Saturday, January 25, 2014

Những người Trung Quốc được PTT Tàu Hoàng Trung Hải chỉ đạo xây “nghĩa trang liệt sỹ” đã “giúp” Việt Nam “làm đường” như thế nào?

Lê Anh Hùng


Ngày 18.1.2014, blog Lê Anh Hùng đã đăng bài “Phó Thủ tướng gốc Tàu Hoàng Trung Hải chỉ đạo xây ‘nghĩa trang liệt sỹ’ 25 tỷ cho 52 người Trung Quốc”. Bài viết đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều độc giả.
Theo Đài PT-TH Điện Biên (trang mạng “lề đảng” duy nhất đưa tin về việc xây dựng nghĩa trang này trước khi sớm gỡ xuống) thì “nghĩa trang người Trung Quốc tại thị xã Mường Lay là nơi yên nghỉ của 52 liệt sỹ đã hy sinh trong thời kỳ Trung Quốc giúp Việt Nam xây dựng tuyến đường Hữu nghị 12 vào những năm 1967–1972”.
Thông tin trên khiến độc giả không khỏi “băn khoăn” là không hiểu những “liệt sỹ” kia đã từng giúp Việt Nam làm đường như thế nào? 
Việc tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi này quả thực không dễ, bởi từ trước đến nay nhà cầm quyền Việt Nam vẫn luôn tránh đề cập đến sự hiện diện của quân đội Trung Quốc trên đất Việt Nam.
Tuy nhiên, mặc dù phía Việt Nam luôn tìm cách che dấu nhưng Trung Quốc thì đã công khai chuyện này từ lâu. Ngày 16.5.1989, lần đầu tiên Trung Quốc thừa nhận đã gửi 320.000 lính chiến đến Việt Nam để chiến đấu chống lại lực lượng Mỹ và đồng minh Nam Việt Nam (nguồn: Reuters). Và 52 “liệt sỹ” đã giúp Việt Nam làm đường nói trên nằm trong số 320.000 “quân tình nguyện” này.
Mới đây, tác giả Hoa Bảy có bài “Trung Quốc, Việt Nam, ai nợ ai?” được đăng trên một loạt trang mạng. Bài viết này đã giúp giải đáp phần nào câu hỏi mà nhiều độc giả còn “thắc mắc” ở trên:
...Nếu kể cho rạch ròi thì nhiều thứ TQ “giúp” đã gây hại, trước mắt và về lâu về dài. Chẳng hạn, đưa quân sang giúp làm đường (do TQ đòi đưa quân sang đánh “giúp”, VN phải lảng tránh bằng cách nhờ giúp làm đường) thì tàn phá môi trường, cảnh quan (trong đó có việc đặt mìn tiêu huỷ “hòn đá Liễu Thăng” [Xin dẫn thêm một vài ví dụ trong trăm ngàn ví dụ: ở Côn Sơn, nơi ẩn cư của Trần Nguyên Đán và Nguyễn Trãi, họ đã đào xuyên ngang dọc quả núi thành đường hầm, hiện cửa vào bị bít, không ai biết họ làm gì trong đó. Nhiều di tích như di tích An Sinh, nơi gần đây mới xây đền thờ các vị vua Trần, hết thảy tượng đá thời Trần đều bị phạt cụt đầu hoặc bắn vào bụng. Ở Ngọa Vân am, không những tháp Phật Hoàng đựng xá lị hoàng đế Trần Nhân Tông và tháp Đoan Nghiêm cổ kính cao lừng lững bị đào rỗng ruột, toàn bộ bài vị trong tháp bị đập cho tan nát, tấm bia Trịnh Căn cho lập để kỉ niệm một lần ông đưa con trai và con gái trèo núi lên chiêm bái vị anh hùng cũng bị đập thành ba bảy mảnh, mà 13 ngọn tháp đứng theo một hàng thẳng tắp chạy thoai thoải xuống phía Tây Nam cách nhau chừng 50 mét một đều bị phạt ngang, phía dưới có một đường hầm lộ thiên đào thông tháp nọ với tháp kia. Họ định phá long mạch của nhà Trần lừng lẫy chiến công chống giặc Bắc, cũng tức là phá long mạch của Việt Nam chăng?]), khai thác trộm của cải, thăm dò ngầm tài nguyên, địa thế...
Chừng đó thôi cũng đủ cho thấy là liệu nhân dân Việt Nam có nên "đời đời nhớ ơn" các "liệt sỹ" Trung Quốc hay không. (Việc Trung Quốc lợi dụng “giúp” Việt Nam “làm đường” để lấn chiếm lãnh thổ bằng cách di dời cột mốc biên giới cũng đã được nhiều người nhắc đến.)
Cả văn hoá phương Đông lẫn phương Tây đều coi trọng chuyện mồ mả cho người đã khuất. Và có lẽ chẳng mấy ai trên đời lại muốn nằm lại ở nơi “đất khách quê người” cả. 
Chẳng thế mà người Mỹ luôn sốt sắng trong việc tìm kiếm hài cốt lính Mỹ mất tích ở Việt Nam, dù chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, còn Việt Nam thì vẫn đang huy động nhiều sức người sức của cho công cuộc tìm kiếm và quy tập hài cốt của hàng trăm nghìn người đã ngã xuống ở chiến trường miền Nam, cũng như trên đất Lào và Campuchia, mà chưa xác định được nơi chôn cất để trao trả cho thân nhân của họ.
Chính vì thế, việc Trung Quốc không chịu đưa số hài cốt với danh tính cụ thể nói trên về nước rõ ràng là có ý đồ chính trị, nhất là khi đích thân ngài Phó Thủ tướng gốc Tàu Hoàng Trung Hải lại chỉ đạo chi hơn 25 tỷ VNĐ tiền thuế của nhân dân để làm nghĩa trang hoành tráng cho 52 “liệt sỹ” kia, để rồi đến lúc, chẳng hạn, hình ảnh dưới đây sẽ lặp lại với “nghĩa trang liệt sỹ Trung Quốc” đó:  



Friday, January 24, 2014

Human Rights Watch: LHQ rốt cuộc cũng xử lý tình trạng vi phạm nhân quyền ở Châu Á

Human Rights Watch cảnh báo rằng tình trạng lạm dụng và truy bức nhân quyền vẫn diễn ra tràn lan

