Wednesday, March 28, 2012

TỪ LỢN SIÊU NẠC ĐẾN BẤT ỔN XÃ HỘI

Lê Anh Hùng



Tình trạng người chăn nuôi sử dụng hoá chất cấm trong chăn nuôi ở các tỉnh phía Nam, trong đó có chất tạo nạc cho lợn, vẫn đang gieo rắc nỗi bất an cho người dân cả nước và khiến cho ngành chăn nuôi một phen khốn đốn.
Không phải chỉ đến khi Bộ trưởng Cao Đức Phát lên tiếng “tuyên chiến” với hành vi mà ông gọi là “tội ác” đó, người ta mới nhận ra đây là hành động vô đạo đức cần bị lên án và trừng trị. Hiện tượng này thực ra đã xuất hiện và được cảnh báo từ lâu nhưng do việc xử lý thiếu nghiêm minh nên nó mới được thể bùng phát đến mức độ kinh hoàng như báo chí đã nêu trong thời gian qua. Rõ ràng, chính sự lỏng lẻo của pháp luật đã ngầm “khuyến khích” hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí trong trường hợp này nó còn khiến người ta sẵn sàng vượt qua cả những ranh giới đạo đức mà xã hội vốn đề cao.
Trên thực tế, trong xã hội vi mô (gia đình, nhóm bạn bè, hay câu lạc bộ nhỏ) các quy tắc đạo đức truyền thống (những quy tắc phi cưỡng bách, vốn hình thành tự phát giữa các thành viên của nhóm) đủ khả năng chi phối hành vi của các thành viên tới một mức độ đáng kể: chẳng ai lại muốn người thân hay bạn bè của mình ăn phải thứ thịt siêu nạc độc hại do mình tạo ra đó cả. Tuy nhiên, cũng chính những con người ấy lại sẵn sàng bán những thứ sản phẩm độc hại này cho những người mà mình không quen biết trên thị trường. Ở đây, các quy tắc đạo đức truyền thống (cụ thể là quy tắc không làm điều gì có hại cho người khác) đã không đủ sức điều chỉnh hành vi của các chủ thể trong xã hội vĩ mô ở tầm quốc gia, nơi mà con người vẫn thường giao dịch với những người lạ mặt, và người ta buộc phải viện đến pháp luật, những quy tắc mang tính cưỡng bách vốn ra đời và được áp đặt thông qua một quy trình chính trị, để điều chỉnh hành vi của con người. Và một khi mà pháp luật cũng bất lực nốt thì sự bùng phát của những “tội ác” như trên là thực tế không tránh khỏi.

Theo nhà lý thuyết pháp lý nổi tiếng người Mỹ gốc Áo Hans Kelsen (1881-1974), pháp luật thể hiện bản chất đạo đức, nó liên quan đến cách thức mà cộng đồng cần hành xử sao cho có đạo đức. Pháp luật buộc người ta phải hành xử có đạo đức với những người mà mình không quen biết. Khi một hệ thống pháp luật dung dưỡng cho những hành vi phi đạo đức như đã nói ở trên, hệ thống pháp đó rõ ràng là thiếu đạo đức. Hậu quả là những hành vi “tội ác” như Bộ trưởng Cao Đức Phát lên án sẽ ngày càng nhiều và đạo đức xã hội ngày càng suy đồi.
Một khi pháp luật không còn đủ sức điều chỉnh hành vi giữa các chủ thể trong xã hội vĩ mô và hành vi “tội ác” cứ thế ngày một nhân lên thì chính các quy tắc đạo đức truyền thống vốn chi phối quan hệ giữa người với người trong xã hội vi mô cũng bị ảnh hưởng tiêu cực: Một người đã vì tiền mà sẵn sàng cung cấp cho xã hội những sản phẩm nguy hại như lợn siêu nạc thì rồi đến một lúc nào đó chính đồng tiền cũng sẽ chi phối anh ta trong mối quan hệ với người thân hay bạn bè của mình, biến anh ta thành một con người hoàn toàn khác. Và đến lúc ấy thì đạo đức xã hội đã suy thoái tới mức độ trầm trọng rồi.
Xã hội sẽ rơi vào hỗn loạn một khi tinh thần thượng tôn pháp luật là một khái niệm xa lạ với người dân, bởi nếu thiếu thái độ tuân thủ tự phát thì vào bất cứ thời điểm nào bộ máy chính quyền cũng chỉ có thể áp đặt nhiều lắm là từ 3 đến 7% toàn bộ quy chuẩn pháp lý thông qua hình thức cưỡng bách thôi. Từ đó người ta có thể dễ dàng trả lời được câu hỏi là điều gì đang xẩy ra trên đất nước chúng ta khi mà ông Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai nhận xét: “Ngành thú y không thể canh từng ông bán thuốc, bán cám, bán thịt mà cần sự góp sức của nhiều cấp”; còn ông Giám đốc Công an Tiền Giang lại phát biểu: “Một mình công an thì làm sao xuể. Công an lấy đâu ra người để canh bắt từng người vi phạm pháp luật.”
Chắc chắn, cả ngành thú y lẫn ngành công an đều không thiếu người. Thứ mà hai ngành này đang thiếu chung với bộ máy công quyền quá ư cồng kềnh ở Việt Nam hiện nay chính là tinh thần thượng tôn pháp luật, từ người lãnh đạo cao nhất của hệ thống chính trị cho đến nhân viên thừa hành công vụ cấp thấp nhất; phần lớn họ chỉ biết lợi dụng quyền lực mà pháp luật trao cho vì lợi ích cá nhân. “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, một khi người lãnh đạo không gương mẫu thì cấp dưới sẽ noi theo và dần dần chính những người chịu trách nhiệm bảo vệ và thực thi pháp luật lại khiến cho người dân nhiễm thói quen khinh nhờn pháp luật, trong khi lẽ ra họ phải góp phần quyết định để hình thành nên ý thức tuân thủ pháp luật trong nhân dân. Rõ ràng, hệ thống pháp luật hiện hành chính là nguyên nhân trực tiếp khiến cho đạo đức xã hội – vốn dĩ là nền móng của xã hội – đang ngày càng xuống cấp và dung chứa những mầm mống tai hại cho những bất ổn xã hội trong tương lai./.



