Friday, November 25, 2016

Kinh tế học thể chế: khiếm khuyết lớn trong tủ sách học thuật ở Việt Nam

Lê Anh Hùng | VOA| 25.11.2016




Thể chế và kinh tế học thể chế
Thể chế (institution), theo định nghĩa của nhà kinh tế học người Mỹ Douglass North, là những ràng buộc do con người tạo ra để dàn xếp hoạt động tương tác chính trị, kinh tế và xã hội.
Kinh tế học thể chế (institutional economics) bao hàm mối quan hệ hai chiều giữa kinh tế học và các thể chế. Nó quan tâm đến ảnh hưởng của các thể chế đến nền kinh tế cũng như cách thức các thể chế ứng phó với một thế giới năng động.
Kinh tế học thể chế bao gồm hai trường phái chính là kinh tế học thể chế cũ (Old Institutional Economics) và kinh tế học thể chế mới (New Institutional Economics).

Kinh tế học thể chế cũ ra đời ở Mỹ vào đầu thế kỷ 20, với đại diện tiêu biểu là các nhà kinh tế học Thorstein Veblen, John R. Commons, Wesley Mitchell và Clarence Ayres. Trọng tâm của trào lưu học thuật này là tìm hiểu vai trò của quá trình tiến hoá cũng như vai trò của các thể chế trong việc định hình hành vi của các chủ thể kinh tế. Giữa hai cuộc đại chiến thế giới, đây là một trong những trào lưu học thuật trung tâm trong kinh tế học ở Mỹ.
Sau đại chiến thế giới thứ hai, kinh tế học thể chế cũ nhanh chóng suy giảm vị thế và uy tín, trong bối cảnh nó đã bộc lộ những bất cập về mặt học thuật và cuộc cách mạng Keynes nổi lên đầy ấn tượng. Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối thập niên 1960, một số khía cạnh của phương pháp tiếp cận này được quan tâm trở lại và, kết hợp với phương pháp tiếp cận chi phí giao dịch của Ronald Coase, Oliver Williamson và Douglass North, trào lưu học thuật mang tên kinh tế học thể chế mới đã ra đời.
Trong vài ba thập niên qua, kinh tế học thể chế ngày càng giành được vị thế ảnh hưởng trên thế giới. Thậm chí nó còn được ví như một cuộc cách mạng Copernic trong kinh tế học. Việc nhiều nhà kinh tế học gắn liền với sự ra đời và phát triển của trào lưu học thuật này lần lượt được trao giải Nobel Kinh tế (Friedrich Hayek [1974], James Buchanan [1986], Ronald Coase [1991], Douglass North [1993], William Vickrey [1996],  Elinor Ostrom [2009] và Oliver Williamson [2009]) cho thấy hoạt động nghiên cứu kinh tế học thể chế cũng như vị thế của nó trên thế giới ngày càng tăng tiến. 
Kinh tế học thể chế ở Việt Nam
Mặc dù là một chuyên ngành khoa học ngày càng giành được ảnh hưởng sâu rộng trên thế giới nhưng ở Việt Nam kinh tế học thể chế vẫn còn là một khái niệm mới mẻ. Cho đến nay, hai sự kiện đáng kể nhất gắn với chủ đề này là seminar “Kinh tế học thể chế và sự vận dụng vào các nền kinh tế chuyển đổi” do Khoa Kinh tế Chính trị của Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức vào ngày 20/9/2010 và seminar “Giới thiệu kinh tế học thể chế mới và tiềm năng ứng dụng tại Việt Nam” do F-Group tổ chức dưới sự bảo trợ về chuyên môn của Viện Kinh tế Việt Nam vào ngày 6/12/2012.  
Năm 1998, Nhà xuất bản Edward Elgar ở Cheltenham (Anh) và Northampton (Hoa Kỳ) đã công bố tác phẩm “Kinh tế học thể chế: Trật tự xã hội và chính sách công” (Institutional Economics: Social Order & Public Policy). Đến thời điểm hiện nay, đây vẫn được coi là cuốn sách giáo khoa công phu, bài bản và đầy đủ nhất về chuyên ngành kinh tế học thể chế. Năm 2010, bản dịch tiếng Việt của tác phẩm đã được hoàn chỉnh, nhưng đáng tiếc là nó đã không thể đến tay độc giả dưới dạng ấn bản thông thường vì một cán bộ công an cao cấp đã đến tận Nhà xuất bản Tri Thức yêu cầu không được ấn hành tác phẩm.
Trong khi đó, tình hình ở Trung Quốc lại khác hẳn. Chỉ 2 năm sau khi ấn bản thứ nhất của “Kinh tế học thể chế: Trật tự xã hội và chính sách công” ra đời, Nhà xuất bản Thương mại ở Bắc Kinh đã công bố bản tiếng Trung của tác phẩm. Và trong lời tựa cho ấn bản thứ hai, xuất bản năm 2012, các tác giả đã viết: “Chúng tôi đặc biệt hài lòng với phản ứng – cũng như với số lượng sách bán ra – của ấn bản tiếng Trung cùng ảnh hưởng tuyệt vời của nó đến tư duy của giới kinh tế học chuyên nghiệp đang ngày càng lớn mạnh ở đất nước này.”
Sau khi bản tiếng Việt của tác phẩm bị ngăn cấm ở Việt Nam, dịch giả đã công bố bản dịch dưới dạng file PDF trên mạng vào tháng 9/2011, và nó đã được độc giả đón nhận tích cực. (Một cán bộ nghiên cứu thuộc Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, Bộ NN&PTNT, đã hồi âm cho dịch giả về tác phẩm như sau: “Là người làm nghiên cứu về chính sách nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam, cuốn sách dịch của anh thực sự vô cùng quý báu với tôi. Nó làm tôi không thể yên lòng khi không đặt bút viết những dòng cảm tạ này tới anh.”)
Kinh tế học thể chế có phạm vi ứng dụng rất rộng, chứ không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, như các tác giả đã viết trong Lời tựa cho ấn bản thứ nhất (1998): “Vì kinh tế học thể chế sẵn sàng tiếp nhận ảnh hưởng tri thức từ một loạt chuyên ngành khoa học xã hội nên cuốn sách này không chỉ được khuyến nghị cho các nhà kinh tế học quan tâm đến tăng trưởng, đổi mới, phát triển, các hệ thống kinh tế so sánh và kinh tế chính trị, mà còn cho cả các sinh viên thuộc các chuyên ngành này.”
Bản thân dịch giả cũng đã viết trong bản dịch tiếng Việt của ấn bản thứ nhất: “Đất nước chúng ta đang hội nhập ngày càng sâu hơn vào nền kinh tế của một thế giới đang ngày càng ‘phẳng’ hơn và cạnh tranh gay gắt hơn. Ngày nay, cạnh tranh kinh tế không chỉ bó hẹp trong phạm vi giữa các chủ thể kinh tế như cá nhân hay doanh nghiệp với nhau, mà nó còn diễn ra giữa các chính phủ hay chính xác hơn là giữa các hệ thống thể chế với nhau. Trong bối cảnh đó, cải cách thể chế hay cải tổ hệ thống ở Việt Nam hiện đang là đòi hỏi bức thiết hơn bao giờ hết. Hy vọng cuốn sách sẽ góp phần nhỏ bé để tạo nền tảng lý thuyết cho công cuộc cải cách thể chế ở Việt Nam, mở đường cho sự phát triển bền vững của nước nhà.”
Hy vọng là mong muốn đầy tâm huyết nói trên sẽ sớm trở thành hiện thực với ấn bản thứ hai của tác phẩm vì lợi ích của quốc gia, dân tộc.
____________
Ghi chú:
Độc giả có thể tải bản dịch tiếng Việt của tác phẩm này từ Thông Luận tại đây, hoặc trên blog của tác giả tại đây.

* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 


Lê Anh Hùng
Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.




Nguồn: VOA

Sunday, November 20, 2016

Donald Trump đem lại lợi ích gì cho Trung Quốc?

Eric Li | New York Times
Người dịch: Lê Anh Hùng


LTS
Đây là bài viết của một nhà đầu tư mạo hiểm kiêm nhà khoa học chính trị đăng trên một tờ báo lớn ở Mỹ là New York Times. Eric Li là một Hoa sinh ra ở Thượng Hải, từng học tập tại Mỹ và thậm chí còn làm việc trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Ross Perot năm 1992 trước khi quay trở về hoạt động trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm ở Thượng Hải. Tác giả là người sáng lập quỹ đầu tư Chengwei Capital ở Thượng Hải, thành viên ban giám đốc Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc Châu Âu (China Europe International Business School – CEIBS) ở Thượng Hải, và thành viên Viện Aspen (Aspen Institute) ở Washington, D.C.
Bài viết sặc mùi định hướng dư luận Mỹ của một nhân vật khá tên tuổi và bị chỉ trích là “ca ngợi viên” của chính phủ Trung Quốc trên New York Times cho thấy chiến lược truyền thông của bộ máy tuyên truyền CSTQ bài bản và thâm hậu đến thế nào.
Lê Anh Hùng
THƯỢNG HẢI — Có lẽ không một quốc gia nào phải chịu nhiều tác động từ Donald J. Trump hơn Trung Quốc. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình, ông Trump đã khiến người ta nghĩ rằng việc làm cho Hoa Kỳ “vĩ đại trở lại” có nghĩa là đánh bại Trung Quốc.
Tuy nhiên, phần đông công chúng Trung Quốc lại ủng hộ ông. Và Chủ tịch Tập Cận Bình là một trong những nhà lãnh đạo quốc gia đầu tiên trên thế giới chúc mừng ông. Trong thông điệp gửi tới vị tổng thống mới đắc cử, ông Tập bày tỏ hy vọng xây đắp “lợi ích chung” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Bắc Kinh đang chờ đợi sự thay đổi ở Washington. Đối với người Trung Hoa, kỷ nguyên Obama là giai đoạn khó khăn nhất trong mối quan hệ Mỹ - Trung kể từ khi Tổng thống Richard M. Nixon nối lại quan hệ vào năm 1971. Chính quyền Obama, với Hillary Clinton là Ngoại trưởng, đã thực hiện chính sách “xoay trục sang Châu Á” hòng kiềm toả Bắc Kinh, mà mục đích là củng cố và mở rộng hệ thống đồng minh trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong khi tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở đây. Chính sách xoay trục được hậu thuẫn bởi một kế hoạch kinh tế, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, một hiệp ước thương mại sắp bị khai tử, vốn được tạo ra một phần là nhằm cô lập Bắc Kinh.


