Monday, September 30, 2013

MẤT HẾT NIỀM TIN VÀO CÔNG CUỘC CHỐNG THAM NHŨNG CỦA ĐẢNG, MỘT ĐẢNG VIÊN VIẾT ĐƠN XIN RA KHỎI ĐẢNG

LTS.
Ông Nguyễn Thái Sơn là kỹ sư thiết kế thiết bị điện và tự động hoá, nguyên Chủ tịch Công đoàn Viện Kỹ thuật Thiết bị điện (thuộc Tổng Cty Thiết bị Kỹ thuật điện,  Bộ Công nghiệp), nay là Cty Cổ phần Tư vấn và Dịch vụ Kỹ thuật Điện (ESC – Số 6 Vũ Ngọc Phan, Hà Nội).
Ông là người đã bền bĩ theo đuổi vụ tố cáo tiêu cực và tham nhũng xẩy ra tại Viện Kỹ thuật Thiết bị điện ròng rã suốt 16 năm qua, kể từ năm 1997 đến nay. Ông đã rất nhiều lần gửi đơn thư đến đầy đủ các địa chỉ hữu trách, từ các các cơ quan của Đảng, Chính phủ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao… cho đến cá nhân các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Vụ việc đã được nhiều cơ quan báo chí phản ánh (báo Pháp luật ngày 16/4/1999: "Vụ việc ở Viện Kỹ thuật Thiết bị điện: Hậu quả từ những hành vi phạm pháp"; báo Công lý ngày 16/2/2004: "Sai phạm nghiêm trọng ở Viện Kỹ thuật Thiết bị điện: Quan điểm xử lý của cơ quan điều tra liệu có đúng?"; báo Đời sống và Pháp luật ngày 26/2/2004: "Sai phạm nghiêm trọng sao không khởi tố vụ án hình sự?"; báo Quân đội Nhân dân ngày 1/3/2004: "Sai phạm nghiêm trọng tại Viện Kỹ thuật Thiết bị điện: Đến bao giờ mới bị xử lý?"; báo Lao động Thủ đô ngày 16/6/2005: "Sai phạm ở Công ty Cổ phần Tư vấn và Dịch vụ Kỹ thuật điện: Đánh trống bỏ dùi"; Báo Lao động Thủ đô ngày 5/4/2007: "Viện Kỹ thuật Thiết bị điện: Sai phạm nghiêm trọng sao không xử lý hình sự"...), nhưng rốt cuộc cũng bị chìm nghỉm.
Thất vọng trước việc một vụ tham nhũng có hệ thống với các bằng chứng cụ thể, rõ ràng, đã được kết luận, đã được báo chí lên tiếng nhiều lần, nhưng các cơ quan chức năng lại xử lý không thoả đáng, ông Nguyễn Thái Sơn đã quyết định viết đơn xin ra khỏi Đảng.
Chia sẻ nỗi bức xúc với ông, cũng như trân trọng tâm huyết của một công dân trước công cuộc chống tham nhũng mà đảng và nhà nước đang thống thiết kêu gọi mọi người dân cùng cả hệ thống chính trị vào cuộc, chúng tôi xin đăng một số văn bản (trong mấy trăm trang tài liệu đầy đủ và thuyết phục) mà ông đề nghị công bố để công luận được biết.
Lê Anh Hùng
























Tuesday, September 24, 2013

Nợ xấu đang bó buộc các ngân hàng Việt Nam, còn các nhà đầu tư thì đứng chờ

Chris Brummitt | Associated Press | 23.9.2013
Người dịch: Lê Anh Hùng

Hà Nội, Việt Nam (AP) — Tình trạng nợ xấu đang bó buộc các ngân hàng Việt Nam và hình ảnh hàng dãy nhà hoang đang mốc meo dưới cơn mưa Hà Nội là những dấu hiệu cho thấy một nền kinh tế ốm yếu. Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đây lại là cơ hội để kiếm những khoản lợi nhuận hấp dẫn – nếu như chính phủ cộng sản chào đón họ.
Neil Hagan, một chuyên gia phục hồi nợ người Mỹ muốn khởi sự một công ty kinh doanh nợ xấu tại Việt Nam thay mặt cho người mua nợ xấu ở nước ngoài, cho biết là hàng tuần ông vẫn nhận được các cuộc gọi từ các quỹ đầu cơ (hedge fund) ở Singapore và Hồng Kông để hỏi xem liệu bây giờ có phải là thời điểm thích hợp để mua một số khoản nợ hay không.
Ít nhất là cho đến lúc này ông vẫn khuyên họ là hãy cứ ngồi yên đấy.
“Họ nhìn thấy con mồi đã chết, nhưng lại không thể nhảy vào”, Hagan – người trông nom các khoản nợ cho ngân hàng Lehman Brother’s và các ngân hàng khác ở Châu Á sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998 – bình luận. Các nhà đầu tư nước ngoài từng mua hàng tỷ dollar nợ xấu cũng như những tài sản bị kê biên sau khi cuộc khủng hoảng nổ ra.
Hagan tiên đoán là trước khi kết thúc năm 2013, vài vụ nhỏ hay mang tính chất “mở hàng” có thể sẽ trở nên khả thi. Ông điểm tên những người khổng lồ về hình thức góp vốn tư nhân (private equity) như Lone Star và Fortress là những người mua khả dĩ. Các chuyên gia kinh tế và chủ ngân hàng đầu tư khác thì lại ít tự tin hơn, họ lưu ý là chính phủ sẽ phải thực thi những thay đổi quan trọng về luật lệ nếu muốn hoạt động này diễn ra suôn sẻ.
Các ngân hàng Việt Nam đã cho vay hàng tỷ USD cuối những năm 2000 trong bối cảnh chính phủ tìm cách kích thích nên kinh tế để đối phó với hiện tượng suy thoái kinh tế toàn cầu. Một lượng tiền lớn được dành cho các DNNN vay với sự giám sát hời hợt và nhiều doanh nghiệp trong số này đã đầu tư vào thị trường bất động sản.
Giờ đây, trước tình cảnh giá bất động sản lao dốc và nền kinh tế đạt mức tăng trưởng thấp nhất trong hơn 10 năm, các doanh nghiệp và cá nhân từng vay tiền không có khả năng hoàn trả. Những món vay không hiệu quả này đang đe doạ phá sản nhiều ngân hàng quy mô nhỏ và kìm hãm việc cho các doanh nghiệp khác vay, từ đó gây thêm áp lực cho nền kinh tế.
Bán hàng đống nợ xấu cho các nhà đầu tư quốc tế là một cách để đưa chúng ra khỏi sổ sách của ngân hàng. Thông thường, các nhà đầu tư sẽ mua từng phần của các món vay kèm theo tài sản của chúng với mức giá thấp hơn đáng kể giá trị danh nghĩa. Họ hy vọng sẽ kiếm tiền bằng cách nhanh chóng sang tên tài sản hoặc đổ tiền vào để hiệu chỉnh chúng rồi bán hay kiếm doanh thu từ đó. Họ thuê các công ty cung cấp dịch vụ về các khoản vay để tiến hành hoạt động ấy.
Song để hoạt động này diễn ra suôn sẻ, chính phủ phải buộc các ngân hàng bán thanh lý nợ xấu của chúng. Muốn làm điều này ở Việt Nam đòi hỏi các vị chủ tịch ngân hàng và cổ đông với nhiều mối quan hệ ảnh hưởng phải chấp nhận thua lỗ, đồng thời chính phủ phải đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước. Việc kê biên hàng ngàn ngôi nhà và doanh nghiệp nhỏ sẽ gây ra khó khăn chính trị cho một chính phủ vẫn khước từ công dân của mình những quyền chính trị cơ bản trong khi uy tín của nó thì lại tuỳ thuộc vào khả năng tạo ra mức sống ngày càng cao cho người dân.
“Dù họ lựa chọn cách nào đi nữa thì cũng không có giải pháp nào là dễ dàng ở đây”, Gareth Leader – chuyên gia về Châu Á tại Capital Economics (công ty tư vấn về nghiên cứu kinh tế ở London) – nhận xét. “Nhưng phải đến khi các ngân hàng cho vay trở lại thì nền kinh tế mới khởi sắc.”
Nhiều nhà quan sát nói chính phủ dường như đang kỳ vọng rằng một khi kinh tế thế giới phục hồi thì giá tài sản ở Việt Nam sẽ tăng trở lại. Trong khi đó, các ngân hàng lại có thể gian dối về số nợ xấu trên sổ sách, một chiến lược gọi là “vờ vĩnh và gia hạn” (pretend and extend)[i].
Tháng Năm vừa qua, Việt Nam loan báo về việc thành lập công ty quản lý tài sản (VAMC) để mua nợ xấu từ các ngân hàng, nhưng nhiều người vẫn tỏ ra hoài nghi về hiệu quả của nó. Công ty này có số vốn là 23 triệu USD. Các ngân hàng đã báo cáo về tỷ lệ nợ xấu của chúng là 4,9%, nhưng công ty xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings gần đây lại ước tính tỷ lệ thực tế có thể gấp từ 3 đến 4 lần con số đó. Theo các nhà phân tích, VAMC có thể cân nhắc khả năng hợp tác với các định chế đầu tư nước ngoài để khoả lấp số vốn thiếu hụt.
“Một quỹ đầu cơ của Mỹ có thể đáp ứng được mức độ chi tiêu của toàn bộ VAMC”, John Sheehan – một chuyên gia về nợ xấu của Capital Services Group và mới đây đã sang Việt Nam để gặp gỡ các chủ ngân hàng – nhận định. “Nếu hạ tầng đầy đủ thì rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ sẵn sàng nhảy vào. Nếu họ làm điều đó càng sớm, nền kinh tế Việt Nam càng nhanh chóng khởi sắc trở lại.”
Ở đây có rất nhiều trở ngại cho các nhà đầu tư vào nợ xấu: Nhiều trong số những con nợ tệ hại nhất là các DNNN, vì thế việc thu hồi nợ từ chúng được coi là đặc biệt khó khăn, nếu không muốn nói là không thể. Lãnh đạo các công ty này có thể phải đối mặt với cáo buộc hình sự nếu họ thanh lý tài sản với giá rẻ vì điều đó sẽ “gây thất thoát cho nhà nước”. Người nước ngoài không được phép sở hữu bất động sản hay tài sản thế chấp.
David Harrison, một luật sư của hãng luật quốc tế Mayer Brown làm việc ở Việt Nam, cho biết là dường như chính phủ có thể thay đổi luật lệ nhằm cho phép người nước ngoài hợp tác với VAMC để mua những tài sản gắn với các món cho vay.
“Tôi không tin rằng Việt Nam không đủ sức thiết kế nên một công thức hiệu quả cho vấn đề này, hay một cấu trúc đặc thù nào đó”, ông nói.
Các nhà đầu tư cũng sẽ nhìn vào chất lượng của những tài sản thế chấp. Hoạt động cho vay trong giai đoạn bùng nổ tín dụng được quản lý yếu kém, điều này dẫn đến tình trạng gian lận và tham nhũng trong các ngân hàng. Bất động sản cần được duy tu và những tài sản như nhà máy, máy móc và tàu thuyền sẽ nhanh chóng mất giá nếu để không.
Hagan cho biết một nhóm 5 khoản vay liên quan mà ông đang xem xét cho một khách hàng tiềm năng lại có chung một tài sản thế chấp là một số lượng sắt thép.
“Tôi không rõ là liệu họ có di chuyển số sắt thép này mỗi lần hay không nhưng họ lại sử dụng cùng số hàng tồn kho đó”, ông nói. “Tay giám đốc chi nhánh ngân hàng kia chắc phải là một gã khờ khạo. Năm người liên tiếp cùng cam đoan về một đống sắt thép mà có lẽ là chẳng tồn tại.”




