Friday, April 28, 2017

Những con voi bị xích và tâm thế người Việt thời cộng sản

Lê Anh Hùng | VOA| 29.4.2017



Từ chuyện những con voi bị xích…
Vào các vườn thú, người ta thường thấy những con voi bị buộc chân bằng dây xích nhỏ. Cảnh tượng quen thuộc đó thu hút nhiều khách tham quan, khiến những người lần đầu được nhìn thấy những con voi bằng xương bằng thịt không khỏi ngạc nhiên, trầm trồ.
Tuy nhiên, điều dường như ít người tỏ ra “băn khoăn” là mặc dù thỉnh thoảng các chú voi cũng khua cái chân bị xích, khiến sợi xích kêu rổn rảng, nhưng chúng lại không cố ý giằng đứt dây xích, điều mà chúng có thể thực hiện dễ dàng bằng sức mạnh của mình.

Theo những người quản tượng, khi voi còn bé, người ta vẫn dùng loại dây xích như thế để buộc chúng. Chỉ cần những sợi dây xích cỡ đó là đủ để giữ chân đám voi con. Mỗi khi chúng phá xích hay có ý định thế thì đều bị đánh. Dần dà, chúng không còn nghĩ đến chuyện phá sợi dây xích buộc chân mình nữa; chúng đã đánh mất bản năng tìm kiếm tự do. Chúng không còn ý thức được việc dùng sức mạnh của mình để tự cứu mình, hoặc do chúng không tin mình có thể làm được điều đó, hoặc do chúng bị nỗi sợ hãi chi phối.
…đến thủ đoạn của nhà cầm quyền cộng sản
Người dân Việt Nam sống dưới chế độ cộng sản cũng được đối xử chẳng khác những con voi kia là mấy. Bên cạnh việc vẽ ra những thiên đường trên mặt đất mang tên “chủ nghĩa xã hội” hay “chủ nghĩa cộng sản” nhằm giam hãm lớp lớp người Việt trong một thế giới ảo tưởng, nhà cầm quyền còn tìm mọi cách để người dân ý thức được thế nào là “khuôn phép cộng sản” ngay từ thuở mới cắp sách tới trường.
“Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt” là một trong “năm điều Bác Hồ dạy”, những khẩu hiệu mà mọi lứa học sinh đều phải thuộc nằm lòng. Nhân danh “đoàn kết” và “kỷ luật”, những mầm non của đất nước bắt đầu được gò vào khuôn phép của những hình thức tổ chức tập thể đầu tiên trước khi bước vào đời là trường và lớp. Những học sinh nào không tham gia “Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh” và “Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh” đều bị coi như những học sinh “chậm tiến” hoặc “có vấn đề”.
Trong các cuốn sách giáo khoa, bên cạnh vô số “tấm gương sáng” vì “sự nghiệp cách mạng” được tôn sùng là hàng loạt “gương xấu” – đó là những kẻ chống lại “sự nghiệp cách mạng”, và tất cả đều bị “trừng trị” theo cách này hay cách khác.
Chưa hết, dư âm của cuộc “Cải cách Ruộng đất”, vụ “Nhân văn - Giai phẩm”, vụ án “Xét lại chống đảng”, hay các cuộc “cải tạo công thương nghiệp xã hội chủ nghĩa”… khiến hàng triệu người Việt đến nay vẫn chưa hết rùng mình.
Người ta còn kể cho nhau nghe về vô số vụ khủng bố, ám sát, thủ tiêu mà nạn nhân bị coi là những “phần tử phản cách mạng”. Dĩ nhiên, không nói thì ai cũng hiểu đằng sau những vụ đó là ai.
Một công dân sau khi rời khỏi ghế nhà trường, nếu không sinh hoạt trong các tổ chức chính trị như Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM hay Đảng CSVN, anh ta hầu như không có cơ hội tiến thân trong bộ máy. Nếu anh ta còn dám “góp ý” hay “phê bình” các tổ chức này nữa thì nơi duy nhất chào đón anh ta là nhà tù.
…và tâm thế dân Việt
Mấy chục năm trước, những gì trên đây là “chuyện thường ngày ở huyện”, và đó là lý do khiến nỗi sợ hãi ám ảnh cả xã hội, từ dân thường cho đến cán bộ.
Ngày nay, mặc dù ánh sáng của cuộc cách mạng Internet và truyền thông xã hội trong một thế giới của can dự và hội nhập toàn cầu đã xua tan nhiều bóng tối từng ngự trị trên đất nước suốt nhiều thập niên, lối cai trị nhuốm màu ma quỷ mà các lãnh tụ cộng sản tiền bối từng áp đặt lên dải đất hình chữ S không còn đất sống, song phần lớn người Việt vẫn tiếp tục sống trong sợ hãi.
