Monday, March 28, 2016

Thư ngỏ gửi ĐBQH Dương Trung Quốc về vụ tố cáo Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải

Lê Anh Hùng | VOA| 28.3.2016 | 



Kính thưa ĐBQH Dương Trung Quốc!
Tên tôi là Lê Anh Hùng, sinh ngày 27/8/1973; CMND số 042073000036 do Cục Cảnh sát ĐKQL Cư trú và DLQG về Dân cư cấp ngày 17/4/2015; hộ khẩu thường trú tại Tổ 2, Cụm 5, Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội.
Trước hết, xin được gửi tới ông lời chào kính trọng và những lời chúc tốt đẹp nhất nhân dịp đầu năm mới Bính Thân.
Thưa ông! Tôi là người đã 2 lần trực tiếp gửi đơn thư tố cáo các ông Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cho ông.

Lần thứ nhất là vào ngày 6/6/2012. Ngày 19/6/2012, ông trao cho tôi tờ xác nhận là ông đã chuyển đơn thư của tôi cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, người đã nói với ông vào ngày 25/10/2012 rằng “đây là vụ việc phức tạp lắm”. Sau nhiều lần thúc giục ông qua điện thoại cũng như gặp trực tiếp, hơn 1 năm sau, ngày 18/7/2013, ông chuyển cho tôi một văn bản mà ông nói là công văn của Bộ Công an trả lời Quốc hội về vụ việc của tôi. Trong văn bản đó, ông đã bỏ qua việc Bộ Công an chà đạp lên pháp luật khi không đếm xỉa gì tới Bản Cam Đoan của vợ tôi với tư cách là người từng nằm trong đường dây ma tuý của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, chưa kể hàng loạt sai phạm trắng trợn khác.
Lần thứ hai là vào ngày 16/9/2013. Sau đó ông cho tôi biết là ông chuyển đơn thư cho Bộ Công an. Và gần hai năm rưỡi đã trôi qua nhưng đến nay tôi vẫn chưa hề nhận được câu trả lời của ông về vụ việc đặc biệt nghiêm trọng đó, dù tôi đã nhiều lần liên lạc và thúc giục ông.
Ngày 2/11/2015, tôi đã gửi cho ông bản "Yêu cầu giải quyết đơn thư tố cáo lãnh đạo Đảng và Nhà nước" (mà trang Bauxite Việt Nam, diễn đàn của giới trí thức Việt Nam yêu nước, đã đăng ở địa chỉ http://www.boxitvn.net/bai/38719). Ông xác nhận với tôi qua điện thoại là ông đã nhận được tập đơn thư. Tuy nhiên sau đấy, khi tôi nhiều lần liên lạc với ông để hỏi về tiến triển của vụ việc thì ông lại tiếp tục im lặng, không hề hồi âm gì.

