Tuesday, July 28, 2015

‘Bản sắc’ Nguyễn Phú Trọng

Lê Anh Hùng



Anh Nguyễn Vũ Bình là một cây bút chính luận sắc sảo trong giới đấu tranh ở Việt Nam. Anh thuộc thế hệ tù nhân lương tâm thứ hai, sau thế hệ thứ nhất với những Hoàng Minh Chính, Nguyễn Đan Quế, Lm Phan Văn Lợi, v.v.
Là một người từng có thời gian gần 10 năm làm việc tại Tạp chí Cộng sản, trước khi làm đơn xin thành lập Đảng Tự do – Dân chủ và xin nghỉ việc (nhưng không được cho nghỉ mà bị buộc thôi việc) năm 2000 rồi bị bắt năm 2002, đồng thời lại có nhiều đồng hương, đồng tộc “làm to” trong bộ máy nên anh khá am tường về giới quan chức cộng sản ở Việt Nam. Tạp chí Cộng sản cũng chính là nơi mà đương kim TBT Nguyễn Phú Trọng từng gắn bó suốt từ năm 1967 đến tận năm 1995, kể từ khi còn là một anh cán bộ ban (vụ) Xây dựng Đảng cho đến khi trở thành Tổng Biên tập tạp chí.
Đại hội lần thứ nhất Hội Cựu Tù nhân Lương tâm Việt Nam ở Sài Gòn cuối tháng Ba vừa qua là một dịp hiếm hoi để nhiều anh em TNLT trên khắp cả nước tề tựu, trao đổi. Một lần, khi mấy anh em chúng tôi ngồi trò chuyện với nhau, tôi hỏi anh Vũ Bình là anh có biết gì nhiều về nhân vật Nguyễn Phú Trọng, người từng là “đồng chí” và là sếp của anh từ năm 1992 đến 1995, hay không. Anh vui vẻ: “Ồ, biết nhiều chứ các bạn.” Anh bảo, xét theo một tiêu chí nào đó thì ông ta cũng “giỏi”. Rồi anh kể cho chúng tôi hai mẩu chuyện mà anh vẫn nhớ mãi trong thời gian công tác ở Tạp chí Cộng sản.
1) Câu chuyện thứ nhất anh Vũ Bình được nghe kể lại; nó khá ấn tượng nên anh vẫn còn nhớ như in. Thời gian ấy ông Nguyễn Phú Trọng còn chưa có danh phận gì đáng kể, khoảng đầu những năm 1980, khi ông mới là Phó Trưởng ban Xây dựng Đảng (Vụ phó Vụ Xây dựng Đảng).
Một hôm, ông đến nhà ông Lê Đức Thọ để xin ý kiến về một bài báo sắp sửa đăng. Khi trở về, ông đã kể trong buổi giao ban ở cơ quan rằng: “Cụ [Lê Đức Thọ] cứ vỗ vai tôi và bảo, ‘Tướng mạo thế này thì phải Phó Tổng rồi chứ?’”
Ông Lê Đức Thọ có thực sự vỗ vai và nhận xét về ông Nguyễn Phú Trọng như thế hay không thì có trời mới biết, nhưng điều mà ai cũng biết là sau đó hoạn lộ của ông Nguyễn Phú Trọng cứ thênh thang, như thể diều gặp gió.
2) Câu chuyện thứ hai xẩy ra hồi ông Nguyễn Phú Trọng làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, kiêm nhiệm phụ trách Hội đồng Lý luận Trung ương.
Một anh bạn cùng ở Tạp chí Cộng sản với anh Vũ Bình, đồng thời có chân trong Hội đồng Lý luận Trung ương, đi tháp tùng ông trong một chuyến công tác về hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hoá.
Ở cả hai nơi, lãnh đạo địa phương đều trình cho ông một bản báo cáo mà họ đã chuẩn bị sẵn theo nội dung làm việc của đoàn.
Bản báo cáo của Nghệ An rất đầy đủ, bài bản và khoa học, nhưng ông Trọng vẫn chê lên chê xuống, chỉ thị cần sửa đổi cái này cái nọ, cần làm cái này cái kia. Trong khi đó, bản báo cáo của Thanh Hoá rất hời hợt, nghiệp dư thì ông lại khen lấy, khen để.
Người bạn của anh Vũ Bình hết sức ngạc nhiên, bởi không chỉ anh ta mà các thành viên khác đều nhận thấy sự khác biệt quá rõ của hai bản báo cáo. Về lại Hà Nội, anh ta gặp và kể với anh Vũ Bình, đồng thời tỏ vẻ rất khó hiểu trước thái độ của ông Trọng.
Anh Vũ Bình vừa cười vừa nói: “Em hỏi anh, thế ông [Tổng Bí thư] Lê Khả Phiêu quê ở đâu?” Anh bạn kia “à” to một tiếng như thể vừa vỡ ra một chân lý gì đấy thực sự mới mẻ và ý nghĩa.
Hai mẩu chuyện trên có thể chưa đủ để “lột tả” hết “phẩm chất” của nhân vật Nguyễn Phú Trọng, nhưng chắc chắn ít nhiều cũng giúp người ta hình dung ra được bức chân dung của người vẫn đang dẫn dắt cả một quốc gia 90 triệu dân đi tìm cái mà ông gọi là “chủ nghĩa xã hội hiện thực” suốt từ năm 2011 đến nay.

  • Bài liên quan:
  1. TBT Nguyễn Phú Trọng đang ‘sốt ruột’ theo kiểu gì?
  2. Ông Nguyễn Phú Trọng muốn biến các đồng chí của mình thành những cái máy?
  3. Sự hồn nhiên của ngài Tổng Bí thư

3 comments: