Chương trình Từ Cánh Đồng Mây, Radio Saigon Dallas, phỏng vấn Lê Anh Hùng ngày 24/11/2012. Cuộc phỏng vấn do nghệ sỹ Phan Đình Minh thực hiện:
Wednesday, November 28, 2012
Monday, November 26, 2012
“HỘI CHỨNG LÊ VĂN LUYỆN” TRONG BỘ MÁY CÔNG QUYỀN Ở VIỆT NAM
Lê Anh Hùng
Hà Nội, 27/11/2012
Một năm trước, trong buổi thảo luận về công tác phòng chống tội phạm tại kỳ họp thứ 2 - Quốc hội khoá XIII, ĐBQH Nguyễn Đức Chung (PGĐ Công an Tp Hà Nội) cho biết, với tình hình tội phạm diễn biến phức tạp như hiện nay, chỉ 5-10 năm nữa Việt Nam sẽ có tới gần một triệu người có tiền án tiền sự, trong đó 200.000 trường hợp dưới 30 tuổi. Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm (ĐBQH của Hà Nội) thì dẫn câu chuyện sát thủ Lê Văn Luyện cướp tiệm vàng ở Bắc Giang và kết luận "tội phạm vị thành niên đang ngày càng gia tăng và trở thành một hiện tượng xã hội". Các đại biểu khác cũng bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về mức độ phạm tội không ngừng gia tăng trong giới trẻ nói riêng và xã hội nói chung.
Một năm sau, tại kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khoá XIII, những con số về tình hình tội phạm vị thành niên được đưa ra diễn đàn Quốc hội lại khiến dư luận choáng váng. Cũng như ở kỳ họp trước, trong số các Đại biểu Quốc hội nêu ý kiến tại kỳ họp lần này, nhiều người vẫn đề nghị tăng hình phạt và giảm độ tuổi vị thành niên xuống từ quy định 18 tuổi hiện nay. Và, một lần nữa, câu chuyện sát thủ Lê Văn Luyện lại được dẫn ra như một minh chứng điển hình.
Lê Văn Luyện là kẻ được biết đến không chỉ bởi tội ác dã man khi ra tay sát hại một lúc 3 người và giết hụt 1 người khác vào ngày 24/8/2011 mà còn bởi thái độ thản nhiên, lạnh lùng, vô cảm của y trước các nạn nhân của mình, điều khiến dư luận hết sức phẫn nộ. “Hội chứng Lê Văn Luyện” – hiện tượng xuất hiện hàng loạt kẻ thủ ác lạnh lùng, vô cảm ở tuổi vị thành niên – đang thực sự trở thành nỗi kinh hoàng của cả xã hội.
Trước thực trạng đáng báo động đó, hầu hết các vị ĐBQH đều đổ lỗi cho gia đình, nhà trường hay những bất cập của pháp luật. Tuy nhiên, họ lại quên mất một thực tế là, trước khi trở thành một hiện tượng xã hội, “hội chứng Lê Văn Luyện” dường như đã hiện hữu trong bộ máy chính quyền ở Việt Nam từ lúc nào không hay – đó là thái độ vô cảm của những kẻ vẫn tự xưng là “công bộc” của dân trước nạn nhân của họ. Xin nêu ra mấy dẫn chứng để chứng minh điều đó:
- Hàng trăm ngàn nạn nhân của cuộc Cải cách Ruộng đất “long trời lở đất” những năm 1953-1956 cho đến nay vẫn chưa nhận được gì từ những kẻ đã gây ra cái chết thê thảm cho họ, ngoài mấy giọt nước mắt của người lẽ ra phải chịu trách nhiệm cao nhất về tấn thảm kịch kinh hoàng ấy, mà có lẽ chủ yếu là bởi “sự lãnh đạo của Đảng” lúc bấy giờ chưa được “tuyệt đối và toàn diện” như kể từ đó về sau. Đặc biệt là trường hợp bà Nguyễn Thị Năm, chủ hiệu Cát Thanh Long ở Hà Nội, một nhà tư sản nổi tiếng, địa chủ kháng chiến, có rất nhiều công lao, đóng góp cho cách mạng, cho cuộc kháng chiến chống Pháp những ngày khó khăn gian khổ nhất. Bà có một người con trai là trung đoàn trưởng một trung đoàn của Quân đội Nhân dân Việt Nam; trong Tuần Lễ Vàng, gia đình bà đã hiến 100 lạng vàng cho chính quyền mới thành lập; rất nhiều vị lãnh đạo cấp cao nhất đã được bà nuôi nấng, đùm bọc; hàng trung đoàn bộ đội được bà chăm lo cho từ miếng ăn đến nơi ở. Oái oăm thay, bà lại bị quy là địa chủ phản động và bị chính quyền kháng chiến lôi ra xử bắn năm 1953. Hơn nửa thế kỷ qua, Nhà nước Việt Nam, thủ phạm đã gây ra cái chết cho bà, vẫn vô cảm trước cái chết đầy oan nghiệt và thương tâm mà họ gây ra cho một đại ân nhân của mình. Những nạn nhân vô tội của cuộc Cải cách Ruộng đất như bà rồi sẽ có ngày được dựng bia tưởng niệm nhưng có lẽ điều đó không bao giờ xẩy ra trong “thời đại Hồ Chí Minh” cả.
- Hàng trăm nạn nhân của “Vụ án xét lại chống Đảng” giai đoạn 1967-1973 đến nay vẫn chưa hề được chính quyền minh oan và trả lại danh dự, mặc dù họ phải trải qua bao cảnh tù tội, bị tra tấn cả về thể xác lẫn tinh thần, thậm chí có người còn bỏ mạng trong trại giam, và việc bắt giữ họ không diễn ra theo đúng quy định của pháp luật cũng như không xét xử. Vậy nhưng, theo GS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) thì "năm 1993 và 1994, Bộ Chính trị Đảng CSVN vẫn kết luận sai phạm của những người trong nhóm đó là hoàn toàn đúng sự thật và phải xử lý như vậy"!!!
- Năm 2005, chính quyền Việt Nam đã gây áp lực với chính phủ Indonesia và Malaysia để đục bỏ bia tưởng niệm những thuyền nhân Việt Nam đã bỏ mạng trên đường vượt biển tìm tự do tại đảo Galang (Indonesia) và đảo Bidong (Malaysia). Mỉa mai thay, chính thủ phạm đã khiến cả triệu người dân Việt Nam phải gạt nước mắt rời bỏ nơi “chôn rau cắt rốn” đi tìm đường sống, để rồi phân nửa trong số họ phải làm mồi cho cá hay vùi thân trong chốn rừng sâu, lại tỏ ra vô cảm trước tội ác do mình gây ra trong khi vẫn không ngớt kêu gọi “khúc ruột ngàn dặm” ấy hướng về quê hương!?
- Ngày 21/4/2011, Công an huyện Bến Cát (Bình Dương) đã bắt giữ trái phép anh Nguyễn Công Nhựt (không có lệnh tạm giữ, tạm giam, không thông báo cho Viện KSND huyện Bến Cát). Bốn ngày sau, anh được phát hiện chết trong tư thế treo cổ. Theo báo Người Lao Động ngày 16/2/2012, căn cứ vào những hình ảnh chụp dấu vết trên thi thể anh Nhựt và các tài liệu liên quan mà chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền (vợ anh Nhựt) và luật sư Trần Đình Triển được tiếp cận thì có nhiều chi tiết nghi ngờ anh Nhựt chết không phải do tự tử như: “Một bên đầu gối bị sưng lên như quả chanh, trên ngực có hai dấu vết bầm tím to, bộ hạ bị trầy da bì diện rộng, dương vật bị máu chảy, hai hố chậu xuất hiện 2 vết màu xanh lục diện rộng, màu xanh lục trong quá trình bị thối rữa…”. Thế nhưng cuối cùng những người có trách nhiệm vẫn thản nhiên kết luận là “Anh Nguyễn Công Nhựt treo cổ do ân hận”!?
