Sunday, August 28, 2016

Cuộc hội ngộ thú vị và ý nghĩa với linh mục Nguyễn Văn Lý

Lê Anh Hùng | ViệtNam Thời Báo | 29.8.2016



Nghe danh và ngưỡng mộ linh mục Nguyễn Văn Lý đã lâu, vì thế kể từ khi LM được trả tự do hôm 20/5/2016, tôi rất mong được một lần diện kiến ngài. Tuy nhiên, cũng phải mãi mới đây, trong chuyến “Nam du” cùng nhà báo Nguyễn Vũ Bình, tôi mới thực hiện được mong ước của mình.
Tôi thì mới lần đầu tiên may mắn được LM Nguyễn Văn Lý biết đến “tên tuổi”, nhưng nhà báo Vũ Bình thì đã từng có thời gian 12 tháng (5/2004 – 2/2005 và 3/2007 – 6/2007) ở chung với ngại tại trại giam Ba Sao (Nam Hà). Mặc dù thời gian 12 tháng trong tù họ không có cơ hội nhìn thấy nhau (do bị giam ở 2 khu khác nhau, cách nhau  khoảng 40m), nhưng giữa 2 người cũng đã có không ít kỷ niệm chung, bởi họ vẫn thường trao đổi với nhau qua bức tường ngăn cách. Vì thế đây còn là một cuộc hội ngộ đầy thú vị của 2 người bạn tù kỳ cựu Nguyễn Văn Lý và Nguyễn Vũ Bình.

LM Nguyễn Văn Lý chưa hoàn toàn bình phục về sức khoẻ, nhưng ngài vẫn tỏ ra rất minh mẫn. Ngài đặc biệt quan tâm đến hiện tình và tương lai của đất nước, cũng như các giải pháp để đưa nước nhà thoát khỏi hiểm hoạ bắc thuộc và kiếp nạn cộng sản. Sau hàng chục năm nếm trải đủ các loại nhà tù của cộng sản, hết lần này lại lần khác, ngài chỉ muốn dốc hết toàn bộ sức lực và trí tuệ còn lại cho công cuộc thoát Trung và dân chủ hoá đất nước. Ngài nói với chúng tôi: “Mỗi ngày, tôi thường thức dậy vào lúc 4h30 sáng để làm lễ. Trong khi đó, đêm nào cũng thức trên 12h khuya; nhiều đêm đến 2h sáng còn chưa ngủ. Tôi ăn uống ngay tại phòng này để tiết kiệm thời gian. Vì như thế tôi chỉ mất 10 phút cho mỗi bữa ăn. Còn nếu ra ngoài ăn với mọi người thì phải mất ít nhất 40 phút cho mỗi bữa.”
Ở ngài toát lên một nghị lực phi thường, một trí tuệ sâu sắc và đặc biệt là óc hài hước, dí dỏm. Tôi có cảm giác bất cứ ai gặp ngài cũng đều được ngài truyền cho sức mạnh tinh thần mãnh liệt cũng như tình yêu quê hương đất nước dạt dào, cháy bỏng của ngài.
Đến Huế lần này, tại nơi ở của LM Nguyễn Văn Lý (Nhà Chung, 69 Phan Đình Phùng, Huế), chúng tôi còn may mắn được gặp LM Phan Văn Lợi, đồng chủ tịch Hội Cựu Tù nhân Lương tâm Việt Nam. Cùng với bác sỹ Nguyễn Đan Quế ở Sài Gòn, ngài là một trong 2 người Việt Nam bị nhà cầm quyền cộng sản quản thúc vô pháp luật vô thời hạn, sau khi đã nếm trải 7 năm tù bất công từ 1981-1988. Chừng đó đủ cho thấy mức độ “nguy hiểm” của ngài đối với “sự nghiệp” của bè lũ buôn dân bán nước ở Việt Nam.
Từ  trái qua: nhà báo Nguyễn Vũ Bình, LM Nguyễn Văn Lý, tác giả (Lê Anh Hùng), LM Phan Văn Lợi
LM Phan Văn Lợi, LM Nguyễn Văn Lý và nhà báo Nguyễn Vũ Bình đang hàn huyên, trò chuyện
Tác giả (phải) và LM Nguyễn Văn Lý
Chia tay hai linh mục khả kính và tạm biệt cố đô mộng mơ, xinh đẹp, cầu chúc hai vị luôn mạnh khoẻ, tràn đầy hồng ân của Chúa và tiếp tục sự nghiệp cao cả phụng sự cộng đồng, xã hội và đất nước của mình.


Thursday, August 18, 2016

Thảm hoạ Formosa Hà Tĩnh: tội ác mang tên Nguyễn Phú Trọng

Lê Anh Hùng | VOA| 18.8.2016



Sự vô cảm, vô trách nhiệm khó chấp nhận của nhà lãnh đạo tối cao
Thảm hoạ môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra bắt đầu bùng phát ở Miền Trung từ đầu tháng 4/2016. Vụ việc chấn động nhân tâm này đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục triệu người Việt, khiến công chúng trong cả nước đi từ bất ngờ đến hoang mang lo lắng và phẫn nộ.
Trong bối cảnh đó, ngày 21 & 22/4/2016, TBT Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và làm việc tại Hà Tĩnh. Những tưởng người đứng đầu hệ thống chính trị ở Việt Nam sẽ thăm hỏi, động viên hàng vạn đồng bào bỗng nhiên bị lâm vào cảnh dở sống dở chết trước khi đưa ra những quyết sách hợp tình, hợp lý nhằm giải quyết hậu quả, ổn định tình hình. Nhưng không, trong suốt hai ngày trời trên đất Hà Tĩnh, ngài TBT đã không hề hé răng lấy nửa lời về thảm hoạ khủng khiếp đó, chẳng thèm ngó ngàng gì đến đám dân đen khốn khổ trong khi vẫn điềm nhiên đến Vũng Áng để “kiểm tra tiến độ” dự án Formosa Hà Tĩnh.

Rời khỏi Hà Tĩnh, ông ta lại tiếp tục im thin thít về vụ việc. Hơn ba tháng sau, trong Hội nghị tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp diễn ra ngày 18/7, lần đầu tiên ông ta mới nhắc đến sự vụ đang khiến dư luận sục sôi kia khi phát biểu: “Sự cố cá chết… gây khó khăn cho công tác bầu cử” (!). Câu phát ngôn lạnh lùng, vô cảm đó nhanh chóng trở thành đề tài đàm tiếu của dân chúng.
Sự bàng quan, vô cảm đến mức không thể chấp nhận được của nhà lãnh đạo quốc gia lại càng khiến người ta phải đặt câu hỏi về trách nhiệm của ông ta trong vụ thảm hoạ môi trường thế kỷ này.
Ai là “cha đẻ” của Formosa Hà Tĩnh?
Như báo chí nhà nước đã loan tải, ông Võ Kim Cự, nguyên Phó Chủ tịch và về sau trở thành Chủ tịch UBND rồi Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, là một nhân vật chủ chốt liên quan đến dự án Formosa Hà Tĩnh. Vai trò của ông Võ Kim Cự đã được báo chí nói đến nhiều; vì vậy trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin không bàn thêm. Tuy nhiên, theo mục (a) khoản (2) Điều 37 “Dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư” của Nghị định 108/2006/NĐ-CP “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư” do Chính phủ ban hành ngày 22/9/2006, việc phê duyệt dự án Formosa Hà Tĩnh thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở đó, ngày 4/3/2008, PTT Hoàng Trung Hải đã ký công văn hoả tốc số 323/TTg-QHQT “đồng ý chủ trương cho Tập đoàn công nghiệp nặng Formosa - Đài Loan lập Dự án đầu tư nhà máy liên hợp luyện thép và cảng nước sâu Sơn Dương tại Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh”. Ngày 6/6/2008, ông Hoàng Trung Hải lại ký tiếp công văn số 869/TTg-QHQT “đồng ý việc Tập đoàn công nghiệp nặng Formosa thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương tại Khu Kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh”.
Dự án Formosa Hà Tĩnh hoàn toàn nằm trong phạm vi chức trách của ông Hoàng Trung Hải. Vì thế, không chỉ là người ký hai văn bản quan trọng nhất đưa đến sự ra đời của dự án, ông ta còn dành cho nó hàng loạt ưu đãi “vô tiền khoáng hậu”: miễn thuế tài nguyên với hoạt động hút cát san nền; chỉ đạo Bộ LĐ-TB-XH cho áp dụng cơ chế đặc thù, linh hoạt để đáp ứng việc đưa lao động nước ngoài vào dự án Formosa; cho phép Formosa hoàn tất các thủ tục theo quy định để thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và hộ gia đình công nhân thuê hoặc mua, v.v. Vai trò của ngài PTT phụ trách kinh tế lớn đến mức tháng 6/2014, Formosa Hà Tĩnh còn gửi thẳng công văn cho ông ta để đề xuất thiết lập đặc khu kinh tế gang thép, mà không thèm gửi cho bất kỳ ai khác.
Trên thực tế, ông Võ Kim Cự chỉ là một phó chủ tịch tỉnh; một mình ông ta không thể đủ sức cho ra đời một dự án khổng lồ liên quan đến nhiều bộ ngành trong một khoảng thời gian ngắn kỷ lục với hàng loạt ưu đãi chưa từng có như thế. Đúng hơn, ông ta chỉ là một tay sai đắc lực nhằm thực hiện ý đồ của cấp trên. Xin dẫn ra đây hai bằng chứng: (i) Ngày 15/1/2008, Formosa gửi “Thư bảo đảm xin đầu tư xây dựng dự án cảng Sơn Dương và khu liên hợp gang thép tại Hà Tĩnh” cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và mặc dù đây là thư gửi cho Thủ tướng ở Hà Nội nhưng ngay hôm sau, từ Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự đã ký công văn số 102/UBND/CN2  gửi Thủ tướng Chính phủ về dự án của Formosa; và (ii) Mặc dù bị công khai tố cáo nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng từ năm 2014 đến nay, nhưng ông ta vẫn cứ “bình chân như vại”, và ở tuổi 59 chuẩn bị nghỉ hưu, ông ta vẫn trở thành Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam và Đại biểu Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế Quốc hội khoá XIV.

