Anh, một quốc gia mới bắt tay vào cuộc cách mạng công nghiệp. Tuy nhiên, hoàng đế Càn Long đã đáp lại thiện chí của vua George III qua bức thư hồi âm như sau: “Thái độ khiêm nhường và phục tùng chân thành của ngài là điều rất dễ nhận thấy”, nhưng chúng tôi lại không có “một nhu cầu nào dù là nhỏ nhất đối với các sản phẩm chế tạo từ nước ngài.”  
Trung Hoa của Càn Long lúc bấy giờ đang ở thời kỳ phát triển cực thịnh, với một nền kinh tế chiếm tới 1/3 GDP toàn cầu, cùng một vùng lãnh thổ quốc gia trải rộng tới 11.000.000km2, so với 9.600.000km2 hiện nay. Năm 1799, sáu năm sau ngày đặc sứ Anh đến Bắc Kinh, Càn Long băng hà sau ba năm nhường ngôi cho con trai và làm thái thượng hoàng. Đây cũng là thời điểm đánh dấu sự đi xuống của Trung Quốc trong bối cảnh các cường quốc phương Tây, với động lực mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp, không ngừng phát triển với tốc độ chóng mặt.

Người Anh trở lại Trung Quốc vào cuối thập niên 1830. Lần này, họ không mang theo quà tặng cho hoàng đế Trung Hoa nữa. Thay vào đó là tàu chiến và súng ống, khởi đầu cho một thời kỳ mà người Trung Quốc vẫn gọi “thế kỷ ô nhục”, kéo dài cho đến đầu thế kỷ 20, trong bối cảnh quốc gia đông dân nhất thế giới này hết bị phương Tây xâu xé lại đến lượt bị Nhật Bản xâm lăng, giày xéo.
Tuy nhiên, kiếp nạn khủng khiếp nhất mà người Trung Quốc từng phải nếm trải lại không phải do ngoại bang mà do chính họ gây ra, khi đất nước này chìm đắm trong bóng đêm của chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa Mao. Số người bị sát hại và và bị chết đói dưới thời gian trị vì của vị “hoàng đế đỏ” Mao Trạch Đông lên tới con số 70 triệu.
Con sư tử thức giấc
Thế rồi, từ đống đổ nát mà Mao Trạch Đông để lại, Trung Quốc đã kịp vươn mình trỗi dậy, trở thành cường quốc kinh tế - quân sự số 2 thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ. Theo ước tính, với tốc độ tăng trưởng hiện nay, chỉ trong vòng 10 năm nữa kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ.
Hơn hai thế kỷ trước, Napoleon Bonaparte từng nói: “Trung Hoa là một con sư tử đang ngủ. Hãy để cho nó ngủ, bởi khi thức giấc, nó sẽ làm thế giới rung chuyển.” Và ngay từ năm 1939, khi Trung Quốc mới bước vào năm thứ 2 của cuộc kháng chiến chống Nhật kéo dài 8 năm, Mao Trạch Đông đã viết trong tác phẩm Cách mạng Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc như sau: “Sau ngày đánh bại Trung Quốc, các nước đế quốc đã chiếm các nước phụ thuộc của Trung Quốc: Nhật chiếm Triều Tiên, Đài Loan, Lưu Cầu, quần đảo Bành Hồ và Lữ Thuận – Anh chiếm Miến Điện, Butan, Hương Cảng – Pháp chiếm An Nam…” Năm 1963, Mao Trạch Đông lại nói với lãnh đạo Việt Nam tại Vũ Hán: “Tôi sẽ làm Chủ tịch 500 triệu bần nông đưa quân xuống Đông Nam Á.”
Sau một thời gian kiên trì áp dụng chiến lược “thao quang dưỡng hối” do lãnh tụ Đặng Tiểu Bình đề xuất – “bình tĩnh quan sát; lập trường vững chắc; bình tĩnh đối phó; che giấu khả năng và chờ đợi thời thế; duy trì ẩn mình; không bao giờ nắm vị trí dẫn đầu” – Trung Quốc không còn thèm che giấu cuồng vọng bành trướng vốn đã chảy trong huyết quản của họ từ thuở “khai thiên lập địa”, trong bối cảnh cường quốc số 1 thế giới là Mỹ bị sa lầy vào hai cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan.
Năm 2009, đô đốc Đô đốc Timothy Keating, tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Châu Á, cho biết là một viên tướng Trung Quốc đã đề nghị với ông rằng hai nước nên chia đôi Thái Bình Dương, Trung Quốc sẽ lo gìn giữ hòa bình từ Hawaii về phía Tây, để cho Hoa Kỳ lo từ Hawaii sang phía Đông.
Năm 2013, China News Service (CNS), cơ quan truyền thông lớn thứ hai Trung Quốc, đã ấn hành tài liệu nhan đề “Sáu cuộc chiến Trung Quốc sẽ tiến hành trong 50 năm tới”. Đó là các cuộc chiến (i) thu hồi Đài Loan; (ii) chiếm các đảo trên Biển Đông; (iii) thu hồi Nam Tây Tạng; (iv) thu hồi quần đảo Điếu Ngư và Ryukyu; (v) xâm lược Mông Cổ; và (vi) thu hồi lãnh thổ bị Nga chiếm đóng.
Đến năm 2015, Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng CSTQ, đã lên tiếng đòi Trung Quốc phải chuẩn bị chiến tranh “hất cẳng” Mỹ để trở thành bá chủ thế giới.
Mới đây nhất, ngày 4/9 vừa qua, Trung Quốc đã gây khó dễ khi đón tiếp Tổng thống Obama đến Hàng Châu dự hội nghị thượng đỉnh G20, điều mà các nhà quan sát coi là hành động có tính toán nhằm hạ thấp hình ảnh và vị thế cường quốc số 1 thế giới của Mỹ.