Bản yêu cầu giải quyết đơn thư tố cáo lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã được trang Bauxite Việt Nam, diễn đàn của giới trí thức yêu nước, đăng tải ngày 4/11/2015
Ngày 14/11/2012, trong phiên chất vấn tại Quốc hội, trước những sai lầm của chính phủ và cá nhân Thủ tướng, ông đã thẳng thắn đặt câu hỏi với Thủ tướng về văn hoá từ chức. Mới đây, ngày 10/2/2016, trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông đã tuyên bố dứt khoát: “Giặc nội xâm phải ‘xử’ ngay, còn ngoại xâm cứ đến là đánh.” Đó là một phần những gì đã làm nên một Dương Trung Quốc rất nổi bật trong nghị trường Quốc hội Việt Nam, một Dương Trung Quốc “địa chỉ đỏ” của bao số phận oan nghiệt.
Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi với ông ngày 3/6/2012, ông cho tôi biết là ông Nguyễn Bình Giang, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng ba khóa VI–VII–VIII, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương và là người đứng tên trong bức Tâm Huyết Thư ngày 7/5/2007 của nhiều cán bộ cao cấp tố cáo ông Hoàng Trung Hải là người Hán khai man lý lịch, từng chuyển cho ông bức thư ấy. Sau đó, ông chuyển bức thư cho một bà Uỷ viên Trung ương Đảng, ĐBQH tỉnh Đồng Nai, để bà chuyển cho người phụ trách nhân sự của Đảng.
Rõ ràng, không ai đủ tư cách hơn ông Nguyễn Bình Giang, Trưởng đoàn Thẩm tra lý lịch ông Hoàng Trung Hải của Ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương, để kết luận về lý lịch của ông Hoàng Trung Hải: bố ông Hải tên là Sì Sói, sinh ra và lớn lên ở Long Khê, Chương Châu, Phúc Kiến, Trung Quốc. Vì thế, ông Hoàng Trung Hải là người Hán, chứ không phải là người Kinh như trong bản lý lịch man trá của ông ta.
Ông Nguyễn Bình Giang (phải) và tác giả (Lê Anh Hùng) tại nhà riêng của ông ngày 18/2/2016
Cơ quan chức năng đã không trả lời ông, và ông cũng đã không lên tiếng để yêu cầu họ phải trả lời về vấn đề hết sức nhạy cảm và quan trọng đó. Kết quả là ngày 2/8/2007, ông Hoàng Trung Hải đã được các Đại biểu Quốc hội bấm nút phê chuẩn chức vụ Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế theo đề cử của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Từ năm 2007 đến nay, ông Hoàng Trung Hải được Thủ tướng Chính phủ giao phụ trách các lĩnh vực quan trọng nhất của nền kinh tế: công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu, xây dựng, giao thông, tài nguyên - môi trường… cùng một loạt ban bệ quán xuyến cả nền kinh tế và an ninh - quốc phòng của quốc gia.
Sau 9 năm nắm trong tay gần như cả nền kinh tế, “di sản” mà ông Hoàng Trung Hải để lại là những gì?
Xin thưa, đó là một nền kinh tế bị Hán hoá ngày càng nặng nề; đó là một nền công nghiệp mà không một doanh nghiệp nào làm nổi một con ốc vít cho ra hồn (nếu tính cả thời gian ông ta làm Bộ trưởng Công nghiệp nữa thì thời gian ông ta phụ trách nền công nghiệp Việt Nam lên tới… 14 năm); đó là một nền sản xuất chủ yếu là gia công nhờ lợi thế… nhân công rẻ; đó là một thị trường tràn ngập hàng hoá Trung Quốc, từ cái tăm xỉa răng trở đi; đó là một nền nông nghiệp phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc từ giống lúa, thuốc trừ sâu cho đến phân bón (dù là một quốc gia nông nghiệp); đó là một ngành điện lực mà hầu hết các nhà máy nhiệt điện, thuỷ điện hoặc do Trung Quốc làm tổng thầu (EPC) hoặc mua thiết bị Trung Quốc, vốn lạc hậu và hay hỏng hóc (nghĩa là an ninh năng lượng Việt Nam được đặt vào tay Trung Quốc); đó là một ngành xi măng với 24 nhà máy thì có đến 23 nhà máy do Trung Quốc làm tổng thầu; đó là một ngành khai thác khoáng sản mà phần lớn các mỏ khoáng sản đều do người Trung Quốc nắm; đó là tuyến biên giới với Trung Quốc được mở toang bằng hệ thống xa lộ cao tốc theo các hướng tấn công của đội quân xâm lược đến từ phương bắc tháng 2/1979, mở đường cho cuộc xâm lăng kinh tế và quân sự của Trung Quốc…
Người Trung Quốc đã chiếm lĩnh được nhiều vị trí xung yếu về an ninh quốc phòng trên khắp cả nước thông qua hàng loạt dự án kinh tế trá hình thuộc lĩnh vực quản lý của ông Hoàng Trung Hải: hàng trăm ngàn ha rừng đầu nguồn biên giới, 90% dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân… chưa kể tình trạng người Trung Quốc theo chân các dự án mà ông Hoàng Trung Hải “dâng” cho Trung Quốc để lập xóm, lập phố trên khắp Việt Nam.
Xin đơn cử, ông Hoàng Trung Hải là người trực tiếp ký 2 văn bản quan trọng nhất (Công văn số 323/TTg-QHQT ngày 4/3/2008 “đồng ý chủ trương cho Tập đoàn công nghiệp nặng Formosa - Đài Loan lập Dự án đầu tư nhà máy liên hợp luyện thép và cảng nước sâu Sơn Dương tại Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh” và Công văn số 869/TTg-QHQT ngày 6/6/2008 “đồng ý việc Tập đoàn công nghiệp nặng Formosa thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương tại Khu Kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh”) đưa đến sự ra đời của Formosa Hà Tĩnh, một dự án mà rất nhiều nhân sỹ, trí thức, nhà quân sự đã phản đối mạnh mẽ vì hiểm hoạ vô cùng lớn của nó: một doanh nghiệp Trung Quốc được giao một diện tích mặt đất và mặt biển (cùng với cảng nước sâu Sơn Dương, 1 trong 4 tử huyệt của Việt Nam trên Biển Đông) bằng 1,2 lần diện tích Ma Cao ở vị trí cực kỳ xung yếu – trải dài hơn 5km mặt biển dưới chân Đèo Ngang, cách không xa căn cứ quân sự Tam Á của Trung Quốc trên đảo Hải Nam.
Ngày 4/1/2016, trước thông tin Formosa Hà Tĩnh xây cái gọi là “Tháp Tinh thần bão luỹ”cao hàng chục mét, Tiến sỹ Hán nôm Nguyễn Xuân Diện đã bình luận trong bài “TIN NÓNG: Hà Tĩnh đã sẵn sàng làm nội ứng cho giặc Tàu?” như sau: “Tháp ‘Tinh Thần bão lũy’ ư? Nó chính là cái đài phong thủy cắt đứt long mạch miền trung. Nó còn là cái đài quan sát toàn bộ miền trung - nút thắt của Việt Nam. Khi tín hiệu bật lên, Đại Việt bị cắt làm đôi và miền trung bị khống chế hoàn toàn, hiện thực hóa Hiệp ước Thành Đô 1990, bắt đầu thời kỳ Bắc thuộc mới. Nếu trung ương không ngăn chặn việc này thì chính họ là một bè lũ bán nước, từ trên xuống dưới. Quá rõ!”
Bài học lập quốc đầu tiên của người Việt Nam là câu chuyện Mỵ Châu – Trọng Thuỷ. Vậy mà hiện nay, bất cứ một người Việt Nam tỉnh táo nào cũng nhận thấy ở Việt Nam đã xuất hiện vô số cơ sở nội ứng của giặc Tàu, tất cả đều dính líu hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp đến bàn tay lông lá của nhân vật mà nay đã trở thành nhà lãnh đạo tối cao của thủ đô Hà Nội “ngàn năm văn hiến” và là một trong những nhà lãnh đạo quan trọng nhất của Việt Nam. Những gì ông Hoàng Trung Hải gây hại cho Việt Nam và làm lợi cho Trung Quốc diễn ra một cách hết sức bài bản và có hệ thống. Bất kỳ ai với một chút tỉnh táo thôi là đã nhận ra được những thiệt hại không thể đong đếm về kinh tế - xã hội và những hiểm hoạ khôn lường về an ninh - quốc phòng mà ông Hoàng Trung Hải là chính danh thủ phạm.
Ông Hoàng Trung Hải là một người Hán yêu nước nên không thể trách ông ta về những chiến tích mà ông ta lập được cho quê hương của mình.
Những kẻ đã và đang nâng đỡ và ra sức bao che cho ông ta – thực chất là đã bị ông ta khống chế và thao túng như tôi đã tố cáo – rồi sẽ có vị trí xứng đáng trong ngôi đền của những Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc… Chúng ta cũng không cần phải “chê trách” họ.
Đối tượng đáng chê trách ở đây là những người lẽ ra phải lên tiếng đánh động dư luận về hiểm hoạ Hoàng Trung Hải nhằm ngăn chặn bàn tay tội ác của ông ta và vô hiệu hoá mưu đồ thôn tính Việt Nam của Trung Quốc. Và, thật đáng tiếc, ông lại là một trong số đó.
Nếu ông đủ tinh thần trách nhiệm yêu cầu cơ quan chức năng trả lời hoặc lên tiếng trước diễn đàn Quốc hội về vấn đề lý lịch của ông Hoàng Trung Hải qua bức Tâm Huyết Thư mà ông Nguyễn Bình Giang đã tận tay trao cho ông thì chắc chắn ông Hoàng Trung Hải không bao giờ có cơ may ngồi vào chiếc ghế quan trọng thứ hai trong chính phủ và gieo rắc không biết bao nhiêu thảm hoạ cho Việt Nam từ năm 2007 đến nay. (Thiết tưởng không cần phải nhắc lại rằng bà Đặng Thị Hoàng Yến, Đại biểu Quốc hội khoá XII, đã bị bãi miễn tư cách ĐBQH chỉ vì đã “quên” khai bà từng là đảng viên Đảng CSVN. Quyết định số 1275/2007/QĐ-BCA ngày 26/10/2007 của Bộ trưởng Công an thậm chí còn cấm cán bộ, chiến sỹ công an kết hôn với người Hoa.)
Nếu ông đủ tinh thần trách nhiệm để lên tiếng về vụ tố cáo của tôi hay bác bỏ cái “công văn” phi pháp của Bộ Công an mà ông chuyển cho tôi ngày 18/7/2013 thì cho dù vợ chồng tôi có bầm dập đến thế nào dưới “bánh xe công lý” của nền “tư pháp XHCN”, hàng chục triệu người Việt Nam cùng các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước cũng nhận ra được những hiểm hoạ to lớn mà đất nước đã và đang phải đối mặt. Để cứu Việt Nam khỏi âm mưu thôn tính của Trung Quốc, cũng như đưa nước nhà thoát khỏi tình trạng bế tắc và khủng hoảng ngày càng trầm trọng suốt nhiều năm nay, trước hết người dân cần biết được sự thật về hiện tình đất nước.
(Trung Quốc nay đã trở thành vấn đề của cả thế giới, và Việt Nam là một quân cờ quan trọng trong cuộc đối đầu thế kỷ giữa Trung Quốc với Mỹ và đồng minh. Vì thế, bất kỳ nhân tố nào ảnh hưởng đến tiến trình Việt Nam cũng đều là mối quan tâm của các quốc gia liên quan. Mới đây, cả Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ lẫn Đài Á Châu Tự Do, hai cơ quan truyền thông quốc tế quan trọng, đều đưa tin về sự kiện lần đầu tiên một người gốc Tàu trở thành Uỷ viên Bộ Chính trị và Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Rõ ràng, ông ta không chỉ trực tiếp kiểm soát ban lãnh đạo tối cao của Việt Nam trong ít nhất 10 năm nữa, mà thậm chí còn nhiều khả năng trở thành Thủ tướng hay Tổng Bí thư của chế độ.)
Napoleon từng nói: “Thế giới chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà vì sự im lặng của những người tốt.” Chỉ còn hơn một tháng nữa thôi là ông kết thúc nhiệm kỳ Đại biểu Quốc hội thứ ba của mình rồi. Vì vậy, một lần nữa, tôi khẩn thiết đề nghị ông yêu cầu các cơ quan hữu trách giải quyết dứt điểm đúng pháp luật vụ tố cáo của tôi.
Đó không chỉ là trách nhiệm của một Đại biểu Quốc hội đối với một công dân - cử tri. Đó là món nợ của ông với Tổ quốc, với nhân dân, với lịch sử.
Kính chúc ông luôn dồi dào sức khoẻ và hoàn thành tốt trọng trách mà cử tri và nhân dân đã tin tưởng giao phó. Nếu lời lẽ của bức thư có điều gì không phải, rất mong ông rộng lòng lượng thứ cho tôi.
Trân trọng!
Hà Nội, ngày 28/3/2016
Lê Anh Hùng
Tel.: 01243210177; Email: leanhhung2020@gmail.com
Blog: www.leanhhung.com