Những người dân thường vốn thiếu cả kiến thức chính trị lẫn phương tiện truyền thông để bày tỏ chính kiến thì không nói. Điều đáng nói là ngay cả những cán bộ về hưu, đặc biệt là giới trí thức, những người đã nhận chân được chủ nghĩa Marx-Lenin cũng như cái bánh vẽ mang tên “chủ nghĩa xã hội” hay “chủ nghĩa cộng sản”, mà cũng không dám bày tỏ thái độ của mình trước hiện tình đất nước, trước những bất công, tiêu cực trong xã hội, dù họ biết là họ đã bị lừa dối trong phần lớn cuộc đời, dù họ hoàn toàn ý thức được những hiểm hoạ mà nước nhà đang phải đối mặt.
Lý do thật đơn giản: họ sợ. Nhiều người Việt Nam cố chui vào trong cái lô cốt của sợ hãi với niềm an ủi rằng, cộng sản sớm muộn gì cũng sụp, và tự nó làm cho nó sụp chứ không cần và không ai đủ sức làm cho nó sụp. Tương tự như thế là quan điểm chỉ có cộng sản mới tiêu diệt được cộng sản.
Và nhà cầm quyền thì luôn tìm cách duy trì nỗi sợ hãi đó trong dân chúng nói chung và tầng lớp tinh hoa của xã hội nói riêng.
Ngày càng nhiều người Việt lên tiếng đấu tranh đòi nhà cầm quyền cộng sản tôn trọng các quyền tự do cơ bản đã được quy định trong Hiến pháp hay trong các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết thì cũng ngày càng nhiều vụ bắt giam hay khủng bố dành cho những người con ưu tú đó của đất nước.
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, một cựu tù nhân lương tâm ở Hải Phòng, cho biết là ngày Mùng 4 Tết 2008, hai nhân viên an ninh đã đến nhà ông doạ dẫm là nếu ông đi viếng ông Hoàng Minh Chính thì sẽ gặp một vụ tai nạn như cặp vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh.
Các vụ bắt bớ, khủng bố nhằm vào những người đấu tranh trong các vụ án chính trị hay trong giai đoạn phong trào bị đàn áp mạnh là chuyện bình thường. Điều tưởng như bất thường là thỉnh thoảng chúng vẫn cứ diễn ra trong những giai đoạn yên ắng, dù bản thân đối tượng hay hành vi của họ chẳng có gì đáng gọi là nhạy cảm hay nguy hiểm cho chế độ đến mức phải bị đối xử như thế. Thực ra, mục đích của hành động đó lại rất dễ hiểu: tiếp tục gieo rắc nỗi sợ hãi trong dân chúng.
“Freedom is not free”
Ở Việt Nam, phần lớn những người từng phải ngồi tù vì lý do chính trị trong khoảng hai chục năm trở lại đây là thành viên của Hội Cựu Tù nhân Lương tâm, một tổ chức XHDS ra đời năm 2014. Số hội viên Hội CTNLT hiện nay là 142 người; số hội viên đã mất là 3 người; còn số TNLT trong các nhà tù Việt Nam hiện nay là 70 người.
Dù mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng việc dẫn ra đây một vài con số về tù chính trị của Myanmar, đất nước vừa mới “tự diễn biến, tự chuyển hoá” sang chế độ dân chủ một cách êm thấm trong sự thèm khát của hàng chục triệu người Việt, hẳn cũng mang một ý nghĩa nào đấy. Theo tạp chí TIME, số tù nhân chính trị bị giam cầm trong các nhà tù của Myanmar giai đoạn 2009-2010 là khoảng 2.000 người. Còn theo Tổ chức Ân xá Quốc tế thì trong giai đoạn 2011-2016, chỉ riêng số tù chính trị Myanmar được ân xá đã lên tới trên 1.100 người. (Nếu có thể nói gì thêm thì dân số Myanmar là khoảng 54 triệu người, tức chỉ hơn một nửa dân số Việt Nam chút xíu.)
Cộng sản Việt Nam sẽ sụp đổ trước hết vì những nguyên nhân nội tại, đó là điều không cần phải bàn cãi. Nhưng nếu người dân không lên tiếng và hành động để góp phần thúc đẩy và giảm thiểu tổn thất cho tiến trình đó thì hoặc còn rất lâu nữa nhà cầm quyền mới chịu trả lại quyền làm người cho họ, hoặc nó sẽ chuyển hoá sang một hình thái độc tài khác.
Bất luận thế nào, giống như những con voi bị xích kia, chừng nào người Việt còn chưa ý thức được sức mạnh của mình, chừng nào những tinh hoa của giống nòi còn là nô lệ của nỗi sợ hãi, chừng đó hàng chục triệu “con Lạc cháu Hồng” còn tiếp tục mòn mỏi trong kiếp nạn cộng sản.

* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 


Lê Anh Hùng
Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.





Nguồn: VOA

Friday, April 21, 2017

Tinh Thần Đồng Tâm

Lê Anh Hùng | VOA | 21.4.2017 



Sự kiện những người dân bị cướp đất ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội nổi lên bắt và giam giữ 38 con tin của chính quyền mà phần lớn là công an đã khiến dư luận trong và ngoài nước sốt xình xịch suốt từ hôm 15/4 đến nay.  
Trong lịch sử Việt Nam hiện đại, đây là lần đầu tiên dân chúng dám bắt giữ cả một đơn vị công an cấp trung đội, trong số đó có viên trung đoàn trưởng trung đoàn cảnh sát cơ động thành phố và một viên phó trưởng công an huyện sở tại.
Âm mưu tấn công bị lộ

Kể từ khi vụ việc xẩy ra, bộ máy tuyên truyền của nhà cầm quyền cộng sản đã trổ hết “ngón nghề” sở trường, ra sức lèo lái, định hướng dư luận, nhưng vẫn không che dấu được bản chất vụ việc: đây lại là một vụ tham nhũng đất đai nghiêm trọng của các cấp chính quyền Hà Nội. Nói cách khác, đám tham quan nhũng lại đã cấu kết với doanh nghiệp cùng các thành phần bất hảo khác để cướp đoạt đất đai của người dân xã Đồng Tâm, trong một vụ tố cáo tham nhũng mà bà con đã theo đuổi từ nhiều năm nay.
Bất chấp thái độ chân thành của bà con là muốn được đối thoại trên tinh thần công khai và thẳng thắn với Chủ tịch thành phố về những tranh chấp giữa họ với chính quyền, song người đứng đầu bộ máy hành chính thành phố vẫn tìm cách lảng tránh, dù ngày 17/4, họ đã trả tự do cho 18 con tin để bày tỏ thiện chí của mình.
Căng thẳng tiếp tục được đẩy lên cao khi người dân cho biết là tối 19/4 hàng trăm tên côn đồ đã tấn công vào làng nhưng bị dân làng đẩy ra. Đặc biệt, buổi chiều cùng ngày, người dân đã phát hiện ra một khẩu súng cùng 5 viên đạn được giấu trong đống chăn tại nhà văn hóa xã, nơi giam giữ các con tin. Đây là những dấu hiệu cho thấy nhà cầm quyền đã lên phương án tấn công vào Đồng Tâm. Nếu âm mưu không bị lộ khiến bà con tăng cường cảnh giới, cuộc tấn công có thể đã nổ ra.
Cuộc đối thoại bất thành
Cuộc đối thoại giữa Chủ tịch Hà Nội với bà con Đồng Tâm vào chiều tối ngày 20/4 cuối cùng đã không diễn ra. Lý do là vì mãi đến 4h30 bà con mới nhận được giấy mời nên không kịp chuẩn bị, nhưng quan trọng hơn là vì họ không muốn đến hội trường Huyện uỷ Mỹ Đức, mà muốn đối thoại ngay tại xã Đồng Tâm. (UBND huyện Mỹ Đức mời 100 người, cả người dân lẫn cán bộ, tuy nhiên chỉ có lãnh đạo xã Đồng Tâm đến dự.) Theo lời ông Chủ tịch thành phố thì cuộc đối thoại với bà con sẽ diễn ra trong ngày 21 hoặc 22/4.
Chưa biết kết quả cuộc đối thoại sắp tới sẽ thế nào nhưng giờ đây nhà cầm quyền có làm gì đi nữa thì họ cũng đã thua. Đàn áp dân hay đối thoại với dân đều là những cục xương cực kỳ khó nuốt với những kẻ vốn chỉ quen với lối hành xử bạo ngược và đứng trên pháp luật.
Lựa chọn giải pháp đàn áp ư? Nó sẽ châm ngòi cho một vòng xoáy bạo lực mà cuối cùng chính những kẻ ra tay đàn áp dân sẽ trở thành nạn nhân; nó sẽ khiến cho sự chia rẽ trong đảng càng thêm sâu sắc, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến, tự chuyển hoá” diễn ra nhanh hơn; nó sẽ lột lớp son phấn rẻ tiền cuối cùng trên bộ mặt tham tàn, vô đạo của nhà cầm quyền trước nhân dân và cộng đồng quốc tế.
