Monday, September 19, 2005

SỰ THAO TÚNG TỪ TRUNG ƯƠNG

David Marr | 9.1999
Lê Anh Hùng dịch


Tại sao người Việt Nam rất giỏi trong việc đánh đuổi
quân thù nhưng lại rất kém cỏi trong làm giàu?
Quá nhiều chi phối từ trung ương!

Từ sau chiến thắng trước người Mỹ gần một phần tư thế kỷ qua, rất nhiều khi người Việt Nam tự hỏi tại sao họ tỏ ra rất giỏi trong việc bảo vệ đất nước, nhưng xem ra lại kém cỏi trong công cuộc xây dựng một nền kinh tế năng động. Ðấy cũng là điều mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài bức xúc chất vấn, trước sự lúng túng của các đối tác Việt Nam.
Phần nhiều lý giải có thể ngược dòng thời gian trở về với những thế kỷ trước đây, đến giai đoạn thống trị của chính quyền trung ương.

Sự quan tâm tới nền chính trị vương quyền, hoặc gần đây hơn, tới những đại hội và hội nghị toàn thể của Ðảng Cộng sản, đã che khuất đi một thứ văn hoá chính trị năng động tồn tại bên ngoài thủ đô, trên bình diện khu vực, quận huyện và các gia đình mở rộng. Khổng giáo, thiên hướng tập quyền của người Pháp, và chủ nghĩa Lenin thảy cùng đồng lõa làm cho các trí thức đương đại Việt Nam tin rằng Hà Nội cần quyết định mọi thứ mang ý nghĩa trọng đại và các địa phương phải tuân theo; tuy nhiên, bằng chứng qua nhiều thế kỷ đã gợi lên rằng đấy không phải là cách mà chính trị diễn ra trong thực tế. Khi đối mặt với ngoại xâm, lãnh đạo trung ương là cần thiết để xây dựng chiến lược và phối hợp chống trả. Mặc dù vậy, thậm chí cả trong những giai đoạn như thế, chính những người con ưu tú của các địa phương lại đứng ra tập hợp lực lượng và, khi cần thiết, tiến hành các hoạt động tập hậu và chiến tranh du kích trong nhiều năm.
Người Việt Nam rất kiêu hãnh với chiến tích một nghìn năm trước đây đã chặn đứng sự bành trướng lâu dài của nhà Hán Trung Hoa xuống phía nam. Biên giới Việt-Trung được ổn định với sự thành lập của triều đình nhà Lý năm 1010, và đáng chú ý nhất, với chiến công lẫy lừng của danh tướng Lý Thường Kiệt trước nhà Tống năm 1076. Các vua Lý bằng lòng với việc triều cống cho người láng giềng khổng lồ của mình, và háo hức vay mượn tiếp những tư tưởng Phật giáo Ðại thừa, Khổng giáo và Lão giáo từ Trung Quốc, nhằm kết hợp với những tư tưởng và tập tục trong nước.
Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ 15, triều đình Việt Nam đã truyền bá hệ tư tưởng Khổng giáo bảo thủ mang ít dấu ấn của chính trị địa phương phân quyền, nhưng lại mê hoặc các quan lại và nhiều trí thức cho tới tận ngày nay. Triều đình nhất quyết loại trừ những tư tưởng cạnh tranh ("phi chính thống"), tập trung quyền lực và đồng hoá văn hoá các dân tộc phi Việt. Về kinh tế, họ tôn thờ nền nông nghiệp lúa nước và hạ thấp thương nghiệp.
Nhiều trí thức mong muốn tự do dân chủ hơn vẫn tin rằng việc trao quyền lực cho các chính quyền địa phương chắc chắn chỉ dẫn đến hỗn loạn, thậm chí xung đột trong nước. Những đòi hỏi về một hệ thống liên bang, điều khả dĩ tương thích hơn với thực tiễn chính trị, chưa bao giờ được nhìn nhận một cách nghiêm chỉnh ở Việt Nam.
Thiên hướng can thiệp của chính quyền trung ương từ lâu cũng làm lệch hướng biến chuyển kinh tế của đất nước, chủ yếu do sự coi rẻ mà Khổng giáo bảo thủ dành cho thương nhân và các hoạt động của họ. Các sử gia không gặp khó khăn gì trong việc phát hiện ra những làng xã chuyên sản xuất những sản phẩm đặc biệt, nghệ nhân tạo tác hàng hoá xa xỉ cho triều đình, chợ phiên do các nữ thương nhân chi phối, cũng như những hải cảng khiêm tốn tham gia vào hoạt động mậu dịch quốc tế. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào hé lộ cho thấy một giai cấp thương nhân Việt Nam đứng vững được trước sự công kích dai dẳng của giới chính trị và quân sự. Thực vậy, các nhà cai trị Việt Nam thường thích liên kết với thương nhân nước ngoài, vì họ dễ bị khống chế hay trục xuất.
Việc thiếu những thương gia Mạnh Thường Quân cũng giúp lý giải tại sao, trong thời kỳ tiền thuộc địa, trí thức Việt Nam không thể tồn tại bên ngoài cái hệ thống cứng nhắc của đào tạo Khổng giáo, thi cử chính quy và bổ nhiệm quan lại. Ở Trung Quốc, thương gia thường ủng hộ các trường tư thục và tài trợ cho các văn sĩ, nghệ nhân; trong khi đó ở Việt Nam một thanh niên thông minh không muốn theo đuổi con đường hoạn lộ chỉ đứng trước một sự lựa chọn bạc bẽo duy nhất là dạy học và bốc thuốc ở làng quê mình. Dưới sự cai trị của người Pháp, những thanh niên tài năng đều được trông đợi sẽ làm việc trong hệ thống hành chính thuộc địa, dù có một số tìm kiếm thách thức trong nghề báo chí, và một số khác theo con đường cách mạng chông gai.
