Phiên toà xét xử vụ án tham nhũng tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vừa qua đã thu hút được sự chú ý đặc biệt của dư luận trong và ngoài nước.
Công chúng chú ý đến phiên toà không phải là bởi những diễn biến bất ngờ hay các màn tranh biện căng thẳng, gay cấn của nó. Đó là những thứ xa xỉ trong nền tư pháp “định hướng xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam, khi tất cả những gì quan trọng nhất liên quan đến các phiên toà đều đã được định đoạt từ trước. Đây là lần đầu tiên một cựu Uỷ viên Bộ Chính trị bị đưa ra xét xử trong một đại án tham nhũng, và sự háo hức của thiên hạ đơn giản chỉ là để xem cái sự lạ hay chính xác hơn là vở tuồng mới lạ này sẽ diễn ra như thế nào thôi.
Thẩm quyền trách nhiệm
Theo Điều 37 (“Dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư”) của Nghị định số 108/2006/NĐ-CP (“Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư”) ngày 22/9/2006, Dự án NĐTB 2 rơi vào mục (a) khoản 2 (“Dự án đầu tư không thuộc quy định tại khoản 1 Điều 37, không phân biệt nguồn vốn và có quy mô vốn đầu tư từ 1.500 tỷ VNĐ trở lên trong lĩnh vực kinh doanh điện”), bởi tổng mức đầu tư ban đầu của nó lên tới khoảng 31.505 tỷ VNĐ.
Tuy nhiên, do đây là một trong hai dự án đã được Bộ Công thương phê duyệt trong quy hoạch tổng thể Trung tâm Điện lực Thái Bình theo Quyết định số 1274/QĐ-BCT ngày 24/10/2007, nên theo khoản 4 Điều 37 Nghị định số 108/2006/NĐ-CP, nó không cần phải được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. (Dự án này cũng nằm trong Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011.)
Tuy nhiên, do đây là một trong hai dự án đã được Bộ Công thương phê duyệt trong quy hoạch tổng thể Trung tâm Điện lực Thái Bình theo Quyết định số 1274/QĐ-BCT ngày 24/10/2007, nên theo khoản 4 Điều 37 Nghị định số 108/2006/NĐ-CP, nó không cần phải được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. (Dự án này cũng nằm trong Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011.)
Mục (b) khoản 2 Điều 71 (“Nội dung, quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước về đầu tư”) của Nghị định số 108/2006/NĐ-CP quy định: “Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương thực hiện luật pháp, chính sách về đầu tư; phê duyệt hoặc ủy quyền phê duyệt quy hoạch; quyết định chủ trương đầu tư đối với những dự án đầu tư thuộc thẩm quyền; quyết định hoặc cho phép thành lập các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế; chỉ đạo giải quyết những vấn đề vướng mắc trong quá trình điều hành, quản lý hoạt động đầu tư vượt quá thẩm quyền của các Bộ, ngành và địa phương.”
Như vậy, mặc dù không phải quyết định chủ trương đầu tư (do nằm trong quy hoạch đã được Bộ Công thương phê duyệt), song Dự án NĐTB 2 vẫn thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý nhà nước về đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
Và họ đã làm gì?
Đó là lý do vì sao ngày 12/2/2009, tại cuộc họp bàn về triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2009 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã “đồng ý về nguyên tắc Tập đoàn được chỉ định nhà tổng thầu thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2” (Thông báo số 49/TB-VPCP ngày 17/2/2009).
Đó là lý do vì sao ngày 11/06/2010, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế ngành Hoàng Trung Hải đã “đồng ý về chủ trương giao PVC thực hiện gói thầu EPC Dự án NMNĐ Thái Bình 2 theo hình thức chỉ định thầu” tại Công văn số 978/TTg-KTN. (Lưu ý: Các văn bản mà số hiệu có đuôi TTg-KTN đều do Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế ngành ký.)