Một tờ báo với tấm hình của tổng thống mới đắc cử Donald J. Trump tại một quầy báo ở Bắc Kinh. Greg Baker/Agence France-Presse — Getty Images

Kể từ thời chiến tranh lạnh, từ Tổng thống Bill Clinton đến Tổng thống Obama, Hoa Kỳ vẫn tìm cách tái định hình thế giới theo quan niệm của họ – xây dựng một đế chế Hoa Kỳ dưới chiêu bài toàn cầu hoá. Thông qua những liên minh và định chế toàn cầu ngày càng lớn và phức tạp do mình thiết kế, Washington đã tìm kiếm sự chuẩn hoá toàn cầu về các quy tắc trong lĩnh vực thương mại, tài chính và quan hệ quốc tế. Nó sử dụng sức mạnh chính trị, kinh tế và quân sự để thúc đẩy các nước khác áp dụng nền dân chủ bầu cử và chủ nghĩa tư bản thị trường.
Trung Quốc từ chối nhượng bộ. Mặc dù người Trung Hoa được hưởng lợi rất nhiều từ kỷ nguyên này, Bắc Kinh vẫn tham gia vào quá trình toàn cầu hoá theo những điều kiện của mình. Những gì mà Trung Quốc thu được từ toàn cầu hoá đã giúp biến đất nước này từ một nền kinh tế nông nghiệp nghèo nàn sang một cường quốc công nghiệp chỉ trong vòng một thế hệ. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn luôn nhấn mạnh việc củng cố hệ thống chính trị độc đảng và chỉ mở cửa thị trường đến mức đó.
Cách tiếp cận ấy tỏ ra hiệu quả với Trung Quốc. Nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển cả về quy mô lẫn sự phức tạp công nghệ, đến mức mà Trung Quốc xuất hiện lồ lộ trong tâm trí của nhiều thành phần tinh hoa ở Mỹ như là mối đe doạ lâu dài đáng gờm nhất.
Tuy nhiên, những thành phần tinh hoa này đã không nhận thấy – còn ông Trump thì dường như lại hiểu ra – rằng trong khi họ bị ám ảnh bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc như là một mối đe doạ đối với trật tự tự do chủ nghĩa do Mỹ lãnh đạo thì nền tảng chính trị nội bộ của Mỹ lại đang sa sút. Xu hướng của những thành phần tinh hoa Mỹ trong việc tìm cách định hình thế giới theo ý mình đã tạo ra xung đột trong nước, giữa những người Mỹ nắm quyền lực với những người dân bình thường. Đế chế Mỹ được xây dựng với cái giá là đất nước Mỹ.
Toàn cầu hoá đã đem lại lợi ích cho tầng lớp thượng lưu nắm giữ nhiều tài sản và ảnh hưởng ở Mỹ, trong khi tầng lớp trung lưu lại đình đốn hay co lại. Cơ sở công nghiệp của đất nước, nền móng kinh tế của tầng lớp trung lưu trong kỷ nguyên hậu chiến, đã bị phá huỷ. Cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ cần được khôi phục, hệ thống giáo dục vận hành tồi tệ, và khế ước xã hội thì chuệch choạc. Hoa Kỳ chiếm 4,5% dân số thế giới và khoảng 20% GDP toàn cầu, song lại chiếm tới gần 40% chi tiêu quân sự của thế giới.
Với ông Trump trong phòng bầu dục, phía trước có thể là một thời gian khó khăn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Mối quan hệ giữa hai nước có thể lao dốc trong ngắn hạn bởi những tranh chấp thương mại, chẳng hạn thế.
Tuy nhiên trong dài hạn, mối quan hệ Trung - Mỹ lại có thể trở nên lành mạnh hơn vì người Trung Hoa thích mối quan hệ với một nước Mỹ không tìm cách tái định hình thế giới. Người Trung Hoa biết cách cạnh tranh và có thể ứng phó với các đối thủ cạnh tranh. Điều mà họ phẫn nộ và chống lại là một nước Mỹ áp đặt những giá trị và chuẩn mực của mình lên mọi người khác.
Nước Mỹ của ông Trump rất có thể sẽ thoát khỏi mô thức đó. Ông chưa bày tỏ mong muốn bảo những nước khác làm thế này thế nọ. Trung Quốc được điều hành bởi những nhà lãnh đạo có năng lực, có ý chí mạnh mẽ và thực dụng. Ông Trump là một doanh nhân quyết đoán với một nền tảng ý thức hệ ít ỏi. Thiếu vắng sự ràng buộc ý thức hệ, ngay cả những đối thủ cạnh tranh nhất với nhau cũng có thể bắt tay với nhau. Đây là một ngày mới cho mối quan hệ song phương nhiều ảnh hưởng nhất trên thế giới. 
Chính sách xoay trục của Obama đang thất bại. Nó không thể tạo ra một khu vực Châu Á - Thái Bình Dương hoà bình hơn, và ngay cả đồng minh gần gũi nhất của Mỹ trong khu vực là Philippines cũng đang từ bỏ nó. Đó là một dự án đắt đỏ về thiết đặt trật tự toàn cầu với cái giá mà người Mỹ phải trả là lợi ích quốc gia của họ.
Bắc Kinh không ấp ủ một mưu đồ nào để cạnh tranh với Hoa Kỳ hòng thống trị thế giới. Tuy nhiên, việc nó tìm cách đòi lại một vai trò lãnh đạo trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của mình là điều hoàn toàn tự nhiên. Trung Quốc mong muốn có không gian riêng để vươn tới những mục tiêu phát triển. Cùng lúc, nước Mỹ với Tổng thống Trump lại cần hướng sự chú ý vào hoạt động tự tái thiết.
Trong dài hạn, nước Mỹ của Trump và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ hợp tác với nhau hơn so với bất kỳ giai đoạn nào khác mà người ta còn lưu giữ trong ký ức gần đây.
* Eric Li là một nhà đầu tư mạo hiểm và nhà khoa học chính trị.

Wednesday, November 16, 2016

Cuộc đấu Nguyễn Phú Trọng - Đinh La Thăng: chiêu trò mới của Bắc Kinh?