Cặp bài trùng Hoàng Trung Hải – Võ Kim Cự tại Trung Quốc ngày 10/6/2015. Ảnh: Lê Anh Hùng
Trách nhiệm của ông Nguyễn Phú Trọng trong hiểm hoạ Hoàng Trung Hải
Ngày 7/5/2007, tức trước thời điểm Quốc hội khoá XII thông qua thành phần nhân sự Chính phủ khoá mới gần 3 tháng, một số đảng viên cao cấp đã gửi Tâm Huyết Thư tố cáo lý lịch mờ ám của ông Hoàng Trung Hải đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư cùng các ủy viên Trung ương Đảng khác. Lúc bấy giờ ông Hoàng Trung Hải là Bộ trưởng Công nghiệp và được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cử vào chiếc ghế Phó Thủ tướng trong Chính phủ nhiệm kỳ tới. Những người soạn thảo bức thư, trong đó có ông Nguyễn Bình Giang, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương, Trưởng đoàn Thẩm tra Lý lịch ông Hoàng Trung Hải, đã khẳng định: Ông Hoàng Trung Hải là người dân tộc Hoa bởi bố ông ta tên là Sì Sói, sinh ra và lớn lên ở Long Khê, Chương Châu, Phúc Kiến, Trung Quốc, chứ không phải người Kinh như trong bản lý lịch man trá của ông ta.
Các tác giả bức Tâm Huyết Thư đã dùng những lời lẽ hết sức thống thiết để đề nghị các cấp lãnh đạo cao nhất trong hệ thống chính trị ngăn chặn một hiểm họa vô cùng lớn cho đất nước – đó là việc một người Hán trá hình được giao nắm giữ những vị trí đặc biệt quan trọng trong bộ máy.
Vậy nhưng, bất chấp tất cả, ngày 2/8/2007, Quốc hội khoá XII do ông Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch vẫn phê chuẩn ông Hoàng Trung Hải làm Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế, vị trí quan trọng thứ hai trong Chính phủ, theo sự đề cử của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.


Tác giả (bên trái) và ông Nguyễn Bình Giang, người đứng tên trong bức Tâm Huyết Thư tố cáo ông Hoàng Trung Hải là người Hán trá hình.

Chưa hết, từ ngày 21/4/2008 đến nay, tác giả bài viết này – Lê Anh Hùng – đã 75 lần gửi đơn thư qua mạng Internet tới đầy đủ các cơ quan hữu quan ở Việt Nam để tố cáo PTT Hoàng Trung Hải những tội ác khủng khiếp như giết người, buôn bán ma túy, trùm băng đảng, cung cấp tài liệu liên quan đến an ninh quốc gia cho nước ngoài… Trong thư tố cáo, tôi đã nêu rõ ông Hoàng Trung Hải đã khống chế và thao túng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và TBT Nông Đức Mạnh, biến họ thành tay sai đắc lực phục vụ cho mưu đồ thôn tính Việt Nam của Bắc Kinh.
Ngày 5/8/2008, Công an Quảng Trị đã mời tôi lên làm việc. Trong buổi làm việc, tôi đã ký vào tập đơn thư hàng chục trang cũng như biên bản làm việc, cam đoan chịu trách nhiệm trước pháp luật về những gì mình tố cáo. Một vụ tố cáo hết sức nghiêm trọng mà đối tượng những người đứng đầu chế độ như thế thì dĩ nhiên Công an Quảng Trị và Bộ Công an phải báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, trong đó có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.
Vậy nhưng, thay vì lẽ ra phải giải quyết vụ việc để kết tội hoặc những kẻ bị tố cáo hoặc người tố cáo theo đúng quy định của pháp luật, Công an Quảng Trị lại rình rập và “bắt quả tang” tôi ngoài tiệm Internet vì hành vi “tuyên truyền chống phá nhà nước” vào ngày 25/12/2009, tức gần 17 tháng kể từ ngày tôi làm việc với họ và hơn 20 tháng kể từ ngày tôi bắt đầu gửi đơn tố cáo qua mạng, rồi tống tôi vào trại tâm thần một cách vô đạo đức, vô pháp luật.
Sau khi được trả tự do vào ngày 24/8/2010, tôi lại gửi đơn thư qua mạng đến các cơ quan hữu trách để tố cáo tội ác của bộ ba Hoàng Trung Hải - Nguyễn Tấn Dũng - Nông Đức Mạnh. Ngày 6/6/2012, tôi trực tiếp gửi đơn thư cho ĐBQH Dương Trung Quốc, và ngày 19/6/2012, ông đã chuyển đơn thư của tôi cho Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng. Ông Dương Trung Quốc đã mấy lần thúc giục ông Nguyễn Sinh Hùng cũng như đã lưu ý Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang về vụ việc. Mãi hơn một năm sau, ngày 18/7/2013, ông mới chuyển cho tôi văn bản của Bộ Công an trả lời Quốc hội về vụ tố cáo của tôi. Trong cái văn bản bị cắt đầu cắt đuôi đó, nhà chức trách Việt Nam lại một lần nữa chà đạp lên những nguyên tắc pháp lý cơ bản nhất để bác bỏ vụ tố cáo.
Không đồng ý với cách giải quyết vô pháp luật đó, ngày 16/9/2013 tôi lại trực tiếp gửi đơn thư lần thứ hai cho ĐBQH Dương Trung Quốc. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, dù đã gần 3 năm trôi qua và tôi đã nhiều lần thúc giục, thậm chí còn đăng thư ngỏ trên truyền thông quốc tế, ông Dương Trung Quốc vẫn chưa trả lời về vụ tố cáo của tôi, đơn giản là vì nhà chức trách chưa trả lời ông.
Một vụ tố cáo đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến những người lãnh đạo đất nước, được chuyển đến tận tay Chủ tịch Quốc hội thì TBT Nguyễn Phú Trọng không những phải biết mà còn là người phải chịu trách nhiệm cao nhất trong việc giải quyết vụ việc.

