Wednesday, January 23, 2013

SÁCH DỊCH THỜI… HẬU “THẢM HOẠ”


LTS.
Đây là bài viết của nhà văn Trần Nhã Thuỵ đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 4/1/2008. Trong bài, tác giả có nhắc đến tác phẩm “Friedrich Hayek – Cuộc đời và sự nghiệp” do tôi dịch và NXB Tri Thức xuất bản vài tháng trước đó.
Hà Nội, 23/1/2013
Lê Anh Hùng



TT - Cái gọi là "thảm họa dịch thuật" được báo động khẩn cấp từ "sự cố" Mật mã Da Vinci (2005). Từ đó hàng loạt sách dịch "gây thảm họa" đã bị giới chuyên môn lên tiếng, chỉ trích. Tuy nhiên năm 2007 xem ra sách dịch đã tạm qua được thời "thảm họa", đóng góp vào đời sống văn hóa đọc nhiều tác phẩm hay...
Từ những cuốn sách được gọi là "thảm họa dịch thuật", khi truy ra người ta mới tá hỏa vì người dịch không phải là dịch giả có chuyên môn, mà chỉ là người "chuyển ngữ" với một chút vốn ngoại ngữ. "Thảm họa" đã nảy sinh từ chỗ "sai một li đi một dặm" khiến bản dịch rơi vào tình trạng vô phương cứu chữa.
Nói không với... dịch giả "ngang xương" (!)
Sau khi bị giới chuyên môn lên tiếng và dư luận xã hội phản ứng, các nhà làm sách đã trở nên cẩn trọng hơn. Sách dịch hầu hết đã được trao gửi đúng địa chỉ, tức giao đúng người đúng việc.
Về mảng sách văn học có những tên tuổi "bảo chứng" như: Dương Tường, Trịnh Lữ, Đoàn Tử Huyến, Cao Việt Dũng, Trần Tiễn Cao Đăng, Phạm Xuân Nguyên, Lê Quang, Trần Đình Hiến, Huỳnh Phan Anh, Phạm Viêm Phương... Ở mảng sách tri thức, học thuật có các "địa chỉ” tin cậy như: Nguyên Ngọc, Phạm Toàn, Bùi Văn Nam Sơn, Mai Sơn, Phạm Văn Thiều, Lê Anh Hùng, Nguyễn Ngọc Hải, Nguyễn Văn Dương... Những tên tuổi vừa kể trên đều là những "thương hiệu" tốt. Các nhà làm sách xây dựng thương hiệu sách dịch bằng chính "thương hiệu dịch giả” là một cách làm khả dĩ đúng đắn.
Sách dịch thời... hậu thảm họa đã xuất hiện nhiều tác phẩm giá trị. Về mảng sách văn học có thể kể: Hạt cơ bản, Đo thế giới, Ngân thành cố sự, Nhạc đời may rủi, Kafka bên bờ biển, Tên tôi là Đỏ... Ở mảng sách tri thức, học thuật cũng có nhiều tác phẩm đáng kể như: Friedrich Hayek - Cuộc đời và sự nghiệp, Loài tinh tinh thứ ba, Nguồn gốc - nỗi hoài niệm về những thuở ban đầu, Phạm Quỳnh - tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922-1932... Nhiều sách kinh tế và quản trị kinh doanh thời gian gần đây cũng được xuất bản một cách có hệ thống, với nhiều bản dịch có chất lượng.
Không khó lắm để có thể thấy những bản dịch tốt đều xuất phát từ những dịch giả giỏi, chuyên sâu và tâm huyết. Sự đoạn tuyệt với những dịch giả "ngang xương" là hết sức cần thiết trong bối cảnh nhiều người đọc đang có nhu cầu nâng cao tri thức bằng cách chọn "thực đơn" là những tác phẩm tinh hoa thế giới.
Để tránh... tái thảm họa dịch thuật?!
Trong hoạt động của thị trường sách, việc giao dịch bản quyền có thể chóng vánh, nhưng dịch thuật không phải bao giờ cũng trôi chảy. Vì một lẽ đơn giản: dịch giả giỏi không nhiều. Dịch giả chuyên nghiệp còn quá ít, phần lớn hoạt động vì "nghiệp dĩ” chứ cũng không hẳn đã "sống được" nhờ công việc. Đó là chưa kể dịch giả giỏi đa số đều lớn tuổi; trẻ tuổi mà tài năng, tâm huyết như Cao Việt Dũng thì cũng là "hàng hiếm". Gần đây, một số nhà văn trẻ hải ngoại như Thuận, Phan Việt tham gia dịch thuật đã cho ra đời những bản dịch tốt như Xạ thủ nằm bắn, Suối nguồn... Nhưng họ cho biết không theo công việc này dài lâu bởi dịch thuật... không dễ (!). Như vậy, khi đứng trước nhu cầu thị trường, hoàn toàn có thể xảy ra việc... tái thảm họa dịch thuật.
Nhà văn - dịch giả Mai Sơn cho rằng để "thảm họa" không trở lại có nhiều điều phải làm, nhưng trước hết cần đặc biệt quan tâm đến những người hiệu đính và đọc thẩm định các bản dịch. Đa số họ đều lớn tuổi và không còn nhiều thời gian, nên việc của họ có thể chỉ là thẩm định vài chục trang mẫu của một bản dịch nhưng phải trả thù lao thật xứng đáng.
GS.TS Chu Hảo - Giám đốc NXB Tri Thức - nêu ý kiến: "Phải đặt ra yêu cầu cao cho dịch giả, song song với việc trả thù lao xứng đáng, và thẩm định chặt chẽ. Đó là biện pháp tốt nhất để ngăn chặn "thảm họa". Đó cũng là cách tốt nhất để thúc đẩy cả cung lẫn cầu đối với mảng sách dịch"...
TRẦN NHàTHỤY



Nguồn: Tuổi Trẻ
Bài liên quan: Một cuốn sách gây ấn tượng mạnh

Mời quý vị xem và tải tác phẩm “Friedrich Hayek: Cuộc đời và tư tưởng” về tại đây hoặc tại đây.

4 comments:

  1. không biết thông tin chủ nhân blog này đã bị bắt đúng không nhỉ các bạn

    ReplyDelete
  2. Nghe thông tin thì hình như gia đình Lê Anh Hùng có đề nghị chính quyền đưa đi chữa bệnh thì phải. Bạn nào biết rõ thì comment nhé

    ReplyDelete
  3. Có bạn nào biết về tin Kỹ sư Nguyễn Trung Lĩnh cũng bị đưa vào trại tâm thần hồi năm ngoai.Nay nghe nói đã được thả?Tin có đúng không các bạn?

    ReplyDelete
  4. Chúc mừng Anh Hùng đã trở về, còn Nguyễn Trung Lĩnh ai có biết gì không?
    KS Nguyễn Văn Thạnh ở Đà Nẵng cũng đã bị công an gây khó dể vì ký tên vào CDVN. Hi hi, người trẻ VN đã trưởng thành nhiều, bây giờ chỉ còn chờ chính quyền "kích nổ" là có chuyện lớn xảy ra ngay. Tôi bây giờ liều lắm rồi.

    ReplyDelete