* Blog của Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 


Lê Anh Hùng

Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.




Nguồn:VOA

Tuesday, March 15, 2016

Nỗi sợ của con người trước ác quỷ

Lê Anh Hùng | VOA| 15.3.2016



Sau hơn 8 năm, tôi mới trở lại Đà Lạt vào một ngày đầu Xuân Bính Thân. Và một trong những điều mà tôi háo hức nhất khi thăm lại thành phố cao nguyên xinh đẹp và đầy mộng mơ quyến rũ này là diện kiến những bậc tiền bối lừng danh trong Nhóm Thân hữu Đà Lạt.
Tên tuổi đầu tiên mà tôi tìm đến là TS Hà Sỹ Phu, người vẫn thường được coi là thủ lĩnh của nhóm học thuật và đấu tranh dân chủ nổi tiếng khắp trong và ngoài nước ở Đà Lạt.
Do người ta đánh lại số nhà nên phải mất một lúc lâu tôi mới tìm được nhà ông theo địa chỉ mà ông công bố trên website cá nhân. Đập vào mắt tôi là một căn nhà cấp bốn nép mình khiêm tốn dưới cái dốc ngắn sát ngay bên đường Bùi Thị Xuân. Cánh cửa ngôi nhà khép chặt cùng ổ khoá bên ngoài báo hiệu chủ nhân đi vắng.

Tôi hỏi nhà hàng xóm thì được biết vợ ông phải vào Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cấp cứu cả tuần nay và ông phải ở trong viện để chăm sóc vợ.
Đến thăm vợ chồng ông ở bệnh viện, tôi khá bất ngờ khi lần đầu tiên được gặp ông ngoài đời – một con người khá nhỏ nhắn chứ không như hình dung của tôi qua các bức ảnh trên mạng. Câu hỏi chợt bật ra trong đầu tôi: Điều gì trong con người nhỏ bé, râu tóc bạc phơ cùng ánh mắt hiền từ và bao dung kia đã khiến cả hệ thống chính trị ở Việt Nam phải khiếp sợ suốt bao năm?
Ông rất cởi mở và chân thành sau khi nghe tôi tự giới thiệu, bởi ông cũng đã biết đến “tên tuổi” tôi từ lâu. Và cuộc trò chuyện của chúng tôi cứ diễn ra như thể giữa hai người thân lâu ngày mới gặp lại nhau.
Ông cho biết, vợ ông bị xuất huyết ở gan, cộng thêm chứng máu khó đông nữa nên bệnh tình rất nguy hiểm. Từ ngày nhập viện bà phải thường xuyên truyền đạm chứ hầu như không ăn uống được gì.
Sức khoẻ ông vốn không tốt, lại phải sống trong cảnh thường xuyên bị nhà cầm quyền sách nhiễu, khủng bố suốt hơn 25 năm qua nên giờ đây tình hình sức khoẻ sa sút nghiêm trọng, với đủ thứ bệnh tật trong người. (Trong khoảng thời gian đó, ngoài một năm ngồi tù, ông còn phải trải qua hơn 400 trăm buổi bị công an hỏi cung và làm việc, mà ông nhận xét là “như vậy thì còn chi là đời một con người nữa?”)
Trước kia, mỗi khi viết sách viết báo, ông cứ viết liền tù tì một mạch, bởi tất cả đã có sẵn trong đầu ông rồi. Chỉ khi nào cần trích dẫn chính xác cho tác phẩm của mình, ông mới phải tra cứu tài liệu. Nhưng giờ thì trí nhớ của ông đã suy giảm nhiều, thường hay quên.
Ông tỏ ra rất thương yêu và quan tâm, lo lắng cho vợ. Ông nói, những gì ông làm được cho cộng đồng, xã hội và đất nước trong hàng chục năm qua trước hết là nhờ sự hy sinh to lớn và thầm lặng của bà.
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi có lẽ còn kéo dài, nếu như không vì trước đấy, khi ông sửa lại gối cho vợ và giới thiệu tôi với bà, tôi thấy bà thì thầm điều gì đó với ông, rồi ông quay sang nói với tôi: “Chúng ta chỉ nên trao đổi chừng 10 phút thôi, bởi tôi còn phải chăm sóc vợ.”
Tôi nhận thấy trong ánh mắt của bà dường như phảng phất một nỗi e sợ nào đấy. Rõ ràng, không chỉ sức khoẻ mà cả tính mạng của bà đang nằm trong tay một cơ sở y tế nhà nước, trong khi vị khách đường đột của vợ chồng bà lúc này lại là một đối tượng vô cùng “nhạy cảm” của chế độ: người vạch trần những tội ác khủng khiếp của một loạt lãnh đạo cộng sản chóp bu kể từ năm 2008 đến nay. Sau bao năm cùng chồng nếm đủ mùi bầm dập từ cái chính thể vẫn tự vỗ ngực “là đạo đức, là văn minh”, bà hoàn toàn ý thức được mối nguy hiểm đó.
Điều này lại càng được xác thực khi tôi đứng lên từ biệt ông bà. Tôi đề nghị chụp với ông bức ảnh lưu niệm, nhưng ông đã hết sức nhã nhặn từ chối.
Nỗi sợ của bà Hà Sỹ Phu hoàn toàn không phải là cá biệt, mà chỉ là một trường hợp điển hình trong xã hội cộng sản.
Đại tá Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Trưởng ban Lịch sử Binh chủng Phòng không - Không quân, là một trường hợp tương tự. Ông từng một thời gian hoạt động khá tích cực trong nhóm các nhà lão thành cách mạng và các trí thức phản tỉnh của chế độ. Tuy nhiên, sau lần phải vào Viện Quân y 108 mổ tim cách đây mấy năm rồi phải thường xuyên uống thuốc do viện cấp, ông không còn tham gia vận động dân chủ nhiều như trước nữa. Điều kiện sức khoẻ chỉ là lý do thứ yếu; quan trọng hơn, như ông từng có lần nói với tôi: “Người ta có thể cắt thuốc tôi bất cứ lúc nào.” Với một người từng là đảng viên, sỹ quan cao cấp, từng viết tới hàng chục tập hồi ký cho các vị tướng quân đội và biết nhiều thứ chuyện “thâm cung bí sử” của chế độ, hơn ai hết ông hiểu tính mạng của mình đang nằm trong tay ai.
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng ở Hải Phòng, thuật lại câu chuyện là năm 2008, trước đám tang Cụ Hoàng Minh Chính, hai viên công an đã đến nhà ông để ngăn cấm ông đi dự đám tang. Họ đã không ngần ngại lấy cái chết vô cùng thương tâm của cặp vợ chồng nghệ sỹ nổi tiếng Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh để doạ ông.
Cái chết đầy bí hiểm của những nhân vật cao cấp trong bộ máy như Dương Bạch Mai, Hoàng Văn Thái hay Lê Trọng Tấn, v.v. vẫn còn là những nghi án lịch sử, mà thủ phạm đáng ngờ nhất lại chính là các “đồng chí” của họ.
Trong cuộc trò chuyện ngày 20/1/2013, Trung tướng Đặng Quốc Bảo (nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn, nguyên Trưởng ban Khoa giáo Trung ương) cho tôi biết là để bày tỏ những điều mà ông tâm huyết nhất về hiện tình đất nước, về tương lai giống nòi với các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, ông đã phải kèm theo những lời lẽ như thế này: “Nếu các anh muốn giết tôi thì dễ thôi vì tôi tự giết tôi. Tôi không còn sống được bao lâu nữa. Các anh không giết tôi thì rồi tôi cũng chết thôi” (!!!).
Nhiều người gặp tôi cũng không khỏi “thắc mắc” là tại sao tôi vẫn còn tồn tại trên đời này sau ngần ấy năm phải đương đầu trực diện với bao thế lực hắc ám. Tôi giải thích với họ rằng gia đình tôi cũng đã “no nê chê chán” với những “ân huệ” của họ, hết trại tâm thần đến nhà tù, cùng bao phen thoát chết trong gang tấc khác. Họ muốn bịt miệng chúng tôi nhưng thành bại lại do ý Trời; điều đó nằm ngoài ý chí của họ. Hơn 8 năm trước, tôi đến Đà Lạt là trên đường trốn chạy khỏi sự truy sát của họ, chứ hoàn toàn không phải tham quan du hí gì. Ngoài ra, nếu họ không giết chúng tôi thì còn có kẻ bán tín bán nghi, chứ họ xuống tay với chúng tôi rồi thì đến đứa trẻ cũng tin những gì chúng tôi tố cáo là sự thật.
Bất luận thế nào tôi cũng chia sẻ với những ai mang trong mình nỗi sợ hãi và cảnh giác thường trực trước cộng sản. Đơn giản, đó không phải là nỗi sợ của con người trước phường trộm cướp bất lương. Đó là nỗi sợ đầy bản năng của con người trước loài ác quỷ. 
  • Blog của Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.