Còn nếu giải pháp đối thoại được lựa chọn, sự kiện Đồng Tâm sẽ là một thắng lợi ngoạn mục của người dân trước bạo quyền cộng sản, khích lệ tinh thần đấu tranh của những dân oan bị cướp đất nói riêng và những nạn nhân của chế độ nói chung trong cuộc đấu tranh giành lại những quyền lợi chính đáng mà nhà cầm quyền cộng sản đã tước đoạt của họ suốt hơn 2/3 thế kỷ qua.
Chính quyền: thua toàn diện
Một vụ khiếu kiện kéo dài 5 năm qua mà nhà chức trách vẫn không giải quyết ổn thoả, đúng pháp luật, vẫn tiếp tục những lời hứa rỗng tuếch, vô trách nhiệm trong bối cảnh sự phẫn uất trong dân chúng ngày càng dồn nén – điều đó cho thấy họ đã hoàn toàn thua về “lý”.
Trong khi bà con vẫn đối đãi tử tế với các con tin, đồng thời bày tỏ thái độ chân thành khi ngỏ lời mời Chủ tịch UBND TP Hà Nội về đối thoại thẳng thắn với họ thì một mặt ông Nguyễn Đức Chung lại nuốt lời hứa về Đồng Tâm làm việc hôm 18/4, một mặt Phó Giám đốc Công an Hà Nội Bạch Thành Định lại lên giọng đe nẹt người dân. Phản ứng của chính quyền đã cho thấy họ đã thua về “tình” trước người dân Đồng Tâm trong mắt công chúng.
Người Việt trong và ngoài nước vốn đã mất niềm tin vào chính quyền nên việc họ bày tỏ sự đồng cảm và ủng hộ đối với bà con Đồng Tâm là điều rất bình thường. Điều khác thường ở đây là, trước một vụ việc đang gây chấn động dư luận trong và ngoài nước như thế mà đến nay quan chức cao nhất trong hệ thống chính trị chính thức lên tiếng mới chỉ là Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đào Đức Toàn vào ngày 18/4 và Chủ tịch Hà Nội ngày 20/4. Các vị “tứ trụ triều đình” thì hoàn toàn “im hơi lặng tiếng”. Trong khi đó, một số nhân vật có tiếng nói trong hệ thống đã công khai bày tỏ thái độ ủng hộ người dân Đồng Tâm, như ĐBQH Dương Trung Quốc hay nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng. Đây là những dấu hiệu cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong đảng trước vụ việc nghiêm trọng này.
Một phần vì lý do an ninh, một phần vì điều kiện thông tin liên lạc và một phần là để tránh bị quy chụp là do các “thế lực thù địch” hay Việt Tân “kích động” mà mấy ngày qua người dân Đồng Tâm ít tiếp xúc với những anh chị em đấu tranh trong nước. Mặc dù vậy, thông tin về tình hình Đồng Tâm vẫn được cập nhật khá đầy đủ và kịp thời trên Facebook và các trang mạng “lề dân”. Trong khi đó, báo chí “lề đảng” lại bị cấm đưa những thông tin phản ảnh chân thực tình hình Đồng Tâm, cũng như tâm tư, nguyện vọng của bà con. Minh chứng điển hình là việc trang Tuổi Trẻ Online đã phải gỡ bài “Vào ‘tâm bão’ Đồng Tâm” chỉ vài chục phút sau khi đăng vào tối ngày 19/4.
Ngoài ra, không chỉ báo chí Tiếng Việt, mà nhiều cơ quan truyền thông quốc tế Anh ngữ cũng đã đồng loạt đưa tin bài về sự kiện Đồng Tâm - Mỹ Đức, điều vốn xưa nay hiếm khi xẩy ra.
Tóm lại, trong “sự kiện Đồng Tâm”, nhà cầm quyền cộng sản đã thua toàn diện: thua từ lý cho đến tình; thua từ bên ngoài dân chúng cho đến bên trong bộ máy; thua từ truyền thông “lề dân” cho đến báo chí “lề đảng”; thua từ truyền thông Tiếng Việt cho đến truyền thông Anh ngữ…
Bất luận thế nào, "tinh thần Đồng Tâm" cũng sẽ lan toả, không chỉ ở Hà Nội mà khắp Việt Nam. Trong cơn quẫy đạp của bạo quyền cộng sản, máu của người dân vô tội có thể còn tiếp tục đổ, song “sự kiện Đồng Tâm” vẫn là điềm báo rằng ngày tàn của chế độ độc tài buôn dân bán nước trên dải đất hình chữ S đang đến gần.

* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 


Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.




Nguồn: VOA

Monday, April 17, 2017

Câu chuyện một nông dân quyết tử giữ đất

Lê Anh Hùng | VOA| 17.4.2017 




Anh Phạm Văn Hiếu
Vòng xoáy cướp đất núp dưới vỏ bọc thu hồi đất cho dự án do đám tham quan nhũng lại cấu kết với mafia kinh tế tiến hành trên khắp đất nước đã và đang đẩy hàng triệu nông dân Việt Nam vào cảnh khốn cùng. Tình trạng này diễn ra đặc biệt khốc liệt và trắng trợn xung quanh các trung tâm đô thị và công nghiệp lớn. Những khoản lợi nhuận kếch xù lên đến hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ VNĐ khiến các liên minh ma quỷ sẵn sàng dẫm đạp lên tất cả hòng đạt được mục đích cao cả nhất của họ: TIỀN.
Với vị thế một trung tâm kinh tế nằm sát cửa ngõ thủ đô, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) là một trong những điểm nóng về tình trạng tham nhũng đất đai. Trong những lần về đây tìm hiểu tình hình, chúng tôi được bà con cho biết về hàng loạt vụ cướp đất trắng trợn, phân lô bán nền, núp dưới vỏ bọc là các dự án hạ tầng kỹ thuật làng nghề.
Đơn cử, ngày 8 và 16/11/2010, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành 2 quyết định số 1521 và 1572 thu hồi và giao 84.079m2 với thời hạn 50 năm cho Công ty TNHH Đông Á và Công ty CP Việt Trung để xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu thương mại dịch vụ làng nghề tại xã Phù Khê và phường Đồng Kỵ. Vị trí dự án chạy dọc theo bờ sông Ngũ Huyện Khê, một con sông với chiều dài 34km đảm bảo tưới tiêu, thoát lũ phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của 5 đơn vị hành chính cấp huyện của Hà Nội và Bắc Ninh (Đông Anh, Từ Sơn, Yên Phong, Tiên Du và TP Bắc Ninh). Hai công ty trên đã ngang nhiên san lấp hơn 3/4 lòng sông Ngũ Huyện Khê, khiến dòng sông bị “thắt cổ chai” trên một chiều dài lên đến 1km, vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều.

Trên giấy tờ, hai công ty Đông Á và Việt Trung được giao đất để xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu thương mại dịch vụ làng nghề. Song trên thực tế đây lại là dự án phân lô bán nền và xây dựng chợ cho thuê. Với hàng chục ngàn m2 lòng sông bị bức tử, các “chủ đầu tư” hầu như không mất tiền đền bù, vì thế ước tính lợi nhuận mà họ thu được từ dự án lên đến hàng ngàn tỷ VNĐ.
Với sự cấu kết, thông đồng của cả một đường dây từ thôn xã lên đến trung ương, những kẻ đứng đằng sau dự án hầu như không gặp phải bất kỳ trở ngại đáng kể nào trong quá trình thực hiện dự án, ngoại trừ một người mà thoạt tiên sự phản đối của anh khiến người ta dễ liên tưởng đến hình ảnh “châu chấu đá voi”. Đó là anh Phạm Văn Hiếu, một nông dân 53 tuổi ở thôn Tiến Bào, xã Phù Khê.
Gia đình anh Hiếu sở hữu một cù lao rộng khoảng 7.000m2 giữa dòng sông Ngũ Huyện Khê, trong khu vực mà hai công ty Đông Á và Việt Trung san lấp. Hàng chục năm trước, đó là khoảnh đất ruộng nằm trong lòng sông. Gia đình anh đã tốn rất nhiều công sức, thuê máy móc bồi đắp, khu đất mới nên hình hài như ngày nay. Những gia đình khác có ruộng vườn nằm trong lòng sông như anh đều bị chủ đầu tư đe nẹt, hù doạ và buộc phải nhận số tiền đền bù bèo bọt. Anh Hiếu không chấp nhận thương lượng với hai công ty kia, bởi anh cho rằng dự án của họ là bất hợp pháp. Suốt nhiều năm, anh đã cùng một số bà con trong xã gửi đơn tố cáo khắp nơi, từ tỉnh lên đến trung ương. Bà con đã mời một số cơ quan báo chí nhà nước vào cuộc. Sai phạm nghiêm trọng của các cấp chính quyền và doanh nghiệp ở Bắc Ninh là rõ rành rành, không chối vào đâu được, ấy vậy mà không một ai liên quan đến sai phạm bị hề hấn gì.

