Tuesday, June 27, 2017

Những hiểm hoạ Trung Quốc tại Việt Nam đã được ngăn chặn như thế nào?

Lê Anh Hùng | Việt Nam Thời Báo


LTS.
Tôi viết bài này để tỏ lòng biết ơn của mình đối với những người đã đồng hành với tôi suốt bao năm qua. Ngoài ra, tôi cũng muốn qua đây để truyền đi một thông điệp rằng, công cuộc cứu nước nhà khỏi âm mưu thôn tính của Trung Quốc không bao giờ là vô vọng, và đó là trách nhiệm chung của mọi người dân VN, cả trong lẫn ngoài hệ thống hiện hành.
CSVN sớm muộn gì cũng sụp đổ, nhưng nếu đất nước rơi vào tay Trung Quốc thì sẽ rất lâu, hoặc thậm chí là không bao giờ chúng ta có thể giành lại được đất nước, vì thế việc chống lại bè lũ Hán tặc cướp nước, Việt gian bán nước và ngăn chặn những hiểm hoạ “made in China” tại VN là điều hết sức cấp bách và cần thiết.
Lê Anh Hùng
Xưa nay, nhiều dự án không hợp lòng dân bị công chúng phản đối mạnh mẽ nhưng rốt cuộc chúng vẫn cứ được triển khai như thể không có chuyện gì xẩy ra với nhà cầm quyền Việt Nam. Vì thế có lẽ ít ai tin một “nhà báo lề dân” lẻ loi như tôi lại có thể góp phần khiến 8 dự án liên quan đến Trung Quốc bị dừng lại – tất cả đều nhờ những bài báo được đăng tải trên VOA. Dưới đây là danh sách cụ thể các dự án đó.
1) Ngày 11/02/2014, VOA đăng bài “Báo động: Người Trung Quốc lại sắp lập căn cứ ở Quảng Trị”. Bài báo đưa tin, Cty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu Việt Nam, trước đây thuộc C.P. Group của Thái Lan, nhưng đã bị Trung Quốc thâu tóm từ năm 2011) sắp được giao hơn 96ha đất, kéo dài hơn 2km dọc theo bờ biển, gần cảng Cửa Việt, để thực hiện dự án sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Tại thời điểm đó, chủ đầu tư gần như đã thoả thuận xong việc đền bù với chính quyền địa phương và người dân có đất thuộc diện thu hồi. Sau khi bài báo được đăng, người dân địa phương biết là có mấy đoàn từ Hà Nội về tìm hiểu và cuối cùng dự án đã bị huỷ. (Ngày 1/3/2014, trang Nguyentandung.org đăng bài “Trung Quốc đang có âm mưu gì ở Quảng Trị?”, trong đó họ sử dụng cả thông tin lẫn 2 bức ảnh từ bài báo của tôi trên VOA mà không ghi nguồn.)