Lê Anh Hùng

Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.





Nguồn: VOA

Friday, March 11, 2016

Công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ bị xoá sổ?

Lê Anh Hùng | VOA| 10.3.2016



Một nhân viên kiểm tra dây chuyền lắp ráp xe tại Hải Dương
Công nghiệp ô tô là ngành kinh tế quan trọng trong hầu hết các nền kinh tế hiện đại. Bản thân chính phủ Việt Nam cũng xác định đây là ngành công nghiệp then trong chiến lược phát triển công nghiệp nói chung.
Tuy nhiên, đã 25 năm trôi qua kể từ khi Mekong Auto và Liên doanh Ô tô Hoà Bình (VMC) đi vào hoạt động năm 1991, năm đánh dấu sự ra đời của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, bức tranh toàn cảnh ngành công nghiệp vốn rất được kỳ vọng này vẫn còn rất nham nhở.
Hiện Việt Nam có 11 liên doanh sản xuất, lắp ráp ô tô cùng khoảng 30 doanh nghiệp nội địa hoạt động trong lĩnh vực này, mà nòng cốt là Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), gồm 11 doanh nghiệp FDI và 6 doanh nghiệp nội địa.

25 năm là quãng thời gian mà những Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan… đã làm nên những kỳ tích kinh tế, khiến thế giới phải ngưỡng phục. Nhưng cũng 25 năm, tính từ năm 1991 đến nay, cái gọi là ngành “công nghiệp ô tô” ở Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở những dây chuyền lắp ráp ô tô gần như hoàn toàn thủ công, với những công đoạn đơn giản cuối cùng, chứ chưa có bất kỳ một dây chuyền lắp ráp tự động hiện đại nào. Sản phẩm của các doanh nghiệp lắp ráp chủ yếu là các thương hiệu nước ngoài, chứ Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu nào cho ra hồn, dù phần lớn linh kiện lắp ráp cũng nhập khẩu.
Tháng 7 năm ngoái, ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng Giám đốc Vinaxuki, doanh nghiệp từng là niềm hy vọng lớn nhất trong giấc mơ sản xuất xe ô tô “made in Vietnam”, đã phải ngậm ngùi rao bán nhà xưởng để trả nợ, đồng thời cho biết là “sẽ rút lui và không mơ tưởng gì tới sản xuất ô tô nữa”.
Giá xe ô tô ở Việt Nam cao gấp 1,5-2 lần các nước trong khu vực và gấp 3 lần giá xe ở Mỹ, chủ yếu là do thuế và phí chiếm tới phân nửa trong cơ cấu giá xe. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng giao thông ở Việt Nam lại bất cập, chậm phát triển, mà lý do chủ yếu là vì quản lý nhà nước yếu kém, khi chi phí làm đường cao tốc ở Việt Nam cao gấp 3 lần so với ở Mỹ.
Mức giá xe cắt cổ và điều kiện hạ tầng giao thông tệ hại là hai nhân tố chính khiến quy mô thị trường ô tô ở Việt Nam vẫn quá nhỏ bé, với chỉ khoảng 100.000-200.000 xe được tiêu thụ mỗi năm. Để so sánh, năm 2013 thị trường Indonesia tiêu thụ 1.229.901 chiếc ô tô; Thái Lan tiêu thụ 1.330.672 chiếc.
Quy mô thị trường quá nhỏ bé khiến các nhà sản xuất linh kiện (công nghiệp phụ trợ) không mặn mà tham gia thị trường và các doanh nghiệp nước ngoài thì chẳng thiết tha gì với việc đầu tư chiều sâu để đưa công nghệ hiện đại vào Việt Nam. Vì thế, sau 25 năm, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn chủ yếu là lắp ráp, tỷ lệ nội địa hoá rất thấp, chỉ từ 10-30% tuỳ từng dòng xe, với những chi tiết và bộ phận đơn giản, giá trị thấp.
Do phải nhập phần lớn linh kiện và thiếu đầu tư chiều sâu để cơ giới hoá, tự động hoá (vì sản lượng thấp) nên giá thành sản xuất ô tô ở Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Song nhờ chính sách bảo hộ sản xuất trong nước mà các nhà sản xuất ô tô ở Việt Nam vẫn “sống khoẻ” hết năm này qua năm khác, trong bối cảnh người tiêu dùng Việt Nam phải trả những cái giá cắt cổ để được sở hữu một chiếc ô tô, còn ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn chỉ đơn thuần là những dây chuyền lắp ráp thủ công.
Tuy nhiên, đến năm 2018, khi tỷ lệ thuế nhập khẩu xe từ các nước ASEAN giảm còn 0% theo lộ trình trong Hiệp định thương mại tự do AFTA, “bầu sữa” bảo hộ đó sẽ không còn nữa. Các nhà sản xuất ô tô trong nước sẽ phải bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ đến từ ASEAN, đặc biệt là Thái Lan và Indonesia. Và giải pháp khôn ngoan cho các nhà sản xuất ô tô trong nước lúc ấy là thay vì nhập linh kiện để lắp ráp từng chiếc ô tô, họ sẽ nhập ô tô nguyên chiếc và chấm dứt hoạt động lắp ráp, qua đó chính thức gióng lên hồi chuông báo tử cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Đấy là viễn cảnh mà một số liên doanh sản xuất ô tô lớn, chẳng hạn như Toyota, đã thẳng thắn cảnh báo chính phủ Việt Nam.
Thực ra, không cần phải đợi đến thời điểm 2018, mà những gì diễn ra trên thị trường ô tô Việt Nam mấy năm gần đây đã thể hiện xu thế trên, khi tỷ trọng ô tô nhập nguyên chiếc trong tổng lượng ô tô được cung cấp ra thị trường không ngừng tăng lên, trong bối cảnh chính phủ vẫn mạnh mẽ bảo hộ sản xuất trong nước:

