Friday, February 21, 2014

Báo động Vũng Áng – Formosa: Hoành Sơn … thất đái, vạn đại vong thân

Chép Sử Việt | 21.2.2014

Trước hết phải cám ơn một số Blogger, những nhà báo, trong đó đáng chú ý là VNEcocomy trong suốt một thời gian dài qua đã có những báo động ít nhiều về vấn đề người Trung Quốc, Đài Loan ở Vũng Áng và siêu dự án Formosa (*).
Gần đây còn nghe được những nguồn tin rất đáng lo ngại của giới am hiểu tình hình về vị trí tử huyệt này. Chiều nay, bất ngờ thấy trên trang báo mạng VNEconomy thêm bài viết đáng lo hơn: Vì sao tăng hoạt động biên phòng cạnh siêu dự án Formosa?, thấy cần đăng lại ngay và có đôi lời bình luận.
Hãy nhớ về gần 500 năm trước, khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng có ý định xuôi Nam mở đất, tránh mưu hại của Trịnh Kiểm. Để có quyết định sáng suốt, ông đã cho người hỏi ý kiến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, và nhận được hai câu thơ rằng:
Hoành Sơn nhất đái
Vạn đại dung thân
Có thể hiểu rằng vượt qua dãy Hoành Sơn để mở cõi, cơ nghiệp sẽ bền vững muôn đời.

Dãy núi Hoành Sơn, nhìn từ Hà Tĩnh
Hoành Sơn chính là dãy núi nằm vắt ngang ranh giới Hà Tĩnh – Quảng Bình, nơi vừa gần như hẹp nhất của đất nước (50km từ biển vào biên giới với Lào), vừa hiểm trở. Nó lại cũng là địa điểm ngay sát với Vũng Áng (nằm ở chân dãy núi Hoành Sơn). Nếu có một thứ “căn cứ kinh tế dân sự trá hình” của người nước ngoài ở đây, như Formosa chẳng hạn, thì khi có biến, sẽ là nơi tốt nhất chặn đường tiếp viện quân, cắt đứt đất nước Việt Nam làm hai dễ dàng, đồng thời quân đội nước ngoài đổ bộ vào cảng nước sâu nhất này, còn gì lợi hại bằng? Nghĩ xa hơn, sẽ có ngày có hàng vạn người Trung Quốc lấy vợ, có con ở đó, nguy cơ lại tái diễn một vụ “nạn kiều” như những năm cuối 1979 – đầu 1980 là rất dễ xảy ra. 
Có nguồn thạo tin cho biết, từ nhiều năm trước, bạn Lào đã khẩn khoản xin ta cho đầu tư 100% tại Vũng Áng, từ nguồn tiền của một quốc gia thứ ba, nhưng bạn không cho biết là nước nào. Giới lãnh đạo bàn tính, nghe tham mưu nát nước, cuối cùng không chấp nhận.
Thế mà rồi tới thế hệ lãnh đạo ngày nay, người ta đã quyết định cho Formosa đầu tư, thuê đất tới 70 năm, với siêu dự án mà có nhiều nguồn tin cho rằng đằng sau tập đoàn này là chính quyền Trung Quốc.
Gần đây, lại có thêm lo ngại là Formosa đang tìm cớ mở một con đường qua Lào nữa.
Khi tướng Giáp mất và được biết ý nguyện của ông chọn Vũng Chùa ngay gần Vũng Áng để an táng, không ít người hâm mộ ông đã có phỏng đoán điều gì đó liên quan tới khu vực này, mà ông không thể nói ra, đành bằng một thâm ý sâu xa chưa thấy hết được.
Mới đây, Blogger Lê Anh Hùng tiếp tục báo động nghi vấn Trung Quốc chen chân vào Cửa Việt nữa. Vậy thì, nếu đúng là họ có mưu sâu “trấn ải” cả hai cùng cảng biển xung yếu đó, thì còn gì bằng trong chiến lược quân sự?
Thử hình dung một ngày, Trung Quốc động binh ở Trường Sa, Việt Nam muốn đối phó, ắt sẽ phải rất khó khăn nếu như biên giới phía Bắc quân đội Trung Quốc được báo động, mà dải đất hẹp miền Trung cũng lại bị cơ sở kinh tế trá hình của Trung Quốc ngáng trở, không cho phía VN chuyển quân từ trong Nam ra; hàng vạn công nhân có thể thoắt biến thành “dân quân”, “thám báo”, …? Bất cứ một đụng độ nào của chính quyền VN với người TQ ở đó, đều dễ là cái cớ cho TQ đổ quân vào.
Việc “nâng cấp đồn biên phòng” như trong bài báo này chỉ là một nỗ lực nho nhỏ, của những ai sớm lo lắng cho sự tồn vong của đất nước, nhưng cũng lại có thể chỉ như một động thái trấn an dư luận mà thôi.
Mới xin được lạy cụ Trạng Trình để nhái thơ cụ, rằng: 
Hoành Sơn  thất đái
Vạn đại vong thân
(*) Xem thêm:
———–
16:31 (GMT+7) – Thứ Sáu, 21/2/2014
Vì sao tăng hot đng biên phòng cnh siêu d án Formosa?
Hàng ngàn cán bộ, công nhân ngoại quốc đã và đang tập trung tại khu vực khu kinh tế Vũng Áng…
Việc thành lập Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Áng – Sơn Dương được mô tả là sẽ góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ biên giới biển đảo, công tác xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu; đảm bảo an ninh trật tự… tại khu kinh tế Vũng Áng nhằm thúc đẩy việc phát triển kinh tế xã hội của Hà Tĩnh và khu vực.
Yến Thanh