Đó là lý do vì sao ngày 17/02/2011, Văn phòng Chính phủ lại có văn bản số 906/VPCP-KTN thông báo ý kiến của PTT Hoàng Trung Hải về phương án nhà thầu thực hiện gói thầu EPC Dự án NMNĐ Thái Bình 2 là “PVN thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ nêu tại công văn số 978/TTg-KTN ngày 11/06/2010 về danh mục các dự án chỉ định thầu 2010 của Tập đoàn” để hồi đáp văn bản số 817/DKVN-HĐQT do Chủ tịch PVN Đinh La Thăng ký gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 28/01/2011 đề xuất cho PVC là tổng thầu EPC dự án.
Đó là lý do vì sao ngày 2/3/2011, trang web của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí đăng bản tin “Lễ ký kết hợp đồng EPC xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2”, trong đó có đoạn: “Thực hiện công văn số 906/VPCP-KTN của Văn phòng Chính phủ ngày 17/02/2011 về việc phương án và nhà thầu thực hiện gói thầu EPC Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, gói thầu EPC Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã được giao cho Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) thực hiện.”
Công văn 906/VPCP-KTN là cơ sở để PVN giao hợp đồng EPC cho PVC
Và đó là lý do vì sao PTT Hoàng Trung Hải – PTT phụ trách kinh tế ngành, trong đó có ngành dầu khí và ngành điện lực – không chỉ phát lệnh khởi công Dự án NĐTB 2 ngày 1/3/2011 mà sau đó còn thường xuyên giám sát, chỉ đạo việc thực hiện dự án.
Đệ tử lâm nạn, đại ca nơi nao?
Trong bộ máy chính phủ Việt Nam hiếm có bộ đôi nào gắn bó với nhau chặt chẽ và lâu năm như cặp Hoàng Trung Hải - Đinh La Thăng. Đó là quãng thời gian kéo dài hơn 10 năm, từ ngày 5/10/2005 (khi Đinh La Thăng trở thành Chủ tịch PVN) cho đến ngày 5/2/2016 (khi ông ta rời khỏi chiếc ghế Bộ trưởng Giao thông - Vận tải). Trong thời gian đó, Hoàng Trung Hải làm Bộ trưởng Công nghiệp (bộ chủ quản PVN) trước khi trở thành Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế ngành, trực tiếp chỉ đạo Bộ Công Thương và Bộ GT-VT, kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước các dự án trọng điểm về dầu khí, Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước về Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia và Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành GT-VT.
Rời khỏi chính phủ, “con ngựa thành Troy” Hoàng Trung Hải trở thành Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Bí thư Đảng uỷ Bộ Tư lệnh Thủ đô, còn Đinh La Thăng thì đảm đương trọng trách Bí thư Thành uỷ TP HCM. Tức là bộ đôi này chia nhau thống lĩnh hai trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá lớn nhất cả nước.
Liên quan đến vụ bê bối tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, theo cáo trạng, (cựu) Chủ tịch PVN Đinh La Thăng đã chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban Quản lý Dự án làm trái quy định, gây hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên, như phần trên chúng tôi đã chỉ ra, việc PVN giao gói thầu EPC cho PVC là theo ý kiến chỉ đạo của PTT Hoàng Trung Hải, trong một dự án thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý nhà nước của ông ta. Đến nay, mặc dù đã quá thời hạn 4 năm, nhưng dự án mới chỉ hoàn thành được 81% khối lượng công việc, thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ VNĐ. Nếu ngài Phó Thủ tướng thực hiện đúng chức trách của mình – PTT phụ trách kinh tế ngành kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước về Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia – thì gói thầu EPC ngay từ đầu đã không được giao cho PVC. Trong khi đó, việc giao thầu này lại còn do chính ông ta chỉ đạo. (Theo luật thì đây rõ ràng là một “tình tiết tăng nặng”.)
Điều 285. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.
3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Câu hỏi không thể không đặt ra ở đây là: Tại sao Đinh La Thăng bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” mà Hoàng Trung Hải lại không bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 2 Điều 285 Bộ luật Hình sự?
Và xin trân trọng gửi câu hỏi này tới “người đốt lò” khả kính Nguyễn Phú Trọng.
Nguồn:Bauxite Việt Nam