Bauxite Việt Nam, diễn đàn của giới trí thức yêu nước quốc nội, đăng bản yêu cầu giải quyết đơn thư tố cáo lãnh đạo đảng và nhà nước của tác giả vào ngày 4/11/2015.
Do vụ tố cáo của tôi không được giải quyết nên ngày 2/12/2012, nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh đã được khởi công xây dựng với sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người bị tố cáo là tay sai đắc lực của ông Hoàng Trung Hải và đã ngồi xổm lên pháp luậtkhi bảo lưu thời hạn cho Formosa thuê đất 70 năm.
Nếu ông Nguyễn Phú Trọng thực hiện đúng chức trách Chủ tịch Quốc hội của mình, không phê chuẩn ông Hoàng Trung Hải vào vị trí Phó Thủ tướng do những sai phạm đã được nêu trong bức Tâm Huyết Thư thì chắc chắn sẽ không có Formosa Hà Tĩnh cũng như hàng loạt hiểm hoạ Trung Quốc khác trên đất Việt Nam mà “tác giả” chính là ông Hoàng Trung Hải.
Nếu ông Nguyễn Phú Trọng thực hiện đúng chức trách Chủ tịch Quốc hội khóa XII và Tổng Bí thư Đảng CSVN khóa XI, yêu cầu giải quyết vụ tố cáo của tôi một cách đúng pháp luật thì tất cả các dự án kinh tế nguy hiểm do ông Hoàng Trung Hải “đạo diễn”, trong đó có Formosa Hà Tĩnh, đều phải bị rà soát lại và tạm ngưng.
Với tư cách người đứng đầu Đảng CSVN, ông Nguyễn Phú Trọng phải chịu trách nhiệm chính khi ông Hoàng Trung Hải không những không bị xử lý mà còn lọt vào Bộ Chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ XII và trở thành Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Điều này cũng có nghĩa là hiểm hoạ Formosa Hà Tĩnh không thể được giải quyết rốt ráo chừng nào ông Nguyễn Phú Trọng còn ngồi trên chiếc ghế Tổng Bí thư.
Formosa Hà Tĩnh là thảm hoạ môi trường lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Không những thế, nó còn là đại hiểm hoạ về kinh tế và đặc biệt là an ninh - quốc phòng. Hậu quả do nó gây ra sẽ còn ảnh hưởng nặng nề tới nhiều thế hệ người Việt trong hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm nếu dự án nguy hiểm này vẫn tiếp tục tồn tại. Về mặt quân sự, nó chẳng khác gì mũi dao gí vào yết hầu đe doạ sự tồn vong của đất nước. Nó là chiến tích ngoạn mục của tập đoàn cướp nước Trung Nam Hải, thông qua “con ngựa thành Troy” Hoàng Trung Hải, song lại là tội ác muôn đời không thể gột rửa của bè lũ Việt gian tay sai mà TBT Nguyễn Phú Trọng là người phải chịu trách nhiệm cao nhất.
  • Xem thêm:  
  1. Ông Nguyễn Phú Trọng chủ tâm rước giặc vào nhà?
  2. Tài liệu tố cáo Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang bán nước
* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 


Lê Anh Hùng
Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.





Nguồn:VOA

Tuesday, August 9, 2016

Ông Nguyễn Phú Trọng chủ tâm rước giặc vào nhà?