Tham vọng của Tập Cận Bình
Chỉ vài tuần sau khi tiếp quản ngôi vị Tổng Bí thư Đảng CSTQ từ người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình đã đưa ra học thuyết mới về sự trỗi dậy của Trung Quốc mà ông ta gọi là “giấc mộng Trung Hoa”, kèm theo lời mô tả: “Sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa là giấc mơ lớn nhất của Trung Quốc”.
Để hiện thực hoá “giấc mộng Trung Hoa” đó, ngay sau khi trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, Tập Cận Bình đã bắt tay vào quá trình thâu tóm quyền lực. Và chỉ mới qua nửa nhiệm kỳ đầu tiên, ông ta đã được coi là lãnh tụ Trung Quốc có quyền lực lớn nhất kể từ thời “hoàng đế đỏ” Mao Trạch Đông.
Song song với quá trình thâu tóm quyền lực, họ Tập đã tiến hành cuộc cải cách quân đội triệt để và sâu rộng nhất từ trước đến nay, và Chủ tịch Trung Quốc được truyền thông nhà nước tung hê như một vị “Tổng tư lệnh” với quyền uy tuyệt đối – một chức vụ từ trước tới nay chưa hề có. Nhật báo Libération nhận xét: chống tham nhũng, tăng cường năng lực hải quân và không quân, ông Tập đặt quân đội trong tư thế sẵn sàng để khống chế khu vực và củng cố quyền lực bản thân.
Với tham vọng quyền lực cháy bỏng, Tập Cận Bình đương nhiên sẽ tìm mọi cách để kéo dài thời gian trị vì sau khi đã chễm chệ trên ngôi báu. Đó chính là lý do khiến dư luận Trung Quốc gần đây chưa hết xôn xao về việc Tập Cận Bình cân nhắc bãi bỏ chế độ thường uỷ (7 uỷ viên bộ chính trị nắm giữ quyền lực tối cao), mở đường cho việc chuyển sang thể chế tổng thống, lại đến bàn tán khả năng ông ta sẽ phá vỡ luật bất thành văn để kéo dài nhiệm kỳ hơn 10 năm.
Xem ra “giấc mộng Trung Hoa” không đơn thuần là viễn cảnh mà họ Tập muốn Trung Quốc hướng tới – ông ta còn quyết tâm hiện thực hoá nó ngay trong nhiệm kỳ của mình.
Thế cục Mỹ - Trung ở Châu Á - Thái Bình Dương
Trung Quốc đang nuôi tham vọng trở thành cường quốc số 1 ở Châu Á - Thái Bình Dương trước khi soán ngôi bá chủ thế giới của Hoa Kỳ. Đó là lý do khiến chính quyền của Tổng thống Obama, ngay từ nhiệm kỳ thứ nhất của mình, đã triển khai chiến lược “xoay trục” sang khu vực “sân nhà” của Bắc Kinh.
Hiện nay, Hoa Kỳ vẫn chiếm ưu thế vượt trội về quân sự trong khu vực, nhưng tình hình lại đang thay đổi theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Theo Jeff Smith, giám đốc Chương trình An ninh Châu Á (Asian Security Programs) tại Hội đồng Chính sách Đối ngoại Mỹ (American Foreign Policy Council), Bắc Kinh đã tính toán là ngay bây giờ họ không thể ngăn chặn Mỹ hoạt động trong khu vực, nhưng khi năng lực hải quân của họ tăng lên thì điều đó có thể thay đổi. “Có nhiều thứ gợi lên rằng một ngày nào đó họ sẽ đủ khả năng hạn chế sự lưu thông trên biển của quân đội Mỹ và tin rằng họ có thể làm thế. Vì vậy khả năng về một cuộc đối đầu nào đó là rất thực tế”, Smith nhận định.
Kết cục của cuộc so găng thế kỷ Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng rất lớn, nếu không muốn nói là quyết định, đến tương lai Việt Nam. Chiến lược hiện thời của Trung Quốc là chú trọng tăng cường sức mạnh hải quân và không quân, đặc biệt là tìm cách ngăn chặn các lực lượng hải quân và không quân Hoa Kỳ tiếp cận khu vực thông qua việc sử dụng một mạng lưới các loại vũ khí chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD), từ đó từng bước đẩy Hoa Kỳ ra khỏi khu vực. Tuy nhiên, như chính cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng nhận định, nếu Hoa Kỳ đánh mất vị thế vượt trội ở Châu Á - Thái Bình Dương, họ cũng sẽ mất nó trên phạm vi toàn cầu. Còn Việt Nam lúc đó sẽ trở thành miếng mồi ngon mà các ông chủ Trung Nam Hải sẽ quyết thôn tính hầu thoả khát khao từ ngàn xưa của họ.  
Nhiều người đã liên tưởng Tập Cận Bình với hình ảnh Càn Long thế kỷ 21. Điều đó đang khiến Biển Đông nói riêng và Thái Bình Dương nói chung vốn nổi sóng từ lâu lại càng thêm sôi sục. Việt Nam và Mỹ cần nhau và tìm đến nhau trong bối cảnh ấy. Tuy nhiên, vấn đề của Việt Nam lại không phải là cuồng vọng của Bắc Kinh hay tiềm lực và ý chí của Washington, mà nằm ở chỗ lợi ích của Đảng CSVN ngay từ khi ra đời đã không đồng hành với lợi ích của dân tộc đã sinh thành ra nó.

* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 



Lê AnhHùng

Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.




Nguồn: VOA

Wednesday, October 12, 2016

Hiểm hoạ Formosa Hà Tĩnh cần được giải quyết bằng cách nào?

Lê Anh Hùng | VOA| 11.10.2016



Sáu tháng kể từ thời điểm xuất hiện hiện tượng cá chết hàng loạt dọc theo bờ biển từ Hà Tĩnh cho đến Đà Nẵng, Formosa Hà Tĩnh vẫn tiếp tục là chủ đề nóng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của hàng chục triệu người Việt trong và ngoài nước. Đơn giản, dự án này không chỉ được nhận diện như là một hiểm hoạ về kinh tế và môi trường, điều mà hầu như ai cũng có thể nhận ra, mà bên cạnh ý kiến của rất nhiều nhân sỹ, trí thức, chuyên gia quân sự độc lập, ngay cả Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, nguyên Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN, cũng phải thẳng thắn thừa nhận: “Vụ Formosa tiềm ẩn lâu dài vấn đề quốc phòng - an ninh”.
Sự kiện mới nhất liên quan đến Formosa Hà Tĩnh là cuộc biểu tình rầm rộ của khoảng 10.000 người dân tại Kỳ Anh ngày 2/10 vừa qua, yêu cầu thủ phạm của đại thảm hoạ môi trường này phải chấm dứt hoạt động. Hình ảnh hàng trăm người dân cầm biểu ngữ trèo lên trên bức tường rào của Formosa khiến không ít người liên tưởng đến hình ảnh của 27 năm trước, khi hàng ngàn người dân Đông Đức trèo lên trên bức tường Berlin, biểu tượng của cuộc chiến tranh lạnh, mở đầu cho sự sụp đổ của chế độ cộng sản phi nhân ở Đông Đức và sự thống nhất nước Đức.

