Wednesday, February 29, 2012

TỪ HIỆN TƯỢNG VIETTEL NGHĨ VỀ SỰ HOANG PHÍ CỦA MỘT HỆ THỐNG

Lê Anh Hùng
Quảng Trị, 28/02/2012




Kể từ năm 2004, với sự tham gia của Viettel, hoạt động cạnh tranh trên thị trường cung cấp dịch vụ điện thoại di động ở Việt Nam bắt đầu diễn ra sôi động. Cước di động giảm từ 3.500VNĐ/p xuống quanh mức 1.000VNĐ/p, số lượng thuê bao của Viettel không ngừng tăng lên; đến nay tập đoàn này đã vươn lên trở thành một trong hai doanh nghiệp viễn thông hàng đầu ở Việt Nam (cùng VNPT). Năm 2011, dù nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng doanh thu của Viettel vẫn tăng trưởng 28%, đạt trên 117.000 tỷ VNĐ, lợi nhuận đạt gần 20.000 tỷ VNĐ.

Không chỉ thành công ở trong nước, Viettel còn thành công ở nước ngoài và là doanh nghiệp viễn thông đầu tiên của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, với doanh thu năm 2011 trên 10.000 tỷ VNĐ. Dù tham gia muộn nhưng sau gần 3 năm hoạt động, mạng thông tin di động do Viettel đầu tư tại Lào và Campuchia đã trở thành mạng lớn nhất, năm 2011 đạt lợi nhuận sau thuế gần 70 triệu USD. Sau khi đầu tư tại Lào và Campuchia, Viettel bắt đầu tiến quân sang thị trường Châu Mỹ và Châu Phi.

Sự thăng tiến của Viettel quả là ngoạn mục và có thể xem là một hiện tượng nếu xét “tuổi đời” còn khiêm tốn của nó. Mặc dù Viettel có cái “thế” của quân đội và có sự may mắn của một đơn vị được giao quyền khai thác tài nguyên quốc gia, song chắc chắn không có thành công nào lại thiếu bóng dáng của con người trong đó, mà ở đây là đội ngũ lãnh đạo của tập đoàn, đứng đầu là ông Hoàng Anh Xuân, người vừa được thăng hàm trung tướng.

Theo Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ngày 1/6/1989, Bộ Quốc phòng mới cho thành lập Công ty Điện tử - Thiết bị thông tin (tiền thân của Viettel). "Khi thành lập Công ty này, chúng tôi rất lo lắng vì nếu không làm được hoặc có gì sai thì sẽ mang tiếng Bộ Quốc phòng. Từ 1989 đến 1995, Công ty phải thay đổi 3 lần lãnh đạo nhưng nội bộ vẫn chưa ổn nên không phát triển được. Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó gọi tôi lên nhắc nhở và tôi hứa khắc phục ngay. Sau đó, tôi đề nghị anh em tìm một cán bộ lãnh đạo có năng lực nhưng phải ở trong các nhà máy, xí nghiệp của Bộ QP, biết làm kinh tế và dám chịu trách nhiệm. Cuối cùng chọn được anh Hoàng Anh Xuân (TGĐ Viettel hiện nay). Từ thời điểm này, Công ty có nhiều bước thay đổi rất nhanh."

Rõ ràng, thành công hôm nay của Viettel phụ thuộc đáng kể vào sự lựa chọn lãnh đạo nói trên, và nếu không phải ông Hoàng Anh Xuân mà là một ai khác thì con đường phát triển của Viettel hẳn cũng đã khác. Điều này khiến người ta phải đặt câu hỏi là trong quân đội, và rộng hơn, trong cả hệ thống chính trị hiện hành, liệu còn bao nhiêu “viên ngọc thô” nữa không may mắn được phát hiện ra như ông Xuân? Câu trả lời ở đây xem ra phải là “rất nhiều”.

Máu làm quan dường như đã chảy trong huyết quản của người Việt Nam tự xa xưa. Điều này có lẽ bắt nguồn từ một thiên hướng tự nhiên trong mỗi chúng ta: con người ta hầu như ai cũng muốn chăm lo cho người thân của mình, cho đồng bào của mình, hay xuất phát từ tâm lý: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/Phải có danh gì với núi sông”.iTrong thời phong kiến, tầng lớp quan lại nhìn chung vẫn được xã hội nhìn nhận như những bậc “phụ mẫu chi dân”, họ vừa có danh vừa có cả tư cách và điều kiện để “lo cho dân” theo cách này hay cách khác, điều đem lại cho họ cảm giác hài lòng và thoả mãn. Đây là giai đoạn lịch sử mà quyền lực trong thiên hạ tập trung vào trong tay một vị vua cùng bộ máy quan lại của ông ta.

Sau năm 1945, nước Việt Nam chuyển sang chính thể “dân chủ cộng hoà”. Những tưởng kể từ đây, dưới sự lãnh đạo của một chính đảng tự vỗ ngực là “cách mạng” và “tiến bộ”, quyền lực nhà nước hoàn toàn thuộc về nhân dân. Nhưng rồi không một tín điều tôn giáo nào lại sớm cho thấy là hoang đường hơn thế. Quyền lực nhà nước nhanh chóng bị thâu tóm vào trong tay một vị vua độc đoán mới: Bộ Chính trị ĐCSVN, dưới đó là một bộ máy quan chức nhất nhất làm theo sự chỉ đạo của “cấp uỷ” và cấp trên. Trong chế độ mới, chính trị trở thành thống soái, thâm nhập vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội. Các cháu thiếu niên chỉ mới 9 tuổi đã trở thành những đội viên “Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh”, đã biết hô vang những câu khẩu hiệu sặc mùi chính trị như “Vì Tổ quốc XHCN, vì lý tưởng của Bác Hồ vĩ đại: Sẵn sàng!” Điều 4 Hiến pháp 1992 thì ghi rõ: “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành với quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”Mỗi người Việt Nam đến tuổi trưởng thành chẳng còn lựa chọn nào khả dĩ hơn ngoài việc trở thành một phần của hệ thống ấy.

Những gì trên đây dẫn đến một thực tế là ở Việt Nam đội ngũ quan chức quá ư hùng hậu. Trong một bài viết trước đây, tác giả đã liệt kê là Việt Nam hiện có tới 24 vị được gọi là “lãnh đạo Đảng và Nhà nước”: ngoài 4 vị “tứ trụ triều đình” với quyền lực ngang ngửa nhau (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội), chúng ta còn có thêm 10 vị Uỷ viên Bộ Chính trị, 4 vị Bí thư TW Đảng, 1 Phó Chủ tịch nước, 3 Phó Thủ tướng (trong số 4 PTT thì 1 người là Ủy viên BCT), 2 Phó Chủ tịch QH (trong số 4 PCT QH thì 1 người là Ủy viên BCT, 1 người là Bí thư TW Đảng).Cơ cấu tương tự cũng được thiết lập cho cả cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Trong khi đó, ở các nước khác lãnh đạo nhà nước của họ chỉ “khiêm tốn” một vài vị thôi.

Dưới thời bao cấp, những người như ông Hoàng Anh Xuân không có lựa chọn nào phù hợp với tư chất và hoài bão của mình ngoài việc trở thành một phần của hệ thống chính trị. Ngày nay, trong nền kinh tế thị trường “định hướng XHCN”, thay vì gia nhập bộ máy công quyền, những ai có hoài bão và khả năng để “lo cho dân” hay để “có danh gì với núi sông” còn có thêm một lựa chọn khác: dấn thân vào thương trường để trở thành doanh nhân hầu tạo công ăn việc làm cho nhiều người, qua đó góp phần vào sự phát triển của xã hội.

Tuy nhiên, ngay cả ở thời điểm hiện tại cũng khó mà nói trước là một Hoàng Anh Xuân trai trẻ sẽ chọn lựa thế nào giữa hai ngả rẽ, dấn thân vào thương trường để rồi trở thành doanh nhân tự lập hay làm công chức trong bộ máy chính quyền rồi tiến tới trở thành một vị “quan cách mạng”, khi mà dường như giới trẻ Việt Nam ngày nay vẫn máu làm quan hơn là kinh doanh. Đơn giản là vì chế độ chính trị ở Việt Nam vẫn chẳng khác gì một nhà nước phong kiến hủ bại với một vị vua độc đoán mang tên Bộ Chính trị, Đảng CSVN vẫn là chính đảng duy nhất “lãnh đạo Nhà nước và xã hội” – nguyên nhân chính dẫn đến quốc nạn tham nhũng tràn lan hiện nay; và đặc biệt, tầng lớp doanh nhân vẫn chỉ được Đảng xếp là “công dân” hạng tư trong xã hội, sau những công nhân, nông dân và trí thức.iiTrong bối cảnh ấy, lựa chọn thứ hai gần như chắc chắn sẽ đem lại cho người ta cả quyền lực lẫn tiền tài nhiều hơn hẳn so với lựa chọn đầu tiên.

Công bằng mà nói, đa số 24 vị “lãnh đạo Đảng và Nhà nước” nói trên, cùng một bộ phận đáng kể trong đội ngũ quan chức hùng hậu đằng sau họ, thực sự là những tài năng xuất chúng, với khả năng cạnh tranh đặc biệt. Thế nên, thay vì ganh đua trong chốn quan trường hòng tranh giành quyền lực rồi bị tha hoá, biến chất bởi cơ chế, nếu họ tham gia vào thương trường và cạnh tranh để làm nên những sản phẩm hay thương hiệu Việt Nam mang tầm cỡ khu vực và thế giới thì đóng góp của họ cho xã hội sẽ thực sự to lớn. Quả thực, chế độ chính trị hiện hành đã và đang gây ra cho đất nước chúng ta một sự lãng phí ghê gớm về nguồn nhân lực cao cấp vốn dĩ thuộc thành phần tinh hoa của dân tộc, chưa kể vô số tài năng đầy triển vọng khác còn bị cơ chế làm cho thui chột.

Trong một thế giới toàn cầu hoá đang ngày càng trở nên “phẳng” hơn và cạnh tranh gay gắt hơn như hiện nay, để đưa nước nhà sớm “sánh vai với các cường quốc năm châu”, chúng ta rất cần một đội ngũ CEO với tầm nhìn toàn cầu như TGĐ Viettel Hoàng Anh Xuân. Hy vọng là trong tương lai không xa, đất nước chúng ta sẽ rơi tình cảnh “đáng buồn” là mời những người này làm tổng thống hay thủ tướng “hơi bị khó”, như nhận xét của TS Nguyễn Sỹ Phương về giới lãnh đạo các tập đoàn lớn ở Đức và một số nước phát triển ở Tây Âu trong một bài viết gần đây. Bất luận thế nào, trong thời đại ngày nay không một quốc gia bình thường nào lại cần tới những 24 vị “lãnh đạo Đảng và Nhà nước” như Việt Nam cả./.