2) Ngày 20/04/2015, VOA đăng bài “Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân và hiểm hoạ mất nước”. Bài báo cho biết, trong 4 dự án nhà máy nhiệt điện tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân thì có đến 3 dự án rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc. Đặc biệt, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 lại do 2 Cty Trung Quốc làm chủ đầu tư; còn nhà máy lớn nhất là Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 thì do Cty Cổ phần Năng lượng Vĩnh Tân 3 làm chủ đầu tư, mà Cty này gồm 3 cổ đông, trong đó cổ đông lớn nhất, chiếm 49% cổ phần, là Cty OneEnergy Ventures Ltd. của Trung Quốc.
Đầu tháng 6/2015, gần hai tháng sau khi bài báo được đăng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao EVN thay chủ đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3. (Mặc dù vậy, ngày 18/7/2015, nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, với hai doanh nghiệp Trung Quốc nắm đến 95% cổ phần, vẫn được khởi công, mở đường cho đội quân phương bắc cắm chốt lâu dài tại khu vực xung yếu này.)
3) Ngày 07/09/2015, VOA đăng bài “Khu nghỉ dưỡng Bãi Chuối - Hải Vân: mưu đồ thâm độc của Trung Quốc?”. Theo bài báo, ngay từ năm 2009 tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cấp 100ha đất ở khu vực Bãi Chuối cho Cty TNHH MTV Bãi Chuối để xây dựng khu nghỉ dưỡng. Bãi Chuối thuộc khu vực đèo Hải Vân, một khu vực đặc biệt trọng yếu về an ninh quốc phòng. Tổng giám đốc Cty TNHH MTV Bãi Chuối là người Hoa.
4) Ngày 08/10/2015, VOA đăng bài “Người Trung Quốc lại sắp lập căn cứ ở Lăng Cô – Thừa Thiên Huế?”. Bài báo cho biết, ngoài 100ha đất trên đèo Hải Vân, Công ty TNHH MTV Bãi Chuối còn được giao 200ha để thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng ở Lăng Cô. Khu vực dự án nằm ngay cạnh bờ biển, cách đường quốc phòng chạy quanh núi Hòn Dòn (nơi có kho vũ khí của Bộ Quốc phòng) khoảng 1km, cách Cảng Chân Mây chừng 4km, cách đèo Phú Gia trên QL 1A hơn 1 km, và cách đèo Hải Vân khoảng 7km.
Điều đáng nói là Cattigara One Ltd., công ty mẹ của Cty TNHH MTV Bãi Chuối, là một công ty ma do Bắc Kinh lập ra ở Singapore rồi lấy pháp nhân Singapore để dễ dàng được giao đất dự án ở những khu vực nhạy cảm về an ninh quốc phòng.
Sau khi hai báo báo trên được đăng, cả hai dự án của “nhà đầu tư” Cattigara One Ltd. đều bị tạm dừng.
5) Ngày 09/12/2015, VOA đăng bài “Hiểm hoạ Trung Quốc ở Bình Định”. Theo bài báo, ngoài ba doanh nghiệp Trung Quốc tại Khu Kinh tế Nhơn Hội, hiểm hoạ “made in China” ở đây còn tiềm ẩn trong một đại dự án dầu khí sắp triển khai. Ngày 2/12/2014, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải quyết định bổ sung Dự án Tổ hợp Lọc hóa dầu Nhơn Hội (Victory) vào Quy hoạch phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến 2015 và định hướng đến 2025. Đây là dự án do Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) làm chủ đầu tư, vốn đầu tư giai đoạn 1 lên tới 22 tỷ USD. Theo kế hoạch, dự án được khởi công vào quý I năm 2017 và vận hành quý I năm 2021.
Pailin Chuchottaworn – Chủ tịch kiêm CEO PTT – là một người Thái gốc Hoa, trong khi các tỷ phú người Hoa ở Thái Lan thường liên hệ mật thiết với Bắc Kinh. Đại dự án nằm trên diện tích hàng ngàn ha này hoàn toàn có thể trở thành một Formosa Hà Tĩnh thứ 2 ở địa bàn chiến lược Nam Trung Bộ, bởi việc sang nhượng cổ phần vừa không thể cấm đoán, vừa khó kiểm soát, trong khi PTT chỉ thu xếp được 5/22 tỷ USD tổng vốn đầu tư. Ngoài ra, dự án còn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải – “cha đẻ” của hàng loạt hiểm hoạ Trung Quốc như Formosa Hà Tĩnh, Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân hay 264 ngàn ha rừng đầu nguồn, v.v. – bất chấp những quan ngại của giới chuyên gia về tình trạng “bội thực” các nhà máy lọc dầu cũng như nguy cơ ô nhiễm môi trường và hiệu quả kinh tế thấp của chúng.
Đến cuối tháng 7/2016, UBND tỉnh Bình Định đã quyết định  loại bỏ dự án.
6) Ngày 5/4 và 11/4/2016, VOA đăng bài “Chuyện chỉ có ở VN: Dự án nhiệt điện hàng tỷ USD được giao cho một công ty chuyên doanh… mực in!!!” và bài “Trung Quốc lại sắp lập căn cứ ở Trung tâm Nhiệt điện Sông Hậu?” Hai bài báo đã vạch trần “nhóm lợi ích Tàu” trong bộ máy đã phù phép để giao một dự án nhiệt điện lên tới 3,5 tỷ USD tại một vị trí nhạy cảm về an ninh quốc phòng cho một công ty chuyên kinh doanh mực in của Malaysia.