Điều này, một mặt, khiến nhiều người tỏ ra lạc quan khi nhìn về tương lai của đất nước, trước sự thức tỉnh của người dân và sự thị uy sức mạnh của quần chúng; mặt khác, lại khiến người ta không khỏi phải đặt ra câu hỏi: Một đại hiểm hoạ về quân sự - kinh tế - môi trường như Formosa nếu không được giải quyết rốt ráo thì vẫn cứ lơ lửng trên đầu dân tộc, đe doạ sự tồn vong của giống nòi, thế mà nhà cầm quyền Việt Nam vẫn hành xử cứ như gà mắc tóc là cớ làm sao?
Lời giải đáp cho câu hỏi này nằm trong bài “Thảm hoạ Formosa Hà Tĩnh: tội ác mang tên Nguyễn Phú Trọng” mà VOA đăng tải ngày 18/8/2016. Trong bài viết, chúng tôi đã khẳng định: “cha đẻ” của Formosa Hà Tĩnh không phải là ai khác mà chính là ông Hoàng Trung Hải, nguyên Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế và hiện là Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội.
Formosa Hà Tĩnh là dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và ông Hoàng Trung Hải là người đã thay mặt Thủ tướng ký hai văn bản quyết định đưa đến sự ra đời của dự án đầy mờ ám này: công văn số 323/TTg-QHQT ngày 4/3/2008 “đồng ý chủ trương cho Tập đoàn công nghiệp nặng Formosa - Đài Loan lập Dự án đầu tư nhà máy liên hợp luyện thép và cảng nước sâu Sơn Dương tại Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh”, và công văn số 869/TTg-QHQT ngày 6/6/2008 “đồng ý việc Tập đoàn công nghiệp nặng Formosa thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương tại Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh”.
Công văn số 323/TTg-QHQT ngày 4/3/2008 do PTT gốc Tàu Hoàng Trung Hải ký.
Tuy nhiên, nếu xét lai lịch Tàu của ông Hoàng Trung Hải (bố ông ta tên là Sì Sói, sinh ra và lớn lên tại Long Khê, Chương Châu, Phúc Kiến, Trung Quốc) cũng như mức độ nguy hiểm của Formosa Hà Tĩnh đối với tương lai dân tộc Việt Nam thì đây lại không phải là trách nhiệm của ngài cựu Phó Thủ tướng. Đúng hơn, đó là một chiến tích ngoạn mục mà ông ta dành cho quê hương Trung Quốc của mình. Vì thế, trách nhiệm đối với hiểm hoạ Formosa Hà Tĩnh cần được quy cho những người đã bao che, dung túng cho “con ngựa thành Troy” Hoàng Trung Hải, một người Hán khai man lý lịch đã chui sâu, leo cao trong bộ máy.
Xét thời điểm ra đời của dự án Formosa Hà Tĩnh, bắt nguồn từ hai quyết định nói trên của ông Hoàng Trung Hải, trách nhiệm cao nhất phải thuộc về ông Nguyễn Phú Trọng.
Ngày 2/8/2007, Quốc hội do ông Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch đã phê chuẩn ông Hoàng Trung Hải làm Phó Thủ tướng theo đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong bối cảnh trước đó gần 3 tháng, ngày 7/5/2007, một số đảng viên cao cấp trong bộ máy đã gửi Tâm Huyết Thư tố cáo ông Hoàng Trung Hải là người Hán khai man lý lịch đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư cùng các vị uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tác giả (trái) và ông Nguyễn Bình Giang, nguyên Uỷ viên TWĐ, Phó ban Thường trực Ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ, người đứng tên trong bức Tâm Huyết Thư tố cáo ông Hoàng Trung Hải là người Hán trá hình.
Ngày 2/12/2012, nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh chính thức được khởi công xây dựng trong bối cảnh ông Hoàng Trung Hải đang bị tố cáo những tội ác khủng khiếp (giết người, buôn bán ma túy, trùm băng đảng, bán tài liệu liên quan đến an ninh quốc gia cho nước ngoài…) kể từ ngày 21/4/2008 nhưng không được giải quyết đúng pháp luật. Đơn thư tố cáo bằng văn bản đã được Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc chuyển cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vào ngày 19/6/2012. Những nhân vật bị tố cáo (Hoàng Trung Hải – Nguyễn Tấn Dũng – Nông Đức Mạnh) đều thuộc diện Bộ Chính trị quản lý nên dĩ nhiên vụ việc phải được đưa ra Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người có tiếng nói cuối cùng trong việc giải quyết vụ việc.
Với tư cách Tổng Bí thư BCHTW Đảng khoá XI, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XII, ông Nguyễn Phú Trọng phải chịu trách nhiệm cao nhất khi ông Hoàng Trung Hải không những không bị xử lý những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng nói trên mà còn trở thành Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội sau Đại hội XII. Đó chính là lý do khiến ông Nguyễn Phú Trọng đã “ngậm hột thị” khi đến “kiểm tra tiến độ” dự án Formosa Hà Tĩnh vào ngày 22/4/2016, trong bối cảnh dư luận trong và ngoài nước đang sục sôi về vụ thảm hoạ môi trường lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Đó cũng là lý do khiến ông ta cùng bộ sậu tìm mọi cách hướng sự chú ý của công chúng khỏi thảm hoạ Formosa Hà Tĩnh, đồng thời ra sức đàn áp những tiếng nói phản đối dự án này.
Tóm lại, muốn xử lý Formosa Hà Tĩnh, trước hết phải xử lý ngài Bí thư Thành uỷ gốc Tàu Hoàng Trung Hải, "cha đẻ" của đại hiểm hoạ quân sự - kinh tế - môi trường mang tên Formosa Hà Tĩnh, và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã và đang ra sức bao che, dung túng cho ông ta. Và muốn xử lý cặp bài trùng Hoàng Trung Hải - Nguyễn Phú Trọng thì phải vạch trần tội ác của bộ đôi này trong Formosa Hà Tĩnh, “tử huyệt” chung của họ.

* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 


Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.




Nguồn: VOA

Wednesday, October 5, 2016

Tham nhũng đất đai ở Bắc Ninh: trắng trợn, tràn lan, khủng khiếp!

Lê Anh Hùng | VOA| 4.10.2016




Nhắc đến Bắc Ninh, người ta thường nhớ đến những làn điệu dân ca quan họ ngọt ngào của một vùng quê trù phú, giàu truyền thống văn hoá và lịch sử bậc nhất đồng bằng Bắc Bộ. Nhưng giờ đây, khi về Bắc Ninh, trong mớ âm thanh ồn ào, hỗn tạp vẫn vang lên hàng ngày, người ta lại nhận ra âm hưởng chủ đạo của nó không còn là những làn điệu quan họ da diết, xao xuyến lòng người, hay khúc hoan ca về đời sống kinh tế vượt lên so với mặt bằng xung quanh, mà thay vào đó là những tiếng ta thán, phẫn nộ của dân chúng về tình trạng tham nhũng trắng trợn, tràn lan diễn ra từ thôn xóm cho đến cấp tỉnh.