[i] Thay vì tịch thu tài sản thế chấp và sở hữu nó, ngân hàng vờ như khoản nợ kia không có vấn đề gì và tiếp tục gia hạn món vay, bởi rốt cuộc thì người vay mới là người hiểu rõ về cách thức xử lý những vấn đề của tài sản đó hơn ngân hàng. (ND)

Monday, September 23, 2013

Việt Nam lại chơi bài “vừa đánh vừa đàm” khi đàm phán về nhân quyền

Michael Benge | American Thinker | 22.9.2013
Người dịch: Lê Anh Hùng


Hàng chục năm qua, chiến lược đàm phán của cộng sản Việt Nam vẫn là “vừa đánh vừa đàm” – đầu tiên là nhằm đối phó với người Pháp, rồi với người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, và giờ đây là trong các cuộc đàm phán Mỹ-Việt về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chiến lược “vừa đánh vừa đàm” là kéo đối phương vào bàn đàm phán, trì hoãn hầu kéo dài thời gian, đồng thời chỉnh đốn lại, triển khai lại và trang bị lại cho quân đội khi họ giành được thêm địa bàn cũng như sự nhượng bộ từ đối phương. Theo Ernest Bower, cố vấn cao cấp về Đông Nam Á của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS – Hoa Kỳ): “Chính phủ Mỹ thán phục tư duy chiến lược của Việt Nam”.
Ngoài Việt Nam, TPP còn bao gồm 9 nước khác và được khuếch trương như một hiệp định thương mại thế hệ mới, chuẩn mực cao của thế kỷ 21. Việc ký kết và thực thi hiệp định thương mại này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ kinh tế Mỹ-Việt, đem lại cho Việt Nam cơ hội tiếp cận còn lớn hơn đến thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình: Hoa Kỳ.
Trong khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tiếp tục vòng vo và dao động khi đàm phán về đến nhân quyền thì những tên tay sai cộng sản vẫn tăng cường đàn áp ở Việt Nam. Như để đánh lạc hướng, cộng sản Việt Nam sử dụng chiêu bài “cần kiềm toả Trung Quốc” trong khi tìm kiếm vũ khí sát thương từ Mỹ, điều nhận được sự ủng hộ của cả hai nhà vận động chính cho Việt Nam – Thượng nghị sỹ John McCain và Ngoại trưởng John Kerry.
Các nhà đàm phán TPP của Hoa Kỳ đang bày tỏ những quan ngại vô hại về tình trạng vi phạm nhân quyền trắng trợn và triền miên của Hà Nội, vì thế người ta có thể cho rằng yêu cầu cải thiện các quyền tự do cho người dân Việt Nam sẽ được đưa vào bản hiệp định trước khi nó được phê chuẩn. Tuy nhiên, lịch sử lại cho thấy là cộng sản Việt Nam chưa bao giờ tôn trọng bất kỳ hiệp định nào với Hoa Kỳ cả, bởi vậy người ta có đủ lý do để tin rằng những tên tay sai cộng sản vẫn tung tẩy trên con đường của mình, vừa tiếp tục chính sách đàn áp vừa chế nhạo Hoa Kỳ.
TPP là một thoả thuận đã xong xuôi nếu người ta tin lời Scott Busby, Quyền Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách dân chủ, nhân quyền và lao động, người mới đây đã phát biểu ở Falls Church, tiểu bang Virginia: “Hoa Kỳ và Việt Nam đang tiếp tục cải thiện mối quan hệ kinh tế và thương mại, kể cả thông qua Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương… hiệp định tự do thương mại.”
Việt Nam là một nhà nước công an trị, nơi cứ 6 người làm việc thì có 1 người tham gia đầy đủ trong mạng lưới an ninh quốc gia khổng lồ hoặc cộng tác với nó.
"Plus ça change, plus c'est la même chose" (Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời).
Dưới đây chỉ là một ít vụ vi phạm nhân quyền mà cộng sản Việt Nam gây ra thời gian gần đây:
  • Ngày 3.9: Ban đầu, nó chỉ là một vụ phản đối ôn hoà cho đến khi công an Việt Nam tấn công hàng trăm giáo dân Công giáo đang phản đối trước nhà thờ của giáo xứ Mỹ Yên, tỉnh Nghệ An; công an đã bắn đạn thật và ném lựu đạn. Những người phản đối yêu cầu thả tự do cho hai giáo dân bị bắt hồi tháng Sáu và giam giữ vô cớ. Một số người được đưa tới bệnh viện cấp cứu với những chấn thương nghiêm trọng ở đầu, tay, bụng và cổ sau khi bị hành hung bởi những viên công an ngăn chặn việc khám chữa bệnh cho những người bị thương.
  • Ngày 1.8: Sau ba năm ngồi tù ở tỉnh Gia Lai và thường xuyên bị đánh đập, mục sư Tin Lành Pyap Rolan đã bị chết đói vì bị từ chối thức ăn và nước uống. Pyap bị truy bức bởi ông là một mục sư nhà thờ tại gia và bởi cha ông, Bre Puih, đã đào thoát sang Mỹ.
  • Ngày 1.8: Các thành viên nhà thờ tại gia Beu Siu và Pet Ksor từ làng Plei Pong (Gia Lai) bị công an bắt giữ. Pet bị đánh rồi được thả tự do, nhưng số phận của Beu thì chưa ai biết thế nào.
  • Ngày 19.8: Các thành viên nhà thờ tại gia Kla Rmah, Sop Rahlan và H'Bleng Rmah (nữ) từ làng Plei Sur (Gia Lai) bị công an bắt và đánh đập; Sop bị đánh dã man đến mức không thể đi được. Kla vẫn bị giam giữ, còn hai người khác đã được phóng thích. Những tin tức trên đây đến từ thân nhân của họ ở North Carolina.
  • Ngày 17.3: Theo một số nguồn tin, thủ lĩnh nhà thờ Công giáo người Hmong Vam Ngaij Vaj ở huyện Cư Jút, tỉnh Đak Nông bị tra tấn bằng roi điện và bị đánh đến chết trong thời gian bị công an giam giữ.
  • Ngày 12.4: Hoàng Văn Ngài, một trưởng lão thuộc đạo Tin Lành Việt Nam, cũng ở tỉnh Đak Nông, đã bị đánh đập đến chết (theo lời kể của người em trai ông, cũng bị giam ở buồng kế bên). Ngoài ra, “hơn 300 nhân chứng đã nhìn thấy thi thể của Ngài với những vết bầm tím, các vết cắt sâu và hộp sọ bị vỡ”.
Trong báo cáo gần đây, Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) nói rằng Việt Nam, dưới sự cai trị độc tài của Đảng Cộng sản, đang tăng cường kiểm soát tất cả các hoạt động tôn giáo, hạn chế ngặt nghèo sự thực hành tôn giáo độc lập, đồng thời đàn áp những cá nhân và nhóm tôn giáo mà họ cho là thách thức quyền lực của mình. “Nhà cầm quyền Việt Nam sử dụng một lực lượng công an tôn giáo chuyên trách cùng các điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia để đàn áp những hoạt động độc lập của Phật giáo, Tin lành, Hoà Hảo và Cao Đài, đồng thời tìm cách ngăn chặn sự phát triển của Tin lành và Công giáo trong các nhóm sắc tộc thiểu số thông qua hình thức phân biệt đối xử, bạo lực và ép buộc từ bỏ tín ngưỡng.”
Tự do tôn giáo đã đi từ xấu đến tồi tệ ở Việt Nam khi một văn bản pháp luật về kiểm duyệt Internet, gọi là Nghị định 72, bắt đầu có hiệu lực trong tháng này và chỉ cho phép mọi người đăng tải trên mạng các thông tin cá nhân. Nghị định mới trừng phạt bất kỳ người nào bàn luận về thời sự hay những tin tức nhạy cảm với sự tồn tại của chế độ. Nghị định cấm blogger và người sử dụng truyền thông xã hội trích dẫn, tập hợp hay tổng hợp thông tin từ các cơ quan báo chí hay các trang mạng của chính quyền. Ngoài ra, các nhà cung cấp dịch vụ Internet còn được giao nhiệm vụ ngăn chặn những câu chuyện với nội dung phê phán Việt Nam hoặc có thể gây nguy hiểm cho “an ninh quốc gia”. Chỉ riêng năm 2013, Hà Nội đã bắt giữ hơn 40 nhà hoạt động vì cái gọi là “tội chống nhà nước”.
Trong khi chính quyền Obama thiếu quyết đoán thì Nghị viện Châu Âu gần đây đã lên án mạnh mẽ tình trạng vi phạm nhân quyền và tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tự do hội họp ở Việt Nam, kể cả những hình thức như đe doạ chính trị, sách nhiễu, hành hung, bắt bớ tuỳ tiện, án tù hà khắc và xét xử bất công mà nhà cầm quyền dành cho các nhà hoạt động chính trị, nhà báo, blogger, người bất đồng chính kiến và người bảo vệ nhân quyền. Nghị viện Châu Âu còn lên án “sự truy bức tôn giáo nghiêm trọng” nhằm vào Công giáo cũng như các tôn giáo không được thừa nhận như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và các nhà thờ Tin lành.
Mỉa mai thay, Việt Nam lại đang vận động để giành một ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016.
Chuyến thăm Nhà Trắng
Giữa lúc mọi tai mắt đều đổ dồn vào Tổng thống Obama và Syria, gần như mọi người đã quên mất cuộc gặp tại Nhà Trắng giữa Obama và Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang hồi tháng Bảy, cũng như những lời lẽ lố bịch từ cả hai người. Trương Tấn Sang khoác lác rằng Hồ Chí Minh, nhà sáng lập đất nước Việt Nam cộng sản, là một người theo chủ nghĩa dân tộc lấy cảm hứng từ bản Tuyên ngôn Độc lập và Thomas Jefferson. Chủ tịch Sang và các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam vẫn trung thành với nguyên lý “điều dối trá lớn” (Big Lie) của Joseph Goebbels: con người ta thường sẵn sàng tin vào điều dối trá lớn nhiều hơn điều dối trá nhỏ, và nếu bạn lặp lại điều dối trá đó đủ thường xuyên thì cuối cùng mọi người sẽ tin nó.
Không muốn để người đồng nhiệm cộng sản của mình qua mặt, Tổng thống Obama cũng đồng tình rằng nhà cách mạng cộng sản nhiệt thành Hồ Chí Minh đã được thôi thúc bởi bản Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp Mỹ, cũng như những lời lẽ của Jefferson và các nhà sáng lập nước Mỹ. Ông ta tiếp tục rằng cả hai nước đều chia sẻ sự ngưỡng mộ dành cho Thomas Jefferson và những nguyên lý nền tảng của chúng ta.
Au contraire, mon président (Trái lại, thưa ngài Tổng thống!). Nhà sáng lập chế độ cộng sản ở Việt Nam không phải là Chúa Trời của Jefferson[i],mà chính là Hồ Chí Minh, một điệp viên quyền biến của Quốc tế Cộng sản (Comintern) do Moscow trả tiền, người mà lòng trung thành chỉ dành cho Phong trào Cộng sản Thế giới. Và những nguyên lý nền tảng của Mỹ không bao gồm việc sát hại hàng chục ngàn đồng bào của chúng ta, như họ đã làm. Thay vì “tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng”, chế độ của Trương Tấn Sang gần gũi hơn với sự phúng dụ châm biếm về chủ nghĩa cộng sản mà Georgel Orwell thể hiện trong tác phẩm “Trại súc vật” (Animal Farm), nơi mà một số súc vật bình đẳng hơn rất nhiều so với số khác./.
  • Michael Benge từng làm việc ở Việt Nam 11 năm trong vai trò của một quan chức ngoại giao và quan tâm đến chính trị Đông Nam Á. Ông là người vận động rất tích cực cho nhân quyền, tự do tôn giáo và dân chủ cho các dân tộc trong khu vực và viết nhiều về các chủ đề này.
        Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.