Ngày 20/4/2016, trang Quochoi.org và trang Nguyentandung.org đã đăng hai bài (i) Những khuất tất đằng sau dự án Nhiệt điện Sông Hậu 2 (Kỳ 1), và (ii) Bóng ma Trung Quốc trong dự án Nhiệt điện Sông Hậu 2 (Kỳ 2). Cả hai bài này đều bê gần như nguyên xi 2 bài trên VOA của tôi.
Ngày 10/5/2016, tức một tháng sau khi VOA đăng 2 bài điều tra nói trên và được nhiều trang mạng khác đăng lại, Dân Trí đăng bài “Một doanh nghiệp mực in được làm nhà máy điện 2000 MW?”. Bài viết đã lấy một số thông tin từ hai bài trên của tôi. Kể từ đấy, cái tên TOYO INK cùng dự án nhiệt điện Sông Hậu 2 hoàn toàn biến mất trên truyền thông. Dự án coi như đã bị khai tử.
7) Ngày 29/05/2016, VOA đăng bài “Báo động: Người Trung Quốc đã lập căn cứ sát nách Cửa Việt - Quảng Trị”. Bài báo cho biết Trung Quốc lại đang lập một căn cứ khác sát nách cảng Cửa Việt thông qua thủ đoạn núp bóng người Việt để thâu tóm một doanh nghiệp thuỷ sản ở địa phương – đó là Chi nhánh Quảng Trị của Công ty Cổ phần Phát triển Thuỷ sản Huế tại thôn Phú Hội, xã Triệu An, huyện Triệu Phong.
Sau khi bài báo đăng, hoạt động xây dựng của doanh nghiệp Trung Quốc trá hình kia đã bị dừng lại.
Ngày 18/4/2017, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với kiến nghị của tỉnh Kiên Giang về việc thu hồi chủ trương đầu tư dự án nhiệt điện Kiên Lương.
(Nếu có thể kể thêm thì ngày 21/09/2016, VOA còn đăng bài “Hiểm hoạ Trung Quốc trọng dự án thép Cà Nà”. Dự án sau đó đã bị tạm dừng vào tháng 4/2017. Kết quả này là nỗ lực chung của cả cộng đồng; tôi chỉ là người phân tích những hiểm hoạ về mặt an ninh quốc phòng tiềm ẩn trong dự án.)
Tất nhiên, những gì trên đây không phải là toàn bộ âm mưu của Trung Quốc ở Việt Nam. Nhiều âm mưu của họ khi tôi phát hiện ra thì dự án vỏ bọc của nó hoặc đang được thực hiện hoặc thậm chí đã hoàn thành và đi vào hoạt động.
Đó là (i) dự án khu du lịch nghỉ dưỡng và sòng bài rộng đến 30ha trên bãi biển Sơn Trà - Điện Ngọc và ngay trước mặt sân bay quân sự Nước Mặn của Silver Shores, một công ty ma của do Trung Quốc lập ra ở Hồng Kông và mở chi nhánh ma ở Mỹ rồi lấy pháp nhân Mỹ để đầu tư vào Đà Nẵng – bài “Ai đã ‘rước’ một công ty TQ trá hình vào cắm chốt những vị trí hiểm yếu ở Đà Nẵng?” (sau khi bài báo được đăng, chính quyền Đà Nẵng cùng truyền thông nhà nước mới vào cuộc và phát hiện ra người Trung Quốc đã thâu tóm hàng trăm lô đất xung quanh hòng biến khu vực này thành một “China Town”); (ii) ba dự án của Trung Quốc tại Khu Kinh tế Nhơn Hội trong bài “Hiểm hoạ Trung Quốc ở Bình Định”; (iii) dự án Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 2 trong bài “Báo động: Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải sắp trở thành căn cứ của Trung Quốc”; (iv) dự án Nhà máy Giấy Lee&Man Việt Nam trong bài “Nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam: một Formosa Hà Tĩnh mới ở đồng bằng sông CửuLong?”; (v) dự án toà nhà Capital Garden tại 102 Trường Chinh, Hà Nội trong bài “Thêm một âm mưu hiểm độc của tình báo Hoa Nam ở Hà Nội?”; (vi) dự án khu nghỉ dưỡng và sòng bài Hồ Tràm Strip trong bài “Hồ Tràm Strip: hiểm họa Trung Quốc trong một đại dự án mờ ám” (đây là một dự án vô cùng tinh vi, quỷ quyệt – Bắc Kinh đã lập một công ty ma ở Canada rồi lấy pháp nhân Canada để cùng một nhà đầu tư mạo hiểm của Mỹ đầu từ vào Hồ Tràm, một vị trí xung yếu về an ninh quốc phòng tại Bà Rịa - Vũng Tàu, theo kiểu “hồn Trung Hoa, da Mỹ-Canada”); (vii) dự án xây dựng bến số 3 cảng Chân Mây ở Thừa Thiên - Huế trong bài “Hải cảng chiến lược Chân Mây sắp rơi vào vòng kiểm soát của Trung Quốc?”.
Dĩ nhiên, các ông chủ Trung Nam Hải còn nhiều âm mưu tinh vi quỷ quyệt trên dải đất hình chữ S nữa mà chúng ta chưa phát hiện ra, còn bản thân tôi thì không phải lúc nào cũng có điều kiện tiếp cận hiện trường các dự án.
Việc một số trang mạng nhà nước trá hình sử dụng bài của tôi rồi đăng dưới tên “bạn đọc” là bằng chứng cho thấy trong bộ máy có những tiếng nói “đồng thanh tương ứng” với tôi. Và đó chính là những tiếng nói đã góp phần ngăn chặn những hiểm hoạ “made in Zhongnanhai” sau khi VOA đăng tải các bài viết mang tính cảnh báo kia.
Dù vậy, những gì họ làm được vẫn còn xa mới tương xứng với trách nhiệm của họ hay đòi hỏi của nhân dân. Vì quyền lợi cá nhân ích kỷ của họ mà những hiểm hoạ như Formosa Hà Tĩnh vẫn tiếp tục lơ lửng trên đầu dân tộc, đe doạ sự tồn vong của giống nòi, cho dù “tác giả” của nó cùng hàng loạt hiểm hoạ Trung Quốc khác đã bị tôi vạch trần trong một vụ tố cáo công khai và đúng pháp luật hơn 9 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa được nhà chức trách giải quyết đúng pháp luật.