Liên tiếp hai ngày 10/8& 19/8vừa qua, một số công dân đại diện cho dân oan cũng như những người dân chống tham nhũng ở Bắc Ninh đã gửi Tâm thư cho một loạt lãnh đạo Đảng và Nhà nước để phản ánh về những sai phạm, tham nhũng của lãnh đạo, chính quyền các cấp ở Bắc Ninh. Trong bức Tâm thư ngày 10/8, các tác giả đã liệt kê một loạt vụ điển hình trong hàng trăm vụ việc mà người dân đã khiếu kiện hàng chục năm qua, diễn ra trên hầu khắp mọi huyện thị trong tỉnh.
Trước lời kêu gọi của bà con, ngày 26/9 vừa qua, chúng tôi đã trực tiếp về thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh để tìm hiểu tình hình thực tế.
Từ Sơn là một vùng đất nổi tiếng với hoạt động sản xuất kinh doanh đồ gỗ. Phần lớn các làng nghề ở đây đều chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, với những “tên tuổi” từ hàng trăm năm qua như Đồng Kỵ, Phù Khê hay Hương Mạc. Nhờ sự phát triển của các làng nghề cũng như sự tháo vát, năng động trong hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân địa phương nên từ lâu Từ Sơn đã trở thành một vùng quê trù phú.
Với mật độ dân số cao gấp 2 lần mức bình quân vùng đồng bằng sông Hồng, gấp 1,8 lần Hải Phòng, gấp 1,2 lần mật độ dân số Hà Nội, đất đai ở Từ Sơn trở thành một thứ tài nguyên đắt đỏ, không thua kém mấy so với các đô thị lớn trong cả nước.
Đất đai ngày càng có giá nên các quan chức ở Bắc Ninh cùng các công ty sân sau của họ thi nhau nặn ra đủ thứ dự án để thu hồi đất đai, ruộng vườn của người dân với giá đền bù rẻ mạt trước khi phân lô và bán với giá cao gấp hàng chục lần so với mức đền bù. Ban đầu, mức giá đền bù thu hồi đất ruộng ở đây chỉ là 40 triệu VNĐ/sào (1 sào = 360m2). Nhờ sự kiên trì đấu tranh của bà con, mức đền bù được nâng lên 320 triệu/sào. Trong khi đó, giá đất phân lô mà chủ đầu tư bán ra “bèo” nhất cũng là 10 triệu VNĐ/m2, thậm chí có những vị trí lên đến trên 50 triệu VNĐ/m2.
Với chế độ sở hữu đất đai mơ hồ, với sự bao che, dung túng của những cái ô khủng ở cấp tỉnh và trung ương, cũng như sự vô cảm, vô trách nhiệm của những người cá nhân hữu trách trong bộ máy, tình trạng tham nhũng đất đai ở Từ Sơn diễn ra hết sức trắng trợn, nghiêm trọng trong suốt nhiều năm qua.
Các quan chức ở Từ Sơn thậm chí còn ngang ngược đến mức cho lấp ¾ sông Ngũ Huyện Khê chảy qua địa bàn thị xã để xây chợ gỗ cho thuê và phân lô bán nền, rồi lại bỏ ra hàng trăm tỷ VNĐ từ ngân sách nhà nước để nạo vét và xây bờ kè ở phía bờ sông đối diện. Theo ước tính của người dân địa phương, chỉ riêng trong “dự án” này, khoản lợi nhuận mà đám quan tham và sân sau của họ thu được cũng đã lên đến hàng nghìn tỷ.
Con sông Ngũ Huyện Khê chảy qua đoạn này trước kia rộng 290m, sau khi bị san lấp (bên trái) chỉ còn chừng 80m. Ảnh: Lê Anh Hùng
Tuy chỉ ghé thăm Từ Sơn, nhưng do bà con đã chuẩn bị nên tại đây chúng tôi được gặp nhiều gương mặt chống tham nhũng tiêu biểu của cả tỉnh Bắc Ninh. Họ đã cung cấp cho chúng tôi nhiều bằng chứng kèm theo đơn thư tố cáo mà họ đã gửi đến các cơ quan chức năng và công bố trên mạng.
Khối lượng đơn thư của bà con ở đây phải lên đến hàng tạ, nhưng chúng cứ chạy lòng vòng từ nơi này sang nơi nọ rồi cuối cùng đều rơi tõm vào im lặng. Thực ra không phải là không có đoàn này đoàn nọ từ trung ương về kiểm tra, nhưng tất cả bọn họ đều được các đối tượng liên quan “săn sóc” tử tế để rồi đâu lại hoàn đấy.
Một cán bộ địa phương cho chúng tôi biết: 98% số người được coi là “đại gia” ở Bắc Ninh (không phải quan chức) là đi lên từ lĩnh vực đất đai. Con số đó cho thấy lợi nhuận siêu khủng của các dự án nhà ở, phát triển hạ tầng, cũng như mức độ tác oai tác quái của đám tham quan cùng các công ty sân sau của họ. Còn quan chức trong bộ máy thì từ chủ tịch xã trở lên đã được xếp vào hàng “đại gia” rồi.