Lê Anh Hùng | VOA| 15.11.2016



“Truyền nhân” của “đồng chí X”
Đinh La Thăng là một nhân vật gây nhiều tranh cãi ở Việt Nam, không phải chỉ mới gần đây mà ngay từ khi ông ta ngồi vào chiếc ghế Bộ trưởng Giao thông Vận tải tháng 8/2011. Báo chí chính thống mấy năm qua cứ liên tục tung hê ông ta lên đến tận mây xanh, hết “hiện tượng Đinh La Thăng”, “hiệu ứng Đinh La Thăng”, lại đến “phong cách Đinh La Thăng”, v.v. và v.v.
Cách nay vài tháng, sau khi ngài Bí thư Thành uỷ TP HCM lên tiếng tán thành việc cựu thượng nghị sỹ Bob Kerry được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Quốc tế Fulbright và ủng hộ việc công đoàn tổ chức đình công, một số cơ quan truyền thông độc lập và báo chí “lề dân” lại coi ông ta như là người “kế tục” đường lối “cải cách”, “bài Tàu”, “thân Mỹ” của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. (Trước đó, trong cuộc làm việc với Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc, tổng thầu EPC của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, vào chiều ngày 4/1/2015, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã lớn tiếng: “Và kể cả các ông hướng vào chuyện vay vốn thì chúng tôi báo cáo Chính phủ ngừng việc vay vốn, dùng nguồn vốn khác chứ không thể đánh đổi quyền lợi, tính mạng của người Việt Nam để vay vốn được.”)

Tuy nhiên, bất chấp những gì nêu trên, bất kỳ ai tinh ý đều không khó nhận ra rằng, Đinh La Thăng không chỉ là đệ tử thân tín của ngài cựu Thủ tướng cũng gây nhiều tranh cãi kia, mà còn xứng đáng là “truyền nhân” của ông ta. Duy chỉ có điều, họ Đinh không phải là người “kế tục” sự nghiệp ích nước, lợi dân nào của nhân vật từng được coi là quyền uy nhất Việt Nam một thời đó, mà chỉ là trò bịp bợm “nói một đàng, làm một nẻo” của ông ta.   
Ngày 20/9/2016, báo chí đưa tin Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng mời bà Mary Etta Tarnowka, Tân Tổng lãnh sự Hoa Kỳ, đi thăm các cơ sở tôn giáo ở TPHCM, “để chứng kiến người dân được thực hiện quyền bình đẳng, tự do về tôn giáo”. Mỉa mai thay, chỉ hơn 10 ngày trước đó, chính quyền TP HCM lại huy động một lực lượng hùng hậu để cưỡng chế và san phẳng chùa Liên Trì, một cơ sở tôn giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của dư luận và sự quan ngại đặc biệt của giới chức ngoại giao quốc tế.
Cuối tháng 7/2016, công chúng Việt Nam lại phản ứng gay gắt trước thông tin Bộ Giao thông Vận tải đề xuất vay vốn Trung Quốc để xây dựng tuyến cao tốc Móng Cái - Vân Đồn. Và không phải ai khác mà chính Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã ký công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ chuyển thẩm quyền quyết định đầu tư dự án từ UBND tỉnh Quảng Ninh về Bộ Giao thông Vận tải để đưa vào danh mục dự án vay vốn ODA Trung Quốc.
Chưa hết, trong bài “Những Vinashin của Đinh La Thăng” ngày 17/10 vừa qua, nhà báo Huy Đức còn cho biết: “Khi các thông tin về công trình nhà máy sợi Đình Vũ, PVN đầu tư gần chục nghìn tỷ giờ đang phải trùm mền được công bố, biết việc Đinh La Thăng để cho nhà thầu tráo ‘dây chuyền thiết bị kéo sợi’ xuất xứ Đức, theo thiết kế, thành dây chuyền Trung Quốc, hy vọng các bạn sẽ nhận biết Thăng là người ‘thân gì’.”
Trong bài “Trung Nam Hải đang toan tính gì với con bài Nguyễn Tấn Dũng?” trên VOA ngày 1/2/2015, chúng tôi đã vạch trần việc ngài cựu Thủ tướng dù là người Việt Nam lập nhiều chiến tích cho Trung Quốc nhất kể từ khi chế độ cộng sản lên nắm quyền năm 1945 nhưng bề ngoài vẫn lớn tiếng “lên án” Bắc Kinh. Và để giúp cho con bài lợi hại nhất của mình giành được sự ủng hộ của dư luận trong cuộc chạy đua vào ngôi vị Tổng Bí thư khoá XII, các ông chủ Trung Nam Hải đã chỉ đạo truyền thông nhà nước ra sức “lên án” Thủ tướng Việt Nam, hết lần này đến lượt khác, thậm chí còn nêu đích danh ông ta là “kẻ thù” của Trung Quốc.
Chiêu trò mới của Bắc Kinh?
