Thursday, December 29, 2016

Donald Trump và quả lắc chính sách ngoại giao

Robert D. Kaplan | The National Interest
Lê Anh Hùng dịch



Mỗi một chính phủ mới ở Mỹ đều bắt đầu bằng cách làm khác so với chính phủ tiền nhiệm. Điều này lại càng đặc biệt đúng khi chính đảng cũ tiếp tục ngồi lại Nhà Trắng mà lý do chính xác là vì đội ngũ mới cần phải nỗ lực gấp đôi để tạo ra sự khác biệt so với đội ngũ tiền nhiệm. Tức là, George H. W. Bush không chỉ cùng Đảng Cộng hoà với Ronald Reagan, mà còn là Phó Tổng thống của ông ta. Bởi thế, trong khi Ronald Reagan nhìn chung là thúc đẩy một thế giới quan theo kiểu Woodrow Wilson (Tổng thổng Mỹ từ 1913-1921) thì Bush cha lại tự tạo cho mình hình ảnh một con người thực tế, với một đội ngũ nhân sự ngoại giao chuyên nghiệp hơn nhiều so với người tiền nhiệm. Tổng thống đắc cử Donald Trump không gặp phải vấn đề như thế, bởi ông là người của Đảng Cộng hoà tiếp quản Nhà Trắng từ người của Đảng Dân chủ. Ông sẽ không phải nỗ lực nhiều để trở nên khác biệt so với Barack Obama.

Chính quyền Obama được mô tả là thiên về là củng cố và kiềm chế. Dưới thời Obama, Hoa Kỳ đã rút hai lữ đoàn chiến đấu khỏi Châu Âu, không can thiệp vào Syria khi mà họ có thể vào năm 2011, và phản ứng chậm chạp trước việc Trung Quốc xây đắp đảo trên Biển Đông. Thời gian rồi sẽ trả lời liệu đó là chính sách khôn ngoan hay dại dột. Trong bất cứ trường hợp nào, đội ngũ của Trump, nhằm mục đích thể hiện mức độ khác biệt của nó, cũng sẽ tìm cách lấp đầy khoảng trống mênh mông giữa chính sách kiềm chế của Obama và chính sách hung hăng của George W. Bush ở Afghanistan và Iraq. Mối nguy hiểm ở đây là, trong khi tìm cách hành động mạnh mẽ hơn Obama trước ISIS và ít mạnh mẽ hơn chính quyền Bush ở Iraq, Trump sẽ cam kết quá mức ở nơi khác.
Chúng ta đang sống trong một thế giới cao tốc và trên một sợi dây bị kéo căng, nơi một khu vực xung đột thuộc Cựu Thế giới được kết nối với mọi khu vực xung đột khác chứ không như trước kia, và các sự kiện cùng những biến động thì diễn ra với một tốc độ chưa từng thấy trong lịch sử. Do vậy, cái giá cho việc bị sa lầy ở bất cứ đâu cũng cao hơn so với trước. Đó không chỉ là những cuộc xung đột trên phương diện địa lý mà Hoa Kỳ phải cảnh giác – Ucraina, Syria, Biển Đông và v.v. – đó còn là những sự bùng nổ phi quy ước, chẳng hạn như các cuộc tấn công mạng hay dịch bệnh, có thể khiến chính quyền phải chú ý bất cứ lúc nào mà không được cảnh báo trước. Báo chí muốn mọi chính quyền phải phản ứng toàn diện trước mọi cơn phẫn nộ, song điều đó lại khiến chính sách ngoại giao đứng trước rủi ro bị tê liệt. Trong khi Hoa Kỳ đủ khả năng phản ứng tức thời trước một số cuộc khủng hoảng thì các nhà hoạch định chính sách hàng đầu lại chỉ sở hữu năng lực chuyển tải thông tin hữu hạn trong bất kỳ ngày nào. Thế nên điều đáng lo ngại không phải là một sự kiện cụ thể nào, mà là một loạt sự kiện.
Syria đang là nỗi ám ảnh ở Washington. Chính quyền mới sẽ muốn làm điều gì đó mang tính quyết định về quốc gia này. Song bất kỳ động thái quân sự mang tính quyết định nào ở đây cũng đi kèm với rủi ro là đội ngũ mới sẽ sớm bị sa lầy, trong khi họ lại không biết nhiều về những gì sắp diễn ra ở Trung Đông cũng như phần còn lại của thế giới. Syria thì đã bị tàn phá. Người ta hoàn toàn không rõ là ngay cả khi Bashar al-Assad bị loại trừ thì liệu cuộc nội chiến có kết thúc hay không. Trong khi đó, Israel lại xử lý tình hình một cách khéo léo, vì thế họ không chịu rủi ro khi cuộc chiến kéo dài. Mối quan ngại đầu tiên của Hoa Kỳ phải là việc đảm bảo cho sự tồn tại của chế độ hiện hành ở Jordan. Bảo vệ Jordan phải là xuất phát điểm cho bất kỳ phản ứng chính sách về quân sự nào của chính quyền Trump ở Syria.  
Nhìn vào bức tranh rộng lớn hơn, chính quyền mới ở Mỹ phải nhận ra rằng các chế độ ở Moskva và Bắc Kinh, trong bối cảnh bị các vấn đề kinh tế và xã hội bủa vây, có thể không ổn định như vẻ bề ngoài của chúng. Bất ổn nội bộ, về cơ bản, là nguyên nhân khiến họ tỏ ra hung hăng bên ngoài. Các chế độ này càng yếu thì chúng càng tỏ ra nguy hiểm – ít nhất là trong ngắn hạn. Trong khi bản năng của chính quyền mới có thể là hành động bạo dạn (tức là trước Trung Quốc) thì trớ trêu thay sự kiềm chế lại chưa bao giờ được đòi hỏi nhiều như bây giờ.
Tóm lại, nhiệm vụ của chính quyền mới là gây ảnh hưởng đến các quốc gia xung quanh Nga và Trung Quốc nhiều hơn những gì mà Obama đã làm, hầu tạo ra một bối cảnh địa chính trị thuận lợi hơn cho các cuộc thương lượng – nhưng không đi đến xung đột thực sự với hai cường quốc khu vực đó. Nói dễ hơn làm. Trump không được bắt chước Obama, bởi ông ta đã trở thành hình ảnh đối lập với người tiền nhiệm của mình – Bush con. Con lắc chính sách ngoại giao Hoa Kỳ phải ngừng ở điểm giữa – chứ không phải lắc sang thái cực kia.

