Tuesday, December 27, 2011

CẠNH TRANH THỂ CHẾ VÀ THÁCH THỨC VỚI VIỆT NAM

Lê Anh Hùng
Quảng Trị, 26/12/2011



Từ đó đến nay, bảng xếp hạng PCI hàng năm đã chứng kiến nhiều sự thay đổi ngoạn mục, nhiều tỉnh thành đã lột xác chỉ trong vòng một năm, từ vị trí thấp nhảy vọt lên những vị trí cao, và dĩ nhiên, một số tỉnh thành lại theo chiều hướng ngược lại, tuy không hẳn là do năng lực cạnh tranh của các địa phương đó kém đi mà nhiều khi chỉ đơn giản là do sự tiến bộ của chúng chậm hơn so với các địa phương khác.[i]

Đa số nội dung của các lĩnh vực trên đây thuộc nội hàm của khái niệm cạnh tranh thể chế giữa các địa phương trong phạm vi một quốc gia. Thể chế ở đây được hiểu là luật lệ, chính sách, các quy định hành chính công, v.v. ra đời thông qua một quy trình chính trị và có tính chất cưỡng bách trong xã hội (thể chế công) và các tập quán, thông lệ, quy ước, v.v. tự hình thành trong lòng xã hội và không mang tính chất cưỡng bách (thể chế tư); tóm lại, các thể chế là những quy tắc điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể khác nhau trong xã hội. Trong một thế giới đang ngày càng trở nên “phẳng” hơn cùng xu thế toàn cầu hoá, khi mà ngày càng nhiều người nhận ra rằng thể chế chính là yếu tố cơ bản quyết định của tăng trưởng kinh tế,[ii]hầu hết các quốc gia đang thực sự tham gia vào một cuộc cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu: cạnh tranh thể chế quốc tế.
Tuy là một khái niệm mới phổ biến gần đây nhưng nội hàm của khái niệm cạnh tranh thể chế từng được nhà kinh tế học nổi tiếng người Scotland Adam Smith đề cập đến cách đây 235 năm khi ông bàn về ảnh hưởng của chính sách thuế đối với sự chuyển dịch của nguồn vốn giữa các quốc gia trong tác phẩm kinh điển Của cải của các quốc gia (The Wealth of Nations):
  • Chủ sở hữu vốn đúng là một công dân của thế giới, và không nhất thiết phải gắn bó với bất kỳ một quốc gia cụ thể nào. Anh ta có xu hướng từ bỏ đất nước mà ở đó anh ta phải đối mặt với sự thẩm vấn phiền toái, để được đánh giá tài sản kèm theo một mức thuế nặng nề, và sẽ chuyển vốn tới một quốc gia khác mà ở đó anh ta có thể hoặc là tiếp tục công việc kinh doanh hoặc là tận hưởng gia sản của mình thoải mái hơn. Bằng hành động di chuyển vốn, anh ta đã đặt dấu chấm hết cho toàn bộ ngành nghề mà đồng vốn đó từng giúp duy trì tại đất nước mà anh ta rời bỏ. Vốn giúp canh tác đất đai; vốn giúp tuyển dụng lao động. Một thứ thuế từng có xu hướng xua đuổi vốn khỏi bất kỳ đất nước cụ thể nào sẽ tiếp tục có xu hướng làm khô kiệt mọi nguồn thu, cho cả nhà vua và xã hội. Không chỉ lợi nhuận của vốn, mà cả địa tô và tiền công của lao động cũng đều không tránh khỏi bị suy giảm ít nhiều do việc di chuyển vốn đó.
(Adam Smith, The Wealth of Nations, [1776] 1970-1971, 2 tập, Nxb Dent, London, trang 330-331)


Bắt đầu từ năm 1979, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Thuỵ Sỹ đã cho ra đời bản báo cáo thường niên về năng lực cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Report – GCR).
“Năng lực cạnh tranh được định nghĩa là tập hợp các thể chế, chính sách và nhân tố quyết định mức năng suất của một quốc gia. Đến lượt, mức năng suất lại xác lập mức độ thịnh vượng mà một nền kinh tế khả dĩ đạt được” (GCR 2011-2012, Chương 1.1, trang 4).

Trong bản Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu 2011-2012 (GCR 2011-2012), ra đời tháng 9/2011 vừa qua, Việt Nam đứng thứ 65 trên tổng số 142 nước được khảo sát, tụt 6 bậc so với năm 2010. Lãi suất cao, khả năng tiếp cận vốn thấp, cùng với những bất cập về pháp lý, thuế và đất đai đang khiến Việt Nam ngày càng trở nên kém hấp dẫn hơn so với các nước láng giềng trong việc thu hút vốn đầu tư.[iii]

Chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia dựa trên 12 chỉ số thành phần, bao gồm: thể chế (institutions), hạ tầng (infrastructure), môi trường kinh tế vĩ mô (macroeconomic environment), sức khoẻ và giáo dục cơ sở (health & primary eduction), giáo dục và đào tạo bậc cao (higher education & training), hiệu quả của thị trường hàng hoá (goods market efficiency), hiệu quả của thị trường lao động (labour market efficiency), sự phát triển của thị trường tài chính (financial market development), công nghệ (technological readiness), quy mô thị trường (market size), độ tinh vi của hoạt động kinh doanh (business sophistication), đổi mới (innovation).

Tuy kết quả của 12 chỉ số thành phần của năng lực cạnh tranh được tách riêng, song điều quan trọng là cần lưu ý rằng chúng không độc lập với nhau: chúng có xu hướng củng cố lẫn nhau, và yếu kém trong lĩnh vực này thường ảnh hưởng tiêu cực đến các lĩnh vực khác (GCR 2011-2012, Chương 1.1, trang 8).

Ngoài ra, mặc dù 12 chỉ số thành phần nêu trên đều ảnh hưởng ở mức độ nào đó đến mọi nền kinh tế song ảnh hưởng của chúng lại thể hiện theo những cách khác nhau: phương thức tốt nhất để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh của mình khác với Canada. Điều này là bởi Việt Nam và Canada nằm ở hai giai đoạn phát triển khác nhau: khi các quốc gia chuyển dịch theo lộ trình phát triển, tiền lương có xu hướng tăng lên và, để duy trì mức thu nhập cao, năng suất lao động phải tăng lên (GCR 2011-2012, Chương 1.1, trang 8).
Phù hợp với lý thuyết về các giai đoạn phát triển, chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) giả định rằng ở giai đoạn đầu tiên, nền kinh tế được thúc đẩy bởi các yếu tố sản xuất (factor-driven) và các quốc gia cạnh tranh với nhau dựa trên khả năng thiên phú về các yếu tố sản xuất – chủ yếu là lực lượng lao động thiếu kỹ năng và nguồn tài nguyên thiên nhiên. Các công ty cạnh tranh trên cơ sở giá cả và bán các sản phẩm hay hàng hoá cơ bản, với mức năng suất thấp thể hiện qua mặt bằng lương thấp. Việc duy trì năng lực cạnh tranh ở giai đoạn phát triển này chủ yếu xoay quanh các thể chế công và thể chế tư hữu hiệu (chỉ số thành phần 1), hạ tầng phát triển tốt (chỉ số thành phần 2), môi trường kinh tế vĩ mô ổn định (chỉ số thành phần 3), và một lực lượng lao động đủ sức khoẻ với nền tảng giáo dục tối thiểu cấp cơ sở. Bốn chỉ số thành phần này hợp thành chỉ số con về các yêu cầu cơ bản (basic requirements subindex).

