Wednesday, March 19, 2014

BBC Tiếng Việt định hướng dư luận cho Trung Quốc?

Lê Anh Hùng | 19.3.2014

                                                                                                           


BBC Tiếng Việt là một cơ quan truyền thông mà từ lâu đã có nhiều tai tiếng về lối đưa tin theo kiểu “định hướng” dư luận, như thể họ là cánh tay nối dài của Ban Tuyên giáo Đảng CSVN ở hải ngoại vậy.
Mới đây, trang mạng này lại đăng bài “Người Trung Quốc dần ‘quên’ cuộc chiến với Việt Nam”. Bài viết đưa ra những “nhận định” mà theo họ là của một “cộng tác viên BBC người Hoa" khiến không ít người phải “băn khoăn” như: "Người ta đang quên cuộc chiến. Thực ra chính phủ Trung Quốc đã rất thành công trong chuyện làm sao để mọi người quên đi", "Cá nhân tôi cho rằng đó là cuộc chiến giữa hai nhà độc tài: Lê Duẩn và Đặng Tiểu Bình", hay "Bản thân cuộc chiến cũng chưa được làm rõ ràng xem bên nào đúng, bên nào sai. Theo tôi đó không phải là cuộc chiến giữa một bên là công lý và bên kia là bất công”, v.v.

Trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc Đại Hán đang trỗi dậy mạnh mẽ ở Trung Quốc và giới cầm quyền nước này vẫn liên tục trương cơ bắp để hăm doạ các nước láng giềng thì ngay cả những ai ngây thơ nhất cũng khó mà tin nổi rằng “chính phủ Trung Quốc đã rất thành công trong chuyện làm sao để mọi người quên đi” cuộc chiến năm 1979 với Việt Nam, bởi đây chính là thứ “nhiên liệu quý" để “hâm nóng” tinh thần dân tộc của chủ nghĩa Đại Hán. Xin dẫn lời của Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an, trong cuộc phỏng vấn đăng trên báo Thanh Niên ngày 17.2.2013, để độc giả thấy là BBC Tiếng Việt đã bất chấp sự thật để định hướng dư luận có lợi cho Trung Quốc như thế nào:
“Trong khi chúng ta im lặng thì những dịp đó chúng tôi đã thống kê hệ thống phát thanh, truyền hình báo chí của TQ tung ra trung bình từ 600-800 tin, bài với những cái tít gần như có nội dung giống nhau về cái mà họ gọi là ‘cuộc chiến tranh đánh trả tự vệ trước VN’. Có thông tin cho rằng hiện tại có tới trên 90% người dân TQ vẫn quan niệm rằng năm 1979 Quân đội VN đã vượt biên giới sang tấn công TQ và bắt buộc TQ phải tự vệ đánh trả. Từ hàng chục năm nay, hệ thống tuyên truyền của TQ đã nhồi nhét vào đầu người dân TQ rằng cuộc chiến 1979 chỉ là cuộc phản công trước sự xâm lược của VN.
Đây không phải là lần đầu tiên BBC Tiếng Việt tìm cách lèo lái dư luận theo hướng có lợi cho Trung Quốc, kẻ thù truyền kiếp của Việt Nam và luôn lăm le thôn tính đất nước chúng ta. Xin đăng lại nguyên văn một bài viết mà BBC Tiếng Việt từng làm dậy sóng dư luận năm 2010 để độc giả phán xét xem liệu có phải BBC Tiếng Việt là “dư luận viên” của ban lãnh đạo Trung Quốc hay không. (Lưu ý: Tác giả Đỗ Ngọc Bích đã được Ban Biên tập khoác cho một bộ cánh học vị giả hầu tăng thêm “sức thuyết phục” cho bài viết, còn tấm bản đồ thì chỉ còn trơ trọi mỗi Trung Quốc cùng đường lưỡi bò, các nước tranh chấp xung quanh bị xoá hết, hòng gia tăng tính “hợp lý” cho yêu sách của nước này.)