[i] Thomas Jefferson đã đưa Chúa Trời vào trong bản Tuyên ngôn Độc lập của mình: “When in the Course of human events, it becomes necessary for one people to dissolve the political bands which have connected them with another, and to assume among the powers of the earth, the separate and equal station to which the Laws of Nature and of Nature's God entitle them, a decent respect to the opinions of mankind requires that they should declare the causes which impel them to the separation…” Tạm dịch: “Trong tiến trình phát triển của nhân loại, khi một dân tộc cần thiết phải xóa bỏ những mối liên kết chính trị giữa họ với một dân tộc khác và khẳng định trước các lực lượng trên toàn trái đất vị thế độc lập và bình đẳng mà các quy luật của tự nhiên và Chúa Trời đã ban cho họ thì sự tôn trọng đầy đủ đối với các quan điểm của nhân loại đòi hỏi rằng họ cần tuyên bố những nguyên do thúc đẩy họ đi đến sự độc lập đó…” (ND)

Friday, September 20, 2013

Nhà phát triển bất động sản người Mỹ để lại sự tức giận ở Việt Nam

Chris Brummitt | Associated Press | 19.9.2013
Người dịch: Lê Anh Hùng



(Hà Nội) – Giữa lúc cơn bùng nổ bất động sản đầu tiên đổ vỡ xung quanh mình, nhà phát triển bất động sản người Mỹ Edward Chi vẫn hứa hẹn với các nhà đầu tư là những căn hộ hào nhoáng vẫn sẽ đến tay họ theo đúng kế hoạch. Thậm chí, doanh nhân này còn nói là ông sẽ bán tài sản ở California để hoàn tiền cho họ nếu công việc thi công những dự án mà một công ty bất động sản danh tiếng của Mỹ tiếp thị rầm rộ này phải dừng lại.
Nhưng rồi ông Chi lại trốn khỏi một cuộc họp căng thẳng với các chủ nhà tương lai vào năm ngoái và không bao giờ quay lại nữa, để lại những móng nhà của khu chung cư hoen rỉ cùng ít nhất 128 nhà đầu tư đang tức giận, nhiều người trong số họ đã đặt cọc hơn 150.000USD từ tiền tiết kiệm hay tiền vay ngân hàng. Công an nói ông Chi đã rời khỏi Việt Nam và không liên lạc được.
Ông Chi là một trong hàng loạt nhà phát triển bất động sản bị cuốn hút vào thị trường BĐS Việt Nam cuối những năm 2000, khi giới chức cộng sản khuyến khích các ngân hàng quốc doanh cung cấp tín dụng dễ dãi cho các nhà đầu tư và các nhà phát triển BĐS như một phần của nỗ lực kích thích nền kinh tế, mà kết quả là giá đất đã tăng mạnh. Đây là một hiện tượng mới đối với Việt Nam, đất nước mới chỉ bắt đầu mở cửa nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung những năm 1980. Nhiều nhà phát triển BĐS là DNNN không có kinh nghiệm về BĐS. Bất chấp những kỳ vọng là quyền sở hữu nhà ở sẽ đến với quảng đại quần chúng, những người mua nhà vẫn thường là các nhà đầu cơ, họ tìm cách mua thông tin về quy hoạch và nhanh chóng kiếm lợi nhuận.
“Bỗng nhiên ai nấy đều ngừng hoạt động sản xuất giày dép, dụng cụ, hay bất kể thứ gì, rồi trở thành các nhà phát triển bất động sản sau một đêm”, Marc Townsend – giám đốc điều hành bộ phận Việt Nam của tập đoàn BĐS toàn cầu CB Richard Ellis Group – nhận xét. “Và quanh thành phố nhan nhản những công trình dở dang.”
Như vô số nước đã nhận ra, giá nhà đất có thể xuống nhanh như khi lên. Việt Nam cũng đã rút ra bài học đắt giá đó vào cuối năm 2010 khi nền kinh tế rơi vào đình trệ. Ở một số vùng, giá cả giảm tới 50%, và không ai tiên đoán về một sự hồi phục. Các ngân hàng thì ngập trong nợ xấu, với nhiều món nợ có thế chấp BĐS, và ngại cho vay – điều này kìm hãm sự tăng trưởng của nền kinh tế từng một thời phát triển rất nhanh.
Với những toà nhà chọc trời và khu phức hợp nhà ở chưa hoàn thiện tạo nên bức tranh nham nhở tại nhiều khu vực của Hà Nội và những nơi khác, những câu chuyện về các nhà phát triển BĐS “bỏ của chạy lấy người” đang xuất hiện trên các diễn đàn trực tuyến cũng như trên các phương tiện truyền thông vốn bị kiểm soát chặt chẽ, mở ra một kênh mới để người ta trút giận vào giới chức cộng sản, những người chịu trách nhiệm quản lý trước tình trạng đầu cơ tràn lan này.
“Chúng tôi bị lừa dối và cũng cảm thấy thất vọng với chính quyền, những người chưa hề tỏ dấu hiệu cho thấy là họ sẽ điều tra về thực trạng này”, ông Trần Thanh Hải – người đã nộp tiền lần đầu 180.000USD để mua một căn hộ 210m2 trong dự án quan trọng nhất của ông Chi là Tricon Towers nằm ở ngoại vi phía Tây Hà Nội – bày tỏ.
Trong bối cảnh các nhà phát triển BĐS thiếu kinh nghiệm cũng như những ngân hàng yếu kém với các khoản cho vay dựa trên thế chấp là các dự án BĐS thua lỗ vẫn còn phải chịu thêm nhiều áp lực, các nhà môi giới BĐS lo ngại là các nhà đầu tư BĐS khác đang chuẩn bị đón nhận một sự ngạc nhiên hãi hùng khác. Chính phủ đã thành lập một công ty quản lý tài sản để mua nợ xấu và đưa chúng ra khỏi bảng cân đối tài khoản của các ngân hàng, song ít người trong ngành tin rằng nó có đủ quyết tâm và quyền lực để giải quyết triệt để vấn để.
Các ngân hàng, mà nhiều trong số đó lại nằm dưới sự điều hành của các vị chủ tịch và cổ đông có nhiều mối quan hệ chính trị ảnh hưởng, dường như không sẵn sàng chấp nhận thua lỗ; họ ưa dấu giếm mức độ rủi ro của mình và đặt cược rằng một cuộc phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ dẫn đến hiện tượng tăng giá tài sản. Hai năm sau khi cuộc khủng hoảng trở nên rõ ràng, người ta vẫn chưa biết một khoản nợ xấu nào đã được bán và cũng chưa có sự tính toán chuẩn xác nào về số nợ trong hệ thống.
