Monday, October 19, 2015

Hoa Kỳ tuần tra Biển Đông: Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào?

Lê Anh Hùng dịch


Thông tin vừa mới được tiết lộ tuần trước rằng Lầu Năm Góc đã báo cho các đồng minh Châu Á là Hải quân Hoa Kỳ sẽ sớm tiến hành hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải ở Biển Đông đã gia tăng căng thẳng trên vùng biển tranh chấp nóng bỏng nhất thế giới. Dự kiến sẽ diễn ra trong vài ngày tới, lần đầu tiên kể từ năm 2012, các tàu hải quân Hoa Kỳ sẽ tuần tra bên trong ranh giới 12 hải lý của ít nhất một trong những hòn đảo gây tranh cãi của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trung Quốc đã phản ứng trước thông tin về hoạt động tuần tra sắp tới bằng cách tuyên bố họ sẽ “không cho phép bất cứ quốc gia nào xâm phạm vùng biển và vùng trời chủ quyền của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa dưới danh nghĩa ‘bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không.’” Tuy nhiên, thứ Ba tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter đã củng cố lập trường cứng rắn hơn của Hoa Kỳ trong khu vực, với tuyên bố rằng Hoa Kỳ “sẽ điều tàu thuyền, máy bay và hoạt động ở bất cứ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép, như chúng tôi vẫn thực hiện trên khắp thế giới, và Biển Đông không phải và sẽ không phải là một ngoại lệ”.

Quả thực, Biển Đông không nên là một ngoại lệ. Hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải trên Biển Đông là hoàn toàn hợp pháp theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS). Điều này được Hoa Kỳ và một số đối tác coi là ngày càng cần thiết nhằm gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Bắc Kinh rằng Hoa Kỳ – và suy rộng ra là phần còn lại của khu vực – sẽ không chấp nhận việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đơn phương đối với Biển Đông, áp đặt tuyên bố chủ quyền một cách hiếu chiến và quân sự hoá các hòn đảo.
Tuy nhiên, hoạt động tuần tra tự do hàng hải cộng với những lời lẽ ngày càng cứng rắn hơn của Mỹ lại đặt Bắc Kinh vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Nếu Hoa Kỳ thực sự tiến hành các cuộc tuần tra, Bắc Kinh sẽ buộc phải vạch ra một lộ trình khó khăn giữa một phản ứng chừng mực, để không làm gia tăng căng thẳng nguy hiểm giữa hai cường quốc, và một phản ứng không tỏ ra yếu đuối trước một công chúng đang ngày càng trở nên dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc.
Ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc trong quảng đại quần chúng đối với ban lãnh đạo Trung Quốc là điều mà Hoa Kỳ nên cân nhắc để xem xét hệ luỵ từ những lời lẽ cứng rắn hơn về Biển Đông. Kể từ năm 1989, để củng cố tính chính danh trong nước, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã dựa vào hai trụ cột song sinh là tăng trưởng kinh tế và chủ nghĩa dân tộc, được khơi dậy bởi việc thận trọng xây dựng một chiến dịch giáo dục lòng yêu nước rộng rãi. Đảng CSTQ đã tích cực thúc đẩy một cuộc hội luận dân tộc chủ nghĩa, trong đó người ta đặt nền văn minh lâu đời và đáng tự hào của Trung Quốc bên cạnh những trải nghiệm đáng hổ thẹn dưới bàn tay các cường quốc thuộc địa trong “thế kỷ ô nhục”. Trên hết, Đảng CSTQ nhấn mạnh vai trò của Đảng trong thành công kinh tế và sự phục hồi vị thế quốc gia suốt 30 năm qua; họ đã thành công trong việc xác định cho mình vị thế người duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ, người bảo vệ chủ quyền và người đấu tranh nhiệt thành cho lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.
Khi người dân Trung Quốc ngày càng tỏ thái độ dân tộc chủ nghĩa đối với vấn đề Biển Đông, bất kỳ hành động “cứng rắn” nào của Mỹ trong khu vực cũng đều khả dĩ gây ra phản ứng mạnh mẽ ở Trung Quốc. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, hay đối mặt với “tình trạng bình thường mới” (new normal) ở Trung Quốc, Đảng CSTQ không thể chấp nhận được việc bị coi là yếu đuối trước bất kỳ hành vi thiếu tôn trọng chủ quyền lãnh thổ nào từ phía Mỹ. Điều này có thể khiến Đảng CSTQ phản ứng cứng rắn như một nỗ lực hòng xoa dịu cơn giận dữ trong nước. Đây sẽ không phải là lần đầu tiên ban lãnh đạo Trung Quốc thay đổi phản ứng chừng mực ban đầu trước những sự cố tương tự nhằm nỗ lực xoa dịu thái độ bất bình của dân chúng. Vụ máy bay do thám EP-3 của Mỹ năm 2001, vụ khoáng sản đất hiếm Senkaku/Điếu Ngư năm 2010 và những căng thẳng leo thang xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư năm 2012 đều là những ví dụ mà người ta dễ nhận thấy. Bất chấp trò thách đố cổ điển đang diễn ra trên Biển Đông, một phản ứng leo thang trước hoạt động tuần tra của Mỹ chắc chắn không nằm trong lợi ích chiến lược của Trung Quốc, ngay cả khi điều đó củng cố tính chính danh trong nước.
Câu châm ngôn của Nicholas Kristof rằng chủ nghĩa dân tộc là một “lực lượng đặc biệt lý thú ở Trung Quốc nếu xét cả tiềm năng trao cho chính phủ tính chính danh lẫn tiềm năng tước đi tính chính danh đó” thích hợp với hoàn cảnh này.
Người ta lập luận đâu đó rằng những nỗ lực quyết đoán của Mỹ sẽ không giải quyết được thách thức Biển Đông. Đúng vậy – tất cả những ngôn từ khiêu khích từ phía Mỹ sẽ kích thích thêm những căng thẳng trong nước mà Đảng CSTQ không thể phớt lờ. Điều này không phải là muốn nói rằng Hoa Kỳ nên ngưng các hoạt động tự do hàng hải. Chắc chắn là Hoa Kỳ cần phải tiến hành hoạt động tuần tra, nhưng nên đảo chiều ngôn ngữ và trung thành với việc nhấn mạnh hoạt động tuần tra là một hoạt động “thường lệ” và phù hợp với luật hàng hải quốc tế. Hoa Kỳ cũng cần giới hạn hoạt động tuần tra quanh những hòn đảo vốn là đảo chìm trước khi Trung Quốc tiến hành hoạt động bồi đắp đại quy mô, chẳng hạn như Đá Vành Khăn (Mischief Reef), nhằm tránh gia tăng căng thẳng ở Trung Quốc xung quanh vấn đề chủ quyền lãnh thổ.
Những bước đi này sẽ là một bước dài trong việc làm dịu một phần, nhưng chắc chắn không phải toàn bộ, sức nóng của những căng thẳng trên Biển Đông và tránh đẩy Bắc Kinh vào một tình thế không đem lại lợi ích cho cả Bắc Kinh lẫn Washington.

No comments:

Post a Comment