Đỗ Ngọc Bích | BBC Tiếng Việt | 17.4.2010


Một tranh cổ động hải quân Trung Quốc
tại khu vực tranh chấp Hoàng Sa.
Trong vài năm gần đây, người dân Việt Nam, ở trong nước cũng như ở hải ngoại thường lên tiếng bài xích nhà nước cộng sản Việt Nam, bênh vực những blogger dũng cảm đấu tranh vì Hoàng Sa - Trường Sa, rên rỉ rằng nhục quá vì Việt Nam dần dần cứ dâng đất cho Trung Quốc v.v.
Dân Việt Nam ở hải ngoại, đặc biệt là những người thuộc chính quyền Việt Nam Cộng Hòa phải tị nạn sau biến cố tháng 4/1975 'ghét' nhà nước cộng sản Việt Nam và nhà nước cộng sản Trung Quốc từ xưa thì rõ rồi.
Trung quốc đã hỗ trợ Bắc Việt Nam rất lớn trong cuộc chiến tranh Việt Nam, 'đánh bại' người Mỹ và 'lật đổ' chính thể Việt Nam cộng hòa.
Vì vậy không rõ là họ bài xích Việt Nam và Trung Quốc là do sự thù hằn nội chiến đó, hay là thực sự muốn bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, đau xót uất hận khi thấy Việt Nam “mất đất”?
Song những người dân có tri thức ở trong nước, những blogger gần đây gặp vấn đề về chính trị mà phần đông là những thanh niên đầy tâm huyết và lý tưởng thì có lẽ khác.
Họ có vẻ như không bị ảnh hưởng bởi tư tưởng chống Cộng, chỉ đơn giản là yêu nước thôi. Thế mới có chuyện đáng bàn.
Chuyện đáng bàn
Tác giả phản biện các quan điểm được cho
là 'bài xích' Trung Quốc từ trong nước.
Những thanh niên này hầu hết đều lớn lên vào những năm 1980, chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc có điều khiển của nhà nước Việt Nam sau cuộc chiến tranh biên giới 1979, bài xích Trung Quốc, tố cáo Trung Quốc 'hơi nhiều.'
Họ không nhận ra được rằng Việt Nam thực ra cũng là một phần trong da thịt của Trung Quốc, chia sẻ nguồn gốc văn hóa và tư tưởng, và nhận được khá nhiều ân huệ từ Trung Quốc trong suốt hơn 20 năm chiến tranh (1950-1975).
Cho dù Trung quốc giúp Việt Nam là vì tính toán chính trị của họ, được giúp đỡ để chiến thắng cũng là điều tốt mà 'mình nên nhớ'. Câu “yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét cả tông ti họ hàng” trong tình huống này có lẽ đúng.
Điều này làm tôi liên tưởng tới hàng vạn người Trung Quốc trong những năm 1990 đã là nạn nhân của cái gọi là "state-controlled nationalism" (chủ nghĩa dân tộc có sự điều khiển) khi họ đấu tranh lên án Nhật vì những điều đã xảy ra trong chiến tranh thế giới thứ II, đòi công bằng và chủ quyền với Nhật Bản.
Họ cũng đã bị công an Trung Quốc đàn áp, bịt miệng vì khi đó nội các Trung Quốc đang muốn giải quyết “ngoại giao cấp cao” với Nhật Bản và không muốn làm mất lòng các nhà đầu tư Nhật Bản.
Những thanh niên đó đã quá bị ảnh hưởng bởi tư tưởng chống Nhật trong Trung Quốc những năm dưới quyền Mao.
Khi tình hình đất nước thay đổi, họ không thay đổi kịp. Mao đã từng tuyên truyền rằng trong vụ thảm sát Nam kinh, hàng chục vạn người Trung Quốc đã bị giết, nhưng gần đây con số thống kê đó đã được đem ra xem xét lại về tính xác thực của nó.
Những blogger của Việt Nam bị bắt giữ gần đây cũng vậy. Họ không thích nghi theo kịp được môi trường ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc trong những năm 1990, vẫn tiếp tục sống trong cái “anti-China nationalism” (chủ nghĩa dân tộc chống Trung Quốc hay bài Trung) của những năm 1980.
Câu hỏi đặt ra
Bản đồ hình 'lưỡi bò' được cho là bằng chứng về chiến lược
và tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Có một câu hỏi đặt ra là “Tại sao người dân thanh niên trí thức Việt nam có tư tưởng phê phán, sẵn sàng nghi ngờ, bác bỏ những điều mà nhà nước Việt Nam đang tuyên bố và thi hành, mà lại không sẵn sàng phê phán chính hiểu biết về lịch sử của họ hay những điều mà nhà nước Việt Nam tuyên bố và thi hành từ 50 năm trở lại đây?”
Chúng ta quen nghe “Lịch sử Việt Nam 4.000 năm dựng nước,” liệu có bao giờ tự hỏi xem cái con số 4.000 ngàn năm ấy lấy ở đâu ra? Liệu có đúng như vậy không? Mảnh đất Việt nam có hình thù thế nào trước thời Triệu Vương?
Một thực tế là lịch sử Việt Nam suốt hơn 2.000 năm từ thời Triệu Đà đến thời Nguyễn, cho dù thỉnh thoảng có tuyên bố "Sông núi nước Nam, Vua Nam ở," thì Việt Nam vẫn luôn là một phần của Trung Quốc.
Người dân Việt Nam bắt nguồn từ Trung Quốc, Vua của Việt Nam cũng khởi tổ từ người Trung Quốc, coi vua Trung Quốc như anh như cha... từ Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, hay Lý Công Uẩn, rồi các gia tộc họ Trần, Lê, Nguyễn, v.v...
Chúng ta đã bao giờ tự hỏi mình xem lịch sử Việt Nam mà chúng ta học có đúng là lịch sử không?
Những blogger đấu tranh cho chủ quyền lãnh thổ đã bao giờ đọc Đại Việt Sử Ký (Lê Văn Hưu), Đại Việt Sử Lược (tác giả khuyết danh thời Trần), hay Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (Ngô Sĩ Liên), hay Việt Nam Sử Lược (Trần Trọng Kim,) ở dạng nguyên bản, chưa qua biên soạn, cắt xén chưa?
Họ tin rằng Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam trên cơ sở nào, hay chỉ biết thế từ sách giáo khoa lịch sử Việt Nam và từ các thông tin trên đài báo chính thống của Việt Nam lưu hành từ sau năm 1975?
Từ khi nào?
Một cuộc biểu tình của thanh niên trong nước đòi
chủ quyền của VN tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Chúng ta coi Trường Sa và Hoàng sa thuộc về Việt Nam từ khi nào?
Hiệp ước Tự Đức hiến đất Cochinchina cho Pháp (1862), Hiệp ước nhà Thanh thỏa hiệp với Pháp về quyền cai trị An-nam và Ton-kin (1885), hay các tuyên ngôn độc lập tự chủ sau này có nhắc đến chủ quyền của mấy cái đảo ấy không?
Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa có bao giờ tuyên ngôn chủ quyền các đảo đó không, hay chỉ mãi đến năm 1974 mới điều hải quân ra trấn giữ và bảo vệ? Chúng ta đã bao giờ dành thời gian nghiên cứu xác nhận thông tin trước khi đấu tranh đòi chủ quyền chưa nhỉ?
Chỉ biết là bắt đầu từ đầu thập niên 1970, khi giá trị của dầu mỏ trở nên rõ ràng, khi thông tin về trữ lượng dầu ở mấy đảo đó được xác nhận, và người ta nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng sân bay, điểm cất cánh trung chuyển và căn cứ quân sự ở Đông Nam Á, thì một loạt 6, 7 nước cùng xông vào nhận nó là của mình với những “bằng chứng lịch sử” đáng ngờ.
Xét cho cùng, đất nước Việt Nam, lãnh thổ Việt Nam hiện nay có được là nhờ sự “mở mang bờ cõi” Nam tiến vào lãnh thổ Chiêm Thành, Khơ-me.
Lịch sử là vậy, đất đai dân cư di dời, sở hữu chuyển đổi, do thỏa thuận cũng như do xâm lấn.
Rút cục, có thể nói chủ nghĩa dân tộc mù quáng đôi khi cũng tai hại không kém gì chủ nghĩa bành trướng đế quốc vậy.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả. Bà Đỗ Ngọc Bích đã hoàn tất chương trình tiến sĩ môn Hoa Kỳ Học của Đại Học Hawaii, hiện đang sống ở New Haven và chuẩn bị bảo vệ luận án, trong khi tham gia giảng dạy tiếng Việt ở Trung Tâm Ngôn Ngữ và dịch tài liệu lịch sử cho khoa Lịch sử, ĐH Yale.
Cho đến ngày 20/04, trang web BBC Việt Ngữ đã nhận được nhiều ý kiến, và một số bài viết riêng phản bác lại quan điểm của bà Đỗ Ngọc Bích. Chúng tôi sẽ đăng dần các bài đó lên trang Diễn đàn trong những ngày tới. Ban biên tập xin cáo lỗi vì sự thiếu chính xác trong phần phụ chú về học vị của tác giả trong lần đăng bài đầu tiên.

