Tuesday, March 18, 2014

Lào Cai: “Tử huyệt” của phòng tuyến biên giới phía bắc?

Lê Anh Hùng | VOA | 17.3.2014




35 năm trước, dải đất biên cương phía bắc Việt Nam trở thành nơi chứng kiến một trang đau thương của lịch sử dân tộc: hàng chục ngàn chiến sỹ, đồng bào đã ngã xuống trong cuộc chiến khốc liệt chống quân Trung Quốc xâm lược và bảo vệ Tổ quốc.
35 năm sau, giữa lúc Trung Quốc không ngừng “diễu võ giương oai” và không còn thèm che dấu cuồng vọng bá quyền, giữa lúc nhà cầm quyền Việt Nam tỏ ra ươn hèn và bạc nhược khi chịu sự sai khiến của kẻ thù ngăn cản người dân tổ chức tưởng niệm cuộc chiến đẫm máu đó, những người Việt Nam đau đáu với vận mệnh dân tộc nhìn về miền biên ải mà không khỏi chua chát khi chứng kiến những gì đang diễn ra ở đây.
Trong cuộc xâm lược của Trung Quốc năm 1979, Lào Cai là hướng tấn công chính của cánh quân phía tây, với hai quân đoàn 13A và 11A (trong tổng cộng 9 quân đoàn) đánh vào thị xã Lào Cai. Và tuy đến ngày 22.2.1979, quân Trung Quốc đã chiếm được thị xã Lào Cai nhưng chúng cũng phải gánh chịu thiệt hại rất nặng nề ở đây: quân dân Lào Cai đã tiêu diệt 11.500 lính TQ, phá hủy 66 xe tăng, thiết giáp và 189 xe quân sự, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 4 tiểu đoàn.
Đó là câu chuyện của 35 năm trước. Còn giờ đây, với những gì đã và đang diễn ra trên mảnh đất biên cương này nhiều năm qua, người ta ngày càng có cảm tưởng rằng Lào Cai là một tỉnh của Trung Quốc trên đất Việt Nam.
Cửa ngõ chính của nạn chảy máu khoáng sản từ Việt Nam sang Trung Quốc
Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 11.1.2013 đăng bài “Tiếp tục thất thoát tài nguyên”, trong đó viết:
Tại các tỉnh như Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn đều có khá nhiều mỏ sắt, chì, kẽm, thiếc… Trong đó, nhiều mỏ đã được quy hoạch khai thác và bảo vệ, song nhiều khu vực gần như lộ thiên, không được quản lý nên người dân đang thi nhau khai thác, thu gom bán cho “đầu nậu” quặng để kiếm lời. Sau đó, một lượng nhỏ quặng được vận chuyển ngược lên biên giới thông qua hình thức ngựa thồ, xe thồ, “cửu vạn” cõng vác… Tuy nhiên, phần lớn quặng được đưa lên xe tải chở thẳng về khu vực tỉnh Lào Cai để tìm đường xuất sang Trung Quốc. Ngoài nguồn quặng từ Hà Giang, Cao Bằng còn có quặng từ các mỏ của Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang đưa lên, từ bên Điện Biên, Lai Châu đưa sang.
Đáng nói hơn, theo bài “Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và ngành khai khoáng của Việt Nam” trên VOA ngày 3.1.2014, thủ phạm chính gây ra tình trạng này là phe nhóm lợi ích do ngài Phó Thủ tướng Tàu Hoàng Trung Hải cầm đầu.
Nơi ghi dấu “mốc son” lịch sử lệ thuộc Trung Quốc của ngành điện lực Việt Nam
Dưới sự chỉ đạo của PTT Tàu Hoàng Trung Hải (lúc bấy giờ là Bộ trưởng Công nghiệp), ngày 26.9.2006, tại trạm biến áp 220kV Tân Kiều (Trung Quốc), dòng điện 220kV từ Trung Quốc đã chính thức được truyền qua Lào Cai - Yên Bái đến Việt Trì (Việt Nam). Phương hướng “chiến lược” phụ thuộc vào điện mua từ Trung Quốc với giá cắt cổ và bỏ qua điện của các công ty trong nước, do ngài PTT Tàu khởi xướng, bắt đầu từ đây.