Nguồn tin từ tỉnh Hà Tĩnh cho hay hoạt động biên phòng sẽ được tăng cường ở khu vực khu kinh tế Vũng Áng, nơi hiện đang triển khai siêu dự án của tập đoàn Formosa.
Cụ thể, chiều 19/2, tại Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Áng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh tổ chức lễ ra mắt và công bố quyết định của Bộ Quốc phòng về việc nâng cấp Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Áng thành Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Áng – Sơn Dương.
Việc thành lập Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Áng – Sơn Dương được mô tả là sẽ góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ biên giới biển đảo, công tác xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu; đảm bảo an ninh trật tự… tại khu kinh tế Vũng Áng nhằm thúc đẩy việc phát triển kinh tế xã hội của Hà Tĩnh và khu vực.
Đây là một trong 5 ban chỉ huy biên phòng cửa khẩu trong cả nước, một cấp tổ chức quan trọng hơn nhiều so với đồn biên phòng.
Thời gian gần đây, việc tập đoàn Formosa triển khai dự án một cách mạnh mẽ đã kéo theo việc có hàng ngàn cán bộ, công nhân ngoại quốc, chủ yếu là Đài Loan và Trung Quốc, tập trung tại khu vực khu kinh tế Vũng Áng, đưa tới lo lắng về việc hình thành một “phố ngoại quốc” ở Vũng Áng.
Tháng 10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Hà Tĩnh báo cáo về việc giám sát dự án của Formosa, đặc biệt về mặt an ninh, quốc phòng.
Mới đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý, giám sát dự án khu liên hợp, qua đó khẳng định rằng nhờ làm tốt công tác chuẩn bị về quốc phòng, nên đến thời điểm hiện tại công tác quốc phòng trong khu vực vẫn được duy trì và đảm bảo tuyệt đối.
Tỉnh này cho hay trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án đã tiến hành xin ý kiến của Bộ Quốc phòng. Tại Công văn số 2808/BQP-TM ngày 4/6/2008, Bộ Quốc phòng khẳng định: “Khu đất xây dựng khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương không ảnh hưởng nhiều đến vị trí đóng quân và các công trình quốc phòng hiện có trên địa bàn…”.
Đối với vấn đề “phố ngoại quốc”, Hà Tĩnh cho rằng việc tập trung hàng vạn lao động trong và ngoài nước trong khu vực này là có ảnh hưởng đến “thế trận khu vực phòng thủ” huyện Kỳ Anh, nhất là khu vực Đèo Ngang. Tuy nhiên, việc có tới gần 2.000 lao động nước ngoài trong khu vực, cũng như việc số lượng lao động trong nước và nước ngoài thực hiện dự án sẽ tăng cao trong thời gian tới là “một thực tế cần được chấp nhận trong quá trình phát triển”.
“Đây là điều UBND tỉnh cho là hệ quả tất yếu trong quá trình triển khai xây dựng. Ban quản lý khu kinh tế sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lí, kiểm tra, xử lí đối với lao động nước ngoài tại dự án, đảm bảo đúng các quy định của pháp luật”, báo cáo viết.