Khi một quốc gia trở nên cạnh tranh hơn, năng suất sẽ tăng lên và tiền lương sẽ ngày một tăng. Lúc đó, các quốc gia sẽ bước vào giai đoạn phát triển mà động lực là hiệu quả (efficiency-driven), khi chúng phải bắt tay vào việc phát triển các quy trình sản xuất hiệu quả hơn và nâng cao chất lượng sản phẩm, bởi tiền lương đã tăng lên và chúng không thể tăng giá. Ở giai đoạn này, năng lực cạnh tranh ngày càng được thúc đẩy nhờ giáo dục và đào tạo bậc cao (chỉ số thành phần 5), thị trường hàng hoá hiệu quả (chỉ số thành phần 6), thị trường lao động vận hành tốt (chỉ số thành phần 7), thị trường tài chính phát triển (chỉ số thành phần 8), khả năng khai thác lợi ích của các công nghệ hiện hành (chỉ số thành phần 9), và một thị trường trong nước hoặc ngoài nước có quy mô lớn (chỉ số thành phần 10). Sáu chỉ số thành phần này hợp thành chỉ số con về các yếu tố nâng cao hiệu quả (efficiency enhancers subindex).

Cuối cùng, khi các quốc gia bước vào giai đoạn phát triển mà động lực là đổi mới (innovation-driven), tiền lương đã tăng lên đến mức mà chúng chỉ có thể duy trì mặt bằng lương cao đó và mức sống kèm theo nếu các doanh nghiệp của chúng có khả năng cạnh tranh bằng những sản phẩm mới và độc đáo. Ở giai đoạn này, các công ty phải cạnh tranh bằng cách sản xuất ra những sản phẩm mới khác nhau khi sử dụng những quy trình sản xuất tinh vi nhất (chỉ số thành phần 11) và bằng cách sáng tạo ra những sản phẩm mới (chỉ số thành phần 12). Hai chỉ số thành phần này hợp thành chỉ số con về các yếu tố đổi mới và tinh vi (innovation and sophistication factors subindex).

    Bảng 1. 12 chỉ số thành phần của năng lực cạnh tranh
    Nguồn: GCR 2011-2012, Chương 1.1, trang 9.

Chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) tính đến các giai đoạn phát triển bằng cách gán các trọng số tương quan (relative weight) cho những chỉ số thành phần nào liên quan nhiều hơn đến một nền kinh tế trong giai đoạn phát triển đặc thù của nó.


 Bảng 2. Trọng số của các chỉ số con và ngưỡng thu nhập (GDP đầu người - USD) của các giai đoạn phát triển (giai đoạn 1; sự quá độ từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2; giai đoạn 2; sự quá độ từ giai đoạn 2 sang giai đoạn 3; giai đoạn 3):

* Với các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào tài nguyên khoáng sản, GDP đầu người không phải là tiêu chí duy nhất để xác định giai đoạn phát triển.
Nguồn: GCR 2011-2012, Chương 1.1, trang 10.

    Bảng 3. Phân bố các quốc gia/nền kinh tế theo giai đoạn phát triển:

    Nguồn: GCR 2011-2012, Chương 1.1, trang 11.

Như vậy, Việt Nam đang ở trong giai đoạn phát triển thứ nhất cùng 36 quốc gia khác; trọng số tương quan của 3 chỉ số con ở giai đoạn này lần lượt là 60%, 35% và 5%.

Còn đây là biểu đồ GDP đầu người qua mức cân bằng sức mua (PPP) của Việt Nam từ năm 1985 đến nay so với mức bình quân của số quốc gia đang phát triển ở Châu Á (theo đồng USD quốc tế):

             Nguồn: GCR 2011-2012, Chương 2.1, trang 368.

Trong phần dưới đây, chúng ta sẽ xem xét ảnh hưởng của thể chế và cải cách thể chế đến từng chỉ số thành phần khác nói riêng và qua đó đến năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Namnói chung.

1.        Thể chế

Do Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển thứ nhất nên chỉ số con về các yêu cầu cơ bản chiếm tỷ lệ 60% trong chỉ số năng lực cạnh tranh. Điều này cũng có nghĩa là đối với một quốc gia ở giai đoạn phát triển thứ nhất như Việt Nam, thể chế có ảnh hưởng lớn hơn nhiều đến năng lực cạnh tranh so với các quốc gia ở giai đoạn phát triển thứ 3 chẳng hạn.

Môi trường thể chế được quyết định bởi khuôn khổ pháp lý và hành chính mà ở đó cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ tương tác với nhau nhằm tạo ra của cải (GCR 2011-2012, Chương 1.1, trang 4).

Vai trò của các thể chế vượt lên trên khuôn khổ pháp lý. Thái độ của chính phủ đối với thị trường và các quyền tự do, cũng như hiệu quả hoạt động của chính phủ, cũng rất quan trọng: sự quan liêu và nhiêu khê quá mức, sự can thiệp quá sâu, tham nhũng, tình trạng gian lận trong khâu xử lý các hợp đồng thuộc khu vực công, sự thiếu minh bạch và độ tin cậy, và sự thiếu độc lập của bộ máy tư pháp, thảy đều gây ra chi phí kinh tế đáng kể cho hoạt động kinh doanh và làm chậm quá trình phát triển kinh tế… Ngoài ra, công tác quản lý tài chính công đúng đắn cũng đóng vai trò quyết định trong việc đảm bảo niềm tin vào môi trường kinh doanh (GCR 2011-2012, Chương 1.1, trang 4).

Mặc dù các ấn phẩm về kinh tế chủ yếu tập trung vào các thể chế công song các thể chế tư (private institutions) cũng là một yếu tố quan trọng trong quá trình tạo ra của cải vật chất. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới đây, cùng với vô số vụ tai tiếng của các tập đoàn, đã nêu bật sự liên quan của các chuẩn mực kế toán và báo cáo cũng như sự minh bạch đối với việc ngăn ngừa tình trạng gian lận và sự quản lý lệch lạc, việc đảm bảo chế độ quản trị tốt, và việc duy trì niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng. Các doanh nghiệp với bộ máy quản lý trung thực - ở đó các giám đốc tuân thủ những thông lệ đạo đức đáng tin cậy khi giao dịch với chính phủ, với các doanh nghiệp khác và với công chúng nói chung - sẽ phụng sự tốt cho nền kinh tế. Sự minh bạch của khu vực tư nhân đóng vai trò thiết yếu đối với hoạt động kinh doanh, nó có thể được tạo ra bằng cách sử dụng các chuẩn mực cũng như những thông lệ kiểm toán và kế toán với vai trò đảm bảo cho khả năng tiếp cận thông tin đúng lúc (GCR 2011-2012, Chương 1.1, trang 5).