Lê Anh Hùng
Quảng Trị, 27/03/2012

Bài đã đăng trên Bauxite Việt Nam ngày 28/3/2012 - http://boxitvn.blogspot.com/2012/03/tu-lon-sieu-nac-en-bat-on-xa-hoi.html.

Monday, March 26, 2012

ĐẤT NƯỚC CỦA THÁNH THẦN

Lê Anh Hùng
Quảng Trị, 25/03/2012


Bẵng đi một thời gian, vì những biến cố của cuộc đời, cuối năm 2010 tôi mới về thăm ba tôi ở Hà Tĩnh.
Như mọi khi, tôi lại thắp hương lên bàn thờ. Tuy nhiên, khác với mọi lần, lần này ba tôi bỗng nhắc tôi: “Đã thắp hương ở chỗ bàn thờ đằng kia chưa? Thánh đó!” Dĩ nhiên là tôi phải thắp hương ở những nơi mà ba tôi vẫn thường thắp rồi. Thánh thần có thật hay không thì chưa biết nhưng có một vị thánh ngự trị trong tâm trí mình thì tốt quá đi chứ. Ông cha ta chẳng bảo “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” đấy là gì.

Nghĩ vậy nên tôi chẳng mấy băn khoăn khi nghe ba tôi nói thế. Song điều khiến tôi ngỡ ngàng đến mức không tin nổi vào mắt mình là khi trèo lên ghế để thắp hương vào chỗ bàn thờ mà ba tôi vừa chỉ: Vị “thánh” đó té ra lại là ông Hồ Chí Minh hoá thân trong một bức tượng bán thân màu đồng cao độ 20cm!
Từ đấy, tôi mớt bắt đầu để ý và nhận thấy là hầu như nhà đảng viên nào cũng có nơi thờ “thánh” cả (3 đứa em tôi đều là đảng viên). Và nhà ai càng “quyền cao chức trọng” thì nơi thờ tự của “Người” lại càng tươm tất. Còn ở các cơ quan công quyền thì khỏi phải nói, bàn thờ “thánh” gần như đã trở thành một thứ “luật bất thành văn” rồi.
Tượng Phật và tượng bán thân ông Hồ Chí Minh
trên điện thờ ở nhà nguyên TBT Lê Khả Phiêu (nguồn: BBC).
Danh xưng “thánh” kia không phải do những người chân chất như ba tôi nghĩ ra mà chắc chắn là bắt nguồn từ một chiến lược bài bản của giới lãnh đạo Đảng CSVN.
Báo điện tử Kiến Thức ngày 14/2/2010 đăng bài “Người là bậc thánh nhân”. Báo Năng Lượng Mới ngày 18/11/2011 có bài “Suy ngẫm về lời của Bác”, trong đó viết: “Bác Hồ của chúng ta được coi là bậc Thánh, không chỉ với người Việt mà còn với nhiều dân tộc trên thế giới, bởi đức độ cao cả và công lao to lớn của Người cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và phong trào đấu tranh vì hòa bình trên thế giới. Nhân dân ta còn coi Bác là bậc Thánh nhân bởi những dự báo chính xác của Người về vận nước, về con đường của cách mạng… Và cả sự ra đi của Người, khoa học sẽ không thể giải thích nổi rằng, tại sao Người lại từ biệt thế giới này vào đúng ngày Người đọc Tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – Nhà nước XHCN đầu tiên ở châu Á.” Báo Pháp Luật & Xã Hội ngày 25/1/2012 đăng bài “Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: Vị Thánh nhân của dân tộc”. Khi rước tượng Thánh Gióng lên ngự trên đỉnh núi đá Chồng, người ta đã cố ý chọn đúng ngày 19/5/2010 để có cớ mà thốt lên trong niềm hoan lạc vô biên rằng “đây là một sự trùng hợp đẹp và rất ý nghĩa”(!?).
“Thầy nào trò đó”, lớp hậu bối của Trần Dân Tiên quả không hổ danh là những “học trò xuất sắc” của ông. Khi không còn có thể trưng ra câu: "Ai đó thì có thể sai, chứ đồng chí Stalin và đồng chí Mao Trạch Đông thì không thể sai được"1, người ta lại cố nhào nặn nên một hình ảnh huyễn hoặc để phát đi cái thông điệp loè bịp rằng: “Ai đó thì có thể sai chứ ‘thánh’ thì không thể sai được! Hãy tin tưởng vào con đường mà ‘thánh’ đã chọn.” (Và phải chăng ở đây còn ẩn chứa cả sự đe nẹt dành cho tầng lớp trí thức nữa: “Chớ có dại dột ‘phản biện’ mà ‘thánh’ lại vật cho thì khốn đấy.”)
Không biết đến bao giờ bùa phép của “thánh” mới hết thiêng với đất nước này đây? Không biết đến bao giờ người dân Việt Nam mới hết phải đội ơn mưa móc của “thánh” đây?


Bài đã đăng trên Diễn đàn X-Cafevn ngày 26/3/2012 (http://www.x-cafevn.org/node/3236).

1 Lời Hồ Chí Minh trong tác phẩm Đảng Cộng sản Việt Nam qua những biến động trong Phong trào Cộng sản Quốc tế của Nguyễn Minh Cần.




Thursday, March 22, 2012

TẤT CẢ VÌ TƯƠNG LAI CON EM CHÚNG TA!

Lê Anh Hùng


“…Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không,
dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai
với các cường quốc năm châu được hay không, chính là
nhờ một phần lớn ở công học tập của các em…”
Hồ Chí Minh


Nhờ thấm nhuần tinh thần nhân văn cao cả “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” và quán triệt tầm nhìn xa trông rộng “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” nên hiếm có nơi nào trên thế giới mà ở đó trẻ em được chăm sóc chu đáo như ở Việt Nam dưới thời đại Hồ Chí Minh.