- Ngày 26/10/2012, ông Trần Văn Đình, Tổng Biên tập Tạp chí Mật mã & Thông tin Liên lạc (Ban Cơ yếu, Bộ Quốc phòng), đã bị lên cơn nhồi máu cơ tim dẫn đến tử vong ngay tại văn phòng làm việc khi nghe vợ gọi điện đến báo tin nhà mình (P418-D2 Giảng Võ) bị cưỡng chế thu hồi trái pháp luật. Ngày 16/11/2012, báo Gia đình & Xã hội đã đăng bài “Cưỡng chế cả người đã khuất”, trình bày về những khuất tất trong việc thực hiện dự án “Đầu tư xây dựng lại nhà tập thể cũ D2 Giảng Võ”, đặc biệt là sai phạm của UBND quận Ba Đình trong vụ cưỡng chế ngày 26/10/2012. Mặc dù ngay từ tháng 8/2011, ông Trần Văn Đình đã có đơn gửi UBND quận Ba Đình và Ban Quản lý Dự án D2 để khẳng định rằng gia đình mình mới là chủ sở hữu căn hộ 418-D2, cũng như nhiều lần gửi văn bản đề nghị họ làm việc với ông về phương án đền bù GPMB căn hộ của ông, song các văn bản phúc đáp đều nói rằng căn hộ thuộc về người khác, và họ từ chối làm việc với ông. Vậy nhưng, trong buổi làm việc với phóng viên sau đó, ông Nguyễn Chí Trung, Phó Trưởng ban GPMB quận Ba Đình, vẫn thản nhiên rằng: “Do gia đình không hợp tác nên việc xác minh hồ sơ cho phương án bồi thường càng khó khăn, không tìm được địa chỉ gia đình đang ở. Hôm xảy ra cưỡng chế, ông Đình mất ở cơ quan, chứ mất ở đây (nơi cưỡng chế - PV) thì to chuyện!” Đến nay, chính quyền quận Ba Đình và phường Giảng Võ, thủ phạm đã gây ra cái chết thương tâm cho ông Trần Văn Đình, vẫn chưa hề có một cử chỉ nào, dù chỉ là tượng trưng, để xoa dịu nỗi đau vô bờ bến của gia đình nạn nhân.
- Theo VOA, sáng ngày 12/11/2012, tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng, ngay trước Phủ Thủ tướng, một số bà con dân oan từ Bình Dương và Thanh Hóa tụ tập đưa kiến nghị và đơn kiện nhân dịp Quốc hội họp. Một lực lượng công an hùng hậu đã được huy động đến để đàn áp. Theo nhân chứng trong cuộc là bà Trần Thị Huỳnh Mai đến từ Bình Dương, vài chục công an hùng hổ cầm dùi cui xông vào chửi bới, đánh đập bà con, giật xé biểu ngữ. Cụ Hà Thị Nhung (76 tuổi, người Thanh Hóa) lớn tiếng đọc những câu vè chống tham nhũng và bị một nhóm công an xông đến xô ngã, đánh vào chỗ hiểm. Cụ ngất tại chỗ. Nhóm công an hèn nhát bỏ chạy mặc dù chúng có sẵn xe và có thể chở cụ đi cấp cứu. Cụ Nhung tắt thở sau đó.
- Chiều ngày 21/11/2012, cụ Nguyễn Xuân Hiền, 75 tuổi, từ Đà Nẵng ra Hà Nội khiếu kiện tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng, cũng bị lực lượng chức năng ở đó giật biểu ngữ mà cụ đang cầm trên tay khiến cụ bị ngã và ngất xỉu.
Cụ Nguyễn Xuân Hiền
Blogger Người Buôn Gió đã phải thốt lên trong bài “Đôi mắt người Dân Oan” trên blog của mình: “Nhưng tất cả … chưa bằng đôi mắt của người đàn ông đang nằm kia. Đôi mắt không còn mang vẻ đau đớn về thể xác nữa, đôi mắt chứa đựng một sự ai oán với cõi đời này. Đôi mắt của một người mang nhiều cay đắng, chua chát trong cõi đời và đã vác chúng đi đến tận cùng của hy vọng, để lại nỗi tuyệt vọng đầy ắp trong đó. Đôi mắt của một người không còn nơi hy vọng, cậy trông, đôi mắt của một người cao tuổi đi gần hết cuộc đời, lúc nằm trên nền gạch giữa đường, dường như mới ngộ ra cuộc đời này không có công bằng… Cái dáng nằm và đôi mắt của ông không còn sự tha thiết với cuộc đời này nữa, giá như người ta có dẫm chết, đánh chết ông lúc này cũng không làm ông bận tâm. Sự uất hận, buồn đau đã đi đến tận cùng để ánh lên trong đôi mắt người đàn ông gầy gò với mái tóc bạc ấy một cái nhìn trống rỗng với thế nhân trong một chiều cuối thu giữa lòng thủ đô Hà Nội, nơi ngàn năm văn hiến, công bằng, dân chủ, văn minh…”
Vẫn Blogger Người Buôn Gió, người có mặt tại hiện trường không lâu sau khi vụ việc xẩy ra, bình luận về bức ảnh này trong bài viết nói trên: “Đây, những chàng trai trẻ của nước CHXHCN Việt Nam , họ chứng kiến một cụ già đang nằm ở vườn hoa kêu đau. Việc của họ như những người thợ săn, họ đứng nhìn con mồi kêu la, để xem đồng loại của con mồi đến giúp. Họ quay phim, ghi hình, báo cáo lập hồ sơ, và sẽ có thành tích.”
Đúng vậy! Họ chính là những kẻ thủ ác vô cảm hay những Lê Văn Luyện khoác áo “đầy tớ nhân dân” trong bộ máy chính quyền hiện nay. Họ không chỉ có mặt ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng mà còn hiện diện trong mọi cơ quan ban ngành từ trung ương đến địa phương trên khắp dải đất hình chữ S này. Họ vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm đang ngày đêm gieo rắc tội ác cho chính dân tộc đã sinh thành ra họ. Họ không còn biết gì đến đạo lý, liêm sỷ hay “lòng tự trọng”, mà nếu “bí” quá khi bị truy vấn thì họ sẽ điềm nhiên phán rằng tất cả là do “Đảng phân công”.[1] Những Lê Văn Luyện ngày nay rõ ràng là “sản phẩm” tất yếu của một hệ thống như vậy. Và, không còn nghi ngờ gì nữa, “thiên đường xã hội chủ nghĩa” với đầy rẫy những Lê Văn Luyện chính là “tương lai tươi sáng” đang chờ đón đất nước chúng ta, một đất nước mà ở đó ngày càng nhiều người lấy lòng căm thù đồng loại làm lẽ sống./.[2]
[2] Các vị “Đại biểu Nhân dân” trong “cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam” xem ra chỉ có hai lựa chọn để thay đổi thực trạng này. Đó là [i] hạ mốc tuổi thành niên theo quy định của pháp luật từ 18 hiện nay xuống khoảng 5-6 tuổi, độ tuổi mà các “đương sự” bắt đầu biết sử dụng “công cụ gây án” (để “đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật” đồng thời tránh việc phải sửa đổi luật lệ liên tục như ý kiến của nhiều vị Đại biểu Quốc hội), và [ii] thay đổi hệ thống hiện hành bằng một bản hiến pháp dân chủ.
Bài đã đăng trên Bauxite Việt Nam ngày 27.11.2012 - http://boxitvn.blogspot.com/2012/11/hoi-chung-le-van-luyen-trong-bo-may.html.
Wednesday, November 21, 2012
TỘI ÁC ECOPARK
Lê Anh Hùng
Hà Nội, 21/11/2012
Sáng 18/11 vừa qua, chúng tôi về huyện Văn Giang (Hưng Yên) theo lời mời của bà con nông dân 3 xã Phụng Công, Xuân Quan và Cửu Cao. Trước cảnh tượng được chào đón như những vị khách quý trong tiếng vỗ tay lẫn tiếng reo hò hân hoan của hàng ngàn người dân thuộc 3 xã bị chiếm đất cho dự án khu đô thị Ecopark, trong chúng tôi trào dâng nhiều cảm xúc lẫn lộn.
Trong khi biểu ngữ mà bà con giăng lên là “Nhân dân yêu đất ba xã Phụng Công, Xuân Quan, Cửu Cao nhiệt liệt chào đón đoàn Đại biểu Quốc hội về với dân” thì trớ trêu thay, không một vị “đại biểu nhân dân” nào do chính họ bầu lên về với người dân nơi đây cả. Thậm chí, dù là ngày nghỉ và bà con đã đề nghị mượn hội trường trong trụ sở UBND xã Phụng Công để đón đoàn nhưng vẫn bị từ chối. Bà con đành phải dựng rạp ngay bên ngoài trụ sở UBND xã để tiếp đón khách khứa.