Nguồn: Chép Sử Việt

Monday, February 10, 2014

BÁO ĐỘNG: NGƯỜI TRUNG QUỐC LẠI SẮP LẬP CĂN CỨ Ở QUẢNG TRỊ

Lê Anh Hùng | VOA | 10.2.2014



Trong những năm qua, dư luận đã nhiều lần lên tiếng trước tình trạng người Trung Quốc, thông qua chiêu bài lập dự án kinh tế dưới nhiều hình thức khác nhau, đã chiếm lĩnh được những khu vực hiểm yếu về an ninh - quốc phòng trên cả nước trước sự “ưu ái” và “chủ quan” đến mức khó hiểu của những người có trách nhiệm.
Các dự án trồng rừng đầu nguồn ở một số tỉnh miền núi phía bắc của tập đoàn InnovGreen và việc tập đoàn Formosa thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương tại Khu Kinh tế Vũng Áng là những ví dụ điển hình.
Mới đây, trong lần ghé thăm Cửa Việt (Quảng Trị), chúng tôi lại nhận được một tin hết sức đáng lo ngại: Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (một công ty sản xuất thức ăn gia súc, thuỷ sản và chăn nuôi hàng đầu Việt Nam, trước đây thuộc tập đoàn C.P. Group của Thái Lan, nhưng đã bị Trung Quốc thâu tóm kể từ năm 2011) sắp được giao 96,1ha đất, kéo dài hơn 2km dọc theo bờ biển và chỉ cách cảng Cửa Việt chưa đầy 1km.



Cửa Việt nhìn từ cầu Cửa Việt, bên phải bức ảnh là Hải đội 202, Vùng Cảnh sát biển II
Nhà văn Xuân Đức, một người con của mảnh đất Quảng Trị, đã viết về Cửa Việt như sau:
Những năm đánh Mỹ, nếu Quảng Trị là cửa ngõ của cả hai thế lực tiêu biểu của loài người thì Cửa Việt chính là cuống họng của ống thực quản nuôi sống sức mạnh của kẻ xâm lược cho vành đai trắng nam giới tuyến để kháng cự với sức mạnh tổng lực của chúng ta từ Miền Bắc tràn vào. Lính thủy đánh bộ, vũ khí, thiết bị quân sự Mỹ vào cảng Cửa Việt, lên Đông Hà rồi theo con sông Hiếu để lên Cam Lộ, Khe Sanh... Cùng với các điểm chốt thiết yếu trên bờ từ biển lên rừng như cao điểm 31, Dốc Miếu, Cồn Tiên, lên đồi 241, Phulo, Đầu Mầu, Động Tri, Tà Cơn v..v.. Con sông Cửa Việt (hoặc sông Hiếu) hợp thành một phòng tuyến mà McNamara coi là bất khả xâm phạm. Và vì thế, cuộc chiến đập tan phòng tuyến Gio Linh, Cam Lộ, Khe Sanh (hàng rào điên  tử McNamara) nói chung, cuộc chiến trên cảng Cửa Việt và sông Cửa Việt nói riêng đã trở thành quyết chiến điểm khốc liệt nhất có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cả chiến trường Miền Nam.
Như vậy, có thể nói Cửa Việt là một khu vực trọng yếu và hết sức nhạy cảm về an ninh – quốc phòng.
Khu đất dự kiến thu hồi cho Công ty C.P. Việt Nam nằm gọn trong vùng đất canh tác của làng Hà Tây, xã Triệu An, huyện Triệu Phong. Người dân ở đây cho chúng tôi biết, dự án này đã manh nha từ năm 2011. Chính quyền địa phương và nhà đầu tư đã vài lần gặp gỡ với dân để trao đổi về dự án, lần gần nhất là vào ngày 12.1.2014.
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì cán bộ địa phương hầu như không “lấn cấn” gì với dự án. Điều này là vì một số lý do. Thứ nhất, do họ nằm trong bộ máy nên luôn đề cao ý thức chấp hành những “chủ trương lớn” của đảng và nhà nước. Thứ hai, đất đai của họ chủ yếu cho người khác thuê mướn chứ họ hiếm khi trực tiếp canh tác nên việc bị thu hồi đất đối với họ không quan trọng. Thứ ba, có lẽ là quan trọng hơn cả, những mảnh đất công, bờ ruộng, lối đi… nằm rải rác trong khu đất dự án (không thuộc đất canh tác của các hộ dân) sẽ được họ tìm cách “phù phép” để chia nhau bỏ túi theo kiểu “sống chết mặc bay…”, một hiện tượng phổ biến khắp cả nước.
Với người dân thì họ đặc biệt quan tâm đến những vấn đề thiết thân với mình: (i) sau khi bị thu hồi đất đai canh tác thì họ sẽ làm gì để mưu sinh? (ii) giá đền bù sẽ được áp như thế nào, liệu có tương xứng với giá trị đất đai canh tác của họ hay không, hay lại rẻ mạt như khắp các tỉnh thành khác? (iii) khi dự án đi vào hoạt động, nếu phần đất xung quanh khu vực dự án bị ô nhiễm (điều rất dễ xẩy ra, đặc biệt là những ao nuôi tôm nằm sát biển của bà con) khiến họ không tiếp tục canh tác hay nuôi trồng thuỷ sản được thì xử lý thế nào, ai là người phải chịu trách nhiệm.