Này nhé, Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20 tháng 2 năm 1990. Ngay ở lứa tuổi mầm non, các cháu đã được chăm lo cho đến từng giấc ngủ, nhờ đó mà hình ảnh của người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, “đội tiên phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam”[i], đã sớm đi vào giấc mơ của các cháu: 
Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ
Râu Bác dài tóc Bác bạc phơ
Mới 9 tuổi, các cháu đã trở thành những đội viên “Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh”, tổ chức của thiếu nhi Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng CSVN sáng lập, đã biết hô vang những câu khẩu hiệu rất chi là hồn nhiên như “Vì Tổ quốc XHCN, vì lý tưởng của Bác Hồ vĩ đại: Sẵn sàng!” Những cháu nào đạt một số tiêu chí nhất định thì được tặng danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”, hầu giáo dục ý thức chính trị và lòng trung thành với lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản, thiên đường trên mặt đất của nhân loại.
Đặc biệt, chương trình phổ thông của các cháu còn được chính trị hoá một cách triệt để, nhất là là môn văn và môn lịch sử. Xin đơn cử, gần như tất cả các đề thi tốt nghiệp và đề thi vào đại học của môn sử gần 40 năm nay đều chỉ hỏi về lịch sử Việt Nam từ sau năm 1930, năm ra đời của Đảng CSVN. Chưa hết, lên đến bậc đại học, một trong những môn chủ yếu mà sinh viên được học là Lịch sử Đảng CSVN (bên cạnh những môn bắt buộc mang tính siêu tưởng như Chủ nghĩa Xã hội Khoa học). Điều này thì khỏi cần phải thắc mắc làm gì, vì “Đảng CSVN là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”. Nhờ có Đảng mà các cháu mới có được ngày hôm nay, chứ nếu không thì chắc chắn Việt Nam còn thua cả Lào và Campuchia. Thế nên chỉ những kẻ thiếu hiểu biết mới dám phát biểu hàm hồ thế này: “Cứ như chỉ từ năm 1930 nước ta mới có cái gọi là lịch sử, còn trước đó... chỉ là tiền sử, là thời man dã, con người còn là khỉ vượn gì đó thôi chứ chưa thành người!”
Nhờ nền giáo dục tiên tiến và đậm đà bản sắc nô dịch như thế mà ở tuổi còn đái dầm, các cháu đã nắm được những kiến thức vô cùng sâu sắc và thiết thực, chẳng hạn như ai là “lãnh tụ của giai cấp công nhân thế giới”, còn ai là “lãnh tụ của giai cấp vô sản”, điều mà chắc chắn là chẳng học sinh nào trên thế giới biết được.

Hàng năm, cứ đến mùa khai trường, lãnh đạo các cấp lại thường dành thời gian vàng ngọc của mình để tham dự lễ khai giảng với các cháu và, tất nhiên, không quên để lại những lời giáo huấn cho lớp lớp mầm non của đất nước. Đó luôn là những “danh ngôn” để đời như câu hỏi mà nguyên TBT Nông Đức Mạnh đặt ra cho các học sinh trường PTTH Chu Văn An tại lễ khai giảng năm học 2010-2011 ngày 4/9/2010 trước sự ngẩn ngơ của các cháu: “Làm người có khó không các cháu? Có khó không? Thế tóm lại là có làm được không?”
Với một nền giáo dục ưu việt như thế, với sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng như thế, rõ ràng là chỉ những kẻ thiển cận mới một hai kêu gào đòi “cải cách giáo dục”. Họ không chịu hiểu rằng một khi Đảng ta vẫn nhất quyết đội hai ông tổ sư kia trên đầu thì quyết tâm cải cách giáo dục cũng giống như quyết tâm “thay đổi 360 độ” vậy thôi. Họ không chịu hiểu rằng hơn 60 năm qua, Việt Nam đã trải qua những 3 lần “cải cách giáo dục” lớn (1950, 1956, 1979), chưa kể vô số “cải cách” lẻ tẻ khác, mà nhờ đó nền giáo dục nước nhà mới đạt được thành quả như ngày hôm nay. Trong khi đó, nền giáo dục Việt Nam lại còn thể hiện tính “nhân dân” và bản chất “tiến bộ” ở chỗ nó được dành cho mọi “chủ nhân” tương lai của đất nước, còn đám con cháu của lũ “đầy tớ” kia thì chỉ được học tập tại các trường quốc tế hay tại các nước thuộc xứ tư bản “đang giẫy chết”, để rồi một ngày nào đó lại phải tiếp tục thân phận tôi tớ của bố mẹ chúng.
Giáo dục là chìa khoá mở ra cánh cửa tương lai. Với một nền giáo dục như hiện nay, Việt Nam chúng ta dứt khoát sẽ sớm "hoá rồng" chứ không thể cứ chịu kiếp "tắc kè" mãi như thế này được.
______________
Ghi chú:
[i] Điều 4, Hiến pháp 1980.

Bài đã đăng trên Bauxite Việt Nam ngày 22/3/2012:
http://boxitvn.blogspot.com/2012/03/tat-ca-vi-tuong-lai-con-em-chung-ta.html.

TẤT CẢ VÌ TƯƠNG LAI CON EM CHÚNG TA!

Lê Anh Hùng



“…Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không,
dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai
với các cường quốc năm châu được hay không, chính là
nhờ một phần lớn ở công học tập của các em…”
Hồ Chí Minh


Nhờ thấm nhuần tinh thần nhân văn cao cả “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” và quán triệt tầm nhìn xa trông rộng “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” nên hiếm có nơi nào trên thế giới mà ở đó trẻ em được chăm sóc tận tình, chu đáo như ở Việt Nam dưới thời đại Hồ Chí Minh.
Này nhé, Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20 tháng 2 năm 1990. Ngay ở lứa tuổi mầm non, các cháu đã được chăm lo cho đến từng giấc ngủ, nhờ đó mà hình ảnh của người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, “đội tiên phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam”i, đã sớm đi vào giấc mơ của các cháu:

Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ
Râu Bác dài tóc Bác bạc phơ

Mới 9 tuổi, các cháu đã trở thành những đội viên “Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh”, tổ chức của thiếu nhi Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng CSVN sáng lập, đã biết hô vang những câu khẩu hiệu sặc mùi chính trị như “Vì Tổ quốc XHCN, vì lý tưởng của Bác Hồ vĩ đại: Sẵn sàng!” Những cháu nào đạt một số tiêu chí nhất định thì được tặng danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”, một danh hiệu mà các nhà lãnh đạo Đảng rất quan tâm hầu qua đó giáo dục ý thức chính trị và lòng trung thành với lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản, thiên đường trên mặt đất của nhân loại.


Đặc biệt, chương trình phổ thông của các cháu còn được chính trị hoá một cách triệt để, nhất là là môn văn và môn lịch sử. Xin đơn cử, gần như tất cả các đề thi tốt nghiệp và đề thi vào đại học của môn sử gần 40 năm nay đều chỉ hỏi về lịch sử Việt Nam từ sau năm 1930, năm ra đời của Đảng CSVN. Chưa hết, lên đến bậc đại học, một trong những môn chủ yếu mà sinh viên được học là Lịch sử Đảng CSVN (bên cạnh những môn bắt buộc mang tính siêu tưởng như Chủ nghĩa Xã hội Khoa học). Điều này thì khỏi cần phải thắc mắc làm gì, vì “Đảng CSVN là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”; nhờ có Đảng mà các cháu mới có được ngày hôm nay, chứ nếu không thì chắc chắn Việt Nam còn thua cả Lào và Campuchia nữa kia. Thế nên chỉ những ai thiếu hiểu biết mới dám phát biểu hàm hồ như thế này: “Cứ như chỉ từ năm 1930 nước ta mới có cái gọi là lịch sử, còn trước đó... chỉ là tiền sử, là thời man dã, con người còn là khỉ vượn gì đó thôi chứ chưa thành người!”

Nhờ nền giáo dục tiên tiến và đậm đà bản sắc nô dịch như thế mà ở tuổi còn đái dầm, các cháu đã nắm được những kiến thức vô cùng sâu sắc và thiết thực như ai là “lãnh tụ của giai cấp công nhân thế giới”, còn ai là “lãnh tụ của giai cấp vô sản”, điều mà chắc chắn là chẳng có học sinh nào trên thế giới có thể biết được.



Hàng năm, cứ đến mùa khai trường, lãnh đạo các cấp lại thường dành thời gian vàng ngọc của mình để tham dự lễ khai giảng với các cháu và, tất nhiên, không quên để lại những lời huấn thị cho lớp lớp mầm non của đất nước, trong đó phần lớn là những “danh ngôn” để đời như câu hỏi mà nguyên TBT Nông Đức Mạnh đặt ra cho các học sinh trường PTTH Chu Văn An tại lễ khai giảng năm học 2010-2011 ngày 4/9/2010 trước sự ngẩn ngơ của các cháu: “Làm người có khó không các cháu? Có khó không? Thế tóm lại là có làm được không?”

Với một nền giáo dục ưu việt như thế, với sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng như thế, rõ ràng là chỉ những kẻ thiển cận mới một hai kêu gào đòi “cải cách giáo dục”; họ không chịu hiểu rằng một khi Đảng ta vẫn nhất quyết đội hai ông tổ sư kia trên đầu thì quyết tâm cải cách giáo dục cũng giống như quyết tâm “thay đổi 360 độ” vậy thôi; họ không chịu hiểu rằng hơn 60 năm qua, Việt Nam đã trải qua những 3 lần “cải cách giáo dục” lớn (1950, 1956, 1979), chưa kể vô số “cải cách” lẻ tẻ khác, mà nhờ đó nền giáo dục nước nhà mới đạt được thành quả như ngày hôm nay. Trong khi đó, nền giáo dục Việt Nam lại còn thể hiện tính “nhân dân” và bản chất “tiến bộ” ở chỗ nó được dành cho mọi “chủ nhân” tương lai của đất nước, còn đám con cháu của những kẻ “đầy tớ” vốn thấp kém đến mức phải luôn “tự phê bình và phê bình” kia thì phần lớn phải chịu “thiệt thòi” là chỉ được học tập tại các trường quốc tế trong nước hay tại các nước thuộc xứ tư bản “đang giẫy chết”, để rồi một ngày nào đó chúng lại phải tiếp tục thân phận “đầy tớ” của bố mẹ chúng thôi.


Giáo dục là chìa khoá mở ra cánh cửa tương lai. Với một nền giáo dục như ở Việt Nam hiện tại thì chả nhẽ Việt Nam chúng ta cứ phải chịu kiếp "tắc kè" mãi mà không "hoá rồng" nổi hay sao?


Lê Anh Hùng
Quảng Trị, 19/03/2012

iGhi chú:
Điều 4, Hiến pháp 1980.


Bài đã đăng trên Bauxite Việt Nam ngày 22/3/2012 - http://boxitvn.blogspot.com/2012/03/tat-ca-vi-tuong-lai-con-em-chung-ta.html.

Friday, March 16, 2012

THÂN PHẬN “CỬ TRI” VÀ “ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN” Ở VIỆT NAM

Lê Anh Hùng
Quảng Trị, 13/03/2012


Dân hai lăm triệu ai người lớn
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con.”
Tản Đà



Trước tình trạng thu hồi đất nông nghiệp vô tội vạ rồi đền bù rẻ mạt trên khắp các tỉnh thành ở Việt Nam mà không một tổ chức dân cử nào lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho họ, người ta dễ nhận thấy thân phận rẻ rúng của những cử tri nông dân trên một đất nước có tới hơn 70% dân số sống ở nông thôn, những người đã bầu lên đủ kiểu đại diện chính trị cho mình trong một chính thể tự xưng là “của dân, do dân và vì dân”. Thậm chí, ngay cả khi người nông dân bị cướp trắng thành quả lao động như trường hợp gia đình anh Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng mà vẫn không có một vị “đại biểu nhân dân” nào do họ bầu lên bày tỏ thái độ bênh vực quyền lợi của họ, từ đại biểu HĐND xã cho đến vị ĐBQH quyền uy đầy mình là đương kim Thủ tướng.