Bà con hân hoan chào đón khách quý (Ảnh: JB Nguyễn Hữu Vinh)
Mặc dù phần lớn chúng tôi đều là nạn nhân của chế độ trong những hoàn cảnh khác nhau và tất cả đều chẳng lạ gì về sự thối nát của cả hệ thống chính trị, nhưng qua lời kể của bà con cũng như những gì được chứng kiến, chúng tôi vẫn cảm thấy bị sốc, đau xót và phẫn nộ trước tội ác trắng trợn mà những kẻ nhân danh “Nhà nước của dân, do dân và vì dân” gây ra cho những người nông dân thuần hậu, chất phác.
Những năm 2001-2002, người nông dân ở đây bắt đầu chuyển đổi đất ruộng trên cánh đồng chung thuộc ba xã Phụng Công, Xuân Quan và Cửu Cao thành những vườn cây, ao cá. Chỉ trong một thời gian ngắn, cuộc sống của bà con thay đổi hẳn nhờ thành công của công cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, biến 3 xã trở thành một vùng quê trù phú. Dĩ nhiên là để đạt được thành quả đó, họ phải đầu tư rất nhiều tiền của và công sức.
Thế rồi đùng một cái, Dự án Đầu tư Xây dựng Khu đô thị Thương mại - Dịch vụ Văn Giang (Ecopark) ra đời và được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện tại Văn bản số 1495/CP-NN ngày 31/10/2003, đồng thời giao cho Công ty Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng làm chủ đầu tư. Ngày 30/6/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 742/QĐ-TTg về việc thu hồi đất, giao đất để thực hiện dự án và xây dựng đường bộ từ cầu Thanh Trì đi Tp Hưng Yên theo phương thức sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng.
Tất cả diễn ra rất bất ngờ khiến bà con hết sức hoang mang, lo lắng. Trong khi ruộng đất là nguồn sống duy nhất của người dân thì với mức đền bù rẻ mạt 135.000VNĐ/m2 hay 48,6 triệu/1 sào (thậm chí, ban đầu chỉ 19 triệu rồi nâng lên 36 triệu/sào), họ thực sự bị đẩy vào đường cùng. Không chỉ mất đi kế sinh nhai, hầu hết người dân ở đây còn mất trắng những khoản đầu tư lớn trong khi đang phải vay mượn ngân hàng, người thân hay chòm xóm. Như lời cụ Lê Hiền Đức phát biểu trước đông đảo bà con, đây không phải là “thu hồi” hay “giải phóng mặt bằng” gì mà đích thực là hành vi “cướp đất”.
Tác giả (bên phải) đang trao đổi
với một người dân xã Cửu Cao ngày 18/11/2012
Để đạt được mục đích là chiếm đoạt đất đai của nông dân, chính quyền (xã, huyện, tỉnh) và chủ đầu tư đã không từ bất cứ một thủ đoạn nào. Dưới đây là những thủ đoạn nhơ bẩn mà họ áp dụng đối với gia đình thuộc diện thu hồi đất trong vùng dự án mà chưa nhận tiền đền bù (theo lời kể của người dân):
1) Gia đình nào có con em là công chức trong tỉnh thì con em họ được cho tạm nghỉ để về vận động gia đình; nếu không nhận tiền đền bù thì con em của họ bị cho nghỉ việc. Một số gia đình có con em có bằng cấp đành phải hy sinh ruộng vườn để cho con em mình có công ăn việc làm;
2) Những đối tượng đảng sắp sửa kết nạp thì bị gạt ra, với lý do là “không chấp hành chính sách”; đảng viên thì bị đe doạ khai trừ; con cái thành hôn thì không được cấp giấy đăng ký kết hôn;
3) Người dân nào lên tiếng đấu tranh thì bị côn đồ, xã hội đen bịt mặt chặn đường đánh; bể nước của gia đình có người đi đấu tranh thì bị ném thuốc sâu vào; thậm chí còn có những trường hợp nhà dân chống đối bị đốt, bà con biết nhưng không làm gì được vì không bắt được tận tay. Điển hình là chiều ngày 12/7/2012, một nhóm khoảng 20 tên côn đồ hung hãn ngang nhiên mang theo gậy gộc, hung khí vào đuổi đánh và hành hung người dân tại thôn 1, xã Xuân Quan, khiến ba người dân là ông Đàm Văn Đồng (52 tuổi), ông Đàm Văn Nghiệp (54 tuổi) và cụ ông Lê Thạch Bàn (73 tuổi) bị trọng thương.
Đỉnh điểm của tội ác là mờ sáng ngày 24/4/2012, hàng ngàn công an được vũ trang đầy đủ đã tràn vào 3 xã Phụng Công, Xuân Quan và Cửu Cao để cưỡng chế thu hồi đất cho dự án trong tiếng súng nổ, khói lựu đạn cay, tiếng gầm gào của máy xúc, máy ủi cùng cảnh đàn áp dã man những người chống đối. Bà con còn cho chúng tôi xem cả một bao tải “quả nổ nghiệp vụ” mà lực lượng “Công an Nhân dân” đã dùng để trấn áp những người dân giữ đất ngày hôm đó.
Những “quả nổ nghiệp vụ” như thế này đã được lực lượng “Công an Nhân dân”
dùng để trấn áp người dân giữ đất vào ngày 24/4/2012 (Ảnh: Bauxite Việt Nam)
Vẫn theo lời bà con, những người nghe theo lời “tuyên truyền, vận động” của chính quyền mà nhận tiền đền bù thì được cất nhắc vào bộ máy, thế chỗ những người bị loại ra do chống đối. Bởi thế nên hiện nay, đội ngũ cán bộ ở ba xã, đặc biệt là cấp thôn xóm, rất thiếu trình độ và năng lực, bị nhân dân khinh thường và không thể “lãnh đạo” được quần chúng. Cán bộ xã thì luôn bao che lẫn nhau, mặc dù gia đình khá giả vẫn công nhận “hộ nghèo” cho nhau để được hưởng chế độ, chính sách. Nhân dân ở ba xã từ lâu đã không còn tin hay nghe theo chính quyền nữa.
Rời Văn Giang mang theo bao nỗi niềm đan xen, nhất là xúc động trước tình cảm chân thành và lòng hiếu khách của những người dân Phụng Công – Xuân Quan – Cửu Cao, chúng tôi biết rằng họ sẽ còn đấu tranh và đấu tranh đến cùng như đã từng đoàn kết và đấu tranh bền bĩ ròng rã 8 năm qua. Đơn giản là bởi họ đã bị đẩy vào đường cùng và, theo lời một người dân nơi đây, nếu những người đấu tranh như họ mà dừng lại thì chưa biết sẽ bị vùi dập đến đâu, nhất là khi mà những kẻ sai phạm vẫn đang nhởn nhơ do được quan trên “bảo kê”, che chắn. Họ hiểu rằng việc cựu thứ trưởng Bộ TN-MT Đặng Hùng Võ thừa nhận sai lầm trong vụ Văn Giang của mình hôm 8/11 vừa qua mới chỉ là thắng lợi bước đầu thôi, chặng đường phía trước vẫn còn nhiều gian nan.
Bất kể kết cục thế nào, Văn Giang cũng sẽ đi vào lịch sử như là nơi diễn ra cuộc chiến có tổ chức đầu tiên của người nông dân, với sự hỗ trợ của các lực lượng tiến bộ trong xã hội, chống lại những tên cướp đất đội lốt “đầy tớ” của dân. Những gì diễn ra ở đây suốt 8 năm qua rõ ràng là tội ác vô lương của một bộ máy chính quyền đã lưu manh hoá. Và cho dù núp dưới cái tên “khu đô thị sinh thái” mỹ miều, những thế lực đừng đằng sau nó vẫn không thể che dấu được một sự thật: Ecopark chính là hiện thân của một TỘI ÁC đáng ghê tởm./.