Steve Finch | UCANews | 22.1.2014Người dịch: Lê Anh Hùng



Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHRC) cuối cùng cũng đã bắt đầu đương đầu với những nước vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất Châu Á, kể cả Bắc Triều Tiên và Sri Lanka – đó là nhận định của tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch trong bản báo cáo thường niên mới phát hành hôm thứ Ba vừa rồi.
Tuy nhiên, bất chấp những dấu hiệu cho thấy các chế độ hay vi phạm nhân quyền có thể bị buộc phải giải trình, năm vừa qua tình hình vẫn xấu đi ở một số nước, trong đó có Việt Nam và Campuchia, Human Rights Watch nói. Tình trạng truy bức tôn giáo vẫn đang tiếp diễn trong khu vực, mà thường là không bị trừng phạt.
Các tổ chức nhân quyền, trong đó có Human Rights Watch (HRW), từng chỉ trích mạnh mẽ UNHRC một thời gian sau khi cơ quan này ra đời năm 2006.
Thời gian sau đó, thiết chế nhân quyền cao nhất của LHQ đã “đi đến chỗ được thừa nhận”, giúp củng cố các mạng lưới để chống lại tình trạng vi phạm nhân quyền đồng thời tạo ra những tiến bộ rõ rệt, đặc biệt là ở Châu Á, như nhận định của Giám đốc Điều hành HRW Kenneth Roth.
“Kết quả tích cực thể hiện rõ nét nhất là ở Sri Lanka”, ông nói.
UNHRC đã gia tăng áp lực lên Tổng thống Mahinda Rajapaksa để buộc ông ta tiến hành điều tra nhiều tội ác, kể cả cái chết của khoảng 40.000 dân thường trong những ngày cuối cùng trước khi quân đội Sri Lanka đập tan phiến quân Những Con hổ Giải phóng Tamil (Tamil Tigers) năm 2009.
“Chúng tôi đặt niềm tin vào LHQ về vấn đề trách nhiệm giải trình ở Sri Lanka”, Anantha Sasitharan – nhà hoạt động nhân quyền ở Tamil và là uỷ viên Hội đồng Tỉnh Miền Bắc – chia sẻ.
“Các nạn nhân [của tình trạng vi phạm nhân quyền] đã khiếu nại đến một số uỷ ban của Tổng thống, nhưng chẳng ích gì. Tôi không hy vọng vào các cuộc điều tra ở trong nước.”
Để xử lý vấn đề Bắc Triều Tiên, tháng Ba vừa qua, UNHRC đã thực hiện một bước đi chưa từng có tiền lệ là phái đến đây một uỷ ban điều tra các vụ vi phạm bị tố cáo – kể cả các trại tù lao động cưỡng bức – trong một năm vừa kết thúc bằng vụ Kim Jong-un xử tử Jang Song Thaek vì tội phản quốc.
Theo Phil Robertson, Phó Giám đốc Á Châu Vụ của HRW: “Niềm tin mơ hồ rằng Kim Jong-un có thể ôn hoà hơn theo cách nào đấy nhờ được giáo dục ở Thuỵ Sỹ đã bị phủi bỏ bởi sự tàn bạo kéo dài của cái chính quyền mà ông ta đang lãnh đạo.”
Bản báo cáo của HRW cũng kịch liệt chỉ trích Campuchia, nơi Thủ tướng Hun Sen vừa chỉ đạo một vụ đàn áp đẫm máu nhằm vào phe đối lập sau cuộc bầu cử gian lận hồi tháng Bảy, và Việt Nam, nơi Đảng Cộng sản đã thông qua bản hiến pháp mới trong tháng 11 giữa lúc diễn ra các vụ bắt bớ nhằm vào các blogger và các nhà hoạt động.
Việt Nam hiện nắm giữ “danh hiệu” tai tiếng là nhà tù lớn nhất của tù nhân chính trị ở Đông Nam Á sau các vụ ân xá hàng loạt tại Myanmar, theo số liệu mới nhất của HRW.
“Thay vì tống giam những người chỉ trích, chính phủ Việt Nam cần nắm bắt và xử lý các ý tưởng của họ, đồng thời phải chấp nhận thực tế rằng nhà nước độc đảng cần bị vứt vào sọt rác của lịch sử”, Brad Adams, Giám đốc Châu Á Vụ của HRW, bày tỏ.
Ở Bangladesh, Uỷ ban Nhân quyền Quốc gia, một cơ quan độc lập trên danh nghĩa, đã cáo buộc HRW là “thiên vị và thổi phồng” trong bản đánh giá rất tiêu cực mà HRW dành cho quốc gia này.
HRW cáo buộc chính phủ của Thủ tướng Sheikh Hasina đã tiêu diệt và bịt miệng các đối thủ, kể cả Đảng Quốc gia Bangladesh (BNP) – đảng tẩy chay cuộc bỏ phiếu trong tháng này, và Jamaat-e-Islami – đảng bị cấm tranh cử trong năm tiền bầu cử hỗn loạn 2013.
“Giống như trước đây, HRW lại một lần nữa nhân danh nhân quyền để đứng về phía những kẻ khủng bố”, Chủ tịch Uỷ ban Nhân quyền Quốc gia Mizanur Rahman nói.
Không nêu đích danh Jamaat hay BNP, Rahman cáo buộc cả hai đảng đối lập đều giết hại người vô tội cũng như những người thực thi pháp luật trong bối cảnh cuộc xung đột chính trị kéo dài bởi bên nào cũng muốn giành quyền lực.
Bản đánh giá cả tích cực lẫn tiêu cực mà HRW dành cho chương trình cải cách đang diễn ra ở Myanmar đã ghi nhận những tiến bộ sau các vụ đặc xá chính trị – chỉ còn 34 người bị giam giữ – trong khi lại chỉ trích lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi về thái độ im lặng của bà trước tình trạng vi phạm nhân quyền nhằm vào những người Rohingya thiểu số theo Hồi giáo.
Chủ nhân của giải Nobel Hoà bình này bị cáo buộc là chạy theo những đòi hỏi của giới quân sự trong khi họ đang xem xét liệu bà có thể tham gia vào cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm 2015 hay không.
“Thế giới rõ ràng là đã nhầm lẫn khi cho rằng, với tư cách một nạn nhân của tình trạng vi phạm nhân quyền được kính trọng, bà cũng sẽ là một người bảo vệ nhân quyền có nguyên tắc”, Roth nói.
Tuy nhiên, Han Thar Myint, uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương thuộc Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của Suu Kyi, lại phủ nhận cáo buộc rằng Suu Kyi đã đặt chính trị lên trên lập trường nguyên tắc về nhân quyền.
“NLD chưa thay đổi lập trường của mình về quyền con người cơ bản của nhân dân Myanmar, song chúng tôi cũng không thể hiện lập trường thiên vị khi lên án tình trạng bạo lực tôn giáo ở bang Rakhine, bởi Rakhine còn là một sắc dân thiểu số”, ông bày tỏ.
Việc sát hại người Rohingya ở đất nước mà phật tử chiếm đa số này vẫn tiếp tục diễn ra tuần trước với các báo cáo cho biết tới 60 người có thể đã chết ở Maungdaw, một thị trấn của người Rahingya tại bang Rakhine (phía Tây Myanmar).
David Mathieson, chuyên gia nghiên cứu Myanmar kỳ cựu của HRW, phát biểu sau một chuyến thăm gần đây rằng tình trạng hạn chế ra vào khu vực đã khiến người ta không thể xác định được mức độ của vụ bạo lực mới nhất này.
Một số quốc gia trong khu vực cũng chứng kiến tình trạng truy bức tôn giáo đáng chú ý trong năm 2013, với Trung Quốc nằm trong số quốc gia vi phạm nhiều nhất.
Bản báo cáo ghi nhận tình trạng bất khoan dung tôn giáo tiếp tục diễn ra ở Indonesia (nơi người Công giáo và các giáo phái Hồi giáo thiểu số phải đối mặt với sự phân biệt đối xử của các nhóm Hồi giáo Sunni hung hãn) và ở Ấn Độ (trong bối cảnh các cuộc xung đột leo thang giữa người Hindu đa số, người Hồi giáo và người Công giáo trước cuộc bầu cử vào tháng Năm tới đây).
Ở Papua New Guinea, việc chính phủ thay đổi luật pháp năm ngoái đã giúp chống lại các vụ hành hung tàn bạo nhằm vào những phụ nữ bị coi là “phù thuỷ”, nhờ đó những vụ việc như thế sẽ bị coi là giết người.
Tuy nhiên, HRW lại cảnh báo rằng một quyết định mở rộng phạm vi chịu án tử hình đã làm suy yếu tiến bộ đạt được: “Việc trở lại với các vụ xử tử sẽ là một bước thụt lùi nghiêm trọng”, Adams nói.