Cạnh khu vườn nhà anh Hiếu (phải) là khu vực dự án đã được san lấp, xây kè. Ngày trước, xung quanh khu vườn của anh là sông nước; nay lòng sông rộng 290m đã bị san lấp đến 4/5.
Đoạn sông bên phải khu vườn nhà anh Hiếu cũng đang bị bức tử, đặc biệt là bằng các loại chất thải rắn độc hại, khiến nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề.
Đám mafia đội lốt doanh nhân và quan chức đứng sau dự án, thông qua bọn tay chân côn đồ, đã nhiều lần bắn tiếng đe doạ, nhưng anh không nao núng. Có thời gian, anh thường xuyên túc trực 24/24h tại khu vườn; con cái hàng ngày tiếp tế cơm nước cho anh. Anh tuyên bố sẵn sàng chết để bảo vệ khu vườn đã thấm đẫm mồ hôi xương máu mấy thế hệ gia đình. Anh căn dặn vợ con là nếu anh chết thì chôn anh ngay tại vườn. Các thế lực hắc ám thừa hiểu anh không nói đùa, nhất là khi họ biết anh từng trải qua gần 4 năm trong quân ngũ, từ năm 1984 đến 1987.
Không đe doạ được anh, những kẻ cướp đất lại tìm cách phá hoại anh về kinh tế. Cách đây chừng một tháng, đàn gà vịt hàng trăm con mà anh chăn thả trong vườn bỗng nhiên lăn đùng ra chết sạch. Bốn con chó của anh cũng ăn phải bả rồi chết.

Một phần đàn gà vịt trong khu vườn cách đây 1 tháng
Anh Hiếu trước khung cảnh tan hoang của khu vườn sau khi cả đàn gia cầm cùng 4 con chó bị đánh thuốc chết
Những người trong xã ban đầu đồng hành với anh thì về sau một số bỏ cuộc vì không chịu nổi áp lực, vì đủ trò mua chuộc, gây chia rẽ của đối phương. Song điều đó không làm anh nản chí.

Một số bà con dân oan tập trung tại nhà anh Hiếu hôm 19/3 để ủng hộ lời kêu gọi biểu tình phản đối Formosa và chống hiểm hoạ Trung Quốc của linh mục Nguyễn Văn Lý
Bất chấp tình cảnh bị đe doạ, o ép và phá hoại về kinh tế, anh không những không lùi bước mà còn khích lệ bà con trong xã Phù Khê cũng như thị xã Từ Sơn đoàn kết, dũng cảm để đương đầu với bọn cướp đất cùng bộ máy tay sai. Anh đã “ngộ” ra một chân lý đơn giản: đối với cộng sản, mọi sự kiến nghị, thỉnh cầu hay thậm chí kiện cáo đều vô ích như nhau.
Anh đang đấu tranh không chỉ cho quyền lợi cá nhân, mà còn cho cả chòm xóm và cộng đồng.
*Ảnh trong bài: Lê Anh Hùng

* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 


Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.




Nguồn: VOA

Monday, April 10, 2017

Tổng biểu tình: vì sao và như thế nào?

Lê Anh Hùng | VOA| 10.4.2017 




Mặc dù vấp phải không ít sự ngờ vực và thậm chí cả dèm pha song lời kêu gọi tổng biểu tình đòi các quyền dân sinh, dân chủ và chống hiểm hoạ Trung Quốc vào các ngày Chủ nhật bắt đầu từ 5/3/2017 do linh mục Nguyễn Văn Lý phát động vẫn tạo ra được sự lan toả nhất định, khiến nhà cầm quyền Việt Nam phải đối phó khá vất vả hơn một tháng qua.
Tổng biểu tình: vì sao?
Dưới sức nặng của những sai lầm chồng chất, các chế động cộng sản ở Liên bang Soviet và Đông Âu trước kia đều lần lượt sụp đổ. Kết cục đó trước hết xuất phát từ nguyên nhân nội tại; các nhân tố bên ngoài đơn giản là chỉ giúp cho quá trình đó diễn ra nhanh hơn. Một trong những nhân tố bên ngoài có tác dụng tích cực như thế là các cuộc biểu tình ôn hoà của các tầng lớp nhân dân. (Điều này cũng lặp lại trong các cuộc cách mạng màu diễn ra ở Đông Âu đầu thập niên 2000.)