Ghi chú:


i Thơ Nguyễn Công Trứ (1778-1858).
ii Ngày 17/12/2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có buổi làm việc tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nội dung chủ yếu xoay quanh Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tại đây, ngài Tổng Bí thư đã phát biểu: “Trước đây, ở Đại hội 9, doanh nhân còn bị xếp sau cả công nhân, nông dân, trí thức, hội người cao tuổi. Nhưng đến nay chỉ xếp sau công nhân, nông dân, trí thức, cho thấy Đảng coi trọng đội ngũ doanh nhân như thế nào” (!!!).


Bài đã đăng trên Bauxite Việt Nam ngày 29/2/2012 - http://boxitvn.blogspot.com/2012/02/kieu-binh-trong-thoi-ai-ho-chi-minh.html.

Saturday, February 25, 2012

KIÊU BINH TRONG THỜI ĐẠI HỒ CHÍ MINH

Lê Anh Hùng
Quảng Trị, 21/02/2012




Những vụ bê bối gần đây liên quan đến lực lượng công an, chẳng hạn như vụ việc đại tá Đỗ Hữu Ca chỉ huy quân lính bắn xối xả vào nhà ông Đoàn Văn Quý ở Tiên Lãng (Hải Phòng) ngày 5/1/2012 để tiến hành cưỡng chế thu hồi đất trái pháp luật rồi sau đấy lại tự vỗ ngực huênh hoang rằng đó là “trận đánh đẹp”; vụ trung tá Nguyễn Văn Ninh (Hoàng Mai, Hà Nội) đánh ông Trịnh Xuân Tùng gãy cổ ngày 28/2/2011 khiến ông tử vong nhưng chỉ bị Toà án Hà Nội tuyên xử 4 năm tù giam; vụ anh Nguyễn Công Nhựt chết tại đồn công an huyện Bến Cát (Bình Dương) với nhiều thương tích trên người song phía công an lại thông báo là anh Nhựt “tự nguyện ở lại đồn công an trong 4 ngày từ 21-25/4/2011 rồi tự tử vì ân hận”, còn viên cảnh sát được giao điều tra vụ việc khi anh Nhựt đang bị tạm giữ thì trắng trợn gạ tình vợ đương sự; hay hiện tượng tiêu cực ngày càng ngang nhiên và lộ liễu trong lực lượng CSGTsuốt bao năm qua, v.v. khiến người ta phải đặt câu hỏi là phải chăng lực lượng công an ngày nay đã trở thành một thứ kiêu binh và những vụ việc nêu trên là những dấu hiệu bề ngoài của loạn kiêu binh? Xem ra “thanh kiếm của Đảng” đã bắt đầu vung lên loạn xạ, mà chủ yếu lại nhằm vào đầu dân lành.


Trước hết, chúng ta hãy điểm qua loạn kiêu binh đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Theo Lịch triều hiến chương loại chí: “…Vì hai xứ Thanh - Nghệ là nơi căn bản, binh hai xứ ấy đã cùng chịu gian lao nên được coi thân như nanh vuốt, đối đãi như ruột thịt… Nhưng quân lính cậy công mà coi thường pháp luật, được nuôi lâu ngày mà sinh ra thói kiêu, từ khoảng giữa thời trung hưng về sau, quân lính thành ra khó kiềm chế: nào giết quan chấp chính để cho hả giận…, nào phá nhà quan tướng quốc để cướp của…, kiêu lộng quen thói đã lâu, không ngăn cấm được. Đến cuối đời Cảnh Hưng, [sau khi] giúp Đoan Vương [Trịnh Khải] lên làm chúa, [kiêu binh] lại càng cậy công, coi thường phép nước, không còn có kỷ luật gì nữa; hễ trừng mắt là các quan khiếp sợ…, thét lên một tiếng là trong cung khóc van…, đến nỗi thể thống trong triều ngày một lụn bại, kẻ địch bên ngoài ngày một mạnh lên, cho nên khi quân miền Nam [Tây Sơn] kéo ra thì kinh thành không giữ được nữa.”i


Dấu hiệu dễ thấy về sự ưu ái ngày càng tăng mà Đảng và Nhà nước Việt Nam dành cho lực lượng CAND là hiện tượng thăng quân hàm tràn lan vượt khung quy định của pháp luật. Chẳng hạn, mặc dù theo Điều 1 của Nghị định 42/2007/NĐ-CP ngày 26/3/2007 của Thủ tướng CP về việc quy định cấp bậc hàm sỹ quan, hạ sỹ quan trong lực lượng CAND thì trần quân hàm của giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cục trưởng, vụ trưởng là thượng tá, đại tá (mục e, khoản 1), nếu địa bàn có vị trí trọng yếu về an ninh, trật tự thì cấp bậc hàm cao nhất có thể cao hơn một bậc so với cấp bậc hàm cao nhất của chức vụ tương ứng (khoản 2), song hiện nay giám đốc công an của một loạt tỉnh thành (không kể Hà Nội và Tp HCM) đã được phong cấp tướng: Đồng Nai, Phú Yên, Bình Dương, Cà Mau, Tiền Giang, Hà Tĩnh, Nam Định, Bạc Liêu, Trà Vinh, Điện Biên, Ninh Thuận, Cần Thơ, Sóc Trăng, Thừa Thiên - Huế, Quãng Ngãi, Quảng Ninh, Ninh Bình, Quảng Nam, Bến Tre, Tuyên Quang… Nghĩa là, bây giờ thì bất cứ tỉnh thành nào cũng có thể được coi là “địa bàn có vị trí trọng yếu về an ninh, trật tự” như quy định của Nghị định 42/2007/NĐ-CP. Và ở tỉnh thành nào mà giám đốc công an tỉnh là cấp tướng thì bất kỳ một phó phòng nào cũng có thể được gắn lon đại tá. “Loạn đại tá” xem ra đã là một thực tế ở nhiều tỉnh thành hiện nay. Tình trạng ở các cục, vụ trực thuộc Bộ Công an cũng vậy, lãnh đạo của đa số các cục vụ đều mang quân hàm thiếu tướng, còn số trưởng phó phòng mang cấp hàm đại tá thì nhiều không đếm xuể. Mặc dù số lượng thiếu tướng, đại tá ở Bộ Công an và khắp các tỉnh thành đông đảo như thế nhưng tình hình tội phạm trên cả nước đang diễn biến theo chiều hướng nào thì hẳn ai cũng có thể trả lời được.

Do đội ngũ tướng lĩnh công an ngày càng hùng hậu nên đầu tháng 8/2011, Bộ Chính trị đã điều chuyển 2 trung tướng, thứ trưởng Bộ Công an, sang làm bí thư tỉnh uỷ (Ninh Bình, Quảng Ninh); và ngày 18/2 vừa qua, Thủ tướng CP còn ký quyết định điều chuyển Trung tướng Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II sang làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ. Trước đó, ngày 21/6/2011, Thiếu tướng Lê Văn Thi, Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang đã được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh. Điều này thể hiện sự “quan tâm sâu sắc” của lãnh đạo Đảng và Nhà nước dành cho lực lượng công an.

Vì sao lực lượng Công an Nhân dân, từng được nhân dân hết lòng tin yêu và che chở, lại ngày càng gây ra nhiều vụ tai tiếng trong xã hội trước sự dung túng, bao che của lãnh đạo các cấp đến như vậy?

Theo khoản 1, Điều 5 của Luật Công an Nhân dân hiện hành thì “Công an Nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Như vậy, trên thực tế lực lượng Công an chịu sự chi phối của thường vụ cấp uỷ các cấp, cao nhất là Bộ Chính trị ở Trung ương. Chế độ chính trị ở Việt Nam vận hành dựa trên những tín điều ảo tưởng, mà một trong số đó là niềm tin vô điều kiện vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng CS. Vì vậy, như một lẽ tự nhiên, lãnh đạo Đảng các cấp luôn muốn che dấu và bưng bít mọi chuyện xấu xa trong đội ngũ lãnh đạo, từ cấp cao nhất là Bộ Chính trị cho đến cấp thấp nhất là thường vụ Đảng uỷ xã phường, để bảo vệ hình ảnh “trong sạch, vững mạnh, chí công vô tư, vì dân vì nước, sáng suốt tài tình, và bất khả sai lầm” của mình. Những vụ việc trong nội bộ cấp uỷ bị phanh phui thì thường hoặc là do sự thể quá trắng trợn, hoặc là do sự đấu đá trong nội bộ. Ngay cả trong những trường hợp như thế, người ta cũng chỉ muốn “xử lý nội bộ” mà thôi, bằng cách sử dụng ban kiểm tra Đảng uỷ các cấp, và hãn hữu lắm ban kiểm tra Đảng uỷ, sau khi được thường vụ cấp uỷ nhất trí, mới chuyển hồ sơ sang cho công an điều tra.

Như vậy, trên thực tế lực lượng công an bị chi phối và bị trói chân trói tay trong công cuộc chống tham nhũng, thứ tội phạm nguy hiểm nhất, gây ra nhiều hệ luỵ nhất cho xã hội và có nguồn gốc từ quyền lực. (Việc Thành uỷ Cần Thơ, đứng đầu là Bí thư Thành uỷ Trương Tấn Quyên, chỉ đạo án vụ Nông trường Sông Hậuvà việc Uỷ ban Kiểm tra TW tiến hành “kiểm tra Đảng” tập đoàn Vinashin rồi chuyển hồ sơ sang cho Bộ Công an điều tra là những ví dụ điển hình.) Để buộc họ phải ngoan ngoãn và nhắm mắt làm ngơ trước nạn tham nhũng trong hàng ngũ lãnh đạo thì dĩ nhiên lãnh đạo các cấp phải o bế ngành công an, đồng thời dung túng và bao che cho họ khi họ vi phạm pháp luật.