Sửa lịch sử để kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh cùng ngày Quốc khánh Trung Quốc

Sự kiện tỉnh Lào Cai tổ chức kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh vào ngày 1.10.2011 từng khiến dư luận một phen sôi sục. Lãnh đạo tỉnh Lào Cai đã cố tình sửa lịch sử để tổ chức sự kiện này vào đúng ngày Quốc khánh Trung Quốc 1.10.2011, thay vì lẽ ra là ngày 10.10.2011.
Cưỡng bức dân chúng treo đèn lồng đỏ
Ngoài hành vi trắng trợn sửa lịch sử để kỷ niệm ngày tái lập tỉnh vào đúng ngày Quốc khánh Trung Quốc, chính quyền Lào Cai còn cưỡng bức dân chúng phải treo đèn lồng đỏ trong dịp này.
Bài “TP Lào Cai: Cưỡng bức dân treo cao đèn lồng đỏ?” trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 23.9.2011 cho hay: “Theo báo Lào Cai, nhân dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Lào Cai (1/10/1991 - 1/10/2011), thành phố Lào Cai đã bắt đầu khởi động chương trình chỉnh trang đô thị, trong đó có việc thắp đèn lồng tại các công sở và nhà dân trên một số tuyến phố.”

Đèn lồng trên phố Trần Nhật Duật (P. Kim Tân)
Một tỉnh mà có tới 4 nghĩa trang “liệt sỹ” Trung Quốc
Trang web của Sở Ngoại vụ tỉnh Lào Cai ngày 3.4.2009 đưa tin:
Theo đề nghị của các Cựu chiến binh Trung Quốc và được sự đồng ý của các tỉnh, thành phố phía Việt Nam, từ ngày 30/3 đến ngày 01/4/2009, đoàn Cựu chiến binh Trung Quốc gồm 28 người đã từng công tác và chiến đấu tại Việt Nam đã đến thăm Lào Cai và tảo mộ các chiến sỹ Trung Quốc đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tỉnh Lào Cai là tỉnh đầu tiên đoàn đến trong chuyến thăm và tảo mộ của Đoàn tại một số tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Sáng ngày 30/3, sau khi nhập cảnh tại cửa khẩu Lào Cai, đoàn đi viếng Nghĩa trang Liệt sỹ Trung Quốc tại xã Lùng Vai, huyện Mường Khương. Buổi chiều, viếng Nghĩa trang Liệt sỹ Trung Quốc tại Sa Pa.
Sáng ngày 31/3, diễn ra buổi giao lưu giữa đoàn Cựu chiến binh Trung Quốc với Hội Cựu chiến binh tỉnh Lào Cai. Tới dự buổi giao lưu có đồng chí Phạm Kỳ – Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Trung tỉnh Lào Cai; lãnh đạo các sở: Ngoại vụ, Lao động TB&XH. Buổi giao lưu giữa đoàn với Hội Cựu chiến binh tỉnh diễn ra trong không khí đầm ấm,  thân mật, thắm tình hữu nghị, làm thắm thêm tình đồng chí, đồng đội giữa Cựu chiến binh hai bên. Buổi chiều cùng ngày đoàn đến viếng 02 Nghĩa trang Liệt sỹ Trung Quốc tại xã Bảo Hà.
…Đoàn rất cảm động khi đi tới đâu cũng đều nhận được sự đón tiếp chu đáo, thân tình, tạo điều kiện thuận lợi của lãnh đạo các cấp, các ngành của tỉnh, và càng cảm động hơn khi được tận mắt thấy các nghĩa trang liệt sỹ Trung Quốc ở Lào Cai được tu sửa, quản lý rất tốt.