Người Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều ở Quảng Trị
(Ảnh: Hai người Trung Quốc tại siêu thị COOP Mart Đông Hà,
Quảng Trị ngày 29.1.2014, tức ngày 29 Tết vừa rồi)
Những người nông dân chất phác, thuần hậu ở đây không biết được đằng sau Công ty C.P. Việt Nam là Trung Quốc, và việc người Trung Quốc (mà gần đây đã xuất hiện ngày càng nhiều ở Quảng Trị) kéo sang theo dự án rồi sinh cơ lập nghiệp, xâm chiếm không gian sống của họ là điều không khó đoán, qua những “dự án” mà người Trung Quốc thực hiện trên khắp cả nước thời gian qua. Họ lại càng không ý thức được những hệ luỵ tiềm tàng về an ninh - quốc phòng của một dự án do người Trung Quốc làm chủ ngay sát nách Cửa Việt như thế gây ra. Đây là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như đòi hỏi sự lên tiếng kịp thời của công luận.


Hải đội 202, Vùng Cảnh sát biển II, nơi chỉ cách dự án do Cty Trung Quốc làm chủ chưa đầy 1km về phía Nam
Tỉnh lộ 64 nối Cửa Việt với thị xã Quảng Trị, khu vực đất thu hồi giao cho Cty C.P. Việt Nam nằm song song và chỉ cách con đường này hơn 100m
Bên phải là tỉnh lộ 64, cách bờ biển khoảng 1km, nối Cửa Việt với thị xã Quảng Trị; bên trái là đường đất đỏ dẫn xuống biển (đây là ranh giới phân chia đất canh tác của làng Phú Hội và làng Hà Tây, xã Triệu An).
Đường đất đỏ chạy từ tỉnh lộ 64 thẳng xuống biển. Bên trái con đường là đất đai canh tác của làng Phú Hội, bên phải là của làng Hà Tây (dự kiến thu hồi để giao cho Cty C.P. Việt Nam). Khu đất dự án nằm song song với tỉnh lộ 64 (cách mép đường đỏ vài chục mét, cách tỉnh lộ 64 hơn 100m, cách bờ biển chỉ vài trăm mét và kéo dài hơn 2km về phía Nam).
Tác giả chụp ảnh với một lão nông ở địa phương, người có hơn 8 sào đất thuộc diện sẽ bị thu hồi, hôm 4.2.2014, trên con đường đất đỏ dẫn xuống biển (khu đất dự án nằm ngay trước mặt chúng tôi; sau lưng chúng tôi, cách gần 1km, là Hải đội 202, Vùng Cảnh sát biển II, nằm cạnh cảng Cửa Việt)
Một ao nuôi tôm nằm sát bờ biển của bà con làng Hà Tây



