Monday, September 2, 2013

CNN: Các tổ chức nhân quyền chỉ trích những quy định mới về Internet của Việt Nam

Peter Shadbolt | CNN | 2.9.2013 |
Người dịch: Lê Anh Hùng




Các tổ chức nhân quyền nói những quy định Internet
là nhằm trấn áp những người bất đồng chính kiến
(CNN) – Một văn bản pháp luật tai tiếng hòng ngăn chặn người sử dụng Internet ở Việt Nam chia sẻ thông tin báo chí đã nhận được sự chỉ trích từ các tổ chức bảo vệ nhân quyền hôm thứ Ba tuần trước;  họ cho rằng mục đích của nghị định đó là nhằm trấn áp giới bất đồng chính kiến ở quốc gia cộng sản độc đảng này.
Văn bản pháp luật mới, gọi là Nghị định 72/2013/NĐ-CP, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.9, không chỉ giới hạn các blog và các trang mạng xã hội trong phạm vi trao đổi “thông tin cá nhân” – nội dung ban đầu do người sử dụng soạn ra – mà còn đòi hỏi các công ty Internet nước ngoài phải đặt máy chủ ở Việt Nam.
Mặc dù chính phủ Việt Nam bảo vệ Nghị định 72 bằng cách khẳng định mục đích của nó là nhằm ngăn chặn việc phát tán sở hữu trí tuệ bất hợp pháp, song những người chỉ trích vẫn nói rằng văn bản pháp luật này – đồng thời cũng ngăn cấm việc đăng tải những nội dung “gây phương hại đến an ninh quốc gia” – là một bằng chứng mới về chính sách đàn áp mà Hà Nội nhằm vào Internet.
Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) cho biết 35 blogger và công dân mạng hiện đang bị giam giữ ở Việt Nam với các cáo buộc chống phá nhà nước, một số người bị tuyên án tới 13 năm tù giam.
“Đây là cái cách mà chính phủ Việt Nam nhảy bổ vào đầu đám đông về kiểm duyệt mạng ở Đông Nam Á”, Phil Robertson (Human Rights Watch) nói với CNN.
“Việc chính phủ Việt Nam sẽ hình sự hoá hành vi chia sẻ thông tin và các đường link bằng cách đòi hỏi các phương tiện truyền thông xã hội trực tuyến chỉ được đăng tải những nội dung do chính mình sáng tạo quả là là một bước nhảy vọt.”
Ông nhận xét, chính phủ Việt Nam rõ ràng là đang phải hứng chịu sự chỉ trích nặng nề của dân chúng trên mạng.
“Đây quả là sự phản công của một đế chế”, ông bình luận, đồng thời bổ sung thêm là mặc dù chính phủ không thể giám sát từng trang Facebook song họ lại nắm được danh sách các nhà hoạt động tên tuổi, những người có thể sẽ bị tăng cường giám sát.
Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu với truyền thông nhà nước Việt Nam tháng trước rằng nghị định sẽ không hạn chế tự do báo chí hay tiếng nói của những người sử dụng truyền thông xã hội mà chỉ nhằm vào những ai “gây nguy hại cho sự thống nhất quốc gia”.
Tháng trước, một bài viết đăng trên Nhân Dân, tờ báo chính thống của Việt Nam, đã bảo vệ các quy định mới này và nói rằng chúng nhằm vào những ai sử dụng truyền thông xã hội để “bôi nhọ uy tín và danh dự của người khác” và “kích động thái độ thù địch chính quyền”.
“Chính phủ đang ra cố làm ra vẻ rằng nghị định này không phải chủ yếu nhằm vào những người bất đồng chính kiến, đấy là lý do vì sao họ tuôn ra đủ kiểu biện bạch, kể cả chiêu bài bảo vệ sở hữu trí tuệ”, Robertson nói.
Nghị định 72 xuất hiện trong bối cảnh Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng chưa có tiền lệ trong lĩnh vực Internet, với 34% trong tổng số 90 triệu dân sử dụng Internet.
Không giống như Trung Quốc, nước đã đặt các trang mạng kết nối xã hội như Facebook và YouTube ra ngoài “Vạn lý Tường lửa Trung Quốc”, cái tên mà nhiều người biết đến, các nhà phân tích nói Việt Nam đang bám đuổi người láng giềng phương Bắc với chính sách trấn áp của mình.
“Internet Tiếng Việt đã thực sự trở thành một siêu xa lộ về chia sẻ thông tin”, Robertson nói với CNN. “Nó cũng đi theo truyền thống hiếu học của Việt Nam – đó là một xã hội rất có học thức.”
“Những ai là tác giả và nhà văn thì được tôn trọng và điều đó đã lan sang giới blogger trên mạng mà một số người trong số này có lượng người ủng hộ đông đảo.”
Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội cũng nhiệt tình tham gia vào cuộc tranh luận về Nghị định 72 vào tháng trước khi khẳng định: “Việc vận dụng các quyền tự do cơ bản trên mạng cũng giống như ngoài không gian mạng.”
Toà đại sứ nói thêm rằng văn bản pháp luật mới về Internet “dường như không nhất quán với các nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và chính trị, cũng như những cam kết của họ theo Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế.
Mặc dù vẫn đang leo thang trấn áp những người bất đồng chính kiến, Việt Nam cũng nỗ lực cải thiện hình ảnh của mình về nhân quyền. Đầu năm nay, họ mở một cuộc đối thoại với Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), cho phép tổ chức nhân quyền này gặp gỡ những người bất đồng chính kiến và các quan chức chính phủ trong cuộc gặp đầu tiên như thế kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc.
Việt Nam đang soạn thảo một bản hiến pháp với mục đích xử lý các quyền tự do dân sự và những vấn đề về sự khoan dung tôn giáo giữa lúc quốc gia Đông Nam Á này đang đàm phán để hình thành một khu vực thương mại tự do theo Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương do Mỹ khởi xướng.
Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang đã thăm Nhà Trắng vào tháng Bảy và tiến hành hội đàm với Tổng thống Obama về nhiều chủ đề, trong đó có tình hình nhân quyền của Việt Nam.
“Chúng tôi đã có cuộc trao đổi rất thẳng thắn về cả những tiến bộ mà Việt Nam đang đạt được lẫn những thách thức còn tồn tại”, Tổng thống Obama phát biểu khi kết thúc cuộc hội đàm.

1 comment: