Friday, March 16, 2012

THÂN PHẬN “CỬ TRI” VÀ “ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN” Ở VIỆT NAM

Lê Anh Hùng
Quảng Trị, 13/03/2012


Dân hai lăm triệu ai người lớn
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con.”
Tản Đà



Trước tình trạng thu hồi đất nông nghiệp vô tội vạ rồi đền bù rẻ mạt trên khắp các tỉnh thành ở Việt Nam mà không một tổ chức dân cử nào lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho họ, người ta dễ nhận thấy thân phận rẻ rúng của những cử tri nông dân trên một đất nước có tới hơn 70% dân số sống ở nông thôn, những người đã bầu lên đủ kiểu đại diện chính trị cho mình trong một chính thể tự xưng là “của dân, do dân và vì dân”. Thậm chí, ngay cả khi người nông dân bị cướp trắng thành quả lao động như trường hợp gia đình anh Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng mà vẫn không có một vị “đại biểu nhân dân” nào do họ bầu lên bày tỏ thái độ bênh vực quyền lợi của họ, từ đại biểu HĐND xã cho đến vị ĐBQH quyền uy đầy mình là đương kim Thủ tướng.


Ở các quốc gia phát triển, mặc dù chính phủ của họ luôn hô hào “tự do thương mại” và đặt ra những đòi hỏi cao về mức độ mở cửa thị trường đối với các nước đang phát triển khi đàm phán các hiệp định thương mại đa phương hay song phương, song nông dân của họ vẫn luôn nhận được nhiều ưu ái, thể hiện qua các chính sách bảo hộ nông nghiệp dưới những hình thức đa dạng và tinh vi, bất chấp thực tế nông dân chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong cơ cấu dân số của họ. Ở những nước đang phát triển và theo chế độ dân chủ như Thái Lan chẳng hạn, tiếng nói của người nông dân luôn được chính phủ lắng nghe và phản ứng tích cực. Lý do là vì ở những quốc gia đó, nhân dân nói chung và người nông dân nói riêng được hưởng đầy đủ các quyền tự do chính trị, trong đó có quyền lựa chọn người đại diện đích thực của mình trong bộ máy chính quyền. Tuy những chính sách bảo hộ như thế thường nhuốm màu chính trị (chủ nghĩa dân tuý hay chủ nghĩa bảo trợ) chứ không phải vì lý do kinh tế và không một cuốn sách giáo khoa kinh tế nào lại cổ vũ cho chính sách bảo hộ thương mại, song điều này càng cho chúng ta thấy rõ thực tế rằng chính phủ chỉ thực sự là “của dân, do dân và vì dân” khi người dân nắm quyền định đoạt vận mệnh chính trị của nó thông qua những lá phiếu bầu cử dân chủ.

Ở Việt Nam thì ngược lại, nhân dân nói chung và người nông dân nói riêng xem ra chẳng là “cái vé” gì cả. Điển hình là các đơn kiến nghị, thỉnh nguyện thư đủ kiểu của nhân dân gửi các vị lãnh đạo, các cơ quan nhà nước nhưng hầu như chẳng bao giờ được hồi âm. Vô số bài viết trên các trang báođã chỉ ra sự bất cập của những chính sách về nông nghiệp – nông dân – nông thôn, song tất cả rồi cũng lần lượt rơi vào im lặng chứ hầu như không tạo ra được một sự biến chuyển đáng kể nào. Đơn giản là với cơ chế “Đảng cử, dân bầu” suốt hàng chục năm qua, các “cử tri” ở Việt Nam gần như chẳng có chút ảnh hưởng gì tới sinh mệnh chính trị của các vị “quan cách mạng” cả.

Trong một hệ thống mà Đảng “lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện”, tiếng nói của “nhân dân” hiếm khi được đếm xỉa tới, và tầng lớp “quan cách mạng” từ cấp nhỏ nhất đến cấp cao nhất đều lấy phương châm “dựa vào nhau mà sống” để tồn tại. Các cuộc bầu cử Quốc hội hay HĐND các cấp đều có tỷ lệ cử tri đi bầu đạt gần 100% dù trên thực tế tình trạng thường gặp là một người đi bầu cho cả nhà. Do không có cạnh tranh chính trị nên các con số liên quan đến bầu cử thường bị phù phép, bởi chẳng có chủ thể độc lập nào giám sát thực hư của những con số đó. Quả thực, ngay cả lá phiếu của cử tri, “tiếng nói tập thể” đáng kể nhất của nhân dân, mà còn bị vô hiệu hoá như thế thì còn trông mong gì ở những “tiếng nói” lẻ tẻ khác? Vụ việc ngày 22/5/2011, một người dân ở Cà Mau trên đường đi chợ đã nhặt được 85 phiếu bầu cử HĐND xã có đóng dấu đỏ (hợp lệ) khiến dư luận một phen ồn ỹ nhưng rồi lại nhanh chóng rơi tõm vào sự im lặng quen thuộc của nhà chức trách, hay loạt bài “Chuyện đồng chí Minh Nhớp” của nhà báo Phan Thế Hải về trò hề “bầu cử Quốc hội” ở Hà Tĩnh một thời, mới chỉ cho chúng ta thấy phần nổi nhỏ xíu của tảng băng khổng lồ thôi.