Wednesday, November 14, 2012
MỘT CÁN BỘ CAO CẤP CỦA QUÂN ĐỘI ĐỘT TỬ DO BỊ CƯỠNG CHẾ THU HỒI NHÀ TRÁI PHÁP LUẬT
Lê Anh Hùng
Hà Nội, 14/11/2012
Chúng tôi vừa nhận được 2 đơn kiến nghị liên quan tới một trường hợp mà sự tắc trách đến mức khó hiểu của chính quyền ngay giữa lòng Thủ đô đã dẫn họ đi đến chỗ vi phạm pháp luật một cách hết sức trắng trợn, khiến cho một cán bộ cao cấp của quân đội vì quá phẫn uất mà bị nhồi máu cơ tim rồi đột tử.
Đơn kiến nghị thứ nhất là của bà Cao Thị Đức Phúc, sinh năm 1956, nguyên giảng viên Học viện Kỹ thuật Mật mã (Ban Cơ yếu, Bộ Quốc phòng), quả phụ của nạn nhân Trần Văn Đình, người đã bị lên cơn nhồi máu cơ tim dẫn đến tử vong ngay tại văn phòng làm việc khi nghe vợ gọi điện đến báo tin nhà mình (P418-D2 Giảng Võ) bị cưỡng chế thu hồi một cách hoàn toàn trái pháp luật. Ngoài cương vị Tổng Biên tập tạp chí chuyên ngành Mật mã và Thông tin Liên lạc, ông Trần Văn Đình còn là một chuyên gia hàng đầu của Ban Cơ yếu (Bộ Quốc phòng), người sáng chế ra máy tạo khoá loạn đầu tiên của ngành cơ yếu ở Việt Nam.
Đơn kiến nghị thứ hai là của ông Nguyễn Xuân Phong, sinh năm 1944, HKTT tại số 181 Quan Thổ 1 – phường Ô Chợ Dừa – Quận Đống Đa – Hà Nội, con của hai vợ chồng đã chuyển nhượng căn hộ bị cưỡng chế trái pháp luật nói trên cho ông Trần Văn Đình và bà Cao Thị Đức Phúc, vì “UBND quận Ba Đình, UBND phường Giảng Võ đã vi phạm pháp luật khi ra quyết định, thông báo cưỡng chế mà đối tượng cưỡng chế là một người đã mất và một người đang ốm nặng, không phải chủ sở hữu căn hộ 418-D2 Giảng Võ. Nội dung Thông báo đã vu khống, có âm mưu bôi nhọ, xúc phạm danh dự, uy tín gia đình lão thành cách mạng và có các con là cán bộ cao cấp”.
Đơn kiến nghị thứ hai là của ông Nguyễn Xuân Phong, sinh năm 1944, HKTT tại số 181 Quan Thổ 1 – phường Ô Chợ Dừa – Quận Đống Đa – Hà Nội, con của hai vợ chồng đã chuyển nhượng căn hộ bị cưỡng chế trái pháp luật nói trên cho ông Trần Văn Đình và bà Cao Thị Đức Phúc, vì “UBND quận Ba Đình, UBND phường Giảng Võ đã vi phạm pháp luật khi ra quyết định, thông báo cưỡng chế mà đối tượng cưỡng chế là một người đã mất và một người đang ốm nặng, không phải chủ sở hữu căn hộ 418-D2 Giảng Võ. Nội dung Thông báo đã vu khống, có âm mưu bôi nhọ, xúc phạm danh dự, uy tín gia đình lão thành cách mạng và có các con là cán bộ cao cấp”.
Các đơn thư này đã được gửi đến một loạt cơ quan chức năng: Chủ tịch nước, Chính phủ, Bộ Tài nguyên - Môi trường, UBND Tp Hà Nội, UBND quận Ba Đình… và một số cơ quan báo chí như báo Người Cao Tuổi, báo Cựu Chiến Binh…
Vụ việc thương tâm này lại một lần nữa gióng lên hồi chuông về sự ruỗng mục từng ngày từng giờ của một chế độ vẫn tự vỗ ngực là “của dân, do dân và vì dân”. Xem ra ở xứ sở “thiên đường XHCN” này, đồng tiền và quyền lực đang ngày càng tác oai tác quái, sẵn sàng dẫm đạp lên mọi thứ. Người chết thì không thể nào sống lại được nữa nhưng rõ ràng công luận cần phải lên tiếng để lấy lại công bằng cho người còn sống và an ủi oan hồn của người đã khuất.
Thông tin thêm về vụ cưỡng chế nhà D2 Giảng Võ ngày 26/10/2012 cũng như về dự án đầy tai tiếng này (đặc biệt là việc dự án được giao cho một chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính):
2) Bài đăng trên báo điện tử Phụ Nữ Today ngày 22/10/2012: “Muốn bán nhà mình cũng không được” (Kiến nghị khẩn cấp của gia đình ông Trần Văn Thông, 94 tuổi, P210-D2 Giảng Võ, thuộc diện gia đình cách mạng. Khi Dự án cải tập thể cũ Giảng Võ ra đời, gia đình ông chỉ mong muốn được bán lại căn nhà cho chủ đầu tư, nhưng không hiểu vì lý do gì chủ đầu tư không mua để tới giờ chính quyền ra quyết định cưỡng chế di dời);
3) Bài đăng trên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam ngày 24/10/2012: “Dân không đồng tình với QĐ cưỡng chế di dời của UBND quận Ba Đình”;
4) Thông tin về vụ đột tử đã lan truyền trong dân chúng: Bài trên website Quê Choa ngày 14/11/2012 “Nên chăng lại để trống tại cửa toà để dân đến kêu oan” (… trong vụ cưỡng chế nhà D2 Giảng Võ, một người đàn ông cũng đã đột tử ngay tại bàn làm việc, khi nghe người nhà báo tin chính quyền phường đang cưỡng chế nhà ông…).
ĐƠN THƯ CỦA BÀ CAO THỊ ĐỨC PHÚC:
Thẻ đảng viên của ông Trần Văn Đình
Thượng tướng Chu Huy Mân, Phó Bí thư Quân uỷ TW thăm cơ sở thực nghiệm kỹ thuật của Ban Cơ yếu Trung ương năm 1979 (ông Trần Văn Đình là người ngoài cùng bên phải)
ĐƠN KIẾN NGHỊ CỦA ÔNG NGUYỄN XUÂN PHONG:
Monday, November 12, 2012
SỰ HOANG TƯỞNG CỦA QUYỀN LỰC
Lê Anh Hùng
Hà Nội, 12/11/2012
Muammar Gaddafi, người từng nắm quyền lực tuyệt đối suốt 42 năm tại Lybia, đã phải sống những ngày cuối cùng của đời mình trong cảnh trốn chui trốn nhủi, ăn gạo sống và mì ống mà đám hầu cận nhặt được từ các nhà dân bỏ hoang. Bất chấp thực tế phũ phàng đó, suốt gần hai tháng trốn chạy khỏi thủ đô Tripoli cho đến khi phải đền tội, ông ta vẫn quyết không chịu từ bỏ quyền lực vì một mực cho rằng người dân Libya vẫn còn yêu quý mình lắm. Kết cục là ông ta bị đám chiến binh cuồng nộ hạ sát trong một cảnh tượng hỗn loạn, đầy bạo lực và khủng khiếp ngày 20/10/2011, rồi bị trưng bày trong kho lạnh của một cửa hàng thịt ở Misrata như “chiến lợi phẩm” cho đông đảo dân chúng “chiêm ngưỡng”.
Thời kỳ ở đỉnh cao quyền lực, Gadhafi thậm chí còn tự phong cho mình những “danh hiệu” vô tiền khoáng hậu như “Nhà lãnh đạo anh em”, “Người dẫn đường của cách mạng”, “Người bảo vệ hơn 6 triệu dân Libya”, "Vua của các vị vua châu Phi" hay "Lãnh tụ của Thế giới Hồi giáo", v.v.
Cựu tổng thống Libya Gaddafi không phải là trường hợp cá biệt mà là một hiện tượng phổ biến trong thế giới độc tài: chứng hoang tưởng của những kẻ vốn quen với việc nắm giữ quyền lực chuyên chế và độc đoán.
Trước khi buộc phải dùng súng để tự kết liễu đời mình vào ngày 30/4/1945, Hitler từng nuôi tham vọng xây dựng một Đệ tam Quốc xã kéo dài tới 1.000 năm như Đế chế La Mã Thần thánh, thực thể mà ông ta gọi là Đệ nhất Quốc xã (Đệ nhị Quốc xã là Đế chế Đức do Bismarck tạo dựng). Viễn cảnh của ông ta là một đế chế thống nhất của các quốc gia Giéc-manh trên toàn Châu Âu, trong đó các dân tộc khác nhau sẽ gia nhập một chính thể thuần chủng dưới sự lãnh đạo của người Đức.
Các lãnh tụ cộng sản trên thế giới như Lenin, Stalin hay Mao Trạch Đông vẫn mơ tưởng về một “thế giới đại đồng” thông qua một cuộc “cách mạng thế giới” do giai cấp vô sản tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Mao Trạch Đông, nhà độc tài của Trung Hoa cộng sản từ năm 1949 cho đến khi lìa trần năm 1976, từng quả quyết trong một cuộc họp Bộ Chính trị Đảng CSTQ tháng 8/1965: "Chúng ta phải giành cho được Đông Nam Á, bao gồm cả miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malaysia và Singapore... Một vùng như Đông Nam Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản... xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy... Sau khi giành được Đông Nam Á, chúng ta có thể tăng cường được sức mạnh của chúng ta ở vùng này, lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô - Đông Âu, gió Đông sẽ thổi bạt gió Tây".
Trong một dịp khác, “Người cầm lái vĩ đại” của Đảng CS Trung Quốc thậm chí còn khẳng định: “Chúng ta phải chinh phục toàn cầu để từ đó xây dựng nên một quốc gia hùng mạnh” và “Các quốc gia và vùng đất gồm Myanmar, Lào, Bắc Ấn Độ, Việt Nam, Nepal, Bhuttan, Thái Lan, Malaysia, Singapore, các hòn đảo Ryukyu, 300 hòn đảo trên Biển Đông, biển Hoa Đông, biển Hoàng Hải cùng với Kyrgyzstan, Mông Cổ, Đài Loan, Nam Kazakhstan, tỉnh Bahdashan và Transbaikalia của Afghanistan và vùng Viễn Đông cho tới Nam Okhotsk, Nga... lẽ ra là của Trung Quốc nếu triều đại nhà Thanh không sụp đổ”.
Về đối nội, Mao Trạch Đông là cha đẻ của chính sách “Đại Nhảy Vọt” giai đoạn 1958-1960, đồng thời là người phát động cuộc “Cách mạng Văn hoá” giai đoạn 1966-1976, những tấn thảm kịch đã gây ra cái chết cho hàng chục triệu người dân Trung Quốc.
Ở Việt Nam, Tổng Bí thư Lê Duẩn, người vẫn được ca tụng bằng những mỹ từ như “người hai trăm ngọn nến”, “nhà lãnh đạo lỗi lạc”, hay “một tư duy sáng tạo lớn”, v.v., lại chính là “tác giả” của những “tư tưởng lớn” như “ba dòng thác cách mạng”, “làm chủ tập thể” hay ý tưởng xây dựng cấp huyện thành những “pháo đài kinh tế” trên toàn quốc. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, người kế nhiệm ông, thì có câu nói xứng đáng được khắc vào bia đá để đời đời nhắc nhở hậu thế: “Dù bành trướng thế nào thì Trung Quốc cũng vẫn là một nước xã hội chủ nghĩa”!!!
Trong chuyến thăm Cuba hồi tháng 4/2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài thuyết giảng “nổi tiếng” về chủ nghĩa xã hội tại Trường Đảng Cao cấp Nico Lopez, với những lời khẳng định đanh thép như "Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử" hay “Những thành tựu đổi mới tại Việt Nam đã chứng minh rằng, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế”, v.v.
Hoang tưởng là một chứng bệnh tâm thần rất khó cứu chữa. Nếu ai đó vẫn còn hoài nghi về điều này thì hãy xem bài viết mới đây trên báo Quân Đội Nhân Dân của GS.TS Nguyễn Đức Bình, người tiền nhiệm của GS.TS Nguyễn Phú Trọng trong Hội đồng Lý luận Trung ương nhưng đã rời khỏi Bộ Chính trị – “vị Vua tập thể” của “thời đại Hồ Chí Minh” – từ hơn 10 năm trước :
… "Chuyển đổi" (Việt Nam ) sang con đường tư bản chủ nghĩa chăng? Đã có "kiến nghị" như thế. Tuy nhiên, nhân dân không thể đồng tình…
… Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh từ năm 1930 đến nay và mãi từ nay về sau là chủ thuyết cách mạng nhất quán của Việt Nam, dứt khoát không thay đổi và không ai có thể thay đổi. Chủ thuyết này đã đưa cách mạng Việt Nam hơn 80 năm qua đi từ thắng lợi lịch sử này đến thắng lợi lịch sử khác...
Ở nước ta không có đất cho chủ nghĩa tư bản thống trị như một chế độ xã hội, không có đất cho một chủ thuyết chính trị nào khác khả dĩ được nhân dân chấp nhận, ngoài độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản với ngọn cờ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Khách quan lịch sử mà nói, một chủ thuyết chính trị khác, chẳng hạn chủ nghĩa xã hội dân chủ ai đó đang mơ tưởng, đối lập với độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, dù có tô vẽ ngụy trang thế nào đi nữa thì rốt cuộc thực chất không thể gì khác là một đường lối đưa dân tộc trở lại số phận nô lệ hay phụ thuộc vào các thế lực đế quốc thực dân bên ngoài…
Lord Acton, tác gia kiêm chính trị gia người Anh thế kỷ 19, từng để lại cho đời câu châm ngôn bất hủ: “Quyền lực dẫn tới tha hoá, quyền lực tuyệt đối thì tha hoá tuyệt đối”. Sau những gì đã diễn ra trong thế kỷ 20 cũng như đầu thế kỷ 21 này, đặc biệt là “dấu ấn” đậm nét của các lãnh tụ cộng sản "lỗi lạc", nhân loại có lẽ đã “ngộ” thêm một “chân lý” nữa về quyền lực, đó là: “Quyền lực dẫn tới hoang tưởng, quyền lực tuyệt đối thì hoang tưởng tuyệt đối”./.
Thursday, November 8, 2012
THƯ TỐ CÁO LẦN THỨ 69
Lời dẫn:
THƯ TỐ CÁO LẦN THỨ 69 này đã được gửi qua đường Internet ngày 7/11/2012 đến đầy đủ các cơ quan chức năng ở Việt Nam, cũng như hầu hết các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương cùng hàng loạt cơ quan, ban ngành và cá nhân khác (xem: Danh sách địa chỉ email mà Lê Anh Hùng đã gửi Thư Tố Cáo). Ngày 5/11/2012, tôi đã gửi THƯ TỐ CÁO LẦN THỨ 68 với nội dung tương tự.
Kính thưa quý vị,
Sau khi tôi gửi Thư Tố Cáo Khẩn Cấp (lần thứ 67) vào ngày 21/10/2012 vừa qua, ngày 26/10/2012 tôi đã gặp Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. Ý kiến của ông trong cuộc trao đổi với tôi như sau:
1) Ngày 25/10/2012, ông đã hỏi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về đơn thư của tôi, ông Chủ tịch Quốc hội cho ông biết là “đang xem xét” vụ việc và nói thêm “vụ việc phức tạp lắm”;
2) Ông không thể phán xét đúng sai về vụ việc, bởi nội vụ quá phức tạp, và mong cơ quan chức năng làm sáng tỏ vụ việc, nếu tôi vu khống thì phải xử tôi về tội vu khống chứ không nên để tình trạng này kéo dài;
3) Một đài nước ngoài đã đề nghị phỏng vấn ông về vụ việc của tôi, nhưng ông từ chối vì “không muốn làm vụ việc thêm rối”;
4) Ông tỏ thái độ không bằng lòng với việc Cục A67, Bộ Công an thu giữ văn bản xác nhận của ông về việc tiếp nhận và chuyển đơn thư của tôi;
5) Sau khi đã chuyển đơn thư của tôi cho ông Chủ tịch Quốc hội, ông cũng đã một lần “lưu ý” ông Bộ trưởng Bộ Công an về vụ việc của tôi;
6) Ông đề nghị tôi gửi thêm cho ông 01 bộ đơn thư (tôi gửi cho ông luôn 2 bộ);
7) Ông làm theo đúng chức trách của mình; song ông cũng biết đây là một vụ việc quá phức tạp và đụng chạm.