Monday, December 19, 2016

Bất cập trong quản lý nhà nước về tài nguyên nước ở Việt Nam

Lê Anh Hùng | VOA| 19.12.2016




Nước trong đời sống con người
Nước là loại tài nguyên đặc biệt quan trọng trong tự nhiên. Cuộc sống trên trái đất bắt nguồn từ trong nước, và mọi sự sống trên trái đất đều phụ thuộc vào nước và vòng tuần hoàn nước. Nước là thành phần thiết yếu của sự sống, nhưng cũng có thể gây ra tai họa cho con người và môi trường.
Ở Việt Nam, nước có một ý nghĩa hết sức đặc biệt. Từ “nước” còn được hiểu là “quốc gia”, là tiền tố đi kèm theo danh từ để chỉ tên một quốc gia; “đất nước” là một từ ghép với ý nghĩa “Tổ quốc”.

Nước là nhân tố ảnh hưởng quyết định đến khí hậu, đồng thời là nguyên nhân tạo ra thời tiết. Hơn 75% bề mặt Trái Đất nằm dưới sự bao phủ của nước. Ước tính, khoảng 97,5% lượng nước trên trái đất là nước mặn, nằm trong các đại dương và hay ngầm trong lòng đất; khoảng 2,5% còn lại là nước ngọt, nhưng gần 99% lượng nước này lại là đỉnh núi băng, sông băng và nước ngầm; chỉ có 0,007% nước trên toàn thế giới là nước sông và hồ, nguồn cung cấp nước chủ  yếu cho con người sử dụng.
Trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm ngày càng tăng và dân số ngày một đông, nước sạch sẽ sớm trở thành một thứ tài nguyên quý giá. Theo dự báo, việc cung cấp nước sạch sẽ là một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại sẽ phải đối mặt trong những thập niên tới đây.
Lược sử quản lý nhà nước về tài nguyên nước ở Việt Nam
Ban đầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước (thuỷ lợi), cùng với giao thông và bưu điện, thuộc chức năng của Bộ Giao thông - Công chính, một trong 14 bộ được thành lập theo Tuyên cáo ngày 28/8/1945 của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá I (tháng 9/1955) đã thông qua đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết định tách Bộ Giao thông Công chính thành 2 bộ: Bộ Giao thông - Bưu điện và Bộ Thuỷ lợi - Kiến trúc. Tháng 4/1958, tại kỳ họp thứ 8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá I ra nghị quyết tách Bộ Thuỷ lợi - Kiến trúc thành Bộ Thuỷ lợi và Bộ Kiến trúc.
Và đến tháng 10/1995, Bộ Thuỷ lợi được sáp nhập cùng Bộ Nông nghiệp và Bộ Lâm nghiệp thành Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chấm dứt 37 năm tồn tại như một bộ chuyên ngành kinh tế kỹ thuật độc lập.
Lý giải cho việc sáp nhập này, người ta cho rằng thủy lợi chỉ là một giải pháp kỹ thuật trong nông nghiệp (cấp nước tưới tiêu cho cây trồng). Tuy nhiên, nước không chỉ là mạch máu của nông nghiệp, mà còn là mạch máu của cả nền kinh tế quốc dân. Do đó, đến năm 2002, chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên nước (thuỷ lợi) được chuyển giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, một bộ mới ra đời theo Nghị quyết số 02/2002/QH11 ngày 5/8/2002 của Quốc hội khóa XI.
Những bất cập trong quản lý nhà nước về tài nguyên nước
Chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên nước (hay thuỷ lợi) đã được chuyển giao cho Bộ TN&MT, còn Bộ NN&PTNT chỉ quản lý nhà nước về chuyên ngành thuỷ nông, tức là phân ngành thuỷ lợi phục vụ cho nông nghiệp.
Tuy nhiên, trên thực tế, cùng với sự ra đời của Bộ Tài nguyên & Môi trường, ngành khoa học kỹ thuật Tài nguyên nước lại nằm ở cả hai bộ là Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT. Điều này đã gây ra nhiều hệ luỵ trong công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này. Tiến sỹ Trần Nhơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thuỷ lợi, đã đưa ra hình ảnh về tình trạng chia cắt của ngành khoa học kỹ thuật Tài nguyên nước như sau: Toàn thân ngành bị cắt mất cái đầu (gần như là rỗng) ném sang Bộ TN&MT từ năm 2002, còn mình mẩy tay chân và cái đầu thực chất, cái đầu trí tuệ thì mười mấy năm nay vẫn nằm ở Bộ NN&PTNT và đang bị trì trệ, không phát triển được.
Theo TS Trần Nhơn, hiện nay cơ quan quản lý tổng hợp về Tài nguyên nước là BộTN&MT đang thiếu nghiêm trọng hệ thống các cơ quan và lực lượng hỗ trợ kỹ thuật đồng bộ để điều hành công việc, thực thi nhiệm vụ. Trong khi đó, cơ quan quản lý chuyên ngành nước cho nông nghiệp – Bộ NN&PTNT – lại ôm giữ quá nhiều nguồn lực. Bộ NN&PTNT đã thừa hưởng lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật thủy lợi rất hùng hậu, được đào tạo, rèn luyện và trưởng thành suốt nửa thế kỷ của Bộ Thủy lợi cũ đã sáp nhập vào Bộ NN&PTNT từ năm 1995. Đây là hậu quả của việc Bộ NN&PTNT dưới thời Bộ trưởng Lê Huy Ngọ đã không thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 02/2002/QH11 ngày 5/8/2002 của Quốc hội khóa XI.
Điều 2 của Nghị quyết 02/2002/QH11 nêu rõ: “Những chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số bộ, cơ quan ngang bộ đã được quy định tại các luật, pháp lệnh hiện hành, nhưng nay do có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức theo Nghị quyết này, thì được chuyển giao cho các bộ, cơ quan ngang bộ tương ứng kể từ ngày các cơ quan này được sắp xếp lại.” Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT lại chỉ bàn giao cho Bộ TN&MT một nhúm cán bộ. Toàn bộ các cơ quan hỗ trợ khoa học kỹ thuật cùng với lực lượng cán bộ quản lý dày dạn kinh nghiệm và đội ngũ chuyên gia khoa học kỹ thuật hùng hậu (Trường Đại học Thủy lợi, các Viện Quy hoach, Nghiên cứu Khoa học Thủy lợi, các Công ty Tư vấn Xây dựng thủy lợi...) vẫn nằm nguyên ở Bộ NN&PTNT.
Bộ TN&MT là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước, quản lý lưu vực sông trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, quản lý nhà nước về sử dụng nước cho các ngành lại do các bộ khác chịu trách nhiệm: Bộ NN&PTNT quản lý nhà nước đối với việc cấp nước cho nông nghiệp và nước sinh hoạt nông thôn; Bộ Công Thương quản lý nhà nước về việc cấp nước cho công nghiệp, thủy điện; Bộ Xây dựng quản lý nhà nước về cấp nước cho đô thị và các khu công nghiệp. Thực trạng nói trên đã khiến cho công tác quản lý nhà nước về nước bị phân tán, chia cắt và xuống cấp nghiêm trọng.
Do thiếu các chuyên gia đầu ngành cũng như lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật thuỷ lợi nên đến nay, Bộ TN&MT vẫn chưa xây dựng được một quy hoạch tổng hợp lưu vực sông nào. Điều này khiến ngưỡng giới hạn khai thác nước đối với các dòng sông chưa được xác định và công bố, khiến những năm qua các công trình, đặc biệt là thuỷ điện, cứ đua nhau mọc lên trên các lưu vực sông.
Ngoài ra, vì thiếu quy hoạch tổng hợp lưu vực sông cũng như một “nhạc trưởng” đứng ra cầm trịch nên tất cả các hồ chứa được xây dựng chỉ dựa trên các quy hoạch thuần túy chuyên ngành thủy nông hoặc thủy điện. Hầu hết các hồ chứa chỉ phục vụ cho lợi ích của ngành hay địa phương mình. Các lợi ích liên quan đến tài nguyên nước không được giải quyết hài hòa, như giữa chống lũ với phát điện; giữa phát điện với cấp nước tưới; giữa phát điện với cấp nước cho hạ du, nước sinh hoạt, nước để đẩy mặn cửa sông, v.v.
Hậu quả của tình trạng trên là người dân sống quanh lưu vực sông, đặc biệt là ở Miền Trung, luôn rơi vào tình cảnh mùa khô thì nguồn nước cạn kiệt, mùa lũ lại bị xả lũ ào ào lên đầu.
Việc thu về một đầu mối cơ quan quản lý nhà nước về nước, do vậy, đang ngày càng trở nên cấp thiết. Càng kéo dài tình trạng hiện nay, hậu quả càng lớn và càng khó khắc phục, an ninh nguồn nước càng bị đe doạ nghiêm trọng.

* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 


Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.




Nguồn: VOA

Friday, December 9, 2016

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang “hướng Trung”?

Lê Anh Hùng | VOA| 10.12.2016




Trong số “tứ trụ triều đình” xuất hiện sau Đại hội XII Đảng CSVN, ngoài TBT Nguyễn Phú Trọng là người gần như công khai bày tỏ thái độ thần phục Trung Quốc từ lâu, ba vị còn lại – Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân – xem ra vẫn chưa thể hiện rõ lập trường chính trị của mình trong mối quan hệ đầy tế nhị và nhạy cảm với Bắc Kinh.
Cuối năm 2014 đầu năm 2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lúc bấy giờ là đối tượng đả kích số 1 của blog Chân Dung Quyền Lực, một blog mà người ta không khó giải mã là được lập ra để ca tụng Nguyễn Tấn Dũng và tấn công các đối thủ của ông ta. Chính vì thế, để xét đoán lập trường chính trị của vị tân Thủ tướng, người ta có một cơ sở rất đáng tin cậy – đó chính là lập trường chính trị của ngài cựu Thủ tướng.

Suốt một thời gian dài, cho đến trước Đại hội XII, ông Nguyễn Tấn Dũng được coi là nhân vật quyền lực nhất Việt Nam. Và thông qua những phát ngôn “lên án” Trung Quốc của ông ta cùng những lời lẽ đáp trả của Bắc Kinh, xem ra phần lớn công chúng đều có cảm tưởng ông ta là nhân vật “thân Mỹ, chống Tàu” số 1 trong ban lãnh đạo Việt Nam. Tuy nhiên, như chúng tôi đã nhiều lần chỉ ra,[i] ông Nguyễn Tấn Dũng chính là người Việt Nam lập được nhiều chiến công nhất cho Trung Quốc kể từ năm 1945 đến nay, và màn “ăn miếng trả miếng” sinh động giữa đôi bên chỉ là trò bịp bợm theo đúng bản chất “thâm như Tàu” của các ông chủ Trung Nam Hải.
Vì vậy, việc Chân Dung Quyền Lực đả phá kịch liệt ông Nguyễn Xuân Phúc là một bằng chứng cho thấy ông chưa bị Bắc Kinh khống chế và thao túng như người tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng.
Tuy nhiên, sau màn chào mừng hy hữu và đặc biệt long trọng với 19 phát đại bác mà Bắc Kinh dành cho nhân vật đứng thứ 3 trong ban lãnh đạo CSVN trong chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên trên cương vị Thủ tướng từ ngày 10-15/9/2016, đồng thời cũng là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của một thành viên trong “tứ trụ triều đình” hậu Đại hội XII, mọi chuyện dường như đã thay đổi.
Chỉ vài ngày sau cuộc đón tiếp hoành tráng đó, bản Thông cáo chung Trung - Việt ra đời với những nội dung mà bất kỳ người Việt Nam nào vẫn dõi theo tình hình đất nước nói chung và mối quan hệ Việt - Trung nói riêng cũng phải đón nhận với tâm trạng đầy lo ngại. Xin dẫn ra đây một vài nội dung nhạy cảm:
(i) Thực hiện tốt Kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ giữa hai Đảng (2016 - 2020) [mục 4]. Việc hợp tác đào tạo cán bộ giữa hai Đảng thực chất chỉ là việc Việt Nam cử cán bộ sang Trung Quốc để “học tập”, “nghiên cứu”, khi Việt Nam không thể “đào tạo” cán bộ cho Trung Quốc. Và điều đó chẳng khác gì “giao trứng cho ác”, bởi Bắc Kinh sẽ giở đủ mọi chiêu trò để mua chuộc, gài bẫy, đe doạ… hòng tiến tới khống chế và thao túng số cán bộ này, biến họ thành những tên tay sai đắc lực trong tương lai.
(ii) Thúc đẩy hợp tác đầu tư và kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước. Phát huy vai trò Nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng, tích cực nghiên cứu và thúc đẩy các dự án hợp tác kết nối trong khuôn khổ “hai hành lang, một vành đai” và “một vành đai, một con đường”; khẩn trương lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; ủng hộ doanh nghiệp hai bên đẩy nhanh giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong các dự án hợp tác liên quan giữa hai bên; tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào các dự án phù hợp với nhu cầu và chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam [khoản iii mục 4]. Đây chính là cái bẫy đưa Việt Nam ngày càng lệ thuộc nặng nề về kinh tế vào Trung Quốc, tiếp tục cuộc xâm lăng kinh tế mà họ đã thực hiện rất thành công dưới “triều đại” Nguyễn Tấn Dũng.
(iii) Tăng cường hợp tác tài chính và tiền tệ. Thực hiện tốt các công việc tiếp theo sau Phiên họp lần thứ 2 Nhóm công tác hợp tác về tài chính - tiền tệ [khoản iv mục 4]. Đây cũng là một phần quan trọng trong âm mưu “Hán hoá” nền kinh tế Việt Nam của Bắc Kinh.
(iv) Tích cực nghiên cứu và bàn bạc ký kết Hiệp định vận tải đường sắt biên giới mới [mục 7]. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho hàng hoá “made in China” tràn vào Việt Nam, bóp chết nền sản xuất trong nước.
(v) […] hai bên đã ký kết… “Bản ghi nhớ về Danh mục các dự án hợp tác năng lực sản xuất giữa Bộ Công Thương nước CHCNXH Việt Nam và Ủy ban Phát triển và Cải cách nước CHND Trung Hoa”; “Bản ghi nhớ về cùng xây dựng Kế hoạch hợp tác cơ sở hạ tầng trên bộ giai đoạn 2016 - 2020 giữa Bộ KH&ĐT nước CHXHCN Việt Nam và Ủy ban Phát triển và Cải cách nước CHND Trung Hoa”; “Thỏa thuận hợp tác về giáo dục giai đoạn 2016 - 2020 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo nước CHXHCN Việt Nam và Bộ Giáo dục nước CHND Trung Hoa”… [mục 14]. Bất kỳ ai hiểu được tâm địa của Trung Quốc cũng đều không khỏi giật mình trước những nội dung “hợp tác” này.
Trong thời gian ở Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn tham dự Diễn đàn Kinh doanh và Đầu tư Hồng Kông - Việt Nam, chứng kiến lễ ký 10 thỏa thuận với tổng giá trị lên tới 10 tỷ USD giữa các doanh nghiệp, tiếp đón lãnh đạo hai tập đoàn gián điệp chuyên cung cấp hạ tầng mạng và thiết bị điện tử viễn thông cho Việt Nam là Huawei và ZTE.
Chưa hết, ngày 5/12 vừa qua, truyền thông nhà nước đồng loạt đưa tin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều quan chức Chính phủ lại tiếp đón lãnh đạo hai doanh nghiệp Trung Quốc là Công ty TNHH Cổ phần Khoa học Kỹ thuật Môi trường Sinh thái Kaidi và Công ty TNHH Cổ phần Đầu tư Dân Sinh. Và cuộc gặp này diễn ra chỉ 3 tháng sau cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa họ với Thủ tướng Việt Nam trong chuyến thăm Trung Quốc kể trên.
Những năm gần đây, thực trạng nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc đã lên đến mức báo động, dư luận liên tục lên tiếng cảnh báo, trong khi bất kỳ một người Việt Nam tỉnh táo nào cũng đều hiểu rằng Trung Quốc không những không bao giờ muốn Việt Nam phát triển mà còn luôn nuôi dã tâm thôn tính dải đất hình chữ S này.
Với tư cách người đứng đầu bộ máy hành pháp, nắm thực quyền lớn nhất trong hệ thống chính trị, Thủ tướng Chính phủ đóng vai trò đặc biệt quan trọng, nếu không muốn nói là quyết định, trong việc đưa Việt Nam thoát khỏi gọng kìm kinh tế của Bắc Kinh. Vì vậy, sau tất cả những gì đã xẩy ra, công chúng Việt Nam có đầy đủ lý do để lo ngại khi không khỏi phải đặt ra câu hỏi: Phải chăng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang “hướng Trung”?
____________
Chú thích:

* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 


Lê AnhHùng
Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.





Nguồn: VOA

Tuesday, December 6, 2016

Võ Kim Cự sắp bị sờ gáy?

Lê Anh Hùng | VOA| 5.12.2016





Lưới trời lồng lộng?
Võ Kim Cự là một nhân vật đã “nổi tiếng” từ nhiều năm nay. Ngay khi còn là Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, “tiếng tăm” của ông ta đã vượt xa ra ngoài địa phận của cái tỉnh nghèo ở Miền Trung, trở thành một cái tên “hot” trên cả nước.
Một trong những sự kiện gây xôn xao dư luận và mang đậm “dấu ấn” độc tài, ngang ngược của ông ta là việc UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các cơ quan ban ngành và huyện thị trên địa bàn ưu tiên sử dụng bia Sài Gòn, kèm theo đó là những chuyện khôi hài như việc vận động uống bia được đưa vào cả tiết mục văn nghệ hay vụ 7 cán bộ Sở Giáo dục - Đào tạo bị kiểm điểm vì không uống bia Sài Gòn trong một cuộc nhậu.

Và đến khi vụ đại thảm hoạ môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra ở Miền Trung từ tháng 4/2016 cùng những thông tin về trách nhiệm trực tiếp của ông ta được phơi bày trước công luận thì số phận chính trị của ông ta đã trở thành mối quan tâm của hàng chục triệu người Việt.
Tuy nhiên, mặc dù bị báo chí cả “lề đảng” lẫn “lề dân” liên tục công kích và vạch trần những sai phạm rõ ràng liên quan đến dự án Formosa Hà Tĩnh trong bối cảnh bản thân nhà cầm quyền CSVN cũng rất cần một “con dê tế thần” hầu xoa dịu cơn phẫn nộ của công chúng cả nước nhưng ông ta vẫn cứ “bình chân như vại”, vẫn trở thành Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế Quốc hội khoá XIV và tái nhiệm vị trí Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khoá V (2016-2020).
Sau một thời gian hứng chịu sự lên án của công luận, người ta có cảm giác như “tội đồ” Võ Kim Cự đã “tai qua nạn khỏi” khi những thông tin về ông ta trên báo chí cứ thưa thớt dần, thậm chí truyền thông nhà nước còn không ít lần đăng những câu phát ngôn rất dễ “đi vào lòng người” của ông ta.
Tuy nhiên mới đây, những ai quan tâm đến hiểm hoạ Formosa Hà Tĩnh nói chung và số phận Võ Kim Cự nói riêng hẳn đều ít nhiều phấn chấn trước hai thông tin còn nóng hổi trên báo chí.
Trong buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp Đà Nẵng sáng 30/11 để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh cho biết, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đang tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm của ông Võ Kim Cự và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Hà Tĩnh trong việc xây dựng dự án Formosa Hà Tĩnh. Và ngày 2/12, Toà án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã tuyên án cựu Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Nguyễn Văn Bổng 12 năm tù giam trong phiên toà xét xử vụ án cố ý làm trái các quy định của Nhà nước để thu lợi bất chính liên quan đến việc thu hồi, giải phóng mặt bằng dự án Formosa.
Nguyễn Văn Bổng vốn là tay chân đắc lực của Võ Kim Cự trong dự án Formosa Hà Tĩnh, từng được coi là “có công lớn” trong việc giải phóng mặt bằng cho siêu dự án. Và việc ông ta bị tuyên một bản án khá nặng chỉ vài hôm sau khi Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh thông báo về việc Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đang làm rõ trách nhiệm của Võ Kim Cự khiến không ít người vội coi đó là dấu hiệu cho thấy những sai phạm trong đại thảm hoạ Formosa Hà Tĩnh sắp được xử lý đến nơi đến chốn.
Bổn cũ soạn lại
Khi còn ở Hà Tĩnh, Võ Kim Cự được coi là một nhà lãnh đạo độc tài, bất kể trên cương vị Phó Chủ tịch tỉnh (6/2005-7/2010), Chủ tịch tỉnh (8/2010-10/2015) hay Bí thư Tỉnh uỷ (1/2015-10/2015), quyền uy của ông ta không chỉ khuynh đảo cấp dưới mà còn lấn át cả cấp trên. Cũng như việc đến tận thời điểm này ông ta vẫn bình an vô sự trước búa rìu của dư luận trong bối cảnh đại thảm hoạ môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra vẫn là nỗi nhức nhối của hàng chục triệu người Việt, điều đó có lý do hết sức dễ hiểu: ông ta bị dư luận nội bộ tố là đệ tử ruột của cựu Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế Hoàng Trung Hải, nhân vật đã trở thành Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội sau Đại hội XII vừa qua.
Cặp bài trùng Hoàng Trung Hải - Võ Kim Cự chính là “tác giả” của đại dự án Formosa Hà Tĩnh, theo một kịch bản mà nếu được cho là “đúng quy trình” thì người ta chỉ có thể gọi “quy trình” đó là “quy trình bán nước”: Ngày 16/1/2008, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự ký công văn số 102/UBND-CN2 gửi Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy liên hợp luyện thép tại Khu Kinh tế Vũng Áng và dự án cảng nước sâu Sơn Dương tỉnh Hà Tĩnh do tập đoàn Formosa làm chủ đầu tư, và ngày 4/3/2008 Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký công văn hoả tốc số 323/TTg-QHQT “đồng ý chủ trương tập đoàn công nghiệp nặng Formosa - Đài Loan lập dự án đầu tư nhà máy liên hợp thép tại Khu Kinh tế Vũng Áng và cảng nước sâu Sơn Dương tỉnh Hà Tĩnh như đề nghị của UBND tỉnh Hà Tĩnh tại công văn nêu trên”; ngày 2/6/2008 Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh ký công văn số 122/BC-UBND “Báo cáo thẩm tra Dự án đầu tư Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Tập đoàn Formosa (Đài Loan)” gửi Thủ tướng Chính phủ, và ngày 6/6/2008, PTT Hoàng Trung Hải ký công văn số 869/TTg-QHQT “đồng ý việc Tập đoàn công nghiệp nặng Formosa - Đài Loan thực hiện dự án đầu tư Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương tại Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh”.
Rõ ràng, nếu xử lý Võ Kim Cự thì không thể không xử lý Hoàng Trung Hải, bởi Võ Kim Cự chỉ là người đề xuất, trong khi viên cựu Phó Thủ tướng gốc Tàu mới là người quyết định.
Trước thực tế ông Hoàng Trung Hải suốt từ năm 2007 đến nay bị tố cáo những tội ác đặc biệt nghiêm trọng như khai man lý lịch, giết người, phản quốc, buôn lậu ma tuý, trùm băng đảng… nhưng không những không bị xử lý mà còn tiếp tục “thăng quan tiến chức”, trở thành thành viên ban lãnh đạo tối cao của Việt Nam, việc “tội đồ” Võ Kim Cự vẫn tiếp tục nhâng nháo thách thức dư luận là điều không có gì quá khó hiểu. Và động thái mới nhất của ngài Thường trực Ban Bí thư trên đây xem ra cũng chỉ là trò bịp bợm “bổn cũ soạn lại” của phường buôn dân bán nước.

* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 


Lê Anh Hùng
Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.





Nguồn: VOA

Monday, December 5, 2016

Sau 25 năm, chiến thắng của phương Tây đã trở thành dĩ vãng

Người dịch: Lê Anh Hùng




Donald Trump. (Carlo Allegri/Reuters)
Hai mươi lăm năm trước – tháng 12 năm 1991 – chủ nghĩa cộng sản tàn lụi, chiến tranh lạnh kết thúc và Liên bang Soviet biến mất. Đây là sự sụp đổ lớn nhất của một đế chế trong lịch sử hiện đại, và người ta không nghe thấy một tiếng súng nào. Đó là một sự kiện hết sức trọng đại mà thế hệ tôi từng nghĩ là sẽ không bao giờ được chứng kiến trong đời. Như Wordsworth từng hứng khởi viết (về cuộc cách mạng Pháp): “Hạnh phúc thay khi sống trong buổi bình minh / Song tuổi trẻ mới là thiên đường đích thực.”
Buổi bình minh đó đánh dấu chiến thắng tột đỉnh của ý tưởng dân chủ - tự do. Nó hứa hẹn một kỷ nguyên thống trị của phương Tây dưới sự lãnh đạo của một nước Mỹ ưu trội, cường quốc còn lại cuối cùng của thế giới.