Vụ việc đang gây xôn xao dư luận cả trong và ngoài nước ở Tiên Lãng, Hải Phòng cho chúng ta thấy rõ những chiến sỹ công an như ông Đỗ Hữu Ca đã bị tha hoá trong một môi trường như thế nào. Vụ cưỡng chế đất đai của anh Đoàn Văn Vươn không chỉ liên quan đến chính quyền huyện Tiên Lãng mà còn liên quan đến cả lãnh đạo Tp Hải Phòng, và hơn thế, nó còn bắt nguồn từ sự tha hoá của lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ:
  1. Trong vụ tham nhũng đất đai tại Quán Nam năm 2003, ông Vũ Chí Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND Tp Hải Phòng và ông Nguyễn Văn Thuận, Phó Bí thư Thành ủy, đã hào phóng quá mức khi bút phê vô tội vạ vào các công văn, giấy tờ xin đất của cá nhân, tập thể; ông Nguyễn Văn Thuận thậm chí còn bút phê cấp đất cho em gái mình. Những bút phê này góp phần phá nát dự án xây dựng khu biệt thự, nhà vườn tại Quán Nam.ii Đây chính là hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” mà thực chất là tham nhũng. Tuy nhiên sau đấy, ông Nguyễn Văn Thuận vẫn được bầu làm Bí thư Thành uỷ Hải Phòng rồi trở thành Uỷ viên BCHTW Đảng; khi vụ việc bị phanh phui trên mặt báo năm 2007, ông Nguyễn Văn Thuận vẫn không hề bị bất kỳ một hình thức kỷ luật nào, dù là nhẹ nhàng nhất, chứ chưa nói gì đến chuyện bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
  2. Trong vụ tham nhũng đất đai tại Đồ Sơn, Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Tp, đã gửi hai công văn (số 5775/UBND-NC của UBND TP Hải Phòng ngày 21-10-2005 và 1819/UBND-ĐC ngày 9/3/2006) cho Viện KSND Tối cao và Cơ quan CSĐT - Bộ Công an để “giải cứu” cho cấp dưới sai phạm.iii Sau đó, ông Nguyễn Văn Thành vẫn lần lượt giữ chức Chủ tịch UBND Tp rồi Bí thư Thành uỷ Hải Phòng trước khi trở thành Uỷ viên TW Đảng. Ông Nguyễn Văn Thuận, Bí thư Thành uỷ lúc bấy giờ, thậm chí còn can thiệp sâu vào công việc xét xử vụ án: “Nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì có thể xử phạt các bị cáo dưới mức khung hình phạt qui định tại khoản 1, điều 281 Bộ luật hình sự”; “Vụ lòng hồ Trị An to như thế còn chẳng đi đến đâu nữa là vụ này...”, v.v.;iv
  3. Theo báo Công an Tp HCM: Ngày 2-11-2006, UBND TP.Hải Phòng đã có công văn 121/BC-UBND do Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thành (nay là Bí thư Thành uỷ) ký nhằm báo cáo về việc giải quyết khiếu nại của Công ty TNHH Tân Thành Hưng lên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu và Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vị Phó chủ tịch UBND TP.Hải Phòng đã bao che cho những sai phạm của thuộc cấp, báo cáo lên cơ quan quyền lực cao nhất đất nước những điều dối trá, không đúng sự thật, về việc đền bù 70ha đất mặt nước tại khu vực Đầm Sép, xã Đồng Bài, huyện Cát Hải;v
  4. Ngày 17/8/2011, UBND Tp Hải Phòng có Công văn số 4778/UBND-ĐC đồng ý về chủ trương thu hồi đất do UBND huyện Tiên Lãng đề xuất; vi
  5. Mặc dù ngày 10/2/2012, Thủ tướng CP đã có kết luận về vụ việc ở Tiên Lãng, nhưng ngày 18/2 vừa qua, trong buổi gặp mặt và nói chuyện thời sự với 500 cán bộ trung, cao cấp Hải Phòng đã nghỉ hưu thuộc Câu lạc Bộ Bạch Đằng, với sự có mặt của nguyên Phó TT Vũ Khoan, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Nguyễn Văn Thành vẫn phát biểu: “Báo chí nói sai, ghép ảnh chỗ khác chứ đâu có chuyện xe ủi nhà ông Vươn, không ca ngượi công an-bộ đội, có biểu hiện bôi nhọ; có bậc lão thành nói không chuẩn; ông Vươn xây nhà không có trong quy hoạch, trốn nợ thuế, không có tí công tích gì, trong khi đó Tiên Lãng tạo mọi thuận lợi cho anh Vươn; đã gây dư luận phủ nhận công lao quá khứ của huyện Tiên Lãng, nhân dân cả nước chỉ tập trung vào vụ này để ngưng trệ sản xuất” (!!!).
Rõ ràng, khi một người lãnh đạo tha hoá, tham nhũng, ông ta không thể nào thuyết phục cấp dưới bằng “tấm gương” của mình được. Một khi mà hầu như quan chức nào cũng dính líu tới tham nhũng, khác nhau chỉ ở mức độ nặng nhẹ, họ rất dễ bị phía công an nắm được “thóp”; vì thế, khi không thể đưa các quan chức lãnh đạo ra toà như đã nói ở trên thì đó lại là thứ “bảo bối” hữu hiệu tạo điều kiện cho “thanh kiếm của Đảng” vung lên loạn xạ. (Nên nhớ, ông Đỗ Hữu Ca từng phụ trách điều tra vụ án tham nhũng đất đai ở Quán Nam, Hải Phòng năm 2007, thời điểm ông ta còn là Phó GĐ CA Thành phố, mà – dĩ nhiên – nếu không có sự vào cuộc của báo chí và sự lên tiếng của công luận thì sẽ chẳng có một vụ án nào ở đây cả.)

Bất lực trước nạn tham nhũng của các quan chức lớn bé, sự thối nát của cả một hệ thống, lực lượng công an còn đào đâu ra nhiệt huyết để thực hiện sứ mệnh cao cả của mình là trấn áp tội phạm, bảo vệ pháp luật, bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đến lượt, họ cũng tìm mọi cách để kiếm tiền từ thứ quyền lực ít bị giám sát của mình: bảo kê cho các đường dây buôn lậu, cho hoạt động buôn bán hàng quốc cấm, cho hoạt động mại dâm, thậm chí cho cả hoạt động mua bán ma tuý, hay làm sai lệch hồ sơ các vụ án, v.v. “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, khi đứng đằng sau các hoạt động phi pháp như như vậy, họ rất dễ dính dáng đến các thế lực xã hội đen, mà vụ án Năm Cam đầu những năm 2000là một ví dụ điển hình và dường như vẫn còn nguyên tính thời sự.viiCuối cùng, chính cơ chế này đã nhào nặn họ từ những con người vốn mang lý tưởng cao đẹp khi bước chân vào ngành thành những Đỗ Hữu Ca ngày nay; những lời lẽ thốt ra từ chính miệng ông ta về vụ cưỡng chế đất đai của anh Đoàn Văn Vươn không chỉ khiến người ta căm phẫn mà còn khiến người ta cảm thấy xót xa. Bần cùng sinh đạo tặc, bất công sinh đạo tặc, pháp luật lỏng lẻo sinh đạo tặc. Thực trạng tội phạm XHĐ lộng hành ở Hải Phòng bao năm qua rõ ràng bắt nguồn từ chính hệ thống chính trị thối nát, ruỗng mục ở đây.

Trong cuộc trả lời chất vấn và kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ ba HĐND tỉnh Tiền Giang diễn ra ngày 15/12/2011, trước những bức xúc của cử tri về tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội ngày càng nhức nhối và công khai, Thiếu tướng Nguyễn Chí Phi - Giám đốc Công an Tiền Giang - đã nói: “Một mình công an thì làm sao xuể. Công an lấy đâu ra người để canh bắt từng người vi phạm pháp luật!”viiiĐây có lẽ là câu trả lời bộc phát của tuyệt đại đa số lãnh đạo ngành công an hiện nay, dù chắc không ít người trong số họ cũng hiểu được căn nguyên của thực trạng đó.

÷

Không chỉ trong lực lượng công an mà nạn “kiêu binh” còn diễn ra cả trong quân đội, bởi đây là lực lượng trụ cột để bảo vệ chế độ. Số tướng lĩnh quân đội trong BCHTW Đảng tăng dần qua các khoá gần đây, trong đó khoá XI (2011-2016) tới 19 người, chiếm 11%. Ngoài ra, tương tự như với lực lượng công an, dấu hiệu dễ nhận thấy về sự “quan tâm” của Đảng và Nhà nước Việt Nam dành cho quân đội là hiện tượng lạm phát cấp tướng hiện nay. Theo khoản 1, Điều 15 của Luật Sỹ quan QĐND Việt Nam (1999, sửa đổi 2008) thì cấp bậc quân hàm cao nhất của chức vụ tỉnh đội trưởng là đại tá; khoản 3 của Điều này quy định thêm: Sĩ quan ở lực lượng quân sự địa phương cấp tỉnh, cấp huyện thuộc địa bàn trọng yếu về quân sự, quốc phòng theo quy định của Chính phủ hoặc sĩ quan ở đơn vị có nhiệm vụ đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định và có quá trình cống hiến xuất sắc thì được thăng quân hàm cao hơn một bậc so với cấp bậc quân hàm cao nhất quy định tại khoản 1 Điều này. Tuy nhiên, đơn cử như ở Quân khu 9, trong số 12 tỉnh đội trực thuộc Quân khu thì có tới 7 tỉnh đội có chỉ huy trưởng mang cấp hàm thiếu tướng, và đương nhiên chính uỷ tỉnh đội cũng phải mang cấp hàm tương đương với tỉnh đội trưởng. Các cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng hay trực thuộc các quân khu cũng vậy, số sỹ quan cao cấp từ đại tá trở lên nhiều không đếm xuể. Để so sánh, ở Trung Quốc hiện nay, cấp hàm cao nhất trong quân đội chỉ là thượng tướng, bất kể đó là Tổng Tham mưu trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng hay Phó Chủ tịch Quân uỷ TW, mặc dù đây là đội quân đông nhất trên thế giới. Việc trở lại thực hiện chế độ tư lệnh - chính uỷ từ sau Đại hội X của Đảng năm 2006 càng khiến cho bộ máy chỉ huy trong quân đội thêm cồng kềnh, mà mục đích thế nào thì chắc ai cũng rõ.

