Đế chế kinh doanh của cựu Thủ tướng Anh ký kết những thoả thuận mới nhằm cố vấn cho Việt Nam và Peru – bài viết của Edward Malnick
Edward Malnick | Telegraph | 8.9.2013
Người dịch: Lê Anh Hùng
Cựu Thủ tướng Anh đã ký một thoả thuận gây tranh cãi nhằm cố vấn cho chính phủ Việt Nam trong bối cảnh Đảng CS cầm quyền ngày càng bị lên án về chính sách đàn áp tự do ngôn luận.
Tony Blair đã hội đàm với các nhà lãnh đạo Hồng Kông và Thái Lan mấy tháng gần đây, điều này làm gia tăng khả năng là ông có thể mở rộng hoạt động kinh doanh ở khu vực Viễn Đông muộn nhất là cuối năm nay.
Ông cũng đã giành được một hợp đồng cố vấn cho chính phủ Peru về cải cách khu vực công.
Các thương vụ này diễn ra trong giai đoạn ông Blair mở rộng hoạt động của Government Advisory Practice, tập đoàn kinh doanh đã kiếm được hàng triệu bảng từ hoạt động cố vấn cho các chính phủ, trong đó có chính phủ của các nước Kazakhstan, Kuwait và Colombia.
Một phát ngôn viên của ông Blair đã xác nhận về các cuộc thương thảo với “nhiều nước”.
Thông tin được tiết lộ sau khi vị cựu Thủ tướng bị phát hiện có mặt trên những chiếc siêu du thuyền ở Địa Trung Hải vào tháng trước để “gặp gỡ nhiều người”, như phát ngôn viên của ông mô tả.
Trong thương vụ mới với Việt Nam, một nhóm chuyên gia tư vấn của ông Blair được hiểu là sẽ làm việc với Bộ Ngoại giao để hỗ trợ quan hệ kinh tế và thương mại với Anh và Liên minh Châu Âu.
Thoả thuận đã được xác nhận sau khi ông Blair bay tới Hà Nội trong hai dịp khác nhau vào năm ngoái để thương thảo với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.
Trong chuyến thăm đầu tiên tháng Mười năm ngoái, ông đề nghị cố vấn cho chính phủ Việt Nam về những chủ đề như cải cách nền kinh tế Việt Nam, thu hút thêm đầu tư nước ngoài và thích nghi với biến đổi khí hậu, theo một bản tin trên một tờ báo Việt Nam.
Cuộc gặp diễn ra sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cảnh báo về một cuộc “đàn áp hàng loạt nhằm vào báo chí công dân ở Việt Nam”, và trong bối cảnh chính phủ Việt Nam bị phê phán vì cuộc tấn công nhằm vào các blog chính trị sau khi xuất hiện nhiều bài tường thuật phổ biến trên mạng về hàng loạt vụ bê bối kinh tế liên quan đến các đại gia có mối quan hệ gần gũi với Đảng Cộng sản cầm quyền.
Human Rights Watch, một tổ chức vận động cho nhân quyền, cảnh báo rằng chính phủ Việt Nam đàn áp “gần như tất cả mọi hình thức bất đồng chính kiến, bằng cách sử dụng một loạt biện pháp trấn áp”.
Tháng Ba năm nay, ông Blair bay sang Hà Nội lần thứ hai khi ông cam kết tiếp tục ủng hộ mối quan hệ giữa Việt Nam và EU, kể cả việc cố vấn về hợp tác công tư (PPP), điều mà ông từng cổ suý ở Anh khi còn là Thủ tướng.
Võ Văn Ái, nhà vận động cho nhân quyền người Việt Nam đang sống ở Paris, đã phê phán mạnh mẽ việc ông Blair hợp tác với chính phủ Việt Nam. Ông nói, cựu Thủ tướng Anh đang được sử dụng “như một công cụ tuyên truyền nhằm củng cố cho chế độ tham nhũng của Hà Nội”.