Lê Anh Hùng | VOA| 10.8.2016




Ông Nguyễn Phú Trọng tiếp lãnh đạo Huawei ngày 9/4/2015
Cộng đồng mạng Việt Nam vẫn chưa hết bàn tán về vụ nhóm hacker 1937CN của Trung Quốc gây sự cố tại sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất chiều ngày 29/7 vừa qua. Đám hacker đã tấn công trang web của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam rồi chiếm quyền điều khiển hệ thống thông tin tại sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Nội Bài, trước khi tung ra những thông tin xuyên tạc về vấn đề Biển Đông, xúc phạm Việt Nam và Philippines.
Sự cố này khiến nhiều người giật mình lo lắng, bởi hiện nay hạ tầng mạng của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào các công ty Trung Quốc, đặc biệt là Huawei và ZTE. Đây là hai tập đoàn từ nhiều năm qua đã bị vạch mặt chỉ tên là công cụ phục vụ đắc lực cho chính quyền Trung Quốc trong hoạt động thu thập thông tin tình báo trên khắp thế giới. Vào tiện ích Google gõ dòng chữ “Huawei; ZTE; gián điệp” thì chỉ nửa giây sau, công cụ tìm kiếm này đã cho ra hơn 13.000 kết quả. Nghĩa là thông tin về việc hai tập đoàn thiết bị viễn thông này làm gián điệp cho chính quyền Bắc Kinh đã đầy rẫy trên mạng.

Cuối tháng 1/2015, trang Thanh Niên Onlinekhởi đăng loạt bài 5 kỳ với nhan đề “'Chó sói' Huawei và nguy cơ cho an ninh viễn thông Việt Nam”, trong đó có đoạn: “Theo báo cáo của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam công bố tháng 4.2013, có tới 6/7 hãng viễn thông ở Việt Nam đang sử dụng thiết bị công nghệ của Huawei và ZTE. Đặc biệt, hiện có hơn 30.000 trạm thu phát sóng (BTS) của các nhà mạng Việt Nam sử dụng thiết bị của hai tập đoàn Trung Quốc này.” Bài báo cho biết thêm là nhiều nước, đặc biệt là Mỹ, Anh, Australia và Ấn Độ đã “cấm cửa” Huawei từ lâu. Thậm chí, Michael Hayden, cựu giám đốc Cơ quan An ninh Mỹ (NSA) và Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) còn thẳng thừng khẳng định chuyện Huawei làm gián điệp cho Bắc Kinh là điều “không phải bàn cãi”.
Những thông tin về việc Huawei và ZTE làm gián điệp cho nhà cầm quyền Trung Quốc không phải gần đây mới nổi lên, mà đã xuất hiện từ nhiều năm trước.
Ngày 30/3/2009, tờ Daily Mail của Anh đăng bài: “China could use BT network to launch cyber attack and cripple Britain'” (tạm dịch: “Trung Quốc có thể sử dụng mạng lưới của British Telecom để phát động cuộc tấn công mạng làm tê liệt nước Anh”). Theo đó, Chủ tịch Uỷ ban Tình báo Liên hợp Alex Allen được cho là đã thông báo về mối đe doạ này trong một cuộc họp của uỷ ban liên bộ về an ninh quốc gia hồi tháng 1/2009. Tháng 4/2005, Huawei đã ký hợp đồng cung cấp những bộ phận then chốt cho mạng viễn thông mới của British Telecom. “Một cuộc tấn công mạng có thể làm ngưng trệ mạng lưới cung cấp điện, nước, hệ thống phân phối thực phẩm, giao thông vận tải, tài chính, điện thoại và truyền hình” – bài báo viết.
Ngày 30/4/2010, tờ New York Times đăng bài “India Tells Mobile Firms to Delay Deals for Chinese Telecom Equipment” (tạm dịch: “Chính phủ Ấn Độ yêu cầu các hãng điện thoại di động hoãn các thương vụ mua thiết bị viễn thông Trung Quốc”). Theo bài báo, lo ngại trước cáo báo cáo về hoạt động gián điệp và hacker của Trung Quốc, chính phủ Ấn Độ đã ngăn các nhà mạng di động trong nước giao dịch với các công ty sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc.
Ngày 28/6/2010, tạp chí Tia Sáng (Bộ Khoa học & Công nghệ) đăng bài “Chiến lược chiếm lĩnh thị trường thế giới của Trung Quốc”, trong đó có đoạn: “Ngay cả các nhân viên tình báo Đức cũng phải nhăn mặt mỗi khi nghe đến cái tên Huawei và họ luôn cảnh báo bên liên quan phải hết sức cảnh giác, nhất là đối với các lĩnh vực cần có độ an toàn cao. Người ta cho rằng điệp viên Trung Quốc có thể đột nhập lối cửa sau vào các công trình mà Huawei cung cấp thiết bị mạng để lấy thông tin mật của doanh nghiệp mà không sợ bị lộ.”
Ngày 1/8 vừa qua, trang Bauxite Việt Nam đã đăng bài “Huawei (Hoa Vi)”. Trong bài, tác giả Mạnh Kim viết: “…Cho đến nay, dù nhiều lần báo chí trong nước đề cập yếu tố an ninh quốc gia liên quan sử dụng các thiết bị Hoa Vi nhưng chưa từng có động thái cụ thể gì từ giới chức trách trong việc giám sát các thương vụ làm ăn cũng như hệ thống kỹ thuật mà Hoa Vi cung cấp. […] Nếu các hệ thống mạng cấp quốc gia, từ mạng an ninh nội bộ, hệ thống điện lưới quốc gia, đến hệ thống điện tử quốc phòng, bị tấn công thì sẽ phản ứng như thế nào…”
Tuy nhiên, nếu từ đó mà vội đi đến kết luận rằng lãnh đạo Việt Nam không quan tâm gì đến Huawei, ZTE nói riêng và an ninh mạng quốc gia nói chung thì quả là oan ức cho họ. Bằng chứng là ngài Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhân vật vẫn được coi là đứng đầu chính thể hiện hành ở Việt Nam, từng ít nhất hai lần xuất hiện trên mặt báo cùng hai cái tên nói trên. Vậy với tư cách là người phải chịu trách nhiệm cao nhất về những gì diễn ra ở Việt Nam hơn 5 năm qua, ông ta đã quan tâm lo lắng cho vấn đề an ninh quốc gia hệ trọng này như thế nào?
Trong chuyến công du Trung Quốc lần đầu tiên trên cương vị Tổng Bí thư ĐCSVN, ông Nguyễn Phú Trọng đã dẫn đoàn tuỳ tùng hùng hậu của mình đến thăm tập đoàn Huawei tại thành phố Thẩm Quyến, tỉnh Quảng Đông vào ngày 14/10/2011. Tại trụ sở tập đoàn này, ngài TBT đã chứng kiến lễ ký biên bản ghi nhớ giữa Huawei và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) về việc thành lập Trung tâm Phát triển, Nuôi dưỡng và Ứng dụng ICT.