“Để thay đổi thì bạn cần phải nhận ra vấn đề, mà ở đây người ta lại không nhận ra là có vấn đề”, Sameer Goyal (điều phối viên tài chính và khu vực tư của Ngân hàng Thế giới ở Việt Nam) nhận xét.
Ông Chi, một người Mỹ gốc Việt, là nhân vật nổi tiếng trong giới kinh doanh và đầu tư ở Hà Nội và Tp HCM trước khi đột ngột rời Việt Nam năm ngoái. Một nhà môi giới BĐS biết ông ta nói rằng Chi (theo giấy phép kinh doanh thì năm nay 49 tuổi) từng làm việc trong ngành bảo hiểm trước khi khởi nghiệp kinh doanh BĐS.
Hãng tin AP đã vài lần cố gắng liên lạc với ông Chi bằng cách sử dụng các số điện thoại gắn với địa chỉ ở California mà ông ta sử dụng khi xin cấp giấy phép kinh doanh ở Việt Nam và thông qua gia đình cũng như các đồng nghiệp cũ. Tuy nhiên, tất cả đều bất thành.
Minh Việt, công ty do ông ta thành lập, dường như chỉ gặp đôi chút khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư khi dự án của ông ở Hà Nội khởi công giữa năm 2009. Họ quảng cáo về ba toà tháp 44 tầng “siêu hiệu đại” với 734 căn hộ và thời hạn bàn giao là cuối năm 2011. Chúng được xây dựng ở ngoại vi phía Tây Hà Nội, khu vực được chính phủ thúc đẩy để trở thành một trung tâm thương mại và dân cư mới. Sau đó, Minh Việt tiếp thị và nhận tiền đặt cọc cho dự án thứ hai trông ra Vịnh Hạ Long, một điểm du lịch ở miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, công việc thi công không bao giờ diễn ra ở đây cả.
Những ai nghi ngờ về mức độ tin cậy của ông Chi lại cảm thấy tin tưởng đối tác nước ngoài nổi tiếng của ông ta. Ông Chi nhận được nhượng quyền kinh doanh tại Việt Nam từ Coldwell Banker, và sử dụng thương hiệu của nhà môi giới bất động sản Hoa Kỳ này một cách rộng rãi trong các dự án của mình. Coldwell Banker cho biết họ đã chấm dứt hợp đồng với ông Chi năm 2012 và từ chối bình luận thêm, viện cớ là cảnh sát đang điều tra ông ta.
Một nhà đầu tư Việt kiều cho biết bà tin tưởng dự án Vịnh Hạ Long vì cái tên Coldwell Banker. Bà nói bà cũng từng cho rằng dự án được chính phủ Việt Nam hậu thuẫn, và dẫn ra những quảng cáo trên các phương tiện truyền thông nhà nước. Bà cho hay ông Chi xuất hiện trong một cuộc điện thoại video với đội ngũ bán hàng của mình để ký kết hợp đồng.
“Tôi tin tưởng nó vì danh tiếng của Coldwell Banker, nhưng bây giờ họ lại phủi tay khỏi dự án, y như những gì mà chính phủ Việt Nam đang làm”, nhà đầu tư này nói (bà cho biết tên bà là Ngọc).
Trên trang mạng bóng bẩy quảng bá cho các bất động sản, ông Chi vẫn duy trì chính sách bán hàng “rắn” (hard sell) ngay cả khi hoạt động thi công trở nên phập phù và tranh chấp giữa Minh Việt và Coteccons, nhà thầu xây dựng Việt Nam, xuất hiện. Các bản tin truyền thông nói Minh Việt nợ Coteccons 7,5 triệu USD. Công ty này từ chối bình luận.
Nguyễn Ngọc Tuấn, một kỹ sư 37 tuổi, cho biết ông đã trả 180.000USD cho Minh Việt, 80.000USD từ tiền tiết kiệm và số còn lại vay từ một ngân hàng sở tại. Ông sử dụng hợp đồng ký với Minh Việt để thế chấp cho khoản vay. Ông hiện đang thuê một ngôi nhà, và dự kiến là thất nợ.
“Lương của vợ chồng tôi không đủ để trả lãi ngân hàng”, ông nói. “Tôi đã đề nghị ngân hàng đóng băng khoản vay, nhưng họ không đồng ý. Trong tương lai, tôi dự định sẽ không trả lãi bởi chúng tôi đơn giản là không đủ tiền để nuôi sống gia đình.”
Một quan chức công an cho biết họ đang điều tra ông Chi sau khi các nhà đầu tư nộp đơn khiếu nại, nhưng ông ta lại rời Việt Nam năm ngoái. Ông ta không cho biết tên bởi ông ta không được phép nói chuyện với truyền thông. Chưa rõ cuộc điều tra đã đi đến đâu. AP đã nói chuyện với hai đồng nghiệp Coldwell Banker vẫn ở Việt Nam của ông Chi. Cả hai đều nói cảnh sát chưa tiếp xúc với họ.
Trần Thanh Hải, một nhà đầu tư, cho biết là trong một cuộc họp ngày 12.7 năm ngoái, ông Chi hứa hẹn sẽ hoàn tiền cho khách hàng bằng cách bán nhà ở California nếu cần. Ông và những người khác vẫn đang lần theo dấu vết của ông Chi, song lại chỉ phát hiện ra thêm những sự lừa dối rõ ràng khác.
“Sau đó chúng tôi kiểm tra trên mạng, ngôi nhà kia đã được bán vài lần kể từ năm 2006 và chủ nhân cuối cùng không phải là Edward Chi.”
Những ngày này, showroom từng một thời nhấp nhánh ánh đèn của Tricon Towers đã bị bỏ rơi, với một bảng hiệu rách nát phất phơ trong gió.
Những cọc thép đang han rỉ cùng một khối bê tông là dấu hiệu duy nhất của tham vọng mà ông Chi từng theo đuổi. Trên tuyến phố từng một thời là nơi mà các nhà môi giới bất động sản đặt hàng dãy văn phòng, nay chỉ còn một văn phòng đang hoạt động.
Nguyễn Tuấn Lợi nói rằng ở đỉnh điểm của cơn bùng nổ bất động sản năm 2010, vài tháng sau khi Tricon khởi công, ông bán lại các ngôi nhà chỉ 4 ngày sau khi mua. Giờ đây ông nói là ông cảm thấy may mắn khi kiếm được mỗi tháng một vụ, và đã phải bán chiếc ô tô để mua xe máy.

Friday, September 13, 2013

Tổ chức Minh bạch Quốc tế: Những công dân chống tham nhũng ở Việt Nam

 Transparency International | 12.9.2013 |
Người dịch: Lê Anh Hùng




Phản ứng tàn nhẫn của tham nhũng: vụ Đoàn Văn Vươn
Đầu năm ngoái, gần thành phố cảng Hải Phòng, người nông dân nuôi trồng thuỷ sản Đoàn Văn Vươn đã tự vũ trang cho mình bằng bom và súng đạn tự chế trong cuộc kháng cự bạo liệt trước những quan chức chính quyền đến cưỡng chế thu hồi đất đai của ông.
Đoàn Văn Vươn nhận được tài sản của mình từ năm 1993 và giống như tất cả những người nắm giữ đất đai ở Việt Nam, ông chỉ có quyền sử dụng đất tạm thời. Lúc đó, ông đã chuyển vùng đất sình lầy này thành một cơ sở ăn nên làm ra bằng cách nuôi tôm và cá.
Cuộc đối đầu với các quan chức chính quyền làm cho 7 sỹ quan công an bị thương song tiếng vang mà vụ việc tạo ra đã khiến Thủ tướng Việt Nam công khai phê bình chính quyền địa phương ở Hải Phòng và tuyên bố vụ cưỡng chế là bất hợp pháp. Ngày hôm sau vụ cưỡng chế, hơn 100 cảnh sát và an ninh xông vào khu đất của ông Vươn, họ đập phá cả nhà ông lẫn nhà em trai ông, hai ngôi nhà thậm chí không nằm trong chỉ giới đất thu hồi.
Kể từ đó, Đoàn Văn Vươn và gia đình ông được phép giữ đất của mình vì một cuộc điều tra cho thấy là các quan chức địa phương đã sai khi ra lệnh cưỡng chế ông, nhưng tháng Tư vừa qua ông vẫn bị kết án 5 năm tù giam với tội danh cố ý giết người như là kết quả của sự xung đột với chính quyền.
Hai năm qua, Việt Nam đã chứng kiến những tấm gương khác thường về hiện tượng những người dân bình thường đứng lên chống tham nhũng. Song những công dân ưu tư này lại phải đối mặt với những thách thức khó khăn và trong một số trường hợp còn thấy mình bị các thiết chế mà họ chỉ trích biến thành mục tiêu vì sự dũng cảm của bản thân.
Vụ Đoàn Văn Vươn (xem phần đóng khung ở trên) là một dẫn chứng, một người kinh doanh nhỏ bị đẩy ra khỏi khu đất của mình vì một vụ tranh chấp: rốt cuộc ông đã dùng sức mạnh vật chất để đối đầu với chính quyền khi những đơn thư khiếu nại bị bác bỏ và mặc dù những yêu sách về đất đai của ông sau đó đã được chấp thuận nhưng ông vẫn bị kết án 5 năm tù vì tội cố ý giết người. Vài tháng trước đó, phóng viên điều tra Hoàng Khương, người đã bí mật điều tra để phơi bày nạn tham nhũng trong lực lượng công an nhưng lại bị kết án 4 năm tù giam vì hối lộ một viên cảnh sát trong một vụ giả dạng để điều tra do chính ông ông thực hiện và ghi âm nhằm phục vụ cho bài viết của mình.
Trong vụ Đoàn Văn Vươn, Toà àn Nhân dân Tp Hải Phòng sau đó đã nhận thấy rằng các văn bản về quản lý đất đai đã dẫn đến những sai lầm trong việc thu hồi đất đai của ông. Những người khác cũng từng chỉ ra rằng các vụ thu hồi đất trong một số trường hợp được những quan chức địa phương nhận “hoa hồng” từ các chủ đất mới thúc đẩy.