Trong vụ việc này, ĐBQH Dương Trung Quốc đã thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao khi tiếp nhận đơn thư của tôi và chuyển đến tận tay ông Chủ tịch Quốc hội, người đồng thời cũng là một nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng.
Đến nay, không chỉ Công an Quảng Trị và Công an Hà Nội đã tiếp nhận đơn thư của tôi mà nó còn được ĐBQH Dương Trung Quốc trao tận tay ông Chủ tịch Quốc hội. Vì vậy, tôi khẩn thiết kêu gọi quý vị, tuỳ theo cương vị và khả năng của mình, hãy lên tiếng để góp sức cùng ĐBQH Dương Trung Quốc tạo sức ép nhằm buộc nhà chức trách phải giải quyết vụ việc. (Không nhất thiết quý vị phải ủng hộ tôi mà chỉ cần quý vị lên tiếng đòi làm sáng tỏ vụ việc thôi. Nếu tôi tố cáo đúng thì phải xử lý những người bị tố cáo, dù chỉ là xử lý nội bộ; còn nếu tôi vu khống thì phải xử tôi về tội vu khống, không để vụ việc tiếp tục gây hoang mang trong dư luận, nhất là khi mà vụ tố cáo của tôi đã tràn lan trên mạng và người tố cáo vẫn đều đặn viết báo đăng trên các trang mạng uy tín trong và ngoài nước.)
Xin trân trọng cám ơn quý vị.
Hà Nội, ngày 7/11/2012
Lê Anh Hùng
NỘI DUNG THƯ TỐ CÁO LẦN THỨ 67
Kính thưa quý vị,
Kể từ ngày 21/4/2008 đến ngày 17/6/2012, tôi đã SÁU MƯƠI SÁU (66) lần gửi thư tố cáo những tội ác tanh tưởi của bè lũ Nông Đức Mạnh – Nguyễn Tấn Dũng – Hoàng Trung Hải qua mạng Internet.
Ngày 16/11/2011, tôi đã trực tiếp đến gửi thư tố cáo tại Phòng Thanh tra, Công an Quảng Trị. Ngày 23/3/2012, ngày 11/4/2012 và ngày 16/4/2012, tôi cũng đã chủ động đến gặp họ để làm việc thêm với họ về đơn thư tố cáo, đồng thời để thúc đẩy họ sớm trả lời đơn thư của tôi.
Ngày 21/5/2012, tôi đã gọi điện gặp Thanh tra Công an Quảng Trị để hỏi về đơn thư tố cáo của tôi. Tuy nhiên, người ta cứ trả lời tôi quanh co, yêu cầu tôi phải cung cấp giấy tờ nọ, giấy tờ kia (không theo quy định nào của pháp luật) thì họ mới chịu “thụ lý” vụ việc.
Ngày 6/6/2012, tôi đã gửi đơn thư bằng văn bản theo đường bưu điện đến 8 vị có trách nhiệm ở Trung ương (gồm Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm, Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Trương Hoà Bình, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hoà Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra TW Ngô Văn Dụ) và gửi trực tiếp cho Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.
Ngày 22/6/2012, ĐBQH Dương Trung Quốc đã trao cho tôi văn bản xác nhận việc ông đã tiếp nhận đơn thư của tôi và chuyển cho ông Chủ tịch Quốc hội, kèm theo ý kiến của ông với tư cách Đại biểu Quốc hội. Ông nói với tôi là nếu lâu họ không trả lời thì cứ gọi điện giục ông để ông thúc giục họ phải trả lời đơn thư theo luật định.
Ngày 27/6/2012, một số sỹ quan an ninh thuộc Cục Chống phản động và phòng chống khủng bố (A67), Bộ Công an đã bắt cóc tôi một cách phi pháp khi tôi đang đứng đợi xe buýt trên đường Nguyễn Trãi. Sau khi đã lập đủ kiểu biên bản với tôi, họ buộc phải thả tôi ra vì việc tôi tố cáo là công khai trong khi nhà chức trách vẫn chưa chính thức điều tra về vụ việc. Tuy nhiên, họ đã tạm giữ trái phép USB của tôi cùng một số tài liệu cá nhân, trong đó có cả văn bản tiếp nhận đơn thư mà ĐBQH Dương Trung Quốc trao cho tôi hôm 22/6/2012.
Ngày 2/7/2012, tôi có mặt tại Cơ quan An ninh Điều tra, Công an Hà nội để làm việc với ông Nguyễn Thế Thanh, cán bộ điều tra, theo giấy triệu tập của Công an Hà Nội. Tuy nhiên, hôm đó tôi đưa ra yêu cầu họ phải trả lại tài sản cá nhân và giấy tờ của tôi đã bị Cục A67 thu giữ trái phép cũng như họ phải xuất trình các bộ đơn thư mà tôi đã gửi trực tiếp tại Công an Quảng Trị ngày 16/11/2011, gửi qua đường bưu điện đến 8 vị có trách nhiệm ở Trung ương và gửi trực tiếp cho ĐBQH Dương Trung quốc ngày 6/6/2012 thì tôi mới hợp tác với họ, chứ tôi không làm việc với họ qua các biên bản mà Cục A67 đã lập với tôi trong khi tôi bị bắt giữ trái phép.
Ngày 6/7/2012, tôi có mặt tại Cơ quan An ninh Điều tra, Công an Hà Nội để làm việc theo giấy mời của họ. Mặc dù họ vẫn không đáp ứng các yêu cầu hôm 2/7 của tôi nhưng tôi vẫn tỏ thiện chí hợp tác và làm việc với họ.
Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, nhà chức trách vẫn chưa trả lời tôi cũng như ĐBQH Dương Trung Quốc, mặc dù theo luật định thì cơ quan tiếp nhận đơn thư do ĐBQH chuyển phải trả lời cả người tố cáo lẫn ĐBQH, trong khi tôi đã 5 lần gọi điện hỏi ông về đơn thư của mình. Ngày 16/8/2012, tôi gọi điện cho Cơ quan An ninh Điều tra, Công an Hà Nội để hỏi về đơn thư của mình thì được biết là bản thân họ cũng đang chờ ý kiến của cấp trên, cũng như chờ xem nhà chức trách trả lời ĐBQH Dương Trung Quốc như thế nào.
Ngày 5/8/2012, cụ Phạm Hiện, 91 tuổi, lão thành cách mạng (số nhà 5 hẻm 2/245/6 phố Khương Trung; điện thoại: 0438583750), đã gửi đơn thư đến các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước tố cáo lý lịch mờ ám của ông Hoàng Trung Hải (ông ta là người Hán) đồng thời lên tiếng về vụ tố cáo của tôi. Nhưng đến nay vẫn chưa có cơ quan chức năng nào trả lời công khai về đơn thư của cụ, mặc dù nó đã lan tràn trên mạng Internet và gây hoang mang dư luận. Trước đó, ngay từ năm 2007, một số cán bộ, đảng viên đã và đang công tác tại Uỷ ban Kiểm tra TW, Ban Tổ chức TW, Ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ đã gửi Tâm Huyết Thư đến lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng các vị Uỷ viên BCHTW Đảng để tố cáo nguồn gốc Hán của ông Hoàng Trung Hải.
Đại tá Nguyễn Văn Tuyến, cán bộ tiền khởi nghĩa, lão thành cách mạng, P106-C19 Thanh Xuân Bắc (điện thoại 04 38546968), người từng nhiều lần lên tiếng với lãnh đạo Đảng và Nhà nước về tham nhũng và tiêu cực trong xã hội cũng như tình hình nguy khốn của đất nước, đã gửi rất nhiều đơn thư cho các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước yêu cầu giải quyết vụ việc của tôi nhưng đến nay vẫn chưa hề được chính thức hồi âm.