Bảng 1: Số lượng ô tô lắp ráp và nhập khẩu mấy năm gần đây. (Ghi chú: Số liệu ở đây được lấy từ Niên giám Thống kê 2014, Niên giám Thống kê 2012Tổng cục Hải quan. Hiện Tổng cục Thống kê vẫn chưa công bố số liệu thống kê về sản lượng ô tô lắp ráp năm 2015; con số 200.000 ô tô lắp ráp là giá trị ước đạt.)
Năm 2015, giữa lúc các nhà lãnh đạo Việt Nam đang đắm chìm trong những bài diễn văn hùng hồn cùng bầu không khí hân hoan tưng bừng của “những ngày lễ lớn”, như 70 năm “Cách mạng Tháng Tám” hay 40 năm “Giải phóng Miền Nam”, v.v… thì Campuchia đã “trình làng” chiếc ô tô đầu tiên mang thương hiệu Campuchia, trong sự ngỡ ngàng xen lẫn xấu hổ của người láng giềng Việt Nam.
Thất bại của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, qua những phân tích ở trên, mang đậm “dấu ấn” của một bộ máy quản lý nhà nước cồng kềnh, yếu kém và tham nhũng.
“Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 5/10/2004 đã thất bại thảm hại. Tác giả của bản “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 25/7/2014 dường như cũng ở đâu đó trên mây.
Xem ra, nếu thể chế chính trị hiện hành ở Việt Nam không sớm được cải cách, ngành công nghiệp ô tô khó tránh khỏi viễn cảnh phát triển èo uột rồi bị xoá sổ trong những năm tới, và giấc mơ về một “thương hiệu ô tô Việt Nam” vẫn mãi xa vời.


  • Blog của Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Lê Anh Hùng

Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.




Nguồn: VOA

Tuesday, March 8, 2016

Kinh tế Việt Nam: nguy cơ chìm nghỉm trong vòng xoáy ‘Hán hoá’

Lê Anh Hùng | VOA| 8.3.2016



Kết thúc năm 2015, những gì mà dư luận từng lên tiếng báo động về một nền kinh tế lệ thuộc vào Trung Quốc lại càng trở nên nặng nề hơn bao giờ hết. Giá trị hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến 49,52 tỷ USD trong khi giá trị xuất khẩu lại chỉ 16,6 tỷ USD, đẩy mức nhập siêu từ Trung Quốc trong năm 2015 lên đến gần 33 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Tốc độ gia tăng nhập khẩu từ Trung Quốc tiếp tục lớn hơn tốc độ gia tăng xuất khẩu sang thị trường này khiến tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng, chiếm đến gần 30%.

Bảng 1: Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc từ năm 2000 – 2015. (Số liệu do tác giả tập hợp và tính toán từ niên giám thống kê 2000 – 2012 và báo chí nhà nước.) 
Đồ thị 1: Tỷ trọng nhập khẩu từ TQ và xuất khẩu sang TQ trong tổng kim ngạch XNK của Việt Nam. Đường xu hướng có độ dốc cao, biểu thị xu hướng gia tăng liên tục của tỷ trọng hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc từ năm 2000 đến nay.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là những số liệu chính thức mà cơ quan chức năng thống kê được, chứ chưa tính đến giá trị hàng hoá nhập lậu từ Trung Quốc, vốn tràn lan trên thị trường Việt Nam. Đó là lý do chính khiến số liệu của cơ quan thống kê Trung Quốc về giá trị Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam và cơ quan thống kê Việt Nam về giá trị Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc vênh nhau tới gần 20 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2014.
Nếu tính cả con số phi chính thức đó, tỷ trọng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ lên đến con số gần 50% trong tổng kim ngạch nhập khẩu, biến Việt Nam trên thực tế trở thành “sân nhà” của các sản phẩm “made in China”.
Một nền kinh tế với quy mô chỉ chừng 200 tỷ USD mà giá trị hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc lại lên đến mức xấp xỉ 70 tỷ USD (tức là hơn 1/3 GDP của Việt Nam), xem ra Việt Nam đã trở thành “một bộ phận không thể tách rời” của nền kinh tế Trung Quốc. Và càng ngày sự thật đó càng trở nên hiển nhiên.

Nguồn: VOA

Friday, March 4, 2016

Những cuộc chiến ý thức hệ sắp tới của Trung Quốc

Lê Anh Hùng dịch



Trong kỷ nguyên của cải cách, tăng trưởng kinh tế chi phối tất cả. Nhưng giờ đây, sự hồi sinh của những tín điều đối chọi nhau đã chia rẽ xã hội Trung Hoa.

Với phần lớn người Trung Quốc, thập niên 1990 chứng kiến sự lên ngôi của chủ nghĩa thực dụng vật chất. Phát triển kinh tế là mối quan tâm chính trị - xã hội quan trọng nhất, trong khi những hệ tư tưởng nhà nước đa dạng vốn là nhân tố định hướng chính sách trong những thập niên đầu tiên của nền Cộng hoà Nhân dân lại lui dần vào hậu trường. Những cuộc đấu tranh ý thức hệ khốc liệt từng đánh dấu sự kết thúc của thập niên 1970 cũng như thập niên 1980 đã khiến dân chúng kiệt quệ, khiến họ chỉ còn háo hức chú tâm vào những cơ hội kinh tế mà trước đấy họ chưa từng biết đến.