Cải cách thể chế chính trị là giải pháp duy nhất để ngăn chặn tình trạng sa sút trầm trọng của hệ thống pháp luật ở Việt Nam hiện nay, đồng thời qua đó góp phần củng cố các thể chế nội sinh tiến bộ và hữu ích trong xã hội, đặc biệt là trong khu vực kinh tế tư nhân.[iv]

2.        Cơ sở hạ tầng

Đây là lĩnh vực mà thông thường nhà nước đóng một vai trò lớn. Đặc biệt là ở Việt Nam hiện nay, Nhà nước đang đóng vai trò quyết định trong lĩnh vực này, thông qua đầu tư công từ NSNN và đầu tư của các tập đoàn hay tổng công ty NN. Song do cơ chế quản lý lỏng lẻo nên hiệu quả đầu tư thấp, thất thoát lớn, kết quả là cơ sở hạ tầng yếu kém vẫn là một trở ngại lớn cho phát triển ở Việt Nam. Tái cấu trúc đầu tư công và tái cấu trúc DNNN là hai trong ba nhóm giải pháp để thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế mà Chính phủ Việt Nam đang bắt tay vào thực hiện. Điều này sẽ tạo điều kiện cho DN tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào hạ tầng cơ sở; các chính sách mới sẽ được thiết kế để huy động các nguồn lực trong xã hội cho mục đích này, bởi suy cho cùng ngân sách cũng bắt nguồn từ nguồn vốn trong xã hội. Tuy nhiên, nếu không có cải cách về thể chế chính trị thì mọi chuyện rồi đâu sẽ hoàn đó, hoặc khá lắm quá trình “tái cấu trúc nền kinh tế” cũng chỉ diễn ra ỳ ạch.

3.        Môi trường kinh tế vĩ mô

Bất ổn kinh tế vĩ mô đã trở thành thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam trong mấy năm qua, đỉnh điểm là năm 2011, mà nguyên nhân sâu xa chính là cái đuôi “định hướng XHCN” trong nền kinh tế thị trường khác người của nước ta.

“Việc phải quản lý thâm hụt tài khoá hạn chế khả năng trong tương lai của chính phủ khi phải ứng phó với chu kỳ kinh doanh. Các doanh nghiệp không thể hoạt động hiệu quả khi lạm phát vượt ra ngoài tầm kiểm soát (GCR 2011-2012, Chương 1.1, trang 5).

Để cải thiện tình hình hiện nay, cần phải xem lại vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Điều này rõ ràng là đòi hỏi một cuộc cải cách thể chế chính trị chứ không phải cứ cố bám víu vào một “cương lĩnh” viễn vông nào.

4.        Sức khoẻ và giáo dục cơ sở/Giáo dục và đào tạo bậc cao

Cải cách thể chế chính trị sẽ mở đường cho cải cách giáo dục và đào tạo toàn diện, chứ không theo kiểu “cải cách” luẩn quẩn và theo chiều hướng đi xuống như suốt mấy chục năm qua. Xu hướng tương tự cũng sẽ diễn ra trong ngành y tế. Ngoài ra, trong một thể chế chính trị mới mà ở đó tinh thần “thượng tôn pháp luật” được tôn trọng và đảm bảo, những vấn nạn như ô nhiễm môi trường, vệ sinh – an toàn thực phẩm, v.v. sẽ được kiểm soát, qua đó góp phần đảm bảo sức khoẻ cho người dân.

5.        Mức độ hiệu quả của thị trường hàng hoá

Môi trường khả thi tốt nhất cho hoạt động trao đổi hàng hoá đòi hỏi những trở ngại tối thiểu đối với hoạt động kinh doanh do sự can thiệp của chính phủ (GCR 2011-2012, Chương 1.1, trang 7). Điều này rõ ràng là liên quan đến việc xác định lại vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay.

6.        Hiệu quả của thị trường lao động

Mức độ hiệu quả và linh hoạt của thị trường lao động đóng vai trò quyết định cho việc đảm bảo rằng người lao động được bố trí vào vị trí phù hợp nhất với khả năng của mình và nhận được sự khích lệ để họ nỗ lực cao nhất cho công việc (GCR 2011-2012, Chương 1.1, trang 7).

Câu chuyện tiền lương ở EVN đang nóng sốt hiện nay và mức chênh lệch một trời một vực về tiền thưởng vào mỗi dịp Xuân về Tết đến cho thấy sự cạnh tranh bất bình đẳng trên thị trường lao động, và do đó là hiệu quả của nó. Điều này một phần là do tình trạng độc quyền của một số DNNN và sự can thiệp quá sâu của Chính phủ vào nền kinh tế. Do đó, cải cách thể chế chính trị sẽ góp phần cải thiện thực trạng này.

7.        Sự phát triển của thị trường tài chính

Cuộc khủng hoảng kinh tế mới đây đã nêu bật vai trò trung tâm của một khu vực tài chính vững mạnh và vận hành tốt đối với hoạt động kinh tế. Một khu vực tài chính hiệu quả sẽ phân bổ các nguồn lực mà người dân tiết kiệm được, cũng như các nguồn lực đến từ bên ngoài, vào những hình thức sử dụng với năng suất cao nhất. Nó hướng các nguồn lực vào những dự án đầu tư với tỷ lệ hoàn vốn kỳ vọng cao nhất thay vì vào các dự án có mối liên hệ chính trị (GCR 2011-2012, Chương 1.1, trang 7).

Môi trường kinh doanh cũng đóng vai trò quyết định đối với năng suất. Vì vậy, nền kinh tế đòi hỏi một thị trường tài chính tinh vi, có thể cung cấp nguồn vốn cho hoạt động đầu tư trong khu vực tư nhân từ những nguồn như các khoản cho vay của một hệ thống ngân hàng vững mạnh, từ các thị trường chứng khoán được quản lý tốt, từ nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, và từ các sản phẩm tài chính khác. Để hoàn thành tất cả các chức năng đó, khu vực ngân hàng cần phải đáng tin cậy và minh bạch, và các thị trường tài chính cần được điều tiết phù hợp nhằm bảo vệ các nhà đầu tư và các chủ thể khác trong nền kinh tế nói chung (GCR 2011-2012, Chương 1.1, trang 7).

Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán là một trong ba nhóm giải pháp để thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế mà Chính phủ Việt Namđang bắt tay vào thực hiện. Tuy nhiên, theo Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế làm việc cho Chương trình Việt Nam của Harvard Kennedy School và là Hiệu trưởng Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại Tp HCM: “Tái cấu trúc thực chất sẽ chỉ diễn ra khi những cân nhắc về kinh tế thế chỗ cho toan tính chính trị như là cơ sở để ngân hàng mở hầu bao của mình. Làm thế nào để đạt được sự thay đổi đó vẫn là vấn đề cơ bản của việc tái cấu trúc nền kinh tế ở Việt Nam.”[v]

8.        Công nghệ

Việc công nghệ mà người ta sử dụng được phát triển trong hay ngoài phạm vi biên giới quốc gia không liên quan đến khả năng nâng cao năng suất của nó. Điều mấu chốt là các doanh nghiệp hoạt động trong quốc gia đó cần tiếp cận được với những sản phẩm hay bản thiết kế tiên tiến cũng như có khả năng sử dụng chúng. Trong số các nguồn công nghệ chính từ bên ngoài, FDI thường đóng một vai trò then chốt (GCR 2011-2012, Chương 1.1, trang 7). Rõ ràng, cải cách thể chế sẽ giúp cho Việt Nam thu hút được nhiều nguồn vốn, công nghệ và cả nguồn nhân lực chất lượng cao từ bên ngoài.

9.        Quy mô thị trường

Nếu cải cách thể chế, thị trường trong nước sẽ mở cửa hơn, các DNNN sẽ không còn nhận được sự bảo hộ từ phía Chính phủ, nhờ vậy quy mô thị trường sẽ mở rộng hơn so với hiện nay.

