Lê Anh Hùng | Việt Nam Thời Báo | 29.5.2016 |
Nước Nga thời Putin có lẽ là trường hợp duy nhất đi ngược lại một quy luật phổ biến trong chính trị: tình hình chính trị - kinh tế - xã hội đất nước càng xấu thì uy tín của lãnh đạo quốc gia càng đi xuống. Bất chấp tình trạng khủng hoảng, tỷ lệ ủng hộ mà dân chúng Nga dành cho vị tổng thống của họ vẫn cao ngất ngưởng.
Thậm chí mới đây, trong bối cảnh Nga rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất suốt nhiều năm qua, tỷ lệ ủng hộ Putin vẫn cao nhất kể từ năm 2012: 74% người dân Nga sẵn sàng ủng hộ ông ta trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Một trong những lý do quan trọng khiến dân chúng Nga ủng hộ Putin là ông ta biết khơi dậy và nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc, về quá khứ hào hùng của cha ông họ, đặc biệt là thời kỳ Liên Xô là một trong hai siêu cường trên thế giới, cùng Hoa Kỳ thống lĩnh trật tự thế giới lưỡng cực trong suốt nửa thế kỷ.
Một trong những lý do quan trọng khiến dân chúng Nga ủng hộ Putin là ông ta biết khơi dậy và nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc, về quá khứ hào hùng của cha ông họ, đặc biệt là thời kỳ Liên Xô là một trong hai siêu cường trên thế giới, cùng Hoa Kỳ thống lĩnh trật tự thế giới lưỡng cực trong suốt nửa thế kỷ.
Chính vì thế, tình hình trong nước càng xấu thì Putin lại càng tỏ ra mạnh bạo trên vũ đài chính trị quốc tế nhằm đánh lạc hướng dư luận, giảm áp lực từ những thất bại của chính sách đối nội. Với tham vọng và toan tính chính trị ích kỷ của một nhà độc tài, điều đó càng khiến cục diện chính trị thế giới thêm rối ren, phức tạp.
Mới đây, trong một bài viết đăng trên tạp chí Foreign Policy của Mỹ, cựu đại sứ Mỹ tại Ba Lan Victor Ashe đã lên án nước Nga của Putin cũng như chỉ trích thái độ nhún nhường quá mức của chính quyền Obama trong việc đối phó với các đối thủ nói chung và Putin nói riêng.
Vị cựu đại sứ cho rằng các kẻ thù của Mỹ đã trở nên bạo dạn dưới thời ông Obama làm Tổng thống Mỹ, và một trong những minh chứng nổi bật nhất chính là Nga của Tổng thống Putin. Chính quyền Obama đã cho phép Putin theo đuổi chiến lược “sân sau” hòng tái thiết lập sự kiểm soát đối với các quốc gia thuộc Liên Xô cũ và đe doạ đồng minh của Mỹ.
Bình luận về một video clip mới xuất hiện tháng trước, trong đó một máy bay chiến đấu của Nga đã sà xuống sát một tàu khu trục Mỹ trong một cuộc tấn công giả định trên biển Baltic, vị cựu đại sứ cho rằng, từ cuộc tập trận trên biển Baltic đến cuộc xâm lược Crimea và Đông Ucraina rồi đến việc Nga ngày càng tăng cường hiện diện quân sự gần Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh không thể thiếu của Mỹ, Putin đã không còn cảm thấy bị kiềm chế gì nữa.
Theo ông, tình trạng trên bắt đầu từ khi Obama và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton thiết lập lại quan hệ với Nga, điều đã chẳng đem lại kết quả gì. Trong khi đó, nhiều đồng minh của Hoa Kỳ lại lo ngại Mỹ đã dành cho Nga vị thế ưu tiên hơn so với họ. Việc Obama cảnh cáo Syria không được vượt quá giới hạn chẳng có ý nghĩa gì, còn kẻ thù của Mỹ thì lại ghi nhận điều đó.
Hồi đầu tháng Năm, hãng tin AP loan tin, NATO đang “cân nhắc việc thiết lập một lực lượng mặt đất luân phiên ở các nước vùng Baltic và có thể là cả Ba Lan, một thực tế phản ánh mối lo ngại ngày càng sâu sắc trước thái độ quyết đoán của Nga” ở Baltic.
Cựu đại sứ Victor Ashe nhận định, đó là bước đi cần thiết đầu tiên nhằm chấm dứt hành động hù doạ của Putin, trong khi các đồng minh NATO lại ngày càng quan ngại rằng Hoa Kỳ có thể không hết mình với NATO.
NATO quy định mỗi quốc gia thành viên phải dành 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng. Tuy nhiên, không nhiều nước đáp ứng yêu cầu, ngoại trừ Anh, Estonia, Hy Lạp và Ba Lan. Để so sánh, chi tiêu quốc phòng của Mỹ năm 2010 là 4,7% GDP, năm 2015 là 3,3% GDP.
Mặc dù nhiều thượng nghị sỹ chất vấn tại sao Hoa Kỳ lại chi tiêu nhiều hơn phần của mình để tài trợ cho NATO so với các nước khác, nhưng ông Victor Ashe cho rằng để đảm bảo một nước Mỹ hùng mạnh thì NATO phải hùng mạnh. Và tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ phải tập trung vào việc đẩy lùi Nga và củng cố chỗ đứng của Mỹ trên khắp thế giới.
Với tư cách đại sứ Ba Lan từ 2004-2009, ông Victor Ashe hiểu rõ vai trò quan trọng của NATO đối với sức mạnh và an ninh quốc phòng của các đồng minh Hoa Kỳ ở Châu Âu. Việc Putin liên tục đe doạ các đồng minh NATO nghĩa là Hoa Kỳ phải thường xuyên cảnh giác với ông ta và sát cánh với bạn bè.
Mới đây, tờ Washington Post còn cho biết, “Nga đang điều một đội máy bay tiêm kích cùng trực thăng chiến đấu tới một căn cứ không quân chỉ cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 25 dặm”.
Trong khi Ba Lan đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sức mạnh của NATO ở sườn phía đông thì Thổ Nhĩ Kỳ lại là đồng minh không thế thiếu của Mỹ và là cửa ngõ của NATO sang Trung Đông. Rõ ràng, Obama càng tỏ ra mềm mỏng thì Putin lại càng lấn tới.
Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ sắp tổ chức cuộc điều trần với các quan chức hành pháp về ảnh hưởng của Nga. Ông Victor Ashe tin chắc thượng nghị sỹ Bob Corker, Chủ tịch Uỷ ban, sẽ buộc chính phủ Obama phải giải trình. Theo ông, vị thế của TNS Corker trong Thượng viện và lập trường của ông ta trong những vấn đề chính sách đối ngoại hệ trọng sẽ chuyển tải thông điệp tới các đồng minh NATO rằng Hoa Kỳ sẽ sát cánh với họ, chống lại Putin và Nga.
Nguồn: Việt Nam Thời Báo
No comments:
Post a Comment