Tuesday, January 21, 2014

“Đội quân hacker” của Việt Nam chỉa mũi nhọn sang Mỹ và Pháp

Chris Brummitt | AP | 20.1.2014Người dịch: Lê Anh Hùng




HÀ NỘI, Việt Nam (AP) – Một hôm, khi đang làm việc với blog của mình ở California, nhà hoạt động dân chủ Ngọc Thu bỗng cảm thấy có điều gì đó không ổn. Gõ bàn phím thì phải sau một lúc máy tính mới tiếp nhận. Lệnh cắt-dán thì không thực hiện được. Cô có “cảm giác như có ai đó” bên trong máy tính của mình. Trực giác của cô hoá ra là đúng.
Vài hôm sau, một số email và ảnh cá nhân của cô bị đăng trên chính blog đó, cùng với những thông điệp bôi nhọ. Cô không thể xoá chúng; cô bị chặn khỏi blog của mình một số ngày trong khi những kẻ tấn công tiếp tục đăng lên những thông tin chi tiết về đời tư.
“Họ khiến tôi và gia đình tôi bị tổn thương. Họ hạ nhục chúng tôi, để chúng tôi không làm việc với blog nữa”, Ngọc Thu – một công dân Mỹ – chia sẻ. Cô đã trở lại với việc đăng tải blog, nhưng giờ thì chính quyền Việt Nam lại chặn blog của cô.
Các nhà hoạt động và chuyên gia phân tích rất nghi vai trò của nhà cầm quyền Việt Nam trong vụ tấn công đó, cũng như hàng loạt vụ tấn công tương tự.
Theo họ, một đội quân hacker bí mật ủng hộ chính phủ đang chặn, hack và do thám các nhà hoạt động người Việt Nam trên khắp thế giới hòng cản trở phong trào dân chủ ở đất nước này.
Các chuyên gia IT đã điều tra vụ Ngọc Thu bị tấn công vào năm ngoái; họ cho biết, bọn hacker đã bí mật kiểm soát hệ thống của cô sau khi cô bấm vào một link chứa mã độc mà ai đó gửi cho cô qua email. Bằng cách cài đặt phần mềm theo dõi thao tác bàn phím, các hacker đã nắm được password và xâm nhập vào các tài khoản cá nhân của cô.
Cuộc điều tra tiếp theo còn phát hiện ra rằng một bản nâng cấp của phần mềm chứa mã độc kia, do chính nhóm đó gửi, đã được phát tán qua email tới ít nhất là 3 người khác: một phóng viên AP ở Hà Nội; một giáo sư toán học và là nhà hoạt động dân chủ người Việt ở Pháp; và một thành viên người Mỹ của tổ chức bảo vệ nhân quyền trên mạng Electronic Frontier Foundation (EFF) hiện đang sống ở Mỹ. Tuy nhiên, không một ai trong ba người này bấm vào cái link đó cả.
Trong bức ảnh ngày 14.5.2013 này, ba cô gái Việt Nam sử dụng laptop và điện
thoại thông minh để lên mạng tại một quán cà phê ở Hà Nội. Các nhà hoạt động
dân chủ và blogger Việt Nam đang chiến đấu chống lại một chiến dịch ngăn
chặn, hack và do thám mà một đội quân bí mật ủng hộ chính phủ tiến hành trên
mạng. Mặc dù họ không thể chứng minh được điều đó, song các nhà hoạt động
và chuyên gia phân tích rất nghi ngờ sự dính líu của chính phủ Việt Nam trong
chiến dịch, vốn đang kìm hãm phong trào dân chủ ở đất nước này.
(AP Photo/Na Son Nguyen, File)
Đây dường như là vụ việc đầu tiên được ghi lại bằng chứng về hiện tượng những người ngoài quốc tịch Việt Nam bị tấn công bởi một nhóm hacker ủng hộ chính phủ, vốn đã thực hiện nhiều vụ tấn công nằm ngoài biên giới Việt Nam. Hoạt động của nhóm này dường như đã vi phạm pháp luật, ít nhất là ở Mỹ.
“Các bạn thấy là người ta đang tiến hành các chiến dịch nhằm vào những tiếng nói bất đồng chính kiến người Việt Nam ở những khu vực cách biệt về địa lý. Giờ thì chúng ta đã nhận ra một sự leo thang nhằm vào những người đưa tin về những tiếng nói như vậy.” Đó là nhận định của Morgan Marquis-Boire, nhà nghiên cứu của Đại học Toronto và là nhà hoạt động bảo vệ quyền riêng tư trên mạng, người đã phân tích mã độc và công bố phát hiện của mình với EFF. “Đây không thể là việc làm của một cá nhân cơ hội chủ nghĩa.”
Những nghi vấn về sự dính líu của nhà nước một phần là dựa trên thực tế theo đó những kẻ tấn công đã bỏ hàng chục ngàn dollar để thuê máy chủ ở nhiều nơi trên thế giới rồi từ đó phát động các vụ tấn công, thường là thay đổi chúng sau vài ngày. Theo Diêu Hoàng (một kỹ sư máy tính ở Australia, người vẫn đang cùng với một số nhà hoạt động khác giúp bảo vệ các nhà hoạt động Việt Nam trên mạng) thì điều này là vì những kẻ tấn công hiểu rằng các nhà hoạt động sẽ yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ gỡ bỏ các vụ tấn công kia.
Những nỗ lực theo dõi và sách nhiễu người bất đồng chính kiến trên mạng là sự phản chiếu nỗ lực của chính quyền hòng trấn áp họ ngoài đời thực, nơi các nhà hoạt động vẫn phản ảnh về tình trạng các nhân viên nhà nước thường xuyên sách nhiễu họ, thậm chí đôi khi còn dùng cả bạo lực. Theo tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch, năm 2013 nhà nước Việt Nam đã kết án ít nhất 63 blogger và các nhà hoạt động dân chủ ôn hoà khác về các tội hình sự.
Việt Nam không phải là trường hợp cá biệt khi tìm cách do thám hoạt động thông tin liên lạc điện tử, như những tiết lộ gần đây về hoạt động của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) ở Mỹ đã cho người ta thấy. Tuy nhiên, hoạt động của Việt Nam lại gây ra quan ngại đặc biệt bởi bức tranh toàn cảnh về nhân quyền của họ.