Là một hệ thống khép kín với bộ máy viện kiểm sát quân sự và toà án quân sự riêng, nên những vụ bê bối trong quân đội hiếm khi lọt ra ngoài. Song trong thực tế, như mọi hệ thống khép kín khác, quân đội cũng rất dễ bị tha hoá, đặc biệt là trong bối cảnh ở Việt Nam hiện nay. Hệ thống chính trị càng bệ rạc thì lãnh đạo các cấp càng phải nhắm mắt làm ngơ cho quân đội, khiến cho nạn tham nhũng trong lực lượng này ngày càng hoành hành và diễn ra lộ liễu.ixMột nguyên tắc quan trọng trong quân đội là “quân lệnh như sơn”, cấp dưới tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của cấp trên. Những người có “ý kiến” về chuyện tiêu cực trong quân đội thường bị trù dập và cô lập; ngoài ra, khi một sỹ quan đã tham gia quân ngũ thì anh ta thường khó hoà nhập vào đời sống dân sự khi buộc phải ra quân nên càng ít người dám lên tiếng. Cái xấu vì thế ngày càng nhân lên và dần dần làm xói mòn sức mạnh của quân đội.

Có thể hình dung ra phần nào mức độ tha hoá và kiêu loạn của Quân đội Nhân dân Việt Nam hiện nay qua một văn bản của Bộ Xây dựng gửi Văn phòng Chính phủvào đầu tháng 11/2011 về việc chuyển mục đích sử dụng 176ha đất quốc phòng thuộc Trường bắn Miếu Môn (Hà Nội) để xây dựng sân golf; cơ quan chủ trương chuyển đổi là Bộ Quốc phòng, nhằm mục đích “phục vụ nhu cầu luyện tập thể thao, giao lưu và đối ngoại quân sự” (!). Cũng theo Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng đã và đang triển khai một số sân golf tại khu vực sân bay Gia Lâm (Tp Hà Nội) và sân bay Tân Sơn Nhất (Tp HCM) để phục vụ nhu cầu luyện tập thể thao, giao lưu và đối ngoại quân sự. Phải chăng người ta muốn theo “bài” của Xuân Tóc Đỏ là “mơi” đối thủ chơi golf rồi giả vờ thua trong lúc “giao lưu và đối ngoại” để tránh hoạ chiến tranh cho đất nước?

Sự kiện huyện đội và bộ đội biên phòng ở Tiên Lãng tham gia vào vụ cưỡng chế thu hồi đất của gia đình anh Đoàn Văn Vươn còn cho thấy một thực tế là một bộ phận trong lực lượng quân đội đã không còn khả năng phân biệt đúng, sai thế nào khi sẵn sàng trấn áp nhân dân, một chức năng vốn không phải của họ.

Dưới đây là một số hình thức tham nhũng phổ biến trong quân đội ở Việt Nam hiện nay:
  1. Chạy chức, chạy quyền, chạy quân hàm: Thực trạng này trong quân đội diễn ra tương tự như trong các cơ quan khác của hệ thống chính trị nhưng mức độ của nó thì nghiêm trọng hơn nhiều, do tính chất khép kín và quân phiệt của quân đội. Với cơ chế hiện hành thì người ta cứ việc bỏ tiền ra để mua chức quyền và đến lượt, lại dùng quyền lực để “gặt hái”;
  2. Cắt xén ngân sách: Đơn vị thụ hưởng ngân sách cuối cùng trong quân đội thường chỉ thực nhận 50% giá trị ngân sách được cấp theo sổ sách, 50% còn lại “rơi rụng” trên đường từ Bộ Quốc phòng cho đến cấp trên của đơn vị đó;
  3. Tham ô quân trang, quân dụng, nguyên nhiên vật liệu, v.v. rồi tuồn ra ngoài;
  4. Rút ruột các công trình phục vụ cho mục đích quốc phòng;
  5. Tham nhũng trong các doanh nghiệp quân đội: Thực trạng này cũng tương tự như trong các DNNN khác nhưng do tính chất khép kín và quân phiệt của quân đội nên mức độ của nó còn ghê hơn. Một trong những nội dung của Nghị quyết TW 4 khoá X (tháng 1/2007) là yêu cầu chuyển các doanh nghiệp làm kinh tế đơn thuần của các cơ quan Đảng, quân đội và công an sang cơ quan Nhà nước quản lý từ năm 2007.x Song từ bấy đến nay, kết quả thực hiện Nghị quyết chỉ là con số không tròn trĩnh. Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước xem ra chỉ là những thứ son phấn rẻ tiền trát lên mặt chế độ này vậy. (Nghị quyết TW 4 khoá XI xem chừng rồi cũng chung một số phận tương tự.) Trong khi đó, ngay từ năm 1998, chính phủ Trung Quốc đã chính thức cấm quân đội tham gia vào các hoạt động kinh tế. Điều này đã góp phần làm cho quân đội Trung Quốc ngày càng mạnh hơn, chuyên nghiệp hơn và hạn chế được tham nhũng, một tác nhân nguy hiểm làm suy yếu quân đội. Bản thân các doanh nghiệp thuộc quân đội hay công an ở Việt Nam từ trước tới nay thường được hưởng những ưu đãi đặc biệt mà ít bị ai dòm ngó (đây thực chất đều là những ổ tham nhũng), điều này khiến nhiều doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước khác thường phàn nàn rằng họ bị cạnh tranh không lành mạnh.
Tác giả bài viết hoàn toàn không có ác cảm gì đối với những người khoác áo công an hay quân đội. Đa số họ trước khi tham gia vào các lực lượng này đều là những con người tốt, hành trang của họ khi bước chân vào quân đội hay công an là lý tưởng cao đẹp: Bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Song ở đời mấy ai cưỡng lại được cái bã quyền lực và danh lợi, nhất là trong một hệ thống mà ở đó quyền lực chỉ chịu sự giám sát hời hợt như ở Việt Nam. Không phải ai khác mà chính cơ chế hiện hành đã góp phần quyết định để nhào nặn nên những Đỗ Hữu Ca hay Nguyễn Văn Thành ngày nay. Họ vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm trong vòng xoáy tội ác của cái cơ chế vận hành hệ thống chính trị mà Đảng Cộng sản VN, hay chính xác hơn là những người lãnh đạo nó, đã áp đặt cho đất nước này suốt 2/3 thế kỷ qua.

Để kết thúc bài viết, xin mượn lời của tác giả Lịch triều hiến chương loại chí, bộ bách khoa toàn thư đầu tiên của Việt Nam, khi ông nhận xét về nạn kiêu binh thời Lê trung hưng: “Nhà Lê dựng nên cơ nghiệp là nhờ sức mạnh của binh hai xứ, mà khi mất nước cũng bởi bọn kiêu binh tam phủ gây nên. Nhờ binh ấy mà nên, cũng vì binh ấy mà mất, đắc thất đã nêu gương rõ rệt. Như vậy là vì nếu khéo cầm cương thì dẫu kẻ gian tham cũng dùng được, nếu lỏng tay cầm thì ngay quân túc vệ cũng chia lìa, việc làm thành hay bại đều do ở đấy.”xiMột bài học không chỉ cho hôm nay./.


Ghi chú:
i Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 4, NXB Sử học, 1960, trang 3-4.
ii Báo Thanh Niên ngày 15/5/2007: Viết tiếp vụ án đất đai tại Quán Nam: Lãnh đạo Thành phố bút phê vô tội vạ (http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/200720/193002.aspx).
iii Báo Tuổi Trẻ ngày 9/9/2006: Vụ tiêu cực trong cấp đất tại Thị xã Đồ Sơn - Lãnh đạo Hải Phòng: “Răn đe là chính”! (http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Phap-luat/160811/Lanh-dao-Hai-Phong-ran-de-la-chinh.html).
iv Báo Tuổi Trẻ ngày 8/9/2006: Vụ án Đồ Sơn: Có sự can thiệp của Bí thư Thành uỷ (http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Phap-luat/160684/Vu-an-Do-Son-Co-su-can-thiep-cua-Bi-thu-Thanh-uy-Hai-Phong.html).
v Báo Công an Tp HCM ngày 8 & 10/12/2011: Cát Hải, Hải Phòng: Hành vi xem thường pháp luật (http://www.congan.com.vn/?mod=detnews&catid=1101&p&id=445037; http://www.congan.com.vn/?mod=detnews&catid=1101&p&id=446657)
vi Báo Thanh Niên ngày 18/2/2012: Vụ cưỡng chế đầm ở Tiên Lãng: Sở TN-MT từng phớt lờ chỉ đạo của Thành phố (http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120218/vu-cuong-che-dam-o-tien-lang-so-tn-mt-hai-phong-tung-phot-lo-chi-dao-cua-thanh-pho.aspx).
vii Bauxite Việt Nam ngày 8/2/2012: Vụ Đoàn Văn Vươn: Nguy cơ tội phạm thao túng quan chức chính quyền (http://www.boxitvn.net/bai/33105).
viii Báo Tuổi Trẻ ngày 16/12/2011: Họp HĐND tỉnh Tiền Giang: Còn trường gà, Giám đốc Công an tỉnh sẽ tự “xử” (http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/469591/Con-truong-ga-giam-doc-cong-an-tinh-se-tu-%E2%80%9Cxu%E2%80%9D.html).
ix Tác giả từng có một thời gian làm việc trong một đơn vị kinh tế của quân đội.
x Báo VnExpress ngày 29/1/2007: “Đã đến lúc quân đội không nên làm kinh tế” (http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2007/01/3b9f2cc5/).
xi Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 4, NXB Sử học, 1960, trang 4.


Bài đã đăng trên Bauxite Việt Nam ngày 25/2/2012 - http://boxitvn.blogspot.com/2012/02/kieu-binh-trong-thoi-ai-ho-chi-minh.html.

Saturday, February 18, 2012

VÌ SAO ÔNG NGUYỄN PHÚ TRỌNG KHÔNG LÊN TIẾNG VỀ VỤ VIỆC Ở TIÊN LÃNG?

Lê Anh Hùng
Quảng Trị, 16/2/2012




Vụ cưỡng chế thu hồi đất của chính quyền huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đối với gia đình anh Đoàn Văn Vươn vừa qua đang thu hút sự chú ý đặc biệt của công luận cả ở trong nước lẫn ngoài nước. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên là một vụ việc gây xôn xao dư luận như thế, đặt ra những vấn đề hệ trọng liên quan đến nền tảng của chế độ như thế mà ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư BCHTW Đảng CSVN, lại im như thóc, tuyệt nhiên không hề hé răng lấy nửa lời, mặc dù ông vẫn đang kêu gào thống thiết về cái gọi là “chỉnh đốn Đảng”.