Và điều đó đã diễn ra trong suốt một thập kỷ khi cộng đồng các quốc gia dân chủ lan rộng, đầu tiên là sang Đông Âu và các nước thuộc địa cũ của Liên Xô. Sự thống trị của Hoa Kỳ lớn đến mức, khi nó từ bỏ một trong những tài sản địa chiến lược giá trị nhất – kênh đào Panama – vào ngày 31/12/1999 mà không một ai để ý.
Kỷ nguyên đó đã lui vào dĩ vãng. Các chế độ độc tài cá nhân đã trở lại và đang trỗi dậy; chế độ dân chủ đang lui vào thế phòng thủ; nước Mỹ thoái lui. Chẳng cần nhìn đâu xa hơn Aleppo. Cuộc kháng chiến do phương Tây hậu thuẫn chống lại tên bạo chúa sở tại – kẻ được hậu thuẫn bởi một nước Nga đang trỗi dậy, một Iran đang bành trướng và một đội chiến binh uỷ nhiệm Shiite hùng hậu – đang chực chờ tan rã. Người Nga cứ việc thả bom, còn người Mỹ thì cứ ra tuyên bố.
Liệu còn biểu tượng nào tốt hơn cho sự kết thúc của giai đoạn lịch sử tự do - dân chủ hào hùng đó? Phương Tây đang hướng nội và quay về nhà, để mặc hiện trường cho giới độc tài đang trỗi dậy – Nga, Trung Quốc và Iran. Ở Pháp, ứng cử viên tổng thống mới được chỉ định của đảng bảo thủ thì mang quan điểm bảo thủ và dân tuý như một thứ mốt thời thượng, đồng thời thể hiện lập trường mềm mỏng với Vladimir Putin. Một số nền dân chủ trẻ tuổi hơn ở Đông Âu – Hungary, Bulgaria và thậm chí Ba Lan – cũng đang cho thấy xu hướng độc tài.
Và ngay giữa lúc Châu Âu đang mỏi mệt với lệnh trừng phạt nhằm vào Nga bởi hành vi cưỡng chiếm Ucraina thì chính sách “cô lập” Nga vốn được nhiều người ca tụng của Tổng thống Obama lại kết thúc một cách đáng hổ thẹn, bởi ngoại trưởng của chúng ta cứ liên tục cắp mũ sang Nga xin rủ lòng thương ở Syria.
Liên minh Châu Âu, câu lạc bộ dân chủ lớn nhất trên trái đất, có thể sẽ tự tan rã sớm khi những phong trào tương tự như Brexit lan khắp châu lục. Cùng lúc đó, các quốc gia thành viên EU lại vội vã một cách khó coi để nối lại quan hệ kinh tế với một Iran bạo ngược và hung hăng.
Về phần Trung Quốc, kẻ thách thức vĩ đại khác đối với trật tự thế giới hậu chiến tranh lạnh, chiến lược “xoay trục” của chính quyền Obama đã thất bại hoàn toàn. Philippines thì công khai đào tẩu sang Bắc Kinh. Malaysia nối gót Manila. Và số đồng minh Châu Á còn lại của chúng ta thì đang bắt đầu phân tán giỏ trứng của họ. Khi Chủ tịch Trung Quốc phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Peru tháng trước, ông ta đề xuất là Trung Quốc sẵn sàng tiếp nhận các hợp phần của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiện đã bị cả hai chính đảng ở Hoa Kỳ từ bỏ.
Sự thoái lui của phương Tây bắt đầu với Obama, người đã phản ứng với sự thái quá (mà người ta cảm nhận được) của hậu thảm hoạ 9/11 bằng cách từ bỏ Iraq, đề xuất chính sách xoa dịu (“tái khởi động”) với Nga và điều chỉnh thích ứng với Iran. Năm 2009, ông ta còn từ chối cả sự ủng hộ bằng ngôn từ dành cho cuộc cách mạng đại chúng chống lại sự cai trị của giới lãnh đạo Hồi giáo Shiite.
Donald Trump muốn tiếp tục thoái lui, cho dù vì những lý do hoàn toàn khác. Obama ra lệnh rút lui bởi ông ta luôn cảm thấy Hoa Kỳ không đủ tốt cho thế giới, với quá nhiều khiếm khuyết để có thể giành được quyền đạo đức hầu thống trị thế giới. Trump rồi sẽ nối gót Obama, khinh rẻ đồng minh và tránh xung đột, bởi thế giới không đủ tốt với chúng ta – những kẻ ngoại quốc ăn bám, vô ơn, không xứng đáng đang sống an toàn dưới sự che chở của chúng ta và từ sự hy sinh của chúng ta. Đã đến lúc phải quan tâm đến những lợi ích riêng của người Mỹ chúng ta. 
Luận điểm của Trump không phải mới mẻ gì. Khi chiến tranh lạnh đi dần tới hồi kết năm 1990, Jeane Kirkpatrick, một nhà tân bảo thủ điển hình, từng lập luận rằng chúng ta giờ đây cần trở thành “một quốc gia bình thường trong một thời đại bình thường”. Đã đến lúc phải từ bỏ gánh nặng của thế kỷ 20 trong việc duy trì trật tự thế giới và thực thi những nỗ lực siêu nhân vì những giá trị phổ quát. Hai thế hệ chiến đấu chống chủ nghĩa fascist và chủ nghĩa cộng sản đã là quá đủ. Chẳng phải là chúng ta chưa từng được nghỉ ngơi thảnh thơi hay sao?
Vào thời điểm đó, tôi lập luận rằng chúng ta quả thực là đã giành được khoảng thời gian nghỉ ngơi thảnh thơi, song một lịch sử độc ác sẽ không cho phép chúng ta tận hưởng điều đó. Sự nghỉ ngơi đòi hỏi một thế giới tưởng tượng mà ở đó sự ổn định mang tính chất tự tại và không cần tới nước Mỹ. Không phải vậy. Chúng ta sẽ phải hứng chịu tình trạng hỗn loạn chứ phải một khoảng lặng thảnh thơi nào.
Một phần tư thế kỷ sau, chúng ta lại đối mặt với sự cám dỗ tương tự, song lần này lại trong bối cảnh nhiều thách thức hơn. Phong trào thánh chiến Hồi giáo (Jihadism) trên bình diện thế giới đã trở thành một phần của cuộc chiến, và những gì chúng ta tận hưởng chẳng có gì là giống với sự thống trị mà chúng ta từng áp đặt lên những kẻ thù quy ước trong suốt kỳ nghỉ thập niên 1990.
Chúng ta có thể chọn nghỉ ngơi, nhưng chúng ta sẽ không nhận được điều đó.

Friday, November 25, 2016

Kinh tế học thể chế: khiếm khuyết lớn trong tủ sách học thuật ở Việt Nam

Lê Anh Hùng | VOA| 25.11.2016




Thể chế và kinh tế học thể chế
Thể chế (institution), theo định nghĩa của nhà kinh tế học người Mỹ Douglass North, là những ràng buộc do con người tạo ra để dàn xếp hoạt động tương tác chính trị, kinh tế và xã hội.
Kinh tế học thể chế (institutional economics) bao hàm mối quan hệ hai chiều giữa kinh tế học và các thể chế. Nó quan tâm đến ảnh hưởng của các thể chế đến nền kinh tế cũng như cách thức các thể chế ứng phó với một thế giới năng động.
Kinh tế học thể chế bao gồm hai trường phái chính là kinh tế học thể chế cũ (Old Institutional Economics) và kinh tế học thể chế mới (New Institutional Economics).