Khi được đề nghị bình luận về những nghi vấn liên quan đến sự dính líu của nhà nước trong hoạt động giám sát có chủ đích, cũng như vụ tấn công nhằm vào phóng viên AP, chính phủ Việt Nam đã đưa ra tuyên bố ngắn gọn sau: “Việt Nam chia sẻ mối quan tâm của các quốc gia khác trong việc đảm bảo an ninh cho mạng Internet và sẵn sàng hợp tác với các quốc gia khác trong hoạt động đấu tranh chống tội phạm công nghệ cao nói chung và tội phạm Internet nói riêng.”
Việc trấn áp bất đồng chính kiến trên mạng tại Việt Nam trở nên khó khăn hơn vì mức độ sử dụng Internet ở đây đang tăng mạnh. Gần 40% trong tổng dân số 90 triệu người của Việt Nam có cơ hội tiếp cận Internet, và vì Việt Nam không hiệu quả như Trung Quốc trong việc hạn chế cơ hội tiếp cận đó, nên nhiều người vẫn xem được những tin tức không bị kiểm duyệt. Những người bất đồng chính kiến có thể liên kết với nhau và công khai hoá hoạt động của mình – cũng như hoạt động trấn áp của nhà nước – khá dễ dàng.
Các chuyên gia nghiên cứu về an ninh mạng đã phát hiện ra những chỉ dấu về việc Hà Nội có thể đang xứng phó với mối thách thức này như thế nào.
Năm 2010, Google và McAfee xác nhận rằng phần mềm mã độc đã được sử dụng để do thám hàng chục nghìn người Việt Nam đang sử dụng Internet. McAfee nói những kẻ tấn công “khả dĩ có một mức độ trung thành nào đó” với chính phủ Việt Nam. Năm ngoái, một nhóm nghiên cứu do Marquis-Boire (người cũng là kỹ sư an ninh mạng của Google) dẫn đầu đã tiết lộ bằng chứng cho thấy một phần mềm do thám mang tên FinFisher đang được sử dụng để theo dõi thông tin liên lạc qua thiết bị di động của các nhà hoạt động trong lãnh thổ Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam, thông qua các cơ quan truyền thông nhà nước, thừa nhận là đã chặn hàng ngàn “trang mạng và blog xấu, độc hại”, và các trang mạng của họ cũng bị tấn công, mà người ta cho là từ những người đồng cảm với giới bất đồng chính kiến. Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội, phát biểu hồi năm ngoái rằng cơ quan này đã sử dụng tới 900 người để chống lại sự chỉ trích trên mạng.
Vụ tấn công nhằm vào blog của Ngọc Thu cho thấy biện pháp hack và chặn các trang mạng có thể trở thành thứ “song kiếm hợp bích” hữu hiệu đến thế nào để chặn đứng sự chỉ trích.
Blog mang tên “Ba Sàm” nói trên là một trong những xuất bản phẩm bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất. Nó chuyển tải những tin tức, quan điểm, video và hình ảnh liên quan đến Việt Nam mà truyền thông nhà nước không bao giờ đụng tới. Sau khi blog bị hack, Ngọc Thu phải mất một tuần mới giành lại được quyền kiểm soát, chuyển nó sang địa chỉ mới và đưa lên mạng trở lại.
Vài tuần sau, nhà chức trách Việt Nam bắt đầu ngăn chặn người sử dụng mạng trong nước truy cập vào Ba Sàm. Giờ đây, để xem blog này, người Việt Nam ở trong nước phải sử dụng một máy chủ proxy (proxy server), một kỹ thuật tương đối phổ biến để tránh kiểm duyệt nhưng đòi hỏi hỏi người sử dụng phải nắm được một vài bí quyết. Điều này cũng có nghĩa là lượng người xem blog ít đi.
Ngọc Thu nói số lượt xem trang (page-view) suy giảm đáng kể, và cô buộc phải đóng phần bình luận vốn rất được ưa chuộng của mình bởi một chiến dịch lạm dụng và spamming (tin rác) có tổ chức nhằm vào phần đó.
“Quá nhiều rắc rối đến từ phần bình luận này”, cô nói. “Họ gửi cho tôi những thông điệp đe doạ, nói rằng ‘Tao sẽ đến thăm mày ở California.’”
Hack một trang mạng rồi sau đó chặn nó lại là một thủ thuật quen thuộc, Diêu Hoàng nói.
“Việc thay đổi giao diện và bôi nhọ do một lực lượng giấu mặt thực hiện phi chính thức”, anh nói. “Còn thế lực chính thức thì tiến hành chặn.”
Hầu như tất cả các phần mềm chống virus thương mại không phát hiện nổi thứ mã độc mà Ngọc Thu và những người khác nhận được. Các email kèm theo link chứa mã độc mà người ta gửi tới phóng viên AP thể hiện một ý đồ và mức độ chủ đích nào đó: một email tự nhận là từ Human Rights Watch, email còn lại là từ Oxfam. Hai email này được gửi vào tháng 11 và tháng 12 năm ngoái.
Chứng minh sự dính líu của nhà nước Việt Nam trong các vụ tấn công là một việc khó.
“Thông thường, việc chỉ ra chủ thể đứng sau là chuyện không hề dễ dàng. Điều này còn khó hơn nhiều so với việc mổ xẻ mã độc”, Eva Galperin – nhà hoạt động của EFF nhận được link chứa mã độc – nhận xét. “Tôi nghĩ nghi vấn là có cơ sở; tuy nhiên, tôi không nói được là tôi biết chính phủ Việt Nam đứng đằng sau chuyện này.”
Trong khi một số nhóm hoạt động ở hải ngoại tổ chức các khoá đào tạo về an ninh mạng cho các thành viên của mình thì giới hacker dường như sẽ giành chiến thắng, Diêu Hoàng nói.
“Xét về thời gian và nỗ lực, lực lượng và tiền bạc, chúng tôi không thể sánh với họ. Chẳng bao lâu nữa chúng tôi sẽ kiệt sức. Họ kìm hãm dân chúng, khiến người ta chán nản, khiến người ta sợ hãi. Họ sẽ khiến cho ngày càng ít người thể hiện chính kiến của mình.”
___
Theo dõi Chris Brummitt trên Twitter tại @cjbrummitt
___
Một link trên EFF dẫn đến bài báo về các vụ tấn công nói trên: https://www.eff.org/deeplinks/2014/01/vietnamese-malware-gets-personal