DŨNG KHÍ CỦA NIỀM TIN

Bất chấp những vụ trả đũa kiểu như thế, một số người vẫn sẵn sàng lên tiếng chống lại tham nhũng. Nhà giáo về hưu Lê Hiền Đức (80 tuổi, người từng được trao Giải thưởng Liêm chính của Tổ chức Minh bạch Quốc tế năm 2007) vẫn tiếp tục nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo tham nhũng liên quan đến đất đai, và hiện nay đã xuất hiện một trang mạng, www.toidihoilo.com, để mọi người gửi gắm và chia sẻ những trải nghiệm về hối lộ. Một nhóm sinh viên cũng đã xây dựng các bộ quy tắc ứng xử cho sinh viên và giáo viên như một phần của dự án School is Beautifulnhằm nâng cao sự liêm chính và minh bạch trong giáo dục.
Một số sáng kiến như thế đã được thừa nhận và hỗ trợ bởi chính phủ và các đối tác phát triển ở Việt Nam thông qua Chương trình Sáng kiến Chống tham nhũng ở Việt Nam (VACI)

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

Báo cáo Tham nhũng Toàn cầu năm 2013 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International - TI) nhận thấy rằng quản lý đất đai là lĩnh vực được cảm nhận tham nhũng nhiều thứ hai ở Việt Nam với tỷ lệ hơn một trong năm người tiếp xúc với các dịch vụ đất đai từng hối lộ trong năm ngoái. Không những thế, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai dường như còn đang diễn ra ngày càng xấu hơn tại các đô thị ở Việt Nam, với 34% công dân thành thị từng một lần hối lộ năm 2013, so với mức 25% trong một cuộc khảo sát tương tự của Tổ chức Minh bạch Quốc tế năm 2010.
Tình trạng tham nhũng trong lực lượng công an và tư pháp cũng đang ngày càng tăng. Tỷ lệ công dân đô thị ở Việt Nam trong số những người tiếp xúc với hai lĩnh vực này từng một lần hối lộ công an đã tăng lên 64% (từ mức 49% năm 2010) và tư pháp là 22% từ mức 16% năm 2010).

HIỆU ỨNG CỦA BIỆN PHÁP TỰ KIỂM SOÁT

Tham nhũng là lỗi hệ thống trong những thiết chế chủ chốt với nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, và điều này cho thấy tình cảnh khó khăn mà những người như ông Vươn phải đối mặt. Câu chuyện được quảng bá tốt của ông cũng như các vụ việc tương tự đã châm ngòi cho những cuộc phản đối của công chúng, qua đó người ta nhận thấy người dân ngày càng tức giận trước tình trạng quản lý yếu kém cũng như sự thiếu minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động của các quan chức chính quyền. Nhưng các công dân Việt Nam nói chung bắt đầu ngày càng bi quan về vai trò mà người dân có thể thực hiện trong công cuộc chống tham nhũng.
Năm 2013, 53% dân cư đô thị ở Việt Nam không đồng ý rằng người dân bình thường có thể tạo ra sự khác biệt trong công cuộc chống tham nhũng, so với mức chỉ 33% năm 2010. 79% người dân cho biết họ sẽ không báo cáo về tham nhũng vì “điều đó sẽ không tạo ra sự khác biệt” hoặc vì “họ sợ hậu quả”. Trong tất cả các nước được khảo sát ở Đông Nam Á thì công dân Việt Nam là những người ít sẵn sàng báo cáo tham nhũng nhất, đồng thời cũng là những người ít từ chối đưa hối lộ nhất.
Những ví dụ tích cực về sự đối đầu thành công với nạn tham nhũng mang tính hệ thống có thể thay đổi thực trạng trên. Và giữa lúc mức độ tham nhũng ở Việt Nam được cảm nhận là ngày càng tăng lên còn niềm tin của công chúng vào nỗ lực chống tham nhũng của chính quyền lại ngày càng đi xuống thì việc nêu bật thành công và kêu gọi nhà chức trách hỗ trợ chứ không tấn công những người đang tìm cách phơi bày tiêu cực vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng.

Wednesday, September 11, 2013

Biển Đông dưới con mắt của Trung Quốc


James R. Holmes| The Diplomat | 9.9.2013
Người dịch: Lê Anh Hùng



Tuần trước, một người bạn đề nghị tôi lật lại một trường hợp tương đồng trong lịch sử, từng được đưa ra thảo luận trong những ngày đầy phấn khích năm ngoái, khi tôi viết cho Flashpoints. Một ý tưởng tuyệt vời! Ở đây còn có nhiều điều để nói thêm về sự so sánh đó, sự so sánh giúp lý giải tại sao Trung Quốc hợp tác tốt với các nước khác ở Ấn Độ Dương trong khi lại gây xung đột trên Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Sự tương đồng ấy chính là phương châm “phi hoà bình ngoài giới tuyến” từng được thực hành ở Châu Âu thời Phục hưng. Xin đúc kết lại ở đây: trong một khoảnh khắc loé sáng của thứ tư duy mâu thuẫn tập thể, các nhà cai trị ở Châu Âu đã khởi xướng một thoả thuận, theo đó các nước có thể tiếp tục chung sống hoà bình ở Châu Âu, tránh những gian truân của xung đột trực tiếp, trong khi vẫn tấn công nhau không nương tay bên ngoài giới tuyến tưởng tượng chia tách Châu Âu khỏi Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Trong thực tế, điều này có nghĩa là họ đánh úp tàu thuyền vận tải và đồn bốt của nhau trên vùng thượng biển Caribe (greater Caribbean Sea) cùng những lối vào vùng biển này từ Đại Tây Dương.