Giờ đây, xu thế lại thay đổi. Xã hội Trung Hoa rõ ràng là đang tái khám phá, hay ít nhất là tái xếp đặt thứ tự ưu tiên, những khát vọng về đạo đức và ý thức hệ. Vài năm qua, các lực lượng ý thức hệ cũng như sự chia rẽ ý thức hệ đã quay trở lại vị trí trung tâm trong đời sống chính trị và xã hội ở Trung Quốc, và có nhiều bằng chứng thuyết phục cho thấy tình trạng căng thẳng về ý thức hệ trong giới tinh hoa Trung Quốc hiện đang cao hơn so với bất kỳ thời điểm nào kể từ sau các cuộc biểu tình năm 1989. Hình ảnh về một nước Trung Hoa “hậu ý thức hệ” (post-ideological) đang trở nên ngày một lỗi thời.
Dù vậy, dường như khá ít nhà quan sát hay nhà hoạch định chính sách lại suy xét khả năng theo đó các nhóm tinh hoa ở Trung Quốc là những tạo vật ý thức hệ, hoặc thậm chí là họ có thể đang ứng phó với một công chúng nhuốm màu ý thức hệ. Đây là một sự thay đổi đáng chú ý với những liên đới sâu sắc dành cho công tác hoạch định chính sách. Chỉ một hay hai thập niên trước, nhiều nhà bình luận còn cảm thấy khó khăn khi phải thừa nhận rằng các chính trị gia Trung Quốc – hoặc thậm chí là những người Trung Hoa có học vấn – hoàn toàn không phải là những người theo tư tưởng cộng sản chủ nghĩa. Đầu thập niên 2000, ý tưởng theo đó các nhóm tinh hoa ở Trung Quốc không còn tin chủ nghĩa cộng sản vẫn là một ý tưởng mới mẻ, đôi khi dẫn đến thái độ hoài nghi và phản ứng trái ngược. Để so sánh, bất kỳ ai hiện nay khăng khăng cho rằng lý tưởng cộng sản vẫn chi phối quá trình hoạch định chính sách của Trung Quốc đều có nguy cơ huỷ hoại danh tiếng của mình như một người am hiểu Trung Quốc nghiêm túc.
Ý tưởng về một Trung Quốc hậu ý thức hệ ra đời như thế nào? Cách diễn giải khoan dung – và có lẽ đúng – về sự thay đổi này là nó chỉ đơn thuần phản ảnh một sự thay đổi chung về quan điểm trong xã hội Trung Hoa. Cuộc đàm luận về chính trị và xã hội ở Trung Quốc đã chuyển hướng từ những luận điểm mang màu sắc ý thức hệ sang thứ chủ nghĩa thực dụng mềm dẻo mà các cựu lãnh tụ Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân thường cổ vũ. Ở đây vẫn còn một cách diễn giải ít khoan dung hơn: sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt là sự tăng trưởng bền vững của nó trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đã tạo ra một ý thức về tính dễ tổn thương và, do đó, một tâm tính hoang mang trong nhiều nhà phân tích phương Tây, những người vội đi đến – và vẫn tiếp tục tin vào – cái kết luận rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc là những kẻ tối đa hoá tính hiệu dụng (utility) một cách tàn nhẫn và hiệu quả, những kẻ chuyên kiếm chác từ cái thế giới phát triển vốn mềm mại hơn, duy tâm hơn và phải chịu những ràng buộc dân chủ.
Dù với lý do gì đi nữa thì cái hình ảnh rập khuôn về thứ chủ nghĩa thực dụng Trung Quốc có lẽ cũng đã hết thời hạn sử dụng. Ở Trung Quốc ngày nay, những dấu hiệu về sự hồi sinh ý thức hệ xuất hiện khắp nơi. Rõ ràng nhất là hiện tượng một số biểu tượng, mà từ lâu người ta nghĩ là đã chết, đã hồi sinh một cách nổi bật, và trong một số trường hợp còn rất thành công, qua những phát ngôn chính trị trên bình diện quốc gia. Đầu tiên là việc khôi phục lại hình ảnh Chủ tịch Mao Trạch Đông như là thành tố cốt lõi của câu chuyện huyền thoại về sự ra đời của Đảng CSTQ cùng tính chính danh lịch sử của nó. Như một số học giả và nhà bình luận đã ghi nhận, trong vài bài phát biểu gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã coi Mao không chỉ là người cha sáng lập Đảng mà còn là một biểu tượng về cam kết của Đảng đối với chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân tuý. Điều này đánh dấu một sự chuyển hướng quan trọng từ lối đối xử xem nhẹ và gần như miễn cưỡng mà dường như những người tiền nhiệm của Tập, đặc biệt là Hồ Cẩm Đào, từng dành cho Mao. Thật đáng tò mò, trong khi những tín hiệu ngôn từ của Tập được bình luận ngay lập tức thì những hàm ý chính sách tiềm tàng của chúng lại phần lớn không được nghiên cứu, nếu không muốn nói là bị phủi bỏ ngay như thể chúng chẳng có gì quan trọng cả.
Mao không phải là nhân vật duy nhất được phục hồi về mặt ý thức hệ. Khổng Tử cũng đã trở thành một nhân vật ngày càng nổi bật trong những phát ngôn chính trị ở Trung Quốc. Và các nhà lãnh đạo Đảng thì thường xuyên trích dẫn các triết gia cổ đại, như Mạnh Tử, Trang Tử hay Hàn Phi. Bản thân Tập thường lập luận rằng, “để giải quyết những vấn đề của mình… [Trung Quốc cần] khai thác triệt để kho tàng minh triết vĩ đại mà đất nước Trung Hoa đã tích luỹ được trong suốt 5.000 năm qua”. Sự ủng hộ của nhà nước đối với các dự án như Học viện Khổng Tử mới ở Quý Dương (tỉnh lỵ Quý Châu, khai trương từ năm 2013) khiến những phát ngôn chính trị như thế hàm chứa một mức độ nghiêm túc nhất định và điều này đã truyền cảm hứng cho các nhà hoạt động tân Khổng giáo. Tuy nhiên, những nỗ lực nhằm truyền sức sống mới cho tư tưởng Trung Hoa cổ đại cũng khiến những bộ phận khác, mang xu hướng tự do chủ nghĩa nhiều hơn, trong cộng đồng mạng ở Trung Quốc lên tiếng báo động và bày tỏ sự khinh thị. Họ có xu hướng coi các quy tắc đạo đức xã hội của Nho giáo là lạc hậu và hẹp hòi.