Friday, January 17, 2014

PHÓ THỦ TƯỚNG GỐC TÀU HOÀNG TRUNG HẢI CHỈ ĐẠO XÂY “NGHĨA TRANG LIỆT SỸ” 25 TỶ CHO 52 NGƯỜI TRUNG QUỐC

Lê Anh Hùng



Đầu tháng 5.2013, trang mạng của Đài Phát thanh & Truyền hình Điện Biên đăng bài “Bàn giao đưa vào sử dụng nghĩa trang người Trung Quốc tại thị xã Mường Lay”. Tuy nhiên, sau đấy không lâu bài viết đã bị gỡ xuống một cách đầy bí ẩn.
Dù vậy, một số trang mạng "lề dân" khác cũng đã kịp đăng tải lại nội dung bài viết đó:
Bàn giao đưa vào sử dụng Nghĩa trang người Trung Quốc tại thị xã Mường Lay
Anh Thu - Đức Trung (Điện Biên TV) - Ngày 25/4, Ban quản lý Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La tỉnh Điện Biên đã tiến hành bàn giao đưa vào sử dụng công trình Nghĩa trang liệt sỹ người Trung Quốc cho UBND thị xã Mường Lay.
Nghĩa trang Trung Quốc ở thị xã Mường Lay

Công trình Nghĩa trang liệt sỹ người Trung Quốc được khởi công vào năm 2009 với tổng số vốn đầu tư trên 25 tỷ đồng. Công trình bao gồm: Đài tưởng niệm, khuôn viên cây xanh, bãi đỗ xe và hệ thống tường rào xung quanh do Ban quản lý Dự an di dân tái định cư thủy điện Sơn La làm chủ đầu tư.
Sau khi kiểm tra thực địa tại hiện trường, Đoàn nghiệm thu của UBND thị xã Mường Lay đánh giá cao chất lượng công trình Nghĩa trang người Trung Quốc đã đảm bảo các yêu cầu, tiêu chuẩn về kỹ thuật, mỹ thuật. Hiện nay, Nghĩa trang người Trung Quốc tại thị xã Mường Lay là nơi yên nghỉ của 52 liệt sỹ đã hy sinh trong thời kỳ Trung Quốc giúp Việt Nam xây dựng tuyến đường Hữu nghị 12 vào những năm 1967 – 1972.
Tại buổi nghiệm thu, UBND thị xã Mường Lay cũng đã kiến nghị và mong muốn chủ đầu tư cũng như nhà thầu cần sớm lắp đặt hệ thống nước để vừa phục vụ tưới cho cây xanh. Đồng thời, nghiên cứu, lắp đặt hệ thống điện, đảm bảo cho việc phục vụ khách đến thăm viếng và tiến hành kè thêm bên mái ta luy âm để chống sụt sạt vào mùa mưa./.
Điều đáng chú ý ở đây là việc làm mờ ám (một công trình tiêu tốn đến 25 tỷ VNĐ tiền thuế của dân, chưa kể chi phí trông coi và duy tu hàng năm, nhưng lại chỉ có duy nhất một trang mạng “lề đảng” gần như vô danh đăng tải trước khi vội vàng gỡ xuống) và bị dư luận chỉ trích dữ dội này lại liên quan đến một nhân vật với quyền sinh quyền sát rất lớn nhưng lại có lý lịch vô cùng mờ ám: Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, người gần như nắm cả nền kinh tế Việt Nam trong tay suốt 7 năm qua. Ngay từ năm 2007, ông Hoàng Trung Hải đã bị một số cán bộ đảng viên đã và đang công tác tại Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ và một số cơ quan trọng yếu khác của Đảng CSVN, tố cáo lý lịch người Hán của ông Hoàng Trung Hải (bố ông ta tên là Sì Sói, sinh quán tại Long Khê, Chương Châu, Phúc Kiến, Trung Quốc – xem Tâm Huyết Thư; nếu link kia không đọc được, quý vị có thể xem ở đây, xem bản đánh máy lại ở đây, xem trên Facebook ở đây).
Và không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta biết rằng chính ông Phó Thủ tướng gốc Tàu này cũng là người đã chỉ đạo xây dựng nghĩa trang trị giá 25 tỷ VNĐ nói trên cho 52 người Trung Quốc:

 

(Link của công văn này trên trang Thư Viện Pháp Luật nằm ở đây.)./.

Tin liên quan:
  1. Lê Anh Hùng: Thư Tố Cáo lần thứ 73 và lời kêu cứu
  2. Tâm Huyết Thư của các cán bộ đảng viên tố cáo lý lịch người Hán của PTT Hoàng Trung Hải (nếu link kia không đọc được, quý vị có thể đọc ở đây, đọc bản đánh máy lại ở đây, đọc trên Facebook ở đây)
  3. Đài RFA: Bị khủng bố, đánh đập vì tố cáo lãnh đạo
  4. Lê Anh Hùng: Điều gì đang xẩy ra với ngành điện lực của Việt Nam?
  5. Lê Anh Hùng: Một nền kinh tế đang trên đà ‘Hán hoá’?
  6. Phạm Hiện: Một phó thủ tướng gốc Hoa khai man lý lịch, buôn bán ma tuý
  7. Dân Làm Báo: Phó Thủ tướng gốc Tàu Hoàng Trung Hải mở đường cho giặc tràn vào Việt Nam