Ở các quốc gia phát triển, mặc dù chính phủ của họ luôn hô hào “tự do thương mại” và đặt ra những đòi hỏi cao về mức độ mở cửa thị trường đối với các nước đang phát triển khi đàm phán các hiệp định thương mại đa phương hay song phương, song nông dân của họ vẫn luôn nhận được nhiều ưu ái, thể hiện qua các chính sách bảo hộ nông nghiệp dưới những hình thức đa dạng và tinh vi, bất chấp thực tế nông dân chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong cơ cấu dân số của họ. Ở những nước đang phát triển và theo chế độ dân chủ như Thái Lan chẳng hạn, tiếng nói của người nông dân luôn được chính phủ lắng nghe và phản ứng tích cực. Lý do là vì ở những quốc gia đó, nhân dân nói chung và người nông dân nói riêng được hưởng đầy đủ các quyền tự do chính trị, trong đó có quyền lựa chọn người đại diện đích thực của mình trong bộ máy chính quyền. Tuy những chính sách bảo hộ như thế thường nhuốm màu chính trị (chủ nghĩa dân tuý hay chủ nghĩa bảo trợ) chứ không phải vì lý do kinh tế và không một cuốn sách giáo khoa kinh tế nào lại cổ vũ cho chính sách bảo hộ thương mại, song điều này càng cho chúng ta thấy rõ thực tế rằng chính phủ chỉ thực sự là “của dân, do dân và vì dân” khi người dân nắm quyền định đoạt vận mệnh chính trị của nó thông qua những lá phiếu bầu cử dân chủ.

Ở Việt Nam thì ngược lại, nhân dân nói chung và người nông dân nói riêng xem ra chẳng là “cái vé” gì cả. Điển hình là các đơn kiến nghị, thỉnh nguyện thư đủ kiểu của nhân dân gửi các vị lãnh đạo, các cơ quan nhà nước nhưng hầu như chẳng bao giờ được hồi âm. Vô số bài viết trên các trang báođã chỉ ra sự bất cập của những chính sách về nông nghiệp – nông dân – nông thôn, song tất cả rồi cũng lần lượt rơi vào im lặng chứ hầu như không tạo ra được một sự biến chuyển đáng kể nào. Đơn giản là với cơ chế “Đảng cử, dân bầu” suốt hàng chục năm qua, các “cử tri” ở Việt Nam gần như chẳng có chút ảnh hưởng gì tới sinh mệnh chính trị của các vị “quan cách mạng” cả.

Trong một hệ thống mà Đảng “lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện”, tiếng nói của “nhân dân” hiếm khi được đếm xỉa tới, và tầng lớp “quan cách mạng” từ cấp nhỏ nhất đến cấp cao nhất đều lấy phương châm “dựa vào nhau mà sống” để tồn tại. Các cuộc bầu cử Quốc hội hay HĐND các cấp đều có tỷ lệ cử tri đi bầu đạt gần 100% dù trên thực tế tình trạng thường gặp là một người đi bầu cho cả nhà. Do không có cạnh tranh chính trị nên các con số liên quan đến bầu cử thường bị phù phép, bởi chẳng có chủ thể độc lập nào giám sát thực hư của những con số đó. Quả thực, ngay cả lá phiếu của cử tri, “tiếng nói tập thể” đáng kể nhất của nhân dân, mà còn bị vô hiệu hoá như thế thì còn trông mong gì ở những “tiếng nói” lẻ tẻ khác? Vụ việc ngày 22/5/2011, một người dân ở Cà Mau trên đường đi chợ đã nhặt được 85 phiếu bầu cử HĐND xã có đóng dấu đỏ (hợp lệ) khiến dư luận một phen ồn ỹ nhưng rồi lại nhanh chóng rơi tõm vào sự im lặng quen thuộc của nhà chức trách, hay loạt bài “Chuyện đồng chí Minh Nhớp” của nhà báo Phan Thế Hải về trò hề “bầu cử Quốc hội” ở Hà Tĩnh một thời, mới chỉ cho chúng ta thấy phần nổi nhỏ xíu của tảng băng khổng lồ thôi.

Mỗi kỳ “tiếp xúc cử tri” theo quy định của pháp luật, các vị “đại biểu nhân dân” thường chỉ tiếp xúc với các “đại cử tri” quen mặt và đã được chính quyền sở tại “sàng lọc” kỹ để khỏi đưa ra những câu “hỏi xoáy”. Các vị “đại biểu nhân dân” cũng chẳng cần phải bận tâm nhiều về điều đó, bởi họ làm “đại biểu nhân dân” chủ yếu là do “tổ chức phân công”, do “cấp uỷ bố trí”, hơn là do nhân dân lựa chọn và gửi gắm thông qua những lá phiếu dân chủ. Và do được cấp uỷ “phân công” hay “bố trí” như thế nên một khi trở thành “đại biểu nhân dân”, họ cũng nhất nhất “quán triệt” theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng các cấp. Câu chuyện do nguyên ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết kểvề Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội và các tỉnh mà Quốc hội thông qua ngày 29/5/2008 là một minh chứng điển hình: “Khi thăm dò dự án mở rộng Thủ đô, tôi nhớ có 226 phiếu thuận và 226 phiếu chống. Nhưng khi biểu quyết thì tỷ lệ lên tới 92,9% tán thành.” Rõ ràng ở đây chỉ có ba khả năng sau xẩy ra: (i) các vị ĐBQH này đích thị là những “con rối”, (ii) họ biết “lá phiếu” hay “nút bấm” của mình luôn ở trong “tầm ngắm” nên sau khi đã được “chỉ đạo” họ đành phải “quán triệt” (bởi một lẽ đơn giản là trong cái gọi là “Nhà nước pháp quyền XHCN” ở VN thì mỗi “công dân” đều là một “tù nhân dự khuyết”), và (iii) con số kia lại bị “phù phép” như đã nói ở trên. “Nhà dột từ nóc”, “quyền lực tuyệt đối thì tha hoá tuyệt đối” – thiết tưởng chẳng có gì đáng phải “băn khoăn” ở đây cả.