Ở Việt Nam cũng vậy. Mặc dù sự sụp đổ của chế độ cộng sản trên dải đất hình chữ S là điều tất yếu, song nếu người dân không tự đứng lên qua các cuộc biểu tình ôn hoà để đòi nhà cầm quyền cộng sản phải trả lại các quyền tự do cơ bản chính đáng cho mình thì còn rất lâu nữa họ mới “tự giác” làm điều đó.
Các cuộc xuống đường từ ngày 5/3
Có lẽ thành công đáng kể nhất của lời kêu gọi tổng biểu tình vừa qua là đã hâm nóng lại được bầu không khí đấu tranh vốn đã phần nào lắng xuống trước sự đàn áp khốc liệt của nhà cầm quyền, đặc biệt là thể hiện qua các cuộc xuống đường đầy khí thế của nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Đòi hỏi của người dân là hoàn toàn chính đáng: Formosa phải đền bù thoả đáng cho nạn nhân của đại thảm hoạ môi trường do họ gây ra ở Miền Trung; dự án Formosa Hà Tĩnh phải chấm dứt hoạt động vì không đảm bảo được những đòi hỏi nghiêm ngặt về môi trường; Formosa Hà Tĩnh cũng như những kẻ đứng đằng sau nó phải bị khởi tố; nhà cầm quyền phải trả lại cho dân các quyền tự do cơ bản đã được ghi rõ trong Hiến pháp Việt Nam cũng như trong các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, v.v.
Trước đòi hỏi chính đáng và khí thế của người biểu tình, nhà cầm quyền đã không dám mạnh tay trấn áp, ngay cả khi hàng ngàn bà con tràn vào trụ sở UBND huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) sáng ngày 3/4 và bắt giữ một viên công an trà trộn vào người dân ném đá kích động bạo loạn.
Đáng tiếc là lời kêu gọi tổng biểu tình đã không nhận được sự ủng hộ tích cực của một số người đấu tranh ở Hà Nội và Sài Gòn, hai trung tâm mạnh nhất của phong trào dân chủ Việt Nam nhiều năm qua. Trong đó, một bộ phận tuy không ủng hộ (với lý do là thực lực phong trào còn yếu, nhà cầm quyền đang tăng cường đàn áp, v.v.) nhưng cũng không phản đối; số còn lại thì viện những lý do nực cười như Cha Lý không đủ uy tín, hay lời kêu gọi đó chỉ là trò lừa đảo của “Thủ tướng” Đào Minh Quân, v.v. để công khai phản đối. Mặc dù số người ủng hộ lời kêu gọi vẫn đông hơn số dèm pha, song trong bối cảnh lực lượng đấu tranh còn mỏng, chừng đó đã đủ khiến nhân tâm bị phân tán, lực lượng bị chia rẽ. (“Nuôi quân ba năm, dụng một giờ” – có những dấu hiệu cho thấy bàn tay của an ninh cộng sản đằng sau sự dèm pha vô lối đó.)
Tổng biểu tình: như thế nào?
Từ trước tới nay, các cuộc biểu tình dẫn tới sự sụp đổ của một chế độ độc tài trên thế giới thường diễn ra tại những đô thị là trung tâm kinh tế - chính trị của quốc gia. Biểu tình ở các đô thị lớn dễ kéo theo sự tham gia của đông đảo quần chúng; một khi sức mạnh đám đông lan toả, quần chúng vượt qua được sự sợ hãi ban đầu, cuộc biểu tình có khả năng vượt ra ngoài khả năng kiểm soát và đàn áp của nhà cầm quyền. Do tầm quan trọng của các đô thị lớn trong đời sống chính trị quốc gia, nguy cơ hệ thống bị tê liệt rồi dẫn tới sụp đổ là rất cao.
Tại Việt Nam, Hà Nội và Sài Gòn là hai trung tâm chính trị và kinh tế quan trọng nhất cả nước. Nếu đám đông ban đầu đủ lớn, các cuộc biểu tình ở hai thành phố này rất dễ biến thành đại biểu tình, khiến hoạt động bình thường của thành phố bị tê liệt. Trong bối cảnh hệ thống đã bị phân hoá sâu sắc và ruỗng mục đến tận rường cột, điều này thực sự đe doạ đến an nguy của chế độ.