Ruộng đất của dân chưa đền bù xong nhưng các phương tiện thi công của chủ dự án vẫn ngang nhiên tiến hành san lấp. Ảnh: Lê Anh Hùng
Anh Nguyễn Văn Thiểm, cán bộ văn phòng một cửa, UBND xã Đông Thọ, huyện Yên Phong, một công chức dũng cảm lên tiếng chống tham nhũng từ nhiều năm nay, cho chúng tôi biết là riêng bản thân anh trong vòng 3 năm qua đã gửi tới 2 tạ đơn thư. Anh bức xúc nói: “Tôi hiện đang là cán bộ, được đối mặt với các vị lãnh đạo từ cấp xã đến cấp tỉnh, nhưng không ai nói một cái gì [về những đơn thư, vụ việc kia] cả. Nhiều khi tôi cứ nghĩ mình đây là vô chính phủ, quá vô chính phủ, không nằm trong một tổ chức nào, dù danh nghĩa vẫn là công chức, vẫn là đảng viên.”
Một vấn đề nhức nhối khác ở Từ Sơn nói riêng và Bắc Ninh nói chung là nông dân bị thu hồi ruộng vườn thường không được đào tạo để chuyển hướng ngành nghề hay bố trí công ăn việc làm phù hợp sau khi bị tước đoạt tư liệu sản xuất truyền thống. Thị trường xuất khẩu đồ gỗ chủ yếu là Trung Quốc, nên tình hình giá cả rất thất thường, bấp bênh, giống như tất cả các mặt hàng xuất khẩu khác của Việt Nam sang Trung Quốc. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến công ăn việc làm của lực lượng lao động nông nghiệp sau khi bị thu hồi đất.

Tác giả (ngoài cùng bên phải) cùng TS Nguyễn Thanh Giang và cựu Đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang thăm bà con dân oan Bắc Ninh ngày 26/9. Ảnh: Lê Anh Hùng
Một người dân Từ Sơn nói với chúng tôi: “Nếu bây giờ mà xẩy ra chiến sự với Trung Quốc thì khi cầm súng trong tay, đối tượng đầu tiên mà dân chúng ở đây nhằm bắn không phải là kẻ thù từ phương Bắc kia, mà là bọn quan tham, cường hào ác bá mới ở địa phương.”
“Thùng thuốc súng” Bắc Ninh xem ra chỉ còn chờ ngày phát nổ.

* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 


Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.




Nguồn: VOA

Sunday, October 2, 2016

Hoa Kỳ và Trung Quốc đang hướng tới một cuộc chiến trên biển ở Châu Á?

Người dịch: Lê Anh Hùng


Hoa Kỳ thiếu một chiến lược nhất quán nhằm đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy ở Tây Thái Bình Dương. Các chuyên gia về chính sách ngoại giao đặc trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng thiếu một tập hợp ý tưởng cụ thể nhằm ve vãn một Bắc Kinh đang ngày càng tỏ ra quyết đoán đi đến chỗ chấp nhận trật tự thế giới tự do chủ nghĩa hậu Thế chiến II do Mỹ lãnh đạo hoặc để tái khẳng định sự thống trị của Washington trong khu vực.
Người ta ngày càng thấy rõ là Trung Quốc hy vọng sẽ vạch ra lộ trình riêng, độc lập với các cơ cấu phương Tây hiện hành, trong bối cảnh Bắc Kinh tái khẳng định yêu sách của họ trên Biển Đông và tiếp tục xây dựng các đảo nhân tạo trong khu vực. Tuy nhiên, việc các nhà hoạch định chính sách ở Washington sẽ ứng phó với vấn đề này như thế nào thì vẫn là một câu hỏi còn để ngỏ.