Công ty Government Advisory Practice cũng có một thương vụ cố vấn cho chính phủ Myanmar, mà phát ngôn viên của cựu Thủ tướng nói là “miễn phí” như “nhiều công việc khác của ông Blair”.
Tháng Sáu, ông Blair đã đàm phán với CY Leung, Trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Kông.
Uy tín của ông Leung đã tụt dốc kể từ khi ông đảm nhiệm chức vụ vì một số vụ tai tiếng, trong đó có việc ông không khai báo toà nhà xây dựng bất hợp pháp trong khuôn viên một ngôi nhà của ông. Ông đã xin lỗi về vụ này và đổ lỗi cho tính hay quên.
Cuộc gặp của ông với ông Blair dường như có sự hiện diện của Caroline Wilson, Tổng Lãnh sự Anh tại Hồng Kông.
“Cuộc gặp gỡ tốt đẹp: Tony Blair & Trưởng Đặc khu Hồng Kông CY Leung thảo luận về những thách thức của một chính phủ hữu hiệu”, bà viết trên trang tiểu blog Twitter ngày 3.6.
Mấy ngày sau, vị cựu Thủ tướng lại bay sang Bucharest để ăn tối với Thủ tướng Romania Victor Ponta khi trên đường tới Israel, nơi ông đang thực hiện công việc của mình trong vai trò Đại diện của Bộ Tứ ở Trung Đông.
“Tôi có nhiều điều cần học hỏi từ ông ấy, một vị thủ tướng lớn của một quốc gia rất quan trọng và với một nền tảng văn hoá chính trị mà chúng tôi cần học hỏi nhiều”, ông Ponta nhận xét về ông Blair sau cuộc gặp.
Tháng trước, ông Blair được chào đón bằng các cuộc phản đối giận dữ khi ông phát biểu trong cuộc hội nghị diễn ra một ngày ở Bangkok.
Trước cuộc hội nghị, khi đề nghị giúp giảm bớt xung đột ở Thái Lan, vị cựu Thủ tướng đã có các cuộc trao đổi riêng với Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra.
Không rõ là các cuộc trao đổi này, cùng với các cuộc gặp gỡ ông Leung và ông Ponta, có liên quan đến Government Advisory Practice hay không.
Một hợp đồng riêng lẻ mà ông Blair ký với chính phủ Peru cũng sẽ tập trung vào việc hỗ trợ phát triển PPP và là hợp đồng thứ hai mà ông ký với một chính phủ Nam Mỹ.
Thương vụ này được hiểu là đã được ký kết vào tháng Giêng tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thuỵ Sỹ, trong một cuộc gặp giữa ông Blair với một số nhân vật cấp cao của chính phủ Peru, có cả Bộ trưởng Tài chính Luis Miguel Castilla.
Nó sẽ củng cố sự hiện diện mà ông Blair đã có ở Nam Mỹ, với các nhóm chuyên gia tư vấn ở Brasil, nơi họ đang cố vấn cho bang Sao Paulo, và ở Colombia.
Ông Castilla nói là bên cạnh việc giúp chính phủ thiết lập thêm nhiều dự án PPP, nhóm của ông Blair còn hỗ trợ Peru đưa vào áp dụng chương trình “giáo dục kỹ thuật” tốt hơn nhằm giúp nâng cao chất lượng của lực lượng lao động ở đây.
Thương vụ được khẳng định sau khi ông Blair bay từ Colombia tới Lima trong tháng Năm cùng với Stephan Kriesel, trưởng bộ phận Government Advisory Practice.
Tiến sỹ Kriesel từng thực hiện công việc ở Lima trong vai trò cũ là chuyên viên cao cấp của McKinsey, một công ty tư vấn hoạt động khắp thế giới.
Ở Lima, ông Blair đã có cuộc gặp kéo dài 40 phút với Tổng thống Ollanta Humala, và cũng có bài phát biểu tại trường Đại học Peruana de Ciencias, một trường nằm trong mạng lưới đại học quốc tế Laureate của Mỹ (Laureate International Universities).