Chắc chắn là nhiều vị đại biểu nhân dân, đặc biệt là Đại biểu Quốc hội, rất muốn lên tiếng trước những vấn đề nóng bỏng của đất nước hay những bức xúc của cử tri, đơn giản là chẳng ai muốn bị liệt vào hàng “nghị gật” hay “nghị vỗ tay” cả. Ngặt nỗi, bản thân họ cũng chỉ có “quyền” thực hiện vai trò của một “ông bưu điện”là tiếp nhận đơn thư của nhân dân và đóng dấu “kính chuyển” cho các cấp chính quyền rồi ngồi chờ câu trả lời theo kiểu được chăng hay chớ thôi. Những đơn thư chứa chất bao nỗi niềm của nhân dân cứ thế lòng vòng một hồi rồi về lại nơi xuất phát. Bên cạnh đó, những vấn đề lớn của đất nước thì thường bị dán nhãn “nhạy cảm” và được lãnh đạo Đảng các cấp “định hướng” hay “quán triệt” cho các “đại biểu nhân dân”. Bởi thế cho nên giữa lúc bao vấn đề cấp thiết của đất nước đang nổi lên cùng với nhiều bức xúc của dư luận (vụ Tiên Lãng, lạm phát, suy thoái, hiện tượng xe máy cháy hàng loạt, v.v.) mà chẳng thấy tiếng nói của Quốc hội ở đâu thì việc một vị Phó Chủ nhiệm Uỷ ban của Quốc hội lên tiếng gần như tức thời trước bức thư “cầu cứu” của một cô bé 15 tuổitrong cuộc thi trên truyền hình mang tên “Vietnam’s Got Talent” lại càng dễ khiến người ta cảm thấy sao mà lạc lõng và bi hài, để rồi cả nước lại được một phen bàn ra tán vào. Chợt nhớ câu thơ của thi sỹ Tản Đà hồi đầu thế kỷ trước:

Dân hai lăm triệu ai người lớn
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con.

Xem ra ở Việt Nam không chỉ “cử tri” mà ngay cả “Đại biểu Quốc hội” tại “cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất” cũng “biết thân biết phận” của mình. Thôi thì lo chuyện trẻ con cũng là một phận sự cao cả ở đời vậy, nhất là ở cái đất nước “bốn nghìn năm vẫn trẻ con” này thì còn có khối chuyện kiểu như thế. Những chuyện “quốc gia đại sự” khác thì đã có lãnh đạo Đảng và “bạn” lo hết cho rồi còn gì: nào là phải quán triệt “ba kiên trì”(kiên trì hiệp thương hữu nghị, kiên trì nhìn vào đại cục, kiên trì bình đẳng cùng có lợi) như “bạn” đã phán này, nào là không để bị “Tây hoá”, “tha hoá” và “thoái hoá” như “bạn” đã dạy này... Ôi Việt Nam, bao giờ Người mới lớn nổi đây?!./.


Bài đã đăng trên Bauxite Việt Nam ngày 16/3/2012 - http://boxitvn.blogspot.com/2012/03/than-phan-cu-tri-va-ai-bieu-nhan-dan-o.html.

Wednesday, March 7, 2012

SỬA HIẾN PHÁP – TRÍ THỨC PHẢI LÊN TIẾNG

Lê Anh Hùng
Quảng Trị, 5/03/2012



Thời gian gần đây, khi đất nước chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức nghiêm trọng về cả chính trị, kinh tế và xã hội, khi tình hình trong khu vực và trên thế giới đang biến chuyển nhanh chóng và khó lường, người ta lại bàn luận nhiều về trí thức cũng như vai trò của trí thức trong xã hội.

Các thế hệ trí thức hiện đại ở Việt Nam là những người kế tục các bậc tiền bối của mình – tầng lớp nho sỹ trong xã hội phong kiến. Bất kể “nho sỹ quan lại” (thiểu số nho sỹ đỗ đạt và được bổ làm quan) hay “nho sỹ bình dân”i(đa số nho sỹ không đỗ đạt qua các kỳ thi cùng những người đỗ đạt nhưng không ra làm quan hoặc làm quan chiếu lệ một thời gian rồi về), nhìn chung các nhà nho Việt Nam vẫn luôn mang trong mình những truyền thống quý báu như “ưu thời mẫn thế” và “yêu nước thương nòi”.

Trong xã hội phong kiến, giới nho sỹ được nhân dân ngưỡng vọng, vua chúa trọng thị, và là tầng lớp có địa vị cao nhất trong xã hội (sỹ - nông - công - thương); không phải ai khác mà chính họ mới là “nguyên khí quốc gia”. Họ đã góp phần quyết định để giáo hoá dân chúng, dựng nên nền văn hiến cho dân tộc và dẫn dắt xã hội Việt Nam phát triển qua hàng ngàn năm. Giữa thế kỷ 19, chính các nho sỹ đã chung tay phục hưng một Hà Nội mà “ba chục năm đầu thế kỷ hỗn loạn, suy đồi là thế, nhưng đến khoảng giữa thế kỷ, tức mới chỉ hai chục năm sau, một ký giả báo Le Courrier de Saigonđã có thể nhận xét: ‘Mặc dù nó không còn là nơi vua chúa ở nữa, tôi vẫn cho rằng đó là thành phố đứng đầu vương quốc về nghệ thuật, kỹ nghệ, thương nghiệp, sự giầu có, số dân đông đúc, sự lịch duyệt và học vấn’”. Đầu thế kỷ 20, trước vận mệnh nguy nan của đất nước nô lệ và lạc hậu, nghĩ đến cảnh khổ nhục của người dân mất nước, đến nhiệm vụ cấp bách cứu nước và duy tân, chính họ đã phát động phong trào Duy Tân, đề cao dân trí, dân khí, dân sinh, dân quyền và dân chủ.


Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng vậy. Trí thức là thành phần tinh hoa của nhân loại, là động lực chính dẫn dắt quá trình phát triển của xã hội loài người. Nhà kinh tế học người Mỹ gốc Áo Ludwig von Mises (1881-1973) từng viết trong tác phẩm kinh điển Socialism (Chủ nghĩa xã hội [1922]) của mình:
Quả thực, đa số nhân loại không đủ khả năng theo kịp những luồng tư tưởng khó, và không một trường lớp nào có thể giúp cho những người không thể nắm bắt được những định đề giản đơn nhất lại hiểu được những định đề phức tạp. Tuy nhiên, chỉ vì quần chúng nhân dân không thể suy nghĩ được cho bản thân nên họ mới đi theo sự dẫn dắt của những người mà chúng ta gọi là có học thức. Một khi thuyết phục được họ thì cuộc chơi coi như đã được định đoạt.”ii
Các nhà xã hội chủ nghĩa đầu tiên là những trí thức; chính họ, chứ không phải quần chúng nhân dân, mới là xương sống của chủ nghĩa xã hội.”iii

Trong tác phẩm lừng danh và đầy ảnh hưởng của mình, Atlas Shrugged (Khi thần Atlasivnhún vai), xuất bản năm 1957, triết gia và tác gia người Mỹ Ayn Rand (1905-1982) đã nêu bật vai trò của trí tuệ trong đời sống và xã hội. Bà lập luận rằng, tư duy độc lập, cùng tính sáng tạo và phát minh bắt nguồn từ đấy, chính là động lực phát triển của thế giới. Qua tác phẩm này, bà cho thấy điều gì sẽ xẩy ra nếu “những con người của trí tuệ” lãn công: động cơ của thế giới sẽ ngừng hoạt động và nền văn minh sẽ tan rã.

Năm 1945, nhiều nhân sỹ, trí thức Việt Nam đã tập hợp xung quanh lá cờ của Mặt trận Việt Minh và góp phần to lớn để đưa đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (trong số này có phần lớn số nhân sỹ, trí thức tên tuổi từng tham gia nội các của Thủ tướng Trần Trọng Kim với những thành tựu đáng kể trước đó). Bản Hiến pháp 1946 của Việt Nam chính là do một nhóm trí thức ưu tú của dân tộc soạn nên vào thời điểm nước sôi lửa bỏng ấy.

Tuy nhiên, đấy dường như lại là “dấu son” cuối cùng ghi nhận đóng góp quyết định của giới trí thức Việt Nam vào sự phát triển của đất nước. Ngay sau khi Bộ Chính trị ĐCSVN, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã thâu tóm mọi quyền lực vào trong tay mình, họ không còn cố tỏ ra “khách khí” như trước nữa, các quyền con người cơ bản như quyền tự do tư tưởng hay tự do ngôn luận bị bóp nghẹt, và giới trí thức gần như chìm nghỉm trong mớ nghị quyết cùng quyết sách độc đoán mà ban lãnh đạo Đảng ban hành trên mọi mặt ngoại giao - nội trị của nước nhà, đến mức mà một trí thức tên tuổi gần đây đã phải thừa nhận: "Với đúng định nghĩa về trí thức mà tôi hiểu thì thực sự [tầng lớp trí thức] chưa hình thành ở Việt Nam từ sau năm 1954 và sau năm 1975 cho tới bây giờ… Khả năng độc lập tư duy, khả năng dám bảo vệ chính kiến của mình, khả năng dự báo và tạo ra dư luận lành mạnh trong xã hội chưa có nhiều. Và tôi nghĩ đấy là điều đáng thất vọng." 'Điều đáng thất vọng' ấy chính là lời giải thích tại sao cho đến nay Việt Nam vẫn nằm trong nhóm thiểu số những nước có trình độ phát triển thấp kém nhất trên thế giới.

Dù bị đè nén và trấn áp ngặt nghèo, song tiếng nói của những trí thức chân chính và khảng khái vẫn không hoàn toàn bị dập tắt, điển hình là những Lê Đạt, Trần Dần, Nguyễn Hữu Đang, hay Nguyễn Mạnh Tường, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Chí Thiện, v.v. Thiết tưởng, do thiếu cơ hội để phát biểu như luật sư Nguyễn Mạnh Tườngchứ các hậu bối của giới nho sỹ ngày xưa chắc chắn không thiếu gì những người có đủ trí tuệ và khí phách để sẵn sàng cất lên tiếng nói của lương tri, của lý trí trước thực trạng nhức nhối của đất nước.

Thế cuộc xoay vần, và điều gì phải đến ắt sẽ đến. Sự ấu trĩ đến mức rồ dại của các nhà lãnh đạo Đảng CSVN một thời đã đưa đất nước sa vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng kéo dài từ cuối những năm 1970 cho đến hết thập niên 1980. Đảng CSVN buộc phải tiến hành cái gọi là “đổi mới” và nới lỏng sự kiểm soát đối với xã hội. Điều này đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện của một loạt trí thức “bất đồng chính kiến”, những người nhận ra cơ hội và dám cất lên tiếng nói đòi tự do - dân chủ cho nhân dân và đất nước, như Trần Độ, Hà Sỹ Phu, Dương Thu Hương, Nguyễn Thanh Giang, Vũ Thư Hiên, Phạm Hồng Sơn, Lê Công Định, v.v.

Sau cuộc “đổi mới” lần đầu tiên năm 1986, đời sống kinh tế nước nhà dần dần khởi sắc và đã đạt được một số thành quả nhất định. Tuy nhiên, do hệ thống chính trị vẫn cố khư khư đội cái “vòng kim cô” Marx-Lenin trên đầu nên cái giá phải trả cho những “thành tựu” đó là rất đắt, đặc biệt là về xã hội (quốc nạn tham nhũng tràn lan, đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng, pháp luật bị lũng đoạn, tội phạm nhan nhản, v.v.) và môi trường (rừng bị tàn phá hàng ngày, sông ngòi ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng, v.v.), trong khi vẫn không bắt kịp đà phát triển của các nước trong khu vực và trên thế giới. Thực trạng đó khiến cho việc sửa đổi bản Hiến pháp hiện hành trở nên hết sức cấp thiết, trước sự níu kéo với đủ mọi lý do của các nhà lãnh đạo Đảng suốt bao năm qua.