10.      Mức độ tinh vi của hoạt động kinh doanh

Chỉ số này quan tâm đến hai yếu tố có mối liên hệ qua lại phức tạp: chất lượng của các mạng lưới kinh doanh tổng thể của một quốc gia, và chất lượng của các hoạt động và chiến lược của từng doanh nghiệp (GCR 2011-2012, Chương 1.1, trang 8).

Khi Việt Nam cải cách thể chế chính trị, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ diễn ra bình đẳng và thực chất hơn, đặc biệt là giữa DNNN và DN tư nhân, vì vậy các doanh nghiệp sẽ phát triển theo hướng liên kết theo khu vực và theo ngành nghề với nhau cũng như theo mức độ tinh vi của chiến lược kinh doanh (để tồn tại tốt hơn trong cạnh tranh). Ngoài ra, khi số lượng DNNN giảm xuống nhờ cải cách thể chế, các DNTN sẽ có điều kiện phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng chứ không phải khiêm tốn như hiện nay do lợi thế quá lớn của các DNNN (vị thế độc quyền; nguồn vốn; đất đai; cơ hội tiếp cận tín dụng, tài nguyên thiên nhiên; sự hỗ trợ của Nhà nước…).[vi]

11.      Đổi mới

Cải cách thể chế chính trị sẽ mở đường cho cải cách giáo dục và đào tạo toàn diện, đặc biệt là giáo dục đại học, biến các trường đại học thành những trung tâm nghiên cứu, gắn lý thuyết với thực tiễn; xu hướng tương tự cũng sẽ diễn ra trong các viện nghiên cứu. Nhờ đó, năng lực đổi mới của nền kinh tế sẽ tăng lên tương ứng.

66 năm sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho học sinh cả nước nhân dịp khai trường lần đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, với niềm hy vọng “dân tộc Việt Nam sẽ bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu”, đất nước chúng ta vẫn tiếp tục “sánh vai” cùng thiểu số quốc gia có trình độ phát triển thấp kém nhất trên thế giới (xem Bảng 3).

Kể từ khi Đảng CSVN tiến hành công cuộc “đổi mới” về kinh tế cách đây 25 năm cho đến nay, GPD đầu người theo mức cân bằng sức mua (PPP) của Việt Nam vẫn thể hiện chiều hướng ngày càng thua xa mức bình quân của số quốc gia đang phát triển ở Châu Á (xem hình ở trên). Điều này cũng có nghĩa là chúng ta đang ngày càng tụt hậu xa hơn chứ không phải ngày càng rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Sau cuộc thử nghiệm nhuốm màu tang thương kéo dài 2/3 thế kỷ qua với chủ nghĩa Marx-Lenin, chúng ta đã có thể kết luận rằng thứ chủ thuyết phi nhân và phi thực tế ấy chính là căn nguyên của tình trạng nghèo nàn và lạc hậu hiện nay của đất nước, kèm theo đó là bao vấn nạn xã hội khác: tham nhũng và tội phạm tràn lan, đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng, chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng một cách bất công, v.v. Cho dù chúng ta có nhìn nhận vấn đề dưới bất kỳ lăng kính nào thì cũng không thể “tô thắm” được hiện thực phũ phàng ấy.

Trước khi khép lại bài viết, xin mượn lời lời của bà Virginia Foote, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt, khi bà nhận xét về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam đang tham gia đàm phán cùng 8 nước là Hoa Kỳ, Úc, Brunei, Chile, New Zealand, Malaysia, Peru và Singapore (ba nước khác vừa lên tiếng hưởng ứng tại Hội nghị APEC trung tuần tháng 11/2011 ở Hawaii là Nhật Bản, Canada và Mexico): “Chắc chắn không có chuyện các quốc gia khác sẽ đứng lại để chờ Việt Nam”.[vii]Đúng vậy, chúng ta không được phép chậm trễ và tiếp tục phung phí những vận hội hiếm hoi mà bối cảnh lịch sử tạo ra cho dân tộc. Chúng ta không thể thản nhiên đứng nhìn một Myanmarđang chuyển mình nhanh chóng theo xu thế tự do - dân chủ của thế giới, mà sớm muộn gì đó cũng là một đối thủ của chúng ta trên đấu trường kinh tế. Để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh kinh tế đang diễn ra ngày một gay gắt trong một thế giới đang ngày càng “phẳng” hơn theo xu thế toàn cầu hoá, trước hết chúng ta phải chiến thắng trong cuộc cạnh tranh thể chế quốc tế. Điều này chỉ có thể diễn ra một khi chúng ta thực hiện cải cách thể chế chính trị hiện hành một cách triệt để và sâu rộng. Việc sửa đổi toàn diện bản Hiến pháp hiện nay chính là tiền đề để chúng ta tiến hành công cuộc canh tân đất nước, ngỏ hầu theo kịp đà phát triển của thế giới và sớm “sánh vai với các cường quốc năm châu”./.


Tài liệu tham khảo: 
Global Competitiveness Report 2011-2012 (World Economic Forum).

[i] Thời báo Kinh tế Việt Nam ngày 16/3/2011: Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh: Hà Nội, Tp HCM giật lùi (http://vneconomy.vn/20110316042148658P0C9920/nang-luc-canh-tranh-cap-tinh-ha-noi-tphcm-giat-lui.htm).
[ii] Tạp chí Tia Sáng ngày 13/12/2011: Thể chế với sự hưng thịnh của quốc gia (http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=114&CategoryID=7&News=4717).
[iii] Báo VnExpressngày 2/12/2011: “Việt Nam đánh mất nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư” (http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2011/12/viet-nam-danh-mat-nhieu-loi-the-trong-thu-hut-dau-tu/); Doanh Nhân Việt Nam Toàn Cầu ngày 27/11/2011: Financial Times: Môi trường đầu tư Việt Nam đang kém hấp dẫn hơn (http://dvt.vn/20111126103541963p85c116/financial-times-moi-truong-dau-tu-viet-nam-dang-kem-hap-dan-hon.htm).
[iv] Bauxite Việt Nam ngày 5/12/2011: Tình trạng vô pháp luật ở Việt Namhiện nay: Căn nguyên và thách thức cho bản Hiến pháp mới (http://www.boxitvn.net/bai/31382).
[vi] Báo Diễn Đàn Kinh Tế Việt Nam ngày 23/12/2011: Tại sao lợi nhuận của DN tư nhân sụt giảm (http://vef.vn/2011-12-22-tai-sao-loi-nhuan-cua-dn-tu-nhan-sut-giam-); Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp ngày 1/2/2010: Doanh nghiệp tư nhân 10 năm phát triển: Chất không theo kịp lượng (http://dddn.com.vn/20100127043134513cat81/doanh-nghiep-tu-nhan-10-nam-phat-trien-chat-khong-theo-kip-luong.htm).
[vii] Báo Vietnamnet ngày 1/12/2011: Quy định riêng về DNNN trong TPP: Thách thức hay cơ hội (http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-12-01-quy-dinh-rieng-ve-dnnn-trong-tpp-thach-thuc-hay-co-hoi-).

Bài đã đăng trên Bauxite Việt Nam ngày 27/12/2011: http://boxitvn.blogspot.com/2011/12/canh-tranh-che-va-thach-thuc-voi-viet.html

Wednesday, December 21, 2011

ĐẢNG “COI TRỌNG ĐỘI NGŨ DOANH NHÂN” NHƯ THẾ NÀO?

Lê Anh Hùng
Quảng Trị, 20/12/2011



Ngày 17/12 vừa qua, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có buổi làm việc tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nội dung chủ yếu liên quan đến Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tại đây, Tổng Bí thư đã phát biểu: “Trước đây, ở Đại hội 9, doanh nhân còn bị xếp sau cả công nhân, nông dân, trí thức, hội người cao tuổi. Nhưng đến nay chỉ xếp sau công nhân, nông dân, trí thức, cho thấy Đảng coi trọng đội ngũ doanh nhân như thế nào.”i
Giới doanh nhân Việt Nam hẳn không ít người “hể hả” trước sự ra đời của Nghị quyết cũng như trước lời phát biểu “mát lòng mát dạ” của Tổng Bí thư. Tuy nhiên, theo sự “xếp hạng” nói trên thì doanh nhân chỉ mới là “công dân” hạng 4 trong xã hội thôi. Vì vậy, để biết rồi đây Đảng sẽ coi trọng đội ngũ doanh nhân như thế nào, thiết nghĩ chúng ta cũng cần phải điểm lại xem Đảng đã “coi trọng” tiếng nói của công nhân, nông dân và trí thức, những “công dân” hạng 1-2-3 của xã hội “xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam hiện nay, đến đâu đã.

1. Công nhân
Xin dẫn ra đây câu nói của bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tp HCM) về hình ảnh của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay: “Tôi vào các khu công nghiệp, khu chế xuất thấy công nhân gầy gò, xanh xao quá. Đó là hậu quả của việc làm thêm quá nhiều giờ trong khi mức sống không được cải thiện. Nhiều em không muốn nhưng công ty vẫn bắt các em làm thêm.”ii

Trong khi đó, mặc dù đình công xưa nay vẫn được xem là thứ vũ khí hữu hiệu nhất của người công nhân trong việc gây sức ép với giới chủ để đòi quyền lợi cho mình song cho đến nay hầu hết các cuộc đình công ở Việt Nam đều là bất hợp pháp, tất cả là do quy định của pháp luật: “Quy định về trình tự bắt buộc của một cuộc đình công hợp pháp trong Bộ luật Lao động, trước tiên phải thông qua hội đồng hòa giải (DN thành lập) hoặc hòa giải viên cấp quận, huyện (do Phòng Lao động Thương binh & Xã hội cử ra); tiếp đó mới đưa ra hội đồng trọng tài cấp tỉnh. Tại hội đồng trọng tài, nếu các bên vẫn không đồng ý với nhau thì tổ chức công đoàn mới tổ chức đình công. Nhưng hiện nay, hàng ngàn cuộc đình công đều không qua khâu đầu tiên vì người lao động không tin vào hội đồng hòa giải cũng như hòa giải viên. Theo quy định của Luật, không qua được khâu này thì không lên được hội đồng trọng tài (hiện nay, 63 tỉnh thành đều có hội đồng trọng tài). Nhìn vào đây, chúng ta dễ dàng nhận thấy, con đường của một cuộc đình công hợp pháp phải đi qua 3 ‘cây cầu’ là hội đồng hòa giải hoặc hòa giải viên, hội đồng trọng tài, rồi mới đến sự tham gia của tổ chức công đoàn. Vì vậy, nếu cây cầu thứ nhất mà bị sập sẽ không còn đường để đi đến cầu thứ 2, cầu thứ 3.”iii

Bên cạnh đó, mặc dù nguyên nhân chủ yếu của các cuộc đình công là do mức lương quá thấp, song: “Giữa lúc đang xảy ra hàng loạt các cuộc đình công đòi tăng lương, giảm giờ làm, đòi cải thiện bữa ăn, đòi trợ cấp thâm niên... khắp Nam chí Bắc thì Bộ LĐ-TB&XH đề xuất với Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng. Mức lương tối thiểu đang được Bộ LĐ-TB&XH đề xuất, là 1,9 triệu đồng/tháng vùng 1 (cao hơn mức hiện nay 350.000 - 550.000 đồng/tháng). Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Tư - Ban chính sách pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam, đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH rất lạc hậu so với mức chi trả của doanh nghiệp hiện nay. Với mức lương tối thiểu mà Bộ LĐ-TB&XH đề xuất, lao động chưa tiếp cận được mức sống tối thiểu chứ chưa nói đến chuyện sẽ khấm khá hơn.”iv

2. Nông dân
Hiện tượng nhức nhối nhất ở nông thôn Việt Nam hiện nay chính là tình trạng tịch thu đất đai một cách tuỳ tiện rồi đền bù với giá rẻ mạt, khiến người nông dân không còn cách nào khác mà thường phải khiếu kiện vượt cấp. Đây là vấn nạn phổ biến đã kéo dài suốt mấy chục năm qua, kể từ khi đất nước tiến hành “đổi mới” về kinh tế, mà mấu chốt là do chế độ sở hữu mù mờ đối với đất đai.vSong mới đây, tại cuộc làm việc với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ngày 13/9/2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn phát biểu là “vấn đề sửa Luật Đất đai sẽ cần phải được nghiên cứu thận trọng. Nhiều vấn đề đang còn tranh luận, chẳng hạn, khái niệm về sở hữu toàn dân... Cho dù Quốc hội đã nhiều lần đề xuất đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhưng thảo luận mãi vẫn chưa chốt lại được” (?!).vi

Ngày 27/11/2011 vừa qua, một nông dân đã gửi thư ngỏ tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó ông nêu lên những thực trạng đáng báo động của nông dân như: Chính phủ bỏ rơi nông dân; nông dân đang tự bơi; nền nông nghiệp Việt Nam đang phát triển tự phát; các hiệp hội ngành hàng tước đoạt hết lợi nhuận của nông dân; Hội Nông dân là của Nhà nước nên chẳng quan tâm gì đến nông dân. Rồi ông đề nghị Tổng Bí thư thay đổi tư duy của Chính phủ; thay đổi cơ chế mua bán gạo bất nhân, bất trí và bất lương hiện nay; trả lại Hội Nông dân cho nông dân; xoá bỏ độc quyền của các hiệp hội ngành hàng đối với lúa gạo và nông sản; yêu cầu Chính phủ đưa ra các chính sách phát triển nông nghiệp và xuất khẩu nông sản hiệu quả; cho phép nông dân sở hữu ruộng đất của mình.viiTiếng kêu này, như bao tiếng kêu khác, rồi cũng sẽ rơi tõm vào trong im lặng, bởi cho đến nay vẫn chưa thấy ai lên tiếng trả lời cả.