Người ta có cảm giác như thể một lực lượng đối nghịch đang hoạt động trên đấu trường Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các cường quốc hải quân hợp tác về hướng Tây của đường giới tuyến mà bán đảo Mã Lai, eo biển Malacca và quần đảo Indonesia vạch ra. Những cuộc đối đầu thi thoảng khiến sự ngờ vực nổi lên đây đó và hiện tượng này chi phối phía Đông của vành đai Biển Đông, một giới tuyến cụ thể – thay vì tưởng tượng – chia cách khu vực này khỏi sân chơi quen thuộc trên Ấn Độ Dương.
Clausewitz, một người Châu Âu không thuộc thời kỳ Phục hưng, giúp lý giải tại sao các cường quốc biển có thể kiểm soát vịnh Aden một cách hài hoà trong khi lại tranh cãi về luật biển trên Biển Hoa Đông và Biển Đông. Đó là vì sứ mạng ở đây không liên quan gì đến chính trị. Chống cướp biển là ưu tiên hàng đầu của những nước vẫn phái tàu thuyền đi qua vùng biển ngoài khơi Somalia. Nếu có thì cũng chỉ ít nước có những lợi ích hay động cơ liên đới khả dĩ làm gián đoạn hoạt động chống cướp biển đó. Thật dễ làm việc cùng nhau khi các đối tác mang theo ít hành trang đến với sứ mạng chung ấy.
Hoặc chúng ta hãy hình dung về hiện tượng này dưới lăng kính của bộ môn cơ khí học véc-tơ (vector mechanics). Công thức đi-đến của Clausewitz cho rằng mức độ mà một chính phủ đánh giá các mục tiêu chính trị của mình sẽ quyết định quy mô và thời gian của nỗ lực mà nó huy động để đạt được chúng. Trong một liên minh, mỗi đối tác thực hiện những toan tính của mình. Vì các nước có lợi ích khác nhau, ở trên những lãnh thổ khác nhau, và nhìn thế giới qua những lăng kính lịch sử và văn hoá khác nhau, nên những tính toán của họ về giá trị của mục tiêu thường khác nhau. Ở đây, các véc-tơ phân kỳ. Những ưu tiên khác biệt làm phức tạp những nỗ lực hòng cân chỉnh các mũi tên về gần như cùng một hướng: đạt được các mục đích, chiến lược và hoạt động chung.
Quả thực là hiếm khi các đối tác trong liên minh có mục tiêu giống nhau, với ít động cơ ngầm can thiệp vào sự điều hành liên minh. Song đây dường như lại là một thực tế ở phía Tây Đại Đây Dương. Các véc-tơ chiến lược ở đây chỉ cùng một hướng, chủ yếu là tự nguyện. Sự khác biệt duy nhất là mức độ nỗ lực mà mỗi đối tác thực hiện. Tuy nhiên, những tranh cãi về việc hiện tượng trốn tránh chi phí lại ở mức tối thiểu trong một liên minh tự nguyện, phi chính thức như lực lượng đặc nhiệm chống cướp biển. Vì thế mà ở đây, hoà bình – thậm chí là hợp tác – tồn tại bên ngoài giới tuyến.
Bạn sẽ nhận thấy tôi dẫn điều này đi đến đâu. Cuộc viễn chinh đến vịnh Aden là một trường hợp dễ dàng. Nó cho thấy một kết cục thông thường, đó là các đối thủ có thể hợp tác với nhau vì lợi ích chung khi họ có cùng lợi ích trong một nỗ lực. Bây giờ, bạn hãy tự đặt mình ở Đông Á và khảo sát địa hình chiến lược trong phạm vi vòng cung ngăn cách Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Trung Quốc coi Biển Đông, xin nêu tên một vùng tranh chấp, không phải như vùng biển quốc tế mà là như một lãnh thổ ngoài bờ của họ. Thực vậy, Bắc Kinh vẫn khẳng định “chủ quyền không thể tranh cãi” ở đây.
Những yêu sách như thế gây phiền toái cho các quốc gia Đông Nam Á, trong khi Hoa Kỳ lại hy vọng tập hợp các liên minh và các mối quan hệ đối tác để giám sát vùng biển quốc tế này. Nhưng nếu Bắc Kinh tỏ ra nghiêm túc khi cho rằng những vùng biển lân cận là “quốc thổ màu xanh dương” – và những người bạn Trung Quốc của chúng tôi thì hoàn toàn nghiêm túc – thì những kẻ đến từ bên ngoài giám sát các vùng biển ấy phải giống như những tên xâm lược. Liệu bạn sẽ coi những viên cảnh sát hay đội quân nước ngoài dạo chơi trên mảnh đất của mình – ngay cả khi vì những lý do đáng ca ngợi – mà không được sự cho phép của bạn như thế nào nữa đây?
Vì thế, dưới con mắt của người Trung Quốc, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước Đông Nam Á phải giống như hành vi chiếm đóng trái phép lãnh thổ biên cương của Trung Quốc. Và nếu ở đây tồn tại một quy luật sắt về chiến lược thì đó là: bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là một mục đích chính trị với tầm quan trọng tối thượng. Theo cách nói của Clausewitz, điều này đòi hỏi nỗ lực bảo vệ đến cùng. Việc tìm cách đạt được sự ủng hộ của các chính phủ ASEAN hay chống phá sứ mạng kiểm soát do Hoa Kỳ lãnh đạo sẽ trở nên có ý nghĩa nếu bạn lập luận từ phương châm của Trung Quốc.[i]
Kết cục là: đối tác liên minh nằm ngoài giới tuyến,[ii]còn đối tượng phá vỡ liên minh lại nằm bên này giới tuyến.[iii]Vì thế, giữa trường hợp Châu Á và Châu Âu thời Phục hưng có một mẫu số chung, đó là lãnh thổ. Lãnh thổ quốc gia. Người Châu Âu từng nhất trí rằng những quy tắc khác nhau sẽ điều chỉnh sự tương tác giữa họ ở đại lục và ngoài đại dương. Khi làm như thế, họ tránh cho mình khỏi sự tàn phá của các cuộc xâm lược qua biên giới. Điều này thể hiện một quan điểm mà về cơ bản là bảo thủ. Trung Quốc đang tìm cách giành lại những gì mà họ coi là vùng biển lịch sử của mình. Thành ra họ thể hiện một lập trường mang tính chiếm đoạt và gây hấn nhiều hơn.
Bất kể theo cách nào, bảo vệ an toàn cho lãnh thổ và môi trường của tổ quốc vẫn là nhiệm vụ số một. Ngược lại, đặc điểm của cuộc viễn chinh đến những đấu trường xa xôi phụ thuộc vào mức độ mà lợi ích quốc gia trùng hợp hay xung đột ở đó. Các đối thủ có thể hợp tác với nhau xuất phát từ sự tiện lợi, tiếp xúc với nhau, hoặc phớt lờ nhau. Nhân tố quan trọng nhất ở đây nằm ở chỗ: chiến dịch chống cướp biển là một nỗ lực vô cùng đáng giá. Nó cần tiếp tục diễn ra. Liệu nó có thể tái diễn ở những khu vực khó kiểm soát hơn trên thế giới hay không – và liệu nó có thể cải thiện mối quan hệ tổng thể giữa các quốc gia hay không – lại là vấn đề hoàn toàn khác.
  • James R. Holmes là nhà phân tích quốc phòng của The Diplomat và là giáo sư ngành chiến lược của Đại học Hải quân Hoa Kỳ, nơi ông chuyên nghiên cứu về chiến lược biển của Hoa Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như lịch sử ngoại giao và quân sự của Hoa Kỳ.




[i] Ý chỉ mưu đồ của Trung Quốc hiện nay (ND).
[ii] Ý chỉ Hoa Kỳ (ND).
[iii] Ý chỉ Trung Quốc (ND).