Kinh tế học thể chế cũ ra đời ở Mỹ vào đầu thế kỷ 20, với đại diện tiêu biểu là các nhà kinh tế học Thorstein Veblen, John R. Commons, Wesley Mitchell và Clarence Ayres. Trọng tâm của trào lưu học thuật này là tìm hiểu vai trò của quá trình tiến hoá cũng như vai trò của các thể chế trong việc định hình hành vi của các chủ thể kinh tế. Giữa hai cuộc đại chiến thế giới, đây là một trong những trào lưu học thuật trung tâm trong kinh tế học ở Mỹ.
Sau đại chiến thế giới thứ hai, kinh tế học thể chế cũ nhanh chóng suy giảm vị thế và uy tín, trong bối cảnh nó đã bộc lộ những bất cập về mặt học thuật và cuộc cách mạng Keynes nổi lên đầy ấn tượng. Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối thập niên 1960, một số khía cạnh của phương pháp tiếp cận này được quan tâm trở lại và, kết hợp với phương pháp tiếp cận chi phí giao dịch của Ronald Coase, Oliver Williamson và Douglass North, trào lưu học thuật mang tên kinh tế học thể chế mới đã ra đời.
Trong vài ba thập niên qua, kinh tế học thể chế ngày càng giành được vị thế ảnh hưởng trên thế giới. Thậm chí nó còn được ví như một cuộc cách mạng Copernic trong kinh tế học. Việc nhiều nhà kinh tế học gắn liền với sự ra đời và phát triển của trào lưu học thuật này lần lượt được trao giải Nobel Kinh tế (Friedrich Hayek [1974], James Buchanan [1986], Ronald Coase [1991], Douglass North [1993], William Vickrey [1996],  Elinor Ostrom [2009] và Oliver Williamson [2009]) cho thấy hoạt động nghiên cứu kinh tế học thể chế cũng như vị thế của nó trên thế giới ngày càng tăng tiến. 
Kinh tế học thể chế ở Việt Nam
Mặc dù là một chuyên ngành khoa học ngày càng giành được ảnh hưởng sâu rộng trên thế giới nhưng ở Việt Nam kinh tế học thể chế vẫn còn là một khái niệm mới mẻ. Cho đến nay, hai sự kiện đáng kể nhất gắn với chủ đề này là seminar “Kinh tế học thể chế và sự vận dụng vào các nền kinh tế chuyển đổi” do Khoa Kinh tế Chính trị của Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức vào ngày 20/9/2010 và seminar “Giới thiệu kinh tế học thể chế mới và tiềm năng ứng dụng tại Việt Nam” do F-Group tổ chức dưới sự bảo trợ về chuyên môn của Viện Kinh tế Việt Nam vào ngày 6/12/2012.  
Năm 1998, Nhà xuất bản Edward Elgar ở Cheltenham (Anh) và Northampton (Hoa Kỳ) đã công bố tác phẩm “Kinh tế học thể chế: Trật tự xã hội và chính sách công” (Institutional Economics: Social Order & Public Policy). Đến thời điểm hiện nay, đây vẫn được coi là cuốn sách giáo khoa công phu, bài bản và đầy đủ nhất về chuyên ngành kinh tế học thể chế. Năm 2010, bản dịch tiếng Việt của tác phẩm đã được hoàn chỉnh, nhưng đáng tiếc là nó đã không thể đến tay độc giả dưới dạng ấn bản thông thường vì một cán bộ công an cao cấp đã đến tận Nhà xuất bản Tri Thức yêu cầu không được ấn hành tác phẩm.
Trong khi đó, tình hình ở Trung Quốc lại khác hẳn. Chỉ 2 năm sau khi ấn bản thứ nhất của “Kinh tế học thể chế: Trật tự xã hội và chính sách công” ra đời, Nhà xuất bản Thương mại ở Bắc Kinh đã công bố bản tiếng Trung của tác phẩm. Và trong lời tựa cho ấn bản thứ hai, xuất bản năm 2012, các tác giả đã viết: “Chúng tôi đặc biệt hài lòng với phản ứng – cũng như với số lượng sách bán ra – của ấn bản tiếng Trung cùng ảnh hưởng tuyệt vời của nó đến tư duy của giới kinh tế học chuyên nghiệp đang ngày càng lớn mạnh ở đất nước này.”
Sau khi bản tiếng Việt của tác phẩm bị ngăn cấm ở Việt Nam, dịch giả đã công bố bản dịch dưới dạng file PDF trên mạng vào tháng 9/2011, và nó đã được độc giả đón nhận tích cực. (Một cán bộ nghiên cứu thuộc Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, Bộ NN&PTNT, đã hồi âm cho dịch giả về tác phẩm như sau: “Là người làm nghiên cứu về chính sách nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam, cuốn sách dịch của anh thực sự vô cùng quý báu với tôi. Nó làm tôi không thể yên lòng khi không đặt bút viết những dòng cảm tạ này tới anh.”)