3. Trí thức
Tại buổi tổng kết đánh giá hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) sáng 10/12/2011 ở Hà Nội, ông Nguyễn An Lương, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn và Vệ sinh Lao động Việt Nam, ví von là việc góp ý kiến nhiều khi trở thành kiểu “đánh vào chỗ không”, chưa được trân trọng và ghi nhận. Còn Giáo sư Chu Hảo cho biết là từ năm 2004 đến nay, các tổ chức đã gửi ít nhất 4 bản kiến nghị về giáo dục nhưng tuyệt nhiên không nhận được câu trả lời nào.viiiRồi bản Kiến nghị về quy hoạch và các dự án khai thác Bauxite ở Việt Namngày 12/4/2009, Kiến nghị về dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, với tấm gương về thảm họa vỡ hồ bùn đỏ ở nhà máy Ajka Timfoldgyar, Hungaryngày 9/10/2010, Kiến nghị về việc bảo vệ và phát triển đất nước trong tình hình hiện nayngày 10/7/2011 của các nhân sỹ, trí thức Việt Nam, v.v., tất cả những gì mà giới trí thức nhận được là sự im lặng đáng sợ, là sự thờ ơ vô cảm đặc trưng, là thái độ bất chấp tất cả của những người có trách nhiệm.
Xem thế đủ hiểu là tại sao tiếng nói của bà Phạm Thị Loan, đại diện cho giới doanh nhân ở Quốc hội, “cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam”, khi góp ý cho Dự thảo Văn kiện Đại hội XI của Đảng CSVN, lại bị gỡ ra khỏi mặt báo:
Cương lĩnh viết “Đảng phải nắm vững, vận dụng sáng suốt, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Tư tưởng Hồ Chí Minh thì đương nhiên rồi, nhưng chủ nghĩa Marx-Lenin liệu có còn là kim chỉ nam, là lý tưởng pháp lý mà chúng ta đi theo không? Cần phải xem lại lý luận này, nên chăng xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng những quy luật phát triển khách quan của xã hội, kinh tế phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Các văn kiện cũng chưa giải thích rõ khái niệm “nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”, có mâu thuẫn gì với nhau không, phát triển nó bằng cách nào. “Nền kinh tế thị trường” cũng mâu thuẫn với “kinh tế nhà nước là chủ đạo”. Chúng ta nên xác định kinh tế toàn dân, trong đó có kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân, mới là chủ đạo, kinh tế nhà nước là định hướng. Nhà nước đóng vai trò quản lý, kiểm soát tất cả nền kinh tế, các DNNN chỉ đóng vai trò dẫn đường. Thử hỏi các công ty NN hiện đóng góp bao nhiêu phần trăm GDP, giải quyết bao nhiêu công ăn việc làm mà gọi là chủ đạo?

Những gì mà kinh tế toàn dân không làm được thì DNNN mới đứng lên gánh vác, hỗ trợ, bù đắp. Phải xác định vai trò của họ, giao nhiệm vụ và có kiểm soát, xác định trách nhiệm là họ phải đóng góp thế nào cho xã hội, nền kinh tế, ngân sách với những phương tiện họ có trong tay.ix
Vì vậy, trước khi gửi gắm hy vọng vào bất cứ lời “đề đạt” và “kiến nghị” nào tới các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước, thiết tưởng giới doanh nhân Việt Nam cũng nên “chiêm nghiệm” số phận hẩm hiu của bản kiến nghị 10 điểm mà Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội khoá XII và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam gửi đến Quốc hội khoá XIII cuối tháng 7 vừa qua trong bối cảnh bất ổn kinh tế vĩ mô đã trở thành thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam năm 2011, đáng chú ý là Kiến nghị thứ 7: “Tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp Nhà nước để bảo đảm nhiệm vụ cơ bản là khắc phục những khiếm khuyết của thị trường và cung cấp hàng hóa, dịch vụ công cộng thay vì đóng vai trò chủ đạo bằng cách đầu tư dàn trải và kém hiệu quả như hiện nay… Trên thực tế hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế còn nhiều bất cập do sự can thiệp của Nhà nước chưa phù hợp với sự vận động của thị trường.”xCòn đây là câu trả lời dứt khoát từ phía người đứng đầu Chính phủ dành cho bản kiến nghị đầy tâm huyết và trách nhiệm đó:
… Mục tiêu thời gian tới được Thủ tướng nhấn mạnh: Sắp xếp DNNN phải bảo đảm nâng cao hiệu quả hoạt động, giữ được vai trò chủ đạo đối với nền kinh tế. “Phải kiên định điều này, không thể tư nhân hóa hết mọi thứ.”xi
“Việc tổng kết nhằm có cơ sở hoàn thiện đề án tái cơ cấu DNNN trong 5-10 năm tới phải bảo đảm 2 mục tiêu: Thứ nhất, DNNN là công cụ vật chất để Nhà nước can thiệp vào thị trường, đảm bảo phúc lợi và an sinh xã hội…”xii
Rõ ràng, lợi ích là động cơ đằng sau mọi hành động. “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, Đảng không có lợi ích gì khác”xiii- câu nói ấy dường như chỉ còn “vang vọng” đâu đó trong núi rừng Việt Bắc thôi. Và nếu như mỗi người Việt Nam chân chính đều cảm thấy là “không thể bỏ mặc đất nước này cho những kẻ mà ta khinh bỉ”xivthì chúng ta chỉ còn một lựa chọn ở đây: Hãy lên tiếng và lên tiếng nhiều hơn nữa, hãy hành động và hành động nhiều hơn nữa./.



Ghi chú:
i Báo Sài Gòn Tiếp Thị ngày 17/12/2011: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đảng coi trọng đội ngũ doanh nhân (http://sgtt.vn/Thoi-su/157092/Tong-bi-thu-Nguyen-Phu-Trong-Dang-coi-trong-doi-ngu-doanh-nhan.html).
ii Báo VnExpress ngày 30/8/2011: “Đình công tăng vọt là do lương quá thấp” (http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2011/08/dinh-cong-tang-vot-la-do-luong-qua-thap/).
iii Báo Đời sống & Pháp luật ngày 13/10/2011: Nhiều cuộc đình công bất hợp pháp … vì luật bất cập (http://doisongphapluat.com.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=50&ID=9691).
iv Báo Tiền Phong ngày 11/7/2011: Lương & đình công (http://www.tienphong.vn/Kinh-Te/544620/Luong--Dinh-cong-tpp.html).
v Báo Công An Tp HCM ngày 7/7/2011: Tình trạng khiếu kiện vượt cấp vẫn còn phổ biến (http://www.congan.com.vn/?mod=detnews&catid=942&p=&id=344496).
vi Báo Vietnamnet ngày 13/9/2011: Tổng Bí thư: Sửa Luật Đất đai cần thận trọng (http://www.vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/39323/tong-bi-thu--sua-luat-dat-dai-can-than-trong.html).
vii Bauxite Việt Nam ngày 27/11/2011: Thư của một nông dân gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (http://www.boxitvn.net/bai/31125).
viii Báo Vietnamnet ngày 11/12/2011: Phản biện giống như “đánh vào chỗ không” (http://www.vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/52146/phan-bien-giong-nhu--danh-vao-cho-khong-.html).
ix Báo Vietnamnet ngày 29/10/2010: “Đảng không nên quyết tất cả” (http://www.vietnamnet.vn/chinhtri/201010/dang-khong-nen-quyet-tat-ca-944907/). Bài báo sau đó đã bị gỡ xuống.
x Thời báo Kinh tế Việt Nam ngày 27/7/2011: 10 kiến nghị ổn định kinh tế vĩ mô (http://vneconomy.vn/20110727041925573p0c9920/10-kien-nghi-on-dinh-kinh-te-vi-mo.htm).
xi Báo Vietnamnet ngày 9/12/2011: Thủ tướng: Vụ Vinashin, tôi không ra quyết định nào sai (http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/51894/thu-tuong--vu-vinashin--toi-khong-ra-quyet-dinh-nao-sai.html).
xii Chương trình thời sự VTV 19h ngày 8/12/2011.
xiii Trích tác phẩm Sửa đổi lề lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1947.
xiv Bauxite Việt Nam ngày 17/12/2011: Giọt nước mắt của lề phải (http://www.boxitvn.net/bai/31777).


Bài đã đăng trên Bauxite Việt Nam ngày 21/12/2011: http://boxitvn.blogspot.com/2011/12/ang-coi-trong-oi-ngu-doanh-nhan-nhu-nao.html.