Lẽ dĩ nhiên, ở đời thì cái gì cũng có nguyên do của nó cả. Và những lý do dưới đây dường như là lời giải thích hợp lý nhất cho thái độ “ngậm hột thị” của ngài TBT:

1. Ông không tin vào vụ việc ở Tiên Lãng:
Trong buổi làm việc với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ngày 13/9/2011, ông Nguyễn Phú Trọng đã nhận xét: "Nhiều khi tôi vẫn nói đùa là ở trên này nghe rất nhiều chuyện đau đầu nhưng về với nông dân là thấy khác. Không phải được tất cả mà cơ bản là được."i
Từ đó mà suy, ông sẽ cho rằng những vụ việc như ở Tiên Lãng, Hải Phòng kia chắc chắn là do các “thế lực thù địch” dàn dựng để bôi xấu chế độ XHCN ưu việt, chứ nông thôn Việt Nam ở “thời đại Hồ Chí Minh” thì “về cơ bản là được”, quyết không thể xẩy ra những chuyện động trời như thế.

2. Ông vẫn đang nghiên cứu Luật Đất đai một cách thận trọng, kết quả nghiên cứu thế nào ông sẽ bàn giao cho TBT khoá sau để… nghiên cứu tiếp:
Cũng trong buổi làm việc với Trung ương Hội Nông dân nói trên, khi đề cập đến các kiến nghị, đề xuất của Hội Nông dân, ông Tổng Bí thư khẳng định là có nhiều việc sẽ còn phải nghiên cứu tiếp thu, không thể giải quyết nhanh được. Chẳng hạn, vấn đề sửa Luật Đất đai sẽ cần phải được nghiên cứu thận trọng. Nhiều vấn đề đang còn tranh luận, chẳng hạn, khái niệm về sở hữu toàn dân... Cho dù Quốc hội đã nhiều lần đề xuất đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhưng thảo luận mãi vẫn chưa chốt lại được.ii
Khiếu kiện liên quan đến đất đai mới chỉ chiếm 70% số vụ khiếu kiện thôi nhé, chưa việc gì phải cuống quýt lên như thế!

3. Ông không muốn sửa đổi Luật Đất đai, vì sợ “sửa rồi mai kia lại vênh”:
Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH do BCHTW Đảng khoá X trình Đại hội Đảng CSVN lần thứ XI (1/2011) nêu rõ, xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng “có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu”. Tại Đại hội, khi nhiều đại biểu đưa ra ý kiến phản bác “đặc trưng” ấy, và đòi trở về với định nghĩa trong Văn kiện Đại hội X (2006) là “có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên nền sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất” thì ngài GS.TS chuyên ngành “xây dựng Đảng” lại biện bạch thế này: “Những vấn đề đã rõ, đã chín, đã được thực tiễn chứng minh là đúng và đã có sự thống nhất tương đối rồi thì hãy sửa. Còn những vấn đề nào chưa đủ rõ, chưa đủ chín, thực tiễn còn đang vận động, ý kiến còn khác nhau thì xin phép chưa sửa đổi, sửa rồi mai kia lại vênh.”iii

Rõ ràng, với tư cách là người từng đảm trách cương vị Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và giờ đây là Tổng Bí thư BCHTW Đảng, hơn ai hết, ông là người hình dung ra rõ nét nhất hình hài của CNXH ở Việt Nam. Chính vì thế mà ông sợ rằng một khi CNXH bỗng nhiên hiện ra, khiến nhân dân Việt Nam không kịp trở tay, thì Luật Đất đai đã sửa đổi kia sẽ “vênh” với một nguyên lý chủ đạo của CNXH như tổ sư Marx của ông đã từng phán. Và việc ông không muốn sửa đổi Luật Đất đai, hay không muốn sửa đổi Dự thảo Văn kiện Đại hội XI của Đảng như đã nói ở trên, chính là sự thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của một nhà lãnh đạo tài ba xưa nay hiếm. Nếu ai đó nhận định rằng đất nước chúng ta đang đi trên một cỗ xe không phanh với một người lái không biết lùi mà cứ băm băm lao vào một tương lai đầy rủi ro thì người đó hoặc là hàm hồ hoặc là đang “tự diễn biến” đấy.

Hiện nay, khi mà vụ việc ở Tiên Lãng đang khiến cho ý chí của ngay cả một đảng viên trung kiên nhất cũng phải lung lay, khi mà nền kinh tế nước nhà thường xuyên lạm phát vào hàng quán quân Châu Á, khi mà bối cảnh khu vực và thế giới đang biến chuyển nhanh chóng và khó lường, con thuyền đất nước quả rất cần một “người cầm lái vĩ đại” như ông./.

_____________
Ghi chú:


(i) Báo Vietnamnet ngày 13/9/2011: Tổng Bí thư: Sửa Luật Đất đai cần thận trọng (http://www.vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/39323/tong-bi-thu--sua-luat-dat-dai-can-than-trong.html).
(ii) Báo Vietnamnet ngày 13/9/2011: Tổng Bí thư: Sửa Luật Đất đai cần thận trọng
(iii) Báo Pháp Luật Tp HCM ngày 19/1/2011: Biểu quyết về công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu: Còn tranh luận thì chưa vội sửa (http://phapluattp.vn/20110118113914690p1013c1144/bieu-quyet-ve-cong-huu-tu-lieu-san-xuat-chu-yeu-con-tranh-luan-thi-chua-voi-sua.htm).


Bài đã đăng trên Bauxite Việt Nam ngày 18/2/2012: http://boxitvn.blogspot.com/2012/02/vi-sao-ong-nguyen-phu-trong-khong-len.html.

Wednesday, February 15, 2012

HIỂM HOẠ PHƯƠNG BẮC VÀ LỰA CHỌN CỦA VIỆT NAM

Lê Anh Hùng
Quảng Trị, 13/2/2012



Tương truyền, sau khi dập tắt cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng vào năm 43 TCN, viên chỉ huy quân đội nhà Hán là Mã Viện đã cho dựng một cây cột đồng lớn trên có khắc dòng chữ "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" (Cột đồng gẫy, Giao Chỉ mất) để đánh dấu biên giới phía Nam của Trung Quốc. Câu chuyện cây cột đồng ấy thực hư thế nào thì còn chưa rõ, nhưng có một sự thật không thể chối cãi là thời nào cũng vậy, người láng giềng phương Bắc của Việt Nam luôn khao khát đến độ mất ăn mất ngủ về một ngày “Giao Chỉ diệt”, như chính hồn cốt của câu chuyện này vậy.

Năm 986, nhà Tống sai Tả bổ khuyết Lý Nhược Chuyết và Quốc tử giám bác sỹ Lý Giác đem chế sách sang phong cho vua Lê Đại Hành làm Kiểm hiệu thái bảo sử trì tiết đô đốc Giao Châu chư quân sự, An Nam đô hộ, Tĩnh hải quân tiết độ sứ, Giao Châu quản nội quan sát xử trí đẳng sứ, Kinh triệu quận hầu. Nhà vua nhận chế, tiếp đãi sứ thần rất hậu, rồi nói với Nhược Chuyết và Lý Giác rằng: “Nước chúng tôi bé nhỏ, sông núi xa xôi, cách thiên triều muôn dặm, hẻo lánh một nơi, các quan sứ thần đi lại, lội suối vượt đèo, chẳng cũng khó nhọc lắm ư?” Lý Giác nói: “Bản triều bờ cõi muôn dặm, hàng bốn trăm quận, có chỗ bằng phẳng, có chỗ hiểm trở, một phương này sao đáng gọi là xa?”i

Trong một bài phát biểu năm 1979, cố TBT Lê Duẩn kể lại một cuộc gặp năm 1963 giữa lãnh đạo hai nước Việt – Trung: “Trước khi chúng tôi ra về, Mao gặp anh Trường Chinh và tôi. Mao ngồi xuống trò chuyện với chúng tôi và cuối cùng ông ta tuyên bố: ‘Các đồng chí, tôi muốn nói cho các đồng chí biết điều này. Tôi sẽ là chủ tịch của 500 triệu nông dân đang thiếu đất, và tôi sẽ mang một đạo quân tiến xuống khu vực Đông Nam Á.’”

Đến đầu thế kỷ 21, tham vọng của Trung Quốc là chia đôi Thái Bình Dương với Mỹ, đuổi kịp Mỹ vào giữa thế kỷ, và tiến tới soán ngôi bá chủ của Mỹ trên toàn thế giới vào cuối thế kỷ. Trong thời đại của cuộc cách mạng giao thông vận tải và thông tin liên lạc xuyên lục địa ngày nay, chẳng có nơi nào trên trái đất này “đáng gọi là xa” đối với tham vọng của chủ nghĩa Đại Hán cả.
Hàng ngàn năm nay, dải đất hình chữ S phương Nam luôn là một miếng mồi ngon trong mắt người láng giềng phương Bắc, và chưa bao giờ họ thôi nghĩ đến chuyện thôn tính Việt Nam. Rõ ràng, để có thể tồn tại bên cạnh một “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện 4 tốt 16 chữ vàng” song luôn nuôi tham vọng bành trướng này, Việt Nam cần phải dựa vào thực lực của chính mình trước khi trông chờ vào các “đối tác chiến lược” khác. Chỉ khi nào Việt Nam mạnh, Trung Quốc mới tôn trọng chúng ta, và các đối tác chiến lược khác mới đặt cược vào chúng ta.
Sử gia Phan Huy Chú (1782-1840) từng viết: “Việc biên giới ở đời Lý, [nước ta] được nhà Tống trả lại đất rất nhiều. Bởi vì trước thì có oai thắng trậnii, người trung châu hoảng sợ, đủ làm cho nhà Tống phải phục, sau thì sứ thần bàn bạc, lời lẽ thung dung, càng thêm khéo léo, cho nên cầu gì được nấy, làm cho lời tranh biện của người Trung Quốc phải khuất, mà thế lực của Nam Giao được mạnh. Xem đó cũng có thể biết qua thế cường thịnh của thời bấy giờ.” Sử gia Ngô Sỹ Liên cũng viết: “Nói về thế nước thì không đời nào mạnh bằng đời nhà Lý.”iiiRõ ràng, nếu chúng ta muốn cho Trung Quốc “phải phục” thì trước hết phải làm sao cho nước nhà trở nên cường thịnh; ngoài ra, trong thời đại ngày nay, chúng ta cũng phải tính đến chuyện tham gia vào một liên minh nào đó để củng cố thêm sức mạnh của mình, không phải để chống ai mà là để bảo vệ mình. Đây chính là điều kiện cần và điều kiện đủ để cho Việt Nam có thể tồn tại và phát triển bên cạnh người láng giềng “to xác và xấu bụng”.