3 comments:

  1. Tôi không muốn trở thành kẻ vô ơn đối với BBC bởi cũng chính vì ngày trước, nhờ những thông tin đa chiều của BBC đã thức tỉnh đầu óc mụ mị của tôi, mở cho tôi cánh cửa nhìn cuộc sống theo nhiều chiều khác nhau. Tập cho tôi cách để phản ứng khi đối diện với những thông tin khác biệt.
    Nhưng đó là BBC của thời những Hồng Liên, Lê Phan, Nguyễn Khiêm... Đến Nguyễn Giang thì BBC tiếng Việt ngày càng tệ. Tôi không muốn nghi ngờ nhưng hình ảnh của Nguyễn Giang trong một bản tin truyền hình trực tiếp của BBC-World Services về chuyến bay MH370 Malaysia mất tích cứ ám ảnh trong đầu. Tôi cứ tưởng một trưởng ban của một đài như BBC phải là người phát âm tiếng anh nếu không được như dân bản xứ thì cũng phải được đến 80, 90%. Không, một Nguyễn Giang với giọng phát âm y hệt một anh chàng phóng viên VTV hay VOV trong nước vậy. Không rõ đây có phải là chất lượng chung của BBC world services hay không nữa. Nó khiến tôi không còn thích coi BBC nữa mà chuyển qua CNN.
    Chẳng hay vì lý do đó nên gần đây BBC Tiếng Việt thường bị độc giả trong nước tẩy chay, nghi ngờ có sự cài cắm gián điệp của an ninh VN?

    ReplyDelete
  2. Đỗ Thị Ngọc Bích nên sống bằng nghề "khai thác những tài nguyên sẵn có" bán cho Tàu thì tốt hơn. Đại đa số người Việt buồn nôn vì giọng điệu của Thị.

    ReplyDelete