Nguồn: Việt Nam Thời Báo | 27.6.2017

Friday, June 23, 2017

Vì sao Trung Quốc hay doạ đánh Việt Nam?

Lê Anh Hùng | VOA| 23.6.2017 




Nữ dân quân VN dẫn giải tù binh TQ trong cuộc chiến biên giới 1979.
Ngày 21/6 vừa qua, trang mạng của Đài Á Châu Tự Do (RFA) đăng bài “Căng thẳng Việt - Trung”, trong đó có đoạn: “Chuyên gia quốc tế lo ngại sẽ có đụng độ xảy ra trên biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc gần bãi Tư Chính, nơi tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Việt Nam vào năm 2011. Đây là lô dầu 136/03 mà Việt Nam mới đây bắt đầu cho thực hiện các hoạt động khai thác dầu. Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc cho biết đã có thông tin về việc Trung Quốc đã triển khai khoảng 40 tàu và máy bay vận tải Y-8 đến khu vực khai thác của Việt Nam.”
Đây không phải là lần đầu Trung Quốc có động thái hăm doạ Việt Nam. Trong quá khứ, Bắc Kinh đã không ít lần hành xử như vậy, kể cả việc điều động quân đội, và đó là những diễn biến hết sức nhạy cảm mà truyền thông chính thống của cả hai bên không bao giờ đưa tin. Kể từ năm 1990 đến nay, giữa Việt Nam và Trung Quốc không xẩy ra thêm một vụ đụng độ quân sự nào. Vì thế, người ta cũng không bao giờ biết được đầy đủ thông tin về những lần Bắc Kinh “động binh” đe doạ Hà Nội, mà chỉ nghe phong thanh qua những thông tin rò rỉ, hoặc qua những kênh thông tin không chính thức, trong bối cảnh ngay từ năm 2008, Trung Quốc đã soạn thảo kế hoạch tấn công Việt Nam trong 31 ngày một cách bài bàn và chi tiết.
Tại sao Trung Quốc hay đe doạ Việt Nam?
Mặc dù bối cảnh diễn ra các vụ căng thẳng ngoại giao khác nhau trong từng trường hợp cụ thể nhưng bản chất của chúng thì gần như không thay đổi: Việt Nam muốn bảo vệ chủ quyền hay lợi ích quốc gia hợp pháp của mình trước sự ức hiếp quá đáng của Trung Quốc. Chẳng hạn, trong vụ căng thẳng đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận trong và ngoài nước nói trên, Việt Nam từ trước tới nay luôn khẳng định khu vực bãi Tư Chính nằm trong thềm lục địa của mình, không thuộc khu vực tranh chấp với bất kỳ quốc gia nào. Ngược lại, phía Trung Quốc thì cho rằng khu vực đó nằm trong đường lưỡi bò, vốn do họ tưởng tượng ra và bao trùm phần lớn Biển Đông, vì thế đó là khu vực tranh chấp, cần “thương lượng, đàm phán” để “phân định”.
Việc Bắc Kinh lần này lại giở thủ đoạn đe doạ quân sự với Việt Nam là bằng chứng cho thấy đây là “ngón võ” ưa thích của họ, thường đem lại kết quả có lợi cho họ. Bởi chỉ cần một lần bị đe doạ mà đối phương không tỏ ra nao núng thì kẻ hăm doạ đã cảm thấy ê chề, còn đối tượng bị hăm doạ thì lại càng trở nên khinh nhờn, cứng đầu.
Tại sao Trung Quốc lại thường thành công với thủ đoạn đe doạ sử dụng bạo lực với Việt Nam, và tại sao dù hai bên đã không ít lần xẩy ra căng thẳng nhưng kể từ năm 1990 đến nay chưa một vụ đụng độ quân sự nào giữa hai bên được ghi nhận?
Xin thưa, lý do rất đơn giản. Trong ban lãnh đạo Việt Nam luôn tồn tại ba xu hướng quan điểm – đó là xu hướng “thân Tàu”, xu hướng “thân Mỹ, phương Tây” và xu hướng trung dung (không theo Tàu mà cũng chẳng theo Tây). Trong ba xu hướng quan điểm này, xu hướng “thân Tàu” hầu như luôn chiếm ưu thế, bằng chứng là kể từ sau Đại hội VI đến nay, các vị Tổng Bí thư luôn thể hiện lập trường đó, trong khi đất nước thì ngày càng rơi vào vòng cương toả của Bắc Kinh.
Dĩ nhiên, những người có lập trường “thân Tàu” thì luôn sẵn sàng nhượng bộ các ông chủ Trung Nam Hải, hoặc ít nhất là không phản đối trước những yêu sách của họ. Quan trọng hơn, Trung Quốc không chỉ là chỗ dựa của phái “thân Tàu”, mà còn là chỗ dựa của cả chế độ cộng sản Việt Nam. Vì thế, nếu Bắc Kinh phát động tấn công quân sự Việt Nam thì cộng sản Việt Nam gần như chắc chắn sẽ sụp đổ. Trước viễn cảnh đó, việc Trung Quốc đe doạ tấn công còn tác động đến tâm lý và làm lung lay lập trường của các thành viên có quan điểm trung dung, thậm chí cả những người có xu hướng cấp tiến trong bộ máy, bởi cho dù có căm ghét người láng giềng phương bắc “to xác, xấu bụng” đến mấy đi nữa thì những ông “vua không ngai” này cũng không muốn chế độ sụp đổ để rồi mọi quyền lực, bổng lộc bỗng chốc “một đi không trở lại”.
“Thấu hiểu” tâm lý đó nên mỗi khi căng thẳng xẩy ra, Trung Quốc thường hăm doạ tấn công Việt Nam, và kết quả là họ gần như luôn đạt được điều mình mong muốn trong những lần đe doạ “động binh”, tiến thêm một bước đến mục tiêu hiện thực hoá giấc mơ thôn tính Việt Nam vốn cháy bỏng trong tâm can suốt hàng ngàn năm nay.
Vậy nếu Hà Nội không chịu không chịu lùi bước thì Trung Quốc có dám đánh Việt Nam hay không?
Những yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông là hoàn toàn phi pháp, bất chấp cả bằng chứng lịch sử lẫn luật pháp quốc tế. Vì vậy, Trung Quốc luôn yếu thế về mặt lý lẽ, và sức mạnh đáng kể nhất của họ chính là quân sự. Mặc dù vậy, bản thân Bắc Kinh cũng rất ngại phải dùng tới sức mạnh này. Bởi lẽ nếu họ đánh Việt Nam thì Hà Nội buộc phải ngả sang Mỹ và phương Tây để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, đồng thời cải tổ hệ thống và dân chủ hoá đất nước để tự cường dân tộc, nếu không muốn bị dân chúng vùng lên lật đổ trong một cuộc cách mạng bạo lực. Còn Mỹ và đồng minh, cho dù không muốn bị cuốn vào một cuộc chiến trực diện kéo theo nhiều hậu quả khó lường với Trung Quốc, cũng sẽ vì lợi ích thiết thân của mình mà ủng hộ Việt Nam trong khả năng có thể. Chỉ chừng đó thôi đã cho thấy đây là một cuộc chiến đầy rủi ro với Bắc Kinh, chưa kể phản ứng của các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế.
Tóm lại, chừng nào ban lãnh đạo Việt Nam còn trùm lên đầu dân tộc cái vòng kim cô mang tên Marx-Lenin, chừng đó các gọng kìm chính trị - kinh tế - quân sự mang nhãn hiệu Đại Hán vẫn dần siết chặt dải đất hình chữ S, và khi đó thì Trung Quốc chẳng dại gì mà lại muốn “dạy cho Việt Nam một bài học”.
Bất luận thế nào, khi đối tượng bị doạ dẫm cứ im lặng chịu đựng một cách hèn nhát, bạc nhược để rồi đi tới đầu hàng, nhượng bộ theo cách này hay cách khác thì quả thực là “ngu gì mà không doạ”.

* Blog của Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 


Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.

Nguồn: VOA

Monday, June 12, 2017

Nguyễn Xuân Phúc đi vào vết xe Nguyễn Tấn Dũng?

Lê Anh Hùng | VOA| 13.6.2017 



Ngày 27/6/2006, khi chính thức tiếp quản chiếc ghế Thủ tướng từ người tiền nhiệm Phan Văn Khải, ông Nguyễn Tấn Dũng đã được kế thừa một nền kinh tế mà hầu như ai cũng đều thừa nhận là lành mạnh và hứa hẹn nhiều triển vọng nhất cho đến thời điểm đó.
Bài học từ chính phủ Nguyễn Tấn Dũng
Với tư duy hạn hẹp, tính cách độc đoán và tham vọng quyền lực lớn, một trong những việc đầu tiên mà ông Nguyễn Tấn Dũng thực hiện sau khi ngồi lên ghế Thủ tướng là giải tán Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, một định chế tư vấn từng giúp việc rất hiệu quả cho hai vị tiền nhiệm Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, để ông ta rộng đường thi triển “chiến lược” của mình mà không bị ai can ngăn. Chiến lược của ông ta không có gì là quá phức tạp: lấy thành tích tăng trưởng kinh tế làm làm bệ phóng để nhắm đến ngôi vị quyền lực số 1 và khai thác vô tội vạ những nguồn lực mà mình nắm trong tay để đạt được “thành tựu tăng trưởng”.