Kinh tế học thể chế có phạm vi ứng dụng rất rộng, chứ không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, như các tác giả đã viết trong Lời tựa cho ấn bản thứ nhất (1998): “Vì kinh tế học thể chế sẵn sàng tiếp nhận ảnh hưởng tri thức từ một loạt chuyên ngành khoa học xã hội nên cuốn sách này không chỉ được khuyến nghị cho các nhà kinh tế học quan tâm đến tăng trưởng, đổi mới, phát triển, các hệ thống kinh tế so sánh và kinh tế chính trị, mà còn cho cả các sinh viên thuộc các chuyên ngành này.”
Bản thân dịch giả cũng đã viết trong bản dịch tiếng Việt của ấn bản thứ nhất: “Đất nước chúng ta đang hội nhập ngày càng sâu hơn vào nền kinh tế của một thế giới đang ngày càng ‘phẳng’ hơn và cạnh tranh gay gắt hơn. Ngày nay, cạnh tranh kinh tế không chỉ bó hẹp trong phạm vi giữa các chủ thể kinh tế như cá nhân hay doanh nghiệp với nhau, mà nó còn diễn ra giữa các chính phủ hay chính xác hơn là giữa các hệ thống thể chế với nhau. Trong bối cảnh đó, cải cách thể chế hay cải tổ hệ thống ở Việt Nam hiện đang là đòi hỏi bức thiết hơn bao giờ hết. Hy vọng cuốn sách sẽ góp phần nhỏ bé để tạo nền tảng lý thuyết cho công cuộc cải cách thể chế ở Việt Nam, mở đường cho sự phát triển bền vững của nước nhà.”
Hy vọng là mong muốn đầy tâm huyết nói trên sẽ sớm trở thành hiện thực với ấn bản thứ hai của tác phẩm vì lợi ích của quốc gia, dân tộc.
____________
Ghi chú:
Độc giả có thể tải bản dịch tiếng Việt của tác phẩm này từ Thông Luận tại đây, hoặc trên blog của tác giả tại đây.

* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 


Lê Anh Hùng
Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.




Nguồn: VOA

Sunday, November 20, 2016

Donald Trump đem lại lợi ích gì cho Trung Quốc?

Eric Li | New York Times
Người dịch: Lê Anh Hùng


LTS
Đây là bài viết của một nhà đầu tư mạo hiểm kiêm nhà khoa học chính trị đăng trên một tờ báo lớn ở Mỹ là New York Times. Eric Li là một Hoa sinh ra ở Thượng Hải, từng học tập tại Mỹ và thậm chí còn làm việc trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Ross Perot năm 1992 trước khi quay trở về hoạt động trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm ở Thượng Hải. Tác giả là người sáng lập quỹ đầu tư Chengwei Capital ở Thượng Hải, thành viên ban giám đốc Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc Châu Âu (China Europe International Business School – CEIBS) ở Thượng Hải, và thành viên Viện Aspen (Aspen Institute) ở Washington, D.C.
Bài viết sặc mùi định hướng dư luận Mỹ của một nhân vật khá tên tuổi và bị chỉ trích là “ca ngợi viên” của chính phủ Trung Quốc trên New York Times cho thấy chiến lược truyền thông của bộ máy tuyên truyền CSTQ bài bản và thâm hậu đến thế nào.
Lê Anh Hùng
THƯỢNG HẢI — Có lẽ không một quốc gia nào phải chịu nhiều tác động từ Donald J. Trump hơn Trung Quốc. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình, ông Trump đã khiến người ta nghĩ rằng việc làm cho Hoa Kỳ “vĩ đại trở lại” có nghĩa là đánh bại Trung Quốc.
Tuy nhiên, phần đông công chúng Trung Quốc lại ủng hộ ông. Và Chủ tịch Tập Cận Bình là một trong những nhà lãnh đạo quốc gia đầu tiên trên thế giới chúc mừng ông. Trong thông điệp gửi tới vị tổng thống mới đắc cử, ông Tập bày tỏ hy vọng xây đắp “lợi ích chung” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Bắc Kinh đang chờ đợi sự thay đổi ở Washington. Đối với người Trung Hoa, kỷ nguyên Obama là giai đoạn khó khăn nhất trong mối quan hệ Mỹ - Trung kể từ khi Tổng thống Richard M. Nixon nối lại quan hệ vào năm 1971. Chính quyền Obama, với Hillary Clinton là Ngoại trưởng, đã thực hiện chính sách “xoay trục sang Châu Á” hòng kiềm toả Bắc Kinh, mà mục đích là củng cố và mở rộng hệ thống đồng minh trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong khi tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở đây. Chính sách xoay trục được hậu thuẫn bởi một kế hoạch kinh tế, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, một hiệp ước thương mại sắp bị khai tử, vốn được tạo ra một phần là nhằm cô lập Bắc Kinh.