Trái khoáy chuyện trồng lúa ở Việt Nam

Người nông dân Việt Nam đang canh tác thứ cây trồng không còn mang lại lợi nhuận

Hanoi & Chau Doc | The Economist | 18.1.2014Người dịch: Lê Anh Hùng


Tiềm năng của núi Sam (một ngọn núi ở đồng bằng sông Cửu Long) quả là vô hạn định. Những cánh đồng lúa xanh rờn. Những con kênh tưới tiêu lấp loáng ánh mặt trời. Cứ mỗi năm ba lần, những người nông dân ở các thị tứ xung quanh lại mang ủng cao su cấy lúa trên những thửa ruộng thấp trũng. Vài tháng sau, họ lại bán các bao tải lúa cho tư thương, những người sẽ mang đến các nhà máy ven sông để xay xát. Về cơ bản, hoạt động này cũng diễn ra vô hạn định.
Trồng lúa là hoạt động đã ăn sâu vào trong tâm thức của người Việt. Tháng 9.1945, chỉ một ngày sau khi tuyên bố độc lập với người Pháp, Hồ Chí Minh đã phát biểu với nội các của mình rằng ứng phó với vụ mất mùa trên diện rộng là nhiệm vụ ưu tiên của chính phủ. Sau đấy, ông tiến hành tập thể hoá các cánh đồng lúa. Trong thập niên 1980, những người kế tục ông đã thúc đẩy các giống lúa lai và hệ thống tưới tiêu hiện đại. Ngày nay, 4 tỷ USD gạo xuất khẩu (xem đồ thị) của Việt Nam chiếm hơn 20% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu.
Các quan chức lãnh đạo đảng vẫn đắc ý với chính sách nông nghiệp dành ưu tiên cho lúa gạo của mình. Tuy nhiên, nông dân thì ngày càng bị tụt hậu. Một phần của vấn đề nằm ở chỗ các giống lúa của Việt Nam thường có chất lượng trung bình hoặc thấp – tương phản với một loạt giống lúa thượng hạng được gieo trồng ở Thái Lan. Chi phí nhiên liệu, phân bón và thuốc trừ sâu đang tăng lên. Trong khi đó lĩnh vực xuất khẩu gạo của Việt Nam lại chịu sự chi phối của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cùng các quan chức tham nhũng. Một số nông dân, đặc biệt là ở miền Bắc, nhận thấy là ruộng đất để hoang hoá còn có lợi hơn.
Ở An Giang, một tỉnh nằm ở trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long, một gia đình bình quân kiếm được 100USD mỗi tháng từ trồng lúa, tức khoảng 1/5 thu nhập của người trồng cà phê ở Tây Nguyên – Oxfam (một tổ chức cứu trợ) cho biết. Trần Văn Nghĩa, một người trồng lúa gần núi Sam, nói rằng những người trẻ ở quanh khu vực của ông kiếm thêm thu nhập ngoài đồng ruộng bằng cách khuân vác ở khách sạn hay làm công nhân xây dựng ở Tp Hồ Chí Minh và các trung tâm đô thị khác.
Những khó khăn của ngành lúa gạo Việt Nam rất có thể sẽ còn tồi tệ thêm. Myanmar, vốn là vựa lúa gạo của Đông Nam Á trước kia, lại đang nổi lên như một đối thủ cạnh tranh về xuất khẩu. Phần lớn lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam được bán trực tiếp cho chính phủ các nước, nhưng một số những khách hàng lớn nhất của họ, kể cả Indonesia và Philippines, lại đang thúc đẩy hoạt động sản xuất trong nước. Arup Gupta, một thương nhân ở Tp Hồ Chí Minh, bổ sung thêm rằng, như một hệ quả của chính sách trợ cấp cho nông dân trồng lúa (một chính sách ngược đời và đắt đỏ) ở Thái Lan, Việt Nam đang bị bán phá giá khi Thái Lan giải phóng các kho gạo với giá rẻ.
Các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng đồng bằng sông Cửu Long, nơi sản xuất khoảng một nửa sản lượng lúa gạo của Việt Nam, đang cho thấy những dấu hiệu của áp lực về môi trường. Những con đê vốn được đắp để ngăn lũ cho các cánh đồng lúa lại ngăn những cơn lũ chứa đầy phù sa của sông Mê Kông bổ sung dưỡng chất cho đồng bằng.
Võ Tòng Xuân, một chuyên gia về lúa gạo và từng cố vấn cho chính phủ về chính sách nông nghiệp, tính toán rằng nhiều thửa ruộng ở các khu vực trồng lúa của Việt Nam hiện bạc màu tới mức người ta không thể ngay lập tức chuyển chúng sang mục đích sử dụng khác, chẳng hạn như trồng ngô. Những vấn đề khác, ông nói, bao gồm cả tình trạng thiếu đại diện của người nông dân trong Hiệp hội Lương thực Việt Nam, vốn đầy quyền sinh quyền sát, cũng như sự chống đối cải cách của các DNNN chuyên xuất khẩu lúa gạo, bởi cải cách đồng nghĩa với việc giảm bớt lợi nhuận của họ. Hiến pháp mới của Việt Nam, vốn được thông qua vào cuối tháng 11.2013 và quy định khối DNNN giữ vị trí chủ đạo trong nền kinh tế, đã không cải thiện được gì.
Phần lớn ruộng đất ở nông thôn bị phân thành những thửa nhỏ. Một nông dân Việt Nam bình quân canh tác chừng hơn 0,5 ha chút ít, trong khi kích thước thửa ruộng lý tưởng là từ 2-3 ha.
Dù vậy, Luật Đất đai mới bắt đầu có hiệu lực từ tháng Bảy sẽ đem lại cho nhiều nông dân quyền sử dụng ruộng đất trong 50 năm, một bước tiến lớn so với thời hạn 20 năm hiện hành. Thời hạn sử dụng đất dài hơn có thể giúp tạo ra những cánh đồng lớn hơn chuyên canh những thứ cây trồng khác ngoài lúa. Tuy nhiên, chính phủ lại vẫn cứng nhắc duy trì chính sách đảm bảo khoảng 90% đất trồng lúa hiện tại cho chuyên canh lúa.
Điều này có thể hiểu được nếu Việt Nam vẫn phải vật lộn với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, như đã từng xẩy ra vào đầu thập niên 1980. Tuy nhiên, 1/3 sản lượng lúa gạo của Việt Nam lại được xuất khẩu – thậm chí còn nhiều hơn thế nếu người ta tính cả giá trị xuất khẩu không chính ngạch sang Trung Quốc. Trong khi đó, gạo lại đang giảm tỷ lệ trong khẩu phần ăn của cả nước; tầng lớp trung lưu đang trỗi dậy bắt đầu làm quen với sở thích thịt và bánh mì. Tháng tới tại Tp Hồ Chí Minh, con rể của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ khai trương cửa hàng McDonald’s đầu tiên ở Việt Nam. Đối thủ cạnh tranh nội địa của nó, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh với sản phẩm chính là “VietMac” (một loại bánh burger từ gạo), đang phải đối mặt với nhiều khó khăn./.

Tuesday, January 14, 2014

GS Carl Thayer - Quy định đánh bắt cá mới của Trung Quốc: Cướp biển đội lốt nhà nước?

Quy định đánh bắt cá mới của tỉnh Hải Nam làm phức tạp hoá quan hệ của Trung Quốc với ASEAN
Carl Thayer | The Diplomat | 13.1.2014Người dịch: Lê Anh Hùng




Ngày 29.11.2013, tức chỉ 6 ngày sau khi Bộ Quốc phòng Trung Quốctuyên bố thiết lập Vùng Nhận diện Phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông, chính quyền tỉnh Hải Nam đã âm thầmban hành quy định đánh bắt cá mới trên Biển Đông. Quy định này được loan báo vào ngày 3.12.2013 và có hiệu lực từ ngày 1.1.2014.
Cả hai hành động này đều là đơn phương và nhằm mục đích củng cố cơ sở pháp lý cho yêu sách biển đảo của Trung Quốc trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Hành động của Trung Quốc thách thức chủ quyền quốc gia của các nước láng giềng và tiềm ẩn nguy cơ gây căng thẳng và châm ngòi cho xung đột vụ trang.