Tuesday, September 10, 2013

CÂU CHUYỆN TẠM GIAM Ở VIỆT NAM

Lê Anh Hùng | VOA| 9.9.2013



Mặc dù pháp luật Việt Nam quy định rõ ràng thời hạn tạm giam bị can, nhưng trong thực tế, thời gian tạm giam có thể là vô hạn định, do vòng quay của quy trình “điều tra, xét xử [lại]” có thể diễn ra nhiều lần, cũng như do sự coi thường pháp luật của chính các cơ quan bảo vệ pháp luật. 
Phiên toà xét xử LS Lê Quốc Quân về tội “trốn thuế” bị hoãn đột ngột ngày 8/7/2013 đồng nghĩa với việc ông tiếp tục bị tạm giam vô hạn định trong tù.
Ngày 3/9 vừa qua, LS Hà Huy Sơn, người bào chữa cho ông, đã gửi công văn đến Tòa án Nhân dân Tp Hà Nội yêu cầu trả tự do ngay cho thân chủ do đã quá thời hạn chuẩn bị xét xử. Trước đó, ngày 13/8, LS Hà Huy Sơn cũng từng gửi công văn đến cơ quan này yêu cầu mở lại phiên toà xét xử vì đã quá thời hạn tạm hoãn phiên toà. Cho đến nay, cả hai công văn đều rơi tõm vào sự im lặng quen thuộc của nhà chức trách Việt Nam. Không ai biết “bánh xe công lý” của “nhà nước pháp quyền XHCN” trong vụ việc vẫn đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận này sẽ tiếp tục quay như thế nào.
Quy định pháp luật về tạm giam
Theo Điều 88 của Bộ Luật Tố tụng Hình sự, tạm giam không phải là biện pháp bắt buộc. Điều luật này qui định là tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ Luật Hình sự qui định hình phạt tù trên 2 năm khi có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn, cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.
Tuy nhiên, trong thực tế, việc áp dụng quy định pháp luật trên đây là rất tuỳ tiện, do bản chất định tính, tuỳ vào nhận định chủ quan của điều luật. Công an luôn có đủ lý do để muốn tạm giam bị can thì tạm giam, muốn cho tại ngoại thì tại ngoại. Đây chính là mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực sinh sôi nảy nở, hoặc đối với các vụ án chính trị như trường hợp LS Lê Quốc Quân thì trở thành công cụ hữu hiệu để trấn áp ý chí của đối tượng.
Bên cạnh đó, mặc dù pháp luật Việt Nam quy định rõ ràng thời hạn tạm giam bị can, nhưng trong thực tế, thời gian tạm giam có thể là vô hạn định, do vòng quay của quy trình “điều tra, xét xử [lại]” có thể diễn ra nhiều lần cũng như do sự coi thường pháp luật của chính các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Mức độ
tội phạm
Thời gian
tạm giam trong
các giai đoạn
tố tụng (ngày)

Ít nghiêm trọng
(khung hình phạt từ 3 năm tù trở xuống)
Nghiêm trọng
(khung hình phạt mức cao nhất đến 7 năm tù)

Rất nghiêm trọng
(khung hình phạt mức cao nhất đến 15 năm tù)

Đặc biệt
nghiêm trọng
(mức cao nhất của khung hình phạt là trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình)
Thời hạn điều tra
60
90
120
120
Gia hạn điều tra 
30
90
150
480
Thời hạn truy tố 
20
20
30
30
Gia hạn truy tố 
10
15
30
30
Trả hồ sơ điều tra
bổ sung 
120
120
120
120
Gửi hồ sơ cho tòa án 
3
3
3
3
Tòa án chuẩn bị xét xử 
30

45

60

120

Gia hạn chuẩn bị xét xử 
15
15
30
30
Trả hồ sơ điều tra bổ sung 
60
60
60
60
Ra quyết định xét xử 
15
15
15
15
Tổng cộng 
363
473
618
1.008
Điều tra, xét xử lại 
Quay trở lại từ đầu
Như vậy, theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự hiện hành, để hoàn thành một quy trình từ khi điều tra, truy tố đến lúc xét xử sơ thẩm thì tuỳ mức độ phạm tội mà bị can có thể bị tạm giam tối đa từ 363 ngày đến 1.008 ngày (xem bảng trên). 
Tuy nhiên, trong thực tế, nếu bị cáo kháng án và được toà phúc thẩm tuyên huỷ án sơ thẩm để điều tra lại thì quy trình nói trên lại quay trở về điểm xuất phát. Và trong trường hợp này, luật lại không quy định cụ thể là được huỷ án để điều tra lại bao nhiêu lần. Chính vì thế mà thời hạn tạm giam có thể kéo dài vô hạn định, với nhiều trường hợp bị giam oan, như vụ án “vườn điều” nổi tiếng ở Bình Thuận, bà Nguyễn Thị Lâm bị giam oan đến 7 năm, hay vụ anh Nguyễn Minh Hùng ở Tây Ninh bị giam oan hơn 5 năm.
Theo Điều 22 của Nghị định 89/1998/NĐ-CP ngày 07/11/1998 (ban hành Quy chế về tạm giữ, tạm giam) thì người bị tạm giữ, tạm giam có thể được gặp thân nhân, luật sư hoặc người bào chữa khác, nhưng điều này lại do cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định. 
“Luật là tao”
Sự bất cập của hệ thống pháp luật khiến cho những ai chẳng may vướng vào vòng lao lý ở Việt Nam đều trở thành nạn nhân của sự tuỳ tiện trong công tác điều tra, xét xử của các cơ quan tham gia tố tụng, đặc biệt là công an: Từ chuyện bị tạm giam hay được tại ngoại, chuyện gặp gỡ thân nhân và thậm chí là gặp luật sư, hay chuyện toà án trả hồ sơ để “điều tra lại”, v.v.
Khi bị tạm giam, bị can bị cách ly hoàn toàn khỏi xã hội. Đang được hít thở bầu không khí tự do ở ngoài thì bị bắt rồi bị giam giữ trong một căn phòng phòng kín mít với những bạn tù lạ lẫm hay thậm chí còn bị biệt giam, bị tước hết các quyền tự do cơ bản, kèm theo đó là cảm giác tội lỗi, hối hận… nên đây là giai đoạn mà người bị bắt giam dễ rơi vào trạng thái khủng hoảng tinh thần nhất trong thời gian tù tội. Tâm lý khủng hoảng cũng còn do người bị tạm giam chưa biết số phận của mình: kết quả điều tra ra sao, bị truy tố theo khung hình phạt nào, v.v.
Ở Mỹ, câu nói cửa miệng của cảnh sát khi bắt giữ tội phạm là: “Anh có quyền giữ im lặng. Bất cứ điều gì anh nói sẽ được sử dụng để chống lại anh trước toà.” Câu nói mà giới chuyên môn gọi là lời cảnh báo Miranda này thể hiện nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc cơ bản nhất trong lĩnh vực tố tụng hình sự: một cá nhân không thể bị coi là có tội cho đến khi cơ quan công tố chứng minh được là có tội và không còn tồn tại bất cứ sự nghi ngờ hay chứng cứ nào chứng minh điều ngược lại. Đó là nguyên tắc chi phối quy trình tố tụng hình sự không chỉ ở Mỹ mà ở hầu hết các nước trên thế giới.
Ở Việt Nam thì ngược lại, bất cứ ai bị bắt cũng đều bị các cơ quan tham gia tố tụng mặc nhiên coi là có tội và tìm cách buộc tội đến cùng. Lợi dụng tâm lý khủng hoảng của bị can, trại giam trở thành công cụ hữu hiệu để công an ép buộc bị can phải nhận tội bằng những cách thức như biệt giam, không cho gặp thân nhân… mà trường hợp LS Lê Quốc Quân là một ví dụ điển hình: cho đến nay, mặc dù đã bị bắt hơn 8 tháng, ông vẫn chưa được gặp trực tiếp gia đình; trường hợp anh Nguyễn Minh Hùng kể trên cũng vậy: từ ngày bị bắt cho đến khoảng 1 năm sau gia đình mới gặp lại anh tại phiên toà sơ thẩm.
Mấy năm gần đây, nhiều vụ đột tử ở đồn công an còn phơi bày một sự thật nhức nhối khác: đó là tình trạng tra tấn và bức cung bị can trong thời gian tạm giam. Điều này giải thích vì sao Việt Nam, một nước vẫn tự vỗ ngực là “tiến bộ”, lại chưa phê chuẩn Công ước Chống Tra tấn của Liên Hợp Quốc, dù đến tháng 5/2013 đã có tới 153 nước trên thế giới phê chuẩn.


Nguồn: VOA