Bằng thủ đoạn sử dụng đội ngũ dư luận viên cao cấp tung tin hoả mù, lèo lái dư luận, đến nay bộ máy tuyên truyền CSVN vẫn khiến phần lớn công chúng tin rằng chiếc ghế Tổng Bí thư khoá XII là cuộc cạnh tranh giữa TBT khoá XI Nguyễn Phú Trọng và (cựu) Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trên thực tế, kết cục Đại hội XII là nỗ lực của phần lớn thành viên Bộ Chính trị để ngăn chặn điều mà TS Cù Huy Hà Vũ gọi là “thảm hoạ bắc thuộc mới mang tên Nguyễn Tấn Dũng” trong một bài viết trên VOA vào ngày 15/1/2016. (Xin lưu ý, bài này ra đời sau thời điểm Hội nghị Trung ương 14 khoá XI bế mạc, tức là khi mà số phận chính trị của ông Nguyễn Tấn Dũng coi như đã an bài. Nó có thể được xem như là lời cảnh cáo trước bất kỳ mưu toan hòng đảo ngược tình thế nào của ông ta.) Và do ứng cử viên triển vọng nhất trước Đại hội XII là Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang vẫn chưa đủ uy tín để hạ bệ Nguyễn Tấn Dũng nên “giải pháp quá độ” mang tên Nguyễn Phú Trọng đã được lựa chọn.  
Là một nhân vật không thèm che dấu khuynh hướng thần phục Trung Quốc (dù chưa bị Bắc Kinh khống chế và thao túng đến mức độ như ông Nguyễn Tấn Dũng) nên bất kỳ ai mà người ta cho là “đối đầu” với ông Nguyễn Phú Trọng cũng đều được coi là “chống Tàu”, theo đường lối “cải cách”, “thân Mỹ”. Đó là trường hợp ông Nguyễn Tấn Dũng trong Hội nghị Trung ương 6 khoá XI tháng 10/2012 và trong Đại hội XII tháng 1/2016, hay Bí thư TP HCM Đinh La Thăng trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” hiện nay, khi những đệ tử thân tín nhất của ông ta là Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận kẻ thì đào tẩu, người thì bị bắt. (Không hiểu sao người ta lại dễ dàng quên mất một thực tế là ông Nguyễn Tấn Dũng đã xoay chuyển tình thế sau cuộc gặp Tập Cận Bình tại Nam Ninh ngay trước thềm hội nghị mà ông Nguyễn Phú Trọng phải mếu máo đọc diễn văn bế mạc vào chiều ngày 15/10/2012.)
Thời gian gần đây, Đinh La Thăng nổi lên như một trong vài ứng cử viên tiềm năng để thay thế TBT Nguyễn Phú Trọng. Tuy vẫn còn quá sớm để khẳng định ai sẽ trở thành Tổng Bí thư sắp tới, nhưng chừng đó cũng đủ cho thấy Đinh La Thăng ít nhất là đang nhắm đến một vị trí trong “tứ trụ triều đình” hoặc thậm chí là ngôi vị lãnh đạo tối cao.
Mức độ tham nhũng, ăn tàn phá hại của Đinh La Thăng và đám đàn em đã có thể nói là khủng khiếp, song vẫn chưa thấm vào đâu nếu so với Nguyễn Tấn Dũng cùng bộ sậu. Ấy vậy nhưng, chỉ cần Nguyễn Tấn Dũng “chém gió” vài câu về luật biểu tình, về dân chủ, pháp quyền, về chủ quyền biển đảo… là ông ta lại được tung hê lên đến tận mây xanh, lại được công chúng bỏ qua hết những gì mà trên thực tế là tội ác với cả dân tộc. Trong đám đệ tử của ngài cựu Thủ tướng, xem ra không ai thuộc “bài” này hơn ngài cựu Bộ trưởng GTVT. (Sau lời “cảnh báo” nhà thầu Trung Quốc khiến công chúng “mát lòng mát dạ” kia, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông diễn ra thế nào thì mọi người đều đã biết. Trong khi đó, y như với Nguyễn Tấn Dũng, Hoàn Cầu Thời Báo lại nhanh chóng “ghi điểm” dư luận cho Đinh La Thăng bằng cách lớn tiếng lên án ông ta. Lối ứng xử này rõ ràng là trái ngược với kết cục mà những Nguyễn Khắc Nghiên [2010], Nguyễn Bá Thanh [2015] hay Lê Xuân Duy [2016] phải âm thầm nhận lãnh, và chắc chắn không xứng với ‘thương hiệu’ “thâm như Tàu” của tập đoàn Trung Nam Hải.)
Việc Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng, cánh tay mặt của TBT Nguyễn Phú Trọng trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” ở Việt Nam, hiện diện trong phái đoàn thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 10 đến 15/9/2016 đủ cho thấy bàn tay lông lá của Bắc Kinh đằng sau vở tuồng mang tên “chống tham nhũng” do người đứng đầu Đảng CSVN khởi xướng.
Sau khi con bài Nguyễn Tấn Dũng bị rớt đài, những nhân vật thủ cựu như Nguyễn Phú Trọng hay Đinh Thế Huynh vốn khó che dấu bản chất tay sai nên dễ bị dư luận soi xét và phản đối, Bắc Kinh đang rất cần một Nguyễn Tấn Dũng mới, kẻ bên ngoài luôn bô bô “không đánh đổi chủ quyền quốc gia lấy tình hữu nghị viễn vông” nhưng bên trong lại sẵn sàng “dâng” cho Trung Quốc hết Bauxite Tây Nguyên lại đến Formosa Vũng Áng, hết những cánh rừng đầu nguồn biên giới lại đến 90% dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, hết thị trường nội địa lại đến những tuyến cao tốc mở toang cửa ngõ biên giới với kẻ thù truyền kiếp, v.v. và v.v. Con bài đó xem ra không ai khả dĩ hơn đương kim Bí thư Thành uỷ TP HCM Đinh La Thăng.

* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 


Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.




Nguồn: VOA

Thursday, November 10, 2016

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bị xử lý: kết cục của một kẻ tận trung với Trung Quốc

Lê Anh Hùng | VOA| 10.11.2016


Truyền thông nhà nước hôm 3/11 vừa qua đồng loạt đưa tin: cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng bị Ban Bí thư TW Đảng, dưới sự chủ trì của TBT Nguyễn Phú Trọng, kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương giai đoạn 2011 - 2016. Đồng thời, Ban Bí thư còn đề nghị bên Chính phủ, Quốc hội cùng chỉ đạo thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về hành chính với ông Vũ Huy Hoàng đồng bộ với kỷ luật Đảng.
Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam đang bước vào giai đoạn quyết định, nếu không tìm ra được một “con dê” nào để “tế thần” thì e rằng nó sẽ như quả bóng bị xì hơi. Và cho dù đã về hưu được mấy tháng nhưng một cựu bộ trưởng như ông Vũ Huy Hoàng vẫn được xếp vào diện “hổ nhỡ”.

Chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” của TBT Nguyễn Phú Trọng được cho là lấy “cảm hứng” từ những gì đang diễn ra ở Trung Quốc dưới “triều đại” Tập Cận Bình. Ông Nguyễn Phú Trọng là một nhân vật thân Tàu đến mức hầu như ai ai cũng biết, và bản thân ông ta cũng chẳng thèm che dấu điều đó. Trong đoàn quan chức tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Trung Quốc từ ngày 10 đến 15/9/2016 có sự hiện diện của ông Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Việc một Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương có mặt trong phái đoàn của Tổng Bí thư công du nước ngoài là chuyện bình thường, nhưng việc ông ta hiện diện trong phái đoàn của Thủ tướng là điều bất thường, xưa nay chưa từng xẩy ra. Ông Trần Quốc Vượng được coi là cánh tay mặt của TBT Nguyễn Phú Trọng trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” ở Việt Nam. Điều này cũng có nghĩa, chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự giữa lãnh đạo hai nước.
Vì vậy, người ta có cơ sở để tin rằng việc ông Vũ Huy Hoàng bị xử lý là có sự đồng thuận, nếu không muốn nói là sự chỉ đạo, của Bắc Kinh. Và theo một số người, chẳng hạn như blogger Người Buôn Gió, lý do là vì ông Vũ Huy Hoàng nằm dưới trướng cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (một nhân vật được cho là “thân Mỹ”, “bài Tàu”), đồng thời là người thay mặt chính phủ Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Do đó, ông ta là đối tượng mà Bắc Kinh cũng như đám tay sai ở Việt Nam muốn trừng trị. Tuy nhiên, thực tế thì thế nào? Liệu ông Vũ Huy Hoàng có phải là một nhân vật có tư tưởng chống Trung Quốc hay không?
Ông Vũ Huy Hoàng được Quốc hội khoá XII phê chuẩn làm Bộ trưởng Công Thương từ ngày 2/8/2007 và chính thức rời khỏi chiếc ghế này từ ngày 8/4/2016. Trong cơ cấu bộ máy chính phủ ở Việt Nam, Bộ Công Thương là một bộ trọng yếu, quán xuyến hai lĩnh vực quan trọng bậc nhất của nền kinh tế là công nghiệp và thương mại. Trong các cuộc gặp giữa các bộ trưởng kinh tế các nước thì đại diện của chính phủ Việt Nam chính là Bộ trưởng Công Thương. Chừng đó đủ cho thấy vai trò của Bộ trưởng Công Thương đối với nền kinh tế Việt Nam.
Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với Trung Quốc thể hiện rõ nét nhất qua số liệu xuất nhập khẩu giữa hai nước, lĩnh vực thuộc quyền quản lý của ông Vũ Huy Hoàng. Vậy trong gần 9 năm làm Bộ trưởng Công Thương ông Vũ Huy Hoàng đã thể hiện tinh thần “bài Tàu” như thế nào?

Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc từ năm 2000 – 2015. (Số liệu do tác giả tập hợp và tính toán từ niên giám thống kê 2000 – 2012 và báo chí nhà nước.)
Năm 2007, năm ông Vũ Huy Hoàng bắt đầu ngồi lên chiếc ghế Bộ trưởng Công Thương, đánh dấu sự gia tăng đột biến của kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc: kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 72% so với năm 2006; nhập siêu từ Trung Quốc tăng 118,5% so với năm 2006; tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc trong tổng kim ngạch nhập khẩu tăng từ 16,5% lên 20,3%. Từ năm 2008 đến 2015, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng với tốc độ chóng mặt. Năm 2015, nhập siêu từ Trung Quốc lên đến gần 33 tỷ USD, tăng gần 8 lần so với năm 2006, còn tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm đến gần 30% trong tổng kim ngạch nhập khẩu (tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc trong tổng kim ngạch xuất khẩu hầu như không thay đổi qua các năm, luôn xấp xỉ 10%). Gần 9 năm dưới thời Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, Việt Nam gần như trở thành thị trường độc quyền của hàng hoá “made in China”.
Chưa hết, Bộ Công Thương cũng là bộ chủ quản của hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, mà hầu hết trong số đó đều rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc. Xin đơn cử, ngành công nghiệp xi măng với 24 nhà máy thì có đến 23 nhà máy do Trung Quốc làm tổng thầu EPC.
Trong bài “Phải truy cứu hình sự cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng” ngày 24/4/2016, TS kinh tế Phạm Chí Dũng khẳng định ông Vũ Huy Hoàng là một trong những kẻ tận trung với giặc, nối giáo cho Trung Quốc, và “cựu Bộ Trưởng Vũ Huy Hoàng còn phải chịu trách nhiệm về một thực tế quá khốn quẫn: Nền kinh tế và sản xuất của Việt Nam đã phụ thuộc ghê gớm vào Trung Quốc”.
TPP được coi là chiếc phao cứu sinh cho nền kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh nợ công đã tăng đến ngưỡng báo động, ngân khố trung ương ngày càng cạn kiệt, còn động lực tăng trưởng dựa trên khai thác tài nguyên và nhân công giá rẻ thì càng lúc càng đuối sức. Việc ông Vũ Huy Hoàng ký kết TPP chỉ thuần tuý là vấn đề thủ tục, hiện thực hoá ý chí của ban lãnh đạo Việt Nam dưới áp lực của cả nền kinh tế, nên không thể coi đó là bằng chứng về tư tưởng “bài Tàu” của ông ta.
Tóm lại, việc cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng bị “lên thớt” là kết cục của một Hán nô trung thành, tận tuỵ: khi đã hết thời cung cúc phục vụ các ông chủ Trung Nam Hải thì bị biến thành con dê tế thần hầu giúp gỡ gạc “uy tín” và đánh bóng "tên tuổi" cho ông trùm Hán nô ở Việt Nam. 

* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 



Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.