Thursday, December 15, 2011

HIẾN PHÁP VÀ MỘT SỰ NGỘ NHẬN VỀ DÂN CHỦ

Lê Anh Hùng
Quảng Trị, 15/12/2011


Không phải nguồn gốc của quyền lực, mà chính sự
hạn chế quyền lực mới ngăn nó khỏi trở nên độc đoán.”
<Friedrich Hayek, The Road to Serfdom
Nxb Routledge, London, 1944, trang 53>


Sửa đổi Hiến pháp 1992 là chủ đề hiện đang được rất nhiều người Việt Nam quan tâm, với vô số bài viết trên các báo trong và ngoài nước, một số cuộc hội thảo do các cơ quan hữu quan tổ chức, qua đó nhiều ý kiến thẳng thắn và xác đáng đã được đưa ra. Trong phạm vi của bài này, người viết muốn “mổ xẻ” một vấn đề mà nhiều người đã nêu lên khi bàn về bản Hiến pháp sắp tới của nước ta, đó là sự tập trung quyền lực Nhà nước vào tay Quốc hội và liệu quyền lực của Quốc hội có cần bị hạn chế hay không.

Điều 2 của Hiến pháp 1992 (sửa đổi) ghi rõ: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.” Điều 6 lại ghi: “Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân.” Điều 83 ghi: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam.” Nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội được quy định ở Điều 84, trong đó (i) Khoản 2: Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo hoạt động của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; (ii) Khoản 6: Quy định tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Toà án Nhân dân, Viện KSND và chính quyền địa phương; (iii) Khoản 7: Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch QH, các Phó Chủ tịch QH và các ủy viên Uỷ ban Thường vụ QH, Thủ tướng CP, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng CP về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về danh sách thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh; bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Ngoài ra, Điều 109 ghi: “Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam… Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác với Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước”; Điều 135 ghi: “Chánh án TANDTC chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp thì chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước”; Điều 139 ghi: “Viện trưởng VKSNDTC chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp thì chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước.”

Như vậy, xét trên lý thuyết,1quyền lực của Quốc hội ở Việt Nam hiện nay bao trùm lên quyền hành pháp và quyền tư pháp, không một chủ thể hiến định nào có quyền (dù chỉ trên lý thuyết) để giám sát và “thổi còi” hoạt động của Quốc hội khi hoạt động đó có vấn đề.

Lý lẽ biện hộ cho nguyên tắc tập trung quyền lực nhà nước vào tay quốc hội ở các nước XHCN nói chung và ở Việt Nam nói riêng là ở chỗ, quốc hội đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, vì vậy nguyên tắc quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất thể hiện nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.2Và một khi quyền lực đã thuộc về nhân dân thì không cần phải hạn chế quyền lực ấy nữa. Đó là một sự ngộ nhận rất tai hại, như chúng ta sẽ chỉ ra dưới đây.

Trong cuộc sống, việc một chủ thể hành xử với danh nghĩa đại diện cho ai đó là một hiện tượng phổ biến. Chẳng hạn, một luật sư đại diện cho thân chủ của mình trong một vụ kiện tụng; một giám đốc do chủ doanh nghiệp thuê để điều hành doanh nghiệp; một nhân viên do giám đốc doanh nghiệp tuyển dụng và giao thực hiện một nhiệm vụ nào đó; một đại biểu quốc hội do một số cử tri bầu lên để đại diện cho ý chí và quyền lợi của mình trong quốc hội, v.v.

Trên thực tế, những người đại diện, vốn hành động trên danh nghĩa đại diện cho người khác, đôi khi lại theo đuổi lợi ích riêng của mình và sao nhãng lợi ích của những người mà mình đại diện. Ví dụ, luật sư có thể tìm cách để kiếm tiền từ thân chủ của mình nhiều hơn là cố gắng bảo vệ quyền lợi của thân chủ; một nhân viên có thể không làm tròn bổn phận của mình ở công ty mà trốn tránh trách nhiệm và dành thời gian cho công việc riêng tư; một vị đại biểu quốc hội có thể vì lợi ích của mình mà không nói lên tiếng nói của cử tri hay không bảo vệ quyền lợi của cử tri, v.v.

Như vậy, tuy quốc hội đúng là do nhân dân bầu lên, nhưng chúng ta không có gì để đảm bảo rằng mỗi vị đại biểu quốc hội đều nói lên tiếng nói của cử tri hay đều bảo vệ quyền lợi của cử tri, ấy là còn chưa xét đến trường hợp quy trình bầu cử có vấn đề. Vì thế, quốc hội (hay phe đa số của quốc hội) có thể không hành xử vì lợi ích của (đa số) cử tri. Nghĩa là, không có gì để đảm bảo rằng quốc hội luôn đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân ở đây cả.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước là một minh chứng điển hình cho thực tế trên: sau khi ông ta nhân danh “nhân dân” để đề nghị Quốc hội loại Luật Biểu tình và Luật Lập hội ra khỏi chương trình xây dựng luật pháp của Quốc hội khoá XIII, chính các cử tri ở Tp HCM từng bầu cho ông ta đã lên tiếng truy vấn ông ta.3Hay như Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội và các tỉnh mà Quốc hội thông qua ngày 29/5/2008: Theo nguyên Đại biểu QH Nguyễn Minh Thuyết, “Khi thăm dò dự án mở rộng Thủ đô, tôi nhớ có 226 phiếu thuận và 226 phiếu chống. Nhưng khi biểu quyết thì tỷ lệ lên tới 92,9% tán thành.”4Chẳng lẽ “ý chí và nguyện vọng của nhân dân” lại dễ dàng thay đổi một cách chóng mặt đến thế hay sao?!

Điều này có nghĩa là đối với từng đại biểu quốc hội cần phải có một cơ chế giám sát và ràng buộc hữu hiệu (chẳng hạn, hình thức bãi miễn đại biểu do cử tri khởi xướng trong trường hợp đại biểu đó không làm tròn lời hứa trước cử tri hay không nói lên tiếng nói của cử tri); còn đối với quốc hội do nhân dân bầu lên thì cần phải có một cơ chế giám sát và cân bằng quyền lực hữu hiệu (giữa lập pháp – hành pháp – tư pháp), nếu không nó rất dễ sa vào tình trạng độc đoán và chuyên quyền, không chỉ bởi lý do đã chỉ ra ở trên mà còn bởi quyền lực luôn có xu hướng tự tha hoá. Ngoài ra, việc sửa đổi hiến pháp, thậm chí các bộ luật quan trọng, cần phải thông qua thủ tục trưng cầu dân ý.

Vì là một thực thể quyền lực “hữu danh vô thực” và thụ động nên ngoài việc “treo” vô thời hạn một số luật về quyền tự do dân chủ của nhân dân mà Hiến pháp đã quy định, cho đến nay Quốc hội Việt Nam cũng (bị ép) cho ra đời những “sản phẩm” mà nếu tồn tại một bộ máy tư pháp độc lập thì chúng đã bị “thổi còi”; chẳng hạn như Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành (với Điều 73 quy định Thủ tướng là người đứng đầu Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW là người đứng đầu Ban Chỉ đạo Phòng chống Tham nhũng của tỉnh, thành đó – một hình thức “vừa đá bóng vừa thổi còi”), hay Nghị quyết số 26/2008/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2008 của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường.