Trong Thế chiến I và II, nhà cầm quyền thực dân cho phép doanh nhân Việt Nam phục vụ những nhu cầu mà bình thường vốn là đặc quyền của các công ty Pháp và Hoa, tuy nhiên cả hai cánh cửa cơ hội hợp pháp này đều sớm khép chặt. Trong cuộc chiến tranh Pháp-Việt Minh 1945-1954, một số thương nhân đã phát triển buôn lậu đạt đến trình độ nghệ thuật. Các kỹ năng buôn lậu tiếp tục được tinh xảo ở Nam Việt Nam trong những năm 60, và chúng sinh sôi nảy nở trên khắp đất nước này từ đầu những năm 80.
Từ năm 1986, các lực lượng thị trường, hạch toán kinh doanh, quảng cáo và các mối liên kết với hệ thống kinh tế quốc tế có thể đã được Ðảng Cộng sản tuyên bố là hợp pháp, nhưng điều này cũng không ngăn được các nhà lãnh đạo Đảng coi rẻ doanh nhân. Cố nhiên, họ sẵn sàng sử dụng doanh nhân dù vì lợi ích quốc gia hay cá nhân, nhưng ở đây không có ý nghĩa bình đẳng về địa vị, và việc chấp thuận những đề nghị là doanh nhân có thể quản lý các hiệp hội của mình hay thúc đẩy lợi ích của chính họ trong các cơ quan chính phủ thậm chí còn ít hơn rất nhiều. Ðiều này sẽ đồng nghĩa với việc bước sang ranh giới của chủ nghĩa tư bản.
Lãnh đạo cấp cao của Hà Nội thường tiếp đón các nhà tư bản ngoại quốc một cách long trọng và phô trương, trong khi đó lại đối xử với tư sản trong nước như hủi, hay xem họ như những mối đe dọa tiềm tàng đối với chủ nghĩa xã hội. Mặt khác, trên bình diện nền kinh tế rộng lớn, giữa những buôn lậu, đầu cơ và mua bán ảnh hưởng, chưa tính đến những thương gia và những nhà công nghiệp mang đầy đủ tính pháp lý hơn, người ta thấy ngày một khó tách bạch giữa doanh nhân với cán bộ Đảng, đặc biệt là ở phạm vi tỉnh và thành phố.
Niềm tự hào của người Việt về việc đánh bại ngoại xâm là một phần bản thể quan trọng mà họ sẽ mang theo khi bước vào thế kỷ 21. Tuy nhiên, giống như những niềm tin sâu sắc nhất, điều này có thể đưa họ đến những con đường khác nhau. Họ có thể nghe theo các tay trùm an ninh khuyến cáo về "sự ô nhiễm tinh thần" hay cảnh báo trước âm mưu "diễn biến hoà bình" từ những tên đế quốc chủ nghĩa có trụ sở ở Hoa Kỳ. Hay họ có thể lựa chọn nghiên cứu, nghiền ngẫm, tổ chức và thực hiện theo những đường lối đưa đến thuận lợi cho cạnh tranh công khai và hiệu quả trước các đối thủ kinh tế. Những khả năng thông thường của người Việt trong xây dựng chiến lược và ứng biến với các nguồn lực hạn chế đã gây ấn tượng với khách ngoại quốc ngay từ thế kỷ thứ 17.
Hoạt động dưới cái bóng lịch sử của Hồ Chí Minh, các nhà lãnh đạo quốc gia Việt Nam ngày nay đôi khi cố gắng huy động nhân dân để đạt được tăng trưởng kinh tế với cùng phương thức mà “Bác Hồ” đã lãnh đạo hàng triệu người dân đánh bại Pháp và Mỹ. Tuy nhiên, đấy là giai đoạn cách mạng, khi mà nam phụ lão ấu thảy đều sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình vì chính nghĩa. Ðồng thời, các cuộc chiến tranh đó được xây dựng xung quanh một mục tiêu duy nhất - đánh bại quân thù, trong khi phát triển kinh tế đòi hỏi sự quan tâm đến nhiều mục tiêu khác nhau. Không thể xác định được cái ngày mà Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu của mình về "công nghiệp hoá và hiện đại hoá".
Người Việt Nam đã chứng minh qua lịch sử rằng họ có khả năng cả trong đấu tranh lẫn xây dựng. Mối đe doạ chiến lược duy nhất hiện nay là từ phía Trung Quốc, một chủ đề hoàn toàn nằm ngoài giới hạn bàn luận nghiêm chỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, và vì thế là tâm điểm của những câu chuyện sống động, đôi khi say sưa, trên đường phố. Những lựa chọn kinh tế vẫn còn bị kìm hãm bởi hệ tư tưởng của Đảng, đặc biệt là sự nhất quyết duy trì một khu vực kinh tế nhà nước lớn, phi cạnh tranh. Nhiều người Việt Nam có thể tìm thấy con đường thành công trong những năm tới bất chấp những quan ngại và hạn chế của giới cầm quyền, nhưng điều này sẽ không giúp gì cho những ai rớt lại bên đường, những người chỉ còn mang trong mình niềm tin tôn giáo làm nguồn an ủi duy nhất.

© 2005 talawas

Lê Anh Hùng dịch
Nguồn: The Centre Rampant, Far Eastern Economic Review, 9/1999


Bài dịch thuật đã đăng trên Talawas ngày 19/9/2005 (http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=5380&rb=0502).

No comments:

Post a Comment