Liệu có nhất thiết phải thu hồi những thửa ruộng phì nhiêu ngay sát một khu vực trọng yếu và hết sức nhạy cảm về an ninh - quốc phòng như Cửa Việt cho một công ty của Trung Quốc hay không? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về những hệ luỵ kinh tế - xã hội và đặc biệt là an ninh – quốc phòng từ quyết định khó hiểu này?
Nguồn: VOA

Monday, February 3, 2014

PTT Tàu Hoàng Trung Hải "dâng" phần lớn các mỏ khoáng sản của Việt Nam cho Trung Quốc

Lê Anh Hùng VOA | 3.1.2014


Thực trạng đáng báo động
Ngày 23.1 vừa qua, tờ Người Việt đã đăng một bài viết khiến dư luận giật mình: “Trung Quốc gần như ‘nắm’ hết các mỏ khoáng sản Việt Nam”.
Trước đó, một loạt báo chí “chính thống” trong nước cũng đã đưa tin về tình trạng đáng báo động này.
Ngày 18.1, báo Tuổi Trẻ đăng bài “Doanh nghiệp Việt đứng tên cho chủ Trung Quốc ‘đào’ khoáng sản”, trong đó dẫn lời ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên - Môi trường): “Đơn cử như ở phía Bắc có đến hơn 60% mỏ có dấu vết của các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc. Người Trung Quốc gần như đứng đằng sau điều hành việc khai khoáng của chúng ta”; “Nếu tiếp tục đào bới như vậy sẽ là một thảm họa cho đất nước. Tài nguyên nếu chưa khai thác thì để lại đó tương lai con em chúng ta tiếp tục khai thác”.
Tờ Sống Mới ngày 18.1 đăng bài “Phổ biến tình trạng Trung Quốc đội lốt doanh nghiệp Việt đào khoáng sản”. Báo Đất Việt ngày 19.1 đăng bài: “Người Trung Quốc đứng sau điều hành đào khoáng sản Việt Nam”; ngày 23.1 đăng bài “Trung Quốc muốn nắm ngành khai thác khoáng sản của Việt Nam”; ngày 24.1 lại đăng bài “60% giấy phép khai khoáng bị bán cho TQ là... khiêm tốn!”, dẫn lời TS Nguyễn Thành Sơn cho rằng con số 60% giấy phép khai khoáng bị bán cho Trung Quốc kia là còn “khiêm tốn” và chưa phản ánh đúng mức độ đáng báo động của tình hình: “Hậu quả đương nhiên là tài nguyên khoáng sản bị bán rẻ, bị khai thác một cách vơ vét tàn bạo, và môi trường bị xâm hại (không có ai chịu trách nhiệm).”
Vì đâu nên nỗi?
Bức tranh toàn cảnh của ngành khai khoáng Việt Nam thoạt nhìn thì phức tạp, nham nhở, hổ lốn với bao vấn nạn kinh tế - xã hội như ô nhiễm môi trường, buôn lậu, xuất khẩu lậu, chạy chọt dự án, mua bán giấy phép, bảo kê, đầu nậu… và đặc biệt là đâu đâu cũng thấy bàn tay lông lá của Trung Quốc nhưng căn nguyên của nó thì lại vô cùng đơn giản và dễ hiểu: Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế Hoàng Trung Hải là một người Hán trá hình.
Ngay từ ngày 7.5.2007, một số cán bộ đảng viên đã và đang công tác tại Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ và một số cơ quan trọng yếu khác của Đảng CSVN, đã gửi bức Tâm Huyết Thư tố cáo lý lịch người Hán của ông Hoàng Trung Hải (bố ông ta tên là Sì Sói, sinh quán tại Long Khê, Chương Châu, Phúc Kiến, Trung Quốc). (Tâm Huyết Thư của các cán bộ đảng viên tố cáo lý lịch người Hán của PTT Hoàng Trung Hải; nếu link kia không đọc được, quý vị có thể đọc ở đây, đọc bản đánh máy lại ở đây, đọc trên Facebook ở đây.)
Bất chấp lời cảnh báo đầy tâm huyết của nhiều cán bộ đảng viên cao cấp lo lắng cho vận mệnh dân tộc trước kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn đặt ông Hoàng Trung Hải vào chiếc ghế quan trọng thứ hai trong chính phủ khoá mới: Phó Thủ tướng “phụ trách kinh tế” (từ ngày 2.8.2007).
PTT Hoàng Trung Hải được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao trực tiếp phụ trách các bộ: Công Thương, Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Xây dựng, Giao thông - Vận tải, và Tài nguyên - Môi trường. Ngoài ra, ông ta còn được Thủ tướng tin tưởng giao đảm nhiệm một loạt chức vụ trọng yếu: Chủ tịch Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước; Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các Dự án trọng điểm về dầu khí; Trưởng Ban Chỉ đạo Tổ chức điều phối phát triển các Vùng kinh tế trọng điểm; Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản; Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quy hoạch và Đầu tư Xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội; Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải; Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án Điện Hạt nhân Ninh Thuận; Trưởng ban Ban chỉ đạo Nhà nước Dự án Thuỷ điện Sơn La; Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nhà nước Xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; Trưởng ban Ban Chỉ đạo Xây dựng Nhà Quốc hội; Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển; Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nhà nước về Quy hoạch điện VI, Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước về Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia; Trưởng ban ODA (Viện trợ Phát triển Chính thức) Quốc gia; Chủ tịch Uỷ ban An ninh Hàng không Dân dụng Quốc gia; Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, v.v. Nghĩa là ngài PTT gốc Tàu này gần như nắm trọn toàn bộ nền kinh tế Việt Nam trong tay, dĩ nhiên là cả ngành khai khoáng với hàng loạt mỏ khoáng sản béo bở. Không chỉ “dâng” cả ngành điện lực Việt Nam cho Trung Quốc mà trong nhiều năm qua ngài PTT này còn âm mưu “Hán hoá” nền kinh tế Việt Nam, và dĩ nhiên ngành khai khoáng cũng không thoát khỏi điều đó.