Cặp bài trùng tanh tưởi Nguyễn Tấn Dũng - Hoàng Trung Hải, những tên Việt gian bán nước với bàn tay dính đầy máu người, không chỉ đã và đang ngày đêm tàn phá đất nước này mà còn khống chế, thao túng nhiều vị lãnh đạo cấp cao vốn ít nhiều dính líu vào vụ việc do tôi tố cáo. Đấy chính là lý do vì sao vụ tố cáo của tôi không được giải quyết và Hội nghị TW6 vừa rồi lại biến thành trò hề.
Rõ ràng, vụ việc do tôi tố cáo là vô cùng nghiêm trọng, liên quan đến vận mệnh đất nước. Vì vậy, tôi khẩn thiết kêu gọi ĐBQH Dương Trung Quốc yêu cầu những người có trách nhiệm là nếu họ vẫn không chịu trả lời ông về đơn thư của tôi thì ông sẽ đưa vụ việc ra trước diễn đàn Quốc hội. Tôi cũng khẩn thiết đề nghị quý vị gửi bức thư tố cáo này đến các vị Đại biểu Quốc hội đang dự Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII và những người có trách nhiệm khác, những người có tiếng nói trong xã hội, các bậc lão thành cách mạng, Hội Cựu Chiến binh các cấp, Hội Người Cao Tuổi các cấp v.v. để họ lên tiếng yêu cầu nhà chức trách phải trả lời về vụ việc. Đồng thời, quý vị hãy phổ biến rộng rãi bức thư này để nhà chức trách không thể phớt lờ việc giải quyết vụ việc do tôi tố cáo.
Trân trọng cám ơn quý vị.
Hà Nội, 22/10/2012
Lê Anh Hùng
(CMND số 012191640 do Công an Hà Nội cấp ngày 15/7/2004; điện thoại: 01243210177; blog cá nhân: leanhhungblog.blogspot.com; trang Facebook cá nhân:www.facebook.com/lehunglpa.)
Các tài liệu đính kèm:
1) Bản chụp Đơn Tố Cáo của Lê Anh Hùng gửi 8 vị có trách nhiệm ở Trung ương cùng ĐBQH Dương Trung Quốc;
2) Văn bản xác nhận của ĐBQH Dương Trung Quốc về tiếp nhận và chuyển đơn thư của Lê Anh Hùng cho ông Chủ tịch Quốc hội;
3) Tóm lược ý kiến của ĐBQH Dương Trung Quốc trong các cuộc trao đổi với Lê Anh Hùng;
4) Giấy mời làm việc ngày 5/7/2012 của Cơ quan An ninh Điều tra, Công an Hà Nội gửi Lê Anh Hùng;
5) Các cuộc điện thoại giữa Lê Anh Hùng với ông Nguyễn Thế Thanh, cán bộ điều tra, Cơ quan An ninh Điều tra, Công an Hà Nội;
Đây là Nhật ký Bổ sung V, bổ sung những diễn biến kể từ ngày 15/4/2012 đến 20/10/2012, đăng trên blog cá nhân của tôi: http://www.leanhhung.com/2012/10/nhat-ky-bo-sung-v_21.html
Xin mời quý vị xem bè lũ ma quỷ này đã làm gì với đất nước suốt nhiều năm qua qua hai bài viết của tôi đã đăng trên các trang mạng trong và ngoài nước: “Điều gì đang xẩy ra với ngành điện lực của Việt Nam” và “Một nền kinh tế đang trên đà ‘Hán hoá’?”
Monday, November 5, 2012
KHOA HỌC VÀ CHÍNH TRỊ
Lê Anh Hùng
Hà Nội, 5/11/2012
Thời gian gần đây, giữa lúc tình hình đất nước đang diễn biến theo chiều hướng ngày càng xấu hơn trên hầu khắp các mặt, từ chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục cho đến an ninh - quốc phòng, những phát ngôn sơ sẩy của một vài nhà khoa học kiêm chính trị gia không chỉ khiến cho dân chúng chưng hửng mà còn gây ra nhiều bức xúc trong dư luận.
Tiêu biểu cho những bình luận thiếu chín chắn như thế là lời khẳng định của GS.TS Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước, trong một bài viết hơn một năm trước trên báo Nhân Dân, “Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN … khác hẳn về bản chất và cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản”, và phát biểu của GS.TS Nguyễn Lân Dũng (nguyên Đại biểu Quốc hội ba khoá X, XI, XII và hiện là Uỷ viên Uỷ ban TW Mặt trận TQVN) trong cuộc phỏng vấn của đài BBC ngày 15/8/2012: "Ban Chấp hành Trung ương đã đại diện cho toàn nhân dân rồi"!!!
Người ta chưng hửng và bức xúc chủ yếu là vì những “phát ngôn nhân” đó không phải chỉ là những chính trị gia thuần tuý mà họ trước hết là những nhà khoa học với đầy đủ học hàm, học vị khiến bao người phải ngưỡng phục.
Người ta chưng hửng và bức xúc chủ yếu là vì những “phát ngôn nhân” đó không phải chỉ là những chính trị gia thuần tuý mà họ trước hết là những nhà khoa học với đầy đủ học hàm, học vị khiến bao người phải ngưỡng phục.
Khoa học và chính trị rõ ràng là hai lĩnh vực không mấy tương thích với nhau. Trong khi nhà khoa học, theo đúng nghĩa, luôn nói những gì mà mình tin là đúng về mặt khoa học thì nhà chính trị lại thường phát ngôn điều mà những người quyết định vận mệnh chính trị của mình muốn nghe, bất kể đó là cử tri trong chế độ dân chủ hay “tổ chức” trong chế độ độc tài đảng trị. Trung thực - đức tính tối quan trọng đối với một nhà khoa học - xem ra lại không phải tấm vé thông hành đắc dụng trong chính trị, đặc biệt là ở các quốc gia cộng sản, nơi mà sự giả dối đã ngự trị ngay từ đầu. Khoa học không cần tới bất kỳ một bộ xiêm y lộng lẫy nào để khẳng định mình, trong khi chính trị - từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây - luôn là một nghệ thuật, một loại hình “sân khấu” đặc biệt cho đủ kiểu “diễn viên”, chính diện cũng như phản diện.
Một giai thoại thú vị về Isaac Newton (1642-1727) cho chúng ta thấy một nhà khoa học lỗi lạc lại hoàn toàn có thể là một tay mơ trong chính trị. Nhân vật mà nhiều người vẫn ví như là nhà khoa học vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại này từng 2 lần (1689-1690; 1701) tham gia Nghị viện Anh với bao kỳ vọng của dân chúng. Tuy nhiên, phát biểu duy nhất của ông với tư cách nghị sỹ mà người ta ghi lại được lại là thế này: “Trong này lạnh quá, làm ơn đóng giùm tôi cái cửa sổ đi!”
Giáo sư Tạ Quang Bửu là một nhà khoa học kiêm chính trị gia tiêu biểu đã để lại dấu ấn của mình trên chính trường Việt Nam dưới chế độ cộng sản. Với tư cách Bộ trưởng Bộ Đại học và THCN, ông đã tạo ra bước ngoặt trong chính sách giáo dục ở Bắc Việt Nam những năm 1970 bằng cách đề ra hình thức thi vào đại học. (Trước đó, học sinh vào đại học chỉ được lựa chọn dựa trên thành phần và lý lịch, chứ không trải qua thi cử.) Bên cạnh đó là những tấm gương nhà khoa học kiêm chính trị gia như GS Tôn Thất Tùng (1912-1982; Thứ trưởng Bộ Y tế từ năm 1947-1961; Đại biểu QH liên tục từ khoá II đến khoá VII), luật sư Ngô Bá Thành (1931-2004; nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội; Đại biểu QH các khoá VI, VII, VIII và X) hay GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Đại biểu QH khoá XI và XII). Họ đều là những người được biết đến với bản tính bộc trực, thẳng thắn và trên hết là vì dân, vì nước. Vài ví dụ đó đủ cho chúng ta thấy những nhà khoa học thành công trong chính trị ở Việt Nam là không hề thiếu, dù dưới chế độ độc tài đảng trị thì đây là điều không đơn giản chút nào. Ngay cả với GS Nguyễn Đình Tứ, một người vẫn được đánh giá cao cả về tài năng lẫn nhân cách và là nhà khoa học duy nhất được “vinh dự” đặt chân vào Bộ Chính trị, người ta cũng thấy tiếc cho ông như một nhà khoa học xuất chúng của nước nhà.