Ngoài ra, đặc điểm địa lý của Việt Nam khác với hầu hết các quốc gia đã từng diễn ra các cuộc biểu tình ôn hoà dẫn đến thay đổi chế độ. Địa thế của Việt Nam hẹp về chiều rộng và trải dài trên 3 ngàn km. Quốc lộ 1A kéo dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau là tuyến đường giao thông huyết mạch xuyên suốt quốc gia, rất nhạy cảm không chỉ về an ninh quốc phòng mà cả an ninh kinh tế, khi được ví như mạch máu của nền kinh tế. Nếu Quốc lộ 1A bị chia cắt, không chỉ giao thông bắc - nam bị tê liệt mà hoạt động bình thường của nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Kể từ khi vụ đại thảm hoạ môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra bùng phát ở Miền Trung, một số lần ngư dân đã đổ ra quốc lộ 1A để biểu tình đòi Formosa bồi thường thiệt hại và chấm dứt hoạt động ở Hà Tĩnh. Mặc dù mới chỉ diễn ra ở quy mô nhỏ và mang tính chất ôn hoà song các cuộc biểu tình đó cũng đã khiến giao thông bắc - nam nhiều lần bị ách tắc.
Các cuộc xuống đường của ngư dân Miền Trung trong gần một năm qua, đặc biệt là từ ngày 5/3 đến nay, có thể được xem như những cuộc tập dượt hướng đến cuộc tổng biểu tình cuối cùng.
Vấn đề còn lại là hoạt động biểu tình ôn hoà ở Hà Nội, Sài Gòn và các thành phố khác cần tiếp tục như thế nào. Trước đây, các cuộc biểu tình chống Trung Quốc hay phản đối một chính sách không hợp lòng dân nào đó ở Hà Nội và Sài Gòn thường do các tổ chức xã hội dân sự (XHDS) phát động. Tuy nhiên, do bị nhà cầm quyền khủng bố và bao vây kinh tế nên các tổ chức XHDS chậm phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, số lượng người tham gia chưa nhiều. Những nhân vật nổi bật trong phong trào dân chủ hoặc bị bắt rồi kết án tù, hoặc bị giám sát chặt chẽ. Chưa hết, hầu như tổ chức XHDS nào cũng bị an ninh cộng sản cài cắm người nhằm theo dõi, phá hoại và gây chia rẽ từ bên trong.
Trong bối cảnh đó, để chuẩn bị lực lượng cho các cuộc biểu tình ôn hoà trong tương lai, các nhà hoạt động cũng như những người tâm huyết với phong trào đấu tranh dân chủ cần phát triển lực lượng theo cách phát triển mạng lưới của hoạt động bán hàng đa cấp: mỗi thành viên trong mỗi tổ chức XHDS xây dựng nhóm bí mật của mình (gồm những bạn bè, người thân chưa tiện lên tiếng hay hoạt động công khai) và giữ bí mật về nhóm với các thành viên trong tổ chức XHDS đó; đến lượt mình, mỗi thành viên trong nhóm lại kêu gọi thêm thành viên hoặc tự xây dựng nhóm bí mật của riêng mình. Mỗi khi biểu tình diễn ra, các thành viên XHDS sẽ khích lệ các thành viên trong nhóm bí mật đi theo quan sát để họ bạo dạn dần. Nếu cuộc biểu tình bị đàn áp, họ chỉ cần đứng ngoài quan sát; nếu không bị đàn áp, họ thậm chí có thể hoà vào cuộc biểu tình. “Đội quân tuyến hai” này là lực lượng mà an ninh cộng sản e ngại nhất, bởi họ vừa đông vừa khó kiểm soát.
Các cuộc “biểu tình du kích” mà nhiều người đấu tranh đang áp dụng ở Hà Nội và Sài Gòn hiện nay cần được nhân rộng vì chúng vừa có tác dụng khuấy động phong trào, thức tỉnh nhân dân, vừa khiến nhà cầm quyền phải vất vả đối phó. Địa điểm biểu tình là những tuyến phố nhiều người qua lại hay khu dân cư đông đúc.
Ngoài ra, hoạt động cướp đất núp dưới vỏ bọc là các dự án kinh tế - xã hội đang tạo ra một đội ngũ dân oan ngày càng đông đảo, đặc biệt là xung quanh các đô thị lớn trong cả nước. Lực lượng này cần được tổ chức và kết nối với các tổ chức XHDS đấu tranh cho quyền lợi người dân cũng như kết nối với nhau để tham gia hoạt động biểu tình ôn hoà đòi dân quyền, dân chủ và để nhất tề đứng lên khi thời cơ chín muồi.
Bài viết này không nhằm mục đích kích động bạo loạn, mà chỉ ủng hộ các cuộc biểu tình ôn hoà, bất bạo động của người dân trong cuộc đấu tranh để giành lại các quyền tự do cơ bản mà họ đã bị tước đoạt hơn 2/3 thế kỷ qua. Nếu một cuộc chuyển đổi thể chế êm thấmkhông được lựa chọn, cuộc tổng biểu tình cuối cùng dưới chế độ cộng sản tất yếu sẽ diễn ra. Và e rằng đến lúc ấy chính quyền cộng sản Việt Nam không còn có thể định đoạt được tính chất ôn hoà hay bạo động của nó.

* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 


Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.




Nguồn: VOA