Ông Nguyễn Phú Trọng và bộ sậu thăm Huawei ngày 14/10/2011.
Chưa hết, trong chuyến thăm Trung Quốc lần thứ hai từ 7-10/4/2015, TBT Nguyễn Phú Trọng đã tiếp lãnh đạo hai tập đoàn Huawei và ZTE tại Bắc Kinh vào ngày 9/4/2015. Báo điện tử Chính phủ cho biết:
“…Tổng Bí thư chúc mừng những thành công của Hoa Vi trong hoạt động sản xuất kinh doanh... Tổng Bí thư đánh giá cao kết quả hợp tác của Hoa Vi với các công ty viễn thông của VN và sự hỗ trợ trong đào tạo nhân lực thuộc lĩnh vực thông tin - viễn thông của VN. Tổng Bí thư mong rằng Hoa Vi sẽ tiếp tục triển khai nhiều dự án hợp tác làm ăn hiệu quả tại VN, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp, mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của VN cũng như tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước. 
[…] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao những nỗ lực của Trung Hưng (ZTE) trong việc triển khai các dự án hợp tác về lĩnh vực truyền thông và tín hiệu đường sắt; hy vọng hai bên sẽ tăng cường hợp tác, trao đổi trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học mà hai bên cùng quan tâm. Trong những năm qua, Công ty Trung Hưng (ZTE) đã thực hiện được gần 50 dự án, trong đó có dự án hiện đại hóa thông tin tín hiệu 3 tuyến đường sắt phía Bắc và khu đầu mối Hà Nội. Đại diện Công ty Viễn thông Trung Hưng cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi để Trung Hưng hoạt động hiệu quả tại VN, đồng thời mong muốn tiếp tục được sự hỗ trợ, thúc đẩy thực hiện giai đoạn II dự án hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt.”
Với việc được người chịu trách nhiệm cao nhất về an ninh quốc gia hết dành cho đặc ân thăm viếng tận nơi lại đến lượt ưu tiên tiếp đón trọng thị và nhiệt thành ủng hộ việc mở rộng hợp tác làm ăn tại Việt Nam thì liệu còn ai trong cái đám “công bộc” vốn chỉ biết “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” kia dám to gan “ý kiến ý cò” gì về Huawei hay ZTE?
Tác giả Mạnh Kim kết thúc bài viết về Huawei của mình bằng câu: “Chủ quyền không chỉ liên quan biển đảo. Chủ quyền là các vấn đề bảo vệ an ninh quốc gia nói chung trong đó có an ninh mạng…” Về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, ông Nguyễn Phú Trọng đã để lại cho hậu thế câu phát ngôn bất hủ: “Tình hình Biển Đông không có gì mới” (!!!). Còn về trách nhiệm bảo vệ an ninh quốc gia trong lĩnh vực mạng viễn thông thì với những gì nêu trên, chẳng phải là người đứng đầu Đảng CSVN đã chủ tâm “cõng rắn cắn gà nhà”, “rước voi về dày mả tổ” hay sao?

* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 


Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.