Như vậy, Lào Cai có tới 4 nghĩa trang “liệt sỹ” Trung Quốc: 1 tại xã Lùng Vài (H. Mường Khương), 1 tại Sa Pa và 2 tại xã Bảo Hà (H. Bảo Yên), tất cả đều được “tu sửa, quản lý rất tốt”!? Nghĩa trang “liệt sỹ” Trung Quốc ở Sa Pa từng bị tố là nơi chôn lính Trung Quốc xâm lược Việt Nam năm 1979. Ngoài ra, trong bài “Những người Trung Quốc được PTT Tàu Hoàng Trung Hải chỉ đạo xây ‘nghĩa trang liệt sỹ’ đã ‘giúp’ Việt Nam ‘làm đường’ như thế nào?” người ta còn được biết thêm sự thật về các “liệt sỹ” này:
...Nếu kể cho rạch ròi thì nhiều thứ TQ “giúp” đã gây hại, trước mắt và về lâu về dài. Chẳng hạn, đưa quân sang giúp làm đường (do TQ đòi đưa quân sang đánh “giúp”, VN phải lảng tránh bằng cách nhờ giúp làm đường) thì tàn phá môi trường, cảnh quan (trong đó có việc đặt mìn tiêu huỷ “hòn đá Liễu Thăng” [Xin dẫn thêm một vài ví dụ trong trăm ngàn ví dụ: ở Côn Sơn, nơi ẩn cư của Trần Nguyên Đán và Nguyễn Trãi, họ đã đào xuyên ngang dọc quả núi thành đường hầm, hiện cửa vào bị bít, không ai biết họ làm gì trong đó. Nhiều di tích như di tích An Sinh, nơi gần đây mới xây đền thờ các vị vua Trần, hết thảy tượng đá thời Trần đều bị phạt cụt đầu hoặc bắn vào bụng. Ở Ngọa Vân am, không những tháp Phật Hoàng đựng xá lị hoàng đế Trần Nhân Tông và tháp Đoan Nghiêm cổ kính cao lừng lững bị đào rỗng ruột, toàn bộ bài vị trong tháp bị đập cho tan nát, tấm bia Trịnh Căn cho lập để kỉ niệm một lần ông đưa con trai và con gái trèo núi lên chiêm bái vị anh hùng cũng bị đập thành ba bảy mảnh, mà 13 ngọn tháp đứng theo một hàng thẳng tắp chạy thoai thoải xuống phía Tây Nam cách nhau chừng 50 mét một đều bị phạt ngang, phía dưới có một đường hầm lộ thiên đào thông tháp nọ với tháp kia. Họ định phá long mạch của nhà Trần lừng lẫy chiến công chống giặc phương Bắc, cũng tức là phá long mạch của Việt Nam chăng?]), khai thác trộm của cải, thăm dò ngầm tài nguyên, địa thế...
Các vị “quan phụ mẫu” ở Lào Cai đều có hoạn lộ hanh thông khác thường
Mặc dù lãnh đạo tỉnh Lào Cai vốn có truyền thống “mãi quốc vinh thân”, tiếp tay cho Tàu làm nghèo đất nước, như đã chỉ ra ở trên, nhưng không hiểu sao hoạn lộ của họ lại hanh thông một cách khác thường. Kể từ khi tái lập tỉnh năm 1991, các vị bí thư tỉnh uỷ ở đây đều lần lượt được điều về Hà Nội để đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong bộ máy trung ương:
  1. Ông Tráng A Pao, Bí thư Tỉnh uỷ từ năm 1992-2000, được điều về Hà Nội giữ chức Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội từ năm 2000-2007;
  2. Ông Giàng Seo Phử, Bí thư Tỉnh uỷ từ năm 2000-2005, được điều về Hà Nội giữ chức Phó Trưởng ban Tổ chức TW (2005-2007) rồi làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc từ năm 2007 đến nay;
  3. Ông Bùi Quang Vinh, Bí thư Tỉnh uỷ từ năm 2005-2010, trở thành Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư từ năm 2011 đến nay;
  4. Ông Nguyễn Hữu Vạn, Bí thư Tỉnh uỷ từ năm 2010-2013, trở thành Tổng Kiểm toán Nhà nước từ tháng 5.2013 đến nay.