Tuy nhiên, chúng ta lại đang đứng trước một thực tế phũ phàng là Việt Nam đang ngày càng bị Trung Quốc bỏ xa trên con đường phát triển. Vào đầu thập niên 1980, GDP đầu người của Việt Nam và Trung Quốc hãy còn tương đương nhau, nhưng chỉ 3 thập kỷ sau, GDP đầu người của Việt Nam năm 2011là 1.300USD trong khi con số đó của Trung Quốc đã là 5.450USD (gấp hơn 4 lần Việt Nam). Không chỉ có vậy, kể từ khi Đảng CSVN tiến hành công cuộc “đổi mới” về kinh tế cách đây 25 năm cho đến nay, GPD đầu người theo mức cân bằng sức mua (PPP) của Việt Nam vẫn thể hiện chiều hướng ngày càng thua xa mức bình quân của số quốc gia đang phát triển ở Châu Á (xem hình dưới đây). Nghĩa là chúng ta đang ngày càng tụt hậu xa hơnchứ không phải ngày càng rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Hình 1- Biểu đồ GDP đầu người qua mức cân bằng sức mua (PPP) của Việt Nam từ năm 1985 đến nay so với mức bình quân của số quốc gia đang phát triển ở Châu Á (theo đồng USD quốc tế):
(Nguồn: World Economic Forum, Global Competitiveness Report 2011-2012, Chương 2.1, trang 368.)
Bên cạnh đó, sự bất cập của thể chế chính trị đang khiến cho nạn tham nhũng ngày càng hoành hành, đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng, đời sống của đại đa số người dân lao động gặp nhiều khó khăn trong khi giới quan chức lại giàu lên nhanh chóng, v.v. Đất nước càng phát triển thì bộ máy công quyền do Đảng Cộng sản VN chi phối và thao túng lại càng tỏ ra bất lực trong việc quản lý xã hội, tình trạng lạm phát cao thường xuyên tái diễn. Nghị quyết Hội nghị TW 4 khoá XI của ĐCSVN ban hành ngày 16/1/2012 vừa qua đã chỉ rõ, “có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”. Nổi bật ở đây là hiện tượng: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”

Nghị quyết Hội nghị TW 4 đã đề ra 4 nhóm giải pháp để thực hiện công cuộc “chỉnh đốn Đảng” đang được đặt ra cấp bách (nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên; nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng; nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng). Tuy nhiên, thực tiễn suốt 2/3 thế kỷ qua, kể từ cuộc “chỉnh đốn Đảng” đầu tiên năm 1947 do ĐCSVN phát động ở Việt Bắc, cho đến vụ việc ở Tiên Lãng, Hải Phòng đầu năm 2012 vừa rồi, đã cho thấy sự phá sản không tránh khỏi của các giải pháp trong 4 nhóm giải pháp đó. Đơn giản, đây phần lớn là những giải pháp đã và đang được thực hiện suốt hàng chục năm qua; những “giải pháp” mới thì chủ yếu xuất phát từ sự ảo tưởng, duy ý chí và mang tính chắp vá, hơn là dựa trên một cơ sở lý thuyết và thực tiễn vững chắc. Sự bất lực và tha hoá của cả hệ thống chính trị ở Hải Phòng (cũng như thái độ bàng quan, vô cảm, vô trách nhiệm và sự bất lực của các vị “đại biểu nhân dân” từ HĐND xã Vinh Quang lên đến Quốc hội) và “kết luận” nửa vời của Thủ tướng CP về vụ việc ở Tiên Lãng càng cho chúng ta thấy rõ hơn về điều đó.

Câu "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" liệu có đúng hay không thì chưa ai biết nhưng từ bấy đến nay điều mà ai ai cũng biết là Việt Nam đã mất rất nhiều đất đai của tổ tông vào tay Trung Quốc, không chỉ trong thời xưa mà kể cả trong “thời đại Hồ Chí Minh”, không chỉ trên đất liền mà kể cả ở Biển Đông. Các triều đại xưa kia để mất đất ở phương Bắc thì đôi lúc còn lấy lại được và còn có phương Nam để mở mang bờ cõi, âu cũng là một cách “đoái công chuộc tội” với tổ tiên, chứ “thời đại Hồ Chí Minh” ngày nay thì xem chừng đã để một phần giang sơn thấm bao xương máu của tổ tiên mãi mãi “một đi không trở lại”. Hoàng Sa đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm hoàn toàn, Trường Sa cũng đã bị họ xâm lược một phần. Chiến lược của Trung Quốc là “trường kỳ” và chủ yếu dùng bài “mềm nắn, rắn buông”, đặc biệt là họ luôn ra tay nhằm vào những thời điểm mà Việt Nam hoặc là bị suy đốn về kinh tế hoặc là bị xáo trộn về chính trị. Quần đảo Hoàng Sa bị chúng chiếm mất hai đảo lớn nhất trước khi quân đội Việt Nam Cộng hoà ra đóng quân năm 1956 sau Hiệp định Genève, và đánh chiếm nốt phần còn lại từ tay chính quyền Việt Nam Cộng hoà vào cuối cuộc chiến tranh Việt Nam, sau khi đã đạt được thoả thuận ngầm với Mỹ. Quần đảo Trường Sa thì bị chúng đánh chiếm một phần vào năm 1988, khi Việt Nam (và cả đồng minh Liên Xô) đang rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng.

Đường lưỡi bò do chủ nghĩa Đại Hán tưởng tượng ra không chỉ ôm gọn Hoàng Sa và Trường Sa vào lòng mà còn ngoạm sâu vào thềm lục địa của Việt Nam. Họ đang “kiên trì nhìn vào đại cục” để chờ Việt Nam hoặc là suy đốn về kinh tế hoặc là khủng hoảng về chính trị hòng ra tay thâu tóm nốt phần còn lại của Việt Nam ở Trường Sa. Với tình hình hiện nay của đất nước, nếu các nhà lãnh đạo Việt Nam không chủ động tiến hành cải cách toàn diện thể chế chính trị thì hẳn ai trong số chúng ta cũng có thể trả lời được câu hỏi là liệu Việt Nam có ngày càng yếu kém hơn và lệ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn về kinh tếhay không, và liệu chế độ này có đi đến hồi sụp đổ để rồi rơi vào cảnh hỗn loạn như ở Liên Xô cùng một số nước cộng sản Đông Âu đầu thập niên 1990 hay không. Không cần nhìn đâu xa mà hãy nhìn sang Myanmar và lấy đó làm bài học về sự dũng cảm và quyết đoán trong việc cải cách thể chế. Xin đừng đặt Đảng và chế độ lên trên dân tộc. Xin đừng bàng quan và vô cảm với vận mệnh nước nhà./.

_____________
Ghi chú:
i Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 4, NXB Sử Học, 1960, trang 136-137.
ii Chiến dịch “tiên thủ hạ vi cường” của Lý Thường Kiệt hạ ba thành Khâm Châu, Liêm Châu và Ung Châu từ tháng 12/1075 - 2/1076 nhằm ngăn chặn trước cuộc xâm lược của nhà Tống, và chiến thắng quân Tống trên phòng tuyến sông Như Nguyệt giữa năm 1076 khi chúng kéo quân sang xâm lược nước ta.
iii Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 4, NXB Sử Học, 1960, trang 136-137.


Bài đã đăng trên Bauxite Việt Nam ngày 15/2/2012: http://boxitvn.blogspot.com/2012/02/hiem-hoa-phuong-bac-va-lua-chon-cua.html.  

Wednesday, February 8, 2012

VỤ ĐOÀN VĂN VƯƠN: NGUY CƠ TỘI PHẠM THAO TÚNG QUAN CHỨC CHÍNH QUYỀN

Lê Anh Hùng
Quảng Trị, 7/2/2012



Vụ cưỡng chế thu hồi đất của gia đình anh Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng đang thu hút sự chú ý đặc biệt của công luận ở trong cũng như ngoài nước. Những thông tin trên các trang báo cả “lề phải” lẫn “lề trái” cho đến nay về sự thiếu minh bạch trong mục đích thu hồi đất, về sự xuất hiện của các đối tượng giang hồ quản lý khu đầm vừa bị cưỡng chế của anh Vươn và đe doạ các nhà báoi, v.v., khiến ngay cả những người lạc quan nhất hẳn cũng phải đặt câu hỏi: Phải chăng các thế lực xã hội đen đã chi phối một số quan chức chính quyền của xã Vinh Quang, của huyện Tiên Lãng, và thậm chí của cả Tp Hải Phòng?


Tình trạng các thế lực tội phạm có tổ chức thao túng, chi phối và biến các quan chức chính quyền thành công cụ của chúng không phải là hiện tượng hiếm gặp trên thế giới.

Tại Italia, Mafia đã sớm nhúng tay vào chính trị, bằng cách ép buộc cử tri bỏ phiếu cho các ứng cử viên mà chúng ủng hộ. Ngoài ra, các băng nhóm Mafia còn tìm cách mua chuộc, cài cắm và sử dụng các đồng minh của mình trong chính quyền hòng tránh bị truy tố cũng như để trấn áp các đối thủ yếu thế khác.ii

Tại Trung Quốc, khi Chính phủ Trung Quốc quyết định vào năm 1997 về việc đưa Trùng Khánh trở thành đô thị bậc nhất ở Trung Quốc, ngang tầm với Bắc Kinh và Thượng Hải, ngay lập tức Trùng Khánh nhận được hàng loạt ưu đãi của chính phủ thông qua các dự án đầu tư, và chỉ vài năm sau vùng đất với 31 triệu dân này nghiễm nhiên trở thành một đô thị bùng nổ về kinh tế. Sau hơn 10 năm phát triển như vũ bão, Trùng Khánh có nguy cơ rơi vào bế tắc khi lòng dân bất an còn trong bộ máy, tham nhũng cấu kết với các băng nhóm tội phạm hoành hành. Năm 2009, chính quyền thành phố, dưới sự chỉ đạo của tân Bí thư Thành uỷ Bạc Hy Lai, đã mở chiến dịch kép “đả hắc bang” nhằm vào thế giới ngầm và “đả tham nhũng” nhằm vào các quan chức đứng đằng sau thế giới băng đảng ở đây. Kết quả là hơn 3.000 nghi can liên quan đến các băng nhóm xã hội đen bị bắt, trong đó có hơn 200 cán bộ công chức nhà nước, chủ yếu là trong ngành an ninh và tư pháp địa phương, bị điều tra do nhận hối lộ và bảo kê cho các băng nhóm xã hội đen ở thành phố này. Trong đó, đáng chú ý nhất là Văn Cường, nguyên Giám đốc Sở Công an, Giám đốc Sở Tư pháp. Với 17 năm đảm nhiệm các chức vụ trọng yếu trong hệ thống cơ quan công quyền, song Văn Cường đã bất lực trong công tác chống tội phạm, để xã hội đen lộng hành, rồi chính ông ta lại trở thành một mắt xích quan trọng trong các băng nhóm này. Văn Cường đã xưng “huynh đệ” với nhiều băng nhóm ở Trùng Khánh, tạo nên hệ thống “xã hội đen lớn nhất” ở thành phố tự trị này và làm giàu bất chính từ đây.iii

