Wednesday, December 4, 2013

Việt Nam: Quê hương mới của những người Mỹ sinh ra trong giai đoạn bùng nổ dân số

Doris Gallan  | Huffington Post | 1.12.2013
Người dịch: Lê Anh Hùng



Việt Nam bắt đầu đi vào ý thức của người Mỹ như một nơi chốn tiềm tàng để về hưu hay chuẩn bị hồi hưu sau hàng chục năm mảnh đất này gắn liền với những hình ảnh tiêu cực bởi cuộc chiến tranh. Năm 2012, gần nửa triệu người Mỹ, với hàng ngàn cựu binh trong số đó, đã đặt chân đến Việt Nam. Tất cả những gì mà đất nước này phải đưa ra chào mời họ là: Hãy quay về Mỹ và khơi dậy trí tưởng tượng của những người về hưu và người lao động lâu năm đang tìm kiếm một sự đổi thay lớn trong đời.
Ba người mới đến Việt Nam mang theo hy vọng về một lối sống khác. Những gì mà họ tìm thấy là một nhịp sống chậm hơn, mức sinh hoạt phí rẻ hơn rất nhiều, cảm nghiệm mới về sự phiêu lưu, và những con người thân thiện tuyệt vời… cũng như vô số thách thức trong quá trình thích nghi với một nền văn hoá, ngôn ngữ và lối sống hoàn toàn khác.
Những người Mỹ ở Việt Nam
Jerri, Marie và Tom đang nếm trải tất cả những thú vui cũng như nỗi thất vọng của việc chuyển đến một đất nước mới. Một trong những thử thách đầu tiên đối với bất cứ ai đến Việt Nam là dòng người và xe cộ hỗn loạn trên đường – chủ yếu là xe máy và xe đạp điện – điều khiến ai cũng phải ngạc nhiên.
Marie Kubo, một nhà giáo dục 58 tuổi, không bao giờ quên lần đầu tiên bà đi xe máy trên đường phố Đà Nẵng: “Tôi hơi sợ bởi không có quy tắc giao thông rõ ràng nào cả. Tôi cố sống cố chết tiếp tục cuộc hành trình. Sau lần đầu tiên đó, tôi quyết định “ngồi lên lưng hổ”, lòng tự nhủ lòng: ‘Nào, đi thì đi nào!’”
Jerri chủ yếu đi bộ hoặc đi taxi để đến nơi cần đến, trong khi Tom lại đi chiếc xe máy thuê mà ông sử dụng để khám phá thành phố và vùng nông thôn phụ cận.
Nếu việc lưu thông trên đường phố Đà Nẵng, một thành phố với một triệu dân, diễn ra điên rồ thì ở Sài Gòn và Hà Nội (dân số hai nơi đều khoảng 6,5 triệu và là những nơi mà phần lớn người nước ngoại lựa chọn để sinh sống), tình hình còn tồi tệ hơn thế nhiều. Tom lựa chọn Đà Nẵng bởi vị trí trung tâm – cách đều Hà Nội và Sài Gòn – cũng như vì địa thế ven biển bao quanh bởi núi non của nó. Marie thì nói, cô chọn thành phố này vì bầu không khí thoải mái và an lành của nó.
Những người Mỹ sinh ra trong giai đoạn bùng nổ dân số này là ai?
Nhưng cả ba đều đã từng đến Việt Nam trước khi quyết định chuyển sang đây để thay đổi cuộc sống. Quyết định của họ dựa trên những gì mà người ta nói với họ về đất nước này.
Marie bày tỏ một cảm giác mà những người sinh ra trong giai đoạn bùng nổ dân số (1945-1965) ở Mỹ thường cảm nhận: “Trước khi đến đây, tôi đã dốc hết tâm sức trong công việc của mình với những cô cậu vị thành niên và đã sẵn sàng cho một cuộc phiêu lưu. Tôi bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của phong cảnh Việt Nam và qua câu chuyện của những người từng thăm thú Đà Nẵng.”
Sau khi theo học để lấy bằng TEFL (giảng dạy ngoại ngữ Tiếng Anh) ở thành phố Seattle quê hương, Marie dấn thân vào cuộc phiêu lưu và chuyển tới Đà Nẵng với sự giúp đỡ của chỉ duy nhất một người bạn trên mạng. “Ngẫm lại”, Marie nói, “tôi thấy quyết định của mình quả là một phép màu.” Hiện cô đang dạy Tiếng Anh ngoài giờ.
Tại sao những người đã sống phần lớn cuộc đời mình trong sự thoải mái ở Mỹ lại muốn rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn của mình để đến Việt Nam? Jerri Sones, 69 tuổi và là một nhà giáo dục khác đến từ Seattle, nói: “Tôi muốn thử sống ở một nơi nào đó, tự thân vận động. Những trải nghiệm mới mà tôi từng kinh qua, những nơi chốn mới mà tôi từng mục kích, những phong tục mới mà tôi từng khám phá, thảy đều bồi đắp cho tôi những thứ mà không một ngôn từ nào đủ sức mô tả.”
Nhưng không phải ai cũng đến Việt Nam để làm việc. Trước khi chuyển tới Đà Nẵng cách đây vài tháng, Tom Richards, 59 tuổi, đã rút lui khỏi đời sống công ty và đang tìm kiếm một điều gì đó khác lạ. “Tôi muốn sống ở một đất nước mà con người thân thiện, một đất nước có đủ mọi tiện nghi hiện đại, với những miền đất mà tôi muốn thăm thú.”
Thử thách khó khăn nhất: nỗi nhớ gia đình
Đối với nhiều người ngoại quốc, thách thức lớn nhất mà họ đối mặt ở đất nước mới là khoảng cách với gia đình. Marie đồng ý với điều này: “Bọn trẻ của tôi đã lớn, và tôi nhớ chúng rất, rất nhiều. Ơn Chúa là đã có Skype và, đôi khi, cả nước mắt nữa. Tôi bỏ lại phía sau những bạn bè thân thiết và tôi ứng phó bằng cách vun đắp tình bạn mới, đồng thời giữ liên lạc với bạn bè cũ qua Skype và email.”
Khó khăn lớn nhất khi thực hiện một sự đổi thay hệ trọng như thế là việc đưa ra quyết định, nhưng một khi đã chuyển sang cuộc sống mới rồi thì người ta ít hối tiếc nữa. Tom giải thích mọi chuyện đã diễn ra tốt đẹp với mình đến thế nào: “Những kỳ vọng và ước muốn của tôi đã trở thành hiện thực, thật tuyệt. Dù đã biết trước tính thân thiện của người Việt Nam nhưng tôi vẫn bất ngờ trước mức độ tuyệt vời mà họ thể hiện trong thực tế.”
  • Doris Gallan là tác giả cuốn “The Boomers' Guide to Going Abroad to Travel, Live, Give and Learn” (Cẩm nang dành cho những người Mỹ sinh ra trong giai đoạn 1945-1965 khi ra nước ngoài để du lịch, sinh sống, làm từ thiện và học tập). Bà đang dạy về du lịch và khách sạn tại một trường đại học ở Đà Nẵng.
Nguồn: Huffington Post / Defend the Defenders

No comments:

Post a Comment