Quy định đánh bắt cá mới của tỉnh Hải Nam yêu cầu các tàu thuyền nước ngoài muốn đánh bắt cá hay tiến hành khảo sát trên những vùng biển mà Trung Quốc khẳng định chủ quyền phải được sự chấp thuận trước từ “cơ quan hữu trách” của chính phủ.
Tỉnh Hải Nam khẳng định trách nhiệm quản lý hành chính đối với đảo Hải Nam, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Đông Sa, quần đảo Trường Sa “và các vùng biển phụ cận”. Các vùng biển phụ cận rộng chừng 2 triệu km2 hay khoảng 57% của 3,6 triệu km2 bao quanh bởi đường lưỡi bò mà Trung Quốc đòi chủ quyền trên Biển Đông.
Những tàu thuyền đánh bắt cá hay khảo sát từ chối tuân thủ quy định sẽ bị đuổi ra khỏi khu vực hoặc bị kiểm tra, tịch thu và chịu một mức phạt lên tới 83.000USD. Chính quyền tỉnh Hải Nam cũng khẳng định quyền tịch thu hải sản đánh bắt mà họ tìm thấy trên tàu thuyền bị thu giữ.
Trung Quốc có quyền chủ quyền đối với những vùng biển và thềm lục địa nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của mình. Chính quyền tỉnh Hải Nam có quyền đặt ra những hạn chế đối với tàu thuyền nước ngoài muốn đánh bắt cá trong khu vực 200 hải lý đó, nhưng họ phải tôn trọng quyền đi lại của tất cả các tàu thuyền khác.
Trung Quốc cũng khẳng định chủ quyền đối với vùng biển bao quanh quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam phản bác yêu sách này. Cả Trung Quốc và Việt Nam, với tư cách những quốc gia đã phê chuẩn Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS), không chỉ có nghĩa vụ phải kiềm chế hành động đơn phương mà còn phải hợp tác và kiềm chế hành vi đe doạ vũ lực hoặc sử dụng vũ lực. Tuy nhiên, những nghĩa vụ này từng bị vi phạm trong quá khứ.
Quy định mới của tỉnh Hải Nam cũng được áp đặt lên những vùng biển nằm trong khu vực mà yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc chồng lấn lên các vùng đặc quyền kinh tế mà Philippines và Việt Nam tuyên bố. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm áp đặt chủ quyền của Trung Quốc lên những vùng biển này đều dễ khơi mào cho hành động chống trả và có thể dẫn đến xung đột vũ trang trên biển.
Tuy nhiên, khía cạnh gây tranh cãi nhất của quy định đánh bắt mới lại liên quan đến khái niệm mà người ta vẫn thường gọi là vùng biển quốc tế. Tất cả các tàu thuyền đánh bắt cá và khảo sát đều có quyền tự do đi lại trên vùng biển quốc tế. Bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc hòng gây khó dễ cho những tàu thuyền này đều có thể coi là hành động “cướp biển đội lốt nhà nước”. Điều này rất có thể sẽ kéo theo việc kiện tụng quốc tế nhằm vào tàu thuyền Trung Quốc liên quan.
Trung Quốc rất khó có thể áp đặt được lệnh cấm này trên những vùng biển mênh mông mà tỉnh Hải Nam đòi chủ quyền. Bất chấp khả năng áp đặt luật biển không ngừng tăng lên, kể cả việc sáp nhập một số cơ quan vào lực lượng cảnh sát biển mới, Trung Quốc vẫn thiếu máy bay và tàu thuyền tuần tra biển để thường xuyên giám sát cả khu vực mênh mông này. Thực tế này dẫn đến khả năng là Trung Quốc có thể “ưu tiên” áp dụng quy định trên cho ngư dân Philippines. Điều này sẽ gây thêm áp lực lên Manila và làm tăng chi phí của hành động kháng cự chính trị mà họ nhằm vào Trung Quốc liên quan đến tranh chấp lãnh thổ giữa hai bên.
Quy định đánh bắt mới của chính quyền tỉnh Hải Nam cũng có nguy cơ làm xói mòn những nỗ lực ngoại giao của các quan chức Trung Quốc và Việt Nam nhằm quản lý cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa hai bên. Tháng Mười vừa qua, trong chuyến thăm của Thủ tướng Lý Khắc Cường tới Hà Nội, hai bên đã đồng ý thiết lập đường dây nóng giữa hai bộ nông nghiệp nhằm giải quyết tức thời những sự cố liên quan đến hoạt động đánh bắt cá. Hai nước cũng đã nhất trí thành lập một nhóm công tác về hợp tác hàng hải.
Mặc dù vẫn còn những vụ lẻ tẻ liên quan đến tàu thuyền của chính phủ Trung Quốc và tàu thuyền đánh cá của Việt Nam, song số vụ được báo cáo công khai kể từ cuối năm ngoái dường như đã giảm mạnh. Quy định đánh bắt mới làm tăng khả năng xu hướng này sẽ bị đảo ngược.
Ngay sau khi chính quyền tỉnh Hải Nam ban hành quy định mới, nhiều nước bị ảnh hưởng đã tìm kiếm lời giải thích từ phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Philippines là quốc gia lớn tiếng nhất trong việc chỉ trích quy định đánh bắt cá của tỉnh Hải Nam. Trong một tuyên bố ngày 10.1 vừa qua, Bộ Ngoại giao Philippines đã nêu rõ rằng quy định mới “làm gia tăng căng thẳng, phức tạp hoá tình hình trên Biển Đông một cách không cần thiết và đe doạ hoà bình và ổn định trong khu vực”.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng tuyên bố tương tự: “Việc áp đặt quy định mới này lên hoạt động đánh bắt cá của các nước khác trên các khu vực tranh chấp ở Biển Đông là một hành động khiêu khích và tiềm ẩn nguy hiểm.”
Tuy ban đầu tỏ thái độ im lặng, song Việt Nam cuối cùng cũng đưa ra phản ứng trước quy định đánh bắt cá mới một vài ngày sau  khi Việt Nam và Trung Quốc tổ chức vòng hiệp thương đầu tiên về hoạt động khai thác chung tài nguyên trên biển ở Bắc Kinh như một diễn biến tiếp nối sau chuyến công du của Thủ tướng Lý Khắc Cường vào năm ngoái. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gọi quy định mới này là “phi pháp và vô giá trị” và tuyên bố: “Việt Nam yêu cầu Trung Quốc bãi bỏ hành động sai trái nêu trên, đồng thời đóng góp thiết thực vào việc duy trì hoà bình và ổn định trong khu vực.”
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản ứng trước sự chỉ trích với cái phong cách mà họ từng ứng phó với những lời phàn nàn trong quá khứ. Theo quan điểm của Trung Quốc, hành động của các cơ quan chức năng là “hoàn toàn bình thường và là một phần trong thông lệ của các tỉnh thành Trung Quốc tiếp giáp với biển nhằm thiết lập các quy tắc khu vực theo luật pháp quốc gia để điều chỉnh hoạt động bảo tồn, quản lý và khai thác tài nguyên sinh học biển”.
Hai dấu hỏi vẫn lơ lửng trên đầu những diễn biến mới trong tương lai. Đầu tiên, liệu Trung Quốc có đi đến thiết lập một vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông hay không? Tháng 11 năm ngoái, khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố về ADIZ trên Biển Hoa Đông, họ cũng nêu rõ là “Trung Quốc sẽ thiết lập các vùng nhận diện phòng không khác vào thời điểm thích hợp sau khi hoàn tất việc chuẩn bị”.
Câu hỏi thứ hai là diễn biến mới nhất này sẽ tác động ra sao đến các cuộc thương thảo sắp tới giữa Trung Quốc và ASEAN về một Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông. Trong quá khứ, một số thành viên ASEAN đã đứng ngoài sự chỉ trích công khai mà Philippines nhằm vào Trung Quốc. Nếu ASEAN không thể đạt được sự đồng thuận về cách thức ứng phó với sự quyết đoán mới của Trung Quốc trên Biển Đông thì điều này sẽ có lợi cho Trung Quốc./.

