Bloomberg| 25.9.2014
Người dịch: Lê Anh Hùng
Chị Đỗ Thị Hiền chỉ tay vào hơn hai chục chiếc máy khâu nằm trong xưởng may cạnh Sông Hồng của mình. Bụi bặm phủ lên ngày một dày trong khi chị đang tìm cách vay vốn để tăng nguồn hàng cho xuất khẩu.
“Tôi đã gõ cửa 4 ngân hàng trong năm nay mà vẫn chưa vay được”, chị nói. “Họ chỉ sẵn sàng cho vay với mức lãi suất cao.”
Công ty của chị Đỗ Thị Hiền (42 tuổi) là một trong số hàng ngàn cơ sở đã cắt giảm hoạt động sản xuất trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu cao hàng đầu Đông Nam Á ở đây đang kìm hãm hoạt động cho vay. Những nỗ lực của chính phủ nhằm làm sạch các ngân hàng đã thất bại trong việc tiếp sinh khí cho tăng trưởng tín dụng, thứ mà các doanh nghiệp sở tại vẫn trông cậy. Điều này đe doạ đến khả năng cung cấp cho các nhà sản xuất Nhật Bản và Trung Quốc, những đối tượng đang chuyển hướng sang Việt Nam như một trung tâm sản xuất.
“Ở Việt Nam, tăng trưởng kinh tế dựa vào tín dụng ngân hàng” – đó là nhận xét của Alan Pham, chuyên gia trưởng kinh tế của VinaCapital Group, quỹ đầu tư lớn nhất Việt Nam ở Tp HCM. “Tăng trưởng tín dụng chậm vì năng lực hấp thu vốn của các doanh nghiệp thấp, còn ngân hàng thì do dự khi cho vay mới bởi quan ngại về các khoản nợ xấu. Chính phủ cần giải quyết cả hai vấn đề này.”
Chín tháng đầu năm nay, GDP của Việt Nam tăng khoảng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, theo đánh giá của một cuộc khảo sát do Bloomberg tiến hành trước khi số liệu chính thức được công bố vào ngày mai. Mục tiêu cả năm của chính phủ là 5,8%, năm thứ 7 liên tiếp mức tăng trưởng dưới 7%. Theo số liệucủa Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đây là chuỗi thời gian dài nhất Việt Nam tăng trưởng dưới mức 7%/năm kể từ thập niên 1980, khi quốc gia này bắt tay vào công cuộc “Đổi Mới”.
Samsung, Intel
Mấy năm gần đây, các nhà chế tạo như Samsung Electronics Co., LG Electronics Inc., Nokia Oyj và Intel Corp đã triển khai hoạt động sản xuất ở Việt Nam khi họ tìm kiếm những lựa chọn thay thế cho Trung Quốc. Theo số liệu mới công bố ngày hôm qua, 9 tháng đầu năm nay giá trị đầu tư nước ngoài đã giải ngân tăng 3,2%, trong đó Hàn Quốc, Hồng Kông và Nhật Bản là ba nhà đầu tư hàng đầu.
Ngay cả khi đầu tư nước ngoài gia tăng, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam cũng chững lại, chỉ đạt 5,82% vào cuối tháng Tám, so với mức 6,44% cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu năm nay của chính phủ là từ 12–14%, và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì liên tục yêu cầu giới chức ngân hàng làm thế nào để các ngân hàng cho vay nhiều hơn với lãi suất thấp hơn.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình phát biểu trong tuần này là sự thiếu tin tưởng giữa các doanh nghiệp và ngân hàng đã góp phần khiến cho tăng trưởng tín dụng chậm lại. Báo Thanh Niên thì đưa tin là Ngân hàng Nhà nước dự định triển khai chương trình thí điểm cho vay không thế chấp dành cho một số doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay.
Ngay cả với những biện pháp này, “hoạt động cho vay của các ngân hàng vẫn chịu sự chi phối của các doanh nghiệp nhà nước”, Eugenia Fabon Victorino, chuyên gia kinh tế của Australia & New Zealand Banking Group Ltd. ở Singapore, nhận định. Điều đó “đang tước đi cú hích về vốn rất cần thiết cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa”.