Nguồn: VOA

Chúa đảo Đào Hồng Tuyển ồ ạt san lấp biển ở Tuần Châu

Lê Anh Hùng | Việt Nam Thời Báo | 10.8.2016



Ngày 5/5/2016, trang mạng của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đăng bài “Hạ Long: nén bạc đâm toạc di sản”. Trong bài viết, chúng tôi đã báo động thực trạng hai tập đoàn Vingroup và Sun Group đang thi nhau xâu xé Vịnh Hạ Long, địa danh hai lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Trong chuyến thăm đảo Tuần Châu mới đây, chúng tôi lại phát hiện ra Tập đoàn Tuần Châu của “chúa đảo” Đào Hồng Tuyên đã và đang ồ ạt san lấp thêm hàng trăm ha xung quanh đảo, xâm phạm nghiêm trọng vùng đệm (vốn bị cấm xâm phạm theo hồ sơ di sản cũng như quy định của UNESCO) và lấn gần ra tới vùng lõi của di sản thiên nhiên thế giới Hạ Long.

Những động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, hang Sò… trong vùng lõi di sản đã rất gần với đảo Tuần Châu.
Đâu đâu cũng thấy dấu hiệu của hiện tượng san lấp biển vô tội vạ.
Hình ảnh cho thấy người ta dùng cả sà lan để vận chuyển đất cát san lấp, thể hiện quy mô của hoạt động san lấp.
Dấu vết xe tải vận chuyển đổ đất lấn dần về phía vùng lõi di sản.
San lấp lấn biển tứ phía. Chỉ một tầm tay là tới vùng lõi di sản.
Trời không biết còn của ta hay không, biển không biết còn của ta hay không, nhưng sổ đỏ thì đã chắc chắn đã mang tên Đào Hồng Tuyển.
Diện tích san lấp lấn biển lớn đến mức Tuần Châu đã đủ diện tích để phát triển thành một thị xã, thậm chí thành phố.
Câu hỏi không thể không đặt ra ở đây: Trách nhiệm này thuộc về ai?

Friday, August 5, 2016

Vay tiền Trung Quốc làm đường Móng Cái - Vân Đồn: quy trình bán nước?

Lê Anh Hùng | VOA| 5.8.2016





Cửa khẩu Móng Cái
Lời cảnh báo hơn 2 năm trước…
Ngày 9/4/2014, trang mạng của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đã đăng bài “Trục đường cửa ngõ chiến lược Móng Cái - Hạ Long sẽ rơi vào vòng kiểm soát của TrungQuốc?”. Trong bài viết, chúng tôi đã cảnh báo nguy cơ trục đường Móng Cái - Hạ Long sẽ rơi vào vòng kiểm soát của Trung Quốc thông qua việc Việt Nam vay vốn của họ để thực hiện dự án xây dựng tuyến đường này.
Ngày 23/5/2015, VOA lại đăng bài “Vìsao TQ cấm làm đường gần biên giới, còn VN lại mở toang cửa ngõ biên giới với TQ?”. Bài viết nêu lên một thực tế là để đề phòng Việt Nam tấn công qua biên giới, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã ngưng một dự án làm đường của chính quyền một thành phố nằm gần biên giới Trung - Việt.