Ngày 28/9 vừa qua, Seth Cropsey – nghiên cứu viên cao cấp của Hudson Institute – đã phát biểu trong một cuộc họp tại Center for the National Interest (think-tank chủ quản trang The National Interest) rằng: “Chính sách của Mỹ đã thất bại thảm hại. Hành động của Trung Quốc cho thấy họ coi chúng ta như một đối thủ cạnh tranh chiến lược. Chúng ta lại chọn cách nhìn nhận Trung Quốc như một thị trường lớn có thể bị ve vãn và thuyết phục đi đến chỗ tham gia cùng chúng ta như là người bảo vệ an ninh quốc tế và an ninh kinh tế. Các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ hy vọng là khối lượng giao thương lớn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng tiến bộ kinh tế kèm theo của Trung Quốc sẽ hướng giới cai trị nước này đi đến chỗ nhìn nhận, suy nghĩ và hành động giống với chúng ta hơn. Bằng chứng lại không ủng hộ hy vọng đó.”
Tuy nhiên, trong khi Trung Quốc coi Hoa Kỳ như một đối thủ cạnh tranh chiến lược thì các chuyên gia lại nhất trí rằng một cuộc đối đầu quân sự không phải là kết cục không tránh khỏi. Bắc Kinh hy vọng là họ có thể buộc Hoa Kỳ trên thực tế (de facto) chấp nhận Biển Đông là lãnh thổ của họ. “Tôi không nghĩ là xung đột – trên biển chẳng hạn – giữa Mỹ và Trung Quốc là không tránh khỏi”, Cropsey nói. “Khả năng lớn hơn ở đây là Trung Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực để biến các vùng biển quốc tế ở Biển Hoa Đông và Biển Đông thành lãnh hải.”
Trung Quốc đang áp dụng cách tiếp cận nhiều mũi nhằm ngăn chặn các lực lượng hải quân và không quân Hoa Kỳ tiếp cận khu vực thông qua việc sử dụng một mạng lưới nguỵ tạo gồm các loại vũ khí chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD). Ngoài ra, Bắc Kinh đang tích cực hành động nhằm đe doạ và sách nhiễu các đồng minh của Mỹ trong khu vực, với hy vọng họ sẽ thúc thủ trước những đòi hỏi của Trung Quốc. Tuy vậy, không phải Bắc Kinh chỉ sử dụng các lực lượng quân sự trong nỗ lực nhằm đẩy Hoa Kỳ và đồng minh ra khỏi khu vực. Họ còn sử dụng các lực lượng bán quân sự và “dân quân biển” (maritime militia) nhằm sách nhiễu ngư dân cùng những người khai thác thương mại các tuyến đường biển của các nước khác nhằm mục đích dành quyền kiểm soát trên thực tế (de facto) đối với Biển Hoa Đông và Biển Đông.
“Tôi nghĩ nếu chính sách của Mỹ tiếp tục xem nhẹ thái độ gây hấn ngày càng tăng của Trung Quốc trên các vùng biển quốc tế nằm ngoài vùng duyên hải phía nam của họ thì triển vọng về một Trung Hoa Đại Hán sẽ gia tăng, bởi các bạn bè và đồng minh Châu Á của chúng ta sẽ tìm kiếm những sự dung hoà mới, những đối tác thương mại mới và những dàn xếp an ninh mới”, Cropney nhận định. “Mức độ sẵn sàng của Mỹ trong việc chống lại thách thức Trung Quốc đối với trật tự quốc tế không phải là đang gia tăng.”
Trên thực tế, Cropsey cho rằng sức mạnh trên biển của Mỹ đang co lại và cán cân hải quân ở Tây Thái Bình Dương đang nghiêng theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Quốc hội Mỹ đơn giản là không hiểu được tình hình đã nghiêm trọng đến mức nào, Cropsey nhận xét. Hoa Kỳ phải nhớ tới lợi ích kinh tế to lớn của họ ở Châu Á cùng mạng lưới đồng minh bao quanh những lợi ích đó. “Thay vì khuyến khích Trung Quốc trở thành kẻ nắm giữ lợi ích trong hệ thống quốc tế, mục đích của chúng ta nên là sử dụng ngoại giao, sức mạnh quân sự – kể cả việc tăng cường sự hiện diện – nhằm thuyết phục Trung Quốc rằng chúng ta sẽ bảo vệ trật tự quốc tế… và cuối cùng – do đây là những gì đang đứng trước rủi ro – lợi ích lớn của Mỹ trong việc duy trì vị thế cường quốc hiện hành”, Cropsey nói.
Mặc dù Cropsey gợi ý là Hoa Kỳ hướng tới việc bảo vệ sức mạnh của mình ở Tây Thái Bình Dương, song ông lại không đề xuất bất kỳ một lộ trình cụ thể nào để Washington có thể đạt được những mục tiêu đó. Việc duy trì vị thế quyền lực vượt trội của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương có thể đòi hỏi một đại chiến lược đồng bộ với quy mô như chiến lược NSC-68của Tổng thống Harry S. Truman – vốn xác lập nên phản ứng của Hoa Kỳ trước mối đe doạ Soviet năm 1950. Tuy nhiên, phần lớn cuộc thảo luận lại tập trung vào những vấn đề chính sách cấp thấp liên quan trực tiếp đến quyền tự do hàng hải (FON) ở Biển Đông và quản lý ngư trường.
Jeff Smith, giám đốc Chương trình An ninh Châu Á (Asian Security Programs) tại Hội đồng Chính sách Đối ngoại Mỹ (American Foreign Policy Council) và là người phát biểu cùng Cropsey, phát biểu với cử toạ rằng Trung Quốc bày tỏ lập trường rất rõ ràng là họ không tin quân đội Mỹ cần phải hoạt động ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Bắc Kinh đã tính toán là ngay bây giờ thì họ không thể ngăn chặn Mỹ hoạt động trong khu vực, nhưng khi năng lực hải quân của họ tăng lên thì điều đó có thể thay đổi. “Có nhiều thứ gợi lên rằng một ngày nào đó họ sẽ đủ khả năng hạn chế sự lưu thông trên biển của quân đội Mỹ và tin rằng họ có thể làm thế”, Smith nhận định. “Vì vậy khả năng về một cuộc đối đầu nào đó là rất thực tế.”