Chưa có tỉnh thành nào trong cả nước mà 4 đời bí thư tỉnh uỷ liên tiếp đều được điều về nắm giữ trọng trách ở trung ương. Dĩ nhiên, không thể nói là điều này không liên quan gì đến tình cảm “bên kia biên giới cũng là quê hương” của các vị lãnh đạo ở Lào Cai. Trung Quốc luôn tìm cách can thiệp vào bộ máy nhân sự cấp cao của Việt Nam, và một khi họ đã mua chuộc, khống chế được một quân bài hữu dụng rồi thì lẽ dĩ nhiên là họ sẽ tìm mọi cách để quân bài đó càng leo cao càng tốt. (Trong dư luận đã có những lời tố cáo rằng bộ ba Bùi Quang Vinh – Nguyễn Hữu Vạn – Nguyễn Văn Vịnh dính líu đến nhóm lợi ích của PTT Tàu Hoàng Trung Hải. Nguyễn Văn Vịnh là người thay ông Nguyễn Hữu Vạn làm Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai từ tháng 3.2013, trước đó là Chủ tịch tỉnh.)[1]
Tỉnh biên giới đầu tiên có đường cao tốc nối với Hà Nội
Một trong những lý do quan trọng khiến đội quân xâm lược của Trung Quốc chuốc phải thất bại nặng nề trong cuộc chiến 35 năm trước chính là vì địa hình hiểm trở và điều kiện giao thông khó khăn của các tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam, và Lào Cai cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, nay thì điều đó đã không còn là vấn đề với người láng giềng “4 tốt, 16 vàng” của chúng ta nữa.
Nhờ sự quan tâm và chỉ đạo sát sao, quyết liệt của PTT Tàu Hoàng Trung Hải mà tuyến cao tốc Hà Nội – Lào Cai coi như đã hoàn thành. Đây là “chiến tích” vô cùng ngoạn mục của ngài PTT Tàu này, vì những con đường cao tốc như thế sẽ giúp Trung Quốc mở tầm khống chế xuống Đông Nam Á và Hà Nội sẽ trở nên rất gần với đội quân xâm lược đến từ phương Bắc. Hành trình từ cửa khẩu quốc tế Lào Cai về Hà Nội được rút ngắn chỉ còn 3-5 giờ.
Mặc dù là một dự án hết sức nhạy cảm về an ninh - quốc phòng nhưng một nhà thầu Trung Quốc vẫn được giao gói thầu A7 dài đến 27,7km (18 cây cầu) trên địa bàn tỉnh Lào Cai, với những tai tiếng cố hữu như việc “lập thôn, lập xóm” tại địa bàn dự án hay việc tự ý đưa cỏ lạ từ Trung Quốc sang trồng ở mái taluy dự án. Xin trích một đoạn trong bài “Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979”trên trang Wikipedia Tiếng Việt để quý vị có thể hình dung ra những hệ luỵ tai hại về an ninh - quốc phòng ở đây:
Quân Trung Quốc vừa chiếm ưu thế về lực lượng, vừa chủ động về thời gian tiến công, lại còn có "lực lượng thứ năm" gồm những người Việt gốc Hoa trên đất Việt Nam. Từ đêm 16 tháng 2, các tổ thám báo Trung Quốc đã mang theo bộc phá luồn sâu vào nội địa Việt Nam móc nối với "lực lượng thứ năm" này lập thành các toán vũ trang phục sẵn các ngã ba đường, bờ suối, các cây cầu để ngăn chặn quân tiếp viện của Việt Nam từ phía sau lên. Trước giờ nổ súng, các lực lượng này cũng bí mật cắt các đường dây điện thoại để cô lập chỉ huy sư đoàn với các chốt, trận địa pháo.
Trung Quốc là bậc thầy trong việc lựa chọn thời cơ và khai thác điểm yếu của đối thủ. Vì vậy, người ta có đầy đủ lý do để tin rằng, một khi chiến sự với Trung Quốc nổ ra, Lào Cai chính là tử huyệt lớn nhất của Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía bắc./. 






Ghi chú:
[1] Không phải vô cớ mà blog Huệ Lừa Văn phòng Chính phủ, một trang mạng của chính những người trong bộ máy (chứ không phải của các “thế lực thù địch) lập ra để vạch trần tội ác của nhóm lợi ích đang lũng đoạn cả bộ máy do PTT Tàu Hoàng Trung Hải cầm đầu, đã tố cáo bộ ba Bùi Quang Vinh – Nguyễn Hữu Vạn – Nguyễn Văn Vịnh là tay chân đắc lực của ngài PTT Tàu này và Lào Cai chính là “căn cứ địa” của ông ta. 

Nguồn: VOA

No comments:

Post a Comment