Những chiếc khuôn nhựa
“Tình hình vẫn rất khó để vay”, Trần Vượng – chủ sở hữu một cơ sở sản xuất ở Bắc Ninh chuyên cung cấp khuôn nhựa cho tập đoàn Canon – cho biết. “Nâng cao chất lượng sản phẩm và bán cho các doanh nghiệp nước ngoài là cách thức duy nhất để tăng trưởng. Chúng tôi cần chính phủ làm nhiều hơn nữa để giúp chúng tôi vay được vốn.”
Tình hình hiện nay đã khác xa so với mức lãi suất 51% năm 2007, nhân tố gây ra hiện tượng lạm phát lên đến 28% năm 2008, thuộc vào loại cao nhất thế giới. Ngân hàng Nhà nước lúc bấy giờ đã hạn chế tăng trưởng tín dụng nhằm ngăn chặn đà tăng giá, ngay cả khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Chính phủ đã thành lập một công ty quản lý tài sản để xử lý nợ xấu, trong khi Ngân hàng Nhà nước thì cắt giảm lãi suất và phá giá đồng nội tệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng. Ngoài ra, chính phủ Việt Nam còn giảm thuế cho một số doanh nghiệp và kéo dài chính sách ưu đãi dành cho các công ty chế tạo nước ngoài.
Mặc dù vậy, theo số liệu của chính phủ, trong 8 tháng đầu năm nay số doanh nghiệp đóng cửa vẫn tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Số doanh nghiệp đăng ký mới thì giảm 10%.
Trở ngại cho tăng trưởng
Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng đã tăng lên đến mức 4,17% hồi cuối tháng Sáu. Tỷ lệ này có thể còn “cao hơn rất nhiều” do thiếu sự phân loại nhất quán cũng như chuẩn mực báo cáo dành cho các ngân hàng, Standard & Poor’s nhận định trong một báo cáo ngày 15.7. Hồi đầu năm, Moody’s Investors Service ước tính tỷ lệ nợ xấu ít nhất là 15%.
Theo Chủ tịch VAMC (Cty Quản lý và khai tác tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam) Nguyễn Quốc Hùng, đến cuối tháng Tám, công ty này đã mua hơn 58 nghìn tỷ VNĐ (tương đương 2,7 tỷ USD) nợ xấu. Nhịp độ mua nợ xấu chậm cũng như việc thiếu một lịch trình cho hoạt động bán nợ và cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vẫn gây ra quan ngại và đang hạn chế tăng trưởng tín dụng, Alan Pham nhận xét.
“Tín dụng có thể tăng trưởng an toàn ở mức 10–12%, mức vừa đủ để tài trợ cho các giao dịch kinh doanh cần thiết và không quá nhiều để gây ra lạm phát”, Alan Pham nói. “Tăng trưởng thấp hơn chừng đó có thể là một trở ngại cho hoạt động kinh tế và tăng trưởng GDP.”
Những con số dự báo bị cắt giảm
Hôm nay, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã giảm dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay xuống 5,5% từ mức 5,6% trước đó, và năm 2015 thì giảm từ 5,8% xuống còn 5,7%.
Trong khi tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm chạp đã làm suy giảm nhu cầu trong nước thì hoạt động xuất khẩu lại là một điểm sáng, với mức tăng 15% năm ngoái và dự báo sẽ tăng 11% trong năm 2014. Triển vọng cho một số nhà xuất khẩu, như chủ doanh nghiệp may mặc Đỗ Thị Hiền, lại kém sáng sủa hơn.
“Một số ngân hàng yêu cầu xem hợp đồng xuất khẩu như một điều kiện để cho vay”, chị Hiền nói. “Nhưng làm sao tôi có thể ký hợp đồng với nhà nhập khẩu nước ngoài khi không biết là mình có thể vay được tiền để gia tăng sản lượng hay không đã.”
Nguồn: Bloomberg
No comments:
Post a Comment