Mỗi kỳ “tiếp xúc cử tri” theo quy định của pháp luật, các vị “đại biểu nhân dân” thường chỉ tiếp xúc với các “đại cử tri” quen mặt và đã được chính quyền sở tại “sàng lọc” kỹ để khỏi đưa ra những câu “hỏi xoáy”. Các vị “đại biểu nhân dân” cũng chẳng cần phải bận tâm nhiều về điều đó, bởi họ làm “đại biểu nhân dân” chủ yếu là do “tổ chức phân công”, do “cấp uỷ bố trí”, hơn là do nhân dân lựa chọn và gửi gắm thông qua những lá phiếu dân chủ. Và do được cấp uỷ “phân công” hay “bố trí” như thế nên một khi trở thành “đại biểu nhân dân”, họ cũng nhất nhất “quán triệt” theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng các cấp. Câu chuyện do nguyên ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết kểvề Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội và các tỉnh mà Quốc hội thông qua ngày 29/5/2008 là một minh chứng điển hình: “Khi thăm dò dự án mở rộng Thủ đô, tôi nhớ có 226 phiếu thuận và 226 phiếu chống. Nhưng khi biểu quyết thì tỷ lệ lên tới 92,9% tán thành.” Rõ ràng ở đây chỉ có ba khả năng sau xẩy ra: (i) các vị ĐBQH này đích thị là những “con rối”, (ii) họ biết “lá phiếu” hay “nút bấm” của mình luôn ở trong “tầm ngắm” nên sau khi đã được “chỉ đạo” họ đành phải “quán triệt” (bởi một lẽ đơn giản là trong cái gọi là “Nhà nước pháp quyền XHCN” ở VN thì mỗi “công dân” đều là một “tù nhân dự khuyết”), và (iii) con số kia lại bị “phù phép” như đã nói ở trên. “Nhà dột từ nóc”, “quyền lực tuyệt đối thì tha hoá tuyệt đối” – thiết tưởng chẳng có gì đáng phải “băn khoăn” ở đây cả.

Chắc chắn là nhiều vị đại biểu nhân dân, đặc biệt là Đại biểu Quốc hội, rất muốn lên tiếng trước những vấn đề nóng bỏng của đất nước hay những bức xúc của cử tri, đơn giản là chẳng ai muốn bị liệt vào hàng “nghị gật” hay “nghị vỗ tay” cả. Ngặt nỗi, bản thân họ cũng chỉ có “quyền” thực hiện vai trò của một “ông bưu điện”là tiếp nhận đơn thư của nhân dân và đóng dấu “kính chuyển” cho các cấp chính quyền rồi ngồi chờ câu trả lời theo kiểu được chăng hay chớ thôi. Những đơn thư chứa chất bao nỗi niềm của nhân dân cứ thế lòng vòng một hồi rồi về lại nơi xuất phát. Bên cạnh đó, những vấn đề lớn của đất nước thì thường bị dán nhãn “nhạy cảm” và được lãnh đạo Đảng các cấp “định hướng” hay “quán triệt” cho các “đại biểu nhân dân”. Bởi thế cho nên giữa lúc bao vấn đề cấp thiết của đất nước đang nổi lên cùng với nhiều bức xúc của dư luận (vụ Tiên Lãng, lạm phát, suy thoái, hiện tượng xe máy cháy hàng loạt, v.v.) mà chẳng thấy tiếng nói của Quốc hội ở đâu thì việc một vị Phó Chủ nhiệm Uỷ ban của Quốc hội lên tiếng gần như tức thời trước bức thư “cầu cứu” của một cô bé 15 tuổitrong cuộc thi trên truyền hình mang tên “Vietnam’s Got Talent” lại càng dễ khiến người ta cảm thấy sao mà lạc lõng và bi hài, để rồi cả nước lại được một phen bàn ra tán vào. Chợt nhớ câu thơ của thi sỹ Tản Đà hồi đầu thế kỷ trước:

Dân hai lăm triệu ai người lớn
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con.

Xem ra ở Việt Nam không chỉ “cử tri” mà ngay cả “Đại biểu Quốc hội” tại “cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất” cũng “biết thân biết phận” của mình. Thôi thì lo chuyện trẻ con cũng là một phận sự cao cả ở đời vậy, nhất là ở cái đất nước “bốn nghìn năm vẫn trẻ con” này thì còn có khối chuyện kiểu như thế. Những chuyện “quốc gia đại sự” khác thì đã có lãnh đạo Đảng và “bạn” lo hết cho rồi còn gì: nào là phải quán triệt “ba kiên trì”(kiên trì hiệp thương hữu nghị, kiên trì nhìn vào đại cục, kiên trì bình đẳng cùng có lợi) như “bạn” đã phán này, nào là không để bị “Tây hoá”, “tha hoá” và “thoái hoá” như “bạn” đã dạy này... Ôi Việt Nam, bao giờ Người mới lớn nổi đây?!./.


Bài đã đăng trên Bauxite Việt Nam ngày 16/3/2012 - http://boxitvn.blogspot.com/2012/03/than-phan-cu-tri-va-ai-bieu-nhan-dan-o.html.

2 comments:

  1. "Ôi Việt nam, bao giờ Người mới lớn nổi đây?" Bao giờ các nghị sĩ Quốc Hội Việt nam không gật theo chỉ thị của cái đảng cộng sản nữa.

    ReplyDelete
  2. bay gio con gat nhieu hon nua... khong gat bo tu thay me ! thang nao dam cai loi ong...cho di tu bo bo, leu lao

    ReplyDelete