Theo cựu Thủ tướng Phan Văn Khải thì“Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng muốn tạo ra một thành tích nổi bật ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, muốn hoàn thành kế hoạch 5 năm chỉ trong 4 năm. Ngay trong năm 2007, ông đầu tư ồ ạt. Tiền đổ ra từ ngân sách, từ ngân hàng. Thậm chí, để có vốn lớn, dự trữ quốc gia, dự trữ ngoại tệ cũng được đưa ra. Bội chi ngân sách lớn, bất ổn vĩ mô bắt đầu”.
Khi rời chiếc ghế Thủ tướng vào ngày 6/4/2016, “di sản” mà ông Nguyễn Tấn Dũng để lại cho người kế nhiệm là một nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc; chủ yếu dựa vào gia công lắp ráp và khai thác tài nguyên; nợ công ở mức báo động; và những con số về nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thì thường xuyên nhảy múa khiến ngay cả giới chuyên môn cũng hoa mắt, còn giá trị tuyệt đối thì không lúc nào dưới hàng trăm ngàn tỷ VNĐ.
Và lịch sử lặp lại?
Tiếp quản chiếc ghế Thủ tướng từ người tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng đã hơn một năm nhưng ông Nguyễn Xuân Phúc vẫn chưa tạo ra được nhiều dấu ấn. Không những vậy, những gì diễn ra dưới sự lãnh đạo và điều hành của ông còn khiến người ta không khỏi nghĩ rằng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đang đi vào vết xe đổ của người tiền nhiệm.
Hơn một năm qua, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế diễn ra chậm chạp, nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào hoạt động gia công, lắp ráp và khai thác tài nguyên.
Kết thúc năm 2016, mặc dù giá trị nhập siêu từ Trung Quốc giảm từ đỉnh cao 32 tỷ USD của năm 2015 xuống còn 28 tỷ USD và tỷ trọng hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc trong tổng kim ngạch XNK giảm từ mức đỉnh cao 29,9% của năm 2015 xuống còn 28,7%, song nguy cơ nền kinh tế Việt Nam trở thành “một bộ phận không thể chối cãi của Trung Quốc” vẫn lơ lửng qua những diễn biến đáng lo ngại gần đây: (i) Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn nồng nhiệt mời gọi các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam; (ii) bản Thông cáo chung Việt - Trung ngày 14/9/2016 nhân chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Việt Nam chứa đựng nhiều nội dung bất lợi về kinh tế - chính trị cho Hà Nội; (iii) ngày 11/5/2017, tại cuộc tiếp Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB – định chế tài chính do Trung Quốc khởi xướng và lãnh đạo), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ mong muốn AIIB sớm tài trợ vốn cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam trong năm nay (AIIB thậm chí còn cam kết tài trợ vốn ưu đãi cho các dự án thuộc khu vực tư nhân mà không cần chính phủ bảo lãnh); (iv) Việt Nam đang đứng trước làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ Trung Quốc, đặc biệt là thông qua hình thức thâu tóm các dự án bất động sản, mua cổ phần các doanh nghiệp, thậm chí có lúc Trung Quốc còn vượt qua cả Hàn Quốc và Nhật Bản để trở thành quốc gia có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn thứ hai ở Việt Nam, chỉ sau Singapore.
Theo tính toán của TS Vũ Quang Việt, chuyên gia thống kê của Liên Hợp Quốc, nợ công của Việt Nam năm 2016 đã lên tới210% GDP, và tỷ lệ này vẫn đang tiếp tục tăng.
Trong tờ trình gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới đây để đề nghị Quốc hội ra nghị quyết về xử lý nợ xấu, chính phủ cho biết là đến cuối năm 2016, nợ xấu – bao gồm cả nợ đang nằm tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam – chiếm 5,8%, còn nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu thì chiếm đến 10,08% tổng dư nợ, tức gần 600.000 tỷ VNĐ. Nghĩa là, dưới thời chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, vấn nạn nợ xấu ngân hàng không những chưa giải quyết được mà còn trầm trọng hơn, đến mức chính phủ buộc phải đề nghị Quốc hội can thiệp bằng… nghị quyết.  
Tại kỳ họp thứ II năm ngoái, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 là 6,7%. Tuy nhiên, kết quả tăng trưởng quý I năm nay lại rất thấp, chỉ ở mức 5,1%. Vì thế, nhiều chuyên gia cũng như Đại biểu Quốc hội cho rằng mục tiêu trên là khó đạt, đồng thời khuyến nghị chính phủ không nên chạy theo thành tích tăng trưởng, mà cần chú trọng chất lượng tăng trưởng để đảm bảo phát triển bền vững. Vậy nhưng, thay vì nhân cơ hội có nhiều tiếng nói đồng thuận trong việc hy sinh tốc độ tăng trưởng để đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế, hướng đến phát triển bền vững, chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn quyết tâm đạt cho bằng được chỉ tiêu tăng trưởng.
Bất chấp phương tiện?
Và ba giải pháp chính mà chính phủ mới đưa ra để đạt được mục tiêu tăng trưởng nói trên hẳn khiến ai cũng phải thất vọng tràn trề: (i) tăng khai thác dầu thô – tức là tiếp tục điệp khúc khai thác tài nguyên thiên nhiên đến cạn kiệt; (ii) bám sát kế hoạch sản xuất của các nhà máy Samsung vì tập đoàn này dự kiến tăng doanh thu xuất khẩu năm 2017 lên 20% so với năm ngoái – tức là tiếp tục khai thác “sở trường” gia công, lắp ráp; và (iii) giao cho các Bộ, ngành liên quan nhanh chóng hoàn thành các công việc liên quan đến xử lý vấn đề môi trường để xem xét cho phép nhà máy của Formosa đi vào vận hành – tức là chấp nhận đánh đổi không chỉ môi trường mà cả những hiểm hoạ về an ninh quốc phòng và bất ổn xã hội để lấy “tăng trưởng”.
Để thể hiện quyết tâm của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thậm chí còn đặt vấn đề xử lý kỷ luật cấp dưới nếu không hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng. Đây là biểu hiện thường thấy của thứ “văn hoá thành tích” điển hình của chế độ. Trớ trêu thay, chính người đứng đầu chính phủ Việt Nam lại đang hô hào tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Bất kể ông Nguyễn Xuân Phúc có nuôi tham vọng tiếp quản chiếc ghế Tổng Bí thư mà ông Nguyễn Phú Trọng sẽ rời bỏ vào giữa năm tới hay không, song những gì trên đây cho thấy là chính phủ của ông dường như đang đi vào vết xe đổ của người tiền nhiệm.
Việt Nam rồi sẽ lại bỏ lỡ những vận hội quý giá, rồi sẽ lại mất thời gian điều chỉnh, rồi sẽ tiếp tục bị gọng kìm kinh tế - chính trị - quân sự của Bắc Kinh siết chặt, tiếp tục xu hướng tụt hậu ngày càng xa so với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc – mối đe doạ chiến lược đang phủ bóng đen lên tương lai dòng giống “con Lạc cháu Hồng”.

* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 


Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.


Nguồn: VOA

Tuesday, June 6, 2017

Một kiểu tư duy pháp luật đáng quan ngại

Lê Anh Hùng | VOA 



Dư luận Việt Nam tuần qua nóng lên trước thông tin là trong cuộc thảo luận về khoản 3 Điều 19 Bộ luật Hình sự (quy định người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự khi không tố giác thân chủ phạm phải các tội xâm phạm an ninh quốc gia, hoặc các tội đặc biệt nghiêm trọng mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã yêu cầu các luật sư phải tố giác thân chủ.
Nhiều người, đặc biệt là giới luật sư, đã bày tỏ thái độ phản đối mạnh mẽ trước sự việc trên. Các ý kiến phản đối chú yếu tập trung vào hai khía cạnh: (i) việc luật sư biết hành vi phạm tội của thân chủ mới chỉ mang tính chất chủ quan, do thân chủ tự thú nhận, và điều đó có thể là không đúng, trong khi toà án mới là cơ quan có thẩm quyền quyết định người nào đó có tội bằng một bản án, trên cơ sở kết luận điều tra của cơ quan điều tra, cáo trạng của viện kiểm sát và lập luận bào chữa của luật sư; và (ii) việc tố giác thân chủ phạm tội là trái với đạo lý nói chung và đạo đức nghề nghiệp nói riêng, khi thân chủ đã gửi gắm niềm tin cho luật sư để rồi nhận lấy phản bội.

Thực ra, đây không đơn thuần là một hiện tượng cá biệt, mà nó nằm trong một xu hướng tư duy pháp luật rất đáng quan ngại của bộ máy lập pháp và lập quy ở Việt Nam. Đó là việc các cơ quan lập pháp và lập quy xâm phạm quá mức vào địa hạt mà ở đấy các quy tắc đạo đức truyền thống vẫn chi phối cách ứng xử của con người trong xã hội.
Các mối quan hệ xã hội bị chi phối, trước hết, bởi các quy tắc hay chuẩn mực đạo đức truyền thống. Hàng ngàn năm qua, khi những luật lệ do các vua chúa ban hành chưa nhiều, các mối quan hệ xã hội chủ yếu vẫn chịu sự điều chỉnh của những quy tắc đạo đức hay phong tục, tập quán của dân tộc.
Tuy nhiên, khi xã hội ngày càng phát triển, mối quan hệ giữa các chủ thể trong xã hội ngày càng phức tạp và đa dạng, con người ngày càng có xu hướng thoát khỏi những ràng buộc truyền thống, một số quy tắc truyền thống hoặc là bị lạc hậu hoặc là không đủ sức điều chỉnh các mối quan hệ xã hội nữa. Lúc đó, các luật lệ do nhà nước ban hành sẽ khắc phục những bất cập và bổ sung những khiếm khuyết cho các quy tắc đạo đức, phong tục, tập quán truyền thống.
Sự tiến bộ và tương thích của các luật lệ đó so với các quy tắc điều chỉnh hành vi truyền thống sẽ đảm bảo cho sự ổn định và phát triển của xã hội. Nếu các luật lệ đó xung đột với các chuẩn mực đạo đức truyền thống thì nguy cơ xã hội rơi vào tình trạng bất ổn xuất hiện. Điều này là bởi khác với các quy tắc đạo đức truyền thống, vốn vận hành dựa trên sự tuân thủ tự nguyện của các thành viên trong xã hội cùng cơ chế chế tài lỏng lẻo, luật lệ do nhà nước ban hành thường kèm theo hình thức chế tài bắt buộc (nếu không muốn những luật lệ đó chỉ tồn tại trên giấy), vì thế quyền năng điều chỉnh hành vi của chúng thường cao hơn so với các quy tắc ứng xử truyền thống.
Việc luật sư tố cáo thân chủ là trường hợp cụ thể mà ở đó luật lệ do nhà nước ban hành xung đột với chuẩn mực đạo đức trong xã hội. Nó sẽ khiến người dân không còn dám đặt niềm tin vào luật sư. Và điều này sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ khác, bởi luật sư là một định chế quan trọng trong xã hội hiện đại, đảm bảo cho sự vận hành ổn định của xã hội: các chuẩn mực đạo đức bị đảo lộn, con người ngày càng nghi kỵ lẫn nhau.
Một dẫn chứng khác về tình trạng luật lệ do nhà nước ban hành xâm phạm quá mức vào địa hạt của các quy tắc đạo đức truyền thống là Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013. Mục 4 (“Vi phạm hành chính về phòng, chống bạo lực gia đình”) của nghị định này gồm phần lớn những quy định theo kiểu “Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình” (khoản 1 Điều 51).
Chưa hết, tại phiên họp lần thứ nhất của Ban Soạn thảo Luật Hôn nhân & Gia đình ngày 26/7/2012, ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp, cho biết là dự kiến sẽ bổ sung chế tài xử lý hành vi ngoại tình vào luật này. Lý do được ông đưa ra là các hành vi vi phạm nghĩa vụ trong quan hệ hôn nhân và gia đình có thể bị xử lý về hành chính hoặc hình sự, nhưng việc áp dụng chế tài trong hôn nhân và gia đình lại chưa được luật quy định cụ thể. Ông Huệ nêu ví dụ là Luật HN-GĐ năm 2000 quy định vợ chồng có nghĩa vụ chung thủy, thương yêu nhau, nhưng khi một bên vợ hoặc chồng vi phạm nghĩa vụ này (như ngoại tình, ngược đãi, hành hạ…) thì lại thiếu chế tài xử lý. 
Tương tự như vậy là Luật Trẻ em do Quốc hội ban hành ngày 5/4/2016 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/6/2017, với những quy định như nghiêm cấm hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên (khoản 11 Điều 6).
Trước hết, cần thừa nhận rằng không phải sự tồn tại của những niềm tin luân lý sâu sắc và phổ biến trong bất kỳ vấn đề nào là tự nó đã biện minh cho việc áp đặt chúng. Ở đây, việc chúng ta tin tưởng sâu sắc rằng các thành viên gia đình phải thương yêu nhau, vợ chồng phải “chung thuỷ, thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau…” hay bố mẹ thì cần giữ bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của con cái… không có nghĩa là xã hội cần phải có chế tài pháp luật để ngăn ngừa các thành viên gia đình lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhau nhau, để các cặp vợ chồng phải “chung thuỷ, thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau…”, hay để bố mẹ phải xin phép con cái khi, chẳng hạn, muốn đăng ảnh của chúng lên Facebook.
Một mặt, những quy định pháp luật như thế sẽ xâm phạm quá mức vào phạm vi riêng tư của quan hệ gia đình, quan hệ vợ chồng hay quan hệ giữa bố mẹ và con cái, nơi mà các quy tắc đạo đức truyền thống vẫn đủ sức điều chỉnh. Mặt khác, bộ máy công quyền lúc đó sẽ trở nên quá cồng kềnh và tốn kém để thực thi pháp luật, trong khi mức độ hiệu quả (bảo vệ hạnh phúc gia đình và trật tự xã hội) rõ ràng là rất đáng phải đặt dấu hỏi. 
Tóm lại, Việt Nam đang ngày càng sinh sôi nảy nở những quy định pháp luật tréo ngoe, phi nhân, trong khi lại thiếu vắng những đạo luật nền tảng vốn cần thiết cho sự ổn định và phát triển của một xã hội dân chủ như luật lập hội hay luật biểu tình. Kết cục, như chúng ta đã thấy, là một xã hội ngày càng bất ổn, đạo đức xã hội ngày càng suy đồi.

* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 


Lê Anh Hùng
Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.




Nguồn:VOA

Friday, June 2, 2017

Thông điệp đối thoại và hành động của chúng ta

Lê Anh Hùng | VOA| 3.6.2017 



Trong một diễn biến bất thường, ngày 18/5 vừa qua, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho biết là Ban Tuyên giáo Trung ương đang chờ Ban Bí thư thông qua một văn bản hướng dẫn về việc tổ chức trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Sự kiện trên đây đã trở thành đề tài bàn tán khá rôm rả trên không gian mạng suốt vài tuần nay. Ai cũng biết đối thoại thì tốt hơn đối đầu. Vấn đề đối thoại đã được những người bất đồng chính kiến nêu lên với nhà cầm quyền Việt Nam từ lâu, nhưng chưa bao giờ họ nhận được câu trả lời từ phía giới chức hữu trách. Theo nhà báo Lê Phú Khải, ông đã nghe hai chữ “đối thoại” do một nhà lãnh đạo đảng phát ra từ hơn 20 năm trước.

Câu hỏi cần đặt ra ở đây là: Tại sao vấn đề đối thoại lại được một người nắm trọng trách trong bộ máy nêu lên vào lúc này? Thời điểm này đã thích hợp cho việc đối thoại chưa? Và giới bất đồng chính kiến cần ứng xử trước thông điệp này như thế nào?
Bối cảnh đất nước
Việt Nam vẫn đang ở trong cuộc khủng hoảng toàn diện về chính trị - kinh tế - xã hội lớn nhất trong vòng 30 năm qua. Nếu mọi chuyện vẫn như hiện nay thì cuộc khủng hoảng sẽ diễn ra ngày càng sâu sắc và nặng nề. Để đưa nước nhà thoát khỏi khủng hoảng và bước vào kỷ nguyên phát triển bền vững, giải pháp duy nhất và triệt để nhất là cải cách thể chế. Và bước đi đầu tiên của một cuộc cải cách thể chế sâu rộng và triệt để chính là việc tổ chức đối thoại giữa Đảng CSVN với những người bất đồng chính kiến và các đảng phái chính trị đối lập.
Những gì trên đây cho thấy việc đối thoại lẽ ra đã phải diễn ra từ lâu. Việc nó chưa diễn ra trong thực tế xuất phát từ một lý do rất đơn giản: không một thế lực độc tài nào tự nguyện trao trả quyền lực cho nhân dân. Họ chỉ chịu đối thoại với lực lượng đối lập trong các trường hợp sau: (i) lực lượng đối lập, với sự ủng hộ mạnh mẽ của dân chúng, đã lớn mạnh và đủ sức đe doạ sự an nguy của chế độ bằng các cuộc biểu tình trên diện rộng (trước khi tiến tới lật đổ chế độ bằng cuộc tổng biểu tình cuối cùng); (ii) chế độ đứng trước bờ vực sụp đổ và giải pháp duy nhất là cải cách thể chế toàn diện và triệt để; và (iii) thành phần cấp tiến trong bộ máy chiếm ưu thế và trước những hiểm hoạ mà nước nhà phải đối mặt, họ thực sự muốn cải cách thể chế.
Xét tình hình Việt Nam hiện nay thì rõ ràng trong ba tiêu chí trên chưa có tiêu chí nào đạt. Lực lượng đối lập ở Việt Nam còn mỏng, phân tán và chưa kết nối được nhiều với quần chúng. Việt Nam ngày càng chìm vào cuộc khủng hoảng chính trị - kinh tế - xã hội toàn diện, nhưng nếu nói là chế độ đang đứng trước bờ vực sụp đổ như thời điểm trước thềm Đại hội VI (tháng 12/1986), hay như các quốc gia cộng sản Đông Âu cuối thập niên 1980 đầu thập niên 1990, thì e là hơi quá cường điệu. Cuối cùng, Đảng CSVN vẫn đang nằm dưới sự lãnh đạo của một ông trùm bảo thủ, một giáo sư - tiến sỹ chuyên ngành “Xây dựng đảng”, còn trong Bộ Chính trị thì chưa thấy ai nổi lên như một nhân vật đủ tâm và tầm để dẫn dắt lực lượng cấp tiến trong hệ thống, hầu thúc đẩy tiến trình “thoát Trung” và dân chủ hoá đất nước.
Động cơ đằng sau thông điệp đối thoại?
Lực lượng cấp tiến trong đảng chưa chiếm ưu thế và chế độ thì chưa rơi vào hoàn cảnh thúc bách buộc phải đối thoại với lực lượng đối lập – vậy động cơ nào khiến ông Võ Văn Thưởng tuyên bố là đảng không sợ đối thoại vào thời điểm này?