Trong khi đó, phía Việt Nam lại gần như mở toang cửa ngõ biên giới với Trung Quốc bởi tất cả các hướng tiến quân chính của Trung Quốc trong cuộc xâm lược Việt Nam tháng 2/1979 là Móng Cái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai và Lai Châu đều đã hoặc sắp có đường cao tốc nối từ biên giới Việt - Trung về Hà Nội. Trước khi chiến sự nổ ra, các tuyến đường cao tốc này đã và đang góp phần đắc lực giúp Trung Quốc hiện thực hoá âm mưu thôn tính Việt Nam về mặt kinh tế.
…và thực tế hiện tại
Hơn hai năm sau lời cảnh báo nói trên, công chúng Việt Nam đang xôn xao và tỏ thái độ rất bất bình trước thông tin Bộ Giao thông Vận tải lại đề xuất vay vốn Trung Quốc để xây dựng tuyến cao tốc Móng Cái - Vân Đồn. Dự án xây dựng đường cao tốc này gồm 2 giai đoạn; trong đó, giai đoạn 1 đầu tư nền đường 4 làn xe, mặt đường 2 làn xe, tổng chiều dài 96km, tốc độ thiết kế 80-100km/h; nhà tài trợ là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, với vốn vay dự kiến 304,9 triệu USD trên tổng số 382 triệu USD tổng mức đầu tư.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Dân Trí ngày 28/7 vừa qua, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã bày tỏ thái độ ủng hộ việc vay vốn Trung Quốc để thực hiện dự án trên.
Trước băn khoăn của phóng viên khi nêu những hậu quả nhãn tiền của việc Việt Nam vay vốn Trung Quốc để thực hiện dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông, ngài PTT kiêm Ngoại trưởng của Việt Nam đã thản nhiên phát biểu: “Khi đánh giá dự án tiến triển nhanh hay chậm, nó không chỉ có một nguyên nhân, có rất nhiều nguyên nhân khác như có thể do quá trình giải phóng mặt bằng chậm, có nguyên nhân sử dụng hiệu quả các nhà thầu phụ... Chứ không phải do đồng tiền nó làm chậm mà sử dụng thế nào cho hiệu quả thì cơ quan, đơn vị triển khai phải biết sử dụng. Nhưng thực tế, chúng ta cũng phải nhìn nhận, nếu dùng nguồn vốn vay mà dự án bị kéo dài thì vốn vay càng đắt lên, thời gian trả nợ kéo dài, thời gian ân hạn ngắn lại. Chúng ta không triển khai nhanh thì sẽ thiệt hại nhiều(!!!).
Quy trình bán nước?
Trong bài “Bàn tay ‘lông lá’ của Bắc Kinh đã nắm được PTT Phạm Bình Minh trong vụ đường cao tốc Móng Cái - Vân Đồn?”, nhà văn Phạm Viết Đào – người từng lập một blog chuyên đăng các tư liệu về cuộc chiến tranh biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc từ 1979-1990 rồi bị bắt ngay trước thềm chuyến thăm Trung Quốc tháng 6/2013 của Chủ tịch VN Trương Tấn Sang – đã viết:
“Qua cách trả lời của PTT Phạm Bình Minh, chúng ta thấy ông tách các khoản ODA của Trung Quốc ra thành 2 công đoạn: công đoạn vay tiền và công đoạn triển khai dự án bằng tiền vay. Theo cách biện giải của PTT Phạm Bình Minh thì các hệ lụy phần lớn thường xảy ra từ các dự án có nguồn vốn ODA từ Trung Quốc ở công đoạn 2: ‘…do quá trình giải phóng mặt bằng chậm, có nguyên nhân sử dụng hiệu quả các nhà thầu phụ... Chứ không phải do đồng tiền nó làm chậm mà sử dụng thế nào cho hiệu quả…’
Với cách ngụy biện này, PTT Phạm Bình Mình muốn chỉ ra: hệ lụy là do khâu ‘triển khai’ dự án chứ không do khâu ‘đi vay tiền’. Với cách lập luận này, ông đã bật đèn xanh cho Bộ GTVT có thể vay ODA từ Trung Quốc…”
Nhà văn Phạm Viết Đào còn vạch trần động cơ đằng sau thái độ hữu hảo, tốt bụng của Trung Quốc khi cho Việt Nam vay với lãi suất ưu đãi để phát triển cơ sở hạ tầng. Tuyến đường cao tốc này sẽ kết nối vùng kinh tế Quảng Châu - Quảng Đông phát triển của Trung Quốc với khu vực cảng biển miền bắc Việt Nam, qua đó tạo thuận lợi cho sự lưu thông hàng hóa của Trung Quốc sang Việt Nam, bóp chết nền sản xuất trong nước, cũng như thông qua cửa ngõ Việt Nam để thâm nhập các thị trường khác. Nguy hiểm hơn, vùng Vân Đồn - Quảng Ninh vốn là địa bàn sinh sống của hàng vạn người Hoa trước đây, họ đã quay về Trung Quốc sau chiến dịch nạn kiều 1978-1979; việc Trung Quốc cấp vốn để xây tuyến đường cao tốc sẽ tạo điều kiện cho người Hoa quay lại địa bàn này sinh cơ lập nghiệp vì họ còn nhiều quan hệ tại đây.
Ông viết tiếp: “Khi Việt Nam vay được khoản tiền 7000 tỷ này của Trung Quốc rồi, các nhà thầu Trung Quốc sẽ vào thi công, Đảng CS Trung Quốc lại chỉ đạo các nhà thầu này giở ra bao chiêu trò, gây ra biết bao hệ lụy cho đất nước, cho nhân dân Việt Nam, cho môi trường sinh thái, gây ra các vấn nạn xã hội và cho cả bản thân nền kinh tế…”
Vụ việc mới nhất liên quan đến bàn tay lông lá của Bắc Kinh này lại càng đặc biệt đáng lo ngại bởi thời gian qua, chúng tôi đã vạch trần việc Trung Quốc bày ra rất nhiều mưu kế hết sức tinh vi và quỷ quyệt nhằm mục đích chiếm lĩnh những vị trí xung yếu về an ninh quốc phòng trên khắp Việt Nam, trong khi các quan chức dính líu đến thảm hoạ Formosa ở Miền Trung thì đang ra sức biện bạch rằng họ đã làm “đúng quy trình”.
Xem ra, mối bận tậm của các vị “đầy tớ nhân dân” ở Việt Nam không phải là những hệ luỵ sâu rộng về chính trị - kinh tế - xã hội cũng như an ninh - quốc phòng từ các quyết sách của họ, mà chỉ là việc liệu những quyết sách đó có diễn ra “đúng quy trình” hay không thôi.
Những “quy trình” dẫn đến hàng loạt hiểm hoạ “made in China” như Formosa Hà Tĩnh hay dự án cao tốc Móng Cái - Vân Đồn kia là gì nếu không phải là quy trình bán nước?

* Blog của Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 


Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.





Nguồn: VOA