Hoa Kỳ – bất chấp thực tế là chưa bao giờ phê chuẩn Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) – vẫn diễn giải là luật quốc tế cho phép tàu chiến của nó hoạt động và tiến hành giám sát trong phạm vi bất kỳ một vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) nào của các nước và đi qua vùng biển chủ quyền 12 hải lý của một nước dưới hình thức “đi qua vô hại” (innocent passage). Cách diễn giải đó nhận được sự thừa nhận rộng rãi của đa số các quốc gia tiếp giáp biển, song Bắc Kinh lại vận dụng một cách diễn giải thiểu số – được chia sẻ bởi khoảng 24 nước – theo đó họ nhấn mạnh việc thông báo trước trước khi tàu chiến nước ngoài có thể hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. “Với các nước khác, họ có thể chuyển đến chúng ta một sự phản đối ngoại giao khi chúng ta hoạt động, bởi chúng ta tiến hành những hoạt động tự do hàng hải này – 18, 19, 20 lần mỗi năm – giữa các quốc gia bạn bè và thù địch mà không phân biệt. Trong khi đó, tàu bè Trung Quốc đã thực sự chạm trán với tàu chiến của chúng ta”, Smith nói. “Sự bất đồng này rất công khai và nó đang trở thành một phép thử của ý chí.”
Hoa Kỳ tin rằng họ có cơ sở pháp lý vững chắc để hoạt động trên những vùng biển mà Trung Quốc khẳng định chủ quyền – điều này lại được củng cố bởi phán quyết của Toà Trọng tài Thường trực ở The Hague (Hà Lan) hồi tháng Bảy. Tuy nhiên, luật quốc tế lại chỉ tiến xa đến mức đó khi phải đối mặt với quyền lực cứng, trong khi Trung Quốc thì đang nỗ lực gấp đôi với các yêu sách của họ – vừa bằng ngôn từ, vừa thông qua sự kết hợp giữa hải quân và cái gọi là dân quân biển. Smith không đưa ra bất kỳ giải pháp nào liên quan đến việc Hoa Kỳ cùng đồng minh cần làm thế nào để thuyết phục Trung Quốc chấp nhận nguyên trạng (status quo) khi quyền lực của nó tăng lên.
Eric Gomez, chuyên gia phân tích chính sách quốc phòng và ngoại giao của Cato Institute và là người tham gia phát biểu Smith và Cropsey, đưa ra một chiến lược tiềm năng để ứng phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy. Gomez đề xuất rằng Hoa Kỳ cần tiết chế các mục tiêu của mình nhằm duy trì tự do hàng hải về thương mại và đảm bảo rằng những tranh chấp lãnh thổ trong khu vực không biến thành chiến tranh nóng. Nếu Hoa Kỳ không thể ngăn chặn những vụ tranh chấp lãnh thổ khỏi trở nên nóng bỏng, họ cần hành động để ngăn Bắc Kinh khỏi giành được vị thế quân sự chi phối ở Đông Á.
Hoa Kỳ cần giảm bớt sự hiện diện của các lực lượng mặt đất trong khu vực, Gomez nói. Những lực lượng mặt đất còn lại cần tập trung vào năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập, chẳng hạn như những khẩu đội tên lửa hành trình chống hạm ven biển, hay lực lượng phòng không và chống tên lửa. Theo Gomez, Hoa Kỳ cần duy trì sự hiện diện hải quân thường xuyên, song cần tập trung ít hơn vào tàu sân bay và nhiều hơn vào chiến tranh tàu ngầm để chú trọng năng lực chống xâm nhập biển. Các hoạt động tự do hàng hải cần tiếp tục diễn ra nhằm phản ứng lại những hành động cụ thể của Trung Quốc, chẳng hạn như quân sự hoá Biển Đông.
“Chống xâm nhập biển với Trung Quốc thì theo hướng tự vệ nhiều hơn và điều đó đem lại lợi thế quân sự cho Hoa Kỳ trong chiến tranh dưới mặt biển và kiểm soát mặt biển”, Gomez nói. “Tôi không nghĩ là chúng ta cần cố gắng xâm nhập qua lớp bảo vệ A2/AD với Trung Quốc và tấn công các mục tiêu trên đại lục. Tôi cho rằng điều đó chứa đựng những rủi ro leo thang rất nghiêm trọng.”
Một chiến lược như thế sẽ tạo ra một vùng biển vô chủ trong khu vực, nơi hai cường quốc có thể thiết lập một nguyên trạng thực tế (de facto status quo), Gomes nhận xét. Điều này cũng sẽ giảm bớt khả năng xẩy ra xung đột mà không buộc Hoa Kỳ phải từ bỏ khu vực. Gomez thừa nhận kế hoạch của ông có thể tạo ra những khu vực chịu ảnh hưởng của các cường quốc trong khu vực và có thể không được dân chúng ủng hộ về chính trị, song quyền lực tương đối của Hoa Kỳ so với Bắc Kinh lại đang trên đà suy giảm.
“Tôi nghĩ là chúng ta cần thừa nhận với chính mình rằng Hoa Kỳ không còn là thế lực thống trị ở Đông Á như nó từng tìm cách theo đuổi nữa, và việc tái xem xét những vấn đề về ngăn chặn quân sự mà không xét đến những quan ngại pháp lý và quy chuẩn như thế này sẽ là một cuộc thảo luận lâu dài và hiệu quả hơn”, Gomez nói. “Tôi không nhìn thấy bất kỳ một lộ trình dễ dàng nào để đưa Trung Quốc tham gia vào trật tự pháp lý và quy chuẩn, trừ phi quý vị có thể dẫn ra một thứ vũ khí ngăn chặn quân sự nào đó.”
*Dave Majumdar là biên tập viên về quốc phòng của The National Interest.