Hiện nay, sửa đổi Hiến pháp 1992 là chủ đề đang được rất nhiều người quan tâm, với vô số bài viết trên các trang báo trong và ngoài nước, cùng nhiều cuộc hội thảo do các cơ quan hữu trách tổ chức, từ đó đã xuất hiện nhiều tiếng nói mạnh mẽ về yêu cầu bức thiết đối với một cuộc “đổi mới” lần thứ 2. Ngay trong Ban Biên tập của Uỷ ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 cũng tồn tại một (trong hai) quan điểm chủ đạo là sửa cơ bản, toàn diện để ban hành một bản hiến pháp mới (Hiến pháp 2013). Với sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông đại chúng nói chung và Internet nói riêng, đây chính là cơ hội để giới trí thức Việt Nam bày tỏ chính kiến của mình trước một sự kiện vô cùng hệ trọng của đất nước. Thế hệ hậu sinh của luật sư Nguyễn Mạnh Tường ngày nay có lợi thế hơn hẳn bậc tiền bối của mình là tiếng nói của họ sẽ được truyền bá nhanh chóng và rộng khắp nhờ sức mạnh của kỷ nguyên Internet. Điều mà dường như chúng ta còn thiếu ở đây là quyết tâm và sự đồng lòng của hàng triệu người có học thức trong xã hội Việt Nam hiện nay, với hàng ngàn trí thức tầm cỡ khu vực và thế giới, cùng hàng trăm ngàn trí thức Việt Kiều ở hải ngoại; tất cả họ đều may mắn được dòng giống tổ tiên và hồn thiêng sông núi phú cho một năng lực trí tuệ hơn người, và dĩ nhiên, nhân dân cũng có quyền đòi hỏi họ phải thể hiện trách nhiệm lớn lao của mình trước non sông đất nước. Một khi số người lên tiếng lên tới hàng ngàn, hàng vạn người thì những người cầm quyền không thể cứ tiếp tục nhắm mắt làm ngơ, và những người có tư tưởng cấp tiến trong bộ máy quyền lực cũng cảm nhận được sự hậu thuẫn to lớn của nhân dân để mạnh dạn thúc đẩy cải cách thể chế.

Vụ việc ở Tiên Lãng chưa hoàn toàn lắng xuống nhưng dường như nó đã đọng lại trong chúng ta nhiều điều đáng suy ngẫm. Khi mà những người nông dân như anh Vươn phải dùng tiếng súng hoa cải để “phản biện” lại những chính sách và luật lệ tréo ngoe của Nhà nước, trên nền móng của bản Hiếp pháp lỗi thời và rối rắm hiện hành, những người có học ở nước Nam này hẳn phải tự vấn lương tâm về trách nhiệm xã hội của mình. Khi mà vụ việc ở Tiên Lãng cho thấy sự tha hoá của cả hệ thống chính trị ở Hải Phòng, sự bất lực của cả bộ máy quản lý ở Trung ương, sự im lặng đáng sợ của những người có trách nhiệm trước dư luận sục sôi và kỳ vọng của dân chúng, chúng ta càng thêm thấm thía lời của cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ, một quan chức cao cấp trong bộ máy quyền lực nhưng vẫn giữ được phẩm cách cao quý của một nhà trí thức chân chính: “Đừng có ảo tưởng rằng những người quan liêu, bảo thủ sẽ tự giác trao cho nhân dân quyền dân chủ…” Hay nói như TS Hồ Bá Thâm, nguyên Trưởng ban Triết học và Chính trị, Viện Nghiên cứu Phát triển Tp HCM, khi bàn về tư tưởng của cố Chủ tịch QH Nguyễn Hữu Thọ trong bối cảnh sửa đổi Hiến pháp 1992, qua một cuộc phỏng vấn gần đây: “Cần bỏ tâm lý thụ động chờ đợi sự mở rộng hay ban ơn dân chủ từ trên.” Lịch sử dường như lại một lần nữa trao cho lớp con cháu của các bậc tiền bối “ưu thời mẫn thế” và “yêu nước thương nòi” năm xưa một cơ hội lớn lao kèm theo một sứ mệnh vô cùng cao cả và trọng đại.

Tác giả bài viết thiển nghĩ và mạo muội đề xuất một ý tưởng là các bậc trí thức đức cao vọng trọng, đại diện cho tầng lớp tinh hoa của dân tộc, sẽ khởi xướng một hình thức nào đó, chẳng hạn như một trang web riêng để bàn luận và thu thập ý kiến của nhân dân về việc sửa đổi Hiến pháp 1992 hay chí ít là một bức thỉnh nguyện thưvphổ biến rộng khắp, để những người tâm huyết nhưng thấp cổ bé họng có cơ hội bày tỏ chính kiến và nguyện vọng của mình trước một sự kiện trọng đại của đất nước. Rõ ràng, đây vừa là quyền lợi vừa là trách nhiệm của tất cả những ai mang trong mình dòng máu con Lạc cháu Hồng, không phân biệt già trẻ, trai gái, giai cấp, tín ngưỡng, quốc tịch hay trình độ học vấn. Vì vậy, nhà chức trách sẽ không thể viện bất cứ lý do gì để gây khó dễ cho những người tham gia cả. 

Trí thức Việt Nam, “to be or not to be” chính là lúc này đây!./.


____________________
Ghi chú:

i Chữ của nhà văn hoá Nguyễn Khắc Viện.
ii Ludwig von Mises, Socialism, NXB Liberty Classics, Indianapolis, 1981, trang 13.
iii Ludwig von Mises, Socialism NXB Liberty Classics, Indianapolis, 1981, trang 461.
iv Vị thần bị thần Zues trừng phạt, phải đỡ thiên đường trên đôi vai của mình.
v Đề đạt những yêu cầu về một bản Hiến pháp xứng tầm dân tộc và thời đại: đảm bảo sự cân bằng và chế ước giữa các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp; đảm bảo các quyền tự do - dân chủ của nhân dân; đảm bảo nguyên tắc quyền lập hiến thuộc về nhân dân thông qua hình thức phúc quyết Hiến pháp; nếu Đảng CSVN muốn độc tôn lãnh đạo Nhà nước và xã hội thì quyền lãnh đạo đó phải được nhân dân trực tiếp giao phó thông qua một cuộc trưng cầu dân ý, và ngay cả khi được nhân dân chuẩn thuận thì quyền lãnh đạo đó cũng phải được thể chế hoá thành luật và chịu sự giám sát của một quốc hội dân chủ, một bộ máy tư pháp độc lập, phi đảng phái và một nền báo chí tự do nhằm tránh cho nó khỏi bị tha hoá hay trở nên độc đoán; v.v.


Bài đã đăng trên Bauxite Việt Nam ngày 7/3/2012 (http://boxitvn.blogspot.com/2012/03/sua-hien-phap-tri-thuc-phai-len-tieng.html).