Ở Việt Nam, vụ án Năm Cam từng rúng động dư luận trong và ngoài nước đầu những năm 2000 dường như vẫn còn nguyên tính thời sự. Hàng loạt quan chức từ Trung ương đến địa phương, trong đó có hai vị Uỷ viên BCH TW Đảng và một vị Phó Viện trưởng Viện KSNDTC, đã dính líu vào hoạt động tội ác của tay trùm xã hội đen khét tiếng này. Với những gì vẫn đang diễn ra trong những năm qua, khó một ai có đủ tự tin để khẳng định rằng hiện nay, tình hình tội phạm nói chung và tội phạm tham nhũng nói riêng ở Việt Nam đã giảm bớt so với giai đoạn đầu những năm 2000, nếu không muốn nói là thực tế đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Trong bài diễn văn khai mạc Hội nghị lần thứ 4 BCHTW Đảng khoá XI ngày 26/12/2011, TBT Nguyễn Phú Trọng nhận định: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, hư hỏng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, chưa được đẩy lùi mà thậm chí ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn, làm xói mòn lòng tin đối với Đảng. Rõ ràng, “một bộ phận không nhỏ” quan chức lớn bé ấy, ở mức độ này hay mức độ khác, hoặc là những tội phạm “chưa bị lộ”, hoặc là những kẻ luôn trong tư thế sẵn sàng lợi dụng chức vụ, quyền hạn (vốn hầu như không phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ nào ngoài chuyện thỉnh thoảng phải “tự phê bình” đằng sau cánh cửa phòng họp đóng kín và giữa các “chiến hữu”) của mình để trục lợi cho cá nhân và phe nhóm. “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, họ có xu hướng kết giao với những đối tượng liên quan đến thế giới tội phạm, để rồi bị khống chế và cuối cùng là làm tay sai vô điều kiện cho bọn tội phạm có tổ chức lúc nào không hay. Ngày nay, khi mà những kỹ thuật như ghi âm, quay phim và chụp lén đã phát triển đến mức hết sức tinh vi và tiện dụng, và khi mà trong cuộc sống ngay cả người bình thường cũng “không ai nắm tay được cả ngày” huống hồ là những đối tượng đã suy thoái về đạo đức, đây là chuyện rất dễ xẩy ra. Những dẫn chứng nêu trên chính là bài học nhãn tiền cho những ai vẫn còn tỏ ra quá đỗi ngây thơ và lạc quan.

Hy vọng rằng âm vang từ tiếng mìn tự tạo và đạn hoa cải của anh Vươn sẽ là hồi chuông thức tỉnh cho một hệ thống pháp luật đang ngày càng bị vô hiệu và một đội ngũ quan chức đang ngày càng tha hoá, biến chất.

i Báo Giáo Dục Việt Nam ngày 31/1/2012: “Xã hội đen” được giao quản lý đầm ông Đoàn Văn Vươn? (http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Xa-hoi-den-duoc-giao-quan-ly-dam-ong-Doan-Van-Vuon/103026.gd); Nhà văn Nguyễn Quang Vinh ngày 20/1/2012: Chuyện động trời ở Tiên Lãng – Thông tin lần đầu công bố (http://nguyencuvinh.wordpress.com/2012/01/20/chuy%e1%bb%87n-d%e1%bb%99ng-tr%e1%bb%9di-%e1%bb%9f-tien-lang-thong-tin-l%e1%ba%a7n-d%e1%ba%a7u-cong-b%e1%bb%91/).
iii Theo loạt bài trên báo Tuổi Trẻ tháng 7/2010: Chống tham nhũng trong lòng Trùng Khánh (http://tuoitre.vn/chinh-tri-xa-hoi/phong-su-ky-su/390785/danh-up-van-cuong.html).


Bài đã đăng trên Bauxite Việt Nam ngày 8/2/2012 (http://boxitvn.blogspot.com/2012/02/vu-oan-van-vuon-nguy-co-toi-pham-thao.html).

Tuesday, February 7, 2012

THAM NHŨNG TRONG CÁC DNNN NGÀNH XÂY DỰNG – GIAO THÔNG

Lê Anh Hùng
Quảng Trị, 5/2/2012



Tham nhũng đang là một vấn nạn nhức nhối của xã hội Việt Nam hiện nay. Nó diễn ra dưới muôn hình muôn vẻ và ở mọi ngóc ngách của xã hội. Tham nhũng trong các DNNN cũng vậy, thật khó mà nhận diện hết những “dạng thức” của nó.

Là người từng làm việc trong một số DNNN thuộc ngành xây dựng và giao thông nên tôi đã được “mục sở thị”, thậm chí nhúng tay vào một số hình thức tham nhũng phổ biến của các DNNN trong lĩnh vực này. Tham nhũng trong các DNNN về xây dựng và giao thông có thể quy thành ba nhóm hành vi chủ yếu: (i) cấu kết với các cơ quan quản lý nhà nước để tham nhũng, (ii) cấu kết với doanh nghiệp bên ngoài để tham nhũng, và (iii) tham nhũng trong nội bộ doanh nghiệp.

1. Cấu kết với các cơ quan quản lý nhà nước để tham nhũng
Các DN chuyên về xây dựng – giao thông của Nhà nước là những nhà thầu chủ yếu trong các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn ngân sách. Chính vì thế, nghiên cứu về tham nhũng trong các DN này cũng cho thấy phần nào bức tranh tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư công ở Việt Nam hiện nay.

Kể từ Quy chế Đấu thầu đầu tiên ra đời kèm theo Nghị định số 43/CP ngày 16/7/1996 cho đến Luật Đấu thầu được Quốc hội ban hành ngày 29/11/2005, các quy định pháp lý liên quan đến đấu thầu đều lần lượt bị vô hiệu hoá dưới hình thức này hay hình thức khác. Điển hình nhất là tình trạng nhà thầu thông đồng với ban quản lý dự án để tiến hành các thủ tục đấu thầu - hiện tượng thông thầu. Theo thông lệ, một dự án được lập thành một hoặc một số gói thầu, mỗi gói thầu sẽ được chủ đầu tư (ban quản lý dự án) “chấm” cho một nhà thầu nào đó, nhà thầu này sẽ huy động một số nhà thầu khác đóng vai “quân xanh” cho đủ số lượng nhà thầu cần thiết theo quy định để đấu thầu gói thầu đó. Các nhà thầu “quân xanh” này thường chẳng bỏ ra cái gì cả, kể cả hồ sơ dự thầu của họ cũng do nhà thầu “quân đỏ” kia chuẩn bị sẵn cho, họ chỉ việc đóng dấu công ty của mình vào mà thôi. (Dĩ nhiên là các nhà thầu phải “có đi có lại” với nhau.) Mức “giá” cho hình thức “đấu thầu” như thế thường dao động từ 10% đến 20% giá trị gói thầu, tuỳ vào mức độ “béo bở” của gói thầu (ví dụ như trong vụ PCI, ban đầu ông Huỳnh Ngọc Sỹ còn đòi phía nhà thầu Nhật Bản phải chi tới 20% giá trị hợp đồng).

Ngoài ra, trong quá trình thi công công trình, chủ đầu tư thường tạo điều kiện để xác nhận khối lượng phát sinh cho nhà thầu, mà khối lượng khống lại thường nhiều hơn khối lượng phát sinh thực tế. Cố nhiên, ở đây cũng vậy, chẳng ai cho không ai cái gì cả.
Trong những năm qua, nhiều DNNN còn lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Và tất nhiên, ở đây cũng xuất hiện nhiều mánh khoé tham nhũng qua sự cấu kết giữa DN và các cơ quan quản lý nhà nước, như hiện tượng móc ngoặc trong đấu thầu đất đai chẳng hạn.i

2. Cấu kết với DN bên ngoài để tham nhũng
Sau khi ký kết hợp đồng nhận thầu với chủ đầu tư (ban quản lý dự án), nhiều nhà thầu chính (bên B) lại thuê thầu phụ từ bên ngoài, hoặc là do nhà thầu chính không đủ năng lực thực hiện dự án (mà chỉ giỏi “quan hệ” thôi), hoặc là do các vị lãnh đạo DN muốn đẩy những phần “màu mỡ” của gói thầu cho các DN sân sau của mình. Lúc đó, giá trị hợp đồng thầu phụ thường không phản ánh giá trị thực chất của gói thầu, phần lớn lợi lộc dĩ nhiên là rơi vào túi cá nhân của các ông chủ DNNN. Các gói thầu nhiều khi được bán qua tay nhiều lần, từ B sang B' rồi sang B", thậm chí sang cả B"'.

Khi DNNN trúng thầu trúng thầu tự tiến hành thi công công trình, họ cũng thường thuê máy móc thiết bị từ bên ngoài, chủ yếu là từ các DN sân sau của các vị lãnh đạo DNNN, dĩ nhiên là thông qua những hợp đồng dễ dãi và béo bở.