Khu mộ nhà Hoàng Trung Hải ở làng Sơn Đồng, Quỳnh Giao,
Quỳnh Phụ, Thái Bình (dòng chữ trên cột vàng bên trái: Hoa Kiều Tiêu Hữu Tổng Mộ)

Những tiếng kêu vô vọng

Ngày 5.8.2012, cụ Phạm Hiện, một bậc lão thành cách mạng 91 tuổi, đã gửi đơn thư đến các cơ quan chức năng công khai tố cáo ông PTT người Hoa này khai man lý lịch và buôn bán ma tuý. Mặc dù đơn thư của ông được đăng tải trên nhiều trang mạng trong và ngoài nước, nhưng vụ việc cuối cùng vẫn rơi vào sự im lặng khó hiểu. Dưới bài viết “Một Phó Thủ tướng gốc Hoa khai man lý lịch và buôn bán ma tuý” (đơn thư tố cáo của cụ Phạm Hiện) trên trang Dân Làm Báo ngày 9.8.2012 có một bình luận rất đáng chú ý của nick “Thám tử đỏ”: “Tấm ảnh trên [bức ảnh ông Hoàng Trung Hải xun xoe giơ hai tay bắt tay Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo] là do một thư ký báo chí của Hoàng Trung Hải lựa chọn chuyển cho TTXVN đăng tải. Sau đó, tay thư ký này bị chuyển công tác. Tên HTH tuyển ngay một phóng viên VTV làm thư ký hình ảnh. Thằng này biết rất nhiều việc mật vụ của HTH với Tàu. Riêng tên HTH đã bị tố cáo là HÁN TẶC cách đây sáu bảy năm rồi, cả Bộ Chính Trị đều biết, nhưng chưa xử lý, vì vậy hắn không được vào Bộ chính trị. Nhưng tên HTH này ngậm mồm ăn tiền và bán hết các MỎ KHOÁNG SẢN VÀNG, BẠC, MAMGAN, CHÌ, KẺM... ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang... cho Tàu xong từ 31.12.2011. Nay thông tin này loan rộng cả đường dây HÁN TẶC của HTH đang rúng động, một số thằng tay chân của hắn đang chóng đào tẩu, có thằng đang chuẩn bị chạy sang Tàu.”
Ngoài bức Tâm Huyết Thư của một số cán bộ đảng viên tại Uỷ ban KTTW, Ban TCTW, Ban BVCTNB và đơn thư tố cáo của cụ Phạm Hiện nói trên, từ năm 2008 đến nay, vợ chồng Lê Anh Hùng – Lê Thị Phương Anh (tác giả bài viết) cũng đã 73 lần gửi đơn thư đến các cơ quan chức năng ở Việt Nam để tố những tội ác tanh tưởi của băng đảng Hoàng Trung Hải và một một vài vị lãnh đạo chóp bu khác. Mới đây nhất, ngày 16.9.2013, hai vợ chồng Lê Anh Hùng – Lê Thị Phương Anh đã cùng ký đơn thư gửi cho ĐBQH Dương Trung Quốc (mà ông nói là chuyển cho Bộ Công an), nhưng đến nay cả ĐBQH Dương Trung Quốc lẫn các cơ quan chức năng đều chưa có