Một tờ báo với tấm hình của tổng thống mới đắc cử Donald J. Trump tại một quầy báo ở Bắc Kinh. Greg Baker/Agence France-Presse — Getty Images

Kể từ thời chiến tranh lạnh, từ Tổng thống Bill Clinton đến Tổng thống Obama, Hoa Kỳ vẫn tìm cách tái định hình thế giới theo quan niệm của họ – xây dựng một đế chế Hoa Kỳ dưới chiêu bài toàn cầu hoá. Thông qua những liên minh và định chế toàn cầu ngày càng lớn và phức tạp do mình thiết kế, Washington đã tìm kiếm sự chuẩn hoá toàn cầu về các quy tắc trong lĩnh vực thương mại, tài chính và quan hệ quốc tế. Nó sử dụng sức mạnh chính trị, kinh tế và quân sự để thúc đẩy các nước khác áp dụng nền dân chủ bầu cử và chủ nghĩa tư bản thị trường.
Trung Quốc từ chối nhượng bộ. Mặc dù người Trung Hoa được hưởng lợi rất nhiều từ kỷ nguyên này, Bắc Kinh vẫn tham gia vào quá trình toàn cầu hoá theo những điều kiện của mình. Những gì mà Trung Quốc thu được từ toàn cầu hoá đã giúp biến đất nước này từ một nền kinh tế nông nghiệp nghèo nàn sang một cường quốc công nghiệp chỉ trong vòng một thế hệ. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn luôn nhấn mạnh việc củng cố hệ thống chính trị độc đảng và chỉ mở cửa thị trường đến mức đó.
Cách tiếp cận ấy tỏ ra hiệu quả với Trung Quốc. Nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển cả về quy mô lẫn sự phức tạp công nghệ, đến mức mà Trung Quốc xuất hiện lồ lộ trong tâm trí của nhiều thành phần tinh hoa ở Mỹ như là mối đe doạ lâu dài đáng gờm nhất.
Tuy nhiên, những thành phần tinh hoa này đã không nhận thấy – còn ông Trump thì dường như lại hiểu ra – rằng trong khi họ bị ám ảnh bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc như là một mối đe doạ đối với trật tự tự do chủ nghĩa do Mỹ lãnh đạo thì nền tảng chính trị nội bộ của Mỹ lại đang sa sút. Xu hướng của những thành phần tinh hoa Mỹ trong việc tìm cách định hình thế giới theo ý mình đã tạo ra xung đột trong nước, giữa những người Mỹ nắm quyền lực với những người dân bình thường. Đế chế Mỹ được xây dựng với cái giá là đất nước Mỹ.
Toàn cầu hoá đã đem lại lợi ích cho tầng lớp thượng lưu nắm giữ nhiều tài sản và ảnh hưởng ở Mỹ, trong khi tầng lớp trung lưu lại đình đốn hay co lại. Cơ sở công nghiệp của đất nước, nền móng kinh tế của tầng lớp trung lưu trong kỷ nguyên hậu chiến, đã bị phá huỷ. Cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ cần được khôi phục, hệ thống giáo dục vận hành tồi tệ, và khế ước xã hội thì chuệch choạc. Hoa Kỳ chiếm 4,5% dân số thế giới và khoảng 20% GDP toàn cầu, song lại chiếm tới gần 40% chi tiêu quân sự của thế giới.
Với ông Trump trong phòng bầu dục, phía trước có thể là một thời gian khó khăn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Mối quan hệ giữa hai nước có thể lao dốc trong ngắn hạn bởi những tranh chấp thương mại, chẳng hạn thế.
Tuy nhiên trong dài hạn, mối quan hệ Trung - Mỹ lại có thể trở nên lành mạnh hơn vì người Trung Hoa thích mối quan hệ với một nước Mỹ không tìm cách tái định hình thế giới. Người Trung Hoa biết cách cạnh tranh và có thể ứng phó với các đối thủ cạnh tranh. Điều mà họ phẫn nộ và chống lại là một nước Mỹ áp đặt những giá trị và chuẩn mực của mình lên mọi người khác.
Nước Mỹ của ông Trump rất có thể sẽ thoát khỏi mô thức đó. Ông chưa bày tỏ mong muốn bảo những nước khác làm thế này thế nọ. Trung Quốc được điều hành bởi những nhà lãnh đạo có năng lực, có ý chí mạnh mẽ và thực dụng. Ông Trump là một doanh nhân quyết đoán với một nền tảng ý thức hệ ít ỏi. Thiếu vắng sự ràng buộc ý thức hệ, ngay cả những đối thủ cạnh tranh nhất với nhau cũng có thể bắt tay với nhau. Đây là một ngày mới cho mối quan hệ song phương nhiều ảnh hưởng nhất trên thế giới. 
Chính sách xoay trục của Obama đang thất bại. Nó không thể tạo ra một khu vực Châu Á - Thái Bình Dương hoà bình hơn, và ngay cả đồng minh gần gũi nhất của Mỹ trong khu vực là Philippines cũng đang từ bỏ nó. Đó là một dự án đắt đỏ về thiết đặt trật tự toàn cầu với cái giá mà người Mỹ phải trả là lợi ích quốc gia của họ.
Bắc Kinh không ấp ủ một mưu đồ nào để cạnh tranh với Hoa Kỳ hòng thống trị thế giới. Tuy nhiên, việc nó tìm cách đòi lại một vai trò lãnh đạo trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của mình là điều hoàn toàn tự nhiên. Trung Quốc mong muốn có không gian riêng để vươn tới những mục tiêu phát triển. Cùng lúc, nước Mỹ với Tổng thống Trump lại cần hướng sự chú ý vào hoạt động tự tái thiết.
Trong dài hạn, nước Mỹ của Trump và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ hợp tác với nhau hơn so với bất kỳ giai đoạn nào khác mà người ta còn lưu giữ trong ký ức gần đây.
* Eric Li là một nhà đầu tư mạo hiểm và nhà khoa học chính trị.