3. Tham nhũng trong nội bộ DN
Các DN sau khi nhận thầu có thể chia các hạng mục công trình cho các đơn vị trực thuộc thi công. Do cơ chế quản lý yếu kém là “đặc trưng” của các DNNN nói chung nên công trình nào cũng vậy, luôn bị rút ruột:
  • Trên chứng từ, sổ sách vẫn thể hiện đầy đủ số lượng nguyên nhiên vật liệu theo thiết kế, định mức, nhưng thực ra một phần trong số đó là chứng từ khống và sổ sách được hợp thức hoá theo sự chỉ đạo của những người quản lý. (Số tiền “lại quả” cho các ban quản lý dự án hay tư vấn giám sát cũng phải được hợp thức hoá theo cách này.)
  • Nguyên nhiên vật liệu (sắt thép, xi măng, xăng dầu…) nhập về công trường còn bị công nhân viên trực tiếp thi công đánh cắp, ăn bớt và tuồn ra ngoài.
  • Các khoản “ngoại giao” (quà biếu, hiếu hỉ…) của doanh nghiệp dành cho các lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, Chính phủ… cũng được ấn vào chi phí công trình thông qua các chứng từ nguỵ tạo.
Nếu dự án hay công trình lãi nhiều thì người ta sẽ tìm mọi cách để “nhồi” chứng từ khống vào (đẩy chi phí lên) và rút tiền ra, chỉ để lại một mức lãi “vừa phải” thôi; còn nếu có lỗ thì doanh nghiệp và sau cùng là Nhà nước chịu, chứ các khoản thất thoát vẫn cứ chảy vào túi cá nhân như thường. Đó là cảnh “cha chung không ai khóc” ở các DNNN nói chung, chứ không riêng gì DNNN trong lĩnh vực xây dựng - giao thông. Và cứ hễ có dịp là các DN này lại đồng thanh ca bài ca khó khăn đầy thống thiết lên lãnh đạo bộ và Chính phủ. (Với cơ chế này thì ngu gì mà không biết kêu ca chứ!)

Thực trạng trên dẫn đến những hệ luỵ dưới đây.
1. Giá thành công trình cao, chất lượng công trình kém:
Do cơ chế quản lý lỏng lẻo hiện nay nên chủ đầu tư cứ muốn đẩy dự toán công trình lên cao để dễ dàng “mặc cả” và “làm ăn” với nhà thầu. Và một khi chủ đầu tư và tư vấn giám sát đã “ăn” của nhà thầu rồi thì đâm ra khó bề xử lý họ khi họ chậm tiến độ hay khi công trình bị rút ruột, chất lượng công trình không đảm bảo. Ngoài ra, do quản lý yếu kém nên chi phí thi công trong các DNNN thường cao và khó kiểm soát.

Ngày 1/12/2011 vừa qua, trước những bức xúc của dư luận về các công trình giao thông trọng điểm xuống cấp nhanh chóng sau khi hoàn thành, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã ra quyết định thành lập các đoàn kiểm tra 6 công trình: đường Láng - Hòa Lạc, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cầu Thanh Trì - vành đai 3 (Hà Nội), sửa chữa mặt cầu Thăng Long, đường cao tốc TPHCM - Trung Lương và quốc lộ 48-2 (dự án WB4 đoạn Yên Lý - Nghĩa Thuận, tỉnh Nghệ An). Kết quả kiểm tra cho thấy là công trình nào cũng hỏng be bét.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2012 của ngành xây dựng do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 6/1/2012, chính Thủ tướng Chính phủ cũng đã phải lên tiếng về tình trạng giá thành công trình đầu tư công cao và chất lượng thấp ở Việt Nam.

Tại sao cả Bộ Xây dựng và Bộ GTVT đều có cơ quan kiểm định chất lượng công trình cấp cục (ở Bộ XD là Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, còn ở Bộ GTVT là Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông – thậm chí mới đây người ta lại còn “đẻ” thêm Cục Quản lý xây dựng đường bộ trong Tổng cục Đường bộ để “thực hiện việc quản lý xây dựng và chất lượng đối với các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Tổng cục làm chủ đầu tư hoặc quyết định đầu tư”) mà chất lượng của các công trình đầu tư công lại thấp đến mức báo động như thế? Xin thưa, đằng sau các dự án đầu tư công đều là các nhóm lợi ích, mà “nòng cốt” là các quan chức chính quyền, trải từ Trung ương đến địa phương. Một mình người đứng đầu cơ quan giám sát chất lượng của một bộ chuyên ngành thì thử hỏi có thể làm được gì? Chưa kể, trong hệ thống này thì bản thân ông ta cũng phải quan hệ, chạy chọt, phải được nâng đỡ, “cơ cấu” đủ kiểu rồi mới được ngồi vào chiếc ghế đó; ông ta là một mắt xích của cái cỗ máy gồm nhiều mối quan hệ lợi ích chồng chéo, vốn đặt ông ta vào chiếc “ghế” của mình, vậy thì làm sao một mình ông ta có thể xoay chuyển được tình hình, nếu không muốn nói điều ngược lại ở đây.

Từ bất lực đến thoả hiệp và cuối cùng là đồng loã với tham nhũng – đó chính là quá trình “tự diễn biến” vô cùng nguy hại đối với tiền đồ dân tộc của hầu như mọi quan chức trong bộ máy chính quyền hiện nay. Khi mà Thủ tướng đã phải kêu lên rằng “bây giờ cả xã hội đều lên tiếng về chất lượng xây dựng công trình của chúng ta thấp, giá thành xây dựng công trình của chúng ta cao”– điều này cũng phần nào cho thấy sự bất lực của người đứng đầu Chính phủ.

2. Các DNNN ngành xây dựng – giao thông yếu kém và thua lỗ nhiều:
Không chỉ yếu về năng lực tài chính, hầu hết các tổng công ty thuộc Bộ GTVT đang phải gánh những khoản thua lỗ lớn. Ngoại trừ Cienco 4, Cienco 5 công bố lãi, năm tổng công ty xây lắp còn lại đang phải gánh khoản lỗ lũy kế lớn, trong đó “đội sổ” là Tổng Cty Xây dựng Đường thủy (Vinawaco), với số lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2010 lên tới 857 tỷ đồng, gấp 7 lần vốn điều lệ (báo Đầu Tư ngày 2/11/2011). Các DNNN thuộc Bộ Xây dựng cũng ở vào tình trạng tương tự. Đó mới chỉ là những số liệu chính thức và công khai trên giấy tờ thôi, còn trong thực tế thì các DNNN không thiếu gì chiêu dấu lỗ hay treo lỗ để bảo vệ uy tín của DN và trên hết là để bảo vệ chiếc ghế của lãnh đạo DN.

Do không cạnh tranh nổi với các DNNN vốn có quá nhiều lợi thế (nguồn vốn; đất đai; cơ hội tiếp cận tín dụng; sự ưu ái chính trị; sự hỗ trợ của Nhà nước…), các DN tư nhân trong lĩnh vực xây dựng - giao thông rất khó phát triển, và nhiều trong số đó chủ yếu là làm thầu phụ cho các DNNN.

Tình trạng hàng loạt gói thầu EPC trong những năm qua rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta, không chỉ về năng lực của đội ngũ nhà thầu nội, mà còn cả những quan ngại về an ninh - quốc phòng của đất nước.

Để khắc phục tình trạng trên đây, giải pháp cấp bách và triệt để là phải tư nhân hoá toàn bộ các DNNN trong ngành xây dựng - giao thông và ban hành ngay Luật Đầu tư công. Cần dẹp bỏ ngay lối tư duy theo kiểu “các doanh nghiệp ngành xây dựng nói chung phải là những cánh tay nối dài của Bộ Xây dựng”; “cánh tay nối dài” ấy chẳng qua là bàn tay “khua khoắng” của các quan chức vốn chỉ biết chịu “trách nhiệm chính trị” trước gương đến từng dự án đầu tư công mà thôi. Như hầu hết các lĩnh vực khác, xây dựng cơ sở hạ tầng là lĩnh vực mà các DNTN hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời Nhà nước cũng không nhất thiết phải kinh doanh hay sử dụng các DNNN để “điều tiết vĩ mô” gì ở đây cả./.


Ghi chú:


i Dưới đây là một mánh khoé về tham nhũng đất đai liên quan đến DNNN trong lĩnh vực xây dựng – giao thông, hiện đang diễn ra phổ biến.
Năm 2004, tôi làm cho Cty Xây dựng & Thương mại Miền núi (Cty này nay đã cổ phần hoá và mang tên khác) thuộc Tổng Cty Thương mại Xây dựng – Bộ GTVT (Vietracimex). Giám đốc Cty của tôi là ông PQC, còn Chủ tịch HĐQT Vietracimex là ông VNT. Cuối năm đó, Vietracimex tham gia đấu giá một số lô đất trong một dự án xây dựng biệt thự nằm ở quận Tây Hồ. Một số nhân viên Cty chúng tôi có hộ khẩu Hà Nội được huy động để tham gia cuộc “đấu giá” diễn ra tại trụ sở UBND quận. Tất nhiên là còn một số nhân viên của các Cty khác thuộc Tổng Cty và nhân viên văn phòng Tổng Cty tham gia nữa.
Các lô đất với diện tích khác nhau được ấn định các mức giá sàn khác nhau. Một mức giá sàn có thể dành cho những lô đất với những đặc điểm tương đương. Một lô đất có thể có nhiều người tham gia đấu giá, ít nhất là 2 người. Một người thuộc diện “quân xanh” như tôi tham gia đấu giá nhiều lô đất, với các mức giá sàn khác nhau, và các lô thuộc diện đã “chấm” đó thực ra toàn là “quân nhà” cả.
Theo quy định, mỗi bước giá là 200.000VNĐ. Nghĩa là, lượt đấu giá thứ nhất cao hơn giá sàn 200.000VNĐ/m2 và đây là lượt bắt buộc. Sau lượt đấu giá này, người đấu giá có quyền tham gia tiếp (bỏ một mức giá cao hơn) hoặc bỏ cuộc mà không bị mất tiền đặt cọc.
Mọi công tác chuẩn bị đã được người của phía Tổng Cty thực hiện (như đăng ký, nộp tiền đặt cọc, v.v.) nên nhiệm vụ chủ yếu của chúng tôi là có mặt tại buổi đấu giá và với mỗi lô đã đăng ký, chúng tôi chỉ tham gia một lượt đấu giá với mức giá đấu thầu cao hơn mức giá sàn 200.000VNĐ/m2 là đồng loạt bỏ cuộc. “Quân đỏ” trong nhóm đấu giá lô đất đó chỉ việc nâng thêm một bước giá nữa là “thắng”.
Trong khi đó, ở những lô không có móc ngoặc, cuộc đấu giá diễn ra khá gay cấn, mức giá cuối cùng có khi gấp đôi giá sàn. Tuy nhiên, số lô diễn ra đấu giá giằng co như thế lại rất ít. Nghĩa là, phần lớn cuộc đấu giá chỉ là một màn kịch không hơn không kém.


Bài đã đăng trên Bauxite Việt Nam ngày 7/2/2012 (http://www.boxitvn.blogspot.com/2012/02/tham-nhung-trong-cac-doanh-nghiep-nha.html).