Theo chúng tôi, có hai lý do chính đằng sau tuyên bố bất ngờ của ông Võ Văn Thưởng. Thứ nhất, lời tuyên bố đó được đưa ra chỉ ít ngày trước cuộc đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ diễn ra vào ngày 23/5 và chuyến công du Mỹ lần đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 29 - 31/5. So với Đảng Dân chủ thì chính quyền của Đảng Cộng hoà thường tỏ thái độ cứng rắn hơn trước hồ sơ nhân quyền của nhà cầm quyền Việt Nam. Trong bối cảnh chính quyền vẫn gia tăng đàn áp nhằm vào những tiếng nói đấu tranh đòi nhân quyền và dân quyền cho nhân dân Việt Nam, tuyên bố của một nhân vật được coi là đại diện cho ban lãnh đạo CSVN rõ ràng sẽ có tác dụng xoa dịu tình hình, giúp cải thiện hình ảnh Việt Nam trước hai sự kiện chính trị quan trọng nêu trên.
Thứ hai, bất chấp thái độ nghi ngờ cố hữu mà người ta dành cho nhà cầm quyền cộng sản, câu phát ngôn của ông Võ Văn Thưởng vẫn được bàn luận khá rôm rả và đem đến cho công chúng vài tia hy vọng. Từ ngày 20 đến 31/5, chỉ riêng trên Bauxite Việt Nam, diễn đàn của giới trí thức phản tỉnh trong nước, đã có đến 29 bài liên quan đến chủ đề “đối thoại”. Trong bức thư ngỏ gửi nhân vật đứng đầu bộ máy tuyên truyền và giáo dục của Đảng CSVN, GS.TS Nguyễn Đăng Hưng, một trí thức Việt Nam nổi tiếng trong và ngoài nước, đã viết: “Chắc anh đã thấy trong mấy ngày qua, sự đón nhận nồng nhiệt của người dân Việt Nam trong cũng như ngoài nước, nhất là giới trí thức phản biện về những đề đạt của anh.”
Thoạt tiên, đây tưởng chừng là một dấu hiệu tích cực khi thông điệp đối thoại của nhà cầm quyền được mổ xẻ dưới nhiều góc độ, và điều này cũng tạo ra đôi chút phấn chấn cho công chúng Việt Nam nói chung và giới bất đồng chính kiến nói riêng. Tuy nhiên, thông điệp này lại “lợi bất cập hại” ở chỗ, nó dễ khiến giới đấu tranh bị “ru ngủ”.
Và ứng xử của chúng ta
Chúng tôi nằm trong số những người ủng hộ giải pháp đối thoại. Đơn giản, nếu cứ đà này, việc chế độ cộng sản sụp đổ trong cơn cuồng loạn bạo lực là kết cục không tránh khỏi. Khi điều đó thực sự xẩy ra, Trung Quốc sẽ lợi dụng cơ hội khi Việt Nam rơi vào khoảng trống quyền lực để đánh chiếm Trường Sa và thậm chí đưa quân vào Việt Nam hầu đảm bảo chí ít là chế độ hậu cộng sản ở Việt Nam sẽ không đi theo quỹ đạo của Mỹ. Vì vậy, việc nhà cầm quyền và lực lượng đối lập đối thoại để đưa nước nhà chuyển tiếp sang chế độ dân chủ một cách êm thấm như Myanmar là giải pháp lý tưởng, cho đất nước nói chung lẫn Đảng CSVN nói riêng.
“Tiên thủ hạ vi cường.” Nếu ban lãnh đạo CSVN chờ cho đến khi hai tiêu chí (i) và (ii) trên đây chín muồi mới chịu đối thoại với lực lượng đối lập thì e rằng lúc đó đã quá muộn với họ. Vì thế, thông điệp đối thoại do ông Võ Văn Thưởng phát ra không phải là không có chút thực tế nào. Dù vậy, nếu giới bất đồng chính kiến cứ bàn cãi về thời điểm đảng đối thoại, đối thoại với ai và đối thoại về cái gì thì sẽ rơi vào cái bẫy “tự ru ngủ” của nhà cầm quyền.
Cách ứng xử đúng đắn của giới bất đồng chính kiến, như chúng tôi đã nêu trong bài “Cách mạng dân chủ ở Việt Nam: từ dưới lên hay từ trên xuống”, là không một phút giây sao nhãng nhiệm vụ phát triển phong trào dân chủ cả về bề rộng lẫn chiều sâu, tăng cường mối liên hệ mật thiết với quần chúng nhân dân, đặc biệt là những nạn nhân của chế độ trong tầng lớp công nhân và nông dân.
Để kết thúc bài viết, xin mượn lời của luật sư Lê Công Định trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây về chủ đề này: “Từ vụ Đồng Tâm cho thấy, người dân phải có sức mạnh mới có thể đối thoại bình đẳng với cộng sản.”

* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 



Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.




Nguồn: VOA