Bất luận thế nào, giới khoa học cũng là “hiền tài” và “nguyên khí” của quốc gia. Cách đây ngót 70 năm, nhiều nhà khoa học xuất chúng của Việt Nam đã dấn thân và thể hiện tinh thần trách nhiệm cao cả, chí công vô tư của mình trước tình thế “nước sôi lửa bỏng” của nước nhà. Dĩ nhiên, không phải tất cả họ đều hiện diện trong nội các của Thủ tướng Trần Trọng Kim hay trong Chính phủ và Nghị viện Nhân dân của nền dân chủ cộng hoà non trẻ sau đó.
Tài năng là một khái niệm khó lượng định, song nhân cách xem ra lại không khó đến vậy, như đại thi hào Nguyễn Du xưa vẫn tâm niệm: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Lịch sử dường như lại một lần nữa đặt lên vai các nhà khoa học chân chính trong và ngoài nước một sứ mệnh nặng nề mà cao cả, bất kể họ có tham gia vào sân chơi chính trị hay không. Bởi không ai khác mà chính họ, những tinh hoa của giống nòi, mới là những người đầu tiên nhận ra đâu là căn nguyên của tình trạng tụt hậu, trì trệ và rối ren hiện nay của nước nhà./.
Bài đã đăng trên Bauxite Việt Nam ngày 6.11.2012 - http://boxitvn.blogspot.com/2012/11/khoa-hoc-va-chinh-tri.html
Bài đã đăng trên Bauxite Việt Nam ngày 6.11.2012 - http://boxitvn.blogspot.com/2012/11/khoa-hoc-va-chinh-tri.html
KHOA HỌC VÀ CHÍNH TRỊ
Lê Anh Hùng
Hà Nội, 5/11/2012
Thời gian gần đây, giữa lúc tình hình đất nước đang diễn biến theo chiều hướng ngày càng xấu hơn trên hầu khắp các mặt, từ chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục cho đến an ninh - quốc phòng, những phát ngôn sơ sẩy của một vài nhà khoa học kiêm chính trị gia không chỉ khiến cho dân chúng chưng hửng mà còn gây ra nhiều bức xúc trong dư luận.
Tiêu biểu cho những bình luận thiếu chín chắn như thế là lời khẳng định của GS.TS Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước, trong một bài viết hơn một năm trước trên báo Nhân Dân, “Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN … khác hẳn về bản chất và cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản”, và phát biểu của GS.TS Nguyễn Lân Dũng (nguyên Đại biểu Quốc hội ba khoá X, XI, XII và hiện là Uỷ viên Uỷ ban TW Mặt trận TQVN) trong cuộc phỏng vấn của đài BBC ngày 15/8/2012: "Ban Chấp hành Trung ương đã đại diện cho toàn nhân dân rồi"!!!
Người ta chưng hửng và bức xúc chủ yếu là vì những “phát ngôn nhân” đó không phải chỉ là những chính trị gia thuần tuý mà họ trước hết là những nhà khoa học với đầy đủ học hàm, học vị khiến bao người phải ngưỡng phục.
Người ta chưng hửng và bức xúc chủ yếu là vì những “phát ngôn nhân” đó không phải chỉ là những chính trị gia thuần tuý mà họ trước hết là những nhà khoa học với đầy đủ học hàm, học vị khiến bao người phải ngưỡng phục.
Khoa học và chính trị rõ ràng là hai lĩnh vực không mấy tương thích với nhau. Trong khi nhà khoa học, theo đúng nghĩa, luôn nói những gì mà mình tin là đúng về mặt khoa học thì nhà chính trị lại thường phát ngôn điều mà những người quyết định vận mệnh chính trị của mình muốn nghe, bất kể đó là cử tri trong chế độ dân chủ hay “tổ chức” trong chế độ độc tài đảng trị. Trung thực - đức tính tối quan trọng đối với một nhà khoa học - xem ra lại không phải tấm vé thông hành đắc dụng trong chính trị, đặc biệt là ở các quốc gia cộng sản, nơi mà sự giả dối đã ngự trị ngay từ đầu. Khoa học không cần tới bất kỳ một bộ xiêm y lộng lẫy nào để khẳng định mình, trong khi chính trị - từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây - luôn là một nghệ thuật, một loại hình “sân khấu” đặc biệt cho đủ kiểu “diễn viên”, chính diện cũng như phản diện.
Một giai thoại thú vị về Isaac Newton (1642-1727) cho chúng ta thấy một nhà khoa học lỗi lạc lại hoàn toàn có thể là một tay mơ trong chính trị. Nhân vật mà nhiều người vẫn ví như là nhà khoa học vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại này từng 2 lần (1689-1690; 1701) tham gia Nghị viện Anh với bao kỳ vọng của dân chúng. Tuy nhiên, phát biểu duy nhất của ông với tư cách nghị sỹ mà người ta ghi lại được lại là thế này: “Trong này lạnh quá, làm ơn đóng giùm tôi cái cửa sổ đi!”
Giáo sư Tạ Quang Bửu là một nhà khoa học kiêm chính trị gia tiêu biểu đã để lại dấu ấn của mình trên chính trường Việt Nam dưới chế độ cộng sản. Với tư cách Bộ trưởng Bộ Đại học và THCN, ông đã tạo ra bước ngoặt trong chính sách giáo dục ở Bắc Việt Nam những năm 1970 bằng cách đề ra hình thức thi vào đại học. (Trước đó, học sinh vào đại học chỉ được lựa chọn dựa trên thành phần và lý lịch, chứ không trải qua thi cử.) Bên cạnh đó là những tấm gương nhà khoa học kiêm chính trị gia như GS Tôn Thất Tùng (1912-1982; Thứ trưởng Bộ Y tế từ năm 1947-1961; Đại biểu QH liên tục từ khoá II đến khoá VII), luật sư Ngô Bá Thành (1931-2004; nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội; Đại biểu QH các khoá VI, VII, VIII và X) hay GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Đại biểu QH khoá XI và XII). Họ đều là những người được biết đến với bản tính bộc trực, thẳng thắn và trên hết là vì dân, vì nước. Vài ví dụ đó đủ cho chúng ta thấy những nhà khoa học thành công trong chính trị ở Việt Nam là không hề thiếu, dù dưới chế độ độc tài đảng trị thì đây là điều không đơn giản chút nào. Ngay cả với GS Nguyễn Đình Tứ, một người vẫn được đánh giá cao cả về tài năng lẫn nhân cách và là nhà khoa học duy nhất được “vinh dự” đặt chân vào Bộ Chính trị, người ta cũng thấy tiếc cho ông như một nhà khoa học xuất chúng của nước nhà.
Bất luận thế nào, giới khoa học cũng là “hiền tài” và “nguyên khí” của quốc gia. Cách đây ngót 70 năm, nhiều nhà khoa học xuất chúng của Việt Nam đã dấn thân và thể hiện tinh thần trách nhiệm cao cả, chí công vô tư của mình trước tình thế “nước sôi lửa bỏng” của nước nhà. Dĩ nhiên, không phải tất cả họ đều hiện diện trong nội các của Thủ tướng Trần Trọng Kim hay trong Chính phủ và Nghị viện Nhân dân của nền dân chủ cộng hoà non trẻ sau đó.
Tài năng là một khái niệm khó lượng định, song nhân cách xem ra lại không khó đến vậy, như đại thi hào Nguyễn Du xưa vẫn tâm niệm: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Lịch sử dường như lại một lần nữa đặt lên vai các nhà khoa học chân chính trong và ngoài nước một sứ mệnh nặng nề mà cao cả, bất kể họ có tham gia vào sân chơi chính trị hay không. Bởi không ai khác mà chính họ, những tinh hoa của giống nòi, mới là những người đầu tiên nhận ra đâu là căn nguyên của tình trạng tụt hậu, trì trệ và rối ren hiện nay của nước nhà./.
Bài đã đăng trên Bauxite Việt Nam ngày 6.11.2012 - http://boxitvn.blogspot.com/2012/11/khoa-hoc-va-chinh-tri.html
Bài đã đăng trên Bauxite Việt Nam ngày 6.11.2012 - http://boxitvn.blogspot.com/2012/11/khoa-hoc-va-chinh-tri.html
Subscribe to:
Posts (Atom)