Monday, January 13, 2014

Vẻ đẹp nhạt nhoà của Việt Nam

Việt Nam phải thực hiện một số cải cách thì mới khả dĩ hiện thực hoá được tiềm năng dài hạn của mình

Anthony Fensom | The Diplomat | 10.1.2014Người dịch: Lê Anh Hùng


Slogan “Vẻ Đẹp Bất Tận” của Việt Nam có thể thu hút du khách, nhưng sau 7 năm liền tăng trưởng dưới mức trung bình thì những hy vọng về một sự phát triển bùng nổ và bền vững đã trở nên nhạt nhoà. Liệu nền kinh tế XHCN đang tự do hoá này có lấy lại được sức quyến rũ của mình hay không?
Hôm thứ Ba vừa qua, vụ tai tiếng tham nhũng liên quan đến Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã khơi thêm nhiều hàng tít tai hại cho hệ thống chính trị ở đây. Dương Chí Dũng, cựu chủ tịch Vinalines, khai trước một phiên toà ở Hà Nội rằng ông ta từng hối lộ một quan chức hàng đầu của Đảng Cộng sản hòng tránh bị bắt.
Dương Chí Dũng bị kết án tử hình vì tham nhũng hàng triệu dollar từ Vinalines, vụ tai tiếng gần như khiến doanh nghiệp này phá sản, trong khi em trai ông (cựu đại tá cảnh sát Dương Tự Trọng) thì bị kết án 18 năm tù giam vì giúp anh trai trốn khỏi Việt Nam.
Theo tuần báo TIME, việc báo chí tường thuật rộng rãi vụ scandal này có thể nhằm mục đích xoa dịu sự giận dữ của dân chúng trước tình trạng tham nhũng trong khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và hệ thống chính trị. “Nhiều người coi tham nhũng là thủ phạm khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm chạp thời gian gần đây”, bài báo viết.
Năm 2013, GDP của Việt Nam tăng 5,4%, cao hơn so với mức 5,2% năm 2012 song vẫn thấp hơn mức bình quân 7% trong nhiều năm cũng như mục tiêu 5,5% của chính phủ.
Một quan chức chính phủ nói với báo điện tử VietNamNet rằng nền kinh tế “chưa bao giờ phát triển bền vững”, quy tình trạng suy thoái cho “những bất cân đối trên nhiều mặt của nền kinh tế, vốn đã kéo dài từ một số năm trước, cũng như tác động của cuộc khủng hoảng toàn cầu”.
Tháng 10.2013, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình phát biểu với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) rằng “hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp khó khăn”, kinh tế vĩ mô vẫn “chưa ổn định một cách chắc chắn”, đồng thời kêu gọi tăng cường cải cách cơ cấu và cải thiện lưới an toàn xã hội.
Ảnh: Vietnam via Piter HaSon / Shutterstock.com
Tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu dựa vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu, với tỷ lệ xuất khẩu trên GDP tăng lên đến 75% từ mức 56% năm 2009 (dữ liệu của IMF). Năm ngoái, Việt Nam thu hút gần 22 tỷ USD đầu tư nước ngoài chính thức, tăng 55% so với năm 2012, trong đó Hàn Quốc chiếm vị trí dẫn đầu năm 2012 của Nhật Bản.
Xét trên phương diện này, những bài tường thuật về vụ bạo lực của công nhân tại một nhà máy mới trị giá 2 tỷ USD của Samsung mới đây có thể gây rắc rối, với việc chính phủ đang nỗ lực thu hút các nhà đầu tư nước ngoài bằng cách giảm thuế và chi phí nhân công thấp.
Hệ thống ngân hàng gặp khó khăn
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang có kế hoạch hoàn thành nhiệm vụ tái cấu trúc DNNN trước năm 2016, trong đó có việc sử dụng một công ty quản lý tài sản để mua nợ xấu. Chính phủ vừa mới loan báo trong tuần này là các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được phép nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần trong các ngân hàng thương mại nhằm củng cố hệ thống ngân hàng vốn đang lao đao, với tỷ lệ nợ xấu cao nhất Đông Nam Á.
Chính phủ hy vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng ở mức 5,8%trong năm nay, cao hơn chút ít so với năm ngoái, nhờ lãi suất thấp và tỷ giá yếu.
Trong một bài nghiên cứu, chuyên gia kinh tế Eugenia Fabon Victorino của ngân hàng ANZ dự đoán Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,6% trong năm 2014, “chúng tôi hy vọng đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn tiếp tục đóng góp tích cực vào tăng trưởng, đặc biệt là hoạt động chế tạo liên quan đến xuất khẩu”. FDI và chi tiêu công trong xây dựng sẽ giúp bù đắp cho nhu cầu yếu ở trong nước, cùng với việc ngân hàng trung ương rất có thể vẫn tiếp tục duy trì tỷ giá ổn định, Victorino nói.
Tiềm năng tăng trưởng mới?
Dù vậy, bất chấp tốc độ tăng trưởng kém những năm qua, theo một khảo sát mới đây của Boston Consulting Group (BCG) thì triển vọng dài hạn của Việt Nam vẫn cho thấy nhiều hứa hẹn hơn.
Theo BCG, hơn 90% người tiêu dùng Việt Nam “kỳ vọng sẽ sống tốt hơn cha mẹ mình và kỳ vọng con cái họ sẽ sống tốt hơn họ” – một mức độ lạc quan thuộc vào loại cao nhất trong số 25 nước được khảo sát.
Để so sánh, tỷ lệ này ở Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia là khoảng 70%, trong khi chỉ 9% người tiêu dùng Nhật Bản nói rằng con cái của họ sẽ có cuộc sống tốt hơn.
Với tổng dân số 150 triệu người, Việt Nam và Myanmar được BCG xác định là “tiềm năng tăng trưởng mới của Đông Nam Á”.
“Việt Nam có tầng lớp trung lưu và giàu có phát triển nhanh nhất trong khu vực. Từ năm 2012 đến 2020, lớp người tiêu dùng này sẽ tăng từ 12 triệu lên 33 triệu người”, BCG nhận định.
Trong một báo cáo vào tháng Giêng 2013, công ty PwC Economics dự báo Việt Nam sẽ gia nhập tốp 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới trước năm 2050, đưa GDP (dựa trên chỉ tiêu bình giá sức mua) lên mức 2,7 nghìn tỷ USD để chiếm vị trí thứ 19 như là một trong những chú “ngựa ô” tăng trưởng nhanh nhất ngoài nhóm G20.
Tuy nhiên, để đạt tới định mệnh hứa hẹn đó, Việt Nam cần phải dọn dẹp khu vực kinh tế nội địa của mình; theo IMF, khu vực này đang phải chịu ảnh hưởng của tình trạng năng suất thấp, các nguồn lực phân bổ sai, hệ thống ngân hàng ngập trong nợ xấu và các DNNN kém hiệu quả.
“Vấn đề lớn ở đây là nền kinh tế sẽ ra sao một khi các doanh nghiệp FDI rút lui và khi các nguồn lực trong nước cạn kiệt”, một quan chức chính phủ nói.
Trong khi đó, chính phủ Việt Nam thì vẫn hy vọng rằng chiến dịch tấn công thiện cảm (charm offensive) nhằm vào các nhà đầu tư nước ngoài của họ thực sự mang lại hiệu quả bất tận.