Friedrich Hayek, triết gia chính trị vĩ đại nhất thế kỷ 20 từng nhận định: “Không phải nguồn gốc của quyền lực, mà chính sự hạn chế quyền lực mới ngăn nó khỏi trở nên độc đoán.”5Thực tế này không chỉ xẩy ra ở Việt Nam hay các nước “xã hội chủ nghĩa” khác, những nơi mà cơ chế “Đảng cử, dân bầu” đã thực sự vô hiệu hoá quyền tự do của người dân trong việc lựa chọn người đại diện chính trị của mình, mà còn là một hiện thực ở nhiều nước theo chế độ dân chủ.

Con đường dẫn Hitler đến quyền lực độc tài chính là thông qua bầu cử dân chủ. Các nhà độc tài khác như Juan Perón của Argentina, Suharto của Indonesia, Ferdinard Marcos của Philippines, v.v., thảy đều đi theo con đường bầu cử dân chủ để lên đến đỉnh quyền lực rồi sau đó lại tìm mọi cách củng cố quyền lực độc tài cho bản thân. Họ đều do nhân dân bầu lên nhưng các cơ chế giám sát quyền lực hiện hữu đã bất lực hoặc bị họ vô hiệu hoá, trong đó có hình thức trấn áp các đối thủ chính trị và lực lượng chính trị đối lập. Và một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình chính trị ở nước Nga hiện nay chính là một điều khoản của hiến pháp Nga, cho phép quốc hội thông qua việc sửa đổi hiến pháp với đa số tuyệt đối mà không cần tới thủ tục trưng cầu dân ý: Ngày 14/11 và 26/11/2008, lần lượt Hạ viện (Duma) và Thượng viện (Hội đồng Liên bang) Nga thông qua việc sửa đổi hiến pháp, kéo dài nhiệm kỳ tổng thống từ 4 năm lên 6 năm, một động thái mà ngay từ lúc đó đã được nhiều người nhìn nhận là nhằm mở đường cho “triều đại” mới kéo dài 12 năm của ông Putin bắt đầu từ năm 2012, trong khi “triều đại” cũ vẫn còn gần 4 năm nữa mới kết thúc. Điều này đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, gây ra sự bất bình và chia rẽ trong dân chúng Nga.6(Ở điểm này, Hiến pháp 1946 của Việt Nam lại tỏ ra tiến bộ hơn nhiều, với quy định việc sửa đổi Hiến pháp phải được toàn dân phúc quyết tại Điều 70.)

Quay trở lại với tình hình Việt Nam, một khi Hiến pháp hiện hành đã quy định là công dân có quyền tự do ngôn luận, một khi các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã nhiều lần phát biểu là “tôn trọng ý kiến khác biệt”7thì không có lý do gì lại không thừa nhận các đảng phái với những quan điểm chính trị khác biệt. Cạnh tranh chính trị chính là cơ chế hữu hiệu nhất để giám sát quyền lực Nhà nước. Trong quốc hội, các đảng phái đối lập luôn theo sát quy trình lập pháp, là lực lượng đầu tiên lên tiếng phản biện và ngăn chặn những đạo luật vi hiến, không hợp lòng dân hay mở đường cho sự lạm dụng quyền lực. Đối với các chính sách của chính phủ, các đảng phái đối lập cũng là những người đầu tiên đặt câu hỏi về tính hợp hiến, hợp pháp và hiệu quả của chúng. Những gì mà các đảng phái chính trị đối lập làm không hẳn là hoàn toàn “vì dân vì nước”, mà trước hết là vì lợi ích chính trị của họ, song xét toàn cục, điều đó lại góp phần kiểm soát được quyền lực chính trị và đem lại cho cử tri nhiều lựa chọn. Friedrich Hayek từng nói, “Chúng ta sẽ không bao giờ ngăn chặn nổi sự lạm dụng quyền lực nếu như chúng ta không sẵn sàng hạn chế quyền lực theo những cách thức mà đôi khi có thể cản trở việc sử dụng quyền lực cho những mục đích đáng mong muốn.”8Cạnh tranh chính trị khiến cho sự phân chia quyền lực nhà nước và sự độc lập (không phải biệt lập) giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp trở nên thực chất. Đây là một điều kiện tiên quyết để giám sát quyền lực nhà nước, giúp cho hiến pháp dân chủ của một quốc gia đi vào cuộc sống chứ không không phải chỉ là cái bánh vẽ.

Hơn nửa thế kỷ qua, Việt Nam là một trong không nhiều “điểm sáng” trên thế giới mà ở đó hội tụ cả điều kiện cần và điều kiện đủ của một chính thể độc đoán và thối nát: sự không chính danh của quyền lực chính trị (Ban Chấp hành TW Đảng, Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ở Trung ương cùng các thực thể tương tự ở cấp địa phương) và sự thiếu vắng các cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu (cạnh tranh chính trị, sự chế ước và cân bằng giữa các nhánh quyền lực nhà nước, phân cấp quản lý, nền báo chí tự do, xã hội dân sự). Rõ ràng, đất nước chúng ta “phát triển” như ngày hôm nay là bởi những điều tốt đẹp hơn đã bị tước đoạt. Tiền đề để đưa đất nước thoát ra khỏi thực trạng đang ngày càng xấu hơn về chính trị - kinh tế - xã hội hiện nay dứt khoát không phải là một bộ luật cơ bản vừa mơ hồ và rối rắm, vừa chỉ có hiệu lực trên giấy như bản Hiến pháp hiện hành./.

Ghi chú:

1 Nói là trên lý thuyết vì ở Việt Nam quyền lực thực sự nằm ở đâu thì ai cũng biết cả rồi. Quốc hội nhiều khi chỉ là tấm bình phong hay bù nhìn thôi, đặc biệt là trước những vấn đề hệ trọng của đất nước.
2Phải chăng vì ý Ðảng về Dân chủ và Nhà nước pháp quyền - những tâm điểm của Ðại hội Ðảng XI cũng chính là ước nguyện của lòng dân đã đúc kết nên biểu tượng Nhà nước pháp quyền của ngày hội bầu cử toàn dân năm nay, năm 2011, với trục xuyên suốt: DÂN (cử tri) -> ÐẠI BIỂU CỦA DÂN (Quốc hội và Hội đồng Nhân dân) -> NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN CỦA DÂN.” Báo Nhân Dân ngày 21/5/2011: Phát huy dân chủ, nâng cao nhận thức về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (http://www.nhandan.com.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/daihoixi/vankiendaihoi/phat-huy-dan-ch-nang-cao-nh-n-th-c-v-xay-d-ng-nha-n-c-phap-quy-n-x-h-i-ch-ngh-a-1.297149?mode=print#N2J9tJ8NHbT1).
3 Báo Pháp Luật Tp HCM ngày 29/11/2011: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Dứt khoát phải ban hành luật biển (http://phapluattp.vn/20111128114920765p0c1013/chu-tich-nuoc-truong-tan-sang-dut-khoat-phai-ban-hanh-luat-bien.htm).
5 Cuốn sách này đã được NXB Tri Thức ấn hành tại Việt Nam tháng 3/2009 với tiêu đề Đường về nô lệ, do Phạm Nguyên Trường dịch.
6 BBC Vietnamese ngày 13/12/2011: Vì sao dân Nga phản đối Putin? (http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2011/12/111213_putin_comment.shtml)
8 Friedrich Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp, NXB Tri Thức, 2007, trang 262.


Bài đã đăng trên Bauxite Việt Nam ngày 15/12/2011: http://boxitvn.blogspot.com/2011/12/hien-phap-va-mot-su-ngo-nhan-ve-dan-chu.html.