bất kỳ hồi âm nào về vụ tố cáo công khai, đúng pháp luật về những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng này. Ngày 13.10.2013, trang Bauxite Việt Nam cũng đăng “Thư gửi ĐBQH Dương Trung Quốc” của bà Ngô Thị Hồng Lâm, một công dân ở Vũng Tàu, để lên tiếng về vụ tố cáo vô cùng nghiêm trọng đó. Ngày 15.10.2013, Đài Á Châu Tự Do đăng bài “Bị khủng bố đánh đập vì tố cáo lãnh đạo”, nêu lên thực trạng đơn thư tố của vợ chồng LAH-LTPA không được giải quyết trong khi người tố cáo lại thường xuyên bị đe doạ, khủng bố, bắt cóc, cướp bóc và sách nhiễu.
Bên cạnh những tiếng nói công khai kể trên, mới đây trên mạng Internet đã xuất hiện hai blog tự nhận là của chính những người trong bộ máy (chứ không phải của các “thế lực thù địch”) cùng lên tiếng vạch trần tội ác của băng đảng mafia chính trị - kinh tế do ngài PTT gốc Tàu Hoàng Trung Hải cầm đầu: trang Huệ Lừa Văn phòng Chính phủ và trang Hoàng Trung Hải – Huệ Lừa.
Những tiếng kêu vì vận mệnh đất nước dường như ngày càng trở nên vô vọng trong bối cảnh Trung Quốc không còn thèm che dấu dã tâm bành trướng đã kìm nén bấy lâu, giữa lúc đâu đâu trên toàn cõi Việt Nam cũng nhan nhản người Tàu cùng đủ thứ hàng hoá vô cùng độc hại của họ, còn ngài PTT gốc Tàu Hoàng Trung Hải thì ngày càng ngông nghênh với những màn phát biểu, chỉ đạo, thị sát, thăm viếng, trao huân chương, tặng quà… Tương lai của dân tộc Việt Nam đã đến hồi tuyệt vọng rồi chăng?

Tin liên quan:
  1. Lê Anh Hùng: Thư Tố Cáo lần thứ 73 và lời kêu cứu
  2. Lê Anh Hùng: Điều gì đang xẩy ra với ngành điện lực của Việt Nam?
  3. Lê Anh Hùng: Một nền kinh tế đang trên đà ‘Hán hoá’?
  4. Phạm Hiện: Một phó thủ tướng gốc Hoa khai man lý lịch, buôn bán ma tuý
  5. Dân Làm Báo: Phó Thủ tướng gốc Tàu Hoàng Trung Hải mở đường cho giặc tràn vào Việt Nam
  6. Đài RFA: Biệt khu Trung Quốc ở Đà Nẵng
  7. Đài RFA: Công nhân Bình Dương ngộp thở vì ông chủ Trung Quốc
  8. Diễn đàn Xã hội Dân sự: Người Trung Quốc đã lập xóm, lập phố và sẽ lập gì nữa?
  9. Đài RFA: Chung quanh ngôi Võ Miếu [thờ Quan Công] ở Hà Tĩnh
  10. Lê Anh Hùng: Nhập siêu từ Trung Quốc: Cấp độ báo động ngày càng lớn và những cái tai ngày càng điếc (VOA)
Nguồn: VOA