Người ta dễ dàng, và có lẽ là thèm muốn, phủi bỏ những sáng kiến này như thể đó là sự tuyên truyền ý thức hệ đầy toan tính do một chính thể độc tài vốn đang phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về kinh tế, xã hội và chính trị chưa có tiền lệ tiến hành. Chắc chắn ở đây có một sự thật nào đó; chỉ có điều là nó lại quá ư đơn giản. Thực ra, người ta cũng có thể lập luận một cách thuyết phục như thế rằng, Đảng CSTQ đã đóng một vai trò thụ động, chứ không phải chủ động: các chiến dịch ý thức hệ nhằm hồi sinh những nhân vật như Mao và Khổng phản ánh những trào lưu tư duy trí tuệ và văn hoá đã nhanh chóng giành được ảnh hưởng trong tầng lớp người Trung Hoa có học vấn cao trong năm đến bảy năm qua. Xét chiều sâu và động năng của những trào lưu này, Đảng hoàn toàn có thể sẽ tìm cách bắt kịp. Bản thân Tập dường như cũng đã thừa nhận như thế qua bài phát biểu nổi tiếng ngày 19/8/2013, trong đó ông ta cho rằng Đảng đang đối mặt với một làn sóng thách thức nghiêm trọng về ý thức hệ, và cần phải phản ứng mạnh mẽ hơn.
Hai diễn biến quan trọng nhất trong địa hạt tư duy trí tuệ ở Trung Quốc từ cuối thập niên 1990 có lẽ là sự trỗi dậy của khuynh hướng Tân Tả (“New Left”) hùng mạnh và sự phục hồi của một trào lưu tân Khổng giáo tuy thiếu tổ chức song ngày càng giành được ảnh hưởng. Khuynh hướng Tân Tả kết hợp những cảm tính dân tộc chủ nghĩa – như một bài xã luận tháng 1/2010 trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo tuyên bố, “chúng ta không muốn trở thành một thuộc địa của lối tư duy trí tuệ phương Tây” – cùng sự bất mãn rộng khắp với tình trạng bất bình đẳng kinh tế để đi đến lời kêu gọi mạnh mẽ về một cuộc “tái thiết chủ nghĩa xã hội”, và điều này sẽ dẫn tới sự phục hồi của nhiều chính sách kinh tế kế hoạch hoá thập niên 1980 cũng như việc tăng cường kiểm soát ý thức hệ đối với Internet và truyền thông. Nếu tìm hiểu thế giới tư duy trí tuệ Trung Quốc hiện nay thì những nhân vật ảnh hưởng nhất – và là những người có quan hệ gần gũi nhất với sự lãnh đạo của Đảng – thường là những nhân vật tả khuynh. Trong số này có hai nhà kinh tế học nổi bật là Wang Shaoguang (Vương Thiệu Quang) và Justin Yifu Lin, nhà khoa học chính trị Cui Zhiyuan (Thôi Chí Nguyên), và triết gia Liu Xiaofeng (Lưu Hiểu Phong).
Trái lại, các nhân vật tân Khổng giáo nhìn chung ủng hộ cả sự hồi sinh của các quy tắc đạo đức Nho giáo, chẳng hạn như sự hiếu thảo, lẫn việc phục hồi một số thiết chế chính trị truyền thống, đặc biệt là chế độ khoa cử. Mặc dù họ có xu hướng kém chính thống, song chính tính chất dễ khơi mào của thuật ngữ “Khổng giáo” trong cuộc đàm luận chính trị và trí tuệ ở Trung Quốc lại đem đến cho họ một tần suất xuất hiện khác thường trên các phương tiện truyền thông. Từ cuối thập niên 1990, những lời kêu gọi nhằm hồi sinh Khổng giáo dần dần trở nên mạnh mẽ và phổ biến; chúng tiến triển từ một trào lưu ngoài lề chịu nhiều sự chế nhạo thành một xu thế dù vẫn bị chế nhạo nhưng chắc chắn đã trở nên mạnh mẽ trên bình diện quốc gia, đặc biệt là ở cấp giáo dục tiểu học. Ví dụ, Jiang Qing (Tưởng Khánh), một nhà lãnh đạo buổi đầu của trào lưu và hiện đang điều hành Viện Nho học Dương Minh (Yangming Confucian Academy) nổi tiếng, đã trở thành một nhân vật mà gần như ai ai trong giới trí thức cũng biết đến.
Cả hai diễn biến nêu trên đều có gốc rễ từ chủ nghĩa dân tộc bài phương Tây. Từ đầu thập niên 1980 đến thập niên 2000, dân chủ, pháp trị và cải cách thị trường tự do là thứ ngôn ngữ chính trị chung không chỉ của phần lớn các nhà trí thức Trung Quốc mà còn của phần lớn giới lãnh đạo doanh nghiệp, và thậm chí cả một số quan chức, những người chí ít cũng bày tỏ sự ủng hộ bằng lời nói – và có lẽ nhiều hơn thế – dành cho những lý tưởng cháy bỏng đó. Trong giai đoạn này, các nhóm tinh hoa ở Trung Quốc dường như cùng chia sẻ sự đồng thuận rằng Trung Quốc cần Tây hoá. Cả Tân Tả lẫn tân Khổng giáo chủ yếu đều là những phản ứng tư duy trí tuệ trước sự đồng thuận đó, được thúc đẩy một phần bởi sự bất tương thích mà người ta cảm nhận được giữa tư tưởng phương Tây và thực tiễn kinh tế - xã hội - chính trị của Trung Quốc, một phần bởi sự thất vọng trước thái độ thù địch và sự phân biệt đối xử về ý thức hệ mà phương Tây dành cho Trung Quốc, và một phần bởi những tham vọng dân tộc chủ nghĩa vốn xuất hiện một cách tự nhiên cùng với sự cất cánh về kinh tế.  
Gần đây hơn, các trào lưu này đã cho thấy những dấu hiệu của sự hội tụ. Tân Khổng giáo dường như đang gắn chặt với Tân Tả, và không phải là thiếu sự tương hỗ từ giới Tân Tả. Một số học giả nổi bật, đặc biệt là Gang Yang từ Đại học Tôn Dật Tiên, hiện tự coimình vừa tả khuynh vừa theo Khổng giáo. Yếu tố then chốt của cái “nhân dạng” chung đó chính là thứ chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ mà cả hai phái ý thức hệ cùng chia sẻ, vốn cho phép các học giả này lập luận rằng các nguồn lực từ “văn hoá truyền thống” cần đóng một vai trò nổi bật trong cuộc thập tự chinh chống lại chủ nghĩa tự do phương Tây – nếu không phải như một thành tố cần thiết của cái “phương diện quốc gia” thì ít nhất cũng là một lựa chọn về mặt ý thức hệ thay cho sự khuynh loát của trí tuệ phương Tây.
Những nghiên cứu thống kê gần đây cho thấy các xu thế này vượt xa ra ngoài những ranh giới được che chắn của các trường đại học hàng đầu cũng như các trung tâm quyền lực ở Trung Quốc. Một bản phúc trình thường được trích dẫn của các nhà nghiên cứu Harvard và MIT năm 2015, chẳng hạn, chỉ ra rằng người sử dụng Internet ở Trung Quốc chủ yếu tập trung xung quanh hai thái cực: một cực “tả khuynh - Khổng giáo” vốn chủ trương hình thành một nhà nước xã hội chủ nghĩa rộng khắp, hạn chế các quyền dân sự, áp dụng chính sách đối ngoại hung hăng, và phục hồi văn hoá truyền thống; và một cực “tự do phương Tây” – hay “hữu khuynh” – ủng hộ các nguyên lý thị trường tự do, chế độ dân chủ lập hiến, các quyền tự do dân sự, hợp tác quốc tế và sự bài xích văn hoá truyền thống. Ngoài ra, mức độ đồng nhất cao trong hai phái này còn cho thấy nhận thức và cam kết về ý thức hệ đã khá sâu sắc, và ngày càng sâu sắc, ai cũng như ai.