Trước đó, ông đã phát biểu tại năm trường đại học khác của mạng lưới đại học Laureate ở Đức, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Mexico.
Cùng với các cuộc gặp khác mà ông Blair tổ chức như một phần trong công việc cố vấn chính phủ đầy béo bở, các cuộc trao đổi với ông Humala cũng không được nhắc đến trên website chính thức của ông, website thuật lại chi tiết công việc của ông trong vai trò đại diện của Bộ Tứ cũng như hoạt động từ thiện của ông.
Không có sự đề cập nào đến Government Advisory Practice trên bất kỳ trang mạng nào của vị cựu Thủ tướng và các hợp đồng cụ thể của Công ty này cũng không được công bố.
Tuy vậy, Government Advisory Practice dường như đang phát triển nhanh chóng. Tháng Tư, Tony Blair Associates, được mô tả là tổ chức bao trùm lên các hoạt động kinh doanh của ông Blair, đã đăng một đoạn quảng cáo trên tạp chí The Economist để tìm kiếm nhân sự cho Government Advisory Practice ở Châu Á và Nam Mỹ.
Việc mở rộng hoạt động kinh doanh của ông diễn ra sau khi ông Blair xuất hiện với vẻ thư thái trong một chuyến công tác đến Địa Trung Hải và ở trên một trong những chiếc du thuyền lớn nhất thế giới.
Đầu tiên, ông bay tới Sardinia trên một chiếc máy bay phản lực tư nhân rồi được chở bằng phà ra chiếc du thuyền dài 115m mang tên Pelorus, trước kia là của Roman Abramovich, ông chủ người Nga của CLB bóng đá Chelsea.
Chiếc du thuyền, với thuỷ thủ đoàn 46 người, nay thuộc sở hữu của David Geffen, một đại gia trong làng âm nhạc của Mỹ.
Siêu du thuyền Crazy Me, thuộc sở hữu của Naguib Sawiris, người giàu thứ hai ở Ai Cập.
Mấy ngày sau, ông Blair lại bị phát hiện ở St Tropez, nơi được biết đến như là sân chơi của các nhà tỷ phú và diễn viên. Ở đó, ông được một chiếc thuyền gắn động cơ chở ra chiếc siêu du thuyền Crazy Me, thuộc sở hữu của Naguib Sawiris, người giàu thứ hai ở Ai Cập.
Tuần trước, ông Sawiris, chủ tịch tập đoàn viễn thông Orascom, cho biết hai người đã thảo luận về cách thức khôi phục trật tự sau khi Tổng thống Mohammed Morsi bị lật đổ hồi tháng Bảy, tiếp sau cam kết gần đây của ông trùm là sẽ đầu tư hàng tỷ USD ở Ai Cập.
Ông Sawiris, người thành lập chính đảng thế tục Người Ai Cập Tự Do năm 2011, là một nhân vật gây tranh cãi ở Ai Cập và ngày 31.8 vừa qua đã khiến công chúng nổi giận khi khẳng định rằng nhà nước cần cấm các cuộc biểu tình trong hai năm “để chúng ta thở và để xây dựng đất nước của chúng ta”.
Chiếc du thuyền của ông dài 51m và có một bể bơi với đáy thuỷ tinh trên boong thượng.
Hôm thứ Sáu vừa qua, ông Blair phát biểu là ông “thất vọng” trước việc Ed Miliband (Chủ tịch Công đảng Anh, thủ lĩnh phe đối lập trong Quốc hội Anh) quyết định ngăn cản hành động quân sự chống lại chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria. Những gì xẩy ra sau cuộc chiến tranh Iraq đã khiến nước Anh “do dự” khi can thiệp, ông nói thêm.
Một phát ngôn viên của ông Blair từ chối tiết lộ chi tiết các thương vụ của Government Advisory Practice. Ông nói: “Bộ phận cố vấn chính phủ của chúng tôi đang mở rộng và chúng tôi đang thảo luận với nhiều nước khác nhau.”
No comments:
Post a Comment