Nguồn: VOA

Thursday, November 3, 2016

Bắc Kinh đã ngăn cản Võ Nguyên Giáp trở thành Tổng Bí thư như thế nào?

Lê Anh Hùng | VOA| 3.11.2016




Sau Hội nghị Trung ương 4 khoá XII diễn ra từ ngày 9 đến 14/10 và chuyến thăm Trung Quốc của Thường trực Ban Bí thư Đảng CSVN diễn ra từ ngày 19 đến 21/10 vừa qua, dư luận đang dấy lên đồn đoán là ông Đinh Thế Huynh đã được chọn làm người kế nhiệm TBT Nguyễn Phú Trọng. Chưa biết tin đồn này có trở thành hiện thực hay không, nhưng dường như một lần nữa Trung Quốc lại nổi lên như một nhân tố quyết định ngôi vị lãnh đạo tối cao ở Việt Nam.
Không ít người cho rằng đây là một “thông lệ” bắt đầu từ Hội nghị Thành Đô năm 1990, hội nghị mà cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch từng cảnh báo là sẽ đưa Việt Nam bước vào “một thời kỳ bắc thuộc rất nguy hiểm”. Tuy nhiên trên thực tế, Bắc Kinh đã thò bàn tay lông lá của mình vào chính trường Việt Nam từ trước đó rất lâu.