Hiện nay, những xung đột tự do chủ nghĩa - tả khuynh dường như đang tạo sắc thái và định hình việc hấp thụ thông tin của cộng đồng mạng đối với bất kỳ tin tức phổ biến nào, từ những chủ đề địa chính trị quan trọng – chẳng hạn như chính sách ngoại giao quyết đoán mới của Trung Quốc ở Biển Đông – cho đến những vụ lùm xùm trong công chúng, như vụ xung đột hành chính gần đây tại trường Đại học Tôn Dật Tiên, trong đó một giảng viên trẻ tố cáo Gan Yang trù dập anh ta và hành hung ông.
Dĩ nhiên là ở đây có những cách giải thích khả dĩ khác về việc tại sao các trào lưu dân tộc chủ nghĩa này lại giành được ảnh hưởng. Một số người có thể lập luận rằng chúng đã lợi dụng những vấn đề kinh tế - xã hội ngày càng trầm trọng của Trung Quốc trong thập niên qua, đặc biệt là tình trạng bất bình đẳng gia tăng nhanh chóng. Một cách diễn giải đồng cảm hơn có thể là, chúng thực sự đem đến những giải pháp tiềm tàng cho một số những vấn đề này – bằng cách thúc đẩy, chẳng hạn, một tập hợp quy tắc đạo đức xã hội định hướng nhóm (group-oriented) nhằm giúp giảm bớt sự thiếu hụt rõ ràng về độ tin cậy xã hội của nền kinh tế đô thị. Số khác có thể lập luận rằng chúng thể hiện hình thức tự phản ảnh và âu lo về mặt tư duy trí tuệ (intellectual self-reflection & anxiety) vốn xuất hiện tự nhiên sau khi xã hội đạt tới một mức độ cơ bản về thịnh vượng kinh tế, và do đó chúng là một hình thức của chủ nghĩa dân tộc tầng lớp trung lưu.
Bất kể căn nguyên của nó là gì, bức tranh ý thức hệ hiện hành cũng có thể đem đến những hệ luỵ nghiêm trọng cho quá trình hoạch định chính sách của Trung Quốc: sự hồi sinh ý thức hệ làm biến đổi rất mạnh môi trường xã hội và chính trị mà ở đó Đảng và Nhà nước hoạt động. Nguồn gốc của sự chính danh trong xã hội duy vật chủ nghĩa thực dụng rất khác so với trong một xã hội mang màu sắc và bị phân cực bởi ý thức hệ. Trong khi tăng trưởng kinh tế năng động là chìa khoá để giành được sự ủng hộ của dân chúng ở hình thái xã hội thứ nhất thì điều đó lại có thể không đủ, và có lẽ còn không cần thiết, trong hình thái xã hội thứ hai. Ở thời điểm hiện tại, người ta rất không chắc chắn là bên nào – các nhà tự do chủ nghĩa, các nhà tả khuynh, hay các nhà bảo thủ văn hoá – rốt cuộc sẽ giành được thế thượng phong trong những cuộc đấu tranh ý thức hệ như thế. Nếu một phái lên ngôi, chính phủ có thể nhận thấy mình bị buộc phải (hay ít nhất là được thúc đẩy mạnh mẽ để) tìm kiếm sự chính danh chính trị - xã hội thông qua các chính sách tái phân phối, cải cách các quyền dân sự, hoặc có thể là sự chuyển hướng triệt để sang một ý niệm mới về những giá trị văn hoá truyền thống. Điều này có thể hoặc là hoạ hoặc là phúc: nó có thể đẩy đảng và nhà nước vào những vị thế ý thức hệ không lấy gì làm thoải mái, nhưng nó cũng có thể đem đến những nguồn ủng hộ xã hội trong giai đoạn có biến động về kinh tế hay địa chính trị.
Xin lấy ví dụ, chẳng hạn, phản ứng của Đảng trước phong trào Chiếm Trung Tâm năm 2014 ở Hồng Kông. Trong giai đoạn đó, một phong trào chủ yếu do sinh viên lãnh đạo đã kêu gọi tổ chức bầu cử dân chủ và độc lập chính trị nhiều hơn với Bắc Kinh. Bất chấp một số đề xuất ban đầu rằng chính phủ cần bày tỏ thái độ hoà giải chừng mực với người biểu tình vì nhiều lý do thực dụng – nhằm hạn chế tối thiểu việc gián đoạn hoạt động tài chính, sự mất uy tín trong cộng đồng quốc tế, và tổn hại trong quan hệ giữa Trung Quốc với Đài Loan – người ta sớm phát hiện ra rằng Đảng lại quan ngại về phản ứng ở trong nước đối với chiến lược của họ ở Hồng Kông nhiều hơn rất nhiều so với phản ứng của quốc tế. Tuy nhiên, phản ứng trong nước đó đôi khi lại gần như nhuốm màu dân tộc chủ nghĩa hiếu chiến. Bị khích động bởi một số ít vụ phân biệt đối xử theo lối bài đại lục của cư dân Hồng Kông, nhiều, có khi là phần lớn, cư dân đại lục có học vấn cao lại nhiệt thành ủng hộ một chính sách cứng rắn chống người biểu tình. Điều này cho phép Đảng áp dụng một lập trường phi hoà giải, song đồng thời cũng giới hạn sự lựa chọn của Đảng một cách nghiêm trọng, đưa họ đi đến một lập trường thô bạo hơn so với mức mà một số nhà hoạch định chính sách cảm thấy thoải mái.
Giống như bất kỳ hệ tư tưởng chính trị đặc thù nào, chủ nghĩa dân tộc cũng là một con dao hai lưỡi.
Trong ngắn hạn, và đặc biệt là trong những giai đoạn suy thoái kinh tế, ban lãnh đạo Đảng có thể thấy thuận tiện khi sử dụng trào lưu tả khuynh hoặc tân Khổng giáo để giành được sự ủng hộ của công chúng – mà những ngôn từ chính trị gần đây cho thấy Đảng đang nỗ lực thực hiện điều đó. Tuy nhiên, điều này lại không chắc chắn là một giải pháp dài hạn dễ chịu. Người ta chỉ cần nhìn lại sự thăng trầm ngoạn mục của Bạc Hy Lai để dẫn ra một ví dụ quan trọng mà ban lãnh đạo Đảng đã tỏ ra rất khó chịu với sự cuồng tín ý thức hệ của một số trí thức tự nhận là theo chủ nghĩa Mao. Các hệ tư tưởng tả khuynh không phải lúc nào cũng là đồng minh đáng tin cậy hơn các hệ tư tưởng tự do chủ nghĩa.
Rốt cuộc, liệu bản thân các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có quan tâm sâu sắc đến ý thức hệ, hay ít nhất là ngày càng quan tâm sâu sắc hay không? Đúng là những quan điểm gần đây của Tập về Mao, về truyền thống văn hoá Trung Quốc và về nhu cầu thay đổi văn hoá trong giới chức chính quyền tỏ ra rất nhất quán với quan điểm của một nhà kỹ trị thực dụng. Tuy nhiên, chúng cũng rất nhất quán với cách ứng xử của một nhà bảo thủ XHCN và văn hoá đích thực, người theo đuổi các mục tiêu ý thức hệ của mình một cách chừng mực và thận trọng. Bất chấp những gì người ta nghĩ về ban lãnh đạo hiện hành, hy vọng là cái ý niệm của phương Tây theo đó nền chính trị Trung Quốc thuần tuý bắt nguồn từ chủ nghĩa thực dụng sẽ sớm biến mất.