Ngược dòng thời gian, sau thảm hoạ diệt chủng mang tên “Cải cách Ruộng đất” do Đảng Cộng sản Việt Nam phát động, Trưởng ban Cải cách Ruộng đất Trung ương Trường Chinh bị biến thành con dê tế thần và mất chức Tổng Bí thư vào tháng 10/1956. Lúc bấy giờ, trong số những trợ thủ thân cận nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại tướng Võ Nguyên Giáp nổi lên như là ứng cử viên số một để tiếp quản chiếc ghế mà ông Trường Chinh để lại. Vậy nhưng, sau một thời gian ông Hồ Chí Minh (Chủ tịch Đảng) kiêm nhiệm chức vụ Tổng Bí thư, tại Đại hội lần thứ III Đảng CSVN năm 1960, nhân vật được bầu vào vị trí Bí thư Thứ nhất lại là ông Lê Duẩn, một người mới từ Miền Nam ra Hà Nội cuối năm 1957, chứ không phải là ông Võ Nguyên Giáp, người từng sát cánh với ông Hồ Chí Minh suốt mười mấy năm.
Một số người, trong đó có đại tá Bùi Tín, cựu Phó TBT báo Nhân Dân, cho rằng việc ông Võ Nguyên Giáp bị loại và ông Lê Duẩn được chọn xuất phát từ ý chí của ông Hồ Chí Minh. Theo họ, sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành một tên tuổi nổi bật trên thế giới. Uy tín của ông Võ Nguyên Giáp trong nhân dân lớn tới mức, sau thất bại thảm hại của cuộc Cải cách Ruộng đất, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị đã phải cử ông thay mặt họ nhận tội và xin lỗi nhân dân tại sân vận động Hàng Đẫy vào ngày 29/10/1956. Ông Hồ Chí Minh lo sợ trước viễn cảnh một vị Tổng Bí thư với vầng hào quang chói lọi sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” sẽ khiến hình ảnh của mình bị lu mờ.
Tuy nhiên, trong cuộc trò chuyện mới đây giữa chúng tôi với đại tá Đoàn Sự, một sự thật hoàn toàn khác lại hé lộ. Đại tá Đoàn Sự là em ruột của đại tá Lê Trọng Nghĩa, nguyên Cục trưởng Cục Quân báo (nay là Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng), trợ thủ đắc lực của đại tướng Võ Nguyên Giáp và bị bắt trong vụ án “xét lại chống đảng” tháng 2/1968. Đại tá Đoàn Sự là phiên dịch tiếng Trung tại đại bản doanh của đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ, và có thời gian làm thư ký cho ông. Từ năm 1955-1959, ông là phó tuỳ viên quân sự tại Đại sứ quán Việt Nam ở Trung Quốc. Ông cũng từng mấy lần tháp tùng và phiên dịch cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cuộc gặp với lãnh đạo Trung Quốc.
Với vị thế đó, đại tá Đoàn Sự là một nhân chứng lịch sử, một trong số ít người nắm được những bí mật thuộc hàng “thâm cung bí sử” của chế độ. Ông cho biết, sau khi ông Trường Chinh bị mất chức, ông Hồ Chí Minh tạm quyền Tổng Bí thư và chủ trương đưa ông Võ Nguyên Giáp lên ngồi vào chiếc ghế đó. Vì thế, ông đã bí mật cử ông Võ Nguyên Giáp sang Trung Quốc để “tham vấn” ý kiến của Bắc Kinh. Ông Hồ nói với ông Võ Nguyên Giáp: “Thôi bây giờ chú trút bỏ quân phục đi. Chú phải làm nhiệm vụ này. Nhưng trước hết là ta phải sang trao đổi với Trung Quốc, trên đường chú đi Tiệp Khắc dự Đại hội Đảng CS Tiệp Khắc.”
Sau khi trở thành đại tướng, tổng tư lệnh quân đội, ông Võ Nguyên Giáp luôn mặc quân phục mỗi khi tham gia các sự kiện hay các cuộc gặp gỡ, giao đãi. Thói quen này vẫn được ông duy trì cho đến những năm tháng cuối đời. Chuyến sang Tiệp Khắc lần đó là một dịp hiếm hoi ông mặc quần áo dân sự, mà mục đích là để tạo hình ảnh của một Tổng Bí thư tương lai.
Đoàn Việt Nam sang Tiệp Khắc dự Đại hội Đảng CS Tiệp Khắc lần thứ 11 năm 1958 gồm có đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Tố Hữu và một vài người khác. Cả đi lẫn về đoàn đều dừng chân ở Bắc Kinh. Mặc dù đoàn gặp Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông sau khi từ Tiệp Khắc trở lại Bắc Kinh, nhưng thực ra đó mới là mục đích chính của đoàn.
Đại tá Đoàn Sự đã gặp Mao Trạch Đông từ trước. Theo ông, đó là một con người cao to, hách dịch và ăn nói thì rất khó nghe. Tham dự cuộc gặp bên phía Trung Quốc còn có Phó Thủ tướng Lý Tiên Niệm. Phía Việt Nam còn có ông Nguyễn Khang, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc. Đại tá Đoàn Sự làm phiên dịch cho đoàn Việt Nam. Trong cuộc gặp, Mao Trạch Đông hết lời khen ngợi ông Võ Nguyên Giáp, nào là “Võ Tổng tài ba lắm”, “Võ Tổng giỏi giang lắm”, v.v. Tuy nhiên, cuối cùng ông ta lại chốt một câu: “Nhưng tôi thấy hình như Võ Tổng chưa làm công tác lãnh đạo địa phương bao giờ cả thì phải? Chưa làm qua tỉnh uỷ… gì gì cả. Võ Tổng toàn là thân chinh bách chiến, toàn là đánh nhau cả. Cho nên tôi cũng e ngại là Võ Tổng có ít kinh nghiệm về chuyện này [làm Tổng Bí thư]. Tôi đã trao đổi với mấy người. Chúng tôi không dám có ý kiến gì về chuyện đồng ý hay không đồng ý. Nhưng chúng tôi thấy là ở Việt Nam còn nhiều đồng chí giỏi lắm mà, như đồng chí Lê Duẩn này, đồng chí Lê Đức Thọ này, v.v. Các đồng chí cũng nên cân nhắc xem thế nào.”  
Đây là một cuộc gặp bí mật. Hai bên không ghi chép gì. Bên Việt Nam chỉ đến trao đổi rồi lẳng lặng ra về. Sau cuộc gặp, ông Võ Nguyên Giáp nói với ông Đoàn Sự: “Thôi thế là trật rồi. Mình giờ lại khoác quân phục rồi.” Và trước khi mặc lại quân phục, ông đã chụp ảnh kỷ niệm với người cộng sự thân tín một thời, ghi lại hình ảnh hiếm hoi của mình trong bộ quần áo dân sự.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đại tá Đoàn Sự sau cuộc gặp với Mao Trạch Đông tại Bắc Kinh năm 1958. Ảnh do đại tá Đoàn Sự cung cấp.
Thời điểm diễn ra cuộc gặp giữa Mao Trạch Đông và ông Võ Nguyên Giáp thì bà vợ hai của ông Lê Duẩn là Nguyễn Thuỵ Nga cũng mới sinh người con trai út Lê Kiên Trung ở Bắc Kinh. Theo thông tin mà người ta rỉ tai nhau vào lúc đó thì ông Lê Duẩn phải đưa vợ bé sang Trung Quốc và tá túc trong Đại sứ quán Việt Nam vì bị bà vợ cả đánh ghen. Tuy nhiên, sau những gì đã xẩy ra cùng tiết lộ của đại tá Đoàn Sự thì rất có thể đây là chiêu mà ông Lê Duẩn nghĩ ra để lấy được lòng tin của Bắc Kinh.
Ông Lê Duẩn đem vợ con sang Bắc Kinh như một thứ “con tin” để đổi lấy sự ủng hộ của Bắc Kinh cho ngôi vị Tổng Bí thư. Vậy ông Đinh Thế Huynh lấy gì để “thế chấp” cho các ông chủ Trung Nam Hải?
Hội nghị Trung ương 4 khoá XII kết thúc, người ta nhận thấy Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải, một người Hán trá hình, “cha đẻ” của Formosa Hà Tĩnh cùng hàng loạt hiểm hoạ Trung Quốc khác ở Việt Nam và là người bị tố cáo những tội ác khủng khiếp suốt hơn 8 năm nay nhưng vẫn không được giải quyết đúng pháp luật, lại xuất hiện nổi bật trên truyền thông sau một thời gian khá trầm lắng: phát biểu trong chương trình thời sự VTV 19h về tái cấu trúc nền kinh tế, chỉ đạo công an Hà Nội xử lý vụ nhân viên Vietnam Airlines bị hành hung… (Theo một nguồn tin của chúng tôi, ông Hoàng Trung Hải vẫn thường lui tới nhà ông Đinh Thế Huynh từ hồi ông ta còn làm Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.)
Tối 28/10 vừa qua, buổi lễ kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Câu lạc bộ bóng đá No-U FC, nơi tập hợp những tiếng nói đấu tranh ôn hoà chống bá quyền Trung Quốc, dù đã phải diễn ra trong khuôn viên Nhà thờ DCCT Thái Hà để đảm bảo an toàn nhưng vẫn bị chính quyền Hà Nội huy động một lực lượng an ninh hùng hậu đến bao vây và tiến hành cắt điện, ngắt internet, phá sóng điện thoại di động. Một số nhà hoạt động thậm chí còn bị công an ngăn cản tại nhà, không cho đến địa điểm tổ chức.
Phải chăng cặp bài trùng Hoàng Trung Hải - Nguyễn Phú Trọng sắp sửa nhường sân chơi cho cặp bài trùng cũng đặc biệt nguy hiểm cho tương lai đất nước là Hoàng Trung Hải - Đinh Thế Huynh? Và "con ngựa thành Troy" Hoàng Trung Hải lại tiếp tục kiểm soát ban lãnh đạo tối cao của Việt Nam hòng tiếp tục gieo rắc tai ương cho dải đất hình chữ S này?

* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 


Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.




Nguồn: VOA